PHAN KHÔI: TÁC PHẨM ĐĂNG BÁO 1928
CÂU CHUYỆN HẰNG NGÀY
TIỂU DẪN CỦA NGƯỜI SƯU TẦM
Như chính Phan Khôi, dưới bút danh Thông Reo trong bài hài đàm Giấc mộng kỳ khôi trên báo Trung lập (ngày 10.2.1931) đã tiết lộ: Tân Việt là bút danh mà Phan Khôi và Diệp Văn Kỳ ký chung ở những bài viết cho mục Câu chuyện hằng ngày trên Đông Pháp thời báo và sau đó trên báo Thần chung. Mục Câu chuyện hằng ngày xuất hiện trên Đông Pháp thời báo từ số 673 (thứ năm 19.1.1928). Ban đầu các bài trong mục này thường là của Q.C. (Quán Chi tức Đào Trinh Nhất) (ở các số 673, 677, 678, 679, 680, 684, 685, 687, 697), của Phiêu Linh Tử (ở các số 705, 707, 709, 710, 712, 713, 747), của B.T.M. (Bùi Thế Mỹ), của Sơn Xuyên Bút (một độc giả, ở số 715); đôi khi cuối bài không ký tác giả (ở các số 675, 676, 681, 683, 691). Phan Khôi cũng có vài bài ký C.D. đăng trong mục này (ở các số 714, 717) trong số đó bài Mấy cái quái trong sách và báo ta đã gây thành một cuộc thảo luận kéo dài mấy tháng. Bút danh Tân Việt xuất hiện trong mục Câu chuyện hằng ngày từ số 723 (24.5.1928), trước đó đã xuất hiện dưới dạng viết tắt T.V. (số 693, ngày 10.3.1928). Từ đó cho đến lúc chấm dứt Đông Pháp thời báo, Tân Việt trở thành tác giả duy nhất của Câu chuyện hằng ngày, tưởng như chỉ do một người viết, nếu không có sự "bật mí", vài năm sau, của một trong hai tác giả. Ban đầu, các bài trong mục này cũng chưa có sự xác định về thể tài; thậm chí đôi khi nó biến thành nơi mà người của toà soạn bất đắc dĩ phải đôi co với đối tượng bị mục này nói đến (ví dụ xung quanh chuyện Hồ Hải thư xã huy động tiền trước khi in và gửi sách cho người góp tiền). Về sau, nhất là với việc ổn định một bút danh Tân Việt, mục này định hình dần về thể tài báo chí với tính cách một loại "hài đàm", nhàn đàm, dùng giọng điệu hài hước, mỉa mai để nói về một đề tài thời sự nào đó; tác giả mục này cũng tự xây dựng hình ảnh của mình ít khi như là tự tả thực về bản thân, nhưng thường khi lại là bồi tụ những nét của kiểu người đùa rỡn, bỡn cợt, chọc cười thiên hạ. Dầu biết rằng đây là chuyên mục do hai người viết ký chung một tên, chúng ta vẫn hiểu không phải hai người cùng "viết chung" từng bài. Có thể căn cứ vào giọng văn, vào phạm vi đề tài, vào cách lập ý, v.v... để nhận định và dự đoán từng bài cụ thể có thể là sản phẩm của ngòi bút Phan Khôi hay không. Tuy nhiên sự nhận định và dự đoán như vậy vẫn không thể thay thế những căn cứ xác đáng hiển nhiên về tác giả thực của từng bài, -- điều mà ngày nay hơi khó tìm biết. Vì vậy, dưới đây xin bạn đọc tiếp nhận Câu chuyện hằng ngày như là loạt tác phẩm viết chung của Phan Khôi và Diệp Văn Kỳ.
N.S.T.
- Có mấy đấng thượng đế - Ông Nguyễn An Ninh và báo La Tribune Indochinoise... - Hai đêm hát giúp các hội học sinh bên Pháp - Ông quận Cầu Kè bị phạt - Điên hoàng đế - Một tờ thông tư... - Tại sao mà chúng tôi lại công kích... - Đố ai biết An Nam chết ngày nào lợi hơn hết. - Dân Tàu ở Nam Kỳ... - Mùa hát năm nay - Đổi tên An Nam theo điệu chữ Lang Sa... - Nước lã khuấy nên hồ. - Chuyện một học trò... - Cái bia của đức Quốc công. - Đã lại vì dành đất - Mình cứ lỗ luôn. - Cấm lạy còn lạy - Cái thói nói tiếng Lang Sa - Người Tây chép chuyện Tàu... - Đàn bà có nên diễn thuyết. - Thầy giáo Tân Hương - Đốc học Levrat. - Chuyện mấy ông thơ toán - Tại sao An Nam đánh Chà - Vậy mớin thú. - Chủ quận có quyền bỏ "bót" không? - Nỗi khổ của nhà báo. - Đốc học Vĩnh Long - Báo Impartial hỏi. - Dân Pha-Lang-Xây. - Nửa thỏ nửa heo - Vậy là xong một mối tự do tín ngưỡng. - Không ai cấm Bàng Quý Phi - [Ngày lễ...] - Nhơn chánh của nhà nước bảo hộ - Câu chuyện diễn binh. - Hai chú cai ở Long Xuyên - Hai cán án. - Phủ Phước bị tẩy chay - Nha phiến với văn minh - Một phép toán mới - Lý sự giữa sa mạc. - Khổng Tử với quan Toàn quyền - Thấy người lại gẫm đến ta - Dịch phát trên xe hỏa. - Thầy kiện thầy cò - Đá gà với đấu vỡ - Một cái quảng cáo hay mà dở, dở mà hay. - Thôi, để tôi kêu là... - Tiếp câu chuyện cáo bạch số trước - Mỗi người một việc - Lo gì hết chuyện - Cấm thuốc phiện - Một câu chuyện buồn cười trong làng báo - Tòa án Pháp với tòa án Nam - Một trăm năm về trước - Không hạn chế xe kéo là trợ cấp thể thao - Theo luật bài xạo - Cái phương pháp khoa học - Thơ viện với nhà làm báo - Điều luật "bất ưng vi" - Huớ người ta, rừng động - Nghi như Tào - Nửa câu đáng tội - Gian giữ gian - Lụt đại hồng thủy - Ngủ ngày cày đêm - Tên và hiệu vua Bảo Đại - Giặc biển tung hoành - Cái máy chiêm bao - Ông lớn - Hội kín Nguyễn An Ninh - Luận lý học mới: Nhứt đoạn luận - Hữu danh vô thiệt - Vô dụng mà hữu dụng - Người với khỉ - Cử hình đồng làm đại biểu - Chuyện lạ ở Huế - Quyền hạn - Sư đi tìm Phật - Dư luận Pháp với Nam - Nếu xử theo luật Gia Long - Cái nội các nửa - Ăn cắp lối mới - Cải chánh cũng như chưa cải chánh... - Đố nhau - Toán đố, văn sách làm chung motọ đề - Vợ chồng bằng giấy - Cũng thế thôi - Nha phiến và hội liệt quốc - Bức điện tín lôi thôi - Phải chi tôi là một tên dân trên sao Mars - Muốn sửa, sửa cho - Cuộc đời thay đổi - Ai muốn làm Président ? - Mình ốc mang rêu rửa sạch ai ? - Không nhìn, phải, mà nhìn cũng phải - Giã từ Đông Pháp
Có mấy đấng thượng đế?
Mới rồi, các vụ triều thần ta trong Huế mới thông tư cấm không được truyền bá đạo Tin Lành và đạo Cao Đài trong nội địa Trung Kỳ, duy có đạo Thiên Chúa là được phép tự do truyền bá mà thôi. Tôi không tin Phật, tôi không tin Cao Đài, thứ nhứt là tôi không tin ông chúa Trời, cho nên tôi không thèm nói tới vấn đề tôn giáo. Nhân thế mà tôi không muốn bình phẩm tới cái lệnh cấm của các cụ Cơ mật là phải hay trái, khôn hay dại, đúng hay sai làm gì. Song tôi lấy làm lạ, mà tự hỏi mình rằng: Có mấy đấng Thượng đế? Đây tôi chỉ nói về đạo Tin Lành và đạo Thiên Chúa. Hai thứ đạo nầy cũng là con một mẹ đẻ ra, nghĩa là cũng thờ phụng ông Giê-su cả. Nhưng hồi thế kỷ thứ XVI, họ mới chia nhau ra, vì có một phái không chịu phục ông Giáo hoàng La Mã, và cho lệ luật của nhà thờ bó buộc người ta quá, cho nên mới đứng riêng ra một mình, gọi là Gia-tô tân giáo (le Protestantisme) hay gọi là đạo Tin Lành, theo tiếng ở ta đây. Thời kỳ ấy kêu là thời kỳ Cải lương Tôn giáo (la Réforme). Tuy có đạo Tin Lành chia ra, nhưng mà cũng vẫn là thờ ông Giê-su, chỉ khác có một điều là không phục ông Giáo hoàng La Mã, không đi nhà thờ, không có mọi lệ luật bắt buộc mà thôi. Họ cho cái đạo ấy là đạo rối. Mấy ông cố đạo ở đây gọi đạo Tin Lành là đạo rối, mà dịch chữ Catholicisme là công giáo, để bày tỏ ra rằng duy có đạo Thiên Chúa là một đạo công, là một đạo chơn chánh thanh nguyên, còn bao nhiêu là đạo rối hết. Ngay đến cái bọn cũng thờ ông Giê-su, chỉ không đi nhà thờ, không theo Giáo hoàng, cũng là đạo rối mới lạ cho! Thượng đế của Tin Lành là ông Giê-su, mà Thượng đế của Thiên chúa cũng là ông Giê-su. Nay sao lại cấm Tin Lành mà cho đạo Thiên chúa được tự do, thế thì có mấy ông Thượng đế? Đức chúa Giê-su ở trên trời, chắc cũng lấy làm lạ, nhưng tất người nghĩ rằng: "Các cụ đại thần nước Việt Nam làm vậy cũng phải, vì họ thấy ta là bậc chí tôn vô thượng, thì không nên nhị tâm nhị đức, theo bên nầy lại theo bên kia". T.V.
Đông Pháp thời báo,Sài Gòn, s. 693 (10.3.1928)
Ông Nguyễn An Ninh và báo La Tribune Indochinoise
Mới rồi trong bài kỷ sự(*) đêm hát giúp các hội học sinh An Nam bên Pháp, báo La Tribune Indochinoise có chép một đoạn như vầy:
Thiệt sự là trong đêm ấy, mới dở màn ra, ông Dương Văn Giáo, thong thả, chậm rải, từng tiếng một mà nói rằng học sanh ta bên Pháp hư ít nên nhiều, thì ông Ninh đương ngồi coi ở từng thứ nhứt cãi lại rằng: "Hư nhiều chớ!" Có ngần ấy thôi, mà báo La Tribune Indochinoise lại nhơn đó mà viết ra một đoạn khá dài, thiệt cũng đáng khen cho cái tài kỷ sự của quý đồng nghiệp, khen cũng không ai khen bằng, chê cũng không ai bì kịp! Song tôi chỉ xin quý đồng nghiệp nên nghĩ lại. Vì đối với một người như ông Nguyễn An Ninh, thì tưởng không nên quá lời. Vả ông Ninh bây giờ đã bỏ mình ra cuộc ngoài, ai quấy ai phải ông Ninh cũng đều đã làm thinh hết. Còn như hai lá thơ của ông ta đã viết lúc nọ, thì ông ta đã nhiều phen tự nhận cho là một điều dở. Mà chúng tôi đây cũng bảo là không hay. Song hay cùng dở là một điều riêng về danh dự của ông Ninh, chớ cũng chẳng có chi đáng gọi là hại đến đoàn thể Việt Nam mà ai phải hòng nhắc lại, nhằm khi không có cớ gì đáng nhắc. Ôi, nếu ông Ninh là người đáng nín thinh trọn đời như báo La Tribune đã nói, thì nào ai là người mỗi ngày mỗi nói, hai ngày nói một độ, nói để nịnh cùng người quyền quý, để binh người giàu sang, nói đến có khi làm dơ danh tiết cho kẻ khuê môn tưởng cũng nên nín đi như ai mới phải. Chí như nói rằng báo La Tribune Indochinoise vì thấy nói xấu học sanh mà phải ra binh một cách thái quá như vậy, thì tôi lại xin nhắc cho quý đồng nghiệp nhớ rằng: trong quý báo cũng đã nhiều phen than phiền về cái thái độ học sanh bên Pháp, than phiền có lúc đến quá đáng. Theo cách lịch sự ở đời, thì hôm nay quý đồng nghiệp cũng nên nín bớt đi một chút. Cái chuyện không có gì hết, bỏ qua đi e tốt hơn. Lỡ đã trót bươi ra nên chúng tôi phải cắt nghĩa sơ như vậy. Mà chúng tôi chỉ ước mong rồi đây ông chủ nhiệm quý báo sẽ nói rằng điều ấy thiệt quý chủ nhiệm không bao giờ muốn viết. Mà vậy là phải.
Tên tuổi lạ lùng, mục đích kỳ quái
Mới rồi bổn báo có tiếp được một tập điều lệ của hội "Cựu viên hàm đại điền chủ hội". Thấy tên thì ngạc nhiên, không biết thứ chữ gì mà kỳ quái như vậy. Hay là hội nầy là một hội lập ra để làm chánh trị như có người đã nói vậy. Quả thiệt như thế, thì cái hội nầy sẽ ra mà làm hại cho đoàn thể Việt Nam nhiều lắm. Một là hiện thời bây giờ bất kỳ là người hạng nào mà đã tự biết mình là dân Việt Nam thì cũng chẳng nên chia nhau ra từng hạng, từng giai cấp. Nếu như có quyền mà lập chánh đảng thì cũng nên lấy ý kiến, chương trình mà chia nhau. Chớ nếu chia nhau ra từng hạng, thì sẽ thấy không biết bao nhiêu là hại. Huống chi có chia nhau ra từng hạng, thì tôi cũng chưa hiểu tại sao mà điền chủ với quan về hưu lại thuộc về một hạng, mà để riêng mấy ông chủ phố ra ngoài? Hai là đương lúc mình chưa có quyền lập đảng chánh trị, mà lại có một hội công nhiên nói rằng hội chúng tôi sẽ làm chánh trị, thì thật đáng nghi. Cũng tại sao mà chánh phủ mới nhắm mắt giùm cho họ mà lại mở mắt cho mình? Rốt lại thì có thể cho hội nầy là một cái hội tương tế. Vậy thời tôi không hiểu tại sao mà một ông Đốc phủ về hưu mới chết lại muốn cho tất cả các điền chủ Nam Kỳ đi điếu tang? Hay là lại muốn lễ tân quan một lần chót? Còn ông điền chủ nào gả con lấy chồng lại muốn cho cả các ông quan hưu đi hạ? Hay là thấy mấy quan lớn về hưu rồi, muốn gỡ lại một đôi chút chăng? Ấy đó, tên tuổi lạ lùng, mục đích kỳ quái như vậy, tôi dám chắc, các quan trí sĩ vậy, điền chủ vậy, chẳng ai mà chẳng nghĩ như tôi, mà không bao giờ có ai đã nghĩ kỹ mà còn chui bước vô. Chí như một ít ông đã vị tình mà để cho họ biên tên vào, thì nay mai chi cũng sẽ nghĩ lại mà rút ra chắc chắn. TÂN VIỆT Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s. 723 (24.5.1928) ------ * kỷ sự: tường thuật Hai đêm hát giúp các hội học sanh bên Pháp
Trong hai đêm hát giúp các hội học sanh bên Pháp đều đã đặng công chúng hoan nghinh, đêm nào cũng chật ních. Bao nhiêu những người Sài Gòn, Chợ Lớn, đủ cả các hạng, đã chen nhau đến giúp. Nghe nói tổng cộng tất cả hai đêm, vừa tiền quyên, tiền vô cửa đặng chừng lối 2300 đồng. Số tiền tuy chẳng bao nhiêu, chớ thấy công chúng đoái nghĩ đến học sanh ta như vậy, thiệt là đáng cảm bội. Mà rồi đây mấy anh em bên Pháp hay tin chắc cũng vui mừng nhiều lắm. Đặng vậy cũng là nhờ thầy năm Tú và thầy Vương Có đã có hảo tâm giùm giúp cho ban trị sự làm nên việc. Thấy tên trong ban trị sự tuy đông, song mỗi người cũng đều lo mỗi việc. Ông Nguyễn Văn Cữa, hội trưởng, thì đã chịu phí tổn tiền in yết thị chương trình mà giúp cho cuộc hát. Năm ba cô thiếu nữ cũng đã hết lòng sốt sắng giúp giùm lãnh việc đi bán chương trình. Mệt mà sắc mặt vẫn cứ tươi cười, thiệt là đáng quý. Đào kép hai ban cũng hết lòng hết sức. Hôm đêm thứ nhì, thì có cô Nguyễn Thị Long Nhàn đọc bài cảm tạ, dạn dĩ, rõ ràng ai ai cũng khen ngợi. Còn đêm thứ nhứt, thì ông Dương Văn Giáo, mà đã xảy ra cái chuyện đáng tiếc mà cũng đáng bỏ qua. Nó tóm lại, thì cái cuộc hát nầy cũng là một điều đáng khen, đáng giúp. Phải chi mỗi khi mấy ông muốn lập cuộc hát gì làm nghĩa, thì nên hỏi người thạo việc, mà người ấy chẳng thiếu gì đặng hoặc chỉ cho kép hát, hoặc lựa thứ tuồng cho hơi có nghĩa lý, thì tôi tưởng e tốt hơn. Vì đã hay những ai đã đến xem thì đều là đến mà làm nghĩa. Song nếu như mình làm sao mà khi họ ra về họ lại nói với nhau rằng chẳng những làm nghĩa mà thôi mà thiệt cũng là đáng đồng tiền thì tốt hơn nữa. Huống chi chẳng lẽ tính làm nội trong hai đêm ấy mà thôi, mà một ngày kia gặp chuyện phải còn làm nữa. Nếu như tuồng tập lôi thôi, hát xướng nghêu ngao, thì còn ai dám đến. Tệ nhứt là Lưu Bị với Tôn Phu Nhơn thì muốn nhảy đầm mà Khổng Minh thì bận áo bà ba cổ giữa. Tệ thật! Tôi cũng muốn nhơn đây mà bàn qua điệu hát cải lương. Song để rồi sẽ hay. Đương khi người ta sẵn lòng làm nghĩa mà mình lại kiếm mà chê bai, thì sợ họ không hiểu ý mình mà trở lại trách rằng nhiều chuyện. Thôi!
Sài Gòn lại muốn lập nhà hội
Hiện bây giờ đã có một đôi người hữu tâm đương lo đi kiếm người đồng chí mà lập cho Sài Gòn một cái nhà "xét"(*) cho xứng đáng. Điều ấy chẳng những là một điều hay mà lại là một điều cần phải có. Ai cũng còn nhớ mấy bài trong báo La Tribune Indochinoise nói về chuyện nhà "xét" Lang Sa và mấy bài của ông chủ nhà "xét" ấy trả lời. Ai mà đã có một chút nhiệt huyết đọc đến mà không buồn không tức? Ấy vậy, bây giờ mà có lòng làm cho xong thì thiệt là rất phải. Song tôi chỉ sợ e, rồi đây lại chia ra phe nầy phe khác, ông nầy ông kia mà gây ra ác cảm như mấy lần trước. Mới rồi đây, chỉ có một chuyện kiếm ít người đặng lo hai đêm hát đã nói trên đây, mà đã có người chạy ra cản trở không cho biên tên người nầy vào, biểu biên tên người khác vô. Lạ thiệt, nhiều ông tuổi cao tác lớn sao mà vẫn giữ cái thói "a, b, c" như vậy? Tôi chỉ ước mong chuyến nầy sao sao anh em ta cũng phải trừ tuyệt cái thói chia rẽ hèn hạ ấy đi mới đặng. Phải hiệp tất cả những ai là người có thể giúp vào cuộc lập nhà hội, bất kỳ là ai, chớ đừng có nói ông nầy ưa, ông khác không chịu thì chẳng bao giờ xong. Rủi mà không xong một lần nữa, thì xấu hổ lắm. Sa Đec là một tỉnh nhỏ, mà ngày nay còn có một cái nhà hội nguy nga tráng lệ, mỗi khi tiếp rước ai thì thật có thể thống mà thật đáng khen. Chỉ có một tay ông Ngỡi và ông Mỹ mà làm xong, mà bây giờ lại đương cất thêm ra cho lớn, cho có đến phòng khách qua đường ở. Còn đồ trong nhà thì chẳng thiếu món gì, có đủ đồ đãi đến một trăm người. Quí thật! đáng khen thật. Còn Sài Gòn mình, Sài Gòn mình mắc nhiều ông lớn quá!!! Cũng bởi ông lớn, ông sồn sồn, ông nhỏ mà làm gì cũng không nên gì hết. Vây mà lần nầy nữa rồi có nên không? TÂN VIỆT Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s. 724 (26.5.1928) ---- * nhà "xét": (đọc đúng là nhà "xéc"): từ tiếng Pháp cercle, câu lạc bộ, nhà hội.
Ông quận Cầu Kè bị phạt
Các báo khác cũng đã có đăng tin ông quận Cầu Kè mới bị tòa Cần Thơ phạt một trăm quan tiền vạ, một quan tiền thiệt hại và tất cả các số tiền chi phí về vụ đánh người chứng trong một vụ kiện mà con ông ta là người thủ phạm. Tòa mà công minh như vậy thì cũng là thật may, thật tốt cho dân trong quận Cầu Kè. Mà có lẽ một chuyện nầy rồi cũng có thể làm gương cho dân trong các quận khác. Mà một ít ông quận thường hay có tánh hung hăng cũng hơi dựt mình mà nghĩ lại một chút. Tiện đây tôi chỉ xin nhắc lại cho anh em trong các thôn xã nhớ rằng quan tốt hay xấu, hiền hay dữ, tham hay liêm, phần nhiều cũng do bởi nơi dân. Dân mà biết quyền lợi, thì chẳng lựa là quan tuần lương là một chuyện quí, mà dẫu cho tham quan ô lại thật cũng không dám hoành hành. Thói xưa thường gọi là "dân chi phụ mẫu", là chẳng phải nói rằng làm quan thì có quyền hiếp đáp dân như cha mẹ hiếp con. Không đâu, câu ấy nghĩa là làm quan thì phải lấy lòng cha mẹ thương con mà ở với dân. Vì người xưa thường nghĩ, chẳng bao giờ có cha mẹ xấu (Thiên hạ vô bất thị để phụ mẫu), nên mới dùng câu ấy mà làm gương cho quan. Đối với quan, thì phải giữ lấy quyền lợi của mình là một lẽ tự nhiên, song đối với quan cũng nên giữ phận sự mình mới là tốt. Chẳng nên nghe theo một ít người hay có tánh sanh sự, nay xúi nầy, mai xúi khác mà làm những chuyện không đáng làm. Vì mấy người ấy có nhiều khi họ không lợi dụng được ông quan, thì họ lại trở lại xúi dân làm thiệt hại. Mà hễ đã làm dân, thì phải giữ phận sự trước, rồi mới đủ sức mạnh mà không cho ai phạm đến quyền lợi của mình. Nhứt là đừng nên phân biệt quan quận Tây, quan quận Nam; thấy quan Tây thì sợ, thấy quan Nam thì có ý khinh. Nghĩ như vậy là thật sai lầm mà có thể làm mất cả thể thống của một tên dân Nam Việt. Nói tóm lại, quan là tay sai của dân mà dân là người chủ cần phải giữ tròn phận sự. Điên hoàng đế
Mới rồi trên Tây Ninh có người vô một cái quán nọ, tự xưng mình là hoàng đế Nam Việt. Người ở đó thấy vậy biết là điên, vừa sẵn có xe hơi của ông Tây đi ngang qua, họ liền kêu ghé vào. Ông Tây nọ bước vô hỏi anh là ai? Anh ta trả lời rằng: ta là hoàng đế Đại Nam chớ ai! -- Muôn tâu bệ hạ. Bệ hạ đã ngự lâm đến đây, mà tỉnh chúng tôi không kịp nghinh giá, thật là thất lễ. Song quan chủ tỉnh chúng tôi cũng đã có trần thiết nghi trượng mà đợi chầu Bệ hạ. Chúng tôi cúi xin Ngài nhơn tiện theo xe chúng tôi vào Tỉnh, thì quan chủ tỉnh chúng tôi lấy làm hân hạnh nhiều lắm. -- Vâng. Quả nhơn xin vâng! Chừng đến dinh Tham biện, hỏi Bệ hạ có giấy thuế thân không? -- Thuế thân gì? Ta chỉ có một cái cấp bằng chứng chắc rằng ta đây là Đại Nam Hoàng đế thiệt. Nói rồi móc ra một tấm giấy của hội Cao Đài, chớ không có gì lạ. Thấy vậy, người trong dinh Tham biện lại nói rằng nếu anh không có giấy thuế thân, thì sẽ bị giam vào ngục liền. -- Cái đó là lẽ tự nhiên. Quả nhơn sẵn lòng đến đó... Nghe đâu bây giờ đã đưa Bệ hạ sang nhà thương điên Biên Hòa rồi phải. Thiệt là điên kiểu mới. Anh nầy nữa có lẽ là năm người. Song mấy kỳ trước, ba anh kia với một chị khác lại đến sở lính kín mà đòi trả nước Nam lại. Nghe cái chị nữ anh hùng hôm đó đem về nhà thương Chợ Quán, tối ngày cứ chỉ ngồi ca, tiếng tốt, hơi trong, ca mãi có một câu: "Kia núi sông ai, ai bỏ núi sông?" ...............? TÂN VIỆT Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s. 725 (31.5.1928) Một tờ thông tư của quan Thống đốc(*) Nam Kỳ
Mới rồi báo L'Echo Annamite có đăng tờ thông tư cho các ông chủ tỉnh bảo phải truyền cho các quan viên Lang Sa tùng sự trong tỉnh, phải cư xử với người An Nam cho ôn hòa tử tế. Bằng không tuân lịnh, thì mỗi khi có ông viên quan Lang Sa nào hiếp đáp dân An Nam, là sẽ bị tòa hình buộc tội theo phép mà còn phải bị trừng trị một cách nghiêm nhặt theo phép cai trị. Có người lại hỏi đối với quan An Nam, thì tờ thông tư ấy có thi hành không? Điều ấy chẳng cần phải nói. Vì theo lẽ thường thì ai ai cũng hiểu quan An Nam tất nhiên sao cũng ở lễ phép tử tế với người An Nam. Ai cũng nghĩ vậy. Mà chánh ngay mấy ông quan mình có hiểu vậy chăng? Sao mà còn thấy một ít ông vẫn còn vô lễ thái thậm. Người tới không mời ngồi, đụng ai cũng nói sỗn sản, nhiều khi thậm chí gặp mấy ông hương chức già cả mà cũng kêu lão nầy, lão kia. Mấy ông ấy đọc cái tờ thông tư nầy rồi có hổ thầm không? Người ngoài còn biết lấy lễ mà đãi mình, sao mình đãi nhau mà lại ra tuồng vô lễ như thế? Tờ thông tư đã rõ ràng như vậy. Mà đối với ông Nguyễn Hữu Hạnh, quận Cầu Kè là người vì đánh dân mà mới bị tòa Cần Thơ phạt 100 quan tiền vạ, với một quan tiền thiệt hại, thì quan Thống đốc Nam Kỳ sẽ xử trí làm sao? Tưởng dân cả quận Cầu Kè đều chờ câu trả lời ấy lắm. Rốt hết, tôi xin nhắc cho dân ta nhớ rằng tờ thông tư ấy là một điều tốt của Chánh phủ. Song muốn có hiệu quả không, đều do ở nơi mình. Mình mà biết quyền mình, thì không tờ thông tư ấy cũng như có; bằng mình cứ ngu hèn, thì có cũng như không.
Tại sao mà chúng tôi lại công kích hội "Nam Kỳ cựu viên hàm đại điền chủ"
Thôi, chẳng nói cái tên lạ lùng ấy làm chi. Ở đời có nhiều người dốt mà vẫn đeo đến chết; cái đó quyền họ. Mà cái tên ấy rồi đây nó cũng sẽ đem vào nhà bác cổ, thì cũng chẳng hại gì ai mà phải nói nhây. Chúng tôi mà công kích là vì dòm thấy cái cử chỉ của người xướng lập có lẽ hại cho đoàn thể Việt Nam nên mới nói. Mới đây ông Phạm Chánh Lý hội trưởng và người sáng lập hội ấy cũng có đến bổn báo đôi ba lần mà xin cổ động giùm. Chừng đó cũng đủ chứng chắc rằng chẳng phải như ai đã nói vì người ta không vấn kế chúng tôi, nên chúng tôi công kích. Không đâu, chẳng luận thân sơ, hễ ai làm phải thì cũng khen, ai làm quấy cũng đều công kích hết. Đã nói là hội tương tế, thì phải biết hai lẽ. Một là một hạng người nào có quyền lợi giống nhau, hiệp nhau lại đặng người mạnh giúp kẻ yếu, người đủ giúp kẻ thiếu, như các hội công thương tương tế, các hội hữu ái hiện đã có lập ở Nam Kỳ nầy, hai là lập ra một hội tương tế cực kỳ lớn mà lo các điều giúp ích cho xã hội như các hội phước thiện ngày nay. Chớ xưa nay chưa từng thấy người bạn hàng với chủ góp tiền chỗ thôi làm việc mà cùng nhau lập hội tương tế bao giờ! Mà cái phương diện của hội nầy lại gần ra như thế. Ông quan với các nhà điền chủ tuy chẳng phải là cừu địch chi nhau. Song quyền lợi vẫn khác hẳn với nhau. Ấy vậy tại sao mà đến lúc về hưu thì cần hiệp ngay với các điền chủ. Nếu như mỗi ông quan đương khi làm quan đều có ý để trí sĩ rồi sẽ vô hội nầy, thì trong lúc ấy mặc sức theo mấy ông điền chủ là người đồng hội tương lai của mình mà hiếp dân nghèo. Nói rằng lập ra hội nầy mà bảo thủ quyền lợi cho các điền chủ, thì mấy ông quan hưu, quan hàm đến đó làm chi? Như ông quan hưu, quan hàm nào là người có sản nghiệp thì cần chi phải mượn chức quan mà vô hội? Còn ông nào không có sản nghiệp thì vô đó mà mong nhờ hột lúa hay sao? Hội nầy là hội bảo thủ quyền lợi cho các quan hưu, thì điền chủ đến đó mà làm gì? Vì lợi quan hưu bao nhiêu, thì hại cho điền chủ là người đóng thuế bấy nhiêu. Dầu như không hại, thì cũng chưa hiểu hiệp nhau lại mà làm ra điều lợi gì? Huống chi đương buổi người người đều khuyên dân An Nam nên bớt cái tánh chuộng hư danh như những médaille, hàm tước mà lại có một cái hội nhảy ra lấy đó làm chuẩn đích, thì không công kích ngay từ lúc trong nôi sao đặng! Tôi chán biết cái ý người sáng lập hội ấy ra để làm gì. Song cái tên thế ấy, còn người thế ấy, thì có ai thèm vô đâu mà tôi phòng công kích cho dài. Một việc đã không nghĩa lý như vậy mà rồi đây cũng vì cái hội ấy mà sanh ra chia rẽ giàu nghèo, là một điều hại vô cùng cho cái tương lai của nòi giống. Mà chánh ngay những người có sản nghiệp cũng sẽ thấy cái hại ấy. Còn chớ như mấy ông hưu quan Nam Kỳ tôi tưởng đều là điền chủ. Vậy có điều chi hay hơn là mấy ngài nên chung cùng điền chủ mà hiệp vào mấy cái hội "canh nông tương tế" là một cái hội có ý nghĩa rất hay cho một xứ ruộng rẫy như Nam Kỳ ta. Nói qua bấy nhiêu cũng đủ. TÂN VIỆT Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s. 726 (2.6.1928) ------ * báo gốc là "Tổng thống", có lẽ in sai, phải là "Thống đốc" như nói trong bài mới đúng; ở đây sửa lại. Đố ai biết An Nam chết ngày nào lợi hơn hết
Ta thường nghe những kẻ chán đời hay than: "Sống một ngày một nợ"! Song nghe là nghe vậy, chớ cũng chưa hiểu nghĩa sâu xa của câu ấy ra làm sao. Đến nay thấy lá trát nầy mới hiểu là thật đúng. Trát như vầy: No: 38 Canton de Thuận Bình Trát cho làng Vĩnh Kim tuân cứ: có trát tòa bố số 181 nên tôi trát lại cho làng hay. Những dân đứng bộ chánh, chết sau ngày 1er Janvier, thì phần thuế thân của nó chẳng hề được chuẩn trừ. Phần thuế ấy phải thiếu chung niên và phải đóng trước. Như có dân chết, mà chưa đóng thuế thì số thuế ấy làng phải thâu nơi những người ăn gia tài của nó. Nay trát, Thuận bình le 31 Janvier 1928 Le BANG BIỆN Sống một ngày một nợ là thế ấy. Tòa kiểm duyệt bỏ hết một đoạn
Dân Tàu ở Nam Kỳ sắp sửa tẩy chay hàng hoá Nhựt Bổn
Nghe tin các báo Tây cho hay rằng Nam Kỳ cũng gần bắt chước các phụ đầu(*) khác, dân Tàu cũng đương sắp sửa tẩy chay hàng hóa Nhựt Bổn. Theo như báo Impartial, thì hiện bây giờ họ đã khỉ sự(*) rồi. Nhứt là về sự vận tải các đồ hàng hóa trên các tàu Nhựt Bổn đậu tại Sài Gòn. Cách họ làm êm lắm. Mỗi khi có ai đến hỏi mướn ghe chở đồ ra tàu Nhựt thì họ vui vẻ mà trả lời rằng: Ghe mắc chịu mối hết. Vì lẽ ấy mà hiện bây giờ trong các bến có ghe chài, thấy nhiều chiếc đậu đó mà không có bạn bè gì hết. Dân Tàu ở đây mà làm vậy thì có lẽ cũng thiệt hại cho sự buôn bán lúa của mình nhiều. Vì Nhựt Bổn là một nước ăn lúa Nam Kỳ nhiều lắm. Song cũng không nên phiền họ, vì tẩy chay là một cái lợi khí độc nhứt vô nhị của dân hèn yếu. Không biết lấy chi mà cự lại với tàu với súng, thì chỉ biết cái khoanh tay mà thôi. May sao mà cái khoanh tay của người yếu lại có thể làm cho người mạnh sợ đặng. Thú thiệt! Nay ta chỉ nhơn lấy cuộc nầy mà nghĩ lại thì té ra đất nước là đất nước của ta mà mỗi khi ai giận ai cũng có thể làm cho mình thiệt hại được. Lúa gạo là thổ sản của mình mà đến nay Tàu với Nhựt phiền nhau ở tận bên Tế Nam mà họa lây đến ông chủ ruộng trong đồng Tháp Mười, buồn thiệt! Thấy người như vậy, đồng bào ta mới nghĩ đến mình làm sao đây?
