PHAN KHÔI: TÁC PHẨM ĐĂNG BÁO 1930 CÂU CHUYỆN HẰNG NGÀY
Ghi chú của người sưu tầm: Dưới đây là các bài trong mục “Câu chuyện hằng ngày” của Tân Việt trên nhật báo Thần chung trong năm 1930. Như đã nói ở tập trước: trong tổng số 61 kỳ xuất bản của báo Thần chung trong năm 1930, trước khi báo bị cấm (từ 2.1 đến 24.3.1930), mục “Câu chuyện hằng ngày” của Tân Việt có mặt ở 59 kỳ báo, tức là chỉ vắng mặt ở 2 kỳ báo do bị kiểm duyệt bỏ (các số ra ngày 21.1 và ra ngày 25.2.1930). Về bút danh Tân Việt, như đã nói rõ ở 2 tập trước, đây là bút danh mà Phan Khôi và Diệp Văn Kỳ ký chung khi họ viết bài trong mục này. L.N.A.
NGHỀ BÁN SÚNG SÁU VÀ NGHỀ IN SÁCH QUỐC NGỮ Theo như mấy chị em mộ thể thao ngoài Bắc, thì “nhứt nghệ tinh, nhứt thân vinh”. Chim, Giao vậy mà nghề nào cũng vậy. Báo Le Phare, số ngày chúa nhựt 29 Decembre có thuật chuyện người bán súng sáu nói với quan thẩm án: - Trong một tuần lễ mà anh bán đến 30 cây súng sáu, anh bán cho ai mà nhiều dữ vậy? - Thưa bán cho đủ hạng người, đàn ông có, đàn bà có, trẻ có, già có, quý phái cũng mua, bình dân cũng sắm. - Họ nói với anh, họ mua súng để làm chi? - Người thì tập bắn, kẻ để hộ thân… Ngài hãy biết có ai chịu nói với tôi rằng mua súng để tự vẫn hay là để giết người đồng loại đâu… Bởi tôi không chắc, nên tôi bán… Cái nghề của tôi, tôi biết sao bây giờ? Ừ, nhứt nghệ tinh, nhứt thân vinh. Nghề bán súng, tất phải làm sao mà bán cho đặng nhiều. Chớ nếu mỗi khi ai hỏi mua một cây súng sáu mà còn phải dò cho ra, xét cho kỹ coi thử người mua ấy có ý mua để mời chồng đi dạo một vòng dưới âm phủ hay là đưa vợ vào cung vua Diêm vương, thì biết bao giờ bán cho đặng một cây súng. Cái mục đích của cây súng, nhứt là súng sáu, là cốt để giết người… Thế nên xưa nay mình chưa thấy trong vụ án mạng nào mà tòa phạt người bán súng. Đó là nghề bán súng sáu và ở bên Pháp. Còn bên ta, lại có cái nghề in sách quốc ngữ. Nói rằng in sách quốc ngữ là hại hơn bán súng sáu, thì nghe qua thật khó hiểu. - Tác giả có nói với anh in cuốn sách này ra để làm chi không? - Thưa tôi không có hỏi, vì tôi biết chắc in ra để bán. - Anh không biết cuốn sách nầy có thể làm rối cuộc trị an sao? - Thưa tôi đâu có ngày giờ mà đọc cho hết sách của họ đem lại in. - Thôi để tôi giải anh ra tòa. Người in sách không hiểu. Có kẻ chỉ cho rằng: Súng sáu bán được, chớ sách anh không phép nhắm mắt in càn. Vì nhiều khi, bởi tại cuốn sách mà anh đưa người ta đến nhà anh bán súng sáu. - Ở đây ai bán cho anh mà anh đưa lại? - Đó lại là một chuyện khác nữa. TÂN VIỆT Thần chung, Sài Gòn, s.285 (2.1.1930) MỘT MÓN ĐỒ QUÀ ĐỂ ĐI TẾT CHO MẤY ÔNG PHÁI VIÊN ĐIỀU TRA THUỐC PHIỆN Chiều 31 tây, như tuồng các báo Lang Sa ở Sài Gòn muốn đi lễ tết cho ban phái viên điều tra thuốc phiện nên đều có chép chuyện ông Lambert chết dưới tàu Chenonceau. Ông Lambert, 24 tuổi, qua đây làm việc ở nhà thuốc Solirène, thấy Nam kỳ thiếu chi thuốc phiện, nên mới hút thử chơi. Ban đầu chơi, sau thiệt, thét rồi ghiền mà phải lâm bịnh. Thầy thuốc biểu về tây nghỉ. Nửa muốn ở, nửa muốn đi. Đi ra một bước một ngừng: tới Cap St.Jacques(*) tính trở lại, qua Singapour, sắp để tàu Chenonceau đi một mình. Chung quy cũng gượng gạo mà theo cho gần đến Colombo. Song ở dưới tàu, tối ngày gặp ai cũng nói: Tôi chết! Tôi chết! Và đương khi tàu đương ở giữa biển, ông ta ghiền quá sanh ra đau, thầy thuốc dưới tàu phải đem vào phòng bịnh, biểu người canh giữ ông ta, vì quá ghiền nên đã nhiều phen muốn lấy dao cắt mạch máu mà chết. Hôm nọ, giữa Ấn Độ Dương, có lẽ vì ông ta nhớ “anh chị” quá trí, chịu hết nổi, lén chạy tuốt lên sàn tàu nhảy xuống biển mà chết. Đó là một cái kết cuộc của người ghiền thuốc phiện, và cũng có thể làm cái quà tết tây cho mấy ông phái viên của Hội liệt quốc. Vì chuyện ông Lambert tức là chuyện chung của cả muôn bợm phiện ở xứ này. Cần gì điều tra đâu cho xa, đọc lấy bài thời sự đó cũng đủ. Khó, là trong khi mình hay tin [. . . . . . ](**) phái viên kia đương nhởn nhơ ở Huế, lên viếng các lăng nhà vua. Đi khắp cùng, thấy thờ đủ hết mà không đâu có một cái mâm hút. Cho đến Vĩnh Cơ là lăng vua Khải Định, thờ không thiếu một món, nào là dầu thơm Coty, bàn chải răng Gibs mà cũng chẳng thấy một cái mâm hút nào. Rồi đó chắc mấy ngài lại phải lạy mà nói: Dân Đông Dương đâu có hút nhiều. Coi mấy ông vua đây cũng đủ biết… Nghe nói hôm nay họ đã ra đến Bắc kỳ. Chừng dạo chơi mấy xóm ả đầu, nghe “hãm”, nghe trống, thì họ lại nghĩ: Trong một cái nước mà đã có cái điệu hát như vậy thì bỏ thuốc phiện đi thật là một thú. E khi, lúc nào mấy ngài trở lại Geneve, chắc sẽ làm một cái tờ phúc bẩm khá dài khuyên Hội liệt quốc phải chuẩn ra một số tiền phụ cấp khá lớn để ban cho… sở nấu nha phiến ở đường Paul Blanchy và bày ra một mớ mày-đay để tặng cho mấy chủ tiệm thuốc. Thế mới kêu là Hội liệt quốc. TÂN VIỆT Thần chung, Sài Gòn, s.286 (3.1.1930)
THẾ NÀO GỌI LÀ ĐIÊN? Theo một tờ báo kia, thì có nhà toán học Ăng Lê liệu trước rằng trong ba thế kỷ nữa, người Âu châu sẽ điên hết. Rồi đó quý đồng nghiệp lại tự hỏi: Nói vậy hay vậy, chớ ai sống đặng 300 năm mà biết lời nghịnh liệu ấy trúng hay trật. Theo ý tôi, thì không trúng không trật chi hết. Vì điên là một tiếng ở trong cái lệ tương đối, tuy người ta hay nói hay dùng, kỳ thiệt chưa ai hiểu rõ nghĩa nó ra sao hết. Cái dấu điên dễ hiểu nhứt là xé áo xé quần. Ấy vậy mà thế gian sanh ra lắm chuyện điên khùng vốn bởi từ hôm bà Ê-và lấy lá mà che mình lại. Và nếu như lấy sự loã thể mà gọi rằng điên, thì chẳng cần chi phải chờ đến ba trăm năm; ngay bây giờ Âu châu cũng đã gần điên hết phân nửa. Người ta lại nói điên là kẻ nào hoặc tư tưởng trái với lệ thường, hoặc hành động khác hẳn với phần đông. Napoléon một tay dựng nên cái sự nghiệp Đế quốc cho nước Pháp là một chú điên, mấy nhà philosophes(*) trong đời thế kỷ 18 xướng ra cái thuyết dân quyền cũng đã bị người ta cho là một phường lãng trí. Chí như nói kiểu Ăng Lê, vì sợ cho dân Ấn Độ độc lập, chắc họ sẽ chém giết nhau, nên nhiều khi phải đem tàu trận sang mà bắn trước, thì có thể nào điên hơn nữa đâu? Chiếu theo gương của người Ăng Lê, thì Âu châu ngày bây giờ cũng ít ai đáng gọi là tỉnh. Đó là chuyện người, còn mình đây, ai điên? ai tỉnh. Ai tỉnh? Ai điên? Những ai là kẻ trăm mưu ngàn chước, vào cúi ra lòn, chỉ biết tính sao cho nhiêu thân(**) phì gia mà chắc gì là không phải điên? Còn như kẻ tấm thân trôi nổi, bỏ nhà cửa vợ con, vào tù ra khám, thiên hạ đều tưởng là đồ khùng, mà chắc gì là không tỉnh? Anh chàng tự xưng hoàng đế với ông thánh Tây Ninh là điên hay tỉnh? Cô thiếu nữ bị nhốt vào nhà thương điên Chợ Quán, rồi cứ ngồi thơ thật ca một mình: “Kia nước non ai, ai giữ nước non?” Điên hay tỉnh? TÂN VIỆT Thần chung, Sài Gòn, s.287 (4.1.1930)
(*) philosophes: những triết gia. (**) nhiêu thân: khỏi sưu thuế (theo H.T.Paulus Của, sđd.) NĂM NAY SẼ CÓ TẾT HAY KHÔNG? Theo mọi năm, bữa rày gần tới Tết rồi, còn không đầy một tháng nữa. Nhưng năm nay, ngoài Trung kỳ, người ta đương ngần ngại hỏi nhau, không biết sẽ có Tết hay không? Người ta ngần ngại vì một điều rằng: nếu không Tết thì sẽ lợi cho chánh phủ; nhưng nếu không có Tết luôn luôn, năm nọ qua năm kia lu bù, thì lại hại cho chánh phủ. Báo Tiếng dân số 244 ra ngày 20.12.29, có một đoạn thời sự rất buồn cười. Dân làng Quán Khái Đông, tổng Phú Triêm, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, kêu rằng số dân làng ấy hết thảy là 388 người, mà trong giấy thuế về năm 1929 của quan phát ra, người nào cũng y tuổi năm ngoái hết. Nghĩa là người nào năm 1928 là 30 tuổi thì năm nay cũng 30 tuổi, không phải là 31 tuổi theo như lệ thường. Mà hết thảy 388 người đều như vậy cả. Lạ cha chả là lạ! Nếu vậy thì cái Tết mới rồi, họ ăn Tết mới là tầm bậy. Lẽ đáng không ăn Tết mới phải. Vì nếu có Tết thì một người đã thêm lên một tuổi. Năm ngoái ăn Tết lỡ rồi thôi; còn năm nay mới nghĩ sao? Cứ theo lẽ trên đó thì năm nay cũng không có Tết mới phải. Không có Tết thì những người đóng thuế cứ trẻ hoài, cứ đóng thuế hoài , không đời nào ra lão, chỉ khi nào chết đi mới hết đóng thuế, như vậy có phải lợi cho chánh phủ không? Nhưng lại ngặt một điều: nếu không có Tết thì không đổi năm, và nhà nước sẽ không thâu thuế mới, bởi vì thuế mỗi năm thâu một lần, mà nay không có Tết, không có chia phân từng năm ra, thì thôi, còn thâu thuế chi? Như vậy, trở lại hại cho chánh phủ. Thôi bỏ sự lợi hại đó đi đừng nói. Chỉ nghĩ mà khoái cho cái cuộc thái bình xứ Đông Dương nầy thật đáng nên ca tụng. Sách xưa có nói “Đời thái bình thì người ta không già”, thật phải. Năm ngoái ba mươi tuổi, năm nay cũng ba mươi tuổi thì thôi, còn già chi được? Nếu chẳng thái bình thì sao có được cái cảnh tượng ấy? Ước gì đâu đó được như dân làng Quán Khái Đông cả thì sướng lắm. Ba mươi tuổi cứ ba mươi tuổi hoài thì dầu không ăn Tết cũng chẳng hại chi. Tân Việt nầy cũng muốn nhập tịch làng Quán Khái Đông để cứ trẻ hoài mà viết câu chuyện hằng ngày chơi! TÂN VIỆT Thần chung, Sài Gòn, s.288 (5 và 6.1.1930) HỘI ĐỒNG KIỂU MỚI Hội đồng “oui”!