Chuyện
nghề văn: sách có lộc, sách mất lộc Phạm Quang Đẩu
Người viết, với mỗi đứa con tinh thần ra đời, dường như đều có một số
phận khác nhau, mà có thể gọi nôm là sách có lộc, sách mất lộc. Cuốn
tiểu thuyết Một ngày là mười năm
vừa được Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội dịch sang tiếng Lào là động thái
mới nhất cho cuốn sách có lộc này. Sách ra đời từ một cuộc vận động viết
tiểu thuyết sử thi về đề tài chiến tranh của Bộ Quốc phòng Việt Nam hơn
10 năm trước. Nội dung kể về cuộc đời một trí thức yêu nước bước vào
cuộc kháng chiến chống Pháp, nhận nhiệm vụ một mình mang 18 kg vàng ròng
vượt Trường Sơn, qua Lào, sang đất Thái mua một số thiết bị, khí tài cho
chính phủ kháng chiến ở chiến khu Việt Bắc, nhưng khi trở về bằng đường
biển thì đụng tầu chiến Pháp, hàng phải tiêu hủy, thủy thủ hy sinh,
người mang hàng bị bắt, sau được thả về Hà Nội tạm chiếm. Đây là
câu chuyện có thật của một kỹ sư điện tử giảng dạy từ khóa đầu tiên ở
Đại học Bách khoa Hà Nội, năm 1956. Nhưng nếu chỉ có vậy thì đã không
gọi là “tiểu thuyết”. Từ đây nhân vật chính bắt đầu được hư cấu. Ra tù,
ông làm lại từ đầu bằng việc có mặt trong đội quân tình nguyện Việt Nam
chiến đấu ở Lào. Rồi trong một tình huống bất khả kháng ở vùng địch hậu,
ông có một đứa con rơi mà không biết. Lúc về già ông bị dằn vặt nhiều về
mối tình sét đánh đó...Ngày ấy mỗi nhà văn sau khi nộp “quyển”, giám
định đủ chất lượng được Bộ Quốc phòng đầu tư ngay 30 triệu đồng, đó là
khoản “lộc” đầu tiên. Sách ra cuối năm 2009, thì đầu 2010 được liền
khoản lộc thứ hai, trúng giải
Văn học sông Mê Kông. Tại thủ đô Viêng Chăn, tác giả cùng các nhà văn
của 3 nước Đông Dương được nhận từ tay ông Phó thủ tướng thường trực
nước chủ nhà cái “cúp” biểu tượng cuộc thi và phong bao 1000USD, tương
đương hơn 20 triệu VNĐ. Tác phẩm được tái bản ngay trong năm ấy, bìa
cứng, giấy tốt, hầu hết sách được tặng các cựu chiến binh là quân tình
nguyện quốc tế Việt Nam ở Lào. Thông qua tạp chí
Văn nghệ quân đội, Bộ Quốc
phòng còn “bồi dưỡng” thêm
cho người được giải 5 triệu nữa. Chưa hết lộc, cuối năm 2019 có cuộc thi
viết của Bộ Quốc phòng 3 nước Đông Dương, tác giả dựa vào một tình tiết
có thật trong tiểu thuyết đó để viết thành một truyện ký mới và được
nhận giải B, bằng do Bộ trưởng, Đại tướng Ngô Xuân Lịch ký, kèm theo 20
triệu VNĐ. Cuối năm 2020 vừa qua, tác phẩm được NXB Văn học dịch ra
tiếng Lào và toàn bộ số sách in ra phát hành bên nước bạn Lào. Chuyện
này còn được nhờ Mạng toàn cầu. Cục Xuất bản, Bộ Văn hóa thông tin qua
Viet-studies. net của GS.Trần Hữu Dũng bên Mỹ từ lâu đã giới thiệu trọn
bộ Một ngày là mười năm mà
liên hệ với tác giả và tổ chức dịch thuật. Theo dịch giả Bùi Thị Ngọc
Dung thuộc Ban Đối ngoại trung ương, thì cuốn sách đáp ứng đầy đủ các
tiêu chí về tình đoàn kết chiến đấu giữa hai dân tộc Việt-Lào cùng chất
lượng văn chương. Lộc bản quyền tuy không lớn(4,5 triệu VNĐ), nhưng rất
có ý nghĩa vì đây là cuốn sách đầu tiên của tác giả được dịch ra tiếng
nước ngoài.
Cùng một tác giả, với cuốn Đánh
đu cùng số phận(NXB Văn học 2012) thì hoàn toàn ngược với cuốn trên,
có thể gọi là mất lộc.