TÂN VIỆT Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s. 727 (5.6.1928) ----- * phụ đầu: thương cảng (theo Đào Duy Anh, sđd.); ** khỉ sự: khởi sự Mùa hát năm nay
Đây là nói về mùa hát Tây ở rạp hát lớn Sài Gòn. Năm nào mình thấy bạn hát bên Tây qua Sài Gòn, thì mình cũng phải nhớ rằng năm ấy đã tốn mất hằng trăm ngàn đồng bạc của công nho, nghĩa là tốn tiền của người mình là người chịu bao nhiêu những tiền chi phí ở xứ nầy. Cũng vì mỗi khi hát, thì mỗi tổn phí công nho như vậy, nên thường khi mấy ông hội đồng thành phố An Nam ở Sài Gòn đều đã không chịu bỏ thăm về chuyện mướn người qua hát. Mà cũng vì họ không chịu, nên nhiều khi các báo tây đã chê họ là người không biết thú vị gì hết. Năm nay, lại khác ngay. Năm nay, thì không mướn người bao lãnh nữa. Thành phố Sài Gòn tự xuất tiền ra, rồi đặt người làm chủ và tự đi chiêu mộ kép hát qua đây mà hát. Song làm thế nào cũng phải xuất công nho ra những một trăm ngàn mới đủ sở phí. Chuyện nầy đã dây dưa ra từ mấy tháng nay. Mới rồi, hội đồng thành phố Sài Gòn nhóm lại một lần nữa mà nhứt định coi thử năm nay có mùa hát ấy không? Mấy ông Hội đồng Lang Sa trong mấy kỳ trước đều bỏ thăm ưng chịu, còn mấy ông An Nam thì lại không chịu dự vào chuyện ấy mà đều không bỏ thăm. Kỳ nầy đổi ngay, phần nhiều trong mấy ông Lang Sa trở lại không chịu, mấy ông An Nam chịu. Cũng một chuyện mùa hát, mà sao lại thấy hai bên đổi thay thế ấy? Cứ theo ông Nguyễn Phan Long đã nói trong báo L'Echo Annamite thì bởi tại thế nầy: Vì bởi một ít ông hội đồng thành phố Lang Sa, từ khi cuộc cử nghị viên Nam Kỳ đến nay thì trở lại theo phe ông Outrey mà nghịch với ông Rouelle. Họ muốn nhơn dịp mùa hát nầy mà lật ông Rouelle xuống, buộc phải từ chức đặng họ đem phe họ lên. (Điều ấy là một điều Đông Pháp đã cho chư độc giả biết trước, ngay từ khi ông Outrey mới đắc cử). Vì hễ ông Rouelle đã bị hội đồng bác ngay ý kiến ông ta về chuyện nầy, thì theo lẽ thường ông ta phải từ chức ngay; ông xã đã từ chức, thì có lẽ tất cả hội đồng thành phố Sài Gòn cũng phải bị giải tán. Bởi các lẽ ấy và không muốn cho phe Outrey thừa cơ mà phá ông Rouelle, nên mấy ông hội đồng An Nam mới nhảy ra mà bỏ thăm chịu cho thành phố Sài Gòn xuất công nho mà lập mùa hát năm nay. Còn báo La Dépêche là một tờ báo cơ quan của đảng Outrey, thì lại chê mấy ông hội đồng An Nam sao có nay vầy mai khác. Và làm như vậy, thì cũng chẳng qua là muốn đền ơn ông Rouelle về chuyện cho cụ Phan Văn Trường mượn nhà hát Tây mà chưởi chánh phủ Pháp đó thôi. Điều ấy ta không cần bàn đến. Mà cái chuyện mấy ông hội đồng An Nam vì muốn trừ mưu của phe Outrey mà bỏ thăm ưng thuận, thì cũng khó cho rằng phải hay quấy. Nay ta chỉ nên nhơn dịp nầy, lấy theo phương diện An Nam mà bàn đến cái chuyện mùa hát nầy. Bao nhiêu những tiền sở phí trong nhà hát tưởng người đóng thuế An Nam chịu nhiều hơn hết. ấy vậy mà mỗi khi có mùa hát, thì như tuồng không ai thèm ngó ngàng chi đến An Nam ráo. Thậm chí những nhà làm báo quốc ngữ tưởng cũng ít ai đặng một chỗ ngồi nào trong rạp hát. Vậy mà theo ý tôi tưởng phải chi mà có ai cắt nghĩa rõ ràng điệu hát, lớp lang tuồng tập Lang Sa thì cũng có nhiều người An Nam đến xem. Và ít nữa là thành phố Sài Gòn mỗi bữa hát cũng nên nhơn ra một số chỗ ngồi bán sụt giá để cho mấy thầy làm trong công sở là những người biết nhiều ít về điệu hát tây đến xem. Vì bởi tuỳ theo lương bổng của họ, thì làm sao mà trả tiền cho thường đặng. Ấy là một lẽ. Còn lẽ thứ nhì là mỗi năm thành phố mỗi xuất bạc hằng muôn bày cuộc vui cho người Lang Sa, thì tưởng mấy ông hội đồng An Nam cũng đủ quyền mà xin một số tiền đặng bầy cuộc vui cho người An Nam. Thứ nhứt là chuyến nầy đây, nếu không có mấy ông hội đồng An Nam, thì đâu có mùa hát nầy? Giả tỷ như trong lúc rạp hát Tây để vắng, hội đồng cho phép gánh hát An Nam nào xứng đáng đến đó mà hát, mỗi tuần lễ chừng một hôm. Buộc phải hát những tuồng cho có nghĩa lý, bày lớp lang cho đúng cách. Mà nếu như hiện bây giờ chưa có gánh nào đáng gọi là trúng cách, thì hội đồng cũng nên rao cho ai nấy đều biết rằng nếu như có ai đương nổi chuyện ấy, thì hội đồng sẽ cho mượn rạp và xuất cho một số tiền phụ cấp. Làm vậy, chẳng những là bày cho dân An Nam có một cuộc vui, mà lại có thể nhơn đó mà chấn chỉnh điệu hát An Nam lại đặng ít nhiều. Chớ hiện bây giờ thiệt là tệ quá!
Câu chuyện nhà câu lạc An Nam
Mỗi khi nói đến điều lập nhà hội An Nam ở Sài Gòn, thì đã có thấy điều lôi thôi. Song những điều lôi thôi ấy cũng bất quá do ở một người hay là ít người mà sanh ra, thì tưởng cũng nên dẹp đi mà bàn qua cái chuyện nhà hội An Nam là một chuyện chung rất cần kíp cho tất cả người An Nam. Trước hết tôi tưởng tiếng "Cercle" của Tây, là nên dịch ra như người Nhựt, người Tàu, mà kêu là nhà Câu lạc. Câu lạc nghĩa là vui chung, nghe cũng vừa đúng nghĩa và đúng cái tôn chỉ của mình muốn lập nhà hội ấy. Bây giờ đã có tên rồi, thì nên hỏi coi cái sự ích lợi của nhà Câu lạc ấy ra làm sao? Trước hết, tưởng ai cũng công nhận rằng ở xứ mình, mà người Lang Sa, người Tàu, người Nhựt bất kỳ là ai cũng đều có tại Sài Gòn một cái nhà hội đặng có thể cùng nhau khi chơi đùa, khi tính công chuyện. Chỉ duy An Nam là chủ mà rủi đã thành ra người khách, mà lại không có một chỗ nào cho tử tế đặng gặp nhau hay là có dịp gì mà đãi ai là người khách riêng của mình. Tưởng ai cũng còn nhớ năm nọ An Nam muốn đãi ông Albert Sarraut về Pháp và mượn cái xã Tây họ không cho, sau phải mướn nhà Philarmonique mà đãi. Hai là hiện ở Sài Gòn có cái nhà "xéc" Tây mà chẳng bao giờ họ chịu cho người An Nam dự vô. Chỉ duy có một mình ông quan ba Xuân là được đến chơi mà thôi! Song lúc mới xin vô thì cũng đã thấy nhiều người cản trở, đến chừng tất cả các quan binh pháo thủ đòi xin thôi hết, họ mới chịu để cho ông quan ba Xuân vào hội. Thì cũng có một mình ông Xuân mà thôi!!! Thậm chí mỗi khi có cuộc chi vui mà họ cần phải có người An Nam dự vào, thì An Nam cũng phải ra đứng ngoài cỏ, như mấy khi tranh vô địch banh vợt(*) mới rồi đây. Nội trong hai lẽ ấy cũng đủ làm cho ta phải ráng làm sao mà làm cho Sài Gòn có một cái nhà Câu lạc An Nam. Huống chi còn cả muôn ngàn chuyện ích lợi khác nữa, như những là có chỗ tập thể thao, có chỗ lập cuộc diễn thuyết mà giúp cho nhau về đường học vấn kiến văn. Chớ hiện bây giờ, người An Nam, mỗi khi muốn thừa nhàn(**), thì chẳng biết đi vào đâu hết. Mà có lẽ cũng vì không có một chỗ mà giải hứng, nên mới sanh ra nhiều chuyện thương phong bại tục. Thế thời, tôi dám chắc ai ai cũng đồng ý kiến với tôi mà bảo rằng cái nhà Câu lạc An Nam ở Sài Gòn là một điều cần phải có. Mà phải có làm sao cho tất cả những người An Nam có đủ thể thống đều dự vào được, bất kỳ giàu hay nghèo, nghĩa là phải thế nào cho số tiền vào hội đừng quá cao mới đặng. Nếu nói như ông kia hôm nọ, bàn tính định mỗi tháng góp đến 10 đồng, thì có bao nhiêu người vô được. Mà chánh ngay ông ấy cũng đã nói chỉ kiếm được chừng 50 người mà thôi. Có năm chục người thì hội nhau lại mà làm chi? Mà gọi là nhà Câu lạc của An Nam sao đặng? Huống chi 5 chục người, mỗi người 10 đồng một tháng cũng chẳng ra trò gì. Vậy thời làm thế nào cho có nhà Câu lạc An Nam đặng? Muốn cho có nhà Câu lạc, thì trước hết phải để cái óc chánh trị, phe đảng ra ngoài. Đã kêu bằng Câu lạc thì bất kỳ là ai cũng nên hiệp nhau lại mà cùng vui. Bao nhiêu những nhơn vật ở Sài Gòn đều hiệp nhau lại mà quyết làm cho xong cái nhà Câu lạc, rồi, chừng ấy mới phái một ít người quen biết lục tỉnh đi xin mấy ông nhà giàu quyên trợ vào. Bao giờ mấy ông chịu nhận như chúng ta rằng điều lập nhà Câu lạc là một điều rất cần ích, ta mới có thể mong cho thành được. Bằng như mấy người hằng sản An Nam ta mà làm ngơ, thì chẳng bao giờ xong đặng. Mà muốn cho họ tin, thì trước hết mình phải đừng chia rẽ nhau, đừng mời ông nầy, bỏ ông kia như hôm nọ. Vì phải lựa người có tín nhiệm mới làm cho tin mà nghe đặng. Cách chừng một năm nay, tôi đã có nói với ông Trương Tấn Vị ở Châu Đốc về chuyện ấy, thì ngài cũng đã có hứa rằng, sẽ hết sức đi cùng lục tỉnh mà cổ động tán thành cho việc lập nhà Câu lạc An Nam ở Sài Gòn. Kỳ nầy sao không cậy ông Trương Tấn Vị thử coi? TÂN VIỆT Đông Pháp thời báo,Sài Gòn, s.728 (7.6.1928) ------- * banh vợt: quần vợt, tennis, banh nỉ; ** thừa nhàn: nhân lúc rỗi rãi, thong thả. Đổi tên An Nam theo điệu chữ Lang Sa
Cách mấy tuần nay, ông Jacques Danlor là người thường hay viết giùm bài xã thuyết cho báo La Tribune Indochinoise mới viết ngay ở trong tờ báo ấy rằng người An Nam nên sửa tên lại cho giống như tên Tây đặng người Lang Sa dễ đọc. Ông Danlor lại có cho thêm thí dụ rằng giả tỷ như tên cụ Bùi, thì nên sửa lại mà kêu là M. Bouille. Cụ có nghe theo không, chúng tôi chưa dám biết; mà điều ấy cũng là một cái quyền riêng của cụ. Lạ thiệt, người như Jacques Danlor, tức là ông trạng sư Garros ngày xưa ở Sài Gòn là một người mà mình thường hay cho là có lòng yêu An Nam, mà sao lại có cái tư tưởng kỳ quái như vậy? Sao mà muốn cho đổi tên theo kiểu mình? Mà lạ nhứt là một cái tư tưởng kỳ quái như vậy mà báo La Tribune Indochinoise cũng đăng tống vào! Song nghĩ kỹ, thì cũng chẳng lạ gì. Vì nội trong mấy người trợ bút của quý đồng nghiệp, có người cũng đã tự cho cái tên An Nam là xấu mà ký là Alpha. Vậy chớ bao giờ mới chịu ký ngay là Beta? Nói chơi đừng quạu! Chớ muốn sao cũng không sao, tôi chỉ lo cho mấy nhà sử học ngày sau, thấy mình tên Tây rồi cứ ngồi mà nghiệm mãi: "Kỳ thiệt! Thứ dân Gaulois nào đây mà lỗ mũi lại xẹp lép như vầy?" Khổ cho họ thiệt! Cũng là đất Rạch Giá
Hổm rày ở trong báo L'Echo Annamite, cũng vì một vụ đất Rạch Giá mà thấy ông Diệp với thầy cai tổng Huê biện bác cùng nhau luôn mấy kỳ. Đến nay lại có một người dân làm ruộng trong làng Tân Hiệp đến tại bổn quán mà kêu nài về chuyện thầy cai tổng Huê choán đất. Cứ theo số biên tên trong một lá đơn họ đã gởi cho quan Thống đốc Nam Kỳ, thì số người dân nghèo đã can thiệp vô chuyện ấy hằng đến sáu bảy chục tên. Nhưng vì chúng tôi chưa biết rõ thiệt hư ra sao, nên không muốn nói ngay vào đây, rồi phải bị hai đàng đôi chối mãi. Hay hơn hết là nhơn nay đã sẵn có hội phái viên ra khám đất chánh phủ mới đặt thì mấy ông bị hiếp đáp trong vụ đất Tân Hiệp cứ gởi đơn lên bàn hội mà kêu nài. Tôi cũng xin nói ngay cho bàn hội phái viên ấy biết rằng làng Tân Hiệp có nhiều chuyện lôi thôi lắm. Xin mấy ngài nên chú ý. Còn phận sự nhà báo chúng tôi, thì mỗi khi hội xét đất đến đâu chúng tôi sẽ phái người đến đó đặng xem xét coi có điều chi bổ ích cho hội, thì sẽ đăng vào báo đặng giùm giúp cho người đương việc nặng nề ấy rõ biết đầu đuôi mà làm cho ra vẻ công bình. Còn như rủi có chuyện chi yêm ẩn, thì chúng tôi cũng sẽ tuyên bố đặng cho chánh phủ, dư luận biết tường. Tiện đây, chúng tôi xin nói cùng mấy ông trong làng Tân Hiệp cùng trong các làng khác cũng vậy đừng nên quá tin cậy nơi cái biên lai của mình đóng thuế. Vì theo pháp luật, thì mấy cái biên lai đóng thuế cũng chẳng qua là tỷ như một cái biên lai trả tiền phổ. Chớ không phải hễ đóng thuế rồi, thì cho mình là chủ vĩnh viễn. Xin ai nấy phải nhớ lấy, mà lo tính cho xong với nhà nước, cho có giấy tờ hẳn hoi; bằng không, thì sẽ bị quân tham nó đủ mưu kế mà dành dựt mất hết công khó của mình. Chúng tôi lại cũng xin chánh phủ nhứt là bàn hội xét đất nên hiểu giùm cho dân nghèo, vì không biết luật phép mà thành ra phải bị không biết bao nhiêu là sự khốn nạn. Hội phái viên cũng nên thể tất theo cái tánh quê mùa của dân ruộng rẫy mới mong khỏi sự bất công. Sẵn dịp chúng tôi chỉ xin nhắc lại cho chư độc giả nhớ rằng cũng vì bởi mấy bài nói về ruộng đất của người đồng sự của bổn báo là ông Dương Quang Thình mà chánh phủ xét cho rằng phải, mà ngày nay mới có cái bàn hội xét các vụ ruộng đất tranh dành chánh phủ mới lập ra đây. Cũng có khi Đông Pháp của chư quí độc giả làm đặng chuyện có ích. TÂN VIỆT Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s. 729 (9.6.1928) Nước lã khuấy nên hồ Sau khi chúng tôi công kích ông chủ quận Cầu Kè, thì có tiếp được bức thơ của thầy bang biện Vui trong quận gởi đến trách chúng tôi rằng sao ông Nguyễn Hữu Hạnh là một người quan yêu dân chuộng mà khi không(*) chúng tôi lại nước lã khuấy nên hồ. Rồi bảo chúng tôi đừng gởi Đông Pháp cho thầy ta nữa. Thầy bang, vậy chớ tòa Cần Thơ cũng nước lã khuấy nên hồ nữa sao? Chí như cái chuyện thầy không mua báo nữa là một cái quyền riêng của thầy. Tôi chỉ xin nhơn dịp nầy mà tỏ cho ai nấy đều biết rằng nhà làm báo chỉ biết phận sự làm trước. Hễ thấy điều phải thì làm. Đã làm một tờ báo ra thì cũng cầu cho có người đọc, không thời làm làm chi. Song cái chuyện ấy dầu cho quan thiết đến đâu, chúng tôi vẫn cũng để sau cái chơn lý. Chúng tôi chỉ biết lấy chơn lý làm tôn chỉ, rủi như gặp nhằm chuyện phải thì chúng tôi cứ làm, rủi mất hết mười ngàn độc giả của chúng tôi, thì cũng cam chịu, huống chi là một mình thầy bang Vui! Nói thế, chớ có bao giờ mà người đọc báo lại chẳng biết yêu tờ báo chơn chánh. Trong việc Cầu Kè, chúng tôi mất một thầy bang Vui mà lại được tăng thêm hàng mấy mươi độc giả trong quận; điều ấy cũng đủ khuyến lệ cho chúng tôi cứ đi theo chơn lý. Cũng vì lẽ ấy mà nghe ông quận Tân Châu đương cổ động cho người ta đừng đọc Đông Pháp nữa, mà chúng tôi mừng. Vì tưởng như quả có vậy, thì trong ít ngày đây, trong quận Tân Châu chẳng còn ai là người không đọc Đông Pháp. Mà Cầu Kè cũng vậy. Câu chuyện một người học trò ở Thanh Hóa
Mới rồi trong các báo tây ngoài Bắc mà nhứt là báo La Volonté Indochinoise, đã hết sức phản kháng mà trách chánh phủ Đông Dương sao đối với vấn đề giáo dục lại không giữ cái địa vị trung lập. Nguyên vì kỳ thi sơ học mới rồi ở Thanh Hóa, về bài thi văn Lang Sa, thì giám khảo ra một đề như vầy: "Tả cảnh một cái chùa phật". Trong đám khóa sanh có một trò nhỏ con nhà có đạo Thiên Chúa nhứt định không chịu làm bài. Bảo rằng cái đề ấy trái hẳn với cái lòng tín ngưỡng của cậu ta. Câu chuyện có chừng đó mà báo La Volonté hết sức trách chánh phủ sao không giữ phận sự mà lại nhảy xen vào can thiệp đến vấn đề tôn giáo. Trách như vậy, phải hay không, thì đã có chánh phủ với ông De Montpezat là chủ nhiệm tờ báo đã nói trên kia, chúng tôi không cần phải bàn đến. Còn như đạo Thiên Chúa, thì ở đây họ cũng có thừa thế lực mà chống cự với chánh phủ về vấn đề tôn giáo, chẳng cần chi Đông Pháp phải phụ họa vào. Chúng tôi chỉ xin nhơn lấy dịp nầy mà nói cho dân ta biết rõ hai điều: Thứ nhứt là người phương Tây họ trọng sự tự do tín ngưỡng là dường nào. Một cái đề thi nói đến cảnh chùa phật là cũng đủ cho họ phản kháng một cách rất kịch liệt. Mà hễ muốn cho có tự do tín ngưỡng thì tất phải có tự do giáo dục, nghĩa là cho phải bất kỳ là người đạo nào cũng được phép thong thả mở trường mà dạy theo tôn chỉ đạo của mình. Miễn là phải đủ tư cách mà thôi. .............................. .................................. Hai là một trò nhỏ An Nam vừa tuổi đi thi sơ học mà đã biết giữ cái đức tín ngưỡng của mình đặng như vậy, thật là một điều đáng quí, đáng tiêu biểu. Đạo Thiên Chúa tuy không phải là đạo của phần đông của dân An Nam. Song bất kỳ là đạo nào mà trong đạo ấy đã có người biết hi sanh cái thân mình cho tôn chỉ như vậy, thì ta cũng nên bái phục. Huống chi trò em nhỏ ấy lại là một đứa con nít nhà An Nam, ta lại mừng thêm nữa. ....................................... ........................................ Thấy trò nhỏ nầy mà nhớ đến chuyện đứa con nít Hy Lạp. Trong lúc Hy Lạp bị người La Mã chiếm cứ, binh La Mã bắt một đứa nhỏ thật bé, mà dò hỏi điều nầy điều khác. Chừng thấy đứa nhỏ ấy mọi điều một trả lời một cách anh hùng khẳng khái, tướng giặc muốn thử coi nó đã có học ít nhiều chi chăng, mới bảo nó viết một câu trên cát. Nó liền lấy que mà gạch ngay mấy chữ: "Tôi rất yêu quý quê hương của tôi". TÂN VIỆT Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s. 730 (12.6.1928) ------ * khi không: tự dưng, bỗng dưng (theo Từ điển phương ngữ Nam Bộ, sđd.) Cái bia của đức Quốc công
Đức quốc công là công thần của bà hoàng thái thái hậu, mẹ vua Tự Đức mà tôn hiệu là Từ Dũ, quê ở Gò Công. Tưởng cũng nhiều người biết rõ sự tích ấy và biết nhà thích lý(*) họ Phạm và nhà thờ của ông đức quốc công ở tại Gò Công, cách châu thành chừng ít cây số. Mới đây chúng tôi có tiếp được ông Phạm Đăng Trung là người giám thủ nhà thờ của đức quốc công đến nói chuyện tấm mộ bia như vầy: Cách chừng 70 năm nay, trước khi nhượng giao Nam Kỳ cho chánh phủ Lang Sa, ông Phan Thanh Giản, lúc ấy làm Nam Kỳ kinh lược và ông Trương Tác Dụng có làm một bài minh chạm vào đá cẩm thạch, rồi dựng trước mộ của đức quốc công. Bia ấy đề ngày tháng chạp niên hiệu Tự Đức thứ mười. Từ khi dựng bia đến sau, vật đổi sao dời, quan Phan Thanh Giản nhượng Nam Kỳ cho Chánh phủ Pháp rồi uống thuốc độc mà tử tiết, ông lãnh Tân lén lấy đầu thầy là ông lãnh Định giúp nhà nước Lang Sa dẹp yên đám giặc Tháp Mười; từ ấy nhẫn nay sao dời vật đổi, không biết vì duyên cớ gì mà tấm bia ấy ngày nay lại đương đứng sững ở trong đất thánh Tây. Ông Phạm Đăng Trung thấy vậy có viết thơ cho quan Thống đốc Nam Kỳ và Triều đình Huế mà xin phải giao tấm bia ấy lại cho từ đường họ Phạm gìn giữ. Chánh phủ trả lời rằng đồ trong đất thánh tây là thuộc về của thành phố Sài Gòn. Ông Phạm Đăng Trung lật đật lại xã tây(**). Song chưa gặp đặng ông Rouelle. Ông Phạm Đăng Trung còn xin thành phố Sài Gòn phải bôi mấy hàng chữ tây trên tấm bia ấy và sửa bài minh lại y như cũ rồi cho đem lại nhà thờ của ông đức quốc công, ông Phạm Đăng Trung mới chịu lãnh. Sao mà tấm bia ấy lại lạc vào trong đất thánh Tây? Để đến kỳ sau chúng tôi sẽ tra xét và lấy hình mà đăng lên báo. Hôm nay chúng tôi chỉ xin chánh phủ và ông Rouelle là người đã có tiếng yêu người An Nam nên mau mau đem tấm bia ấy mà giao lại cho Phạm từ đường. Ai ăn ai thua, ngày nay cũng đã phân minh rồi, thành phố Sài Gòn có giữ chi lại cái dấu tích đường tên mũi súng! Mà tôi tưởng mấy ông hội đồng thành phố An Nam cũng nên can thiệp vào vụ này. Chúng tôi chờ mấy ông lắm. Đã lại vì dành đất!
Mới rồi, cách chừng hai ngày rày, ở Cà Mau lại mới sanh ra một vụ đánh chém rất dữ dội. Theo như lời báo Impartial thì mấy người tá điền của Nguyễn Văn Thanh, chủ điền ở Cà Mau, một hôm nọ xách dao mác đến tại miếng đất mà chủ điền chúng nó đang tranh dành kiện cáo với Nguyễn Tân Viên. Đến đó đánh tên Phát là tá điền của tên Viên, rồi lại đốt luôn cái trại lá của tên Phát. Kỳ nhứt là Nguyễn Văn Thanh lại khai rằng mưu ấy là của Nguyễn Tân Viên bày ra chớ không phải anh ta sai tá điền đến làm như vậy. Còn tên Phát là người bị thương đương nằm ở dưỡng đường Bạc Liêu lại bỗng nhiên chạy trốn đi đâu mất. Than ôi, từ mấy tháng nay, không có tuần nào mà không có xảy ra chuyện dành đất mà đâm chém nhau. Song ai đã biết rõ mấy vùng Cà Mau, Bạc Liêu, Rạch Giá, Sóc Trăng mà chẳng cho những việc xảy ra ấy là lẽ tự nhiên. Tự nhiên lắm. Dân thì quê, đất thì rộng minh mông mà không bản đồ, địa bộ gì hết. Mạnh ai nấy đến đó mà khai phá. Rồi cũng mạnh ai mà nhứt là ai có thế lực mạnh thì dành về phần mình. Còn những các viên quan là người đến đó mà phân xử mà lại cũng do đó mà làm cho có tiền ngàn bạc vạn trong khoảng chừng ít năm. Thế thời còn mong sao cho đặng yên! Đã vậy mà hễ mỗi khi có ai đem đơn vô xin khẩn thì khốn khổ trăm bề. Trước hết phải tính sao với thầy coi việc cho êm mới trông có tên vào sổ. Mà cũng chưa chắc. Nhiều khi gặp người lễ vật nhiều hơn thì lại đã thấy tên mình bay đi đâu mất. Mấy thầy làm việc rày đổi mai thay, đến chừng có chuyện, biết đâu mà hỏi. Mà có người dân nhà quê nào biết đâm đơn thì phải hỏi biên lai bao giờ. Khó như vậy, mà từ ngày đầu đơn lại còn phải đợi năm này năm nọ mới có bàn hội đến khám xét. ấy đó, ngày nay sanh ra nhiều chuyện như vậy, lỗi ấy về ai?? Phần thì người có thế lực dành dựt, phần thì nhà nước muốn đem phần nhiều đất ấy ra mà phát mãi. Từ khi hội đồng quản hạt không chịu bỏ thăm các hạng thuế của ông Varenne đã bày ra mà cái điều không chịu bỏ thăm ấy cũng chưa chắc là một điều phải, thì nhà nước tính bán bớt một mớ đất mà bù vô các khoản thiếu trong sổ chi tiêu. Té ra cái chuyện ấy lại là còn khó hơn chuyện làm thuế mới nhiều. Trước hết phải cho có đủ họa đồ đo đã. Lại còn một nỗi là sợ bán nhằm đất của dân đã khai phá rồi mà thêm ra nhiều chuyện đồng Nọc Nạn nữa. Chuyện ấy còn dài, để một kỳ sau sẽ nói. Nay chỉ nhắc cho chánh phủ nhớ là phải xử trí sao cho mau xong các chuyện đất cát. Bằng không, thì một ngày kia bởi đó mà làm cho rối cuộc trị an, mà các ngài mỗi khi đều mỗi nói đến. Bây giờ chánh phủ đã đặt ra bàn hội xét đất, thì mau mau làm yết thị, giấy cho lớn, chữ cho rõ mà dán khắp các nhà việc các chợ trong mấy vùng ấy. Làm vậy đặng cho ai nấy đều biết phải do vô đâu mà kêu nài. Song tôi chỉ sợ, một bàn hội vừa đặt xong chắc cũng không sao mà làm cho hết công việc đặng. Tưởng mấy ông hội đồng quản hạt cũng nên chú ý vào vụ nầy cho lắm mới phải. Song xin phải trừ ông Huấn và các bạn thiết của ông ta ra. Vậy thì còn ai không? TÂN VIỆT Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s. 731 (14.6.1928) -------- * thích lý: nơi ở của họ ngoại nhà vua (theo Đào Duy Anh, sđd.); ** xã tây: từ thông tục, thường dùng trên báo chí đương thời, trỏ nơi đóng cơ quan công quyền của chính quyền Pháp tại thuộc địa. Mình cứ bị lỗ luôn Các bạn làm tàu ở chiếc d'Artagnan ở Tàu mới về có thuật chuyện rằng hôm tàu d'Artagnan ở Nhựt Bổn về đến Thượng Hải, một ít anh em An Nam dưới tàu lên bờ dạo chơi. Khi đương đi, thình lình bị lính Nhựt ở đó chạy ùa lại đánh. Hoảng hốt không biết duyên cớ gì, đến sau mới hay là mấy chú Nhựt tưởng các anh ta là người Tàu mà sao dám đi nghinh ngang trong các tô giới như vậy. Nghe nói, nghĩ lại mà phát ngán! Nhựt với Tàu giận nhau ở Tế Nam, Đông Tam Tỉnh, mà An Nam mình cứ chịu lỗ mãi. Khách trú ở đây tẩy chay tàu buôn Nhựt, mình cũng đã thấy lỗ. Mà đủng đỉnh đi chơi ở Thượng Hải, rủi gặp lúc người ta đương giận nhau, mình cũng bị đòn. Ngán cho cái thân An Nam thiệt! Vậy đó là xã hội tương quan. Song mỗi khi xã hội có điều chi ra vẻ tương quan mình mỗi thấy lỗ. Lạy các bác, để chúng tôi yên! Nếu như loài người đã không theo đặng như lời đức chúa Giê-giu "Chúng bay hãy thương yêu lấy nhau!" thì cũng nên lấy cây nầy làm tôn chỉ: "Ai thây kệ nấy!".
Cấm lạy còn lạy Vừa rồi có người đọc báo gởi thơ đến xin bổn báo dịch đăng cái tờ thông tin của quan Thống đốc Nam Kỳ truyền cho các quan chủ tỉnh phải khuyên quan viên Lang Sa tùng sự trong các tỉnh đãi người An Nam cho có lễ phép. Song tôi nghĩ có gì nữa đâu mà đăng. Và tôi cũng đã nói tử tế không đều do ở nơi mình. Nếu như mình thấy mặt ai, cứ cúi xuống lạy đùa, thì một trăm tờ thông tư như vậy cũng chẳng làm chi, huống là một tờ. Tôi còn nhớ ông đốc phủ kia, cứ mỗi đầu năm tây, khăn đen áo lớn, dắt mấy thầy nhỏ đi đến chúc mừng ông Thống đốc Nam Kỳ. Ông đó đã có tiếng hay lạy, nên một hôm, trước khi đi vô, mấy thầy đã dặn: Chuyến nầy đừng lạy, nghe quan lớn! Ấy vậy mà vô nói chi năm ba tiếng cũng cúi xuống mà cuốc dài, làm cho mấy thầy mặc đồ Lang Sa té lên té xuống gần chết. Ta mà còn đê hèn như vậy, mong gì ai trọng ta!... Lạ thiệt, cái thói đụng ai lạy nấy như tuồng in đã thâm nhiễm vào óc mình bao giờ. Cho đến nỗi từ xưa vua Thành Thái đã có ra chỉ dụ cấm dân không được lạy người sống, mà vẫn cũng cứ cuốc như thường. Cấm lạy mà cứ lạy, thật là một chuyện xưa nay chưa từng có! Lạy thét(*), có khi khỏi tập thể thao! TÂN VIỆT Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s. 732 (16.6.1928) ------- * thét: mãi, hoài, luôn (theo Từ điển phương ngữ Nam Bộ, sđd.) Cái thói nói tiếng Lang Sa Học tiếng Lang Sa, thì phải hay nói tiếng Lang Sa cũng là một lẽ tất nhiên. Song hiện ở Sài Gòn coi như tuồng nói hơi nhiều một chút, mà nhứt là lúc không nên nói mà cũng cứ nói thì thật là khiếm nhã. Có nhiều khi trong hội hàng nào, tinh những là người An Nam mà cũng chỉ thấy nói tinh là tiếng Lang Sa, người ngoài dòm chi khỏi cười mình là dân vong bổn!.. Huống chi trong một đám hội có nhiều người An Nam không thạo nói, rồi một ít ông tân học sanh cứ chỉ dùng tinh là tiếng Lang Sa, thì lại thành ra vô lễ. Mà nhiều lúc lại cũng vì tiếng Lang Sa mà mất biết bao nhiêu ý kiến hay. Tôi thường biết nhiều ông, trong khi tranh biện ở ngoài có nhiều câu rất phải, lời đáng nghe, mà chỉ vì nói tiếng Lang Sa không thạo mà phải nín thinh. Tôi cũng biết có nhiều ông An Nam không quen nói tiếng mình, rồi nói ra sợ không thông và một hai khi thật kiếm không ra tiếng. Điều ấy vẫn có. Nhưng chánh ngay mấy ông cũng nên học nói tiếng mình chút đỉnh cho đủ nói chuyện. Chớ người An Nam mà không biết tiếng An Nam thật là đáng buồn cười. Vả lại ngày nay tưởng ai cũng đã công nhận là phải lo bồi bổ tiếng nước nhà. Nếu như cứ hùa theo dùng tiếng nước ngoài thì biết ngày nào cho tiếng mình đặng tấn phát? Cái hại không học tiếng nước mình là thật lớn. Ngày nay Nam Kỳ cũng chẳng phải thiếu chi người có nhiều ít học thức. Mà chỉ vì mấy người ấy đã không biết mà cũng không nói đặng tiếng An Nam, thành ra cái sở học của họ không giúp ích gì cho ai hết. Mà cái điều ấy cũng là một lợi ngay cho họ. Vì dầu cho học thức bao nhiêu mà không có thế gì truyền bá tư tưởng của mình cho phần đông người trong quê hương, thì còn mong làm gì đặng. Vậy họ nên phải gắng về phương diện ấy. Bây giờ thật cũng khá hơn ngày xưa nhiều. Lúc trước bao nhiêu những người tây học về, đều khoe mình là quên tiếng An Nam. Cha mẹ thì hay nói với kẻ khác: "Thằng hai tôi nó học đến quên tiếng An Nam lận!" Thậm chí có người đã không biết tiếng Lang Sa mà cũng muốn đặt tên tây cho con. Bây giờ còn như những là cô Trần thị Tờ roi, cậu Trần văn Xết, thì đủ biết. Cái lệ ấy, may đã bớt rồi. Chỉ xin những người hay lạm dụng tiếng Lang Sa nên gắng một chút mà nói tiếng An Nam cho thường hơn. Tòa kiểm duyệt bỏ hết một đoạn TÂN VIỆT Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s. 733 (19.6.1928) Người Tây chép chuyện Tầu
Cô Simone Téry con gái ông Gustave Téry, chủ nhiệm tờ báo L'Oeure mới sang Tàu về viết nhiều bài trong các báo Paris nói về thời cuộc nước Tàu. Cô ta có thuật một đoạn như vầy:
Văn cô ta chép hay lắm. Song cô ta chỉ quên một điều là dân Hán Khẩu không có ăn bánh mì như dân Paris vậy đâu! Thật là người Tây chép chuyện Tàu!