(*) Tưởng chắc cái tiếng đó lúc mới phát sanh nó cũng đã làm cho người ta mua cười không ít và nó đã tả ra một cách rất rõ ràng cái hình trạng ở trong các nghị viện xứ nầy. Song một cái danh từ, dầu cho ngộ đến bao nhiêu cũng phải nhàm, phải cũ. Vì thế nên chi hôm nọ ở nhà hát tây mới có một ông khôi hài đứng nói: - Chư vị cử tri cứ cử tôi đi. Tôi không phải như người ta đâu. Tôi chẳng bao giờ chịu làm hội đồng “oui”. Nói thiệt cho chư vị biết, tôi không phải hội đồng “oui”, tôi đây là hội đồng “dạ”. Đó thành ra hai kiểu hội đồng. Ấy vậy mà từ khi chánh phủ Pháp do quan Toàn quyền Pasquier lập thêm ra một cái nghị viện mới lạ, mới lạ cho đến nỗi hiện nay cũng chưa biết tên An Nam nó là gì – Kinh tế? Lý tài? Đại hội đồng? – thì lại sanh ra một hạng hội đồng kiểu mới. Không “oui” cũng không “dạ”. Hội đồng câm! Thật ra cái danh hiệu đó cũng chẳng có chi là quá đáng. Cứ xem ngay theo lời kỷ thuật của những nhà làm báo có chưn ở hội đồng đó, thì cũng đủ thấy trót một tháng trời nhiều ông không hề nói một tiếng. Tội nghiệp! ăn làm sao nói làm sao bây giờ? Ở Hội thì mỗi việc mỗi dùng tiếng Lang Sa, mà mấy ông kia lại không hề học một chữ. Chỉ duy ông Quỳnh, ông Vĩnh là hai tay sành tiếng Pháp mà trong kỳ hội vừa rồi như tuồng cũng mắc phải cái chứng truyền nhiễm đó mà hở miệng không ra. Bởi thấy lạ nên Thần chung lúc nọ mới than phiền sao ông Quỳnh ông Vĩnh cũng nín khe như thế. Hay là mỗi khi đi hội đều nhớ sực đến câu: “Nói năng là bạc, nín khe là vàng”? Và cũng bởi câu chuyện như thế, nên mới đây nhơn việc ông Quỳnh diễn thuyết về vấn đề: “Người nhà quê An Nam”, cụ Bùi lại chạy ra binh mà nói: “Đó, thấy chưa? Ông Quỳnh có phải là câm như mấy thằng hay dóc đã tưởng đâu.” Ủa, sao hôm nay cụ lại binh ông Quỳnh? Thưa cụ, cụ tưởng lầm. Chúng tôi trách ông Quỳnh sao vào hội mà lại chỉ mặt làm thinh. Chớ có phải nói ông ta câm đâu. Cụ sai, diễn thuyết là một việc, làm nghị viên mà nín thinh lại là một việc khác nữa. Huống chi sự làm thinh cũng chưa chắc là hại. Có nhiều khi đụng đâu nói đó, gặp chuyện chi cũng nói xàm nói đế, thì cái hại lại càng nhiều hơn. Nói để bào chữa rằng ông Quỳnh không câm, thì nín khe như ông Quỳnh, đi hội e còn tốt hơn. Luận ngữ có câu: “Đức Khổng Tử đương ăn thì không nói”. Cái nầy vừa nói vừa ăn mới là khả ố. TÂN VIỆT Thần chung, Sài Gòn, s.289 (7.1.1930) (*) oui (tiếng Pháp): vâng, tán thành, đồng ý. CẤM HUN Cái sự hun nhau là để tỏ tình thân ái, chẳng dân nào là chẳng có. Khác nhau là cái cách hun và cái chỗ hun mà thôi. Như người Tây họ hun bằng môi, An Nam ta hun bằng lỗ mũi (vì hun bằng mũi, cho nên tiếng ta cũng có nói tiếng đôi là hun-hít), ấy là cái cách hun khác. Còn người Tây họ hun giữa công chúng; An Nam ta hun con nít thì hun chán chường, khi hun người lớn thì hun trong buồng cùng chỗ khuất, ấy là cái chỗ hun khác. Bên Âu châu, nước nào cũng cho sự hun là thường, coi như một cái lễ. Nhứt là ở nước Nga, khi gặp nhau, bất kỳ là bà con, bạn hữu, hay là tình nhơn, đàn ông đàn bà chi cũng đều hun nhau, như là chào vậy. Lâu nay chánh phủ Tô Nga hạ lịnh cấm hun, vì cho là hại vệ sanh. Họ mở cuộc diễn thuyết, phát truyền đơn, quảng cáo để cổ động bỏ tục hun. Trên tường, trên các bao thơ qua nhà giây thép, đều có thấy những chữ như vầy: “Mỗi một khi hun ai, người bị hun đó phải rước lấy một lần bốn vạn con vi trùng!” Ấy là nói chuyện bên nước Nga. An Nam ta? An Nam ta thì không cấm chi hết. Ai hun mấy đó thì hun, không cấm, vì có hai lẽ. An Nam hun bằng mũi, chớ không hun bằng môi, vả lại khi hun đó, người hun hít vô, thì dầu cho có vi trùng đi nữa, có làm sao truyền qua bên người bị hun được? Ấy là một lẽ. Lại, An Nam mình có hun thì hun trong kín, không thì cũng chỗ vắng người, vậy có ai thấy đâu mà cấm? Ấy là hai. Đi lại chỉ có làm dân An Nam là sướng. TÂN VIỆT Thần chung, Sài Gòn, s.290 (8.1.1930) HÁT CẢI LƯƠNG HUẾ Hôm rồi, thiên hạ ở Huế đều mục kiến được một tấn hí kịch buồn cười vỡ bụng. Ấy cuộc nghinh tiếp tân quan mà quan ấy chính là quan huyện Hương Trà. Ông Ph. – năm nay độ 25 tuổi, trước đỗ bằng Thành chung, làm ký sự tòa Sứ, rồi qua học trường Cao đẳng Luật khoa trường Hậu bổ ở Huế, đến lúc hạch ra được bổ làm còm-mi tòa Sứ; bấy lâu nay công trạng cao dày làm sao không biết; bây giờ được cải bổ làm tri huyện Thừa Thiên. Cái lai lịch ấy phải khai rõ để cho biết cái văn hóa của quan huyện mới, cũng là ở trong đám thanh niên tân học mà cái não lại còn cũ rích đâu như tuồng ở những lớp thượng cổ. Vậy ngày đó là ngày lễ đáo nhậm của quan huyện mới nên quan đã sức trước, thành ra cái lễ nghinh tiếp ấy ắt là oai nghiêm long trọng. Đi trước là cái xe tay quan huyện, quan ngồi thóm nhóm ở trong, mặc lễ phục đeo một cái bài ngà to tướng “Thừa Thiên huyện tri huyện”. Xe chồng mui vì có hơi mưa, ở bến xe, một phía có một tên lính lệ cầm cái lọng đen, giương cao lên trên để che cho quan. Bên kia, có vài ba chú lính khác cầm cờ và chạy và phất, gió đánh bạch bạch; hai bên nữa thì có đôi ba tên phu, cầm hèo chạy theo (cái hèo là như một cây baton mà dài; ấy là cái hiệu của quan huyện). Sau nữa có một bọn đánh trống lớn, dộng phèng la, nghe chát lỗ tai; đến sau rồi, lại có vài ba cái xe khác nữa; ngồi trỏng là các ông lại, thầy đề, cả thảy đều mặc áo rộng xanh, ngồi cách rất cung kính (ta đi rước quan huyện người ta thế mà!). Cả đám rước tất cả sau gần mươi người, mà đã diễn ra một tấn hí kịch rất khôi hài. Trước, xe quan chạy bon bon; sau, lính tráng, đề lại cũng phi bộ ruổi rong cho kịp, cờ bay phấp phới, trống đánh tơ mơ, phèng la dộng bon-bon, lọng giương cao, hèo vác thẳng, cả đám chạy qua các phố phường như là đám hát cải lương buổi chiều ăn mặc kết đoàn để đi làm quảng cáo. Trước hết đám rước đi từ bên Đập Đá là chỗ tư thất quan, rồi chạy ngang tòa Khâm, vụt qua cầu Trường Tiền, lướt qua đường Paul-Bert, chợ Đông Ba, rồi thẳng ra đường Đông Ba, dong ruổi một mạch đến Huyện. Thấy đám rước chạy qua, ai ai cũng phải đứng dừng lại mà coi thử cái gì lạ vậy, mà coi rồi thì ai cũng chíp miệng cười dài. Lại có vài ba đứa con nít láu-cá lại chạy theo la lớn lên: “Dè-è-è-è! Đi coi đám cưới bay! vợ chồng đi lạy mặt. Dè-è-è-è! Anh rể ngồi trước đó (chỉ quan Huyện) còn mi-xừ dâu ở đâu, sao lại không thấy! Dè-è-è!” Thế mà quan huyện cứ ngồi tỉnh táo chễm chệ như thường, cái mặt làm nghiêm dễ biết lắm! Không biết quan huyện ta nghĩ làm sao mà lại sắp đặt cuộc nghinh tiếp ấy chạy dông cả các con đường thâu tập nhứt ở Huế. Dám chắc là quan mới đáo nhậm, nên muốn “chưng” cho dân xứ Huế biết rằng ta là quan huyện mới đây, rồi sẽ cai quản chúng bay (vì kinh thành Huế thuộc về huyện Hương Trà) nên mới mưu cái sự nghinh tiếp loè loẹt ấy. Ta là kẻ bàng quan thấy thế không khỏi phì cười được, nhưng cười rồi thì lại có cái bi cảm vô hạn mà tự nói một mình rằng: Sao bọn tân học thanh niên trong nước ta hy vọng, tinh hoa của nước nhà, mà lại diễn ra những tuồng khả ố thế! Trước đã có ông Tú du học bên Tây về, bắt làng đi rước, bây giờ lại quan Tham bổ Tri huyện cũng giăng cuộc nghinh tiếp rầm rột thế. Ôi, xã hội ta có cái tội tình gì mà sản xuất ra những hạng người quái gở đến thế… TÂN VIỆT Thần chung, Sài Gòn, s.291 (9.1.1930) DƯ GIẤY LÀM CHI “Dư giấy làm chi chẳng vẽ voi”. Nhìn lại bao nhiêu sách vở báo chương, trước mắt mình ngày nay mà nghĩ cho câu thơ cổ nầy thật là thú vị. Ừ, nếu như có giấy dư thì vẽ voi còn vô hại. Song cũng uổng thiệt. Và có khi e nhiều kẻ trước tác An Nam cũng vì sợ đem ra vẽ voi mà phải gắng công làm sách. Từ đây về sau may ra họ khỏi giới ý về chuyện ấy nữa. Vì vừa rồi, một tờ báo Lang Sa ở Sài Gòn có đăng cái tin chỉ cách dùng giấy. Nghe nói có người kinh nghiệm đã ba mươi năm mới tìm ra một phương thuốc rất thần hiệu trị lợi(*), bịnh tả. Nhà kinh nghiệm ấy bảo cứ lấy sữa bò và giấy trắng mà nấu thành một thứ “soupe” rồi uống vào là hết bịnh ngay, và lại cắt nghĩa rõ ràng rằng giấy nấu ra thành hồ, uống vào nó sẽ dính vào mấy cái kẽ ruột mà làm cho chặn huyết lại rồi khỏi bịnh. Ấy đó, thấy chưa? Từ rày anh em đã biết cách dùng giấy rồi đó. Tưởng ai là người có giấy dư, thôi thì chớ vẽ voi nữa. Đem ra mà giúp cho người có bịnh tốt hơn. Song tôi chỉ còn tiếc một điều là nhà kinh nghiệm ấy không cho mình hay coi thử giấy đã in ra thành sách còn dùng đặng không. Nếu đặng thì tốt vô cùng. Vì hiện nay có nhiều bản sách quốc ngữ tưởng đem ra dùng, chẳng những là thành hồ đặng chặn huyết, mà uống vô dầu cho bịnh lợi(*) đáng bao nhiêu cũng sẽ cầm ngay tức khắc. TÂN VIỆT Thần chung, Sài Gòn, s.292 (10.1.1930) (*) bệnh lợi tức bệnh lỵ, kiết lỵ (theo H.T. Paulus Của: sđd.) CÓ PHẢI CÂM ĐÂU! Trong số báo hôm ngày thứ ba vừa rồi bởi Tân Việt hiểu lộn cái ý của một câu mà làm cho thất lễ với cụ Bùi cùng quý đồng nghiệp La Tribune Indochinoise. Quý đồng nghiệp nói Phạm tiên sanh không câm là khôi hài, chớ không phải có ý chi binh. Tân Việt hiểu lộnTân Việt xin mạo cựu. Tân Việt lại còn xin lỗi với mấy ông nghị mà bấy lâu nay các báo đã cho là hội đồng câm nữa. Có phải câm đâu! Để Tân Việt nhắc lại một tích xưa của ông bạn mới nói cùng Tân Việt cho mà nghe: Trong một “họ”(*) ở đâu tận bên Tàu, từ những đời “ông Nhạc” có ông cha thường ngày hay bị mất rượu lễ, biết chắc chú trùm xơi lén. Song không dám rầy, vì chú trùm có cô vợ khá đẹp và nghe ra như tuồng “cha” cũng có tánh lẹo tẹo sao đó.