HỘI NHẬP NHƯ MỘT LẼ ĐƯƠNG NHIÊN VƯƠNG TRÍ NHÀN Tôi không muốn dùng lại cái chữ tất yếu đã được giới nghiên cứu văn học ở ta dùng quá nhiều, đến mức sáo mòn. Song đúng là hội nhập nhất định phải trở thành xu thế chi phối đời sống văn hóa chúng ta trong những năm tới, đến mức, không thể khác được. Không nên văn học nào, dù độc đáo đến đâu, lại chỉ biết có quy luật tồn tại riêng của mình mà không chịu sự tác động của những quy luật chung đã chi phối văn học toàn thế giới. Dưới ánh sáng của những kinh nghiệm chung đã được nhân loại đúc kết, người ta có thể giải thích được mọi hiện tượng văn học dân tộc, kể cả những hiện tượng tưởng chừng như ngoại lệ. Theo tôi hiểu, nhấn mạnh hội nhập văn hóa, trước tiên là nhấn mạnh những quy luật chung đó. Để chúng ta thấy mình cũng như mọi người. Và để chúng ta đừng quá cường điệu những đặc điểm riêng của nền văn học dân tộc, rồi co mình lại, lảng tránh, không chịu tìm hiểu văn học nước ngoài, và lấy những kinh nghiệm đa dạng đó để làm giàu cho mình. Là cởi mở, là khoan dung, là đối thoại, hội nhập là chủ động và thông minh trong giao tiếp chứ tuyệt nhiên, hội nhập không phải là học đòi, đua đả, tự từ bỏ chính mình - nếu ai nói thế thì chính chúng ta cũng phản đối. Thế còn chuyện bản sắc dân tộc? Chính là ta sẽ hiểu ta thêm, qua tiếp xúc với người. Nói bản sắc chỉ có thể tìm thấy thông qua con đường hội nhập, là với nghĩa đó. Giới sáng tác và nghiên cứu văn học ở ta còn phải làm nhiều việc để hội nhập có kết quả: - Phải trở lại với những kinh nghiệm lịch sử (cả thành công cũng như thất bại) của ông cha. - Phải tìm hiểu kinh nghiệm hội nhập của nước ngoài, nhất là các nước láng giềng. - Phải phác họa những phương hướng chủ đạo trong việc tìm hiểu văn hóa nước ngoài, bao gồm một quy hoạch tổng thể, để hội nhập tốt nhất, có kết quả nhất, tránh đi những con đường vòng vô ích. Trong phạm vi văn học mà xét, tôi muốn nhắc lại ở đây những tên tuổi quen thuộc bậc nhất trong lịch sử văn chương mấy thế kỷ qua, từ Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, qua Tản Đà, Hoàng Ngọc Phách, Ngô Tất Tố, Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu... và nhiều người khác nữa. Có thể nêu lên một nhận xét khái quát là những ai thành công trong văn học ta ít nhiều đều từng tha thiết tìm hiểu văn học nước ngoài, và biết từ đó rút ra những bài học cần thiết cho sáng tác của mình. Tôi nghĩ đó cũng phải là tinh thần chi phối những ngòi bút đầy tài năng của chúng ta hôm nay.
w Nguồn: Phụ nữ, Tp.HCM (26-8-1995) 4-28-11 |