NGƯỜI VIỆT
Nhật Tiến
Cách
đây 25 năm, nhà tôi cách nhà anh Nhật Tiến khoảng 5 phút xe. Nhiều buổi
chiều nếu không đi nhậu tôi thường tản bộ trong chu vi một dặm vuông
quanh nơi cư trú, vừa thể dục vừa suy nghĩ đủ chuyện, hội họa, văn
chương, thời sự… Nhiều bức tranh, nhiều trang chữ được thai nghén vào
thời điểm này. Suốt ba năm, cho đến ngày gia đình tôi chuyển đến nơi
khác, tôi vẫn trung thành với độc nhất một lộ trình.
Nhà văn Nhật Tiến (Hình: Khôi Nguyên/Người Việt) Lộ
trình này sẽ ngang qua nhà anh Nhật Tiến, nằm góc một vòng cua trong khu
xóm yên tĩnh nhiều bóng cây dọc hai vỉa hè. Nhìn sân trước, nếu không
thấy xe, tôi biết anh đã ra ngoài, ngược lại, anh có nhà. Thường, tôi ít
khi ghé vào, bởi giản dị, chuyện trò với anh tôi phải luôn giữ mình,
không thể lếu láo, bông phèng như bản chất tôi vốn thế.
Nhưng từ lúc Hợp Lưu ra đến số 3, cụt vốn, tôi phải “cứu” bằng cách viết
và bán cho một nhà xuất bản một cuốn dâm thư lấy tiền tiếp tục duy trì
tờ báo. Tuy Hợp Lưu không chết, song bị “tẩm quất” khắp nơi, từ tít mù
bên trời Âu, Pháp, Đức, Na Uy, Đan Mạch… đến láng giềng gần, Canada, Mễ.
Riêng tại quận Cam, Mỹ, không tuần nào tôi không bị mang ra “hài tội” và
rủa sả, bỉ thử. Chả hạn trong bài phiếm một tờ tuần báo viết thế này, về
tôi: “Ra đường, nhỡ gặp KT, tránh không được buộc phải bắt tay, thì để
khỏi lây bệnh aids, nhớ cẩn thận đeo vào mười ngón tay mười cái
condoms.” (ý nói hai tay tôi từng gõ bàn phím viết dâm thư nên vi trùng
aids bám đầy, nguy cơ lây bệnh rất cao nếu không bảo vệ bằng những cái
condoms!) Tâm
trạng tôi thời điểm này không mấy tốt vì phải tứ bề thọ địch, thường
trực cảnh giác, chống trả, tả xung hữu đột. Nhiều lúc mệt mỏi quá, tôi
ghé anh Nhật Tiến, cốt tâm sự, và tìm đồng minh. Anh tiếp tôi đúng phong
cánh nhà giáo, từ tốn nhưng vui vẻ, tận tình, bằng tấm lòng rộng mở của
một người anh hiểu biết và cực kỳ sâu sắc. Anh đồng cảm việc tôi đang
làm. Để khích lệ cũng như tiếp sức, anh bảo tôi đưa tên anh vào ban biên
tập, dù tôi chưa mời. Có lẽ nhờ uy tín của anh nên sau đó, nhanh chóng,
đã thêm rất nhiều nhà văn, nhà thơ trên khắp thế giới bằng lòng ghi tên
vào “sổ phong thần” để cùng tôi nghe chửi! Nhờ
tác quyền cuốn dâm thư, và nhờ sự đánh phá… cạn tàu ráo máng của các
đấng có lập trường chống cộng kiên định, tờ báo bỗng nổi tiếng, độc giả
tò mò tìm mua và đọc. Nghề của tôi là vẽ vời, liên quan mật thiết đến mỹ
thuật, nên ngoài nội dung bài vở, hình thức của tờ báo cũng là điều tôi
quan tâm rất mực. Tôi vẫn quan niệm một bài báo, một cuốn sách sẽ được
lưu ý, trân trọng nếu trình bày, in ấn đàng hoàng. Hợp Lưu đáp ứng được
hai yêu cầu trên, bài vở phong phú, hình thức mỹ thuật. Tờ báo được đánh
giá là diễn đàn văn học nghệ thuật biên khảo đẹp và uy tín nhất ở hải
ngoại vào thời điểm ấy.