(**) Bữa nọ một nhà giàu có trong “họ” đem đến cúng một cái bàn để xưng tội, bàn thiệt lớn, người đứng xưng tội cách cha cũng hơi xa xa. Cha mới kêu tên trùm vô mà nói: - Đâu nà! Con thử đứng dưới chỗ xưng tội, cha ở trên cha hỏi coi con có nghe rõ không… - Dạ. Cha hỏi: - Trùm ơi, con có biết ai uống lén rượu lễ của cha không? … Trùm ơi, con có biết ai uống lén rượu lễ của cha không? Hỏi bao nhiêu anh trùm cũng cứ lắc đầu, ra dấu mình không nghe chi hết. Cha tức giận lấy làm lạ: - Thôi mầy lên đứng đây mầy hỏi coi tao có nghe không! Trùm lên, trùm hỏi: - Cha ơi, cha có biết ai hay lẹo tẹo với vợ trùm không? Cha ơi, cha có biết ai hay lẹo tẹo với vợ trùm không? Cha cũng cứ lắc đầu như trùm khi nãy và kêu trùm xuống mà nói: - Thiệt con, thiệt không nghe chi hết. Ấy đó, ở đời biết bao nhiêu khi gặp phải cái cảnh ngộ như “cha” với trùm. Tại cái cảnh ngộ nó khiến xui, xây vần như thế, chớ có ông nghị nào đáng gọi là hội đồng câm đâu, huống chi là ông Quỳnh và ông Vĩnh. TÂN VIỆT Thần chung, Sài Gòn, s.293 (11.1.1930) (*) họ đây là họ đạo, một đơn vị cộng đồng tín đồ Công giáo (Thiên Chúa giáo ) (NST). (**) Huình Tịnh Paulus Của (sđd) ghi nghĩa lẹo tẹo là “chẹo nẹo, vương vấn lấy nhau; âm thầm dính dấp cùng nhau”. CÁI NĂM RỒNG RẮN Trong sách xưa của Tàu có câu rằng: “Tuế tại long xà, hiền nhân kỳ ta.” Long là rồng, xà là rắn, chỉ nghĩa năm thìn và năm tỵ. Hiền nhân kỳ ta, có ý nói rằng những người hiền hay chết về hai năm ấy. Người đời xưa đã nói ra lại viết vào sách như vậy, há có phải là câu chuyện xàm, bạ đâu nói đó? Chắc người ta cũng đã kinh nghiệm lắm rồi mới nói. Năm thìn là năm ngoái, cách nay tới một năm, xa quá, Tân Việt không nhớ ra có người nào chết hay không. Chớ năm nay, năm Tỵ nầy, thiệt chết ròng những người hiền là người hiền. Kể ra in ít mà nghe, cũng đủ thấy lời ấy là thiệt. Nhưng lại phải biết người hiền có đâu cho nhiều mà không ít. Bên Pháp, ông Thống tướng Foch chết vào khoảng tháng ba, ông Clémenceau chết vào khoảng tháng mười. Hai ông ấy chẳng phải là người hiền của nước Pháp sao? Bên An Nam mình, nửa năm trên, không thấy chết ai, tưởng là qua khỏi; té ra có mấy tháng cuối cùng về phần nửa năm dưới mà chết hết bộn bề. Ông Lê Văn Huân, ông Ngô Đức Kế, ông Nguyễn Sanh Huy, rủ nhau về có một lúc. Mấy ông đó đều là người hiền của An Nam ta vậy. Xin những người Pháp ở đây thấy vậy mà chớ nói rằng đem mấy ông đó sánh với ông Foch và ông Clémenceau của các ông. Không đâu, không ai so sánh đâu; các ông có người hiền của các ông, chúng tôi có người hiền của chúng tôi. Người Pháp cũng vậy mà người An Nam cũng vậy, không nên câu mâu(*) sự so sánh đó mà nên suy nghĩ sự sau nầy. Nếu câu sách Tàu ấy là thiệt, mấy người chết đó là hiền, vậy thì nội những người còn sống lại đây, bất luận là Pháp, Nam, đều là bất hiền hết cả sao? Hoặc giả chúng ta đều là hiền hết cho nên mới qua khỏi cái năm tam tai nầy? Ai muốn làm người hiền thì năm tỵ nầy cũng chưa hết đâu, còn cho non một tháng nữa lận, cứ việc mà chết đi; chết đi để được làm người hiền, để được tiếng khen ngợi. Còn Tân Việt nầy chịu mặt bất hiền, rồng rắn đâu có bắt, nên cứ sống luôn, sống hết ngày này qua ngày khác, mỗi ngày mỗi có chuyện. TÂN VIỆT Thần chung, Sài Gòn, s.294 (12 và 13.1.1930) (*) câu mâu: H.T.Paulus Của (sđd) ghi nghĩa câu mâu là “hay quạu, hay bắt lỗi bắt phép”. HÒA BÌNH GÌ? ĐỒ ĂN LƯỜNG NÀ! Cái điệu cờ bạc, không chơi thì thôi, chớ đã chơi thì phải chơi cho mãn sòng, ăn thua mới sướng. Còn như ăn nửa chừng, rồi kiếm cớ không đánh nữa, kiểu đó xấu lắm, người ta kêu bằng “ăn lường”. Nếu có người ngồi vô sòng, đánh chén nào trúng chén nấy, vơ bạc đầy túi, rồi đứng lên diễn thuyết, nói rằng: Nghề cờ bạc làm hại người ta lắm, chúng ta nên tắt đèn, cuốn chiếu đi, đừng đánh nữa, - thì thúi quá, còn ai nghe được? Lâu lâu lại nghe có người xướng lên cái thuyết thế giới hòa bình. Hòa bình hay là ăn lường? Sau những phần thưởng hòa bình Nobel, điều ước phi chiến K-H, lại có một phương pháp hòa bình mới. Một nhà thiệt nghiệp Huê Kỳ mới đây có đưa một bức thơ cho phòng thương mại vạn quốc mà bày ra một phương pháp hòa bình rất hay. Va khai tên ra 32 nhà thiệt rất có thế lực trong thế giới ngay nay, và nói rằng nếu 32 người ấy đồng tâm với nhau kết thành một đoàn thể, thì bất luận nước nào, dầu có cái dã tâm muốn gây việc chiến tranh cũng không có thể được. 32 người ấy tức là những người giàu về sắt, gang, than đá, dầu săng, cao su, bạch kim, đồ nguyên liệu làm giấy và các thứ của mỏ, khi họ kết thành đoàn thể rồi, có nước nào muốn gây việc binh đao, mà họ nhứt định không chịu cung cấp vật liệu cho, thì cũng phải thua(*). Va quyết luận rằng cuộc hòa bình của thế giới nằm trong tay 32 nhà thiệt nghiệp ấy, miễn là họ đoàn kết lại với nhau là được. Theo Tân Việt, cái phương pháp ấy thì hay, mà cái kiểu chơi thì dở. Chơi như vậy không sướng: ai chơi? Cái sòng bạc cả thế giới nầy mở ra đánh có vài ba thế kỷ nay. Từ hồi đó đến giờ ai ăn? Từ giấy săng giấy hoảnh cho đến tắt đèn, cuốn chiếu, đừng chơi nữa, thì thật là vô lý quá. Người đâu lại có người ích kỷ như vậy? Ăn thua lỡ rồi. Định thừa phải theo thừa. Thắp đèn lại đi. Trải chiếu ra. Ai còn đồng nào cho đặt hết. Dở cả “kè” nữa. Bất kỳ “mua bán” hay là “ăn có” chi cũng cho phép ráo. Như vậy mới là công bình chớ. Người ta thua, không cho người ta gỡ hay sao? Nếu còn ai nói chuyện hòa bình, còn ai diễn thuyết về cái hại của cờ bạc, còn ai vội vàng tắt đèn cuốn chiếu thì hết thảy con bạc họ vừa đi ra ngõ, vừa khạc nước miếng vừa nói: Đồ ăn lường nà! TÂN VIỆT Thần chung, Sài Gòn, s.295 (14.1.1930) (*) bản gốc là “phải cua”, ở đây sửa là “phải thua” vì ngờ là có lỗi in sai. GHEN TUÔNG LÀ CŨNG NGƯỜI TA THƯỜNG TÌNH! Ngày hôm qua Thần chung đã có thuật lại cái chuyện cô kia ngoài Bắc “vì thương con nên đến nỗi lụy chồng”. Trời ơi! Lụy một cách tôi tưởng cũng không lấy chi làm dễ ghét lắm, lấy làm lạ lắm. Song tôi chắc có nhiều người đọc qua cái chuyện ấy cũng cho là quái gở. Không quái gở chi hết. Cách mấy trăm năm xưa, tụi đàn ông mình cũng từng bày ra lắm chuyện chẳng khác chi chuyện mình mới hay đây. Bên Á châu, thì chữ “xuân” của ông chi đó. Còn bên Âu, thì ai đã từng vào viện tàng trân Cluny(*) lại chẳng thấy mấy dây nịt có ống khóa sắt kêu là giây “bảo trinh”. Tiếng tục Lang Sa có câu: “Trong mình người ta có con heo đương ngủ”. Chẳng phải riêng chi một việc trinh tiết của đàn bà đối với đàn ông, “trung tín” của đàn ông đối với đàn bà. Bất kỳ là việc chi mà loài người đã gọi là một cái “đức”, thì cũng cần phải có đồ bảo vệ. Bằng không, chẳng làm sao mà tránh cho khỏi “con heo trong mình” nó thức dậy. Có khi e cũng vì quá thạo nhơn tình, mà triều đình An Nam ta ngày xưa có bày ra một thứ lương bổng riêng gọi là tiền “dưỡng liêm”. Cô Bắc kỳ kia quả là người thạo nhơn tình thế thái mà lại thêm thuộc lịch sử. Mấy cái hòa ước của nước này ký với nước nọ mà người ta còn coi như “tờ giấy lộn” thay, huống chi là mảnh giấy cam đoan của lão chồng hứa rằng chịu giữ trung tín với vợ. Song tôi chỉ lo cho cô đó một điều, là rủi như may khỏi bịnh, thì ôi chào chà! mới ăn làm sao nói làm sao bây giờ? Hay là rồi lại ôm chồng mà sửa câu thơ cổ: “Có chồng ai dễ sống chi lâu!” TÂN VIỆT Thần chung, Sài Gòn, s.296 (15.1.1930) (*) Cluny: tên tu viện từng dẫn đầu phong trào cải cách trong Giáo hội công giáo (catholique) từ cuối thế kỷ X đầu thế kỷ XI. AI MUỐN SỐNG HAI SÁU MƯƠI? Chánh phủ mới gởi châu tri cho các báo hay rằng chừng tới trung tuần tháng Février, thì ông lương y Voronoff sẽ đến Sài Gòn. Ông Voronoff là một ông lương y có cái ý tưởng lạ thường, từ mấy năm nay, cứ bo bo lo kiếm cho ra thứ thuốc trường sanh bất tử. Vả như lời Đức Chúa Giêsu đã dạy: “Ai kiếm, thì sẽ gặp”. Ông Voronoff gặp. Ông ta tìm ra thứ thuốc, chưa chắc là trường sanh, song cũng có thể nói như tục ngữ An Nam: “Nối tóc sống hai sáu mươi”. Cái nguyên lý của phương thuốc ấy như thế nầy: Tinh lực người ta đều ở nơi hai bộ thận. Vậy muốn cho người đặng sống lâu hơn thường, thì không có chi hay hơn là bỏ bộ thận cũ mà đổi bộ thận mới vào, làm như lối tiếp mộc, bắt cây nầy tiếp qua cây kia mà làm cho cái cây tiếp thêm mạnh. Đó là lý. Nhưng đến lúc thật hành, thì lại cần phải kiếm ra bộ thận. Ông Voronoff lại nghĩ: Chỉ duy có khỉ là giống người hơn hết, thôi khỉ được rồi. Mà nghĩ vậy thật nhằm. Chẳng phải khỉ là con thú giống người hơn hết mà lại người tức là khỉ. Song tôi chỉ trách Voronoff tiên sanh một điều, là không quan sát cho kỹ. Chắc chi người hơn khỉ mà lại làm cho khỉ chết đặng giúp người sống thêm? Thôi, cũng bỏ điều đó đi. Nói ra người ta giận. Tôi nói cái phương thuốc ông Voronoff nghe nói thi hành bên kia đã có ít nhiều hiệu quả. Chánh vua Guillaume cũng đã để cho ông Voronoff “tiếp thận” rồi. Ấy vậy mà chuyến nầy qua đây, sao lại chỉ tinh thí nghiệm thú vật mà thôi, chớ trong tờ thông tư không thấy nói chi đến người hết? Hay là, tuy chưa hề qua Viễn Đông chớ ông Voronoff cũng đã thạo biết người An Nam mình rồi? Phải. Khôn thiệt. Không nói đến người khôn thiệt! Ở xứ nầy đây, sống theo lệ thường mà coi đã chịu hết muốn nổi rồi, huống chi là nghe theo lương y Voronoff mà sống hai sáu mươi, thì khổ biết bao nhiêu mà nói! TÂN VIỆT Thần chung, Sài Gòn, s.297 (16.1.1930) ÔNG CLÉMENCEAU VỚI PHỤ NỮ Sau khi ông Clémenceau(*) tạ thế, một bạn đồng nghiệp có bài nói rằng: Ông Clémenceau chết, có trối lại đừng cho đàn bà lại gần di thể ông; rồi nói thêm rằng: Không biết báo Phụ nữ tân văn đối với tin ấy sẽ có cái cảm tưởng thế nào. Phụ nữ tân văn dè dặt lắm, không vội trả lời; mãi đến số 37 mới ra đây, mới nói đến chuyện ấy. Phụ nữ tân văn nhắc lại đầu đuôi rồi dịch luôn tờ di chúc của ông Clémenceau làm ngày 28 Mars 1929 mà đăng lên báo, để tỏ ra rằng trong