Cuốn sách ra đời sau vụ tai tiếng của ngành Giáo dục nước ta, một trường
phổ thông trung học ở Hà Giang, hiệu trưởng Sầm Đức Xương mại dâm học
sinh. Nhưng nội dung sách thì không có một dòng nào về vụ án này, dù
trong đó cũng có một tay hiệu trưởng đốn mạt, mọi chuyện hoàn toàn là hư
cấu, tiểu thuyết hóa. Có lẽ vì sách đề cập tới vấn đề nhạy cảm của xã
hội, vụ “Hà Giang” còn chưa hết nóng, nên lúc sách ra khá tưng bừng.
Thường thì sách văn học chỉ in khoảng 1000 cuốn trở lại, sách này in
2000 cuốn, bán đắt như tôm tươi. Tác giả lấy nhuận bút bằng sách 200
cuốn, bộ phận phát hành của nhà xuất bản còn gọi điện “thương lượng”,
đưa ngay số sách nhuận bút càng nhiều càng tốt để bán “giúp”. Bỏ qua
chuyện nhuận bút không bằng tiền mà lấy sách, thì sau đó đã diễn ra liên
tiếp các tình huống dở khóc dở cười:
Báo mạng VnExpress đăng phơi-tông
Đánh đu cùng số phận 40 kỳ liền, đến hỏi nhuận bút thì họ nói đây là
lấy theo sách đã in, tác giả không có chế độ gì(?). Rồi
Đài Tiếng nói Việt Nam trong
mục Đọc truyện đêm khuya, đọc liền 25 tối (giọng đọc Hải Yến, giữa năm
2015 có 20519 lượt xem trên mạng) cũng không có lời nào báo cho tác giả
biết, khoảng 2 năm sau ngày đài đọc, tình cờ tác giả lang thang trên
mạng bắt gặp clip phát thanh, hỏi thì nhà đài nói ráo hoảnh, chuyện qua
lâu rồi, người biên tập đã chuyển sang cơ quan khác. Người hỏi còn được
nghe một lời khuyên khá cụ thể: “Bác ơi, tiền thù lao cho tác giả như
trường hợp này chỉ khoảng 1 triệu thôi, mà giấy tờ rút tiền qua nhiều
khâu phiền phức lắm đấy ạ”. Vẫn chưa hết chuyện nhiêu khê. Một hôm tác
giả “sớt” trên mạng thấy ở nhà sách eBook phương Nam có quảng cáo bán
cuốn Đánh đu cùng số phận với
hình ảnh bìa khác hẳn bìa do NXB Văn học in lần đầu và kèm theo lời giới
thiệu cũng khá chân tình: “Đánh
đu cùng số phận là câu chuyện suy đồi đạo đức của cả hệ thống quan chức
ở một địa phương.
Nhà văn Phạm Quang Đẩu mạnh dạn khai
thác đề tài sex, một đề tài nhạy cảm và thường được các nhà văn khác sử
dụng như một thủ pháp nghệ thuật để hút khách, tuy nhiên ông lại khiến
chủ đề này chân thật và dễ thấu hiểu hơn rất nhiều.” Viết
email hỏi, nhà sách trả lời gọn lỏn: Chúng tôi không có chức năng xuất
bản! Tác giả liền nhờ một người bạn ở Tp.Hồ Chí Minh đến nhà sách eBook
quận Tân Bình mua dùm cuốn sách mới ra, thôi thì đã không có thù lao
cũng muốn biết cụ thể mặt mũi đứa con “đẻ chui” ấy thế nào chứ. Đến nơi,
tịnh không thấy trên kệ sách có cuốn
Đánh đu cùng số phận nào,
biết chuyện trước đấy tác giả đã viết mail hỏi, thì người bạn gắt như
mắm tôm trong điện thoại: Ông dốt bỏ mẹ, đánh động vậy nó giấu biệt còn
gì!
Hai đứa con tinh thần có hai “cái số” ngược nhau là vậy và dường như ở
trong tình trạng “cho hay muôn sự tại trời” cả. Nhiều tác giả khác trong
cuộc đời viết lách của mình có thể cũng đã gặp những tình huống được/mất
kể trên, không biết họ có xử sự giống như người trong cuộc ở đây, trở
thành “chàng AQ” của cụ Lỗ Tấn, hét to lên rằng, kiểu gì ta cũng...
thắng?! Tác giả gửi cho viet-studies ngày 18-1-21 |