Lộng! Lộng! Lộng! Thường bây giờ mỗi khi Đông Pháp chúng tôi có vì lẽ công lý mà kích bác mấy ông "thượng lưu" điều chi, thì đã thấy một ít chú "không hạ, không thượng" về nhà nhóm vợ và con mà vỗ bàn, vỗ ghế. Rồi cùng nhau chảy mươi hàng nước mắt mà nói lớn: Lộng! Lộng! Lộng! thiệt là lộng quá. Thậm chí có nhiều người gần muốn bắt chước Nhựt Bổn mà làm harakiri(*). Song còn sợ đổ ruột nên chỉ ôm lòng mà viết đỡ, bức thư như vầy: "Trăm lạy quan lớn, quan lớn phải liệu làm sao, chớ để như vậy thì đau lòng chúng con là người có tội lắm. A men!" Quan lớn sẽ liệu làm sao chưa biết, chớ chúng tôi xin ngài cứ làm phải đi, cứ làm sao cho ai nấy đều rõ thấy ngài là một người biết để lợi chung của quê hương nằm trên lợi riêng của mình. Chừng ấy chẳng cần chi mấy quan nhỏ phải harakiri, mà chánh ngay chúng tôi đây cũng sẽ hết lòng chơn chánh, hết sức tán dương mà giúp mấy ngài cho đến cùng đến tột. Chớ nếu cứ như thế mãi, thì chẳng những lộng! lộng! lộng! mà lại hãy còn lộng nữa!
Kỳ lân báo Trong một kỳ báo trước, bổn báo đã cho hay tin rằng chánh phủ mới cho phép ông Bùi Ngọc Thự mở tại Sài Gòn một tờ báo hiệu là Kỳ lân báo. Sao lại Kỳ lân báo? chỉ có Bùi Ngọc Thự mới kiếm ra đặng cái tên ấy mà thôi! Hay là muốn múa chăng? Có nhiều người tuổi tuất, mà ai hỏi lại nói tuổi con lân. Có khi vì nghĩa ấy mà đặt tên chăng? Than ôi! đời Xuân Thu lân ra có một lần mà đức Khổng còn tuyệt bút. Bây giờ mỗi tuần ra đến ba kỳ, thì ai còn dám cầm viết? Mà thôi, đừng nói khào(**), ông Thự hay quạu lắm. Thử nên nhơn dịp nầy mà tra cho biết con lân là con thú gì. Phải licorne không? Licorne là dịch thàm(***). Có lẽ lân tức là con girafe(****). Vì trong sách có chép hình trạng rõ ràng: "Huân thân, ngưu vĩ, mã đề nhi kỉnh trường" nghĩa là mình nai, đuôi trâu, móng chưn ngựa, mà cổ dài. Thế thời girafe chớ gì. Tưởng lúc đó có con girafe nào chạy lạc qua rừng Tàu mà họ bắt được rồi đức Khổng mới đặt tên là lân. Ông Thự cũng nên nhơn đó mà sửa hiệu báo lại là "La Girafe" thì đúng nghĩa hơn.(*****) TÂN VIỆT Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s.734 (21.6.1928) -------- * harakiri: tục mổ bụng tự sát của giới võ sĩ (samurai) Nhật Bản; **nói khào: nói tầm phào, nói gẫu, nói dóc; *** thàm: quấy quá, không nên điều (theo H.T. Paulus Của, sđd.); dịch thàm: dịch quấy quá, qua loa; **** licorne: kỳ lân (con vật huyền thoại); girafe: hươu cao cổ; ***** Lưu ý: Sau bài này mấy tháng, trên Đông Pháp thời báo (ngày 1.9.1928), Vân Trình có bài Lại mừng « Kỳ lân báo » , trong đó có nói « Đ.P. chúc mừng và xin lỗi » vì đã 2 lần diễu cợt cái tên tờ báo này khi Kỳ lân báo chưa ra mắt; nay báo đã ra, thấy nội dung đứng đắn nên ĐPTB bày tỏ cảm tình. Kỳ lân báo xuất bản mỗi tuần 3 kỳ ( vào các ngày thứ ba, năm, bảy) ở Sài Gòn, số 1 ra ngày 18.8.1928, số cuối, số 70 ra ngày 25.5.1929 (theo Nguyễn Thành: Từ điển thư tịch báo chí Việt Nam, Hà Nội: Nxb VHTT, 2001) Đàn bà con gái có nên ra giữa đám đô hội mà diễn thuyết chăng?
Hiện mấy năm nay con gái nước ta mà nhứt là ở Nam Kỳ, đã có nhiều người có học thức chẳng kém gì trai. Mà nếu đã có học thức mà lại có ý kiến gì hay, thì tức cũng có quyền đến giữa công chúng mà phô bày ý kiến của mình như trai vậy. Nghe nói bên Huê Kỳ ngày nay họ đãi đàn bà chẳng có chi kém đàn ông, cho đến nỗi đàn bà phạm tử hình họ cũng buộc leo lên ghế điện mà chịu chết như đàn ông vậy. Nước ta ngày nay chưa đến bực ấy, nghĩa là thật ta cũng chưa muốn cho đàn bà con gái chịu như ta. Song tưởng chuyện diễn thuyết, thì ai cũng vui lòng để cho mấy cô đặng cái quyền ấy. Song đã có quyền thì tất cũng phải có phận sự như đàn ông con trai. Tưởng bây giờ có chú đàn ông nào cậy người ta viết discours cho mà đọc, thì ai biết cũng buồn cười. Mà mấy cô cũng vậy. Cũng không nên ra giữa công chúng mà đọc discours của người. Mà mấy cô lại càng không nên lắm! Vì cái chuyện đọc discours là một chuyện bất đắc dĩ của đàn bà con gái. Nếu mình đã không có ý kiến gì mà phải cậy người ta viết giùm, thì đọc mà làm chi! Và cũng xin mấy cô chớ quá tin. Bởi mấy chú đàn ông nhiều khi họ tự viết cho họ đọc mà cũng chưa chắc đã nên thân gì chưa, huống là họ viết giùm! Xin mấy cô đừng tin. Nhứt là đừng nên tự nghĩ thầm rằng đàn bà làm đặng vậy cũng là khá rồi. Điều đó sai lắm. Ai mà nói vậy là họ đã có ý khinh. Còn như tự mấy cô nghĩ lấy như vậy, thì còn mong gì là nam nữ bình quyền? Vả tốt hơn là như có một hai khi phải đọc, cũng nên lựa cái vấn đề nào thuộc về phụ nữ thì tốt hơn. Chớ cũng chẳng nên nói băng quàn(*) mà làm cho người ta dị nghị như mới rồi đây thì thật là không đẹp.
Chuyện thầy giáo Tân Hương Cũng vì trong một kỳ báo trước, bổn báo đăng tin ông chủ quận Mỹ Tho dùng những tiếng vô lễ mà nói chuyện với thầy giáo ở Tân Hương mà quan chánh tham biện Mỹ Tho đã đi cùng ông Đốc học, cầm tờ Đông Pháp đến trường Tân Hương mà hỏi thầy giáo ấy. Nghe nói khi mới đến, thì quan chánh tham biện biểu thầy giáo ấy dịch bài trong Đông Pháp ra tiếng Tây cho Ngài nghe. Nghe rồi xây lại hỏi: có thật vậy chăng? Thầy giáo liền trả lời còn nhiều hơn nữa, Đông Pháp chỉ nói có một ít đó mà thôi. Lại có nghe như tuồng ông chánh tham biện trở về có kêu ông quan ấy mà rầy la nhiều lắm và có biểu thầy giáo tự hậu mỗi khi có việc chi cứ đến ngay quan chánh khỏi qua bên ông quận. Ông chánh tham biện Mỹ Tho làm như vậy cũng đặng công bình rồi. Song như xét thật có vậy, thì phải nên trừng phạt ông quận kia một cách công chánh thì tốt hơn nữa. Tiện đây, bổn báo xin nhắc cho những người thông tín(*) cùng ai nấy rõ biết tờ báo nầy là một tờ báo chung, không binh ai, không bỏ ai tất cả. Chỉ xin ai có chuyện chi oan ức thì cứ nên lấy lẽ công chánh mà cho bổn báo hay. Song điều cần nhứt là phải nói cho đúng sự thật, đừng thêm, đừng bớt, mới là thấy hiệu nghiệm như chuyện Tân Hương vậy. Ta muốn trừng trị những kẻ tà tâm, thì trước hết phải giữ mình cho đặng công chánh trước đã. TÂN VIỆT Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s. 735 (23.6.1928) ---------------- *băng quàn: có thể là « băng quàng »? tuy vậy các từ điển xưa nhất về tiếng Việt hiện có ( A. de Rhodes, P. de Béhaine, H.T.Paulus Của) đều không thấy các dạng băng quàn, băng quàng; ** người thông tín: thông tín viên, cộng tác viên của tờ báo này. Đốc học Levrat Kỳ thi sơ học tại Vĩnh Long năm nay có xảy ra một chuyện mà cực chẳng đã chúng tôi phải thuật ra đây. Gần đến giờ thi, mấy ông giám khảo nhóm tại trường rất đông, Tây có, An Nam có. Trong buổi rộn rực, một ông giám khảo An Nam không thấy M. Levrat nên không kịp dở nón. M. Levrat kêu lại bắt lỗi rằng: "Sao thầy không chào tôi, là Đốc học cả một tỉnh Vĩnh Long!" -- "Xin lỗi ngài, vì rộn rực đông người nên tôi không thấy ngài, chớ nào có muốn vô lễ cùng ngài làm chi, mà thứ nhứt ngài là một người chủ của tôi..." Trả lời như vậy, xin lỗi như vậy, mà M. Levrat không bằng lòng, miệng la tay múa, mắng ông giáo An Nam đủ điều. Ông X. lấy làm nhục nên đến xin cùng ông chánh chủ khảo không chấm bài nữa, để lên Sài Gòn thưa cùng quan Đốc học chánh. Ông chánh chủ khảo là người ôn hòa và biết lỗi của M. Levrat nên điều đình cho êm việc. Một người như M. Levrat, ở bên Pháp bất quá đi làm trợ giáo trong một trường làng chớ gì! Qua An Nam được quyền Đốc học một tỉnh Vĩnh Long, sao chẳng biết, sao lại ỷ quyền hiếp một người bạn đồng sự? Làm một ông thầy, cần phải có đạo đức. Lỗ mãng cộc cằn như chú Levrat thì mong gì dạy dỗ ai? Sau này xin có mấy lời nhắc cùng những bạn rất yêu dấu của tôi trong ty giáo huấn rằng cái tự trọng là một phương pháp rất hay để buộc người phải trọng mình. Xưa nay sự nhút nhát rụt rè vẫn làm cho người khinh bỉ mình luôn.
Chuyện mấy ông thơ toán Mấy ông thơ toán Sài Gòn có lập ra một hội tương tế. Mục đích cũng như các hội tương tế kia, nhưng khác một điều là hội viên nửa Tây nửa An Nam. Trọn năm trời hai bên ở với nhau như bát nước đầy, không điều chi xích mích. Thật rõ ràng là "Pháp Việt đề huề" -- dầu muốn nói bình quyền cũng đặng -- vì hội viên Tây đóng bao nhiêu tiền thì hội viên ta cũng được quyền đóng bấy nhiêu. Đâu dè rằng đến ngày nay lại phải xung đột nhau. Số là hội có bày ra một tiệc rất long trọng đãi ông chi đó. Vì "nhà chật hẹp", nên hội viên Tây không cho hội viên An Nam dự tiệc, kêu nài chi cũng không được. Ôi! cái lẽ "nhà chật hẹp" chẳng qua là một cái lẽ bày ra đó thôi. Nếu không ý khinh người thì dầu chật hẹp thế nào cũng có thể chung cùng nhau được. Ít nữa phải để cho một vài người An Nam thay mặt cho cả hội viên An Nam mới là đúng phép lịch sự và lẽ công bình. Thế mà mấy ông hội viên Tây họ có muốn hiểu gì đâu, nên nhứt định không cho An Nam dự tiệc. Vì vậy nên mấy hôm sau nầy nhiều người đã viết thơ xin thôi. Còn mấy người còn chưn trong hội kia, không phải họ không bất bình, nhưng vì họ ở dưới quyền mấy ông chủ Tây nên phải dè dặt một chút. Nghe nói ông Lê Văn Gồng cũng mới gởi giấy thơ không chịu mua tờ tạp chí của hội ấy nữa. Ông Gồng biết đồng tình với mấy bạn đồng nghiệp là một điều tốt. Ta nên khen. Chuyện trên đây cũng là một bài học. Từ nầy về sau, trước khi chúng ta muốn chung cùng với ai, xin hãy nhớ lại bài ngụ ngôn của ông La Fontaine thuật chuyện "Con dê, con bò con, con trừu và con sư tử lập hội". Lại mới có bức thơ của ông Lang Sa gởi đến cho ông Gồng mà giải hòa. TÂN VIỆT Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s. 736 (26.6.1928) Tại sao mà An Nam ta đánh Chà?
Xưa nay An Nam mình là một dân tộc ít hay khi thị(*) người ngoài. Ai đến ở nước mình cũng đem lòng thương yêu như ruột thịt. Thậm chí mình lại thường hay nói sai lầm rằng buôn bán với người ngoài dễ hơn người mình. Chừng đó cũng đã chứng rõ rằng mỗi khi mà có xảy ra chuyện gì rắc rối với người ngoài đều là do họ ở với mình xấc xược thái quá. Mà chuyện chú Chà(**) mới rồi đây cũng vậy. Người ta đến tiệm mình ta mua là ta muốn giúp cho mình. Dầu như người mua có nói năng điều chi không phải, người bán cũng nên lấy lời thuận lẽ êm mà đáp lại. Sao lại nhảy ra mà đánh người ta cho đến lòi con mắt. Nếu đến nước người mà ăn ở như vậy thì sao mà tránh cho khỏi người ta dùng cách ấy mà đãi lại mình: bánh sáp đi, bánh quy lại. Vậy thời hôm chúa nhựt mà xảy ra một chuyện đánh lộn làm cho chú Chà kia phải bị sưng đầu bể kiếng cũng là một lẽ tất nhiên mà cũng tại chú Chà kia sanh sự trước. Điều ấy các quan cai trị, các quan tòa cũng nên biết. Vậy mà bữa đó lại thấy sau khi xảy ra đánh lộn xong rồi, thì hễ tên Chà ấy chỉ ai, lính tuần cảnh bắt nấy. Làm cho hết thảy người bị bắt đều là người vô can mà cũng bị dẫn xuống "bót" tra vấn. Nghe nói quan bồi thẩm Gorse đã tha hết rồi, chỉ còn lưu lại một hai người mà thôi. Rồi đây chuyện nầy kết quả ra sao? Tòa kiểm duyệt bỏ hết một đoạn TÂN VIỆT Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s. 737 (28.6.1928) ---------- * khi thị: như "khinh thị"; ** Chà: (hoặc Chà-và) trỏ chung người Tây Nam Á (Mã Lai, Ấn Độ) đương thời đến làm ăn buôn bán ở Nam Kỳ.
Vậy mới là thú!
Báo L'Opinion mới thuật chuyện rằng ở bên Texas (Mỹ châu) trong khi mở kỳ đại hội của đảng "dân quyền" đặng lựa người ra tranh cử tổng thống Huê Kỳ, thấy có một cái lệ rất thú. Trong khi hội viên vừa đến thì thấy có một nàng con gái cỡi một con ngựa cái đi trước, một tốp nhạc công theo sau, vừa đi vừa đánh bản đờn "con ngựa cái" đi cùng trong chỗ nhóm hội. Chơi đờn xong rồi, ông chủ tọa mới mở hội mà bàn đến chuyện lựa người ra tổng thống. Thật là vừa chơi, vừa lo việc đại sự, thú lắm! Ở Nam Kỳ ta có nhiều chỗ hội nghị, tưởng cũng nên bắt chước cái lệ ấy. Cũng nên rước ít bạn cải lương vào đó mà đàn giang nam, mà ca phụng cầu hoàng. Ca đàn trọn luôn, đừng tranh biện nữa cũng được. Vì mỗi khi tranh biện đã rồi, thì lại thấy An Nam mình cũng bị lỗ. Thế thời ca cải lương e còn tốt hơn?
Bánh sáp đi, bánh quy lại Nghe nói lóng nầy chánh phủ đương trù tính đặng có tăng lương bổng cho quan lại An Nam. Tăng lương quan Lang Sa chẳng lẽ lại để quan An Nam vậy mà không tăng (.....)(*) đương thiếu thốn nhiều lắm. Có lẽ lại phải tăng thuế thêm. Mà nghe như tuồng bày thuế mới ít, dắt thuế cũ lên nhiều hơn. Giả sử như ruộng nhứt hạng điền, thì rồi đây sẽ đem lên thượng hạng, vân vân. Tòa kiểm duyệt bỏ hết một đoạn
Chủ quận có quyền bỏ "bót" không? Mới rồi tòa Mỹ Tho xử về chuyện xâu xé ở Cai Lậy đã phạt thị Thông hai tháng tù, bốn người trong gia quyến cô ta mỗi người một tháng tù. Trong ấy có hai người bị oan, là ông già thị Thông và chồng cô ta là người không can dự gì đến vụ ấy mà cũng bị mỗi người một năm(**) tù. Song cái sự lầm lộn của tòa án là cũng một việc thường, mà ta cũng phải nên biết là bất kỳ phải quấy mà đã ra xâu xé với người cai trị thì tất nhiên sao tòa cũng chiếu theo luật mà phạt; "tình ngay lý gian" là thế! Nay ta chỉ nên xét rõ cái nguyên do vì sao mà sanh ra cái chuyện khó dễ đã xảy ra ở Cai Lậy. Mỗi bên nói mỗi thế, cũng khó tin bên nào. Mà trước hết ta phải hiểu rằng phần nhiều sanh sự là ở nơi quan; dân đâu giám! Dân Cai Lậy cũng vậy. Cũng vì ông quận Phước kéo bắt hai người đàn bà bỏ vô "bót" mà sanh sự ra như thế. Một ông chủ quận mà chạy ra giữa đô hội mà xâu xé với đàn bà thì có tốt gì đâu. Song muốn tốt muốn xấu cũng là quyền riêng của ông Phước. Ta không nên bàn đến. Ta cũng không nên bàn coi lỗi ở dân hay là ở ông Phước. Và cái mục đích của ta là bao giờ có chứng cớ đích xác rồi mới nói, chớ không thèm nói chuyện bông lông. Chỉ có một điều mà ta nên hỏi ngay bây giờ là: chủ quận có quyền bỏ "bót" không?? Không! không có điều lệ nào cho mấy ông quận đặng quyền bỏ "bót". Trừ khi có lịnh tòa án và khi nào thấy ai phạm tội hiển hiện (flagrant délit). Khi nầy đây, thì ai cũng đặng phép bắt giải đến quan, chẳng lựa là quận. Vậy nên mỗi khi có ông quận nào khôn lanh, hễ xảy ra chuyện gì thì ông kêu hương quản mà dạy: "Đem thằng nầy giam lại cho tôi, hương quản!". Phải chi hương quản cũng khôn lanh mà biết bẩm lại rằng: "Xin ông cho tôi một miếng giấy!", thì chắc ông cũng nghẹn mà làm thinh. Quận đã không có quyền bỏ "bót" mà ông Phước lại đem đàn bà bỏ bót. Cũng vì ông ta làm ngang mà sanh ra chuyện Cai Lậy. Nay tòa đã trừng phạt mấy người dân về tội xâu xé với quan rồi, còn làm quan trái phép mà gây ra lộn xộn Cai Lậy thì quan Thống đốc Nam Kỳ nghĩ sao? TÂN VIỆT Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s. 738 (30.6.1928) -------- *Chỗ này bản chụp của người sưu tầm bị mất 2 dòng, khoảng 10-12 từ; ** Có lẽ là « một tháng tù » như ở câu trên mới đúng chăng (bản gốc có lỗi in sai?) Nỗi khổ của nhà báo Kỳ rồi, chúng tôi có biên sơ lược vụ xử báo La Jeune Indochine của quý đồng nghiệp Vũ Đình Dy và Nguyễn Đức Long. Nay xin nối lời bàn đến nỗi khó khăn của người viết báo. Ở đây không tiện và cũng không nên nói đến báo quốc âm làm chi. Chúng tôi chỉ bàn chung cả báo các nước văn minh, nghĩa là báo được "quyền tự do ngôn luận". Tuy nói rằng tự do ngôn luận, chớ các chánh phủ đều bày ra nhiều đạo luật để hạn chế cái tự do đó. Nói rằng có pháp luật, thì chẳng là để cho các nhà báo coi đó mà giữ mình chớ sao lâu lâu lại nghe ông chủ bút nầy bị ba năm tù, ông chủ bút kia đương chống án? Không phải là họ không biết hay là không muốn giữ mình, nhưng trong cái nghề làm báo, mà thứ nhứt là báo công kích chánh phủ thì khó mà không phạm luật. Tỷ như vụ xử La Jeune Indochine hôm nọ. Nếu chúng ta đọc riêng từng bài của quý đồng nghiệp thì tự nhiên không thấy bài nào phạm phép. Mà nếu chúng ta góp lại một trăm bài, thì một trăm bài đó lại có một cái nghĩa rộng ra. Cái nghĩa rộng đó, tòa lại hiểu rộng ra nữa, nên mới buộc ông Vũ Đình Dy và ông Nguyễn Đức Long vào tội "làm rối loạn sự trị an" được. Những cái án như vậy người Pháp gọi là "procès de tendance"(*). Xưa kia bên Pháp đã có nhiều tờ báo phải bị xử như L'Annam và La Jeune Indochine. Hồi đời Phục hưng (La Restauration)(**) đảng cấp tiến có một tờ báo làm cơ quan tên là Le Courrier Francais, cũng vì những cớ nói trên kia mà chánh phủ đóng cửa nhà báo ấy 15 ngày và khép tội mấy ông chủ bút như là Benjamin Constant, Keratry v.v... Nhưng trước khi buộc tội, tòa cũng phải góp lại ngót cả trăm bài, trao lại cho năm bảy người coi ráp câu nầy qua đoạn khác. Nghề làm báo đã trải qua những nỗi khó khăn như thế, vậy mà có một người đồng nghiệp kia thương nghề và tin thế lực của tờ báo cho đến đỗi dám chỉ cái bàn viết của mình mà nói lớn rằng: "Cái ghế tổng lý nầy cũng bằng ba cái ngôi hoàng đế".
Đốc học Vĩnh Long Hôm nay chúng tôi còn phải nói đến M. Levrat nữa. Ai cũng biết rằng trong các sở nhà nước mỗi khi có người đau mà có giấy quan thầy thuốc cho thì được nghỉ bốn ngày, Tây cũng vậy, An Nam cũng vậy. Phép nước như thế, mà từ ngày M. Levrat về trường Vĩnh Long đến giờ lại lộng quyền bỏ lệ ấy đi. Một hôm kia, hai thầy giáo Nguyễn Văn Thanh và Nguyễn Ngọc Trạch đau, dạy không được, nên đến xin quan thầy hai cái giấy phép có ký tên Docteur Sambuc rõ ràng. Khi hai thầy trình giấy thì M. Levrat nói rằng: "Thầy hãy nghỉ đi" (Faites votre permission). Sau lại, không biết M. Levrat vu cáo thế nào mà hai thầy được giấy quan Đốc học chánh quở nặng vì tội nghỉ không xin phép (blâme sévère pour absence illégale). M. Levrat làm như thế đã bất nhơn với người tùng sự mà thêm lạm quyền của quan thầy Sambuc nữa. Trong các sở nhà nước, chỉ có ty giáo huấn là cực nhọc hơn hết. Làm một vị Đốc học, nếu chẳng binh vực thì thôi, cớ sao lại nhẫn tâm làm phiền hà người tùng sự thì ai còn muốn làm thầy giáo nữa? Xin quan Đốc học chánh Taboulet xét chuyện nầy lại và hủy hai tờ quở phạt kia đặng tỏ cho dân An Nam biết rằng trong xứ nầy cũng còn có quan tây công bình chánh trực chớ hết thảy không phải như M. Levrat vậy đâu. TÂN VIỆT Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s. 739 (3.7.1928) ----------------- * procès de tendance: kết án về khuynh hướng; ** Restauration: sau này thường dịch là thời Trùng hưng (trong lịch sử cận đại Pháp) Báo Impartial hỏi
Báo Impartial mới đăng tin rằng ông Đỗ Hữu Thìn, hiện đương về nghỉ bên Pháp có đến trước mặt ban hội trị sự của đảng xã hội cấp tiến (Radical socialiste) mà diễn giải về vấn đề « Pháp Việt đề huề và chánh sự ở Đông Dương ». Hôm ấy có đủ mặt các ông nghị trong đảng và các tay yếu nhơn của đảng đến nghe đông lắm. Thông tin như vậy, rồi báo Impartial lại kết luận rằng: "Lẽ tự nhiên là câu chuyện hôm đó không phải là để khen tặng Chánh phủ Lang Sa bên nầy. Mà thứ nhứt là nói với mấy người dốt về chuyện Đông Dương, thì điều ấy phải là một điều có ích chăng?" Sao mà mau nhột quá? Ừ, tôi cũng chán biết chỉ có một mình ông Homberg là thạo việc Đông Dương hơn hết. Dân Đông Dương như chiên vậy, ai muốn hớt lông thì cứ qua mà hớt! Cái tánh họ chẳng khác chi như lời tục Lang Sa: mỗi người đều đeo hai cái đãy, một cái đựng cái xấu của người, một cái đựng cái xấu của mình. Cái đãy xấu của người thì đeo ra trước mặt, cái của mình sau lưng. Lại còn sợ e đã dùng cái đãy sau lưng mà đựng bạc Đông Pháp, nên xấu họ bỏ rơi ra giữa đường mà không hay. Kỳ thiệt! Sao báo Impartial không chỉ ông Đỗ Hữu Thìn là cách mạng, là cọng sản. Lạ thiệt!
Dân Pha-lăng-xây Xưa nay mình cũng đã từng thấy nhiều người An Nam dân Tây để trong danh thiếp là "citoyen francais" mà chưa buồn cười mấy. Đến nay lại có người chơi kiểu mới mà đề: B. - TH. - V. Dân Pha Lang Xay Quý hóa thay cái danh thiệp ấy. Một ngày kia nước mình khá rồi, thì những mảnh giấy như vậy đều có thể đem vô nhà bảo tàng để làm một bài học sự loại cho con cháu đời sau; hay lắm!
Nửa thỏ, nửa heo Trong một kỳ báo trước, chúng tôi đã nói sơ qua một lần là nay mai chi đây chánh phủ cũng phải lo tăng thuế, vì sổ chi xuất thiếu tiền nhiều lắm. Đến kỳ hội đồng quản hạt tới đây, sao cũng sẽ đề cập chuyện ấy, rồi chúng tôi cũng sẽ bàn kỹ lại. Nay chỉ xin nhắc cho chư độc giả nhớ rằng cũng vì kỳ hội đồng quản hạt trước không chịu bỏ thăm, nên chưa tăng được. Nghị viên Lang Sa không chịu, mà nghị viên An Nam cũng không. Làm cho quan Toàn quyền Varenne giận mà nói rằng: "Mấy anh An Nam đều là người thay mặt cho các nhà tư bổn. Chớ thuế của tôi bày ra là lợi cho dân nghèo, mà sao họ không chịu?" Đến sau nghe Chánh phủ cắt nghĩa: thuế tăng lên 100 phần, vô kho nhà nước năm chục, bớt cho dân nghèo năm chục. Đặng như vậy, có lẽ cũng nên bàn. Kho nhà nước phân nửa, dân nghèo phân nửa. Tôi chỉ sợ như lời mấy chú bán quán bên Tây. -- Anh làm paté thỏ cách sao? -- Nửa heo nửa thỏ!... -- Sao? Ừ, nửa heo, nửa thỏ, nghĩa là tôi lấy nửa con thỏ mà trộn với thịt nửa con heo rồi làm ra paté thỏ chớ sao! Phải nhớ: heo bên Tây có con cân nổi đến 5-6 trăm kílô. TÂN VIỆT Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s. 470 (5.7.1928) Vậy là xong một mối tự do tín ngưỡng
Tờ thông tư của quan Thống đốc Nam Kỳ gởi cho các báo mà chúng tôi đã dịch đăng trong kỳ nầy thiệt là rất công bình, rất chánh đáng. Chánh phủ đối với tôn giáo và các môn triết học của dân gian, sùng bái, thì phải giữ phần trung lập, không thiên vị ai là một cái gốc của hiến pháp cộng hòa. Tuyên bố như vậy thật là nhằm chánh lý, mà từ đây chúng ta cũng nên cám ơn ông Thống đốc Blanchard de la Brosse đã công nhận cái tự do quý hóa ấy cho ta. Vậy là xong một mối tự do tín ngưỡng. Mà đặng vậy chúng tôi cũng hơi có chút công lao, song điều ấy không đủ kể. Từ đây những ai đã đặng thong thả mà tín ngưỡng thì cũng nên nhớ mà đừng làm điều chi trái phép. Như hoặc mượn tên tín ngưỡng đặng đối chúng mà kiếm tiền, hoặc làm điều chi trái với sự tu niệm thì sẽ bị trừng trị mà chẳng ai thương hết. Chí như cái thái độ chúng tôi đối với đạo Cao Đài xưa nay là chỉ vì một điều tự do tín ngưỡng mà đã hết sức công kích những ai mượn quyền thế mà xâm phạm đến. Đến nay đã có hiệu quả rồi, thì chúng lại ở lại cái địa vị của nhà ngôn luận, nghĩa là từ đây hễ đạo nào là đạo phải thì chúng tôi cũng tán dương mà nếu như chúng tôi xét có điều chi ra lưu tệ, thì chúng tôi cũng công kích ngay. Nhứt là bây giờ chánh phủ đã tuyên bố rõ ràng giữ cái địa vị trung lập, thì chúng tôi lại càng phải ở cho thật chánh đáng với vấn đề ấy nhiều lắm vậy. -- Còn các tự do khác? -- Sao mà nóng thế?