di chúc của “Cọp già” nguyên không hề có câu nói về sự cấm đàn bà lại gần. Theo Tân Việt thì trong tờ di chúc của ông Clémenceau, chẳng những không có ý ác cảm với đàn bà, mà lại, đối với đàn bà ông vẫn có tình đượm đà lắm cho đến chết. Theo lời di chúc ông, ông có dặn liệm theo cho ông một cây gậy nạm sắt, một cái hộp nhỏ có bọc da dê, một cuốn sách nhỏ, lại hai bó hoa khô. Trong các vật đó, chỉ cuốn sách nhỏ, ông có nói rõ rằng chính tay mẹ ông đã lấy mà để vào trong hộp, cho nên ông quý lắm; thế thì đủ biết ông đối với đàn bà có cảm tình lắm, vì mẹ ông là đàn bà, không phải đàn ông. Còn cái vật kia, tuy ông không nói rõ, song Tân Việt biết rằng đều là của đàn bà tặng ông hết. Cây gậy nạm sắt của người cô họ ông tặng ông, cái hộp da dê của người em gái ông; sau hết, hai bó hoa của mấy người tình nhơn ông đưa cho ông làm kỷ niệm trong trận đánh Verdun hồi Âu chiến, vật đã mười năm nay mà ông còn giữ. Nếu có ai hỏi Tân Việt thấy những sự tích nầy ở đâu thì xin trả lời rằng: Hễ bạn đồng nghiệp thấy cái tờ di chúc nói cấm đàn bà ở đâu, thì Tân Việt thấy những sự tích nói trên nầy ở đó. TÂN VIỆT Thần chung, Sài Gòn, s.298 (17.1.1930) (*) George Clémenceau (1841-1929) chính khách, cựu thủ tướng (1906-09; 1917 – 20) Cộng hòa Pháp. CÁCH XƯNG HÔ CỦA NGƯỜI MÌNH Cách xưng hô của người mình hiện có thuở nay, thật là phiền phức quá. Phải tuỳ từng đấng bậc, đáng ông kêu ông, đáng thầy kêu thầy, đáng anh kêu anh, đáng chú kêu chú, nói ra không hết được, vì có nhiều cách và nhiều ý quá. Nay tôi chỉ nói sơ về đối với nhân vật hiện thời cùng nhân vật lịch sử, ta nên xưng hô thế nào. Ý tôi cốt muốn tìm một điều thông dụng cho tiện lợi trong khi hành văn. Đối với nhân vật đương thời, tôi tưởng ta nên dùng một tiếng “ông” mà kêu, là tiện hơn hết. Tiếng “ông” của ta đó cũng tức như tiếng “monsieur” của Pháp, và tiếng “tiên sanh” của Tàu. Sự xưng hô nó biểu lộ ra cái tinh thần của một dân tộc. Cách xưng hô trong tiếng ta sở dĩ chia ra nhiều thứ là tại xã hội ta trọng về giai cấp quá. Nay chúng ta muốn cho trong xã hội ta có cái tinh thần bình đẳng thì ta phải bỏ bớt đi mà dùng lấy một tiếng, tức là tiếng “ông” nói trên đó. Cái tiếng “ngài” có vẻ quý tộc, nghe khó chịu quá? Nó cũng như tiếng “Seigneur” của Pháp và “đại nhân” của Tàu. Sau khi Pháp và Tàu lập nền dân chủ thì đã bỏ hai chữ ấy không đem dùng trong lối xưng hô nữa; nếu ta muốn bắt chước họ thì ta cũng phải bỏ tiếng “Ngài” của ta. Còn đối với nhân vật trong lịch sử thì sao ta lại còn xưng những tiếng “ông” tiếng “đức” làm chi cho lôi thôi? Tôi đọc cuốn Việt Nam sử lược của ông Trần Trọng Kim, tôi phục lắm; nhưng có một điều ông ấy hay dùng những chữ “ông” chữ “đức” thành ra nhiều chỗ ngô nghê, lấy làm khó chịu. Tiếng nước nào cũng vậy, về nhân vật trong lịch sử, người ta đều kêu một cái tên trần mà thôi: Khổng Tử kêu Khổng Tử; Văn Vương kêu Văn Vương; Bá Di kêu Bá Di; ta làm sao lại thêm chữ “đức”, chữ “vua”, chữ “ông” vào làm chi cho phiền? Nhứt là về sử học mà lại theo cái lối xưng hô của ta thì thiệt là trái với phương pháp học vấn đời nay. Bởi vì theo lối khách quan bây giờ, nhứt thiết phải dùng khách quan mà nghiên cứu. Nếu mình còn theo lối xưng hô ấy thì trong đó có hàm cái ý chủ quan rồi, thật là không tiện lắm vậy. Do các lẽ trên đó, về sự xưng hô, tôi chủ trương rằng, đối với nhân vật hiện thời nên dùng một chữ “ông”, đối với nhân vật lịch sử thì xưng cái tên trổng mà thôi. TÂN VIỆT Thần chung, Sài Gòn, s.299 (18.1.1930) GIÀ, HÓA RA CON NÍT Một nhà khoa học trứ danh tên là Wosky, người nước Pologne mà nhập tịch nước Mỹ, mới phát mình ra một cái thuật “phản lão hoàn đồng”, nghĩa là làm cho người già trẻ trở lại. Ông ta nói rằng: Người ta sanh ra đời nay, có nhiều cái làm cho hao tinh lực mà phải mau già, tức như cầm máy xe hơi, nói chuyện bằng điện thoại, coi chớp bóng, tuy không mệt nhọc gì lắm mà thiệt là giảm sức khỏe một cách vô hình, cho nên mau già là phải. Rồi ông ta mới tìm cách làm cho cái sức đã suy kém ấy được hồi phục lại. Cách ấy tức là dùng máu của người trẻ thụt vào trong huyết quản của người già. Lần thứ nhứt ông ta thí nghiệm bằng loài vật ở tại Paris trong năm 1922. Dùng một con ngựa già 24 tuổi, một con dê 13 tuổi và một con chó 14 tuổi. Con ngựa cái 24 tuổi ấy đã gầy còm chết, ông ta lấy máu của con ngựa cái hai tuổi mà thụt cho, làm 16 lần như vậy thì thấy con ngựa già mạnh lần lên và kéo xe được, nó lại sống cho đến năm 1927 mà chưa chết. Con dê cái 13 tuổi cũng dùng phép ấy mà nó trở nên tơ lại, và năm sau thì đẻ con. Ông Wosky hiện có lập một y viện tại Paris, có nhiều người nhờ ông làm trẻ cho. Duy trong khi lấy huyết của người trẻ nào, phải được người ấy bằng lòng trước đã, sự đó hơi khéo một chút. Chính mình ông ta cũng đã thí nghiệm cách phản lão hoàn đồng ấy, nên tuổi đã cao rồi mà người còn trẻ măng. Hay được sự phát minh nầy, chắc có nhiều người mừng lắm và từ đây về sau khỏi than câu: “Cái già xồng xộc nó thì theo sau”. Riêng Tân Việt thì Tân Việt cũng mừng nhưng mừng theo lối khác. Bổn phận của Tân Việt là mỗi ngày phải viết một câu chuyện, viết hoài viết mãi chắc nó phải hết đi. Nếu có thuốc làm cho trẻ lại hoài ắt Tân Việt càng sẽ biết thêm chuyện nhiều để dâng cho quý độc giả. TÂN VIỆT Thần chung, Sài Gòn, s.300 (19 và 20.1.1930) HÈN CHI MÀ ĐẶT LÀ CÔNG YÊN Vừa rồi bên nước Espagne họ có bày ra một cái lễ “khánh niệm” thuốc lá. Hãng bào chế thuốc bên đó làm lễ truy điệu một người tử vì… thuốc lá. Nguyên đời xưa có một người Espagnol, tên Rodrigue de Ceres là bạn đồng hành của M.Colombo trong lúc đi tìm ra thế giới mới (tức là Mỹ châu bây giờ). Chừng về đến quê nhà, anh Rodrigue de Ceres lại cứ còn đeo theo thói cũ mà ngậm ống điếu. Rủi thay lúc bấy giờ người Âu châu chưa biết hút thuốc nghĩa là gì, nên thấy anh ta trong miệng phì những khói ra thì lại bảo trong mình anh ta có quỷ hiện. Tòa án của đạo thiên chúa (inquisition) bèn bắt anh ta mà giam vào ngục trót 10 năm trời, không cho hút thuốc nữa. Phải chi chúng ta có đủ quyền như họ hễ thấy ai miệng phì tinh những khói là bắt giam ngay thì tôi tưởng chẳng cần chi Hội liệt quốc phải phái người đi dạo. Song chắc không được. Vì hễ thấy khói mà chạy vào đặng bắt, thì đã dòm thấy hai chữ “công yên” lớn tướng nó cản ngay trước cửa. Công yên, nghĩa đen là khói của nhà nước. Khói nhà nước. Bắt nhà nước sao? Chỉ có chút đó trở ngại. Ấy vậy mà trái lại, thì ở đây nhiều khi mình từng thấy bất kỳ chuyện chi, mà hễ có khói là họ bắt. Vào nhà lượm được vài ba cuốn sách, ít tờ nhựt trình thì đã hô lên là cách mạng, cọng sản, thì có khác chi thấy khói thuốc mà hô quỷ hô ma ở đâu? . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . TÂN VIỆT Thần chung, Sài Gòn, s.301 (21.1.1930) LẠI CÓ CHẠY KINH ĐÀN, ĐỀ PHAN NỮA Ông Phạm Văn Ngỡi, thầy thuốc Sa Đec, gởi thiệp mời khắp lục châu đi xem cuộc chợ phiên Sa Đec. Nghe nói cuộc chơi nầy xưa nay chưa từng có. Tân Việt lật đật dở chương trình ra xem: “…, Hát bộ, hát cải lương, hát bóng, đánh võ An Nam, võ tây, thầy chùa chạy kinh đàn, đề phan, bóng múa và tâu rỗi(*), đề quây liên hình, bắn súng, đánh hồ, phóng lao…” Thật, xưa nay chưa từng có thật. Mà đến cái lối xào bần, thì mấy hàng trên đây cũng là một lối tuyệt diệu. Sao lại có chạy kinh đàn, đề phan nữa? Đã biết Phạm tiên sanh là người có cuộc vui đầy tháng trận cười quanh năm, lại thêm ăn ở không khác gì tây, nên chưa hề có dịp chi phải rước thầy chạy kinh đàn, đề phan. Song tôi tưởng trong hạt Sa Đec hay khắp cả lục tỉnh Nam kỳ cũng còn cả ngàn cả muôn cái nhà An Nam đương lấy việc chạy đàn, đề phan làm một cái nghi tiết trong mấy khi hiếu sự. Đem nghi tiết hiếu sự của người ra làm trò chơi của mình như thế có phải là ngạo mạn không? Có người thạo việc ở Sa Đéc nghe hỏi thì ngâm Kiều mà đáp: - “Thưa rằng chớ lấy làm chơi!” Người ta làm chay thiệt, ông nghĩ coi… - Thôi đừng nói việc riêng của người, không tốt. - Anh kỳ quá. Người ta nói một đàng, anh hiểu một ngả. Người ta nói làm chay thiệt, là vì năm nay anh em Sa Đéc mùa màng thất thoát nhiều lắm, bần dân đói rách, tình cảnh quá thê lương, nên ông Ngỡi mới bày ra cuộc làm chay tâu rỗi mà cầu trời khấn phật… - Ông ta thương dân Sa Đéc đến thế ru? - Trời ơi, anh quên sao chớ? Năm ngoái tây, cũng vì ông muốn cho Sa Đéc khỏi mang cái tiếng ổ cách mạng nên ông mới buộc mấy ông hương chức, đặt bàn hương án, mặc áo rộng xanh mà lạy mừng ông Nguyên soái… Ờ, ông ta không thương sao mà cũng lúc đó, mấy cái “nhà chưng đồ” của mấy ông cai, ông phó ông tinh chỉ có hai ba trăm chi đó… - Vậy sao? TÂN VIỆT Thần chung, Sài Gòn, s.302 (22.1.1930) (*) tâu rỗi: tâu gởi mà cứu ai, hoặc cho ai khỏi chết (theo H.T.Paulus Của: sđd.) đề phan: đề chữ trên lá cờ phướn. ĐƯA ÔNG TÁO Ông bữa hăm ba về Đế đình, Ngọc hoàng phán hỏi cứ làm thinh! Cuộc đời thay đổi vần xây thế, Có lạ chi mà khéo trớ trinh? Đó là thư của Tân Việt đưa ông Táo. Nhưng chờ ông đi khỏi rồi mới ấn hành ra. Vì sợ ổng về trển ổng tâu với Ngọc hoàng, Ngài lại bắt chước Toà binh ngày xưa mà bỏ tù mình về tội làm thơ dở. Nhưng nghĩ lại, thì ông Táo có về trển, làm thinh là phải hơn hết. Dưới thế gian nầy có chi lạ đâu mà tâu. Mạnh cũng cứ ăn hiếp yếu, giàu ỷ thế lấn nghèo, người quân tử thì phải chịu khốn nghèo, đứa tiểu nhơn lên xe xuống ngựa, đàn ông cứ thả mèo, đàn bà cứ ghen như chết….. Từ khi có thế gian đến nay, tôi