Thành quả này tất nhiên không do một mình tôi tạo nên, mà là công sức,
tim óc của tất cả anh chị em từng cộng tác với tờ báo. Rõ nét và cụ thể
nhất là những người gần gũi với tôi, như anh Nhật Tiến. Một lần tôi ghé
anh, mặt mày cau có bặm trợn. Anh hỏi:
“Việc gì thế?” Anh
bảo tôi ngồi xuống sofa, mở tủ lạnh lấy chai nước lọc đẩy về phía tôi, Tôi
kể, đêm qua khoảng 2 giờ sáng điện thoại reo, tôi bắt máy thì lập tức
tiếng rủa xả thô tục từ đầu dây bên kia ném sang, kèm theo lời hăm dọa:
“Đ.M thằng Việt cộng nằm vùng, bọn tao sẽ ném lựu đạn vào nhà, cho cả lũ
chúng mày chầu diêm vương.” Nổi máu du côn, tôi đáp trả: “Đụ mẹ chúng
mày, nói đéo thiêng, ngon, sáng mai, đúng 10 giờ tao chờ chúng mày ở
Mile Square Park muốn chơi kiểu gì cũng được, tay không, dao, súng, tao
cân tuốt.” “Thế
sáng nay thế nào?” Thực
ra tôi đã tiên liệu kết cục này, Bảy năm ở lính tôi rành quá bọn chuyên
đánh võ mồm, chửi rủa thì không ai bằng, đụng chuyện là co vòi ca bài
tam thập lục kế tẩu đào vi thượng sách. Bấy
giờ anh Nhật Tiến mới từ tốn:“Cậu nóng quá mất khôn, ngộ nhỡ gặp đứa
cũng nóng như cậu, ra điểm hẹn cùng cậu thi thố võ công, dao, súng. Ăn
thua chưa bàn đến, chỉ thấy nhãn tiền là cậu và nó bị bắt, nằm ấp. Thiệt
thân lãng xẹt. Sao không thâu băng giao cảnh sát? Trên xứ này, hăm dọa
kiểu đó tù mọt gông là cái chắc.”
Ngẫm, anh Nhật Tiến nói không sai. Nóng tính và phổi bò là nhược điểm
lớn nhất gây không ít rắc rối cho tôi trong dĩ vãng. Suốt mười ba năm
làm Hợp Lưu, đã không ít lần anh Nhật Tiến giúp tôi kềm chế, suy nghĩ
thiệt hơn trước khi đưa ra một quyết định liên quan đến tờ báo. Như
chuyện nhận hay không tài trợ. Tôi
quen với Đoàn Văn Toại. Một hôm Toại nói: “Ông muốn xin tài trợ của
chính phủ cho tờ Hợp Lưu không?”Và giải thích, Quốc Hội Hoa Kỳ có một
phân bộ là “Viện Vận Động Dân Chủ”. Viện này có một ngân sách lớn, dùng
để tài trợ cho các tổ chức đối lập tại các quốc gia độc tài, thiếu vắng
dân chủ, Việt Nam nằm trong danh sách những quốc gia thuộc dạng này. Nếu
tôi xin, với lời giới thiệu của Toại, bảo đảm sẽ được. Tôi vui lắm, mét
ngay với anh Nhật Tiến, anh nói:“Chuyện quan trọng, cậu họp ngay ban
biên tập đi.” Tôi
triệu tập một buổi họp. Địa điểm, garage nhà tôi, cũng là tòa soạn Hợp
Lưu. Buổi họp chừng sáu người, tôi không nhớ chính xác gồm những ai nên
không nêu tên, nhỡ sai, không hay. Hầu hết mọi người cùng quan điểm với
tôi, dưng không mỗi năm có 10.000 đô (số tiền này sẽ tăng hàng năm)
không còn lo tờ báo chết. Chỉ riêng anh Nhật Tiến phản đối, anh
nói:“Ngày xưa tờ Sáng Tạo của Mai Thảo vì nhận trợ cấp của Mỹ mà mang
tiếng đến bây giờ. Hợp Lưu tự nuôi thân được, không việc gì phải xin trợ
cấp. Các
bạn hẳn biết không đồng tiền nào ném ra mà không có những điều kiện kèm
theo. Điều kiện rõ nhất ngay khi mình chấp nhận nhận tiền là mỗi số báo
phải có ít nhất một bài phê phán, kêu gọi tự do dân chủ cho Việt Nam,
bài báo này phải được dịch sang tiếng Anh gửi cho Viện Vận Động Dân Chủ.