Không ai cấm Bàng Quý Phi Nhơn vì một số báo trước trong bài nói chuyện nghị định bên Pháp mới gởi sang cấm các thứ đĩa hát xúc phạm đến Chánh phủ Lang Sa cùng các chánh phủ dưới quyền Lang Sa bảo hộ, chúng tôi có nói chơi rằng: "Đừng lộn Bàng Quý Phi với các bà phi khác mà ở tù", nên ông chủ hãng "Indochine film" mới lại cậy chúng tôi nói lại cho rõ, kẻo có kẻ hiểu lầm là có lịnh cấm đĩa hát Bàng Quý Phi. Không, đừng lộn! Chánh phủ Pháp có phải là Địch Thiên Kim đâu mà không cho mình nghe giọng cô Năm Phỉ! Chúng tôi dặn thế là vì sợ ai cớ trêu mà hát chuyện bà Phi khác rồi kẻ mua lầm với Bàng Quý Phi. Sự tích cũng hơi giống nhau, chỉ có ông Tống Nhơn Tôn là khác. Lộn xộn quá! Sao chánh phủ không phòng bị cho nhặt đừng cho các đĩa phạm luật ấy lưu hành, mà phải bắt tội đến người mua? Nhiều khi dân nhà quê nghe đĩa hát ngộ, nhứt là đĩa hát tiếng Lang Sa, mua về một ngày kia thấy sơn đầm lại nhà đem máy ra quay rồi bắt giải tòa ở tù hết mấy tháng thì oan lắm... Mà vậy e có lẽ trở ngại cho sự bán đĩa hát nhiều lắm. Tưởng những hãng bán đĩa hát, máy hát như "Indochine Film", như Pathé cũng nên lưu ý về điều này. TÂN VIỆT Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s. 741 (7.7.1928)
[Ngày lễ...](*)
Thứ bảy nầy là ngày lễ 14 Juillet. Kìa trước nhà thờ đạo Sài Gòn, người ta đã cất rạp, treo bông, đặt bàn, sắp ghế, nọ ngọn cờ tam sắc đương phất phới khắp cả trong châu thành... 14 Juillet! 14 Juillet! Không cần nói, chắc ai cũng biết lễ 14 Juillet là lễ kỷ niệm chung cho quốc dân Đại Pháp. Các nước văn minh ngày nay, nước nào cũng vậy, nước nào hằng năm cũng có những ngày kỷ niệm chung cho quốc dân. Những ngày lễ kỷ niệm đó đều là những ngày rất có quan hệ trong lịch sử của một nước. Nay thử hỏi nước Nam có ngày lễ kỷ niệm không, thì chắc ai cũng bảo rằng có; hỏi ngày kỷ niệm của nước Nam ta là ngày nào, thì chắc ai cũng bảo rằng ngày mồng hai tháng năm, là ngày vua Gia Long hưng quốc. Vậy ta hãy xét qua thử ngày mồng hai tháng năm có xứng đáng là ngày kỷ niệm chung cho quốc dân Việt Nam ta không. Trước hết, hỏi ngày mồng hai tháng năm là ngày gì? Xin đáp là ngày vua Gia Long tức vị tại kinh đô Phú Xuân.(**) Lại hỏi sự lên ngôi của vua Gia Long có dính dấp gì đến sự tồn vong của giống nòi Việt Nam ư? Sự lên ngôi của vua Gia Long có làm cho giống nòi Việt Nam sung sướng vẻ vang thêm được chút nào ư? Tóm lại mà nói, cái ngày vua Gia Long lên ngôi ở kinh đô Phú Xuân có phải là một ngày có quan hệ đặc biệt trong lịch sử Việt Nam và xứng đáng cho quốc dân Việt Nam ta muôn đời kỷ niệm ư? Các câu hỏi đó tưởng chẳng cần trả lời độc giả cũng có thể tự giải vậy. Toà kiểm duyệt bỏ hết một đoạn TÂN VIỆT Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s. 743 (12.7.1928) ----------- * Kỳ báo này bài trong mục "Câu chuyện hằng ngày" không có nhan đề; ở đây người sưu tầm tạm đặt đề và để trong ngoặc vuông; /**5r5** Gia Long lên ngôi Hoàng đế vào năm nhâm tuất 1802 Nhơn chánh của nhà nước bảo hộ Hôm thứ hai mới rồi, trong phiên tòa xử án báo La Jeune Indochine, quan chánh tòa là M. Weil có nói với mấy người bị can về vụ ấy một câu, đại lược như vầy: "Các anh ở dưới quyền cai trị nước Pháp, là một nước rất nhơn từ, mà các anh còn muốn vầy muốn khác; phải chi các anh xoang vào tay người Ăng-lê cai trị thì các anh mới biết! Chính con mắt tôi đã thấy những cách người Ăng-lê họ đối đãi với thuộc dân của họ rồi..." Phải, tôi tuy không đi đâu nhưng tôi cũng tin lời M. Weil nói đó là thiệt; bởi người Anh ngược đãi dân thuộc địa của họ, nên chi gần đây ở các Anh thuộc như Ấn Độ, Ai Cập (Égypte) v.v... cái phong trào đòi độc lập tự do bùng ra rất kịch liệt làm cho bọn đế quốc Hồng Mao kia đêm nằm không thể yên giấc(*). Tòa kiểm duyệt bỏ hết một đoạn
Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s. 744 (17.7.1928) ------------- * Cuối mục không thấy ký tên tác giả, phải chăng cũng bị kiểm duyệt gạch bỏ cùng với đoạn cuối bài? Câu chuyện diễn binh Năm nay lễ 14 Juillet cũng có diễn binh như các năm khác. Nghe cũng có người An Nam đi coi như mấy năm kia. Chỉ có điều khác là quan Thống đốc Nam Kỳ năm nay có hơi phiền một chút. Bởi vậy nên chi sau cuộc diễn binh xong rồi, thì ngài có gởi cho quan Thống binh một tờ tưởng lệ quân sĩ, mà trong ấy lại có câu: "Bổn chức lấy làm tiếc vì cách bài trí mới đặt ra làm cho người thay mặt chánh phủ cộng hòa ở Nam Kỳ không được chiêm quan cho rõ cái binh oai nghiêm túc của đạo binh phòng thủ Sài Gòn..." Sao vậy? Nghe như tuồng lóng nầy bên chánh phủ với bên quan binh hơi có phiền nhau. Vì trong đêm lập cuộc hát để cứu giúp các hội viên hội "Bắc đẩu bửu tinh", thì không biết vì lẽ gì mà quan Toàn quyền với quan Thống đốc không đến dự xem. Sau nghe lại thì vì bởi như tuồng quan Toàn quyền có hay rằng những người sắp đặt cuộc hát ấy định trước rằng chừng như ngài có đến thì họ không cho ai đón rước mà cũng không đánh quốc nhạc chào mừng, nên ngài mới không đi. Báo l'Opinion lại nói hôm đó ông Eutrope thay mặt cho quan Tổng thống mà đến. Song chừng bận lễ phục trang hoàng đến trước cửa nhà hát lại cũng không thấy ai ra tiếp nên phải lật đật trở về thay đồ thường phục mà đến xem. Cũng bởi chuyện lôi thôi đâu đó mà đến kỳ lễ 14 Juillet nầy, các quan võ mới chiếu theo đạo luật nào đó mà nói rằng chỉ có một mình quan Toàn quyền thiệt thọ mới được cái lệ đánh quốc nhạc và định đến hôm lễ diễn binh quan Thống đốc có đi đến cũng không đánh quốc nhạc chào mừng. Song đến sau bàn tính cho êm mới định hễ quan Thống đốc đi đến lên ngồi ở khán đài vừa xong, thì đàng nầy quan Thống binh cỡi ngựa đến, rồi liền đánh quốc nhạc. Đánh một bài mà chào luôn hai ông. Tưởng vậy cũng tiện. Câu chuyện có ngần ấy thôi. Ông Gourdon đừng sợ.
Hai chú cai ở Long Xuyên Bữa nọ hai chú cai dẫn tội đi làm. Có người tội thừa dịp chạy trốn, hai chú lính rượt theo. Chừng rượt kịp, tên tội vô trong bụi cây trốn, hăm dọa gì cũng không chịu ra, lại nghe (điều nầy chưa chắc) tên tội nhảy ra ẩu đả. Chú cai nọ bắn hai phát súng sáu chết tươi. Người tội ấy còn 10 tháng nữa thì mãn hạn, dại bỏ trốn cho đến nỗi như vậy, thảm thiệt! Còn hai chú cai kia là người có súng, vậy chớ nhắm chưn tội mà bắn không đủ sao, lại bắn người ta cho đến chết?!... Chú cai kia làm như vậy, rồi trọn đời lương tâm chú làm sao cho yên với cái mạng thác oan kia, chú cai?... Tòa kiểm duyệt bỏ hết một đoạn TÂN VIỆT Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s. 745 (19.7.1928) Hai cái án Chắc sao anh em chị em cũng còn nhớ chuyện Martinucci bắn chết cô Mai Thị Lung. Sự tích như vầy: một hôm kia, Martinucci và Houyez đi chơi tại Travò(*). Ăn uống xong, hai tên nầy lại muốn kiếm một vài "ả mày ngài" đặng giúp vui cho chúng nó. Nhưng kiếm không có "xóm bình khang", chúng nó liền vào mấy nhà lương thiện. Vừa đi vừa ó ré om sòm nên thiên hạ đến coi rất đông. Martinucci không bằng lòng, rút súng ra bắn. Dân làng sợ chạy. Nó lại rượt theo. Rượt đến nhà tên Tích gặp Thị Lung đương kiếm chỗ trốn. Martinucci kêu mà Thị Lung không trở lại. Nó liền bắn chết người đờn bà lương thiện ấy đi. Hôm 16-7-28 rồi đây tòa kêu án Martinucci hai năm tù. Tòa kiểm duyệt bỏ hết một đoạn
Phủ Phước bị tẩy chay Phủ Phước đến trấn nhậm quận Cai Lậy chưa bao lâu mà đã nổi danh là một ông quận tàn bạo. Nào là giam học trò vô cớ, nào là cấm chợ đêm, nào là đánh lộn với đờn bà. Những chuyện độc ác như vầy, biết bao nhiêu mà kể. Làm dân mà rủi gặp "cha mẹ" như vậy, thiệt là buồn chết. Ai đã thấy những giấy dán tại chợ Mỹ, Cái Bè và Cai Lậy thì rõ lòng dân đối với phủ Phước thế nào. Kỳ lễ chánh chung rồi, ông quận ta có bày nhiều cuộc chơi. Rủi thay, các cuộc chơi đều bị dân tẩy chay hết. Phủ Phước về nhà, mặt dàu dàu. Vợ hỏi: Sao buồn dữ vậy mình? Phước quạu trả lời rằng: "Tôi chưa hết thời đâu mà sợ. Nếu chúng nó không chơi thì vợ chồng con cái mình qua rủ thầy bang biện chơi. Tưởng gì khó chớ cái đập tĩn leo cây hồi trước tôi còn rành hơn tụi nó nữa..." Dân An Nam là một thứ dân hay kính sợ quan quyền. Vì thế nên mới có đặt chữ "dân chi phụ mẫu". Nhưng vì "phụ mẫu" không xứng đáng nên mới xảy ra chuyện lôi thôi như vậy. Cái tẩy chay nầy là tẩy chay phủ Phước chớ nào có tẩy chay gì lễ chánh chung. Vậy mà nghe nói phủ Phước hăm rằng(**) sẽ chạy giấy cho quan chủ tỉnh Mỹ Tho vu cho rằng dân Cai Lậy muốn làm nghịch. Đó cũng là cái ngón thường của mấy ông quận tàn bạo. Chánh phủ bảo hộ có quê dốt gì mà không rõ. TÂN VIỆT Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s. 746 (21.7.1928) ---------- *Báo chí đương thời in địa danh theo lối viết liền 2 hoặc 3 từ thành một từ và không đánh dấu, ví dụ Cholon (=Chợ Lớn), Mytho (=Mỹ Tho); có những trường hợp ít gặp, như Travò ở đây, vì chưa dự đoán chính xác nên người sưu tầm tạm để nguyên dạng đăng báo. Nha phiến với văn minh Đông Pháp thời báo số vừa rồi có đăng tin sáu người Tây ăn trộm 350 kilos thuốc phiện, từ Thượng Hải bị giải về Sài Gòn đợi ngày xử án. 350 kilos thuốc phiện giá bán đi thì được độ bốn vạn đồng. Giả sử nghèo chí tử như tôi mà bị mất một mẻ trộm bốn vạn đồng thì tôi phải nổi điên tức thì; còn như nhà nước thì mất số ấy có thấm vào đâu. Huống chi đã bắt được bợm lại bắt được tang, thì nhà nước không mất gì cả. Song le, bắt cho được sáu người ấy chắc nhà nước phải tốn nhiều tiền cho lính kín, rồi đến lúc giải về phải tốn tiền tàu và tiền lính cảnh sát điệu đi về đến đây bỏ vào khám giam nhà nước cũng tốn tiền nữa. Mà tôi nghĩ không biết thuốc phiện là của gì! Thuốc phiện là của gì mà nhà nước chứa nó cho nhiều để đến nỗi sanh ra trộm cắp, làm hao tốn thêm cho nhà nước! Các bà các cô sang trọng ở Sài Gòn đây đều có hột xoàn đeo trong mình chẳng nhiều thì ít nên cứ phải để ý luôn, sợ lỡ ra người ta ăn cắp; chỉ có tôi nghèo không có hột xoàn nào, thì tôi chẳng lo chi ai ăn cắp hết. Sao nhà nước lại chẳng muốn khỏe như tôi? Viết đến đây, bỗng có người anh em đẩy cửa vào bảo tôi rằng: Viết làm gì cứ viết hoài? Dẹp đi, đi nằm tiệm một chút chơi thử nào! – Ấy chết! Cái đó tôi không dám đâu, anh ạ! Rồi tôi viết tiếp. Nhơn câu chuyện trên đó làm cho tôi liên tưởng đến cuộc "Công yên khai đăng" ở đất Nam Kỳ. Theo tôi tưởng -- có lẽ nhiều người Đại Pháp cũng tưởng như tôi -- thì ba xứ trong đất Việt Nam chỉ có Nam Kỳ là văn minh hơn hết. Văn minh hơn cả hai xứ kia về vật chất và về tinh thần. Đường sá ở Nam Kỳ tốt hơn, lâu đài ở Nam Kỳ đồ sộ hơn, xe hơi ở Nam Kỳ nhiều hơn. Đạo Gia-tô, đạo Cao Đài ở ngoài kia có đôi nơi cấm ngặt lắm mà ở Nam Kỳ thì được truyền bá tự do. Vả, cho dân tín ngưỡng tự do là một dấu tỏ ra văn minh chớ gì? Chỉ có điều nầy hơi trái lại với trên kia, làm cho tôi không hiểu. Tôi không hiểu tại làm sao ở Trung Bắc kỳ, các thành phố đều không nơi nào có công yên khai đăng, chỉ Hải Phòng có mà bây giờ cũng đã cấm rồi; còn ở Nam Kỳ thì bất luận nơi nào, từ kẻ chợ khắp nhà quê đều có công yên khai đăng cả. Dân Nam Kỳ chúng tôi muốn cảm ơn nhà nước về sự "khai hóa", song không thể không có một lời hỏi nhà nước về sự "khai đăng". Hay là văn minh có một nghĩa khác chăng? Hay là có nhiều đèn sáng tức là văn minh chăng?... TÂN VIỆT Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s. 748 (26.7.1928) Một phép toán mới Cuộc tuyển cử Hội đồng canh nông mới rồi, kết quả, chỉ về phía An Nam, một ông Trương Văn Bền trúng cử mà thôi; còn sáu nghị viên Pháp và một nghị viên An Nam nữa đợi đến ngày 2 Aout sẽ cử lại. Chúng tôi xem thấy cái kết quả như vậy, chẳng vui mà cũng chẳng buồn. Chúng tôi thấy làm vậy thì cũng hay cho làm vậy. Bảo đợi đến ngày 2 Aout thì chúng tôi cũng đợi đến ngày 2 Aout; mà có đợi đến ngày nào đi nữa chúng tôi cũng cứ việc đợi. Chúng tôi không nóng ruột về sự đó; chỉ nóng ruột muốn biết về sự dưới nầy. Về cuộc tuyển cử nầy, phía bên Pháp, số cử tri là 1092 người, mà số nghị viên được đến 6 người; còn bên An Nam, số cử tri đến 2059 người, mà số nghị viên chỉ có 2 người. Làm sao, lẽ đáng theo phép chánh tỉ lệ, số cử tri đông hơn thì số nghị viên cũng đông hơn mới phải, mà lại theo phép phản tỉ lệ, số cử tri đông hơn thì số nghị viên trở lại ít hơn? Nên nói rằng vì cái số phận người An Nam đáng mỗi việc mỗi sút thì thôi, chúng tôi không phàn nàn chi hết. Còn như ở đất nầy còn có lẽ công bằng thì tưởng nhà nước há lại chẳng nên dự nghe một vài lời của chúng tôi? Về chánh trị, về thương mãi, An Nam chúng tôi đành không có học thức bằng người Pháp, cho nên về các cuộc hội đồng ấy số người An Nam phải kém thua số người Lang Sa. Song về việc canh nông, người An Nam chúng tôi cầm cái cày ở đất nầy đã vài ba trăm năm nay, có đất ruộng cũng nhiều, về tri thức và quyền lợi hẳn là không kém, thì cớ sao số người thay mặt cho nông dân chỉ có ít xỉn như vậy? Có người nói rằng: Về việc nầy, nhà nước thiệt tình không có tư vị gì hết, số người nghị viên của hai bên đó chỉ định theo phép toán học mà thôi. Nguyên nhà nước phỏng định, chia cuộc canh nông đất Nam Kỳ nầy ra làm 10 phần thì An Nam được 8 phần và người Pháp chỉ được 2 phần. Rồi nát(*) mấy con số 1.092 mà cộng lại và chia cho 2, cho nên bên Lang Sa được 6 người, như vầy: 1 + 9 + 2 = 12: 2 = 6 người. Còn nát mấy con số 2059 mà cộng lại và chia cho 8, cho nên bên An Nam được 2 người, như vầy: 2 + 5 + 9 = 16: 8 = 2 người. Phép toán học dị kỳ thay! Song nếu quả nhà nước làm theo cái "xít-tem" ấy thì chúng tôi cũng lại cam lòng, không phàn nàn chi hết. Rút lại, chúng tôi chỉ là hạng người thấy làm vậy thì cũng hay cho làm vậy, mà nghe làm vậy thì cũng hay cho làm vậy. TÂN VIỆT Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s. 750 (31.7.1928) --------- *nát: tán ra, bẻ nhỏ; nát ra: bẻ ra, xắt nhỏ ra (thường nói về sự tính toán) (theo H.T.Paulus Của, sđd.) Lý sự giữa sa mạc Cách vài ba tuần lễ nay, một người Pháp tên là M. Bouchot, hiện làm điển bộ (Archiviste(*) -- Xin nhớ rằng ông nầy không có làm Hàn lâm viện đâu!) sở thơ viện nhà nước, có viết mấy bài đăng trên báo L'Opinion nói về cái lẽ người Pháp đến chiếm xứ Nam Kỳ nầy. Đại ý ông nói rằng: 1/ Người An Nam tiếng rằng mất xứ Nam Kỳ, kỳ thiệt không mất chi cả; 2/ Người Pháp đã giúp cho người An Nam chinh phục đất nầy; 3/ Người An Nam là thứ dân không ưa sự đồng cảm. Ông muốn nói cho cái sự chiếm đất của người Pháp ở đây thành ra có nghĩa, song những cái luận chứng của ông vu vơ quá, mỏng manh quá, chỉ búng một cái là ngã. Nực cười thay cho ông Tây nói chuyện An Nam! Ấy thế mà là một "ông mọt" ở từ trong kho sách nhà nước mà ra! Bởi vậy, ông Nguyễn Phan Long búng cho một cái, ông H. H. T. nào đó búng thêm cho một cái nữa bằng mấy bài bác luận trong tờ l'Echo Annamite, tự nhiên ai nấy đều thấy cái thuyết của ông Bouchot không đứng được nữa. Ai nấy đều tưởng như vậy là xong chuyện. Bữa nay lại tới phiên báo Tribune Indochinoise. Tribune Indochinoise ra ngày 27 mới rồi, có một bài đề là Le cas Bouchot đại để cũng kể qua câu chuyện như trên kia, song trong đó có một đoạn nói lý sự thiệt cứng, dịch ra như vầy: "Thôi thì chúng tôi cũng tin đi rằng ông điển bộ Bouchot chẳng phải có vâng mạng của chánh phủ mà làm một việc như vầy, và những bài đăng trong báo L'Opinion đó là tự ý một mình ông viết ra, có xảy ra điều gì thì ông chịu lấy. Song le, trong "ca" nầy, chúng tôi nhơn danh dân An Nam xin hỏi chánh phủ nếu đã cho phép hàng quan lại được tự do mà viết trên báo chăng, và cũng cho luôn họ có quyền được nhục mạ nhơn dân đã đóng thuế mà nuôi họ chăng". Bởi vì theo thói thường chánh phủ vẫn có lịnh cấm hàng quan lại không được tự do viết trên các báo, cho nên bạn đồng nghiệp T. I. mới hỏi như vậy. Hỏi như vậy là có lẽ lắm, cứng lý sự lắm. Song le, ta phải nghĩ: ông Bouchot há lại chẳng biết đến cái lịnh ấy sao? Biết rồi mà ông còn viết để nhục mạ dân An Nam, ấy là ổng đã tự đặt mình ra ngoài vòng lý sự ấy rồi. Hỏi mà làm chi ổng bây giờ? Hỏi mà ai trả lời cho mình bây giờ? Không những việc nầy, việc gì cũng vậy, lý sự của người An Nam nói ra dầu phải mấy đi nữa cũng chỉ như tuyên giảng giữa sa mạc (prêcher dans le désert!) Bạn đồng nghiệp T. I. tin rằng "có xảy ra việc gì thì ông Bouchot chịu lấy", song le chúng tôi thì lại tin rằng rồi đây không xảy ra việc chi cả, ông Bouchot không phải chịu chi cả.
Khổng Tử với quan Toàn quyền "Ngày bữa kia, quan Toàn quyền, là người đại biểu chánh thức cho Đại Pháp Dân quốc, đã làm lễ gác mão cách chánh thức cho một ông vua. Ấy, là toàn noi theo cái cựu truyền của các nguyên tắc trọng yếu về năm 1789".(1) Đó là câu để nơi chéo trên tờ báo L'Oeuvre Indochinoise, ra ngày 27 Juillet mới rồi, vì trong số báo ấy có nói chuyện tấn lập vua Monivong nước Cao Miên. Ai đã đọc qua lịch sử Pháp thì phải hiểu những lời đó là lời nhạo ngầm(*). Hiểu là nhạo ngầm, là vì: Việc lập vua là một việc trái với cựu truyền của những nguyên tắc, tức là cái nền hiến pháp của dân quốc về năm 1789, mà báo ấy lại nói rằng "noi theo". Bạn đồng nghiệp l’Oeuvre Indochinoise lấy sự đó làm điều, song chúng tôi tưởng cũng chẳng hại gì, bởi vì trong nghị viện nước Pháp ngày nay cũng còn có đảng Bảo hoàng kia mà. À mà quan Toàn quyền Monguillot vốn không phải người trong đảng Bảo hoàng. Ờ, cái đó cũng đáng cho ta hơi ngần ngại một chút. Nhưng mà không việc gì, xin quan Toàn quyền đừng lo, đã có đức Khổng Tử là giáo chủ của chúng tôi đây ra mà bào chữa cho ngài. Đức Khổng Tử nói rằng: "Không thế nào là nên, không thế nào là chẳng nên" (vô khả vô bất khả). Mà không xuôi việc nữa, thì lại có thầy Mạnh Tử. Thầy Mạnh Tử sẽ nói giùm cho ngài như rựa chém xuống đất (trảm đinh triệt thiết) mà rằng: "Hồi đó là một lúc; bây giờ là một lúc". (Bỉ nhứt thời dã; thử nhứt thời dã). Thôi im, không ai nói chi nữa. TÂN VIỆT Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s. 751 (2.8.1928) -------- (1) nguyên văn bằng chữ Pháp là: "Avant-hier. Un Gouverneur général, representant officiel de la République a couronné officielment un roi. C’est tout à fait dans la tradition des grands principes de de 1789" (nguyên chú); * Archiviste: chuyên viên lưu trữ\; **nhạo ngầm: là từ Việt được dùng để dịch từ "ironie" của tiếng Pháp. Thấy người lại gẫm đến ta Vua Sisavang Vong xứ Ai-lao, từ khi xong việc dự lễ tấn tôn vua Cao Miên rồi, đã xuống Sài Gòn để lấy đường về bổn xứ. Trong khi tạm trú tại Sài Gòn mấy ngày, ngài có đi thăm thành phố và cả thành phố Chợ Lớn nữa. Chánh phủ có phái quan đi hộ giá ngài, có đãi tiệc ngài tại dinh quan Thống đốc. Trong những ngày 30 và 31 Juillet vừa rồi, các báo tây ở đây báo nào cũng có kỷ thuật cuộc ngự du của vua Lào, cũng có chụp hình nội cuộc ấy từng cảnh một mà in lên báo. Ngó không chi mà nột(*) thật! ấy là cái thâm tình hậu lễ của Chánh phủ và nhân dân Pháp đối với vua Sisavang Vong; còn cái thái độ rất nhã của vua ấy đối với quan Khâm sứ và vua Cao Miên trong khi ngài đã từ biệt Nam Vang rồi, ta cũng nên nhắc đến nữa. Khi đến Sài Gòn rồi, quan cai trị Lagrèze là viên hộ giá vua Sisavang Vong, có nhơn danh ngài mà đánh cho quan Khâm sứ Cao Miên một bức điện tín dài ngót ba trăm chữ, dịch đại khái như vầy: "Nay chúng tôi đến Sài Gòn rồi. Đức vua Luang P'rabang cậy tôi bày tỏ cùng quan lớn tấm lòng cảm bội của ngài về sự ngài đã được tiếp rước và đãi ngộ cách trọng thể trong mấy ngày ngài ở đất Cao Miên. Ngài lại nhờ quan lớn thay lời cảm tạ vua Monivong, rằng ngài lấy làm hân hạnh, mà đã được dự cuộc lễ tấn tôn long trọng, và trong mấy ngày mới biệt nhau đây ngài không khi nào quên được những cái dấu thân thiết về hữu nghị của vua đã tỏ ra cho ngài. "Ngài ao ước rằng cái hữu nghị làm cho hai nước thân thiện đó sẽ nối nắm mãi đến vô cùng, và mong rằng không bao lâu nữa vua Monivong sẽ hạ cố mà giá lâm thành Luang Prabang". Lại còn bức điện tín của quan Khâm sứ Cao Miên thay lời vua Monivong mà đáp lại nữa, song chẳng dịch ra làm chi. Bực cho cái tai của dân An Nam ở đây, chính tại đất nước nhà mình mà chỉ có thấy và nghe chuyện của người ta: chuyện của các quan Đại Pháp, của vua Cao Miên, của vua Lào! Tòa kiểm duyệt bỏ hết một đoạn TÂN VIỆT Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s. 752 (4.8.1928) --------- * nột: gấp gáp, dồn dập (theo Từ điển phương ngữ Nam Bộ,sđd.)
Dịch phát trên xe hỏa Người ta đồn rằng mới rồi trên mấy chuyến xe hỏa từ Nha Trang đi Sài Gòn hay là từ Sài Gòn đi ra Nha Trang chi đó, có bịnh dịch phát ra, khách bộ hành trên xe đồng thời mắc phải cùng một chứng thổ tả như nhau làm cho xe phải mất nhiều thì giờ đậu lại các nơi nhà thương đem họ vào mà y trị. Người ta nói thêm rằng mấy lâu nay xe hỏa con đường ấy hay bị trễ, có hôm trễ nửa giờ, có hôm hơn một giờ, là vì cớ đó. Nghe tin ấy, chúng tôi rất lấy làm lạ vì rằng có việc hung dữ như vậy, sao các báo hằng ngày ở đây không thấy đăng, và cũng không thấy chánh phủ bổn xứ nói năng gì đến. Thế nhưng chúng tôi lại tin cho cái việc người ta đồn đó là có lẽ. Ấy là vì mới đây trong chúng tôi có người đã đi xe hỏa đường ấy một lần. Chúng tôi không hiểu tại làm sao mà các va-gông hạng tư của xe hỏa Sài Gòn - Nha Trang người ta để dơ quá. Thớt xe nào cũng vậy, trên mặt ván đầy những là nước trầu, bã mía, lá bánh tét lột ra và đủ cả mọi đồ dơ bẩn khác. Một điều rất lạ nữa, là họ cho phép những gà vịt, heo, chó đi chung với người ta, rồi thì phân tiểu của loài vật trộn lộn với nước trầu, bã mía, lá bánh tét, làm thành ra một chỗ chứa đồ dơ uế trên xe hỏa! Bất kỳ một người Lang Sa nào -- cũng không đợi đến một ông thầy thuốc nữa -- thấy như vậy chắc phải lấy làm ghê tởm hết sức mà sợ rằng bịnh dịch tả sẽ phát ra nay mai tại trên xe. Chúng tôi là An Nam, dầu rằng mang tiếng ở dơ thuở nay, cũng phải sợ như các ông vậy. Vì vậy chúng tôi mới cho lời đồn đó là có lẽ. Song le, may cha chả là may! may thật! may quá! Chúng tôi hỏi kỹ thì ra cái tin ấy là cái tin người ta đồn huyễn!...
Thầy kiện thầy cò Chúng tôi vẫn chịu rằng theo cái chế độ cho thầy kiện cãi hộ trước mặt tòa án là hay; song ở trong cũng có chỗ không được hay, là như khi bên bị cáo có tội đành rành, mà thầy kiện cũng cãi lấy được, thành ra có khi họ được tha ngay hoặc nhẹ tội. Như mới rồi, trong sở bưu điện Sài Gòn có một viên chức An Nam giữ việc điện tín, thường hay chọn bức điện tín nào dài, khá tiền, thì hủy bỏ đi mà đút tiền vào túi. Có một hôm, tòa lãnh sự Nhựt Bổn ở đây đánh một bức điện tín về Ngoại giao bộ bên Tokyo nước Nhựt, đã lâu mà bên kia không tiếp, bèn điện lại hỏi bên nầy. Quan lãnh sự Nhựt bên nầy liền đem việc ấy mà giao thiệp với chánh phủ ở đây. Chánh phủ ủy cho sở bưu điện tra xét thì vỡ ra cái việc xâm khuy của viên chức ấy. Người nầy thú nhận hết cả. Bữa kia, việc đem ra tòa án. Trước mặt các quan tòa, thầy kiện bên chánh phủ (nguyên cáo) nói rằng việc nầy không những làm rắc rối cho sự ngoại giao thôi đâu, mà cũng làm trở ngại cho cuộc buôn bán của thương nhân là khác nữa, và xin quan tòa phải buộc tội thiệt nặng. Song thầy kiện bên bị cáo cãi rằng, cái tội của người bị cáo đó là do ở sự làm việc hồ đồ, chớ không phải do ở bụng xấu. Rồi tòa chỉ buộc tội viên chức ấy hai năm tù án treo và 150 francs tiền vạ mà thôi. Điện tín đã không phát đi mà số tiền cũng không ghi vào sổ, thì sao gọi được là làm việc hồ đồ? sao gọi được là không phải do ở bụng xấu? Thế thì khi nào mới gọi được là do ở bụng xấu? Theo ý chúng tôi, thì những người nào hay dìm điện tín và thơ của người ta mà không phát đi, hay là không giao đến cũng nên xử "án treo" cho họ; mà "án treo" chúng tôi nói đây không phải là án treo như trên kia tòa mới vừa xử, bèn là treo cổ họ lên. TÂN VIỆT Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s. 753 (7.8.1928) Đá gà với đấu võ Đã lâu nay ở Sài Gòn đây chánh phủ ra lịnh cấm đá gà. Cấm là phải, vì trong cuộc đá gà, hay sanh sự rầy rà; huống chi cho hai con gà nó đá nhau dập đầu chảy máu rồi người ta vỗ tay mừng rỡ và nhờ đó mà được tiền, thì thật là xấu quá, cho nên cấm là phải. Song le mấy người ưa đá gà mà bị cấm đi thì họ buồn lắm. Tôi nói với mấy người ấy rằng, nếu có buồn thì sao bữa 4 Aout mới rồi không đi coi đấu võ? Dầu đấu võ là người ta đá người ta, song cũng chẳng khác gì đá gà là mấy. Coi đấu võ cũng như coi đá gà. Bắt đầu hai võ sĩ ra trận huơi tay trước mặt vừa xây vòng vừa giữ miếng nhau, ngó hệt như hai con gà vô hồ nạp và soi nhau. Một chặp, người giám thị gõ cái "keng" ra dấu mãn một hiệp, ấy là như đá gà mà mãn hồ. Đá gà mãn một hồi thì đem gà ra bồng nước; bên "đá người" nầy cũng vậy. Mỗi một võ sĩ có hai "tay nước" sẵn; võ sĩ ra thì ngồi sải tay chơn trên ghế, rồi họ vuốt ngực và bóp tay bóp chơn cho. Nực cười họ lấy khăn ướt vắt nước vào miệng võ sĩ như người ta vắt nước vào họng gà vậy. Bồng nước xong rồi thì thả vô lại. Nếu võ sĩ nầy đánh võ sĩ kia được một cái mạnh, thì bao nhiêu người ngồi coi vỗ tay cười reo lên, tỏ ra ý khoái lạc vô cùng. Nếu cái đánh càng mạnh đến nỗi sặc máu hay là hộc cơm ra thì người coi càng vỗ tay reo cười hơn nữa, nghĩa là mừng cho một người đồng loại với mình bị hộc cơm hay là sặc máu! Bên đá gà có ăn thua về tiền bạc thì bên "đá người" nầy cũng vậy, song luôn luôn là những người tổ chức được ăn, còn những người coi bị thua. Những người tổ chức nhờ sự sặc máu hộc cơm của đồng loại mình mà được tiền; những người đi coi chịu bỏ tiền ra để thấy đồng loại mình sặc máu hộc cơm lấy làm khoái; cái tâm lý của loài người lạ thay! Vậy thì cho đá gà còn hơn. Có người bảo: Nói làm vậy là nhà quê quá. Đồ gà nó ngu, nó chỉ biết đá nhau chí tử mà thôi; còn người ta khôn hơn, lúc hai võ sĩ đánh nhau sặc máu rồi, thường hôn nhau và bắt tay để tỏ tình thân ái, "nhân vi vạn vật chi linh" là ở đó. Ừ phải! hèn chi chánh phủ cấm đá gà mà không cấm "đá người"! Hèn chi mà chánh phủ cho phép mở cuộc đấu võ luôn luôn! TÂN VIỆT Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s. 754 (9.8.1928) Một cái quảng cáo hay mà dở, dở mà hay Hằng ngày nói mãi thì phải hết chuyện. Nhơn vớ một tờ báo ở Hà Nội mới gởi vô xem chơi, thấy ở trong có một cái quảng cáo rất vui trò, làm cho nẩy ra được một câu chuyện hằng ngày. Ấy là cái quảng cáo của hiệu bào chế Montès ở Hà Nội bán rượu bồ đào. Quảng cáo ấy là một bức vẽ, như vầy: Từng trên hết là một cái ngai; trước mặt ngai, vào từng dưới, là một cái độc lư; dưới đó, một cái bàn với ba cái ghế; chai rượu bồ đào của hiệu Montès để trên bàn; trên ghế ngồi ba ông An Nam mặc đồ đại trào, mão thẻ ngàng(*), áo cánh diều, nào đai, nào mãng, nào hia, đủ cả; một ông tay vịn ly rượu để trên bàn, còn hai ông nâng hai ly rượu mà mời nhau. Góc dưới bức vẽ, đề mấy chữ rằng: "Các quan công nhận là tốt nhứt". Về nghề làm quảng cáo, tôi có biết lon lem, thấy vậy thì tôi cũng phê bình chơi một câu rằng: Cái quảng cáo nầy hay mà dở, dở mà hay. Chữ "hay" đầu hết của tôi đó không cần phải giải tại làm sao, vì chính người làm bức quảng cáo ấy có cho là hay thì mới làm ra. Hay mà dở! Là vì: Cái tâm lý của An Nam ngày nay đối với những vật và người đã vẽ ra đó có khác xưa; e có lẽ quan công nhận là tốt nhứt mà dân lại công nhận là xấu nhứt! Một cái quảng cáo đã trái với tâm lý người ta như vậy, không phải dở là gì? Nhưng mà hay! Là vì: cái chỗ dở của bức quảng cáo ấy làm cho tôi phải chú ý đến mà viết bài này, thành ra quảng cáo cho họ một lần nữa, mà một lần quảng cáo trong mười ngàn tờ Đông Pháp thời báo nầy có phải vừa đâu! Ấy mới hay! Nếu vậy thì ra tôi dại mà mắc lận họ rồi. Không; tôi đừng buồn, ba ông kia lại còn mắc lận bằng mấy tôi nữa. Tôi mắc lận, song còn gỡ lại được bằng một câu chuyện hằng ngày nầy; thương hại cho ba ông kia chưng đồ đại trào ra, ngồi cả ngày, rồi mỗi ông chỉ uống được một ly rượu mực!