tưởng loài người cũng chẳng có chi gọi là thay đổi. Nhưng về phần ông Táo thì chắc năm nay sẽ có hai chuyện khó, cần phải hỏi lại Ngọc hoàng. Điều thứ nhứt là trong nước An Nam ta phong phanh chia ra làm ba cõi, mỗi cõi sẽ nói một thứ tiếng riêng(*), thì chắc trên trời cũng phải chia ông Táo ra làm ba địa phận, phải học tiếng chuyên môn. Và từ rày về sau ông ở Bắc chẳng bao giờ được đổi vô Trung kỳ hay Nam kỳ, ông ở Nam, ở Trung cũng vậy. Vì đổi lộn xộn thì có nghe chi đâu mà mong làm report gởi về. Điều thứ nhì là nghe Tàu sắp bỏ Âm lịch. Nếu như họ bỏ thiệt, thì ông Táo biết ngày nào đâu mà về trời. Cần phải tâu với Ngọc hoàng coi thử Ngài có cho phép về bữa 23 Décembre không. Đó là việc chung và chuyện riêng của ông Táo. Còn phần Tân Việt: Ông nói hăm ba trở lại trời Ngọc hoàng có hỏi việc chi tôi. Nhớ tâu lẩn quẩn làm ăn vậy, Câu chuyện hằng ngày thiếu mãi thôi! TÂN VIỆT Thần chung, Sài Gòn, s.303 (23.1.1930) (*) Đây là tác giả nhắc đến những tranh luận đang diễn ra trên báo Thần chung và một vài tờ báo khác ở Sài Gòn về việc dùng tiếng Việt; có một số ý kiến cho là “tiếng Nam” khác “tiếng Bắc” và yêu cầu soạn sách dạy tiếng Việt riêng cho học trò tiểu học ở Nam kỳ. MƯỜI BẢY VIÊN ĐẠN MÀ CŨNG KHÔNG SAO Chẳng bao giờ ai lại ngờ rằng có đạn súng sáu mà vào trong tạng phủ con người cũng vô hại. Ấy vậy mà mới rồi đây tại thành Reims bên Pháp, Tòa có đem ra xử một vụ rất ly kỳ. Một chị đàn bà kia, bữa nọ, bởi ghen tuông sao không biết rồi lấy súng sáu nhắm ngay lưng chồng mà bắn. Chừng bị bắt giải về “bót”, ngồi như tuồng nghĩ chuyện mình làm mà ăn năn và sẵn hộp đạn đương còn ở trong mình, chị ta bèn lấy ra mà nuốt trộng luôn 17 viên một nghỉn.(*) Trong ý chị ta cũng nghĩ như mình rằng hễ đạn súng đã vào mình nhứt là vào đến tạng phủ thì phải chết. Chớ chị ta có ngờ đâu đến 17 viên mà cũng vẫn còn sống. Nghe nói anh chồng nay cũng đã mạnh và cũng đã trở về hú hí với chị ta như cũ. Anh đó gan thiệt! Không biết nhiều khi đương ngồi với vợ, anh ta có giựt mình mà nhớ đến 17 viên đạn trong lòng chị ta không? Ừ, gan thiệt! chớ phải chi nhằm Tân Việt, thì chắc e mỗi phút mỗi giựt mình, biết nó nổ “bất tử” lúc nào mà tránh. Tân Việt cũng đã thường thấy lắm người chưa hề nuốt đạn, mà cũng có dịp làm cho nó nổ thình lình, mình không biết đâu mà tránh. Huống chi chị nầy đây sẵn có 17 viên trong ruột. Mà nghĩ rồi cũng buồn cười. Đạn vào mình thì chết. Chớ có ai ngờ đâu cả 17 viên chun vào tạng phủ mà cũng cứ sống tràn. Chuyện ở đời thường khi giống như 17 viên đạn kia hay là chị đàn bà nọ. Mà đời cũng vẫn cứ tưởng là khôn. Tân Việt cũng vậy. TÂN VIỆT Thần chung, Sài Gòn, s.304 (24.1.1930) (*) một nghỉn: một hơi, một mạch (theo Đặng Thanh Hòa: Từ điển phương ngữ tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng, 2005). CÁI “MOA” Tết thì phải chúc. Nhưng chúc theo cái lối chuyên môn của Tân Việt, thì Tân Việt phải chịu bó tay. Vì cụ Tú Xương đã dành hết rồi. Nếu lục lại mấy bài thơ “chúc giàu”, “chúc sang” của cụ Tú vào đây, thì chắc e độc giả sẽ lại đường Filíppini mà biểu trả năm xu lại. Vì vậy nên Tân Việt không chúc. Huống chi Tân Việt sợ e cái lễ Nguyên đán nầy chỉ còn năm nay là hết. Vì tết thời chưa tới, mà Tân Việt đã nghe lắm người sắp dở vấn đề Âm lịch, Dương lịch ra mà biện bác lại. Âm lịch phải, mà Dương lịch cũng phải. Ai theo Âm lịch thì được ăn bánh tét, ai theo Dương lịch thì xực “bòn bon”. Tân Việt tưởng cũng vô hại. Huống chi trong nghề làm báo mỗi năm thường có cái mùa mà chư quý đồng nghiệp bên Pháp họ thường hay kêu là “mùa chết”. “Mùa chết” biết lấy chi đặng trám cho vừa cột báo, nên bên họ, thì họ bày ra thứ “rắn biển”: “Bề dài, dài bây dài vầy. Còn bề ngang… bề ngang… ùa ua giựt vừa, chớ giựt làm con rắn tao vuông còn gì chơi!” Bên mình có Âm lịch, Dương lịch. Tân Việt nói chơi, xin chư quý đồng nghiệp đừng giận. Tân Việt cũng biết dùng Dương lịch có nhiều điều lợi, thứ nhứt là để ghi chép những sự lớn lao trong lịch sử cho thích hợp với đời nay. Tàu họ tính vậy là phải lắm. Từ đây về sau trong nước Tàu chắc sẽ xảy ra nhiều sự lớn lao làm cho rúng động cả thế giới, nếu cứ dùng Âm lịch, thì bất tiện cho sự biên chép. Mình theo Tàu cũng như ông Darwin nói người ta con cháu của khỉ, nên hễ Tàu làm chi mình bắt chước nấy. Hồi trước Tàu dùng Âm lịch, mình Âm lịch; bây giờ, Tàu Dương lịch, mình, Dương lịch chớ sao? Nói vậy Tân Việt chịu lắm, bỏ thăm luôn hai tay. Chớ nếu có ai bảo rằng: An Nam mình cũng nên theo Dương lịch để tiện chép chuyện lớn lao trong nước của mình, thì Tân Việt nhứt định xin lỗi với họ mà nhắc cho họ nhớ câu tục ngữ Lang Sa: “Đừng có để cày ra trước con bò”. Trước khi bỏ Âm lịch dùng Dương lịch để cho tiện sự biên chép sử sách, thì phải tính coi rồi đây mình có sẽ làm chuyện chi đáng chép không đã… Mà không sao, Tân Việt dòm xem bên phái Dương lịch có thiếu chi anh hùng họ sẽ làm lắm chuyện đáng ghi chép. Lo chi chuyện ấy mà lo? Tân Việt chỉ còn ngại có một điều. Ngại cho người Tàu – là nếu như họ dùng Dương lịch, thì họ sẽ chia năm ra 12 cái gì? Vì chữ “nguyệt” là bởi âm lịch tính theo mặt trăng. Nay tính năm theo năm mặt trời, thì dùng “nguyệt” nữa sao đặng? Hay là họ lại kêu là cái “moa”(*)? mình cũng bắt chước mà kêu theo, lại thêm ra một tiếng đồng âm nữa “việc moa nầy túng quá!” - Vậy thời như Tây chớ sao? TÂN VIỆT Thần chung, Sài Gòn, s.305 (28.1.1930) (*) Tiếng Pháp: moi: tôi; mois: tháng; nhưng đều đọc là “moa”; vì vậy có thể xem là từ đồng âm. MẤY CHỤC NĂM NỮA, THÌ AN NAM MÌNH BỎ TỤC ĂN TẾT? Trong số báo tết của Thần chung, vì Tân Việt thấy một ít ông bạn đồng nghiệp cổ động biểu bỏ tết, nên sợ mà nói rằng: “E khi cái tết năm nay là cái tết chót”. Ấy vậy mà tết qua rồi, thì Tân Việt nghĩ e còn trên 21 triệu năm nữa, người mình mới hết ăn tết. Đừng tưởng nói chơi, cái số năm ấy là Tân Việt đã cứ theo phương pháp khoa học mà tính đành rành lắm đa! Tết vừa rồi, tuy là cổ động bỏ tết, chớ các báo cũng cứ nghỉ như mọi năm thường, nghỉ đến rạng mặt mùng sáu mới bắt đầu làm việc. Hỏi ra mới biết là bởi ấn công không chịu đi làm bữa mùng năm, ngày xấu. Nếu chiếu vậy mà bàn, thì hiện nay bài cổ động vẫn còn chưa ảnh hưởng đến ấn công là hạng người gần mấy tòa báo hơn hết. Thế thời bao giờ mới phổ cập đến người trong nước? Mà thôi, tục ngữ Lang Sa có câu: “Chẳng ai thánh thần đặng với người trong xứ của mình”. Ấn công là người trong làng báo, thì chắc cũng theo cái lệ ấy. Và bởi vậy nên Tân Việt không chịu lấy số ấn công mà tính. May đâu lại gặp đặng ông bạn đồng nghiệp, người chủ động việc bỏ âm lịch, bỏ ăn tết. Tối mùng một ông ra đường lù dù đi ăn tết. Tân Việt hỏi: - Ủa, anh cũng ăn tết sao? - Một năm nữa, qua sang năm [. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . ](*) “Đặng lời như cởi tấm lòng”, Tân Việt mới rủ ông ta cùng đi đánh chén mà thưởng xuân. Khuya về nằm nghĩ mà mừng thầm: “Ừ, nếu như theo kiểu này đây thì còn hơn 21 triệu năm nữa, An Nam mình mới bỏ mất cái tục tết mà theo hẳn Dương lịch!” Thật thế, chánh ngay người chủ động cái thuyết bỏ tết cũng còn cần phải đến 1 năm nữa mới thi hành. Huống chi là kẻ khác. Và theo sổ biên kê vừa rồi, dân An Nam mình ngày nay đông trên 21 triệu, mỗi năm chỉ hóa đặng có một người là mau nhứt, thì có phải là trên 21 triệu năm nữa cái cuộc cổ động bỏ tết mới có kết quả chăng? Mấy ông bạn mình họ bền chí thiệt. TÂN VIỆT Thần chung, Sài Gòn, s.306 (5.2.1930) (*) bản chụp mất 1 dòng, chừng 7-8 từ. ÂN TÌNH NẶNG! Chuyện Huê kỳ. Cô nọ bị người tình nhơn hứa cưới rồi lại bỏ không giữ lời, tức ra Tòa kiện. Anh chàng ta như tuồng cũng muốn tính cho êm việc nên xin Tòa chịu bồi thường hai trăm đồng bạc sở tổn. Cô ta nghe nói đến hai trăm, thì ra dáng giận dữ tức tối, đứng giữa Tòa mà la lớn lên rằng: “Trời ôi! cái ân tình của tôi đau đớn như thế nầy, tôi đã chảy hết biết bao nhiêu tạ nước mắt mà chỉ tính có 200 đồng mà thôi. Đau đớn cái lòng tôi lắm… thôi thì trả cho tôi … 300 đi là xong việc!” Chắc nghe chuyện nầy, sao cũng có nhiều người liệng hộp phấn xuống mà trề môi: Cái ân tình quái gở! Nhưng, than ôi! xét lại cho kỹ, thì có cái ân tình nào mà chẳng tính ra bằng một số bạc. Ân tình đời nay! Mà đời xưa như tuồng cũng thế. Tôi nhớ lúc còn nhỏ, nằm gần cạnh nhà người bà con, đêm khuya canh vắng, nghe tiếng một chú chàng kia đi lại to nhỏ với chị vú nọ, rồi nghe lời: “Như anh có thương tôi, thì tính cho xong đứa con dại…”. Có bấy nhiêu mà tiếng giày nhẹ nhẹ sẽ lén đi ra, không nghe nói thêm chi nữa. Tôi nghĩ buồn cười, làm càn một bài thơ: Nghe nuôi con dại khối tình tan! Trách trước sao không nói rõ ràng? Bợ ngợ nửa đường lui tới khó Một mình chưa rựa khéo đa mang! TÂN VIỆT Thần chung, Sài Gòn, s.307 (6.2.1930) MẶT TRỜI KHÔNG NÓNG Hiện nay có một nhà khoa học trứ danh Dauville W.Strarett đã xướng lên cái thuyết: Mặt trời không nóng. Chẳng phải là nói vậy mà không bằng cớ gì, vì Strarett tiên sanh đã trải mười năm khó nhọc mới phát minh đặng điều ấy. Tiên sanh đã tìm ra nhiều lẽ chứng nghiệm rõ ràng rằng mặt trời không có khí nóng. Nội trong các lẽ chứng nghiệm ấy thì có mấy điều sau đây là dễ hiểu hơn hết: 1 - Lấy một miếng nước đá, một mảnh giấy nhựt trình, để nước đá nằm trên giấy rồi lấy cái kiếng hiển vi dọi bóng mặt trời vào thì tuy là giấy cháy, chớ nước đá không tan. 2 – Người ta cỡi máy bay, bay lên cao, cao chừng nào lại gặp lạnh chừng