Các bạn nghĩ xem, phiền phức không?” Sau
một hồi bàn thảo, tất cả đều công nhận điều anh Nhật Tiến nói là đúng.
Và ban biên tập quyết định từ chối trợ cấp. * Tôi
quen khá nhiều văn nghệ sĩ thuộc mọi bộ môn, trong, ngoài nước, mới, cũ,
già, trẻ. Người nào tôi cũng yêu mến, duy chỉ ba người tôi kính phục,
trân trọng hết lòng. Đó là anh Nghiêm Xuân Hồng, Mai Thảo và Nhật Tiến. Về
mặt văn chương, cả ba đều không hợp tạng tôi. Ngày
xưa anh Nghiêm Xuân Hồng là đầu tàu của nhóm Quan Điểm, dùng văn chương
làm vũ khí chống cộng, nên khô như gạch. Tác phẩm kịch của anh, Người
Viễn Khách Thứ Mười, ráng lắm tôi đọc đến trang thứ 30 là đầu hàng, bỏ
dở, không cách chi đọc tiếp! Anh
Nhật Tiến xuất thân là nhà giáo nên văn chương hiền lành, nhẹ nhàng,
“tải đạo.” Tôi, đi lên từ bùn nhơ, nên không chịu được loại văn chương
“giáo khoa” này. Anh
Mai Thảo, ngoài tập tùy bút mỏng dính Đêm Giã Từ Hà Nội và một vài
truyện ngắn cùng tập thơ Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền, số còn lại,
trên dưới 50 tiểu thuyết, tôi đều không chịu nổi, văn chương điệu đà,
đọc phát mệt. Nhưng cả ba đều là những nhân cách tuyệt vời. Về
già anh Nghiêm Xuân Hồng thay đổi hẳn 180 độ. Từ một người say mê chính
trị, anh biến thành một cư sĩ, một thiền sư uyên thâm kinh điển. Ngoài
các tác phẩm liên quan đến Phật giáo anh đã viết và đều đặn xuất bản,
còn hàng ngày tới các chùa giảng kinh. Anh thường đến thăm tôi, nhìn
công việc tôi làm, cười nhẹ hiền từ: “Cậu
có biêt cậu đang làm công việc của một Bồ tát không?” “Em
không hiểu.”
“Phát nguyện của các Bồ tát là yêu thương tất cả mọi người, xóa bỏ hận
thù, xiển dương điều thiện. Cậu làm Hợp Lưu là đang thực hiện công việc
tôi vừa nói. Đó là công việc của các Bồ tát.”
Nhà văn Nhật Tiến tại toà soạn Thiếu Nhi Anh
Mai Thảo thường bị hiểu lầm là một người trịch thượng, cao ngạo, khó
gần. Sự thật anh thủy chung, hào sảng, trượng phu với tất cả mọi người,
nhất là bạn bè, không phân biệt tuổi tác, mới cũ và đặc biệt hơn nữa,
trân trọng rất mực chữ nghĩa. Suốt cuộc đời chưa bao giờ anh dùng chữ
nghĩa để bỉ thử ai, dù có không ít những đồn thổi, những bài viết tiêu
cực về anh. Đã rất nhiều lần anh nói với “bọn trẻ” chúng tôi, chữ nghĩa
đẹp lắm cơ, đừng dùng nó như một thứ vũ khí, hãy tử tế với nó. Hợp Lưu
có những lúc bị đối xử tồi tệ, tôi nóng, nhiều lần định trả đũa rồi chợt
nhớ lời Mai Thảo, tôi nuốt cơn giận xuống. Phải, “chữ nghĩa đẹp lắm cơ,
hãy tử tế với nó.” Anh Mai Thảo, em nhớ anh! Anh
Nhật Tiến, những lúc tôi lao đao vì tờ báo, anh luôn bên cạnh. Tấm lòng
của anh, nhân cách của anh mãi mãi không bao giờ tôi quên. Ngày anh ra
đi, vì bệnh tôi không thể đến tiễn đưa, đến hôm nay tôi vẫn còn ân hận. |