Thôi, để tôi kêu là mấy ông "quan hai"! Kỳ báo trước nhơn trong bài "Sau khi cuộc tuyển cử hội đồng canh nông" có câu: ".. xin cụ đừng thèm nghe mấy người bộ hạ của cụ đương hát khải hoàn trong tờ báo của cụ..." mà nghe nói mấy ông bạn đồng nghiệp bên báo La Tribune Indochinoise giận dữ lắm, đòi đính chánh, đòi kiện tòa. Mà có lẽ e họ nhận lộn chữ bộ hạ là có nghĩa gì xấu? Không đâu, chẳng bao giờ chúng tôi chịu dùng những lời chi thô lỗ ở trong báo nầy. Chữ "bộ hạ" nghĩa là "lieutenant" chớ không có gì lạ. Hay là mấy ông lại muốn dịch theo nghĩa thường mà kêu là "quan hai"? Vâng! Mấy ông quan hai của ông "quan năm" Bùi như báo Echo Annamite đã nói khi trước. TÂN VIỆT Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s. 755 (11.8.1928) ------------ * thẻ ngàng: có lẽ là "thẻ ngà", báo gốc có lỗi in sai chăng? Tiếp câu chuyện cáo bạch trong số trước Trong số báo trước, tôi phê bình cái cáo bạch của hiệu Montès mà cho là trái với tâm lý người An Nam hiện thời, cái đó quả thật; song le về phương diện họ, họ lại có một ý khác. Thật thế, không khi nào một nhà buôn Tây mà lại không rành nghề quảng cáo, đến nỗi làm ra trái với tâm lý người ta. Khi nào mình thấy như vậy, mình phải nghĩ tất nhiên là họ có ý gì. Không chi lạ hơn là nhồi sọ! (Tòa kiểm duyệt bỏ một đoạn) Nào những quan cai trị thôi đâu, các nhà buôn cũng vậy. Chúng ta hẳn còn nhớ năm ngoái ông Fontaine, người bán rượu, đã xuất bản một tập sách nhỏ mà thở ra cái giọng ấy trước ông Pasquier rồi. Nào những ông Fontaine thôi đâu, nhà Montès nữa! nhà Viễn Đông ấn quán ở Hà Nội nữa! Nói nhà Montès, tức là chỉ về cái cáo bạch nói trong số báo trước đó. Cái cáo bạch ấy, nói cho đúng ra, không phải là chịu trái với tâm lý An Nam mà kỳ thiệt là muốn day trở cái tâm lý An Nam. Còn "ông" Viễn Đông ấn quán, mới buồn cười thay! Nhà Viễn Đông ấn quán, năm mới rồi, có in một cái cáo bạch cho hiệu Mỹ Phu bán dầu hỏa. Cái cáo bạch ấy, Thương vụ ấn thơ quán ở Thượng Hải đúc khuôn, và nhà Viễn Đông đứng in. Trong bức cáo bạch, nơi lạc khoản, bên nhà Thương vụ thì theo niên hiệu tây, đề rằng: 1927; còn bên nhà Viễn Đông thì theo niên hiệu An Nam, đề rằng: Bảo Đại nhị niên! Từ thuở mô đến giờ, tôi không hề thấy người Pháp nào chịu dùng niên hiệu An Nam, mới thấy lần nầy là một! Tôi cười là cười cho một người Tây vì muốn uốn nắn người An Nam quá mà đành bỏ niên hiệu nhà mình, trở dùng niên hiệu của ông vua mà mình bảo hộ! Hoặc giả vì tôi cười cho nên năm nay, nhà ấy cũng in bức cáo bạch cho hiệu Mỹ Phu, mà nơi lạc khoản lại đề rằng: 1928. Nói mà chơi, đừng giận! Cũng không hề chi nữa, sọ đây, nhồi mấy thì nhồi! TÂN VIỆT Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s. 756 (14.8.1928) Mỗi người một việc Đương ngồi tại nhà in, nghe người cai la rầy mấy chú thợ bạn mà rằng: "Bay phải làm mỗi người một việc, đừng có xanh ranh mà không thành ra việc chi hết". Tôi muốn đổ son vào câu nói của người cai đó. Câu ấy không những làm mẫu mực cho một xưởng đông người làm công, mà cũng cho một xã hội nữa. Ta thử xem các nước phú cường, người nào làm việc gì thì chuyên việc ấy. Nhà khoa học cả đời lo phát minh; nhà học giả cả đời lo trứ thuật; người làm giàu thì cứ việc làm giàu; người đi đánh dựt thuộc địa thì cứ việc đánh dựt thuộc địa... Vì sự chuyên môn ấy nên họ mới tinh nghề; và trong xã hội họ đồng thời tiến lên về các phương diện. Còn nước ta thì không thế. Một người làm năm bảy việc; trong khi làm bầu gánh hát bộ, lại có xuất bản một quyển tiểu thuyết ái tình, lại có mở một cửa hàng tạp hóa, ít lúc chi đó lại vọt xuống tàu sang Pháp làm chánh trị. Người ngoại quốc thấy vậy, cho rằng chúng ta có lòng ham hố quá, hoặc cho rằng không có đức chuyên nhứt, không có tánh nhẫn nại. Có ai biết cho ta rằng ấy là vì trong nước đương lúc cần phải làm cơ man vàn mớ việc mà nhân tài thì thưa thớt như sao mai, nếu không phải vừa xay lúa, vừa bồng em, thì làm sao cho xong chuyện? Ước gì nước nhà có phước, non sông chung đúc ra đủ mặt nhân tài! Bấy giờ ai cụp vai nào sẽ đóng luôn vai ấy: Phạm Thượng Chi tiên sanh sẽ chuyên việc khảo cứu, viết ba ngàn cuốn cho đủ bộ Nam phong tùng thư. Cụ Bùi ta sẽ đem cái sở học về canh nông về vườn mà cày ruộng. Cụ Phan Văn Trường sẽ làm thầy kiện luôn, mỗi ngày vác cặp da đi tòa án. Cụ giải nguyên Lê Uân sẽ chuyên nghề làm thuốc, có vào Nam Kỳ vận động lập chánh đảng làm chi cho phiền. Bà Đạm Phương nữ sử sẽ cứ xướng họa với Thanh Nguyên tiên sanh......................... Còn thằng mình đây thì sao? Thằng mình đây đã cụp vai câu chuyện hằng ngày, thì sẽ cứ việc mà câu chuyện hằng ngày. TÂN VIỆT Đông Pháp thời báo,Sài Gòn, s. 757 (18.8.1928) Lo gì hết chuyện Hằng ngày hằng nói, còn quái gì câu chuyện! Nhưng mà có lo gì, trong cái xứ khô khan, cũ kỹ bình thường nầy cũng thường có xảy ra việc mới luôn luôn, đã đến nỗi hết chuyện đâu mà lo. Ít ngày nữa đây, rồi ông "Đại sứ rượu" (Ambassadeur du vin) của nước Pháp sẽ đến Nam Kỳ mà. Ông ấy sẽ diễn thuyết tại các phòng thương mại Chợ Lớn và Sài Gòn mà cổ động cho rượu chát nước Pháp được đắt hàng mà. Theo tiếng Pháp thì "Ambassadeur du vin" hoặc giả là tiếng thường chăng; song theo tiếng ta thì "Đại sứ rượu" thật là một tiếng mới. Bởi vì xưa nay người ta chỉ nghe chữ "đại sứ" dùng trong việc bang giao mà thôi, chưa hề nghe trong cuộc buôn bán, mà nhứt là buôn bán rượu, lại có đại sứ nào. Thế mới càng rõ ra rằng cái xã hội An Nam là xã hội khô khan, cũ kỹ, bình thường quá! Chớ còn bên Đại Pháp thì trái hẳn, người ta cứ hoạt động và cách tân luôn luôn; phái một viên đại sứ đi xuất dương về cuộc buôn bán rượu đã là mới rồi! Tòa kiểm duyệt bỏ hết một đoạn Dân An Nam ta cứ ngồi yên đó rồi có sẵn cho mà ăn mà uống, mà hút. Hút gì? Hút thuốc phiện mới ấy mà. Mới biết cái câu "Chẳng có sự gì mới ở dưới mặt trời" trong sách truyền đạo mà người ta tôn làm cách ngôn đó, bây giờ không có giá trị gì nữa. Hiện bây giờ muôn việc đều mới, mà cả đến thuốc phiện cũng không cũ. Mới rồi quan Toàn quyền đã ký nghị định cho sở Thương chánh bán một thứ thuốc phiện mới. Thuốc phiện nầy kêu là mới, là vì nó có trộn lộn thuốc Ấn Độ với thuốc nấu ở đây. Người ta nói rằng trước khi đem thứ thuốc mới nầy ra bán, sở Thương chánh có đem cho mấy ông ghiền nặng hút thử thì đều chịu là thuốc thơm lắm, ngon lắm, mau đã lắm. Thuốc phiện cũ cái hộp nhỏ hơn hết là 2p,20; còn thuốc mới nầy, hộp nhỏ hơn hết chỉ có 1p,85 mà thôi. Dễ hút lắm nhỉ! Thuốc ngon mà giá nhẹ! Dễ hút ắt mau ghiền! Thôi, đủ rồi, nói chừng nấy là đủ cổ động cho thuốc phiện mới rồi. Mình đã giữ cái chủ nghĩa "mỗi người một việc" thì không nên quá trổ cái tài quảng cáo ra, e rồi người ta lại phong cho chức Đại sứ đi cổ động thuốc phiện mới, làm cho mình không được viết "câu chuyện hằng ngày" nữa. TÂN VIỆT Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s. 758 (21.8.1928) Cấm thuốc phiện Trong số báo trước, nói chuyện "thuốc phiện mới" vừa rồi, thì bỗng nghe có tin cấm thuốc phiện. Cái tin nầy đồn ra, lắm người mừng mà cũng lắm người lo. Những người xưa nay ghét thuốc phiện thì mừng rằng xứ ta sẽ diệt được một cái nọc độc; còn những người nào đã ghiền lỡ đi rồi thì lo cho mình sẽ không có thuốc mà hút. Khoan khoan chớ vội! Người mừng, đừng mừng, mà người lo cũng đừng lo nữa. Cái tin cấm thuốc phiện nầy là tin bên Tàu kia mà! Số là, bên Tàu, tỉnh Hồ Bắc, từ năm 1920 về trước đã cấm thuốc phiện đi một độ. Đến năm 1921, Vương Nhữ Cầu làm tổng tư lịnh miền ấy, lại cho bán thuốc phiện để lấy thuế sung vào quân nho. Từ đó về sau, người ta bán thuốc phiện chán chường và mở tiệm công yên đầy các nơi thành thị. Từ hồi Quốc Dân Quân kéo đi bắc phạt đóng tại đó, vì cần tiền quân phí lắm, chưa cấm hẳn được, bèn đánh thuế thiệt nặng và hạn cho ba năm thì cấm ráo. Đến nay cuộc bắc phạt thành công, chánh phủ tỉnh Hồ Bắc liền ra lịnh cấm thuốc phiện. Đầu hết họ bắt đóng cửa các tiệm công yên ở Hán Khẩu, rồi lân đến các nơi khác. Tờ châu tri cấm thuốc phiện có nói rằng: "Chánh phủ định cấm thuốc phiện trong hạt này song bước thứ nhứt là đóng cửa các tiệm công yên. Vậy bao nhiêu tiệm hút ở Hán Khẩu từ ngày mồng một tháng Aout cho đến mồng mười, là phải đóng cửa hết thảy, rồi xoay qua nghề khác mà làm ăn; bằng ai không tuân lịnh thì chiếu luật trọng trị". Ngoài tờ châu tri ấy, còn có chương trình cấm yên như vầy: Sau khi xét rõ số người ghiền bao nhiêu, mỗi tháng hút thuốc phiện hết bao nhiêu, rồi buộc người ghiền phải mỗi ngày mang thẻ bài đến chỗ mà lãnh; và cứ ba tháng giảm phân một kỳ. Người 25 tuổi trở xuống thì không được phép hút. Còn ai muốn bỏ thuốc thì cho vào nhà thương để thầy thuốc bỏ cho. Vậy đó! Vậy đó mà người ta nói láo rằng nước Tàu lập nên Dân Quốc rồi thì nhơn dân được tự do! Tự do sao không được hút? Tòa kiểm duyệt bỏ hết một đoạn TÂN VIỆT Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s. 760 (25.8.1928) Một câu chuyện buồn cười trong làng báo Nghề viết báo hay gặp nhiều điều phiền phức. Ăn cơm nhà lo chuyện người. Đã mấy ai biết công cho, mà lâu lâu lại nghe lời phiền trách. Có người trách là vì quá yêu mình, muốn cho mình tận thiện tận mỹ. Có người cũng trách, nhưng trách là tại lòng tham muốn như đáy biển sâu, mà phận sự mình lại có ngần, đâu phải như phận con chim toan lấp biển. Đó là sự phiền với công chúng. Trong tòa soạn, không phải không điều khó. Dễ hơn hết là trách nhậm của mình đây. Mình đã lãnh mục "câu chuyện hằng ngày" thì cũng phải mang cái khó mỗi ngày một câu chuyện. Trọn năm ba trăm sáu mươi lăm chuyện, không lẽ không trật chuyện nào. Rủi gặp cảnh mực cạn bút cùn, thì chi khỏi cái khổ nhà in kêu ông tổng lý hỏi. Tức ngày hôm nay đây, mình đà hết chuyện. Vái hồn La Fouchardière, hồn La Fouchardière đâu vắng, vái Vautel, chắc ngài cũng đang kiếm chuyện như mình. Nghĩ vẩn nghĩ vơ, sực nhớ rằng thuở xưa mỗi lần giặc vây thành Rome, tướng soái bên Pompée cứ dậm chơn, thì có binh tiếp. Nay mình cũng bắt chước dậm chơn, nhưng nào thấy ai tiếp, càng dậm càng thấy tờ giấy trắng với bình mực đen. Đương suy nghĩ bỗng có trẻ đem thơ vào. Xé ra xem, ba bức thơ đều là thơ khen cả.
"Thưa ngài. ............................ mười lăm năm nay, tôi vẫn khâm phục cái tôn chỉ của quý báo................." .................................. Xem thơ không thể không tức cười, vì mình vẫn biết rằng, từ ngày xuất bản đến giờ, cái tờ báo mà mình mới phụ bút đây, trải biết bao nhiêu tôn chỉ, mà lắm khi không tôn chỉ gì hết. Thế mà hôm nay lại có người "khâm phục cái tôn chỉ của quý báo trớt mười lăm năm"... Viết xong câu chuyện, tự nghĩ rằng trong cái nghề phiền phức nầy, lâu lâu trời phải cho cười một lần, nếu không thì không thể biên mỗi ngày một câu chuyện. TÂN VIỆT Đông Pháp thời báo,Sài Gòn, s. 761 (28.8.1928) Tòa án Pháp với tòa án Nam Vụ Phong Thạnh xử rồi, người ta hỏi nhau rằng: 1. Thế rồi miếng đất đồng Nọc Nạn bây giờ về ai? 2. Làm sao Tòa đã kêu ông Ngô Văn Huấn là thủ phạm mà không thấy buộc tội chi cả? Những câu hỏi ấy là bởi quen theo cái lối xử kiện An Nam ngày xưa. Tòa án An Nam ta ngày xưa xử một vụ nào ấy là xử luôn hết thảy các chi tiết sanh ra trong một vụ ấy. Ví dụ như vụ Phong Thạnh nầy mà xẩy ra trong đời Minh Mạng, khi ông Bạch Xuân Nguyên làm bố chánh Gia Định, trừ ra ông ấy ăn tiền rồi xử bậy không kể còn nếu ổng xử một cách công minh như tòa án vừa rồi thì xử như vầy: a) Giết những kẻ nào giết sơn đầm Tournier, vì "sát nhơn giả tử", huống chi giết một người làm việc quan, theo luật gọi là "vương nhân". b) Đã xét ra cái tội ông Ngô Văn Huấn thì phải cách chức ông ấy, nếu ổng thôi làm quan rồi thì cũng phải tước khử chức hàm, lạc hồi dân tịch, vì ổng đã làm chủ một hội đồng xét đất không minh, đem đất người nầy cho người khác để đến nỗi gây ra việc án mạng. c) Mã Ngân cũng có tội, vì đã lập mưu đoạt đất người ta. d) Những ông quan nào, từ trước đến nay, dầu cho quan Thống đốc Nam Kỳ cũng vậy, hễ đã đồng ý vào việc xét bất minh của ông Huấn thì đều phải bị "xử phân" cả, không nặng thì nhẹ, ấy là chiếu theo mặt luật "thất sát". e) Xử đâu ra đó rồi, đem mấy chục mẫu đất tại đồng Nọc Nạn mà giao hườn cho nguyên chủ là bà Hương chánh Luông, có cấp bằng thị và đóng mốc giới hẳn hoi, vì đã rõ ra là đất của chồng bả khai phá. Xử như vậy rồi làm tờ tư trình bộ Hộ bộ Hình, tâu lên ngài ngự. Nếu còn sót lẽ gì, ngài ngự ban hỏi, bộ giao về bắt xử lại, kỳ cho đến ráo lý mới chịu thôi. Đó là ông Bạch Xuân Nguyên, một ông quan An Nam có tiếng là tham ô tàn bạo trong lịch sử, mà nếu ổng theo phép mà làm thì phải làm như vậy đó. Đó là tòa án An Nam đời xưa xử như vậy đó. Tòa án Pháp đời nay có quan tòa, có bồi thẩm, thị sự, có thầy kiện cãi lẽ, thì người ta làm khác kia. Người ta nói rằng tòa xử vụ Phong Thạnh chuyến nầy là chỉ xử việc sơn đầm Tournier mà thôi, ấy là về việc hình; còn đất đồng Nọc Nạn về ai, ấy lại là thuộc về việc hộ, đợi khi nào có động đến mới đoán. Người ta lại nói rằng trong vụ nầy ông Ngô Văn Huấn chỉ là một người chứng mà thôi, không thể khoa nghị (mettre en cause)(*) được. Quan tòa và thầy kiện mắng cho ông một mẻ, ấy là đã kết án về luân lý (verdict moral) đủ rồi. - Chớ còn Mã Ngân là kẻ giựt đất người ta thì nghị sao? - Ngân cũng như Huấn, chẳng qua là một người chứng. - Thế còn ai chịu trách nhiệm về việc giết sơn đầm Tournier? - Đã có rồi, tức là bốn mạng nhà họ Nguyễn đã bị bắn trong khi đó. - ấy nhưng mà, nói cho đến cùng, tại làm sao năm người ấy lại ra tay giết sơn đầm Tournier? - Hỏi dại! Nói rát cổ! Ra tiệm uống chén trà lòng chiểng(**) đã. TÂN VIỆT Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s.763 (1.9.1928) ------------ * mettre en cause: cáo giác; ** trà lòng chiểng: có lẽ là "trà Long Tỉnh", tên một thương hiệu trà Trung hoa nổi tiếng. Một trăm năm về trước Nói thét hằng ngày, phải bày câu chuyện. Năm 2028, nhằm năm Việt Nam độc lập thứ 15, ngày 3 Septembre, tại Sài Gòn mở hội kỷ niệm rất trọng thể. Bấy giờ Sài Gòn văn minh lắm, ra đường ai nấy đều đi xe hơi cả, hầu không có một người nào đi đất. Huống lại gặp ngày Quốc khánh, cho nên ngoài đường rải rác những xe hơi là xe hơi, vì đường rộng quá, nên xe hơi dầu nhiều đến đâu cũng thấy như là rải rác vậy. Đã văn minh về vật chất, lại văn minh về tinh thần. Trong đám vô số xe hơi đó có một chiếc xe hiệu Cửu Long của hãng An Nam, trên ngồi hai người, anh Tám với chị Tư, tức là một cặp nhơn tình (Bấy giờ dân Việt Nam đã bỏ hết những lối kêu nhau bằng ông, bà, quan lớn, ngài v.v..., mà chỉ kêu nhau bằng anh chị, để tỏ nghĩa đồng bào và bình đẳng). Giá một trăm năm về trước, cũng vào ngày nầy giờ nầy, nghĩa là 8 giờ tối chúa nhựt, thì hai anh chị đã dông xe một vài giờ rồi đưa nhau về phòng ngủ rồi, song đời văn minh thiệt hiệu nầy có đâu những sự đồi phong bại tục ấy. Bấy giờ chị Tư nói với anh Tám: -- Mình muốn đi đâu nữa? Tôi thì định vào thơ viện tìm bộ "Việt Nam tái tạo sử", xem lại chỗ nói về "Thời kỳ tan nát" tức là thời kỳ cách một trăm năm nay. -- Tôi thì muốn ra bờ sông bắn ít phát súng mừng chơi, vì hôm nay ai có tiền cũng bắn được cả; song mình đã muốn vậy thì tôi theo ý mình. Hai người cho xe vào thơ viện, dở sách coi một chặp rồi đi ra. Anh Tám: -- Chơi đâu nữa bây giờ? Chị Tư: -- Tùy ý. Anh Tám: -- Thôi ta dông lên con đường Thủ Đức, cho xe đi chậm rãi nói chuyện chơi. Chị Tư: - Ừ, nói tiếp câu chuyện trong khi xem sách hồi nãy đi. ...................................... Anh Tám: - Mình có đoán ra, trong thời kỳ tan nát ấy, tại làm sao mà tan nát không? Tôi thì tôi cho là tại quốc vận khó khăn, trình độ của nhân dân còn thấp kém, lại thêm người ta hành cái kế phản gián nữa, cho nên không trách họ chia rẽ nhau ra là phải. Chị Tư: - Vẫn thế, nhưng mà cái cớ thứ nhứt là tại không có nhân tài. Bấy giờ như anh Tân Việt, viết câu chuyện hằng ngày cho Đông Pháp thời báo, là hạng tầm thường, chẳng kể làm chi; còn như anh Bùi Văn Minh, anh Nguyễn Phụ Phụng, cùng một ít anh nữa, nói cho đúng ra, thật họ không có tài chi cả. Bằng có, thì họ đã bắt được nhiều dịp tốt mà làm nên việc rồi. Anh Tám: - Theo sử chép thì lúc bấy giờ anh Dương Văn Dưỡng ở Pháp về, toan hiệp hai đảng Lập hiến và Thanh niên lại, song tiếc thay việc ấy không thành. Chị Tư: - Cũng đừng tiếc nữa! Theo tôi tưởng thì bấy giờ hai đảng có hiệp lại cũng vô ích. Vì trong khi mỗi đảng đứng riêng ra mà đã thấy họ làm được việc gì đâu; có hiệp lại thì cũng chỉ đến đổi cái tên đảng là cùng. Anh Tám: - Nói như mình cũng phải, trong sử không thấy chép hai đảng ấy có làm nên việc gì cả. Chị Tư: - Ấy có phải là cái chứng cớ không có nhân tài không? Một bọn người có chí lớn, đem lòng kỳ vọng lẫn cho nhau, mà không đủ tài làm việc gì cả, nên đến lúc ngả nghiệp ra rồi thì chán nhau mà thành một cuộc tan nát. Anh Tám: - Ừ, xét lại bấy giờ họ gọi làm quốc sự là chỉ làm báo mà thôi, ai làm báo tức là kẻ làm quốc sự đó! Chị Tư: - Ừ, lạ thiệt! Làm sao lại làm báo mà cho là làm quốc sự! Chẳng thà ra mặt làm báo như anh Tân Việt, bây giờ không có tên tuổi trong lịch sử mà còn hơn; chi như mấy anh kia xưng mình làm quốc sự, lập những đảng nọ đảng kia, ngày nay còn nêu tên trong quốc sử mà xét ra không làm được việc gì cả thì bướng quá! ................. TÂN VIỆT Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s. 764 (4.9.1928) Không hạn chế xe kéo tức là trợ cấp cho cuộc thể thao Kỳ Hội đồng thành phố ngày 30 Aout vừa rồi, Hội đồng có bàn đến vấn đề giúp tiền trợ cấp cho các hội thể thao của người Pháp ở đây. Lời biên bản kỳ Hội đồng ấy vừa đăng lên các báo, có nhiều người An Nam tỏ ý phân bì, nói rằng: người An Nam ở Sài Gòn đây cũng có hội thể thao, sao thành phố không bàn đến sự trợ cấp cho họ mà chỉ toan việc phụ cấp cho các hội thể thao của người Pháp? Có người giải rằng: Theo phép lịch sự phải đãi người ngoại quốc hậu hơn người bổn quốc, cho nên trợ cấp cho hội Pháp mà không trợ cấp cho hội An Nam cũng phải. Vả lại, làm vậy tức là giữ thể diện cho người An Nam, vì người ta còn đặt An Nam vào cái địa vị chủ nhân đó mà. Có người lại giải rằng: Tục ngữ thường nói: tiên khách hậu chủ; việc nầy cũng chẳng qua theo cái lề thói ấy. Đừng lo, lần nầy thành phố giúp cho các hội Pháp, rồi đây sẽ tới phiên giúp cho các hội An Nam. Nói tầm bậy ráo! Trong kỳ hội nghị ấy đã có cách gián tiếp giúp cho cuộc thể thao An Nam rồi mà không ai biết, cơ khổ thì thôi! Cũng hôm hội đồng ấy, ông nghị viên Nguyễn Khắc Nương ngỏ lời xin thành phố nên hạn chế số xe kéo trong châu thành; song ông đốc lý trả lời rằng không nên làm thế, sợ phương hại đến sự sanh hoạt của bọn cu li xe kéo mà tội nghiệp họ. Ấy là ông đốc lý muốn giữ cái nghề "ngựa người" lại cho dân An Nam, tức là giúp cho cuộc thể thao An Nam. Thật thế, trong các món thể thao, chẳng có món nào, hoặc banh vợt, hoặc banh tròn, có thể làm nẩy nở thân thể người ta cho bằng nghề kéo xe cả. Tôi thử hỏi, có ai chối được rằng chạy hoài mà trái chân không đầy những bắp thịt, thở mãi mà cái ngực không phồng ra? Đợi gì đến cho tiền cho bạc mới gọi là trợ cấp. Sao chẳng nhớ câu tục ngữ nầy: người ta giúp tiếng không ai giúp miếng? Tôi nói vậy mặc tôi, một ngày kia nếu thành phố có trợ cấp tiền bạc cho các hội thể thao An Nam, xin các ông cứ việc ngửa tay ra mà nhận! Còn các anh cu li kéo xe thì cứ việc kéo! TÂN VIỆT Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s.765 (6.9.1928) Theo luật bài xạo Thằng mình học cũng khá, chớ phải chơi sao. Tiếc thay hồi đó nghe cái tên "thầy kiện" thì khinh bỉ lắm, nên mình không thèm học luật, không đậu luật khoa tấn sĩ, hoá bây giờ cái chi thì hay mà luật thì dốt. Dốt luật, nhiều khi tức thiệt. Như mới rồi, thấy quan tòa xử vụ Phong Thạnh tại Cần Thơ, có chỉ tội ông Ngô Văn Huấn ra mà không lên án, thì mình chẳng hiểu cớ làm sao, phải tìm người để hỏi. Hỏi, lại nhè hỏi anh Bốn Huế. Bốn Huế trả lời rằng ấy là theo đúng luật bài xạo. Nghe vậy càng làm cho mình phát giá(*): nói cái quái gì vậy anh? Bốn Huế nghiêm nét mặt lại rồi lên giọng trạng sư mà cắt nghĩa cho mình nghe một trăm ba mươi sáu thứ luật của vạn quốc, rút lại nói rằng: cái "ca" Ngô Văn Huấn đó là xử đúng theo luật bài xạo. Số là ở Huế người ta có đánh một thứ bài gọi là bài xạo, tức là bộ bài có sáu chục quân, như những quân Học trò, Ngủ trưa, Bạch huê, Yêu nọc v.v... đó mà. Luật định: bốn tay trong sòng tay nào đánh bậy cho tay khác tới thì bị thường, nghĩa là phải chịu bao nhiêu tiền thua của hai tay kia trong ván ấy. Song, cùng thì đánh bậy mà "liên tịch" kia, nghĩa là trực tiếp đánh cho nhà tới, thì mới bắt thường; còn "không liên tịch", nghĩa là gián tiếp, thì không bắt thường, không liên tịch mà cũng bắt thường, như vậy gọi là "truy tổ phụ". Cho nên chính chữ mặt luật trong điều nầy nêu lên rằng: "Cấm truy tổ phụ". Cái "ca" Ngô Văn Huấn đây, va nguyên làm chủ Hội đồng xét đất mà xét bất minh, đem đất của nhà họ Nguyễn cho Mã Ngân, cho nên con nhà họ Nguyễn mới căm tức mà giết sơn đầm Tournier, chớ không phải chính va xúi con nhà họ Nguyễn giết sơn đầm Tournier. Vậy trong vụ sát nhân đó Ngô dầu có lỗi, song không phải là "liên tịch", nếu buộc tội Ngô thì chẳng hoá ra "truy tổ phụ" hay sao? Hiểu chưa? Nghe vỡ chưa? - Anh Bốn Huế lại lên giọng trạng sư mà hỏi ngay vào đầu mình như vậy. Hiểu rồi! hiểu lắm! Được, từ nay thằng mình có qua Tây làm chi cho phiền, cứ ra Huế học là đủ! TÂN VIỆT Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s. 766 (8.9.1928) --------- * giá: cũng như « doá » nghĩa như « tức giận » (theo Từ điển phương ngữ Nam Bộ,sđd.); phát giá cũng như « nổi đoá », « phát bẳn »… Cái phương pháp khoa học "Tribune Indochinoise" là cháu bà hương chánh Luông
Các học giả đời nay thường dùng cái phương pháp khoa học (la méthode scientiphique) để nghiên cứu mọi sự học vấn, mà nhứt là thường dùng trong vật lý học và lịch sử học. Về phương pháp khoa học có hai điều rất trọng yếu, là chứng cớ (preuve) và giả thuyết (hypothèse). Chứng cớ là những cái mình nhờ đó mà lập nên cái thuyết của mình; giả thuyết là cái thuyết mình lập ra sau khi có đủ chứng cớ, song cũng chưa dám cho nó là tuyệt đối đúng với lẽ thật, chỉ cho là cái thuyết giả định mà thôi. Trải qua lâu ngày mà cái giả thuyết ấy không bị cái thuyết khác đánh đổ đi, vả lại có thêm nhiều chứng cớ khác làm cho nó càng mạnh, thì bấy giờ nó sẽ trở nên lẽ thật. Vậy bây giờ mình đặt ra một cái vấn đề rồi lấy phương pháp khoa học mà nghiên cứu thử chơi. Bức thơ báo Tribune Indochinoise đã đăng mà bổn báo có đăng lại trong hai số vừa rồi, kêu là bức thơ của bà hương chánh Luông gởi cho một người cháu ở Sài Gòn; vậy người cháu ấy là ai? ấy đó là vấn đề. Theo phương pháp khoa học mà nghiên cứu thì như vầy: Đại phàm một bức thơ mà mình muốn biết là gởi cho ai thì coi ở chữ đề trên đầu sau chỗ phát đi và ngày tháng. Nay bức thơ nầy, sau chỗ đó không đề chữ gì để tỏ ra là gởi cho ai cả, rồi đến trong bức thơ cũng chỉ xưng trổng(*) là cháu, thì thật không thể biết được người cháu ấy là người nào. Còn một cách nữa: nếu không có chữ đề trên đầu và trong bức thơ cũng không nói đến tên người nhận thơ, thì ta hãy coi ở ngoài bao thơ, sẽ biết tên người ấy. Nay Tribune Indochinoise không in luôn cái bao thơ trên báo, làm cho mình không biết đường đâu mà rờ. Giá hai cái chứng cớ ấy mà có một cái, cũng đủ cho mình đoán ra cháu bà hương chánh Luông là ai rồi. Ngặt vì không có, thì phải tìm chứng cớ khác. Thế thường hễ vật gì về tay người nào cầm thì tức là vật của người ấy. Một cái giấy bạc hay là một cái giấy quốc trái không tên mà ở trong bớp-phơi của thằng mình thì là của thằng mình chớ của ai? Nay Tribune Indochinoise đã có bức thơ ấy mà đăng, thì bức thơ ấy tức là vật của Tribune Indochinoise; nhơn đó cũng có thể diễn dịch ra (déduire) mà nói rằng, bà hương chánh Luông gởi bức thơ ấy cho Tribune Indochinoise. Ấy vậy trong khi chưa tìm được chứng cớ trên nầy mà lập một cái giả thuyết rằng: Tribune Indochinoise là cháu của bà hương chánh Luông. Mong lắm thay! Ước gì học giả trong nước đều có cái thái độ trung thiệt và cẩn nghiêm là cái thái độ của nhà khoa học như thằng mình! TÂN VIỆT Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s. 767 (11.9.1928) -------------- * trổng: đổng, trống không, vu vơ (theo Từ điển phương ngữ Nam Bộ, sđd.) Thơ viện với nhà làm báo Xưa nay mình vẫn nhớ đinh ninh rằng ông Lê Văn Duyệt là một vị tướng tài giúp vua Gia Long đánh Tây Sơn và nhứt thống nước Nam; còn ông Phan Thanh Giản là một nhà nho học đậu cử nhân triều Minh Mạng, làm quan lớn triều Tự Đức, có đi sứ sang Pháp và sau lại chết theo ba tỉnh miền tây Nam Kỳ; hai ông ấy ở đời cách nhau ít nữa là năm mươi năm. Thế mà mới rồi đọc một tờ báo ở Sài Gòn, trong có câu rằng: "Ông Lê Văn Duyệt và ông Phan Thanh Giản là hai vị danh thần ở đời Gia Long". Mình phải sửng sốt, biết nói làm sao bây giờ, chỉ có một nước vào thơ viện kiếm sách tra lại! Thơ viện chín giờ mai mở cửa, mình hăm hở vào, tìm mãi không thấy ông Phan Thanh Giản nào ở triều Gia Long, cho đến mười một giờ lại phải ra rồi. Chiều ba giờ mở cửa, mình cũng vào đến bảy giờ rưỡi lại phải ra, mà tìm vẫn chưa được! Thơ viện ở Sài Gòn đây thật khí hà tiện thì giờ quá! Nhớ lại ngày nào ở Hà Nội mà thèm! Thơ viện ở Hà Nội, người ta mở cửa luôn từ tám giờ mai cho đến mười giờ đêm. Tha hồ cho những người ham học mà chỉ có thì giờ rảnh trong buổi trưa và buổi tối thì đến đó mà đọc sách. Về phương diện khác chẳng nói làm chi; riêng về phương diện học vấn, ở Sài Gòn ta phải chịu kém xa Hà Nội. Mà kém xa cũng phải, chỉ một cái thì giờ mở cửa đóng cửa của thơ viện cũng đủ làm cho bọn mình dốt rồi. Xin các ngài có chức vụ trong thơ viện liệu mà đổi giờ đi, nới thêm ít giờ nữa cho chúng tôi. Ngày là ngày của trời, chớ của ai đâu mà hẹp? Liệu mà cho mở cửa thơ viện Sài Gòn y như thơ viện Hà Nội đi cũng được chớ. Thơ viện cứ mở cửa từ 8 giờ ban mai cho đến mười giờ đêm đi, rồi thì ông Lê Văn Duyệt sẽ ở yên với vua Gia Long và ông Phan Thanh Giản sẽ ở yên với vua Tự Đức. Bằng chẳng vậy, hai ông ấy cứ lộn xộn hoài, cứ xạo xự hoài! Lần nầy nhà làm báo họ đem ông Phan Thanh Giản lên đời Gia Long, còn chưa đến nỗi hề chi; chớ lần sau họ đem ông Lê Văn Duyệt xuống đời Tự Đức thì bao nhiêu sự tích và bia chí của Lăng Ông trong Bà Chiểu đều phải sửa lại cả, rối lắm! rối lắm! TÂN VIỆT Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s. 768 (13.9.1928) Điều luật "Bất ưng vi" Trong luật Gia Long có điều "bất ưng vi" thật là tiện cho các quan án An Nam quá, khen ai khéo đặt! Phàm những người mà quan cho là có tội, song không biết khép vào mặt luật nào, giá ở tòa án Tây thì phải bó tay, song quan An Nam thì dễ lắm; cứ việc khép vào mặt luật "bất ưng vi". Mới đây, nghe có một người ở Phan Thiết mà lấy giấy thuế thân Sài Gòn, bị quan tỉnh Bình Thuận bắt, làm án câu giam 18 tháng. Uả hay! Đâu cũng làm dân nhà nước cả, thì đóng thuế ở đâu chả được? Huống chi đóng thuế Sài Gòn chắc là đóng nhiều hơn Phan Thiết, thế là làm lợi cho nhà nước, lẽ đáng thưởng cho mới phải, cớ sao lại phạt? Phạt vì "bất ưng vi"! Bất ưng vi nghĩa là không nên làm mà làm. Không nên đóng thuế Sài Gòn mà đóng thuế Sài Gòn, ấy là có tội! Bắt, giam, làm án! Trời ôi! nếu chiếu luật "bất ưng vi" thì ai mà chẳng có tội, chẳng ở tù! Năm trước ở huyện Phú Vang có hai cái án bất ưng vi rất buồn cười. Số là, quan huyện bấy giờ có nuôi một tên trai kéo xe mà trả ít tiền, nên chi nó ở có một tháng rồi không chịu ở nữa. Quan bèn đòi làng nó đến, bắt khai báo xong rồi khép cho nó cái án "bất ưng vi". Án ấy trình lên quan Phủ doãn. Quan Phủ doãn vốn người công minh, cho rằng quan huyện không nên làm án mà làm án, bèn trở lại làm án "bất ưng vi" cho quan huyện. Bấy giờ về triều Tiên đế Khải Định, may mà Ngài ngự bỏ qua đi, phỏng sử ngài nổi lôi đình chi nộ, quở quan Phủ doãn rồi khép án "bất ưng vi" cho, thì ai cấm ngài? Thôi, đừng nghị luận nữa, mà hãy nghiên cứu. Có nhà luật học trứ danh đã tìm ra cội rễ cái luật "bất ưng vi" mà nói rằng: "Bất ưng vi" vốn là một điều luật cũ trong luật Chiêm Thành, tức là luật Hời. Song Hời họ cắt nghĩa khác với luật ta bây giờ. Luật Hời nguyên có điều "bất ưng vi", họ cắt nghĩa là "không ưng" mà "vi" nhầu(*) đi; tức là điều luật "cường gian" của ta. Họ lại có điều "ưng vi" nữa, cắt nghĩa là "ưng" nhau mà "vi"; tức là điều luật "hòa gian" của ta. Không tin thì hỏi ông luật khoa Tấn sĩ, quí hiệu ngài là Tân Việt, nguyên làm thầy kiện ở Paris, mà coi... TÂN VIỆT Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s. 769 (15.9.1928) ----------------- * nhầu: bừa (theo Từ điển phương ngữ Nam Bộ, sđd.) Huớ người ta, rừng động! -- Huớ người ta, rừng Sài Gòn động! Huớ người ta, ở Sài Gòn động rừng! -- Sài Gòn có rừng đâu mà động? -- Beo ở sở thú thì có rào sắt, ra làm sao được? -- Không ra được, làm sao lại cắn lộn với nhau ngoài đường? -- Bao giờ? Mấy con? -- Bữa trước hai con; bữa nay hai con. Đơ phoa đơ phông cách, ấy là bốn con. Thôi, mình đừng dỡn nữa. Nói thiệt mà nghe. Beo đó là báo. Đó là nói các nhà làm báo đánh lộn với nhau. Bữa trước tại đường D'Ormay đã xảy ra hai người Tây làm báo đánh lộn với nhau, hẳn độc giả còn nhớ. Đông Pháp thời báo số vừa rồi có đăng tin hai nhà báo Tàu là Trần Thanh và Trần Quới cùng nhau đấu võ một trận. Cuộc đấu võ của hai nhà làm báo Tàu nầy mới là cao thượng. Họ cãi nhau về ý kiến rồi không phục nhau mà tức khí phải đánh. Hảo Huê báo ký giả chi đại tài!