nấy. Nếu quả như mặt trời mà có chất nóng, thì cao chừng nào nóng thêm chừng nấy, chớ sao lại lạnh? 3 – Cái ánh sáng của mặt trời cứ trển dọi cho thấu đến trái đất, tất phải trải qua mấy ngàn muôn ánh lý và trải qua nhiều chỗ lạnh dưới zéro bốn năm trăm độ, thì dầu cho chất nóng có cao đến đâu mà đã trải qua chỗ lạnh như thế tất cũng phải tiêu mất hết. Bởi các lẽ đó nên tiên sanh Dauvill W.Strarett mới đoán rằng cái ánh mặt trời xuống đến đây mà sanh ra chất nóng là do bởi không khí mà sanh ra. Thế nên nơi nào không khí nóng nhiều thì ánh mặt trời mới nóng hơn nơi khác. Cái thuyết mặt trời không nóng là như vậy đó. Chẳng biết rồi đây các nhà khoa học khác có chịu theo như vậy không. Chỉ có một điều mà Tân Việt muốn nói với anh em là ở đời nầy chẳng có chi đáng gọi là chắc, đáng cho là định luật. Mặt trời thiệt kia mà cũng có lúc người ta biết là không nóng, huống chi mấy cái mặt trời giả ở xứ nầy: dầu cho có hầm hét cho ra lửa ra than, thì bất quá cũng là một lúc, rồi ra nguội ngắt, chẳng còn chút hơi hám gì… Ở đời chẳng có chi chắc. Chỉ có câu “ở đời chẳng chi chắc” là chắc mà thôi. TÂN VIỆT Thần chung, Sài Gòn, s.308 (7.2.1930) 80 TUỔI VẪN CÒN THI ĐẸP! Mới rồi ở Nottingham người ta có bày ra một cuộc thi sắc đẹp rất lạ lùng: người đoạt giải khôi nguyên là Maria Wite… Nhưng tiếc rằng cô ta năm nay mới có 82 tuổi! Trong cuộc thi sắc đẹp ở Nottingham chỉ có những người đàn bà nào hơn lục tuần mới được đến dự; lại còn phải điểm trang theo tuổi mình! Già gần cúp bình thiếc mà còn lịch sự, chớ sao! Song nghĩ cho kỹ lại, cái đẹp nào phải cái của riêng của chị em đương còn mơn mởn đào tơ đâu… Hạc phát đồng nhơn, già cũng có khi xuân sắc còn phơi phới. Mỗi cái tuổi có cái đẹp riêng, dường như Trời dành để cho mỗi người mỗi vẻ vậy, tùy theo phong tục và xứ sở. Tân Việt không biết nếu đem cô Tây Thi của Tàu, cùng cô Hélène của người Hy Lạp đấu xảo với các chị em Âu Mỹ bây giờ, hai người mỹ nhân ấy có đoạt được giải nhứt hay chăng, có thể được thiên hạ cho là đẹp hay chăng. Cái đẹp của đàn bà cũng như các cái khác ở đời, cũng ở trong cái lệ tương đối. Ông Trang Tử như tuồng có nói: Sắc người cho là đẹp mà cá thấy cá cứ chìm, nhạn thấy nhạn cứ sa. Thế cũng là cái lệ tương đối, cho đến lời ông Trang Tử như vậy mà bây giờ trong thi văn hễ nói đến mỹ nhơn lại dùng chữ “trầm ngư lạc nhạn” mà cho là tuyệt sắc. Đó cũng là tương đối nữa. Song trong câu chuyện nầy chỉ có điều chúng ta nên chú ý là chỉ ở Huê Kỳ mới có kẻ bày ra cái cuộc thi dị hợm như thế và cũng chỉ ở Huê Kỳ mới có một bà lão lụm cụm son phấn đi đến mà thi. Nói thì mích lòng, chớ họ nhí nhảnh thiệt! TÂN VIỆT Thần chung, Sài Gòn, s.309 (8.2.1930) NGHE NGƯỜI KHUA THỚT Hôm qua, Tân Việt đương mơ màng giấc trưa, thấy mình quần áo ka ki hẳn hoi, đeo kiếng đen, xách súng hai lòng, sửa soạn ra đi thám hiểm ở Phú Riềng. Mới bước chơn ra khỏi cửa, bỗng nghe ở hàng xóm có tiếng dao thớt động lên, êm ái diệu dàng quá. Rồi mùi thơm ở đâu lại theo tiếng ấy bay phưng phức trước mũi mình. Bụng bảo dạ rằng: “Chém chết, làm bề gì ngày nay cũng có anh bốn Huế mời đi ăn giỗ. Gặp dịp biết chừng nào!” Chẳng ngờ lúc vừa mở mắt tỉnh ra thì nghe ở ngoài có tiếng gõ cửa. - Ai đó? - Tôi. - Tôi là ai? Anh đi thơ trao lại cho mình miếng giấy hường hường, trên thấy đề rõ ràng bốn chữ: Đóng giấy thuế thân. Không biết anh nào chơi cắc cớ, dưới mấy chữ ấy có gạnh con số 20 % đành rành, lớn xộn bằng cái khu tô(*). - Cái gì mà 20 %? Tân Việt ngồi gãi đầu một chặp lâu, suy đi nghĩ lại kiếm không ra mối, vừa muốn vò mảnh giấy ấy cho rảnh, bỗng nghe có tiếng xe hơi Delage chạy vụt trước cửa, trông ra thấy ông Tây ở bên mình đi “hầu”. - À phải rồi! Năm nay quan lại Tây xin tăng lương thêm 20 % mình sao mau quên như thế nầy? Họ xin ăn lên, Nhà nước nói: “Các ông ơi! Sổ công nho năm nay có dư 1.500.000 đồng mà thôi, mấy anh em xài đỡ bao nhiêu đó, sau rồi sẽ hay.” - Trời ôi! Có được đâu. Chúng tôi coi ích lợi chung trọng hơn ích lợi riêng, nhưng giá bạc sụt, cuộc sanh hoạt mắc mỏ, chúng tôi chịu làm sao được, không khỏi nứt da bây giờ! - Thôi…. - Không thôi gì hết thảy. Phải lên 20 % mà thôi. Té ra tiếng khua thớt trên kia là tiếng của ai đâu, còn người đi ăn giỗ nào phải anh Tân Việt nầy. Lúc nầy trời nắng gắt, ráng nuốt nước miếng cũng đã khát mà! TÂN VIỆT Thần chung, Sài Gòn, s.310 (9 và 10.1.1930) (*) khu tô: chân (đế, đít) bát. ĐỪNG NÓI “CHÚNG NÓ” KHÔNG BIẾT MẮC CỠ! Tân Việt bữa nay xin phép dùng tiếng xưng hô theo mẹo tây cho rõ chuyện. - Chúng nó là ai? - Mấy cậu trai mới đi hỏi vợ lần đầu chớ ai! - Đừng nói như vậy mà mích lòng thiên hạ. - Mấy cô con gái chưa… - Lại càng mích lòng hơn nữa. - Chớ ai? - Giỏi đoán thử coi! Một trăm ngàn. Chưa đặng hay sao? Để Tân Việt nói phứt cho mà nghe: Chúng nó là mấy con thú bị chúng đánh bẫy. - Thú mà mắc cỡ giống gì? Ấy, mình cứ tưởng như vậy hoài nên lầm lắm, “Bọn anh em hạ đẳng” nào có khác mình đâu. Nên chi mới rồi tờ hoạ báo London News có thuật lời nói của một nhà đi săn bắn đại tài rằng: “Sự thấy một con thú dữ như con sư tử, con gấm mới bị bắt nằm trong rọ thật là say sưa vô cùng! Cái giận của nó dữ tợn và hùng dõng lắm. Nhưng, cái cảm giác đầu của chúng nó khi mới bị mắc vào bẫy là… sự mắc cỡ. Mắc cỡ sao để chúng lường gạt mình… Rồi mới quyết chí chống cự, trả thù. Về sau mới biết sợ sệt”. Nghĩa là cái tâm lý của bọn mãnh thú ở Ấn Độ, ở Phi châu cũng biết xét đến chỗ thua trí người mà thẹn. Cái tâm lý này trái hẳn với tâm lý của bọn đười ươi ở nước Thục xưa kia thay! Giống đười ươi nầy có tánh thích uống rượu, ham đi guốc, mà lại biết nói chẳng khác giống người chút nào. Máu chúng nó dùng để nhuộm mùi không khi nào phai, nên người ta hay gạt bắt nó lắm. Ban đầu chúng nó còn bảo nhau rằng: “Ta đừng có mắc mưu loài khốn nạn chực hại mình". Nhưng sau lại rủ nhau chăm chút nếm rượu, nếm thét, say ngà, đút chơn vào guốc mà đi… bị chúng nắm đầu cả. Than ôi! Chuyện thú vật với chuyện người… TÂN VIỆT Thần chung, Sài Gòn, s.311 (11.2.1930) CŨNG LÀ MỘT CÁCH ĐỌC BÁO… Ở Huê Kỳ (cũng là Huê Kỳ nữa!) có người tên Golsmid mới kiếm ra một cách đọc báo lợi hơn cách nào hết. Tân Việt đố ai biết anh ta đọc cái gì. - Tiểu thuyết? - Không. - Thời sự? - Không. - Xã thuyết? Không, chi cũng không. Anh ta chỉ đọc mấy cái ai tín(*) mà thôi. Vậy mà buổi mai, buổi chiều, bữa nào anh ta cũng mua đủ thứ nhựt trình mà lựa mấy cái ai tín đặng đọc. Đọc ai tín có lợi. Vì hễ mỗi lần thấy tên chết, thì anh ta liền viết một bức thơ gởi theo một món đồ chi chạ chạ giá chừng vài đồng mà nói trong thơ rằng: “Hôm trước tôi tiếp đặng thơ ông mua đồ mà vì bận công việc nhiều quá nên không gởi gấp đặng. Vậy nay tôi kính xin gởi món đồ ông mua đến và xin ông nhận đồ rồi, thì gởi cho tôi một cái mandat 5 đồng, giá tiền món đồ ấy”. Ấy vậy nhà nào đương ở trong tang thứ mà tiếp được đồ của người mới qua đời mua mà chẳng nhận lấy di vật rồi trả tiền cho chú Golsmid mình. Golsmid làm mãi như vậy gần hai năm trời không thấy có điều chi trở ngại. Dè đâu một bữa kia lại trúng nhằm cái nhà mà người mới chết đó trước đã đau bại nằm ở nhà thương gần nửa năm trời. Thấy thơ người trong nhà lấy làm lạ kiện chú Golsmid ra Tòa mà làm cho bại lộ mưu gian. Túng chuyện, Tân Việt phải đem cái cách đọc báo nầy ra mà thuật cho chư độc giả yêu quý nghe. Song Tân Việt chỉ xin có một điều, là đừng bắt chước Golsmid, không phải là sợ bại lộ ra như chàng va, mà chỉ sợ ở Nam kỳ mình gởi đồ đi thì phải mất. Vì mỗi khi trong nhà có ai chết thì con cháu mắc dành tiền, dành của, dành gia tài, họ có nhớ chi đến người chết đâu mà phỏng gởi mandat cho Golsmid. TÂN VIỆT Thần chung, Sài Gòn, s.312 (12.2.1930) (*) ai tín: tin buồn. NHỮNG ĐIỀU TRÁI NGƯỢC Ai mới bước chơn vào rạp hát thành phố đều thấy những câu “Cấm hút thuốc” dán cùng tường. Cô nào cậu nào muốn hút thuốc thì phải ra cửa ngoài, bằng không ắt có một chú lính đến rầy sao phạm phép. Thế mà ai có ý một chút sao cũng thấy gần miếng giấy “Cấm hút thuốc” lại có lời rao khuyên người ta phải hút thuốc hiệu nầy hiệu nọ. Hồi Tân Việt còn học trường bổn quốc có một ông thầy dạy vệ sinh. Mỗi tuần ông đều mỗi đọc bài kể cái hại của rượu và thuốc lá. Thế mà học trò đứng gần ông đều nghe mùi rượu nặc nồng. Còn thuốc thì ông vừa dạy vừa nối điếu kia sang điếu nọ. Mới đây Tân Việt có dịp nói chuyện với một ông quan Lang Sa sở giáo huấn. Ông thuật rằng các quan Lang Sa đương xin tăng lương. Tăng là phải vì sự sanh hoạt càng bữa càng khó khăn. Với cái đời gạo châu củi quế nầy mà không xin tăng lương thì sống sao cho nổi. Tân Việt nghe ông nói cũng phải và nghĩ ông là người lớn trong ty liền thưa với ông rằng: Hiện nay anh em Tân Việt làm việc dưới quyền ông đông lắm. Để Tân Việt biểu anh em làm một cái đơn xin tăng lương theo như chủ, nhờ ông đệ hộ lên phủ Toàn quyền và để lời nói giúp, vì cái đời gạo châu củi quế chẳng phải riêng gì cho ai. Ông ngẫm nghĩ hồi lâu, sắc mặt có hơi khó và đáp rằng: “Xin anh khoan đã”. Đố ai hiểu tại sao? TÂN VIỆT Thần chung, Sài Gòn, s.313 (13.2.1930) TỐT TÊN LẮM CHUYỆN An Nam mình có tánh sợ “xấu háy” nên hễ hiếm hoi con thì lấy những tên tục tĩu để đặt cho con mình, mong sao con mình sống được là quý, sau nầy sẽ hay… Song đó là phần ít. Phần nhiều ai ai lại không muốn có một cái tên nghe cho thiệt kêu, nói cho thiệt sướng, đọc cho thiệt đẹp, hoặc để tỏ một điều mình mong