Tòa kiểm duyệt bỏ hết một đoạn Đánh đi, đánh thả cửa đi! Đừng ai can! Vỗ tay lên! Hảo Huê báo ký giả chi đại tài! .............................. ............................... ............................... Có một ngày kia các nhà báo An Nam vì chủ nghĩa mà đánh lộn với nhau chăng? Ngày ấy tới; thằng mình lui. Bấy giờ mình sẽ đứng đằng xa mà diễn thuyết: "Thưa các ngài, Hôm nay được thấy các ngài vì chủ nghĩa mà hy sanh tánh mạng, tôi lấy làm khâm phục biết bao! Song xin cho tôi miễn hầu các ngài. Vì tôi không có chủ nghĩa chi cả. Huống chi tôi nằm nhà mà viết "câu chuyện hằng ngày", không đến tòa soạn, thì không đủ tư cách mà kể được là một nhà viết báo. Xin cho tôi kiếu. Đa tạ các ngài!... TÂN VIỆT Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s. 770 (18.9.1928) Nghi như Tào Mới rồi cuộc tuyển cử nghị viên phòng Canh nông bị Tòa án xóa đi là vì sự bỏ thăm trong ngày tuyển cử có gian dối làm sao đó. Quái lạ làm sao! trong ngày tuyển cử ấy có người vắng mặt tại Nam Kỳ hoặc có người đã chết rồi mà cũng có bỏ thăm! Lại có người bỏ thăm đến hai lần! Bởi vậy bây giờ Tòa tra xét ra có đến 57 lá thăm đáng ngờ. Sự xóa sổ nghị viên mới được cử là vì cớ ấy. Giữa các ông dân tây với nhau, sao lại có sự gian dối ấy? Phần việc ai giữ sổ cử tri? Ai giữ sổ cử tri mà lại để cho người ta làm gian dối được như vậy kia? Té ra người ta chơi không sướng, chơi không thiệt thà! Sáu ông Gressier, Siplère, Lê Quang Trinh, Mathieu, Duzan và Giorgi, mới tháng trước đây là sáu tay nghị viên phòng Canh nông xứng đáng, mà bây giờ chức nghị viên của các ông bị hủy; vậy thì té ra các ổng không xứng đáng rồi sao? Ai làm ra sự gian dối mà liên lụy đến các ổng? Mình có tánh đa nghi, thấy vậy rồi dửng dừng dưng, nghi ngờ hết thảy, chẳng tin cái gì hết thảy. Kẻ đi ăn trộm bị bắt chỉ có một lần mà không bị bắt đến một trăm lần. Số 5.460 được trúng số độc đắc mười vạn đồng trong kỳ xổ số người buôn người ta rao ra như vậy, mà có quả vậy không? Các nhựt trình đăng tin rằng Quốc dân quân của Tàu đã thành công bắc phạt, thống nhứt Trung Hoa, lấy gì làm chắc? Cho đến mới rồi đây người ta nói Hội thể thao An Nam nào đó cho Trần Văn Chim một trăm đồng bạc để sắm sửa đi tỷ thí banh vợt bên Singapore, cũng chưa biết chắc vào đâu mà tin. Mà có phải ông Pierre Pasquier sắp qua làm Toàn quyền ta chăng? Có phải ông Robin quyền Toàn quyền mới vô Sài Gòn không? có phải quan quyền Khâm sứ Jabouille mới đi kinh lý các tỉnh miền nam Trung Kỳ không? Theo ý mình, mọi sự đều phải đánh dấu hỏi hết thảy. Ai bảo rằng hay nghi như Tào cũng mặc! TÂN VIỆT Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s. 771 (20.9.1928) Nửa câu đáng tội Hôm Tòa Thượng thẩm xử án ông Vũ Đình Dy về vụ báo Jeune Indochine mới rồi, ông Biện lý đã cho báo ấy là báo phản đối quá tay và có nói giữa tòa rằng: "Tôi không cần phải đọc lại hết thảy các bài đã gây nên tội, song chỉ nhắc lại mấy câu tư tưởng mà báo ấy in làm "manchette" đã là đủ". Rồi kể ra ba câu như sau nầy: 1. Quan le peuple opprimé s'agite et proteste, on le decrète rebelle. Et s'il se lève, on dit que la haine de race le fanatise (Henri Barbussse). 2. Laissez - vous blâmer, condamner, emprisonnier, laissez-vous prendre, mais publiez votre pensée. Ce n'est pas un droit, c'es tun devoir (Paul Louis Courrier). 3. Salut, Mère-Patrie! Il n'y a pas de vie sans liberté, et il n'y a pas de vie sans Swaraj ou gouvernement de soi par soi (Lala Lajpa Rai)(*). Ông Biện lý nhắc lại ba câu ấy rồi kết luận ngay rằng: "Tôi xin Tòa cứ việc y theo án một năm tù không treo mà toà Tiểu hình đã kết cho ông Vũ Đình Dy. Tòa kiểm duyệt bỏ hết một đoạn.
TÂN VIỆT Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s. 773 (25.9.1928) ----------- * Câu của Henri Barbusse: "Khi dân chúng bị áp bức thức tỉnh và phản kháng thì người ta bảo là họ làm loạn. Và nếu họ nổi dậy thì người ta bảo rằng sự hằn thù chủng tộc khiến họ thành cuồng tín" Câu của Paul Louis Courrier: "Bạn hãy cứ chịu để mình bị quở trách, bị kết án, bị tù đày, bạn hãy cứ chịu để mình bị tước đoạt, nhưng bạn hãy công bố những tư tưởng của mình đi! Đó không phải một quyền mà là một nghĩa vụ". Câu của Lala Lajpa Rai: "Chào mẹ Tổ Quốc! Người ta không thể sống khi không có tự do, không thể sống khi không có Swaraj hay là sự cai quản mình bởi chính mình" Gian giữ gian Phàm đánh cờ bạc, duy có những tay sở trường đánh gian thì mới biết cách mà giữ gian. Đánh me, anh nào cầm đũa mà "đánh đũa" được vô tiền ra tiền được, thì đến lúc nắm chén mới biết chừng mà giữ tay đũa. Bài cào, ích xì, tay nào biết xóc bài, coi dấu bài, thì mới biết lo mà thay bài và chẻ bài luôn luôn, phòng có kẻ khác cũng thò ra ngón gian như mình. Trong trường chánh trị cũng có đôi khi xảy ra những sự không thiệt thà như trong trường đổ bác. Vậy cách giữ gian trong sòng chánh trị cũng chẳng khác nào trong sòng cờ bạc, nghĩa là lấy gian giữ gian. Như mới rồi, kỳ nhóm hội đồng Canh nông, quan thống đốc Nam Kỳ có giao cho các ông hội đồng ấy bàn tính về cách ngừa, giữ sự gian dối trong cuộc tuyển cử hội đồng như đã xảy ra trong cuộc tuyển cử hội đồng Canh nông vừa rồi. Quang thống đốc làm như vậy là phải lắm. Vì chính các ông Hội đồng ấy đã nhờ sự gian dối mà đắc cử, thì bây giờ muốn triệt ngọn gian dối đi, còn ai cho bằng các ổng? Lấy gian giữ gian, chánh phủ làm việc cách khôn ngoan như vậy, mà người ta không hiểu, lại còn cười thầm thì với nhau! Các ông hội đồng hãy đem hết các khoé của mình mà thảo luận đi, nghiên cứu đi; chúng tôi dám chắc rằng nhờ các ông mà trong các sòng cử hội đồng sau nầy sẽ không còn ai thò ngón gian ra được nữa. ừ! tài chi tổ nghề đánh gian mà lại giữ gian không được? Nghề cờ bạc, "nhứt đánh gian, nhì tràn lưng". Trong sòng cử hội đồng, cũng còn sợ anh "tràn lưng" nữa! Nhưng thôi, các ông hãy trổ tài ra mà triệt các ngón đánh gian đi cho chúng tôi. TÂN VIỆT Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s. 774 (27.9.1928) Lụt đại hồng thuỷ "..... Vậy đó, mấy trò đã hiểu chưa? Tuy Thượng đế muốn phạt loài người, song cũng không nỡ để cho tiêu diệt. Nên mới khiến ông Noe đóng bè mà chở mỗi thứ một cặp, người một cặp, nghĩa là hai ông bà Noe. Trâu một cặp, bò một cặp, ngựa, chó, voi, kỳ lân, sư tử, cho đến chim chóc, trùn, dế thứ gì cũng đủ cặp, để cho nướt lụt hết rồi, có sanh hóa ra lại như mình thấy ngày nay". Nghe thầy giảng vậy, các trò trong lớp đều vỗ tay khen ngợi, cung tụng ơn đức của Thượng đế. Bỗng đâu có một trò nhỏ đứng dậy thưa rằng: -- Bè ông Noe có chở cá không? Thày hơi gượng, song cũng làm tỉnh mà đáp lại rằng: -- Cần chi, đại hồng thủy, lo gì cá chết mà chở. Vả cũng nhờ có cá nên ông Noe mới sống được 40 ngày mà chờ kiếm cho có đất... -- Thưa thầy, lấy gì mà câu? -- Cần chớ gì. Tưởng ông bà Noe đâu dại lắm sao mà không sắm cần sẵn đem theo? -- Câu mồi gì? -- Trùn chớ gì! -- Trùn cũng chỉ có một cặp, thì làm sao mà câu cho đủ ăn 40 ngày? Thầy nín lặng. Chuyện trên đây là theo lối Pierre Mille. Không phải mình bày ra đâu mà giận. Mình chỉ ngồi nghĩ mà trách thầm Thượng đế và ông Noe. Phải chi không có cái bè của cụ Noe năm nọ thì bây giờ ta đã khỏi thấy dành đất, dựt của, ăn cướp lớn, ăn cướp nhỏ, tự do bình đẳng mà thèm. Mà hiện ngay lóng nầy cũng khỏi làm cho một ít ông chạy kiếm người ra ứng cử hội đồng quản hạt. Nhứt là mình đây lại cũng khỏi lo hằng ngày viết câu chuyện nữa. Anh biết không? TÂN VIỆT Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s. 775 (29.9.1928) Ngủ ngày cày đêm Tục ngữ ta có câu "ngủ ngày cày đêm". Câu tục ngữ ấy người ta thường dùng để chỉ về sự phải trái của những người nào không làm việc trong ban ngày mà lại làm trong ban đêm; cũng như câu "Ban ngày thảng mảng đi chơi, tối sập mặt trời, đổ lúa vô xay" vậy. Còn một nghĩa nữa. Con nít lối chừng bốn năm tháng, hay trằn hay đạp, người ta gọi là "cày". Những đứa nào ban ngày nó "thét", ban đêm nó thức mà trằn mà đạp, thì người ta cũng nói nó là "ngủ ngày cày đêm". Trong đời có nhiều chuyện nói chơi mà có thật. Không ngờ cái câu "ngủ ngày cày đêm" là câu ví dụ ấy mà đến ngày nay lại hóa ra sự thật đành rành! Hoặc giả nó là một câu sấm chăng? Không tin thì xem báo Đuốc nhà Nam mới ra số đầu(*). Nơi từng trên trương thứ ba của tờ báo ấy có in một bức vẽ, chính giữa ba chữ "Đuốc nhà Nam"; một bên thì người đàn ông đánh trâu cày, một bên thì người đàn bà cầm đuốc rọi. Quả là cày đêm! Nếu chẳng phải cày đêm thì sao lại có đàn bà cầm đuốc? Té ra đuốc nhà Nam là đuốc soi sáng cho kẻ cày đêm! Có người cắc cớ hỏi: -- Cày đêm thì cày đất gì? Giá có ông Cống Quỳnh sống lại thì ổng trả lời: -- Đất thịt. TÂN VIỆT Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s. 776 (2.10.1928) ---------- * Báo Đuốc nhà Nam ra số đầu (số 1) vào ngày 26.9.1928 Tên và hiệu của vua Bảo Đại Mới đọc một tờ báo ngoài Bắc, thấy có đăng tin về vua Bảo Đại rằng: "Đức Bảo Đại chăm chỉ học hành. Ngài học ở trường Trung học Condorcet, cuối niên học vừa rồi được ba cái Accessit.(*) Lúc in bổn danh sách các học trò được thưởng, ông Đốc trường không biết làm thế nào là phải: in tên Bảo Đại hay là biệt hiệu? Quan Tổng trưởng bộ thuộc địa và Nam triều ở Huế cũng đồng ý in biệt hiệu. Bởi thế cho nên đức Bảo Đại lại cứ lấy chữ Vĩnh Thụy là tên của ngài trong khi còn tùng học ở bên Pháp". Cứ như lời của bạn đồng nghiệp đó thì không khỏi cho mình sửng sốt lấy làm lạ! Vả chăng, bọn học sanh hay là văn sĩ đời nay thì thường thường có tên lại có hiệu. Như bác Hì Đình Nguyễn Văn Tôi của mình, Hì Đình là hiệu, mà Nguyễn Văn Tôi là tên(**). Nhà vua thì có khác một chút. Như vua Bảo Đại, thì Vĩnh Thụy là tên, mà Bảo Đại là niên hiệu, chớ không phải hiệu. Niên hiệu mà gọi là hiệu phứt đi cũng được, bởi vì ngài dầu làm vua mà hiện bây giờ còn làm học sanh. Song, nếu gọi bằng hiệu thì gọi Bảo Đại mới phải; ý làm răng mà lại nói rằng "ngài cứ lấy chữ Vĩnh Thụy trong khi còn tùng học bên Pháp"? Vĩnh Thụy thì không phải hiệu, mà là tên của ngài rồi. Cái tên vua ngày xưa, nói cũng không ai dám nói đến; đọc cũng không ai dám đọc đến; các quan tại triều có nhớ điều ấy chăng? Hay là quên mất ráo? Quan Tổng trưởng bộ Thuộc địa không thuộc lệ An Nam, chẳng nói làm chi; chớ các quan Nam triều ở Huế, sao đã đồng ý in biệt hiệu của Ngài, mà lại nhè in tên Vĩnh Thụy? Hay là các quan nói Vĩnh Thụy là hiệu của ngài? Tức cười quá! Vua tôi đời nay họ lại xỏ nhau chơi! Hèn chi trong một tờ báo Tây ở Sài Gòn có đăng tin rằng: Trong một bọn đá banh là bạn đồng học với vua Bảo Đại, họ kêu ngài bằng "Bille de Clown"(***), cũng phải. Sức đỗi bầy tôi của ngài còn đùa ngài chơi, huống chi là bạn đồng học ngoại quốc của ngài! TÂN VIỆT Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s. 777 (4.10.1928) --------- * Accessit: giải khuyến khích; ** Đúng ra, Hì Đình Nguyễn Văn Tôi là một trong những bút danh của Nguyễn Đỗ Mục (1866-1949); *** "Bille de Clown": thằng hề. Giặc biển tung hoành Trên tờ báo nầy, số vừa rồi, có đăng tin một chiếc tàu của "Trung Hoa hàng hải công ty", tên là Anking, bị ăn cướp đánh trong vịnh Bắc Kỳ ngày 26 tháng 9 tây mới đây. Quan ba tầu là Plunkettcole bị trọng thương; quan phó tàu là Wones và người coi máy là Thomson bị giết. Nghe tin nầy, hết thảy người An Nam đều kinh ngạc, nói thầm với nhau: Làm sao ở dưới oai quyền nước Đại Pháp mà bọn giặc cướp lại dám tung hoành như vậy? Theo tin đó, nói là cướp; song có lẽ là giặc. Bởi vì chiếc tàu Anking chở đến 1.400 hành khách, là tàu to, thế mà chúng nó dám đánh, chắc chúng nó có súng ống quân lính hẳn hoi, chẳng phải giặc là gì? May mà tàu bị đánh đó là tàu của người Khách, những người bị thương và chết đó, coi cái tên có lẽ là người Anh; chớ rủi như tàu của người Pháp đây bị đánh thì chánh phủ ta sẽ lấy lời gì mà đối đáp với họ? Họ sẽ hỏi: Vịnh Bắc Kỳ là phần biển của ai? Làm thinh thì họ sẽ hỏi nột(*) một câu nữa: Chớ nào tàu tuần dương của đạo Hải quân Đông Pháp đi đâu? Ở đời có nhiều câu hỏi nghe lơ lơ mà khó chịu. Song đó chỉ là nói một cách « phỏng sử », « thoảng hoặc », « chí ư như » mà nghe chơi đó thôi. Chớ nói việc thiệt thì nên nói về phần An Nam mình. An Nam mình được trời cho cái tánh hay nhớ và hay tủi. Gặp việc nầy, khiến cho mình nhớ lại về triều Tự Đức, vùng biển Bắc Kỳ có nhiều giặc "tàu ô", năm 1882, ông Henri Rivière lấy cớ ấy đem hai chiếc tàu chiến và mấy trăm quân từ Sài Gòn ra bắc, nói là để dẹp giặc biển, rồi té ra luôn thể hãm thành Hà Nội. Hiện bây giờ cũng có giặc tàu ô đó! Chớ nào ông Henri Rivière ở đâu? TÂN VIỆT Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s. 778 (6.10.1928) -------------- * nột trí: bức bối trong trí, nhất là khi tính không ra việc (H.T.Paulus Của, sđd.); nột: gấp ráp, dồn dập, cùng đường như nước đến chân (Từ điển phương ngữ Nam Bộ,sđd.); như vậy "hỏi nột" có thể hiểu như "hỏi dồn". Cái máy chiêm bao Mới rồi có tin cho hay rằng một nhà chế tạo bên Mỹ có kiếm được một cái máy làm ra chiêm bao. Máy nhỏ bằng ngón tay, mà hễ trước khi ngủ đút vào lỗ tai, thì chừng ngủ sẽ đặng thấy những cuộc chiêm bao sang giàu vui sướng. Người mà đã ngồi nghĩ ra cái máy ấy, thì tất nhiên phải là người Mỹ. Vì cái văn minh của họ quá ư vật chất, nên cho sự sướng ở đời nội khi thức chưa đủ. Vả nghĩ vậy cũng là thật nhằm theo triết lý "Thế sự nhứt đại mộng", cuộc đời như một giấc chiêm bao. Vậy thì ta cũng có thể đổi trái lại mà cho chiêm bao là một cuộc đời. Không đặng sao? Nếu đặng, thì cái máy ấy lại là một món chế tạo có thể làm biết bao nhiêu hạnh phúc cho nhơn loại. Từ rày về sau, khi ta thức, dầu cho có khổ sở bao nhiêu, bị hiếp đáp bao nhiêu cũng vẫn cứ cho là mộng. Cầu sao cho mau tối mà nhét "cục máy" ấy vào tai thì tha hồ mà phú quý, mà tự do, mà.... Mà thôi, triết học chẳng phải cái "hãng" của mình, dẹp lại! Bây giờ thử hỏi như quả có cái máy ấy (vì Mỹ xa lắm!) mà như mình đặng phép mua, thì mình sẽ muốn chiêm bao điều gì trước. Nói đến đây lại nhớ câu chuyện của một ông bạn ly kỳ. Ông ta thường nói với tôi: "Ông ơi, tôi chiêm bao đủ hết. Đủ kiểu, cho đến thấy cụ Phúc Môn Bá nữa ông à........ Tòa kiểm duyệt bỏ hết một đoạn Ờ quái thiệt! Sao tôi cũng vậy. Mà tôi thử hỏi riêng mấy ông ưa câu chuyện hằng ngày có từng chiêm bao thấy vậy chăng. Như không, thì cứ viết thơ lên cho tôi, rồi chung nhau mỗi người mua một cái "máy chiêm bao" về mà thí nghiệm cho đã. Chừng đó mặc sức, tôi đây thì cứ hằng ngày viết câu chuyện, mà các ông lại cũng cứ đọc câu chuyện hằng ngày như cũ. TÂN VIỆT Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s. 779 (9.10.1928) Ông lớn Chiều hôm qua, trời hầm dông nực quá, mình rủ anh Bốn Huế đi dọc theo bờ sông Sài Gòn chơi, trước để hóng mát, sau để có ai đánh rơi câu chuyện nào thì lượm lấy. Cái ngày "xuối"(*) làm sao mà hai anh em đi ra gặp những ông lớn là ông lớn! Trước hết, tại chỗ vệ đường gần xưởng máy hải quân, gặp một ông súng. Lớn thiệt! dài non ba thước tây, lưng non một thước, miệng cũng khá rộng. Tiếc mình không thấy cái hồn ổng oanh liệt coi thử ra làm sao; chớ còn như ngày nay thì tệ quá, ổng chỉ nằm ỳ ra đó sùm sùm một đống. Có lẽ ổng không biết thân chớ mình thấy thương hại cho ổng lắm, vì người ta đã bán ổng rồi. Trên lưng ổng có đề mấy chữ Pháp rằng: "Vendu le 4 Avril 1924". Bán rồi từ năm 1924 kia, mà năm nay còn nằm đó chưa chịu đi cho, vậy mới là "ông lớn". Bỏ quách đó, rủ nhau thẳng đường lên sở thú, lại gặp ông voi. Cái lớn của ông nầy ai cũng biết, không cần mình quảng cáo làm chi. Người thì lớn mà cặp con mắt nhỏ quá. Con cóc vóc dạc có bấy nhiêu mà cặp mắt nó bằng ngần ấy. Theo cái mực tương xứng (proportion) ấy mà tính ra thì con mắt voi ít nữa cũng phải bằng cái chậu mới xứng cho. Làm sao lại nhỏ quá, chẳng trộng(*) hơn mắt anh em mình bao nhiêu? Nhơn đó mình phát minh ra được một cái công lệ về động vật học: phàm loài vật, càng lớn chừng nào thì con mắt càng nhỏ chừng nấy. Chẳng những voi mà thôi, cá ông cũng vậy. Có nhà bác vật lại nói rằng: Ngày xưa mắt voi vốn to bằng cái chậu, sau vì nó ỷ lớn, không coi ai ra chi, ngó ai thì chỉ ngó nửa con mà thôi, cho nên theo luật thoái hóa, không dùng sức mắt thì mắt càng ngày càng nhỏ lại. Nhà va lại nói thêm rằng đến thế kỷ thứ 35, loài voi sẽ không còn có con mắt nữa. Mình thuật lời đó cho anh Bốn Huế nghe thì ảnh cho là có lẽ. Song ảnh lại giục mình biểu đi về và nói rằng: Tưởng Sài Gòn có cái gì lạ, chớ còn những ông nầy ngoài Huế thiếu chi. TÂN VIỆT Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s. 780 (11.10.1928) ------------- *xuối: cũng như "xui", "xúi"; ** trộng: khá lớn, hơi to ( theo Từ điển phương ngữ Nam Bộ,sđd.) Hội kín Nguyễn An Ninh Bắt đầu từ tháng 10 tây năm 1928, ở Nam Kỳ, người ta mới nghe có "Hội kín Nguyễn An Ninh", ai nấy đều lấy làm ngạc nhiên. Theo lời mấy tờ báo tây ở đây thì hội ấy có đến những bốn trăm người kia. Đã là hội kín thì làm sao họ lại biết được? Đã là hội kín thì làm sao họ lại biết được đúng số là bốn trăm người? Nếu chẳng phải là đặt điều ra mà nói thì họ thật có tài quá, mình phải chịu. Ở Nam Kỳ chỉ nghe có ba cái đảng mà thôi, chớ chưa hề nghe có hội kín nào. Một là đảng Lập hiến. Đảng của cụ Bùi Quang Chiêu lập ra và chính cụ là đảng trưởng. Đảng nầy dầu có chủ nghĩa -- chủ nghĩa của nó là Pháp Việt đề huề -- và có một tờ báo làm cơ quan, song đến số đảng viên cũng không biết được là bao nhiêu huống chi là số người của một hội kín. Hai là đảng Thanh niên. Đảng nầy lập ra năm 1926, bây giờ đã suy rồi, song chính hồi còn thạnh, cũng không ai biết được số người trong đảng. Ba là Đảng X. Đảng mới lập ra ngót một tháng nay nơi trương thứ tư của tờ Đông Pháp thời báo, là đảng có thế lực và số đảng viên thiệt đông mà người ta biết được đành rành. Nè! tám ngàn chín trăm chín mươi vị độc giả của Đông Pháp thời báo đều thường ngày qua lại với Đảng X.(*) Nội các đảng, chỉ có Đảng X nầy là hay hơn hết, là đường đường chánh chánh, minh minh bạch bạch hơn hết, cho nên số người của nó không thèm giấu; còn kỳ dư đảng khác thì đều phải có cái tánh chất bí mật, vì pháp luật không cho ta có quyền lập đảng. Đảng còn như vậy, huống chi là hội kín. Ấy vậy mà người ta nói rằng có hội kín Nguyễn An Ninh! Ấy vậy mà người ta nói mồn một rằng hội kín Nguyễn An Ninh có bốn trăm người! Đã biết rõ được bốn trăm người thì còn kín với ai? Thôi, đừng chơi với đảng nào hội nào hết mà sanh rầy; chỉ có làm quen với Đảng X của Đông Pháp thời báo là vô sự. TÂN VIỆT Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s. 782 (16.10.1928) ----------------- * Đảng X. là nhan đề một truyện dịch mà Đông Pháp thời báo đăng đều kỳ từ cuối tháng 9.1928, ngay sau khi thôi đăng Thày trò trong khám (phần đầu tiểu thuyết Bá tước Monté Cristo) do C.D. (tức Phan Khôi) dịch Luận lý học mới: nhứt đoạn luận Trong đời, muôn vật đều phải đổi mới; cho đến các khoa học cũng thường phải đổi mới luôn. Ấy vậy, luận lý học (logique) đời nay, người ta cũng không thể giữ theo khuôn phép cũ. Nguyên trong luận lý học có phép gọi là tam đoạn luận (syllogisme). Cách đặt nó như vầy: 1. Hết thảy người ta đều phải chết. 2. Tôi là người ta. 3. Vậy thì tôi phải chết. Ấy đó, tam đoạn luận như vậy đó. Hai đoạn trên (1 và 2) kêu là tiền đề (prémisses), và đoạn 1 là đại tiền đề (majeure), đoạn 2 là tiểu tiền đề (mineure); còn đoạn dưới (3) là đoán án (conclusion). Cái đoán án mà thành lập được, là nhờ hai cái tiền đề cho vững vàng. Song về sau người ta đã đổi ra mà làm nhị đoạn luận (enthymème). Nhị đoạn luận như vầy: Thí dụ thứ nhứt: 1. Tôi có thở. 2. Vậy là tôi sống. Thí dụ thứ nhì: 1. Hết thảy loài có vú đều đẻ con. 2. Vậy thì cá voi là loài đẻ con. Trong nhị đoạn luận đó chỉ có một cái tiền đề, một cái đoán án, mà bớt đi một cái tiền đề; cái tiền đề bớt đi đó phải hiểu ngầm. Vậy trong thí dụ thứ nhứt, cái đại tiền đề bị bớt đi, ta phải hiểu ngầm nó là: Mọi vật sống đều có thở; và trong thí dụ thứ nhì, cái tiểu tiền đề bị bớt đi, ta phải hiểu ngầm nó là: Cá voi là loài có vú. Dầu bớt đi một cái tiền đề, song cái đoán án vẫn thành lập. Coi đó thì biết đời xưa người ta thiệt thà quá, mỗi một việc gì phải nói cho cặn kẽ, có đầu có đuôi mới hiểu được, song lần lần thì thông minh ra một chút, nói ít hiểu nhiều. Đến thế kỷ nầy thì người ta khôn quá rồi, ai cũng hiểu ngầm được mọi sự; vậy chẳng những tam đoạn luận không cần xài, mà nhị đoạn luận cũng không cần nữa, chúng ta bây giờ chỉ xài nhứt đoạn luận là đủ. Mình thử đặt ra một cái thí dụ về nhứt đoạn luận: Ông Dương Văn Giáo là đàn bà. Đó, không có tiền đề, chỉ có đoán án, mà có phải ai ai cũng đều hiểu hết thẩy không? Bởi vì ai ai đều hiểu ngầm rằng: Trong tờ Đuốc nhà Nam số 8, nơi trương thứ nhứt, có câu rằng: "Kể từ đây ông Dương Văn Giáo trọn quyền làm chủ nhiệm và quản lý, lãnh cầm ngọn đuốc cho quốc dân Nam Việt". Mà trên đầu tờ báo lại có vẽ một người đàn bà cầm đuốc soi cho một bọn người An Nam cùng đi. Vậy thì người đàn bà ấy tức là ông Dương Văn Giáo chớ ai? ông Dương Văn Giáo tức là đàn bà chớ gì? Ờ hay! Tam rút còn nhị, nhị rút còn nhứt, rút thét rồi đến có ngày không thèm nói chi hết mà cũng hiểu nhau. Nếu mình còn sống đến ngày ấy thì mình phải cụt nghề, vì còn có báo đâu mà làm, còn có câu chuyện hằng ngày đâu mà viết? Té ra mình dại! TÂN VIỆT Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s. 783 (18.10.1928) Hữu danh vô thiệt Tối hôm qua, thiên hạ họ xúm nhau nói hành mình mà mình nghe được. Họ nói với nhau rằng: -- Cái thằng cha Tân Việt coi không ra chi mà nó láu gớm. Nó biết bộn. Nó thạo những toán, lịch sử, pháp luật và các khoa học nữa. -- Mới rồi nó lại nói đến những luận lý học mới ghê cho. -- Ừ, bộ nó biết lắm nên nó khinh đời, nó nói động đến ông lớn. - Uả, không nhớ? Có một lần nó dẫn luật dẫn lệ chi đó rồi nó nói đến quan Thống đốc Nam Kỳ, mà cũng không thấy ngài làm chi nó. -- Làm chi? Ngài đâu lại chấp nó? Mình đây còn không thèm chấp nó, nữa là ngài. -- Đừng nói trạng! Không khéo nó nghe được, nó viết cho một "Câu chuyện hằng ngày" mà khốn giờ! Làm thinh... Mình nghe tức cười quá mà phải nhịn, bụm miệng chạy thẳng một mạch về đến nhà. Nghĩ ra thiên hạ họ hay quên quá. Chính thiên hạ họ hay nói: "Lụt lịt(*) mà chín mà mười; hay nói hay cười mà người không chi"; rồi bây giờ họ quên. Mình thiệt là "người không chi". Thật thế, có bao nhiêu thì mình đã tuôn ra đó hết rồi, còn chi ở mô? Thế mà thiên hạ có ý ghê mình, đến nỗi bảo nhau đừng chọc mình mà khốn. Bây giờ nếu ông nào năn nỉ thì mình khai thiệt hết trơn. Mình khai rằng tôi là đứa "hữu danh vô thiệt" đây mà. Nói không ai tin, chớ cả đến "câu chuyện hằng ngày" của mình cũng là hữu danh vô thiệt nữa. Không phải à? Báo hai ngày mới ra một số, còn chối ai? Báo hai ngày mới ra một số thì sao lại kêu là "câu chuyện hằng ngày"? Láo hết! Họ láo đã đành; mình cũng láo! Chỉ chờ rồi đây Đông Pháp đổi lại Thần chung mà ra mỗi ngày thì khỏi láo. Song không biết chừng đó mình có câu chuyện mà viết hằng ngày chăng? TÂN VIỆT Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s. 784 (20.10.1928) -------- * lụt lịt: có lẽ như "lút lít": thật thà quê kệch, cù mì cục mịch (theo Từ điển phương ngữ Nam Bộ,sđd.) Vô dụng mà hữu dụng Nhớ phỏng như một nhà triết học Tầu thời xưa, Trang Tử thì phải, có nói rằng: "Vô dụng mà hữu dụng". Va nói vậy rồi va có đặt ra một cái ví dụ rất rõ ràng như vầy: Tỉ như mình đứng trên đất, cái đất hữu dụng chỉ là chỗ vừa lọt hai bàn chơn của mình mà thôi, còn bao nhiêu triệu dặm vuông đất bên ngoài đều là vô dụng cho mình cả; song le, nếu không có bao nhiêu triệu dặm vuông đất vô dụng ấy, thì cái thẻo đất vừa lọt hai bàn chơn đó dính dựa vào đâu đặng mà chịu đựng lấy mình? Vô dụng mà hữu dụng là nghĩa thế. Cái lẽ ấy có thể bao hàm cả muôn việc, bao hàm cả cõi chánh trị nữa. Mới rồi quan Thống đốc Nam Kỳ đề nghị lập thuế mới ở Hội đồng quản hạt là lấy lẽ đó làm nền. Nếu người ta sao chép không lầm thì cái nghị án ấy là: Số tăng lương cho viên quan An Nam là 250.000 đồng; mà số thuế mới là 2.500.000 đồng. Mấy hôm nay, người ta xấm xi xấm xải với nhau, mà có lẽ mấy ông nghị viên cũng vậy, hỏi lẫn nhau rằng: Không biết làm sao nhà nước định tăng lương cho viên quan An Nam chỉ có chừng ấy, mà định tăng thuế cho dân lại đến chừng kia? Không ai hiểu chi cả! Để mình thử cắt nghĩa coi: Hai con số đó khác nhau chỉ một con zéro cuối cùng mà thôi. Zéro là "vô", là "vô dụng", hiểu chưa? Song nếu không có con zéro đó thì làm sao cho cả một hàng số ấy trở nên hữu dụng? Ấy vậy, theo cái ví dụ của Trang Tử trên kia thì số tăng lương 250.000 p ở trên tức là hai bàn chơn nó đứng lên trên số tăng thuế 2.500.000p ở dưới; mà số nầy thêm một con zéro, zéro ấy tức là hàng mấy triệu dặm vuông đất vô dụng bên ngoài vậy. Con zéro ấy là hữu dụng lắm chớ! Hữu dụng cho bên nầy, cho bên kia, về việc kia, về việc nọ, đều là ở con zéro ấy. Ai ngờ đâu quan Thống đốc lại học thông chữ Hán như thế! TÂN VIỆT Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s. 785 (23.10.1928) Người với khỉ Ông Pascal nói rằng: "Người ta là một cọng sậy, yếu hơn các loài sanh vật hết, nhưng là một cọng sậy biết tư tưởng" (L'homme est un roseau, le plus faible de la nature, mais c'est un roseau pensant). Sách Tàu cũng nói rằng: "Nhơn vi vạn vật chi linh". Nghĩa là loài người có tánh linh hơn muôn vật. Thằng mình không tin hai cái thuyết trên đây chút nào. Một nhà viết báo quèn, hồi nhỏ chưa "học nho tới nghe sách", lớn lên cũng chẳng được "theo thầy học đạo" như chị Phàn Lê Huê và ông Dương Văn Giáo, làm sao mà hiểu những tư tưởng xa xuôi cho được. Mỗi ngày một câu chuyện là vừa sức rồi, công đâu mà khảo về siêu hình học (métaphysique). Mình nhớ lại có ông chi ở bên Tây đó, thường nói rằng "tổ tiên của người là khỉ". Mình lấy làm thích cái thuyết nầy lắm. Ổng cắt nghĩa làm sao, mình không nhớ. Phần riêng mình, mình thấy nhiều duyên cớ phải tin rằng khỉ đồng loại với người. Trong các loài thú, duy có con khỉ là giống người hơn hết, giống cả mặt mày, tay chơn. Hôm rồi đây, mình đi xem chớp tuồng La croisière noire lại được thấy ở trung Phi châu có một thứ người trần truồng, ngày tối ở trên cây ăn trái, mình mẩy đầy những lông y như khỉ vậy. Đó là thuộc về hình mạo. Còn thuộc về tánh tình, người với khỉ có nhiều chỗ tương tợ nhau lắm. Nội các loài thú, con khỉ hay bắt chước hơn hết. Mấy người nuôi khỉ thường nói rằng nó biết hút thuốc, biết giữ em và đưa đứa em ngủ. Một lần kia có con khỉ thấy người ta làm thịt heo, nó bắt chước lấy dao cắt cổ đứa con nít của chủ nhà giao cho nó giữ. May người ta thấy, không thì đứa nhỏ đã chết rồi. Mà tới cái bắt chước, người ta lại càng quá cha khỉ nữa. Sách thuật lại rằng thuở trước có ông hoàng nước Anh tên Edouart VII qua ở tại Paris. Ông có tiếng là một tay phong lưu, ăn chơi đúng bực. Hạng ăn chơi Paris hay bắt chước ông lắm. Cách đi cách đứng, cách ăn mặc, mỗi mỗi đều học đòi ông. Ông mặc bộ đồ nào lạ thì các công tử Paris cho "mốt" mới. Một hôm kia, Edouart VII mặc bộ đồ nỉ trắng đi chơi, rủi trời mưa dầm nên ông lật ống quần lên cho khỏi lấm. Cách ít hôm sau, các công tử đều mặc quần ống lật, gọi là "mốt" mới. Chuyện bên tây mà nay cũng đã tràn qua An Nam. Thằng mình đây cũng có vài cái quần ống lật như họ vậy, nhưng các chú may sao mình bận vậy, tình thiệt không biết "mốt" là gì. Còn một chuyện nầy nữa. Người mình ai cũng biết ông nghị viên Outrey. Bình sanh ông ghét cọng sản lắm. Đi đâu cũng la rầy cọng sản. Chẳng bao lâu mà có nhiều người An Nam cũng ghét lây cọng sản, miệng thường nói cái "vạ cọng sản" mà kỳ thật không hiểu một chữ gì của Karl Max và Lénine (Mã Khắc Tư và Lý Ninh). Thậm chí có anh bầu gánh hát nọ ở Sài Gòn ta không biết gì hết mà năm kia đây cũng đi tỉnh nầy qua tỉnh kia diễn thuyết và bài bác chủ nghĩa cọng sản mới sanh chuyện lôi thôi với mấy đứa học trò. Thiệt cái bắt chước của loài người nói chẳng cùng. Quý báo ở xóm trên đây tên thiệt "Ngọn đuốc nhà Nam". Hồi đặt tên, quý đồng nghiệp để chữ "Ngọn" là đã nghĩ cho có chỗ hay gì đó. Sau có người nói rằng lúc trước có tờ báo "Đèn nhà Nam", quý đồng nghiệp mới lật đật xin phép chánh phủ đổi lại là "Đuốc nhà Nam" cho giống hệt. Chứng cớ rõ ràng như vậy, ai giám chắc rằng loài khỉ không phải một giống với loài người? Còn gì cho mấy ông đồ ta nói rằng "Nhơn vi vạn vật chi linh"? Còn gì cho mấy ông đồ tây nói rằng "Người ta là một cọng sậy biết tư tưởng"? TÂN VIỆT Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s. 786 (25.10.1928) Cử hình đồng làm đại biểu Từ thuở khoa học phát minh, phàm những đồ ăn, đồ dùng, cho đến tàu bay tàu ngầm, phim chớp bóng, máy lưu thanh, đều có thể dùng khoa học mà chế ra được, duy có "người" thì trước đây ai cũng tưởng rằng không có thể dùng vật gì mà chế tạo được như người thiệt. Vậy mà bây giờ họ cũng chế tạo được rồi. Mới đây các báo đăng tin rằng: người thơ ký ở hội bác lãm, và một nhà điện học chuyên môn của nước Anh, mới chế được một người bằng đồng, đem bày tại nhà hội bác lãm ở Luân Đôn. Nghe đâu "người máy" nầy cũng phải dùng khoa học mà làm cho thọ thai sáu tháng, nhưng không phải đẻ. Lúc đem ra bày tại nhà hội, họ đặt tên cho là Ái-bác-lực, áo mũ chỉnh tề, lại biết theo ý người ngoài mà cử động, biểu đứng thì đứng, biểu ngồi thì ngồi, biểu dơ tay thì dơ tay, biểu cúi đầu thì cúi đầu; lạ nhứt là người bằng đồng mà biết đối đáp như nước chảy. Trong ngày 15 tháng 9 mới rồi, hội bác lãm ở Luân Đôn khai hội, người máy Ai-bác-lực đó đứng đọc một bài diễn thuyết cực dài, nghe rõ ràng gọn ghẽ lắm. Coi thấy tin đó, nếu người nước khác thì nghĩ ngay về việc nghiên cứu khoa học, nhưng mình là người An Nam thì lại nghĩ ngay về việc chánh trị. Nếu tin đó mà quả thiệt, thì anh em chị em ở Trung Nam Bắc ba kỳ -- mà nhứt là anh em ở Bắc Kỳ -- nên góp nhau mỗi người năm xu một cắc, gởi qua Luân Đôn đặt sẵn ít người, đặng tới khoá sau chúng ta sẽ cử ra làm nhân dân đại biểu. -- Được lắm chớ! Như trên đã thuật, người bằng đồng đó, biểu đứng thì đứng, biểu ngồi thì ngồi kia mà. Nếu anh em mình mà sắm đặng một ông dân nghị bằng đồng, thì chừng nào tới kỳ hội đồng, chúng mình rủ nhau ít người đứng coi. Hễ lúc nào nên gật thì biểu gật, lúc nào nên bẩm thì biểu bẩm, lúc nào nên cám ơn thì biểu cám ơn, mà lúc nào nên nhận việc thì biểu nhận việc. Vậy thì rồi đây mình chắc khỏi nghe những bài xuôi văn như lối Nguyễn Trác, Nguyễn H. Cự nữa. - Uả, vậy chớ người bằng đồng đó, ai biểu cũng nghe, rồi nữa bất kỳ ai sai khiến cũng được sao? Khỏi lo, giây dụi mình nắm. Mà dầu cho có vậy đi nữa, thì bất quá cũng là giống như bây giờ là cùng. Tôi chỉ sợ một điều là mấy anh đồng ta sẽ không đắc cử. Mỗi lá thăm hai ba chục, thì tất phải người bằng vàng mới đặng. TÂN VIỆT Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s. 787 (27.10.1928) Chuyện lạ ở Huế Không ngờ ở Huế ngày nay mà cũng còn có nhiều chuyện lạ. Lạ nhứt là có bộ sách Việt sử nhị thập thế kỷ mà trong ấy có chép mấy chữ rất lớn rằng: "Dân Việt Nam thật có nhờ ơn nước Đại Pháp bảo hộ". Ấy là theo lời ông nghị trưởng Nguyễn Trác "dám chúc to" lên trong ngày bế mạc của hội nghị Dân biểu Trung Kỳ. Nhiều người lấy làm kỳ quái rằng sao.... ông Nguyễn Trác lại nghĩ ngay ra bộ sách ấy đương khi đọc bài diễn văn bế mạc, cho nên cũng sắp cho vào chuyện lạ. Lại một chuyện nữa cũng lạ, mà cũng xảy ra trong ngày hội nghị Dân biểu. Một ông nghị viên tên là Trần Đình Tuyển xin cho Viện Dân biểu được đi kiểm sát nhà băng. Quan đại diện cho quan Khâm trả lời rằng: "Nhà băng là một sở riêng, nhà nước còn không có quyền kiểm sát thay, huống chi là viện Dân biểu". Rõ thật ông nghị Tuyển nầy mới là muốn hành động ra ngoài quyền hạn Dân biểu. May mà gặp quan Đại diện đó, chớ nếu gặp quan Khâm sứ Jabouille thì ngài đã nổi nóng quở cho một chặp mà rồi không khéo ông nầy cũng phải từ chức. Một chuyện nữa là ở đất Huế mà mới đây lại có nứt ra "hội Nhơn quyền". Ông Lê Minh Điểu làm đại lý cho hội Nhơn quyền và Dân quyền đóng chi hội tại Huế. Coi trong tờ quảng cáo của chi hội ấy, nơi chỗ ký tên Lê Minh Điểu có chua thêm mấy hàng chữ nhỏ rằng: "Nguyên Bảo hộ sứ phủ thông phán; nguyên Nội thần cẩn tín ty Lang trung, nguyên Nam triều Hộ bộ Lang trung; chủ đồn điền". À! Té ra ông nầy đã là một tay quan lại, lại là một nhà tư bổn mà lại làm đại lý cho hội Nhơn quyền và Dân quyền! À! Té ra Nhơn quyền là vậy đó! Dân quyền là vậy đó! Cũng chỉ có ở Huế mới có được chuyện như vậy! TÂN VIỆT Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s. 788 (30.10.1928) Quyền hạn Ở trong xã hội người Pháp, ai nấy đều có quyền, mà cái quyền đến chỗ nào là cùng, đã có bờ bạn nhứt định, không ai được lấn ai... Còn ở trong xã hội người Nam ta, kẻ thì không có quyền, mà kẻ thì có nhiều quá, muốn xài mấy cũng không hết. Hai cái xã hội vẫn có tánh chất khác nhau như thế. Bởi vậy hiện bây giờ người Pháp với người Nam cùng làm việc chung với nhau, thường hay rầy nhau về chỗ đó. Như bữa 1er tháng 10 tây vừa rồi, viện Dân biểu Trung Kỳ nhóm hội đồng, ông nghị trưởng có nhắc đến vấn đề hiến pháp, quan Khâm sứ quở ngay rằng: "Từ nay về sau nếu như ai còn nói đến hiến pháp thì bất cứ vì cớ gì, sẽ chiếu luật mà nghị trị". Lại như bữa 11 sau đó, ở viện Dân biểu Bắc Kỳ, các ông nghị viên đương xét việc công chánh, vì quan kỹ sư nói không được rõ nên có một ông nghị đòi xem bổn "compte administraitif" cho rõ hơn. Bấy giờ quan quyền Thống sứ nghe thấy thế, cũng quở rằng "Nghị viên không có quyền kiểm soát việc hành động của chánh phủ". Ấy đó, rõ thật người mình không biết quyền hạn chi hết. Làm nghị viên sao lại dám đề cử đến vấn đề hiến pháp? làm nghị viên sao lại đòi kiểm soát đến việc hành động của chánh phủ? Người mình chẳng biết quyền hạn chi cả, như vậy cho nên hiệp tác với người khác (....)(*) khó lắm, thật là kèn xuôi sáo ngược, chẳng ăn vào đâu. Người Pháp thì người ta biết quyền hạn lắm mà, mỗi người giữ lấy quyền của mình và tôn trọng quyền kẻ khác. Như quan Khâm sứ và quan Thống sứ đó là biết quyền hạn của mình lắm, vì các ngài biết cái quyền của mình đối với các ông nghị viên An Nam chỉ được quở là cùng, thì quở là cùng. TÂN VIỆT Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s. 789 (6.11.1928) ----------------- * Chỗ này bản chụp của người sưu tầm bị thiếu 1-2 từ Sư đi tìm Phật (Hài kịch một xen) Bày cảnh: Tại dinh quan Tham biện. Các vai tuồng: Quan tham biện, một ông Huề thượng và năm ba bổn đạo. HUỀ THƯỢNG: Bẩm Quan lớn, các tượng phật chúng tôi đã tìm được và đã cho xe chở lên trình quan lớn xem đó thì hôm nay chúng tôi đến xin Quan lớn cho lại chở về, vì là của báu của chùa Long An chúng tôi. QUAN THAM BIỆN: Bạch Huề thượng, Phật xưa có dạy rằng: "Vô ngã tướng". Vả, Phật còn không có "tướng" thay thì có "tượng" ở đâu? HUỀ THƯỢNG: Bẩm Quan lớn, 37 tượng xi vàng lớn, 5 tượng xi vàng nhỏ, 4 tượng xi vàng thật lớn, 3 cái nhánh xi vàng để giát trên mão, 8 tượng bạc nhỏ và 47 tượng xi bạc lớn, cả thảy giá chừng 1500 đồng, ngày 25 tháng 10 tây mới rồi, chúng tôi đã vâng lời quan chủ quận mà chở hết thảy lên cho Quan lớn mà. QUAN THAM BIỆN: A à! Bạch Huề thượng, không mà có; có mà không. Số là Phật lại có dạy rằng: "Không tức thị sắc, sắc tức thị không; không bất dị sắc, sắc bất dị không"; cho nên Phật vốn không có tượng, mà dầu cho có đi nữa, là bây giờ cũng như không, có phải chăng Huề thượng? HUỀ THƯỢNG: Dầu cho Quan lớn có "thuyết pháp" đến thế nào mặc lòng, của chùa chúng tôi, chúng tôi quyết phải xin về. QUAN THAM BIỆN: Nếu vậy thì té ra Huề thượng chưa hiểu cái nghĩa "hỉ xả" của Phật chút nào hết. HUỀ THƯỢNG: Bẩm Quan lớn, hỉ xả là về việc thế gian kia, chớ còn cái này về việc Phật, chúng tôi hỉ xả cho ngài thì chúng tôi sẽ mang tội. QUAN THAM BIỆN: (vừa lắc đầu vừa nói một mình) Thằng cha nầy khó chơi rồi đây! (rồi day qua nói với Huề thượng): Đã vậy thôi thì xin Huề thượng yên tâm, số các tượng đó, Bổn chức sẽ chia hai ra trả lại cho chùa một nửa, còn một nửa sẽ gởi lên viện bảo tàng Sài Gòn. BỔN ĐẠO: (nói riêng với Huề thượng) - Thôi thế cũng được đi, Huề thượng. HUỀ THƯỢNG: Ấy vậy mà quan lớn mới hứa đó thôi, chớ đã trả ở đâu. BỔN ĐẠO: Bạch Huề thượng, đi về là hơn. HUỀ THƯỢNG: Thì làm chi mà không đi về. Huề thượng và Bổn đạo vừa bước ra cửa Tham biện vừa rập nhau niệm một bài kệ rằng: "Trách cho Phận lại hóa Ra mình vàng làm chi! Ví bằng là mình đất, Chẳng có ai khiêng đi!" (Hạ màn) TÂN VIỆT Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s. 790 (8.11.1928) Dư luận Pháp với Nam Phỏng sử ông Nguyễn Trác, nghị trưởng mới viện Dân biểu Trung Kỳ, sang năm đây ra ứng cử nghị viên lại mà dân Thanh Hóa không ai thèm bỏ thăm cho, ổng không đắc cử; và phỏng sử bấy giờ ổng buồn tình xin lại ra làm tri huyện, thì người ta chắc sẽ phê bình cho ổng một câu rằng: "nhả ra liếm lại". Vì ngày trước ổng đương làm tri huyện bỗng dưng bỏ chức tri huyện ra làm nghị viên. Đánh cho chết, cái dư luận An Nam ta rồi cũng ngả về mặt ấy chớ không chạy đi đường nào. Bởi vậy việc nầy dễ liệu trước lắm, liệu rằng cái sự ông Trác trật nghị viên khóa sau, là sự có thể xảy ra được; còn sự ổng xin làm tri huyện lại, là sự không có thể xảy ra được, vì ổng dầu là người thế nào nữa cũng còn biết sợ dư luận mà. Cái dư luận An Nam ta coi không ra hồn chi, song chỉ khắc vặt như thế mà đã đủ khó chơi. Người Pháp biết dung thứ hơn, dư luận Pháp còn dễ chịu hơn. Như ông Varenne, ngày trước vốn người trong đảng Xã hội, sau vì ổng qua làm Toàn quyền Đông Dương nên bị đảng ấy bỏ ra ngoài. Thôi toàn quyền Đông Dương, ông Varenne về tạo được một sở vườn nhà ở dưỡng bịnh tại Vichy. Trong vài năm đó, ông làm mặt lạ với chủ nghĩa xã hội chơi một độ. Đến ngày nay, ổng mập mạnh rồi, ở Vichy về, viết sẵn một lá đơn để trong túi áo, về đến Paris một cái, là ông Varenne chìa đơn ra xin trở vào đảng Xã hội như xưa. Đảng Xã hội đối phó làm sao? Hoan nghinh liền, cho lộn vào liền. Dư luận ở ngoài cũng chẳng ai nói chi. Các báo Pháp ở đây cũng chỉ đăng tin như vậy mà thôi, chẳng phê bình lấy nửa tiếng. Thật người ta biết điều lắm, rộng rãi lắm, miễn cho ai làm được việc thì thôi, có xét nét cho lắm làm chi? chỉ trích cho lắm làm chi? Thấy vậy rồi có người nói rằng: Như cụ Bùi ta đây mà sở dĩ không làm chi được là tại dư luận An Nam đã trói tay trói chơn cụ lại; hãy nới ra cho cụ một chút! Ai đó? nói vậy là nói chơi hay nói thiệt? TÂN VIỆT Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s. 791 (10.11.1928) Nếu xử theo luật Gia Long Luật Gia Long bất công quá, dân Trung Kỳ kêu rêu vì nó là phải. Theo luật Đại Pháp sướng hơn! Coi việc ông Cognacq thì biết. Ông Conacq nguyên làm Thống đốc Nam Kỳ, chưa đáo hạn mà bộ thuộc địa bắt hồi hưu. Ông Cognacq bèn kiện bộ thuộc địa tại Conseil d'Etat(*). Nay Conseil d'Etat xử cho ông Cognacq thắng, được một số tiền bồi thường là chín chục vạn đồng bạc. Số tiền chín chục vạn đồng bạc ấy sổ dự toán Đông Dương sẽ chịu. Phải lắm. Người ta chưa tới tuổi về hưu, sao lại bắt về hưu? Theo mỗ thì mỗ kiện đến Ngọc hoàng, chớ không thèm Conseil d'Etat. Xử như vậy cũng phải. Đó chắc là tính theo số tiền lương thống đốc của ông từ ngày mất chơn cho đến ngày đúng tuổi hưu trí là chín chục vạn bạc. Công bình thay luật Đại Pháp dân quốc! Minh chánh thay Conseil d'Etat! Nếu theo luật Gia Long mà xử vụ nầy thì sẽ ra thế khác. Theo luật ấy thì vụ nầy phải kiện đến Ngự tiền rồi Hoàng đế giao cho Tam nha hội đồng thẩm cứu. Nghe nói đến Tam nha hội đồng mà rởn ốc, vì họ làm thẳng tay. Trước hết, họ cứu ra tại làm sao mà ông Cognacq phải về hưu. Nếu lỗi tại ông Cognacq thì ổng sẽ bị tội "vọng khống", mà tội "vọng khống" nầy to lắm, vì kiện đến Ngài ngự. Lỗi không tại ông Cagnacq thì chắc tại các quan bộ thuộc địa hồi đó. Nếu vậy thì các ông ấy phải chung nhau mà đền chín chục vạn đồng bạc cho ông Cognacq; lại còn phải giáng cấp phạt bổng là khác nữa, vì đã làm việc quan lầm lỗi. Ấy đó, luật Gia Long xử như vậy đó. Dầu xử bồi tiền cho ông Cognacq đi nữa, cũng không khi nào bộ Hộ phải xuất tiền ra, nghĩa là không khi nào bắt sổ dự toán Đông Pháp phải bồi. Xử như vậy là tầm bậy! Vì làm sao mà tầm bậy? Vì nó trái với luật Đại Pháp, nó không giống với cách xử của Conseil d'Etat. TÂN VIỆT Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s. 792 (13.11.1928) ---------- * Conseil d’Etat: Hội đồng Nhà nước Cái nội các nửa Mấy lâu nay thảng mảng quên đếm thử tòa nội các bên Pháp gồm có mấy bộ. Mới rồi nhơn tòa nội các Poincaré lập lại, trong khi mình đọc báo, ngồi tò mò đếm thử chơi, thì thấy có những mười bốn bộ. Nhiều dữ đa! Một cái chánh phủ mà có những 14 bộ, tài chi làm chẳng được nhiều công việc, nước Pháp giàu mạnh là phải. Nhớ lại cái tòa nội các của Nam triều ta ngoài Huế chỉ có bảy bộ, chỉ bằng nửa tòa nội các Pháp. Mà không những nước Pháp, hiện bây giờ các nước trên hoàn cầu, tòa nội các nước nào cũng vậy, ít nữa cũng có 14 bộ. Thế mà nước mình chỉ có 7 bộ, cho nên đặt tên là "cái nội các nửa". Phàm vật ở trong trời đất, vật gì cũng phải y cả cái thì mới đứng được; chớ như chỉ có nửa, thì làm thể nào mà sanh tồn? Ừ thôi thời nước mình không có thuộc địa, không có ngoại giao, đành đi hai món ấy không có bộ. Chí như thương mãi, canh nông, hàng hải, lao động, ta đây có kém chi người, mà lại không đặt bộ riêng, là tại làm sao? Lạ nhứt là cái bộ "air" làm sao lại không có. Bộ "air", người ta hay dịch ra là "bộ Hàng không", ấy là dịch chà chạ. Chớ nguyên nghĩa "air" nó là không khí, bộ ấy giữ về sự thở. Cái chi thiếu còn được, chớ bộ Thở thế nào cũng phải có bởi vì nó là cần lắm. Hay là sợ rằng đặt bộ "air" rồi không có người xứng đáng làm thượng thơ chăng? Lo chi! trong các cụ ta, cụ nào lại chẳng sung vào chức ấy được? Những cái đầu gối lỏng, cái nào bước lên tam cấp cửa tòa Khâm rồi người cũng thở dốc. Hễ thở được, là làm thượng thơ được. TÂN VIỆT Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s. 794 (17.11.1928) Ăn cắp lối mới Đời nầy văn minh thiệt, tấn hóa thiệt. Song cái hay tấn hóa thì cái dở nó cũng tấn hóa theo. Cái thuyết ấy không phải mỗ xướng ra, đã có người nói rồi. Mà nói như vậy có đúng đâu, vì mình có chắc đâu cái hay là cái hay mà cái dở là cái dở. Muốn nói cho đúng thì phải nói xô bồ rằng cái gì cũng tấn hóa, mà đừng chia hay dở chi hết. Như cái ăn cắp, không biết nó hay hay là nó dở, chỉ thấy ở về thế kỷ nầy nó đã tấn hoá một cách kỳ lạ. Ngày xưa, kẻ làm quan thì ăn cắp của kho, hoặc xơi hối lộ tức là ăn cắp của dân, cái ăn cắp ấy vụng về lắm, là thói ăn cắp của những dân tộc chưa tấn hóa. Ngày nay, ở các nước văn minh, có hiến pháp, có nghị viện, thì người ta ăn cắp thế khác. Tòa kiểm duyệt bỏ hết một đoạn Ấy đó là ăn cắp theo kiểu pháp luật văn minh. Mỗ không có ghiền, mà có nghe bợm ghiền nói rằng: Cũng thì lon thuốc phiện 2p20 mà có lon làm được ba chục điếu, có lon làm chỉ được hai chục điếu. Cái lon sau đó là đã bị ăn cắp rồi. Cái lon y nguyên, không phủng chỗ nào cả thì ăn cắp bởi đâu? Ấy đó, những dân tộc chưa văn minh, chưa đủ tri thức về khoa học thì đến cái ăn cắp cũng còn không biết đường thay nữa là làm việc gì, nữa là làm cách mạng, đòi độc lập tự do! Người ta bỏ cả hàng trăm lon vào trong nồi lớn có đổ nước rồi chụm sôi lên. Nước sôi lên thì thuốc phiện ở trong lon nớ nở ra mà tìm đường tẩu thoát. Cái lon dầu kín đến thế nào cũng có hở chút đỉnh chỗ mí hàn, thuốc phiện do những chỗ ấy mà rịn ra. Thuốc rịn ra được bao nhiêu thì nó hòa với nước. Người ta bèn vớt những lon ra mà nấu nước ấy lại một chặp nữa, tự nhiên hơi bốc lên mà còn thuốc ở lại. Cái lon nguyên thì da đồng nó đỏ. Những lon nào mà ta thấy da đồng nó bợt đi, là lon đã bị nấu, đã bị ăn cắp rồi. Ấy là ăn cắp theo khoa học. Cho nên, ở đời nầy, muốn nghiệm biết dân tộc nào là văn minh, là dã man, thì cứ xem ở kiểu ăn cắp thế nào cũng đủ biết. Mà những dân hèn yếu muốn trở nên độc lập tự do, ít nữa cũng phải có tài có học đủ ăn cắp hay là đủ bắt ăn cắp đã. Nói thiệt không phải bỡn! TÂN VIỆT Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s. 795 (20.11.1928) Cải chánh mà cũng như chưa cải chánh; không trả lời mà cũng như trả lời Cái đầu đề quá lôi thôi! Ai có muốn lôi thôi làm chi, đều tại cái việc nó lôi thôi, thì mình cũng cho nó lôi thôi. Số là trước Gia-tô(*) giáng sanh một vài thế kỷ chi đó, bổn báo có đăng một bài ký tên Diệp Văn Kỳ và đề là Mồng hai tháng Năm, trong có câu rằng: "................... trước kia vua Khải Định đã muốn lựa ngày 20 tháng năm là ngày sanh nhựt của ngài làm quốc khánh, song vì nhiều người can rằng làm vậy sợ thất nhân tâm, ngài mới chịu để ngày mồng hai tháng năm". Mãi đến tháng chín mới rồi, Thần kinh tạp chí ra số 14, mở đầu đăng bài cải chánh, vì bảo rằng bổn báo nói vậy là sai lầm. Sai lầm tại đâu, anh Thần kinh ta làm hiểm không thèm nói, mà chỉ lấy một cái phản chứng ở bài dụ của vua Khải Định trong khi lập ngày Quốc khánh ấy. Bài dụ có câu rằng: "Ngày năm ngoái, đình thần nghĩ rằng lấy ngày ta lên cầm quốc chánh, ngày 17 tháng 4 làm ngày kỷ niệm.... Nhưng nay ta nghĩ lại, tình thời phải mà lý hãy còn thiếu.... Vậy nên lễ kỷ niệm, thời định lấy ngày mồng hai tháng năm là ngày đức Cao hoàng lên ngôi". Ý chừng anh Thần kinh ta cho rằng cái phản chứng của lời dụ nầy là mạnh lắm, nói chừng nầy cũng đủ đánh đổ lời bổn báo. Song le, Thần kinh không nghĩ đến rằng lấy lời của vua Khải Định mà binh vực cho Khải Định là không có hiệu lực chút nào cả. Nếu có kẻ cáo rằng hồi hôm Tân Việt ngủ tại Phú Nhuận mà Tân Việt cãi rằng hồi hôm mình ngủ ở nhà, thì cái chứng ấy không đủ tin. ít nữa phải có một người khác làm chứng cho Tân Việt hồi hôm ngủ ở nhà, thì mới thoát được cái án ngủ ở Phú Nhuận. Ấy là Thần kinh cải chánh mà cũng như chưa cải chánh. Khéo nhiều chuyện lắm thì thôi! Mãi đến bữa nay còn có một vị độc giả cắt bài cải chánh đó mà gởi cho Tân Việt mà phụ theo mấy lời rằng: "Xem bài cải chánh nầy không được rõ ràng cho lắm, vậy ý ông thế nào, ông hãy trả lời trên báo cho Thần kinh biết và cho độc giả rõ". Xin lỗi ông, tôi không trả lời. Nếu ông có hỏi tôi tại làm sao không trả lời, thì tôi xin trả lời rằng tại tôi không trả lời. Không trả lời mà cũng như trả lời rồi. TÂN VIỆT Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s. 796 (22.11.1928) Đố nhau Ngồi nghe người ta họ đố nhau. -- Tôi đố anh: Thân em lạnh ngắt cả đời, sáng nào em cũng cứ ngồi em rên. Nghe cùng xã dưới làng trên, đố ai được tiếng kêu rền như em? Cái gì? -- Cái chuông chớ cái gì? -- Mà cái chuông gì chớ? Ngẫm nghĩ một chặp.......... -- Chịu, cái chuông thì biết cái chuông, chớ không biết cái chuông gì. -- Lêu lêu không biết! ấy là chuông buổi sáng, ấy là Thần chung. -- Thôi tôi đố anh. -- Ừ thì đố đi. -- Ta đây là đức Chúa Trời, khắp cả loài người ai cũng thờ ta. Cái gì? -- Cái thập giá. Ờ mà không phải. Cái thập giá có đâu hết thảy loài người đều thờ. Thôi chịu, cái gì không biết. -- Bây giờ ai lêu ai? Cái nầy cũng lại Thần chung chớ gì? -- Anh nói tầm bậy! Thần chung là tiếng chuông buổi sáng, chớ có phải "Thần chung" là ông thần chung cho cả loài người đâu mà anh đố như vậy. Thôi nếu vậy thì đến phiên tôi lại đố anh. -- Được, có sức thì đố. -- Ba ông vua Táo rủ nhau đi chơi, gặp đức Chúa Trời, tái xanh tái lét. Đức Chúa Trời thét: biểu đi về bôn; vua Táo hoảng hồn, chun đầu vô bụi. Cái gì? -- Cái gì mà quái thế? Cũng là một cái tên báo, hay là gì? -- Ừ thì tên báo. -- Thôi chịu. -- Ấy là Thần kinh mà không biết. ................................. Tân Việt biết điều, biểu dẹp đi, đừng đố nữa mà rầy. Thần kinh quỉ khốc cũng chẳng làm chi ai; để rồi đây Thần chung trỗi tiếng lên cho mà nghe. Sợ đố nữa sanh rầy là vì câu đố về "thần kinh" đó có hai nghĩa, muốn nói nghĩa nào cũng được, e hai người cãi nhau mà đánh lộn chăng: Một nghĩa là thần kinh một nghĩa nữa là cục đất ném trong bụi. TÂN VIỆT Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s. 797 (24.11.1928) Toán đố, văn sách, làm chung một đề Hỏi. - Kỳ nhóm hội đồng Quản hạt vừa rồi, ban đầu chánh phủ đưa ra cái nghị án tăng thuế năm 1929 là 2.400.000 đồng thì có 12 ông nghị viên vừa Tây vừa Nam phản đối, thành ra cái nghị án ấy đã bị xóa; cớ làm sao đến sau cả vừa Tây vừa Nam 23 ông nghị viên mà lại chịu cho chánh phủ gia thuế một phần mười về năm 1929 cộng là 920.000 đồng? Toán đố mà hỏi như vậy thì chịu chết! Nếu nó là cái đề văn sách như khoa cử mọi khi thì còn có thể làm đặng, chớ toán đố thì có nước ngồi đó mà măm viết. Nhưng mà ai kia, chớ Tân Việt có sợ chi. Sợ chi mà chẳng dám nói như kiểu Napoléon ngày xưa rằng: "Trong cuốn tự điển của mỗ dùng chẳng có cái chữ gì kêu là chữ "khó" cả!" Tính 24 12 2 3 00 2 x 4 9 2 Giải Theo số học, gặp những bài đố như vầy phải bỏ hết những zéro trong các số. Vậy đem số 24 mà chia cho 12 nghị viên thì số 24 ấy hết ráo, cho nên cái nghị án 2.400.000 $ bị xoá. Ấy là về lần nhóm trước. Còn lần nhóm sau nầy, 23 ông nghị viên mà mỗi ông đã "voter"(*) cả hai tay và hai chân, thành ra số 4; đem số 4 mà nhân với 23 thì lại thành ra 92; cho nên Hội đồng chịu cho Chánh phủ gia thuế 920.000 đồng. Trong lời giải đó đã đủ ý trả lời rồi, không cần đặt thêm câu trả lời nữa. Xong phần toán rồi. Còn như muốn xoay cái đề ấy lại làm bài văn sách thì cũng làm đi. Thả phù: Hội đồng quản hạt chi đối ư Chánh phủ, trước tuy còn làm nư làm nũng, chớ rốt cuộc lại rồi cũng phải nghe lời. Vì, ở dưới chế độ thuộc địa nầy còn có cái quyền chi mà hơn quyền Chánh phủ giả tai? Thí dĩ Hội đồng quản hạt mới nhóm kỳ rồi nhi luận chi: Đương kỳ mới nhóm dã, ông nào ông nấy cũng làm bộ ra điều ta nghị viên đây; trong lúc đó mà có 12 ông đứng lên, sở dĩ hữu cái nghị án hai triệu bốn trăm ngàn chi xóa bỏ. Cập kỳ nhóm chi đã dài ngày dã, mặt ấy mặt nầy lườm nhau khó chịu; nhứt sợ phù Chánh phủ chi lẩy luôn mà bỏ bê công việc, đắc bất vị tình mà ừ phứt đi cho rồi? Chín trăm hai mươi ngàn bạc thuế chi vô tê, hà mạc phi 23 ông nghị viên cụng đầu nhau mà gật chi sở do tri? Anh biểu gì không? Không. Tôi đây cũng vậy... TÂN VIỆT Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s. 798 (27.11.1928) --------------- * voter: bỏ phiếu, biểu quyết. Vợ chồng bằng giấy Người ta thường nói: Vợ chồng lấy tình lấy nghĩa mà ở với nhau. Trong ý người ta lại cho rằng hễ vợ chồng mà đã ở với nhau lâu năm, lập nên cơ đồ, sanh ra con cái, ấy là các giây buộc chặt lấy nam nữ hai người, ấy là cái tờ giao kèo song không cần viết ra trên giấy với mực. Ý người đã vậy mà ý Trời cũng chẳng khác chi. Trong Kinh Thánh có dạy rằng: Những kẻ mà đức Chúa Trời đã phối hiệp lại thì người ta không nên chia rẽ ra. Song ở dưới pháp luật đời nay thì hầu như tình nghĩa cũng chẳng ăn thua chi, cơ đồ con cái cũng chẳng đủ làm tờ giao kèo, làm giây buộc chồng với vợ; cho đến dầu phối hiệp bởi đức Chúa Trời cũng mặc kệ! Phải có giấy mới được! Nhơn mới rồi ở Mỹ Tho có vụ kiện nhỏ nhen mà làm cho mình phải dửng dừng dưng(*) về pháp luật đời nay, ngao ngán cho cái thứ vợ chồng bằng giấy! Số là có bà Đốc phủ mắc bà Phán kia một món nợ 950 đồng ba năm nay, đòi mà không chịu trả. Hôm trước, nhơn ngày lễ ở nhà thờ Mỹ Tho hai bà cùng đi xem lễ, gặp nhau trước cửa nhà thờ, hai đằng gấu ó cùng nhau. Bà Đốc phủ về, vác đơn đi kiện bà Phán rằng nhục mạ mình là một bà Đốc phủ trước mặt đông người. Đến hôm Tòa xử, hỏi các người làm chứng thì phần đông nói bà Phán không có mắng nhiếc chi bà Đốc phủ cho lắm. Song ông trạng sư cãi hội cho bà Phán không thèm viện lấy những lời chứng ấy mà nói ngay rằng: Bà................ xưng mình là bà Đốc phủ, kiện để đòi bồi thường danh giá, song bả không phải vợ có hôn thơ với quan Đốc phủ. Xét ra thì bả không có bằng cớ gì gọi là bà Đốc phủ được, vậy thì bà kia có mắng bả đi nữa cũng chỉ như mắng người đờn bà thường mà thôi, có danh giá gì đâu mà bồi thường? Tòa bèn xử huề. Thiên hạ coi xử phiên tòa hôm ấy chừng như không ưa chi bà Đốc phủ kia, nên nghe lời cãi của trạng sư thì đều lấy làm khoái lắm. Ai được ai thua mặc họ, đây chẳng quan tâm. Song thấy thế mà buồn. Than ôi! đầu ấp tay gối, chồng như loan vợ như phượng có nhằm chi! Non hẹn biển thề, sống gởi nạc thác gởi xương là chuyện hão! Than ôi! cơ nghiệp đó là mồ hôi trộn, song chẳng ra tòa thì thành của nhà hoang! Con cái đây là giọt máu hòa, bằng thiếu giấy chứng cũng như đồ chơi ác(**)! Mà nãy giờ mình mắc thả giọng đa sầu nên quên hỏi: -- Sao mà bà Đốc phủ thì có danh giá mà người đàn bà thường lại không? -- Bình đẳng!
TÂN VIỆT Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s. 799 (30.11.1928) --------------- * dửng dưng: bảng lảng, không biết tới nhau (H.T. Paulus Của, sđd.), nhưng dửng dừng dưng ở đây không theo nghĩa này. Ở bài Người Chàm ở Bình Thuận của Phan Khôi đăng Thần chung năm 1929 có chỗ viết: " …chôn kẻ chết cách rất lạ, nói ra ai nấy nghe phải dửng dừng dưng… "; cũng bài ấy khi đăng lại ở báo Trung lập, câu ấy được sửa lại là « …chôn kẻ chết rất lạ, nói ra ai nấy nghe phải sửng sốt… "; theo ghi nhận của tôi (LNÂ), từ "dửng dưng" hoặc "dửng dừng dưng" dưới bút Phan Khôi thường nghiêng về nét nghĩa riêng biệt này (=sửng sốt). ** con chơi ác: "con sinh ra do sự trai gái gian dâm" (H.T.Paulus Của, sđd.); trên báo Thần chung 1929 có tác giả nhân bác bỏ thuyết cho Khổng Tử là "con chơi ác" đã ghi chú: khái niệm này tương đương với từ Hán dã sinh (đẻ hoang, con hoang) Cũng thế thôi! Trong một kỳ báo trước bổn báo đã có đăng tin cọng sản sắp lấy thành Paris. Họ làm coi như thiệt vậy. Chánh phủ lâm thời đều sắp đặt sẵn; bộ nào cũng có biên tên thủ hiến nấy. Điều đó cũng chẳng lạ gì. Hễ đã muốn cầm quyền chánh trị thì tất phải có toà nội các; đã có tòa nội các, thì tất phải có bộ nầy bộ kia. ấy cũng lẽ tất nhiên. Vậy chớ Triều đình Nam-vang có tàu bè chi mà cũng có thượng thơ Thủy bộ. Buồn cười nhứt là chỉ có một chiếc chaloupe của đức vua, mà chiếc chaloupe ấy lại không thuộc về bộ Thuỷ binh cai quản. Nghe đâu như tuồng tại ông capitaine người Pháp không chịu. Còn mình, mình vẫn có ông Thượng binh mà chỉ coi có ba chú lính đi làm cỏ với kéo xe thì sao? Thật ở đời không có chi lạ! Song có một điều tôi dám cho là lạ: Tòa nội các cọng sản mà cũng có bộ Thuộc địa, ông Thượng Thuộc địa lại là M. Doriot. Điều đó thật đáng cho là lạ! -- Lạ không anh? Anh chán đời kia chúm chím cười rồi hỏi: -- Anh biết làm bánh không? -- Không. Mà hỏi gì kỳ vậy? -- Ấy! không, thì anh về thử hỏi chị Ba coi: lấy khuôn bánh thuẫn mà đổ ra bánh bò được không? TÂN VIỆT Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s. 800 (1.12.1928) Nha phiến và hội liệt quốc Mới rồi ông Jacque Danlor có viết một bài nói về chuyện hội liệt quốc sắp sai người qua Viễn Đông xét nha phiến. Trong lúc bỏ thăm thì nội mấy chục nước có chưn ở hội liệt quốc phần nhiều đều không ưng thuận hay là không chịu bỏ thăm. Và mới rồi đây hội đồng chánh phủ Đông Dương lại có phiền hội liệt quốc sao dự vào vấn đề ấy làm chi. Ừ, mà lạ thiệt! Hội liệt quốc là một bàn hội lo các vấn đề quốc tế. Còn chuyện nha phiến ở Viễn Đông và nhứt là ở Đông Dương là chuyện riêng, sao dự đến làm chi? Ai đâu tới không biết, chớ ở đây thì cách buôn bán nha phiến thật đúng theo nghĩa quốc tế: Mình nấu mình hút, chẳng bao giờ chịu bán cho ai. Còn chuyện buôn lậu thì không bao giờ có. Mỗi hộp mỗi biên, kỹ lắm. Huống chi nghĩ kỹ lại, thì chẳng những là thích hợp với nghĩa quốc tế mà lại đúng theo với luận lý của đạo Phật nữa. Bồ-tát dạy rằng: Còn một chúng sanh chưa thành Phật, ta đây quyết không thành Phật. Còn An Nam mình? Mình cũng có thể nói y như lời Bồ-tát mà rằng: nếu còn một chúng sanh nào ghiền, thì ta đây quyết không bỏ hút. Đúng lắm! TÂN VIỆT Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s. 801 (4.12.1928) Bức điện tín lôi thôi Ông phủ Côi làm chủ quận miệt Hà Tiên mà bà phủ thì ở Biên Hòa. Vì nhà cửa ông ở Biên Hòa giàu có lắm, ruộng đất rất nhiều, nên bà phủ phải ở nhà coi sóc, không đi với ông được. Tài chi vợ chồng cách biệt nhau lâu ngày mà ai cho khỏi có tình hoài niệm. Ngày tháng giêng năm nay, ông ở Hà Tiên gõ cho bà cái giây thép bằng quốc ngữ rằng: "Coi mua xong vo nho qua thang sau toi de minh ra - Coi". Bà không biết chữ Lang Sa, cho nên ông gõ điện tín bằng tiếng Nam là phải. Thế nhưng bà tiếp bức điện tín nầy đọc cũng không xuôi bèn đem cậy mấy người sở trường đoán giây thép đoán giùm, thì người ta đều đọc cho bà nghe như vầy: "Côi mua xong vợ nhỏ; qua tháng sau tôi để(*) mình ra - Côi" Bà nghe, đỏ mặt tía tai, nhưng mà cũng còn hồ nghi, cầm bức điện tín ra về, vừa đi vừa nghĩ: Âu là mình để đó, khoan nói chi đã. Kế ít ngày nữa tiếp thêm một bức rằng: "Vo khong ưng y thì tra loi. - Coi". Lần nầy bà không thèm nhờ ai đoán cho nữa, tự bà đọc lấy, đọc rằng: Vợ không ưng ý thì trả lợi. (**)- Côi. Bấy giờ bà mới tin rằng cái giây thép trước là thật vậy, vì nó ăn với cái nầy. Bà càng thấm càng giận, kêu khóc vang nhà, nói những là chồng bất nghĩa! chồng bạc! ăn ở với nhau đã hăm mấy năm trời, bây giờ vọt miệng nói không ưng ý thì trả lợi, là trả lợi cho ai? Cưới vợ nhỏ thì cưới chớ, làm sao lại mới đó đã sanh tình để bỏ vợ lớn? Từ đó bà phế cả việc nhà không thèm coi ngó, chờ ngày vợ chồng ly dị. Non nửa tháng, bỗng tiếp được thơ ông phủ, mở ra thấy rằng: "Mới rồi tôi có đánh cho mình hai cái giây thép, sao không thấy vô mà cũng không trả lời? Cái trước rằng: "Coi mùa xong, vô, nhớ quá, tháng sáu tôi để mình ra. - Côi". Cái sau rằng: "Vô không? ưng ý thì trả lời. - Côi". Được bức thơ nầy, bà đổi buồn làm vui, dọn dẹp đi Hà Tiên liền. Bậy quá! giá hồi đó đã có quốc ngữ mới thì bức điện tín trước đánh rằng: "Coi muaf xong vô nhoj quaj thangj sauj tôi dêz minhf ra. - Coi. Bức sau rằng: "Vô không ung ij thif traz loif". Thôi thì bà phủ chắc khỏi có sự khóc lóc phiền trách chi hết. TÂN VIỆT Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s. 802 (6.12.1928) --------------------- *để: bỏ, ly dị; ** trả lợi: như trả lại
Phải chi tôi là một tên dân trên sao "Mars" Sao Mars tức là Hoả tinh. Theo thiên văn thì sao Mars là một ngôi sao ở kế cận trái đất của mình hơn hết. Ờ, mà quên đi nữa, đừng tưởng sao là nhỏ, và cũng đừng tưởng rằng chỉ duy một mình chỗ mình ở đây là trái đất, mỗi ngôi sao là mỗi cái địa cầu lớn hơn trái địa cầu của mình mấy trăm, mấy ngàn bội. Mặt trăng cũng là một trái địa cầu. Song mặt trăng thì lạnh quá, anh cuội, chị hằng dầu có tánh có chất cũng chẳng giống gì người thế gian. Còn các ngôi sao khác lại chưa đủ nguội nên không ai ở đặng. Chỉ duy sao Mars, thì đã gần mình mà khí hậu lại tựa tựa như khí hậu của mình. Bởi vậy nên các nhà thiên văn Âu Mỹ (mấy nhà thiên văn, chớ không phải tôi đa!) thường nghĩ cho là dân trên sao Mars cũng giống như dân ở địa cầu nầy. Vì vậy mà có nhiều người muốn giao thông với dân trên ấy. Mới rồi đây ông Manfield Robinson tính dùng điện tín không giây mà đánh lên nói chuyện với dân của "bà Hỏa". Kỳ thiệt! Sao mà lại tưởng chắc rằng người ta cũng có điện tín không giây như mình? Sao mà lại tưởng chắc rằng người ta cũng có máy, có vần "giây thép" như mình? Mà thôi, nãy giờ tôi nói những chuyện không ai hiểu chi hết; tôi đây cũng như ai. Dẹp lại! Bây giờ thử tỷ mình là dân sao "Mars", tiếp được, hiểu được cái điện tín của ông Manfield Robinson, thì mình mới nghĩ sao? Trước hết, mình nín thinh. Vì thông đồng giao thiệp với mấy chú thế gian nầy khó lắm. Khó thiệt, coi như chuyện diễn thuyết của ông Lê Minh Điểu, tôi cỏn con vua Khải Định ngày xưa cũng đủ biết. Có diễn thuyết, không diễn thuyết, chánh phủ có cấm không, không cấm có cấm, không biết chi hết. Nín thinh là phải. Rủi như buộc phải ép bụng mà trả lời, thì mình cũng ráng mà đáp cho ông Manfield Robinson biết rằng: "Cám ơn! Cám ơn! Lạy mấy ngài để cho tôi yên. Nội cái khoảnh đất nhỏ teo của mấy ngài đương ở, mấy ngài tính cũng chưa xong. Nay dành cao su, mai giựt than đá; cọng sản, bảo hoàng, cọng hòa, xã hội, A. Krim vừa bị bắt, Tưởng Giới Thạch lại nổi lên, không ngày nào là không rối loạn. Nầy, tôi xin nói nhỏ cho mấy ngài nghe: trên nầy hết đất trống rồi! Trên nầy lại có nghe chừng hai ngàn năm trước, dưới đó có một người tự xưng là con trời đã dạy mấy ngài: "Hãy thương yêu lấy nhau", mà đến nay không có một người nghĩ đến câu đó. Vậy thời, chi cho bằng hãy dùng lấy câu nầy: "Ai yên phận nấy..." Và tỷ như trên đó mà họ biết tiếng Lang Sa, thì chắc chừng đáp xong bấy nhiêu lời, họ sẽ thêm vào sau chót bức điện một chữ thật lớn: "M...........erci". TÂN VIỆT Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s. 803 (8.12.1928) Muốn sửa, sửa cho Đuốc Nhà Nam số 30, nơi mục nhựt ký, có bài đề là "Phong xuy mã vĩ thiên điều tiếng, võ sái ngưu đầu vạn điểm sương" của ông Hoàng Vân. Đại ý bài ấy thuật một chuyện tầm thường không chi, rồi đổ bao nhiêu tâm huyết của tác giả vào câu kết luận. Nói rằng: Có hai trò, Bí và Bôi, dụt mưa trong miếu. Bí ra câu: Phong xuy mã vĩ thiên điều tiếng; Bôi đối lại: Võ sái ngưu đầu vạn điểm sương. Ông thần trong miếu nghe, sửa lại cho mỗi trò một chữ. Phong xuy mã vĩ điều điều tiếng; võ sái ngưu đầu điểm điểm sương, và giải nghĩa rằng vì bay có biết số nó là bao nhiêu đâu mà dám hạ chữ thiên chữ vạn là chữ số. Thần sửa như vậy, ông Hoàng Vân chịu là "hay quá". Mà thật, ông thần sửa hay hơn hai trò kia thật. Song, sau đó, hai trò xin thần làm thơ. Thần từ tạ mà rằng: Ta biết sửa chớ không biết làm. Ông Hoàng Vân thuật chuyện đến đó rồi cười "Hì! Hì! Hì". Sao nhạy cười vậy ông Hoàng Vân? Tôi nhắm chỗ nầy chẳng có gì đáng cười mà ông cười. Đáng cười là người biết chê mà không biết sửa, hay là sửa hay ra dở kia; chớ còn vị thần nầy sửa dở ra hay, ông đã chịu là hay, ông đã chịu là hay quá rồi, còn cười gì? Đố ai biết ý ông Hoàng Vân nếu chẳng xem nốt câu kết của ông. Câu kết ông nói rằng: "Nói đây nhớ lại đời nầy ngày nay có nhiều kẻ tật đố, thấy ai làm điều chi cũng hay bẻ ngay bẻ vạy, mà không ăn nhập vào đâu, làm cho kẻ nhiệt tâm thấy mà xót mắt" Ừa hay! nói chi lẩn mã vậy ông Hoàng Vân? Câu kết luận nầy chẳng ăn nhập với chuyện thật trên kia chút nào! Thế mà ông đã thôi đâu, ông còn cười nữa, ông tiếp rằng: "Rất buồn cười thay cho hạng người như thế". Ông cười ai vậy ông Hoàng Vân? Cười ai, đã có Đuốc nhà Nam rọi. "Hà tất" tôi nói làm chi. Song vì câu chót ông lại hỏi tôi: "Phải không, ông Tân Việt?" Ủa lạ! Tôi can chi mà ông hỏi? Hay ông nói tôi hay sửa? Nếu vậy tôi cũng theo ông thần của ông mà sửa cho ông coi: Mà thôi, ai lại khỏi sái, hơi đâu mà sửa cho hết. Chánh ngay ông thần của ông mà còn sửa không hết thay: điều điều tuyến chớ không phải tiếng. Ông đã chịu "lộc" dụng chưa? TÂN VIỆT Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s. 804 (11.12.1928) Cuộc đời thay đổi Mình có phải là dại đến nỗi như những anh "ôm cây chờ thỏ, gạch thuyền tìm gươm" đời xưa đâu mà lại chẳng biết cái đời người ta chẳng qua một cuộc thay đổi xoay vần. Song dầu biết đi nữa, dầu có rõ cái lẽ ấy đến đâu đi nữa mà đã trải qua một cuộc biển dâu thì làm sao chẳng đau đớn lòng cho đặng? Chẳng nói chi đến những chuyện to tát, như đường đường nước Việt Nam ngày xưa mà bây giờ là một xứ thuộc địa; và oanh oanh liệt liệt như các hoàng đế nước Nga nước Đức mà ngày nay cũng diệt vong thất bại. Mình là người tầm thường, giữ mực tầm thường và nói chuyện tầm thường. Mình là dân Sài Gòn thì cứ nói chuyện Sài Gòn là phải. Ôi! cái khoảnh đất rộng trước chợ Bến Thành mới đó mà nay bỗng hóa ra cái vườn hoa; đẹp thì đẹp thật, nhưng phải đi vòng quanh, xa lắm ai ơi! Ôi! một vài ả hoa khôi mới ngày nào đây sang trọng như trời, mà ngày nay, hột xoàn cũng hết, xe hơi cũng mất, chiều thứ bảy, chúa nhựt, chẳng còn thấy bóng hồng vùn vụt nơi con đường Catinat nữa, buồn lắm ai ơi! Ôi! Con khỉ dễ thương hơn hết trong vườn bách thú, mới bữa trước đây nó trớn dỡn với mình, hôm nay không thấy nữa, người ta nói nó nhớ mẹ nó quá mà quyên sanh đi rồi, thảm lắm ai ơi! Trong cuộc thay đổi có chìm thì phải có nổi; mà nổi ít chìm nhiều! Ông Lê Minh Điểu năm trước chỉ là một chức Lang trung ở ty Cẩn tín, bầy tôi cỏn con của hoàng đế Khải Định, mà ngày nay trên các báo Nam Kỳ đều nói ông là Thị lang bộ Hộ, thăng một lần đến ba bốn trật, sao mà có duyên đến thế! Nhắm lại ở Sài Gòn ta, nổi chỉ có bấy nhiêu. Mà thôi, than thở làm chi. Có cải cách mới được hoàn toàn, có biến động mới được tấn bộ, cho nên chính Đông Pháp thời báo nầy rồi cũng đổi ra Thần chung. Chỉ có cái đống sùm sùm là không thay đổi, ấy là ông Darles. Khóa trước ông làm nghị trưởng phòng Thương mại, khóa nầy ông cũng làm nghị trưởng phòng Thương mại. TÂN VIỆT Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s. 805 (13.12.1928) Ai muốn làm "président"? Mới rồi các báo bên Pháp có đăng một bức thơ như vầy: "Thưa ngài, Chánh phủ Cộng hòa có lòng ban Bắc đẩu bửu tinh cho tôi, thật tôi cảm bội không xiết. Song vì tôi đã trót lỡ có chưn trong cái hội mà điều lệ buộc tất cả hội viên không được lãnh huy chương nhứt là "mề đay" Bắc đẩu. Vậy nên xin cám ơn và kính gởi Cấp bằng trả lại cho ngài..." Các báo lại có phụ lời thêm rằng: nghe như tuồng điều lệ ấy chánh mình ông kia bày ra. Nhưng họ không nói rõ hội ấy có nhiều hội viên không. Mình tưởng e có chẳng bao nhiêu. Vì xưa nay tục truyền: người Pháp là một thứ dân ham đeo "mề đay", ăn bánh mì nhiều, không biết địa dư. Người Pháp mà họ còn cho là có tánh ham đeo "mề đay". Ôi chao chà! người mình? Vậy nên đọc qua bức thơ ấy tôi mới nghĩ ra một kế. Hiện thời, mỗi người An Nam mỗi đều kiếm bất kỳ là một cái hội gì đặng làm "Président", thậm chí có nhiều người "Président" một hội chưa đủ nên phải lãnh làm hội trưởng năm bảy hội. Chết thì chết, chớ không bao giờ chịu bỏ mấy cái chức "Président". Phải chi, ai muốn làm "Président", thì dễ lắm. Cứ lập hội đi. Trong chương trình chỉ để có một câu, thì chắc đặng làm hội trưởng: Cấm hội viên không được lãnh "mề đay". -- Ủa! sao vậy? -- Không hiểu sao? Nếu có điều lệ ấy, thì còn ai dám làm hội viên? Một mình một hội, không làm "Président" ai làm cho? TÂN VIỆT Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s. 806 (15.12.1928) Mình ốc mang rêu rửa sạch ai? "Mình ốc mang rêu" là một lời tục người ta thường nói. Chỉ nghĩa rằng mình con ốc đã lắm nhớt nhao mà lại mang thêm rêu nữa, thì càng dơ vậy. "Mình ốc mang rêu rửa sạch ai?" là một câu thơ của ông Ông Ích Khiêm làm trong khi bị đày vô Bình Thuận. Nguyên hồi cuối triều Tự Đức, ông Nguyễn Văn Tường và ông Tôn Thất Thuyết chuyên quyền, trong sáu tháng trời mà phế lập ba ông vua. Trong khi họ "thí" vua Hiệp Hòa, chính Tường Thuyết chủ mưu và Khiêm dự mưu. Ông Khiêm người tháo bạo, song chỉ như thiên lôi, sai đánh đâu đánh đó mà thôi. Người ta kể chuyện rằng chính ông Khiêm làm sứ giả điệu vua Hiệp Hòa đến một chỗ nào đó mà bắt vua phải nhận lấy "tam ban trào điển". Khi vua ngần ngừ chưa chịu, ông Khiêm chận vua xuống, đổ thuốc độc cho; đổ vào mồm không được bèn đổ vào tai, làm cho vua chết lè lưỡi. Rồi đó, Tường Thuyết có ý ghê Khiêm, sợ nuôi hùm có ngày mà khốn, nên mới kiếm cớ bắt tội Khiêm rồi xiềng lại mà đày ải vô Bình Thuận. Ông Khiêm đi dọc đường làm mấy bài thơ, trong có một câu như đã nhắc đến trên nầy. Ý câu thơ ấy nói Tường Thuyết cũng làm bậy quá mình sao lại bắt tội mình? Kể một đoạn lịch sử nầy mà chơi, chớ có ăn thua gì đâu. Ai lại ăn cơm mới nói chuyện cũ? ở ngày nay ta nên nói chuyện ngày nay. Ngày nay lại thiếu chi con ốc mang rêu? Một ông quan ở bên thành Huế kia bị bà lớn quở luôn ngày nọ qua ngày kia, cớ sao lại kéo xe nhà qua mà điều đình cuộc rầy lộn của đôi vợ chồng bên Bến Ngự? Ông đốc-tưa Truồng Văn Giọt một năm đau "bịnh không giấy" hết mười ba tháng, cớ sao lại cứ thường ngày vào nhà thương chữa bịnh ấy cho người này kẻ khác? Những chuyện nầy cũng còn hơi cũ, phải nói chuyện mới ròng ròng nghe cho ngộ. Ông Lê Minh Điểu mở cuộc diễn thuyết về dân quyền mà bị cấm, cớ sao lại đòi "bảo thủ nhân quyền và dân quyền" cho đồng bào Việt Nam? TÂN VIỆT Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s. 807 (18.12.1928) Không nhìn phải, mà nhìn cũng phải Mới rồi ông Bùi Quang Quất ra nghị viên thương mại mà hỏng cần, có một tờ báo ở đây nói chơi rằng Bùi Quang Quất không đắc cử nghị viên cũng là một sự buồn cho hai tờ báo Tribune Indochinoise và Đuốc nhà Nam, vì là bà con của cụ Bùi Quang Chiêu. Ngày 12-12 trước đây, Tribune Indochinoise vội càng cải chánh, nói rằng ông Bùi Quang Quất không có bà con gì với cụ Bùi Quang Chiêu hết, dầu quăng một vài hay năm mười cái bã trầu cũng không đến. Mình thấy vậy lấy làm ngạc nhiên. Vả chăng mình có biết chút đỉnh về tộc phổ học, đã khảo cứu ra rằng họ Bùi ở nước ta có ba dòng: ở Bắc Kỳ gọi là Bùi Bằng, ở Trung Kỳ gọi là Bùi Thế, ở Nam Kỳ gọi là Bùi Quang. Thì đã là Bùi Quang với nhau mà cùng ở Nam Kỳ, lẽ đáng nhìn bà con mới phải, cớ sao lại không nhìn? Nghĩ mãi chẳng biết cớ làm sao, đến ngày 14, đọc báo La Dépêche, mình mới thình lình tỉnh ngộ ra. À, té ra không nhìn cũng phải. Ông Hoover(*), mới được cử làm tổng thống nước Mỹ, là người có gốc gác ở nước Mỹ lâu rồi. Khi ông chưa làm tổng thống, chẳng ai thèm ngó ngàng gì đến, nay ông mới vừa làm tổng thống có hơn một tháng, đã thấy họ nhìn bà con túi bụi. Báo La Dépêche nói rằng ông Hoover là con cháu nước Pháp, không thì ít nữa cũng có máu nước Pháp chạy trong mạch máu của ông. Lấy cớ rằng Hoover tức là họ Hubert bên nước Pháp mà về Mỹ rồi đọc trại ra, và đoán rằng ông là dòng dõi của một người trong một bọn năm trăm người Pháp dời qua nước Mỹ ngày trước. Thiệt bà con thì cứ việc nhìn nhau đi, có ai nói chi đâu mà ngại. Thấy vậy rồi không lạ chi cho báo Tribune Indochinoise hết. Bởi vì có người như La Dépêche thì phải có người như Tribune Indochinoise. Ừ, có vậy mới đúng với câu tục ngữ Tàu lai của ta: Bần cư náo thị vô nhân vấn; Phú tại thâm sơn hữu khách tầm!(**) Không nhìn, phải; mà nhìn cũng phải. TÂN VIỆT Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s. 808 (20.12.1928) ---------------- * Herbert Clark Hoover (1874-1964): tổng thống thứ 31 ( 1929-1933) của Hoa Kỳ; ** Ý của hai câu này là: Kẻ nghèo thì ở ngay nơi phố thị cũng chẳng ai hỏi tới; kẻ giàu thì dầu ở trong rừng sâu cũng có khách tìm đến. Giã từ Đông Pháp Năm cũ hầu qua, năm mới sẽ đến. Cái ngày trời đã lớp nọ rủ lớp kia, chuyến đò đời cũng người lên bù người xuống. Có người sẽ đến Đông Pháp, cũng có người sẽ lìa Đông Pháp. Người sẽ đến Đông Pháp ấy là quan Toàn quyền mới Pasquier, người sẽ lìa Đông Pháp ấy là Tân Việt. Nói vậy Tân Việt sẽ xuất dương? Sang Tây, hay là sang Tàu, sang Nhựt Bổn? Không, Tân Việt vẫn nằm bộng nơi một góc trời nam; Đông Pháp đây nghĩa là Đông Pháp thời báo. Nói vậy Tân Việt sẽ từ chức? Cũng không. Tân Việt có khi nào lại từ chức. Không phải từ chức mà là "thiên chuyển". Bởi vì Đông Pháp thời báo sắp đổi ra Thần chung, Tân Việt cũng sắp đổi về giúp việc tòa Thần chung. Nói cho oai một chút mà chơi, chớ Tân Việt nào có phải là quan như ai đâu mà nói giọng quan. Kẻ đến rồi đây không khỏi có đít-cua, thì kẻ đi há lại không được lấy mấy lời từ giã? Phải có mấy lời mới được. Lời rằng: Từ giã Đông Pháp Thời Báo! Bấy lâu ta nhờ ngươi mà truyền đạt được ít nhiều tư tưởng tầm thường, bây giờ biệt nhau, xiết bao là mối cảm tình láng lai! Môi đây, hôn nhau đi! Tay đây, bắt nhau đi! Nhưng mà đừng nói câu "Au revoir"! Với người, ta chẳng có chi lạ hơn là câu chuyện hằng ngày, ta thật bất tài, ngươi chớ cười ta. Với Thần chung, rồi đây ta cũng chỉ có câu chuyện hằng ngày mà thôi, đãi người mới chẳng bao giờ hậu hơn người cũ, ta nào phụ ngươi! Thôi, ta đi! Còn đối với độc giả thì xin có mấy lời tạm biệt mà không từ giã. Bởi vì độc giả của Đông Pháp thời báo tức là độc giả của Thần chung, chúng ta sẽ gặp nhau đó mà! Vậy xin độc giả nhớ số nầy là số chót của Đông Pháp thời báo; còn số sau sẽ là số đầu của Thần chung(*) TÂN VIỆT Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s. 809 (22.12.1928) --------------- * Thần chung số đầu ra ngày 7.1.1929 , cách 2 tuần sau khi ĐPTB ra số cuối cùng; toà soạn Thần chung cũng chính là toà soạn Đông Pháp thời báo; nhiều bài vở, ví dụ các truyện đăng đều kỳ ở ĐPTB sẽ được đăng tiếp ở Thần chung; trên thực tế những người chủ trì Đông Pháp thời báo đã đổi nó thành Thần chung chứ không phải Đông Pháp thời báo bị chính quyền đóng cửa như sự lầm lẫn của một số nhà nghiên cứu. Được biết, về sau giấy phép của ĐPTB đã được trả lại cho chủ cũ là Nguyễn Kim Đính, ông này đã tính đến việc ra lại tờ báo này nhưng rốt cuộc việc đó không thành sự thật. |