mỏi riêng, hoặc để cầu một sự nguyện vọng chung. Tên người thường như thế, mà tên ấp, thôn, xã, làng, tỉnh, xứ, nước cũng như thế. Cái thuật đặt tên tốt, tưởng không dân tộc nào sánh bằng dân tộc An Nam và Tàu! Song, sau khi ra ở đời, do theo lẽ tấn hóa biến thiên trong tâm tánh người, và trong lịch sử một dân tộc, lắm khi cái tên ấy tốt bao nhiêu, lại sanh ra lắm chuyện xấu xa rắc rối bấy nhiêu… Ở xã hội ta, biết bao nhiêu người tên Nhơn, tên Ngỡi, tên Phước, tên Đức, tên… kể sao cho xiết! Nhưng đến lúc lăn lóc vào đời, Phú gì chẳng thấy, thấy nghèo chí tử; Phước, Đức chi chi chẳng thấy chi, thấy rán sành cho ra mỡ, bóp cổ chặn họng thiên hạ, nếu được làm quan; còn Nhơn, Ngỡi kia … bạc chẳng thua vôi, đen chẳng thua Chà; dành nhà dành cửa với bên vợ là khác! Đó là tên người. Còn cái tên đất đai, chỗ ở, xứ sở lại có lắm điều trớ trêu trái ngược hơn nữa. Đừng nói đâu xa, cứ lấy xứ An Nam mình mà đem ra trước. Tân Việt mời anh em chị em nghĩ coi từ nước ta có lịch sử đến giờ có chút chi gọi là an không? Nam tuy vẫn là Nam, song An, chẳng mấy khi an được, nhứt là về lúc thời kỳ cận đại Pháp Nam giao chiến với nhau. Ai không biết tên Thái Nguyên thật là êm như ngủ, thế mà có một lúc ông Darles còn cai trị thì có việc chi gọi là thái hay là nguyên được chăng? Đến nay, Yên Bái cũng vậy. Yên gì đâu mà lính tráng nườm nượp, súng nổ ầm ầm! Vòng vo tam quốc, nghĩ đến cái tên của thằng mình. Việt chi mà tân, nhiều khi túng chuyện, cũng phải cũ mèm như trái đất! TÂN VIỆT Thần chung, Sài Gòn, s.314 (14.2.1930) CÓ PHẢI Ở ÂU - MỸ MỚI THẤY CHĂNG? Viên đại sứ Mỹ ở Paris bây giờ là M.Walter E.Edge. Ông này lúc tuổi trẻ cũng hàn vi lắm, phải đi bán nhựt báo để kiếm ăn. Thế mà vì ông có trí kiên nhẫn, có nghị lực, nên chẳng bao lâu đã giàu có, một mình làm chủ mấy tờ báo, rồi làm đến tổng đốc một quận. Ngày nay ông đã được bầu nguyên lão nghị viên nước Hoa Kỳ và được quan thống lĩnh Hoover cử ông làm đại sứ ở nước Pháp. Tuy M.Edge ngày nay được vinh hoa phú quý đến tột bực rồi mà ông vẫn không lúc nào quên cái nghề bán nhựt báo. Vì vậy năm nào cũng thế, đến gần ngày tết, ông thiết một đại tiệc chỉ mời toàn người bán nhựt báo ở chỗ quận ông thôi. Năm nay ông đi sứ bên Pháp, các người làm nghề ấy đã tưởng tiệc kia sẽ triệt đi. Nhưng không, tuy ông ở bên đất Pháp mà trí ông vẫn nhớ đến anh em đồng nghệ nước nhà, nên hôm gần tết nguyên đán, ông có dặn người nhà thiết tiệc trong một nhà khách sạn lớn thành phố Nữu Ước. Hơn ba trăm người vừa đàn ông vừa đàn bà, ngày thường chạy vòng phố rao nhựt báo, hôm ấy đến dự tiệc của quan sứ thần. Trong khi đang ăn uống, thì tiếp được bức điện văn sau nầy của M.Edge tự Paris gởi về: “Tôi xin có lời chúc mừng các bạn làm nghề bán báo, sang năm mới 1930 được vạn sự như ý”. Một người tuyên đọc bức điện văn xong, cả từng ấy người dự tiệc đều vỗ tay hoan nghinh. Chắc hẳn lúc ấy tuy chẳng ai nói ra, nhưng trong bụng người nào là cũng chúc mừng thầm quan đại sứ ở đất Pháp. Chép chuyện như vậy, rồi quý đồng nghiệp Trung Bắc tân văn lại hỏi: “Giàu sang mà không quên nghề cũ, có lẽ duy chỉ ở Âu Mỹ mới thấy có chăng?” Quên nghề cũ cùng chăng, thật Tân Việt không biết. Song chỉ có một điều chắc là nghề nào chẳng nói làm chi, chớ nghề bán báo ở xứ nầy thật chẳng mong gì giàu sang và nhứt là làm đại sứ. Đừng nói bán, người viết báo, chủ nhiệm báo ở xứ mình cũng thế, cũng chỉ mong như Tân Việt, “luẩn quẩn làm ăn vậy”, thì có thế nào biết quên nghề cũ cùng không! TÂN VIỆT Thần chung, Sài Gòn, s.315 (15.2.1930) AI MUỐN VÔ HỘI CỦA TÂN VIỆT? Tân Việt không nhớ ông Tây triết nào nói rằng: “Người mạnh nhứt ở thế giới là người ở một mình mình”. Mình không biết ổng có chán đời, chán xã hội hay chăng, nên mới thốt ra câu ấy, song cứ do đó mà xét, ông Cụ nầy thật là người ghét đoàn tụ lắm. Đoàn tụ chừng nào thì chỉ cho người biết mình yếu chừng nấy, theo ý ổng chắc là như vậy đó. Nhưng có ông khác lại phản đối trước đã mấy ngàn năm nay. Ông nầy nói rằng: “Người là con vật ưa đoàn tụ hiệp quần”. Thế thì hai bên, ai muốn theo bên nào? Nói gì thì nói, cái đời nầy ở chông lông cheo leo có một mình mà làm gì cho nên chuyện. Nên ta cần phải lập hội lập hàng là trước nhứt. Ấy là ý kiến của vài ông thanh niên đương trù tính. Có người hỏi Tân Việt: “Anh muốn vô hội không? Tôi cười mà đáp: “Tôi chỉ lập một cái hội riêng mà thôi, cần chi phải xin vô hội khác tốn tiền vô ích. Hội Tân Việt lập ra đây xin ai đừng tưởng hội cọng sản, cọng sản hay là cách mạng cách mét gì. Hội nầy xin tạm đặt tên là: “Hội thằng ngu”. Muốn xin vào hội khỏi đóng tiền, nhưng phải y theo 2 điều nầy: 1 - nhận mình là người ngu mới được; 2 – đi hội phải ngậm thẻ nín thinh. Tam ngu thành hiền, mình lo chi hội mình không được ba anh em hoan nghinh! Còn cái làm thinh, để có dịp sẽ nói. Đều nói thì nói vậy, chớ cái hội của Tân Việt xướng ra ngày nay đây, chắc không ai thèm vô hết, rốt cuộc, chức Hội trưởng cho đến chức thơ ký và lon ton đều giao về cho mình hết! Được như vậy cũng rất lý thú thay! TÂN VIỆT Thần chung, Sài Gòn, s.316 (16 và 17.2.1930) CÀNG VĂN MINH LẮM CÀNG ĂN NĂN NHIỀU! “Ở dưới mặt trời nầy không có chi thay đổi” - ấy là câu tục ngữ để chỉ rằng trong thiên hạ bao giờ vẫn có bấy nhiêu điều trở đi rồi cứ trở lại như cũ. Nói thì nói thế, chớ ở đời nầy, biết bao nhiêu sự thay đổi xảy ra trong mỗi phút, mà tại con mắt ta eo hẹp không trông thấy kịp, nên mới cho thiên hạ vẫn còn đứng một chỗ như xưa. Loài người càng đông đúc bao nhiêu, văn minh cơ khí càng phát đạt bao nhiêu thì những sự thay đổi càng nhiều bấy nhiêu. Có sự thay đổi mình coi mình mừng, có sự thay đổi mình buồn mình sợ. Cái lòng người thay đổi ta nên liệt vào hạng sau nầy. Những điều thay đổi trong trời đất, người ta còn có thể nhờ máy mà đo được, chớ cái lòng người thay đổi biết lấy chi đo bây giờ! bao nhiêu, mà thay đổi bao nhiêu lại ăn năn bấy nhiêu. Mới đây, có một người thanh niên Mỹ nhơn đọc báo thấy lời rao của một cô hãy còn xuân xanh đương còn treo giá ngọc, nên mới tính thơ từ tỏ chút niềm tây. Cô thiếu nữ nầy qua lại Huê Kỳ cũng không thua anh thanh niên kia nên chẳng bao lâu, được lời như cởi tấm lòng, tuy chưa thấy mặt nhau mà đã đồng tâm thề nguyền cố kết. Ngặt nỗi đường sá cách xa, đi về bất tiện, biết làm sao cho loan phụng gần nhau bây giờ? Dòm đi dòm lại, kiếm quất quanh, không thấy chi khác hơn là cái máy giây thép nói ở trên bàn giấy mình. - Được lắm! Được lắm! Cần chi ai làm mai dong, chớ ông Thần Điện Thoại ở trước mặt mình đây chi? Allô! Allô! - Allô! Allô! - Phải mình đó chăng? - Phải. - Tôi thương mình lắm. Tôi định cưới mình. - Được. Ở bên kia giây, vài phút sau có một ông cố đạo đứng kề tai nghe hai người thanh niên thề nguyền, và để tỏ ít lời ban phép lành cho họ. Thế là cuộc hôn nhân đã xong. Ngày mai anh chồng mới cưới vợ - khỏi lề mề phiền phức như An Nam mình! - mới quay giây thép nói định chỗ hiệp mặt với vợ mình. Quần áo bảnh bao, nón giày bảnh lảnh, phen nầy quyết lên cho tận cung trăng. Nhưng đừng cho chị Nguyệt biết mặt mình mới phải là người cao trí… Khi đến chỗ hẹn hò, chàng thanh niên giả dạng khách du, vô thấy mặt vợ mình rồi, thì vội vàng, xách gói về tuốt! Bữa sau, anh ta quay giây thép nói xin … để vợ mình! TÂN VIỆT Thần chung, Sài Gòn, s.317 (18.2.1930) UỐNG RƯỢU HOÀI CŨNG SỐNG DAI ĐƯỢC VẬY! Chắc ông Fontaine khi mới đọc cái tựa câu chuyện hôm nay không khỏi vuốt râu vỗ bụng nhăn răng cười mơn mởn mà rằng: “Chà! anh Tân Việt ảnh biết điều quá chớ! Ảnh làm quảng cáo cho mình mà ảnh không đòi một xu nhỏ nào, thật tử tế vô ngần!” Thưa với Cụ, Tân Việt thuở nay không chơi với men, có đâu dám quen với Cụ. Tân Việt không có ý gì đi vay hỏi của Cụ đâu, nó có bao nhiêu ăn bấy nhiêu, miễn một ngày có một chuyện là đủ. Mà chuyện bữa nay lại nhằm ba anh em tên là Bako ở thành Budapest chớ chẳng phải nhằm thuốc nước của Công ty đâu! Ba anh em nầy đều sống dai lắm. Người anh cả được 108 tuổi rồi; người thứ hai, theo gần bén gót, chết được 103; còn ông thứ ba, còn măng hơn một chút: một trăm thiếu mười mà thôi. Có người lấy làm lạ nghi rằng ba anh em Bako được tiên truyền cái phép trường sanh bất tử, hay là nhờ rắn dạy cách lột da, hay là đi tắm suối de Jouvence (fontaine de Jouvence) nên mới được thọ đến thế. Nhưng ông thứ hai thú thật rằng ông mà được dẻo dai cho đến bây giờ là nhờ ông có điều độ lắm. Từ nhỏ tới lớn ông chẳng khi nào nếm một chút rượu. Trái lại, ông thứ ba nói rằng ông vẫn còn xuân mãi đây là nhờ ông uống hủy uống hoài, uống cho đến hũ chìm tĩn bể. Sau hết, ông anh cả, giữ cái đạo trung dung, hoà hiệp hai lẽ lại một, cho rằng say sưa là tật đáng tội, nhưng cứ kiêng cũng có hại cho sức mạnh mình. Người nào có lý thuyết người nấy, ai dễ nhịn ai; cái chỗ ăn thua biết lấy chi làm định lệ bây giờ? Không khó chi cả. Cá, ba anh em ta hãy đánh cá với nhau chơi. Muốn chứng cái thuật trường sanh của mình có y như lời, người em ắt phải sống đến 100 tuổi, còn người em thứ hai hãy sống đến 108 tuổi. Còn người anh cả? Chẳng nghe nói tới. Nhưng Tân Việt nghĩ nếu ông ta thấy hai em mình mà sống đến tuổi đánh cá rồi ông ta chắc vuốt râu, cười mà nói: Em hai cũng phải. Em ba không quấy chỗ nào. Song hai cái phải của hai em không bằng cái phải của anh đâu, vì cái phải của anh quý tại ở chỗ đạo trung dung vậy! Học già hão, mà uống cũng già hão!!! TÂN VIỆT Thần chung, Sài Gòn, s.318 (19.2.1930) XIN CHÁNH PHỦ DÙNG CHÁNH SÁCH VÕ LỰC Ậy, chẳng phải Tân Việt nầy xin đâu. Dầu Tân Việt mà có trung thành đến thế đi nữa, thì ai cũng tưởng Tân Việt nổi trào phúng, khôi hài chơi mà thôi. (Tòa kiểm duyệt bỏ một đoạn) Báo Courrier Saigonnais thì nhắc đến luật Gia Long, gặp những cuộc rối loạn như vậy, thì giết cả ba họ những tay cách mạng. Còn báo Impartial cứ kêu gào xin phạt bà con thân quyến, xin phạt làng xã, và phạt luôn cả quan lại nữa. Anh em nghe chưa? Phạt luôn cả quan lại. Quan lại thay mặt chánh phủ mà cai trị dân, nay xảy ra việc cách mạng trong tỉnh mình, mà phải mang tai bay hoạ gởi, như mình có sự dung dưỡng vậy. Khi nào người ta dựa vào quan lại như dựa vào cột đình để rọi ánh văn minh cùng khắp dân chúng, bây giờ có chút trái phá nổ, có chút máu rơi, thì báo Impartial chỉ ngay vào mặt mà rằng: “Tại các ông hơ hỏng(*) không chịu dò xét tình thế và dân tâm trong bổn huyện, bổn tỉnh rõ ràng, nên ngày nay mới sanh ra cuộc lưu huyết như vậy. Đã làm “phụ mẫu dân” thì con mắt phải soi cho cùng, trí phải giăng cho khắp, có đâu lơ đĩnh đến thế?” Tân Việt không phải binh chi mấy quan lớn mang bài ngà thẻ bạc nhưng nghĩ thật ức tình lắm thay! (Tòa kiểm duyệt bỏ) Báo Courrier Saigonnais và Impartial vì máu nóng mà kêu ca như thế, chớ Tân Việt tưởng Hội đồng đề hình, máy bay, súng liên thinh cũng đủ rồi, lựa là phải tru di tam tộc, lựa là phải phạt làng xóm quan viên. “Cái khôn khéo nhứt là cai trị không có võ lực”. Chánh phủ nào dùng võ lực thật là một sự bất đắc dĩ đó thôi. (Tòa kiểm duyệt bỏ một đoạn) Nói thì nói vậy thôi, chớ quan Toàn quyền là người thâm Hán học, lẽ nào không nhớ chuyện người đàn bà nước Tề, ngồi khóc ở núi Thái Sơn, ở trong Lễ ký hay sao? Người đàn bà ấy mất con, mất chồng, mất cha chồng, vì bị cọp ăn hết, thế mà không chịu bỏ chỗ ở mà đi, ngồi khóc mà thôi, có người hỏi thì trả lời rằng: “Tuy vậy, nhưng ở đây chánh sách quan trên không đến đỗi hà khắc như các nơi khác”. Cái lời nói của người đàn bà nầy không rõ quý đồng nghiệp Impartial và Courrier có hiểu chăng? TÂN VIỆT Thần chung, Sài Gòn, s.319 (20.2.1930) (*) hơ hỏng: lơ đễnh, không cẩn thận (theo Từ điển phương ngữ Nam Bộ. sđd.) SẮC PHỤC VÀ DÂN QUỐC Báo Saigon Républicain mới nhắc lại cái bộ đồ sắc phục của mấy ông thượng dưới đời Đế chế thứ hai bên Pháp mà nói rằng mấy ông thượng dân quốc đời nay vẫn còn mặc được thứ đồ sắc phục ấy, vì tờ chỉ dụ bày nó ra đến nay cũng chưa huỷ bỏ. Áo xanh, nút vàng, quần tơ trắng, chạy “lon” vàng, nón lông, gươm chạm lọng. Đẹp thiệt! Song chỉ có một điều mà người ta không chịu bận nữa là giá nó mắc quá. Có kẻ đã tính phỏng rẻ hơn hết là 8500 quan tiền tây. Tám trăm năm chục đồng đối với một ông thượng thơ nước Pháp, thì thật cũng không lấy chi làm mắc. Nhưng cứ theo cái kiểu thay đổi tòa nội các như đàn bà đẹp thay áo “chemise”, thì khó chịu lắm. Bên Pháp thường khi có tòa nội các chỉ nắm chánh quyền có hai ngày. Sắm bộ đó 8500 quan mà bận không được lần nào hết, thì mắc thiệt. Có khi cũng bởi sự thay đổi quá thường, nên mình thấy mấy ông Thủ hiến xứ nầy bận đồ sắc phục coi đơn sơ lắm. Mà từ rày về sau, mình lại càng thấy đơn sơ hơn nữa. Đó là chuyện người ta. Còn triều đình mình thì sắc phục lại còn lôi thôi hơn nữa mà e khi giá cả cũng chẳng kém chi ai: mão, áo, đai, hốt, hia, củn(*) (chỉ thiếu cái quần) tính ra cũng bộn tiền… - Vậy sao các cụ mình lại không sợ tốn? - Tốn chi? Mỗi cụ cứ ngồi ỳ ở đó ba bốn chục năm trời, thì dầu cho có mắc bao nhiêu, tính đổ đồng ra số đồng niên nó cũng phải rẻ. Huống chi nhiều bộ đồ triều phục từ đời Minh Mạng đến nay, cụ nầy để lại cho cụ khác. Ông cha rận rệp ở đó chín mười đời nay, trải biết bao nhiêu cuộc tang thương, có khi đối với việc nhà vua, chúng nó ngày nay đã thành ra những tay sử học “cừ” nhứt trong nước. TÂN VIỆT Thần chung, Sài Gòn, s.321 (22.2.1930) (*) Theo Huình Tịnh Paulus Của (Sđd.): mão: mũ, đồ trang sức đội trên đầu; áo: đồ mặc che phần trên thân thể hoặc phủ ngoài; đai:vòng tròn, nịt phần giữa thân thể; hia: giày lớn, bao lên tới ống chân; hốt: cái thẻ dài, cầm tay, đặt ngang ngực lúc vào chầu trong cung; củn: chỉ chung đồ mặc phần trên thân thể. VIỆC ĐỜI VÀ BỮA ĂN! “Những việc lớn trong thiên hạ đều bàn tính trong bữa ăn” - cái câu nói nầy thật là thấu rõ nhân tình lắm thay! Chư độc giả có biết cái ý kiến lập Âu châu hiệp chúng quốc ở đâu mà ra chăng? - Ở trong bữa ăn. Ông Briand mời các tay cừ trong chánh trị giới ở Hội Vạn quốc uống ngồi bàn với mình, trong lúc muỗng, nĩa, ly cụng nhau thì cái địa đồ Âu châu Hiệp chúng quốc lại lần lần lộ tên trên đĩa ăn của mỗi cụ thượng mỗi nước. Cốc rượu sâm banh ực xong, điếu xì gà hòa bình hút tàn, thế là cái ý kiến Âu châu hiệp chúng quốc đã thành hình nên vóc rồi. Các ngài có biết tòa nội các Chautemps ở đâu mà ra chăng? - Cũng ở trong bữa ăn chớ ở đâu! Quan giám quốc Doumergue muốn nắm cương các tay nghị viên, nên dọn một bữa đại tiệc mời các ngài lại, rồi mới chậm rãi cười nói rằng: “Món ăn nầy chỉ có đầu bếp tôi nấu được mà thôi, thật là ngon vô cùng… Ngài muốn bộ nào?” - Bộ hình. Bộ hình về tay người trả lời đó. Rồi ngài cười nữa, lại nói: “Con cá nầy, cách nấu phải học tận bên Tàu, ngài chịu bộ nào?” - Bộ Thuộc địa. Thế là bộ Thuộc địa đã có một cụ thượng mới rồi! Thói đời xưa nay nào có thay đổi chi: có nhơn, có nghĩa, có trung, tín, chỉ trong bữa ăn mà thôi. Cho nên, trong buổi nầy, những người muốn toan lo việc nước, cần phải học đôi chút ít tánh tình hào hiệp của Mạnh Thường Quân mới được. Nói thì nói vậy, chớ Tân Việt thấy biết bao nhiêu “cây cột” ở ta không toan lo việc gì mà cũng có ăn mãi thì sao? TÂN VIỆT Thần chung, Sài Gòn, s.322 (23 và 24.2.1930) BẮT CHƯỚC CỤ BỐ CHÁNH TỪ NGUYÊN MẠC “Có hai thứ chánh trị, một là chánh trị ở lỗ miệng (politique de bouche), hai là chánh trị có bằng cớ hiển nhiên (politique aux preuves palpables). Chánh trị lỗ miệng, như cụ Phan Văn Trường thì mới được ăn ở theo tù quốc sự, còn các anh thuộc về hạng dưới, thì ăn cơm khô với cá thúi mà thôi”. Tân Việt có dè cụ Bố chánh là người “phát minh” đại tài như vậy đâu! Rồi nghĩ lại những kẻ trách nước ta không có nhân tài là những kẻ nói tầm bậy tầm bạ quá, không chịu ngó xa đến tỉnh Ninh Bình. Tân Việt tánh hay bắt chước, phen nầy bắt chước “phát minh” định nghĩa một vài chữ như cụ Bố chánh Ninh Bình chơi. Xin độc giả hãy ngồi yên mà nghe: Trước hết Tân Việt không nghi ngờ chi, nhận rằng cụ Bố chánh chắc là người đàn ông như Tân Việt nầy vậy. Nên Tân Việt cắt nghĩa, chữ đàn ông như vầy: “Tiếng chung để ôm gồm cả đàn bà”, không biết được chăng? Sau lại, Tân Việt cũng nhận chắc quan Bố có một cái miệng như Tân Việt. Cái miệng là cái ống thông hơi để tẩy những điều ô uế, không biết được chăng? (Tòa kiểm duyệt bỏ một đoạn) Tân Việt nghĩ mình không phải là tay “phương diện quốc gia, quan trên ngó xuống, người ta trông vào” nên cho cái ngông cuồng của mình là một cái thú trong đời, cũng như trong tô canh, có bỏ thêm chút muối mới ngon vậy, miễn là Tân Việt giữ sao khỏi lúc đi thì trắng, lúc về thì đen đó thôi! Còn những tiếng nhiều chữ mà Tân Việt muốn cắt nghĩa lắm, để góp lại làm một cuốn tự vị cỏn con chơi, nhưng hiềm lúc nầy trời nắng gắt, chữ có hồn e nó căm giận mình, sao khéo thày lay không cho nó nghỉ mát, để kéo đầu nó ra như chữ chánh trị, thì tội nghiệp nó lắm! TÂN VIỆT Thần chung, Sài Gòn, s.324 (26.2.1930) THẾ NÀO GỌI LÀ “KHÔI HÀI” “Khôi hài” cũng là hai chữ dịch tạm chữ “humour” cho dễ hiểu, chớ kỳ thiệt khôi hài cũng chưa phải là “humour”. Có người đã cắt nghĩa chữ humour như vầy: “humour là một lối văn mà trong đó có 25 phần vui, 15 phần trào phúng, còn bao nhiêu thời tinh những là buồn cùng đau đớn”. Ấy vậy mà Tân Việt viết “humour” gần hai năm nay, những ai là người độc giả đã nhận ra cái cân lượng ấy ở trong câu chuyện hằng ngày này chưa? Nói cho đúng, thì chắc cũng chưa có ai nhận ra như vậy. Vì chánh ngay Tân Việt cũng chưa hề làm đúng theo cái thể lệ ấy. Ừ, trong câu chuyện hằng ngày vẫn một hai khi cũng có trộn đủ buồn vui đau đớn. Tuy là ít, song cũng có. Chỉ ngặt vì một nỗi, chánh ngay nơi cái cột vắn tắt nầy cũng chẳng phải một mình chi Tân Việt: Tân Việt đã ba ngôi mà ngoài ra lại còn toà kiểm duyệt. Bởi vậy nên chi lắm lúc câu chuyện hằng ngày chỉ còn những vui là vui, buồn đi đâu mất, đau đớn cũng vắng teo. Phần nhiều thời cái vui nó hay “hui thùng xàn”, duy những buồn và đau đớn nằm ỳ ra đó mà cười một mình. Song lấy theo cái tài viết “humour” của Tân Việt thời điều đó cũng là điều may. Sáng mai nào các bạn độc giả yêu quý tiếp đặng tờ báo Thần chung rủi thấy nơi cột “câu chuyện” nhiều lỗ trống trơn, thì xin hãy cứ nói thầm trong bụng: “Chà, uổng quá! Đoạn nầy chắc hay lắm. Mà có khi e bởi mấy khoảng trống nầy mà chú Tân Việt hôm nay không trúng với thể thức lối humour”. “Cá sảy cá lớn” là thường tình. Nhưng thật chẳng ai ngờ tòa kiểm duyệt là chỗ giúp sự sống cho mình, nghĩa là đã gây ra một thứ ảo tưởng. TÂN VIỆT Thần chung, Sài Gòn, s.325 (27.2.1930) LỜI TIÊN TRI CỦA BÀ BECK “Một người vĩ nhân, một người đại vĩ nhơn xuất thế ở ngoài chưn trời Âu châu. Trong tên người ấy có chữ Z. Người đó gồm đủ sức mạnh cùng tri hóa lạ thường. Giống như Nã Phá Luân, người ấy sẽ ra mà làm cho lịch sử Âu châu thay từ trên chí dưới”. Đó là lời tiên tri của bà bá tước Beck, là bà thầy coi bói danh tiếng nhứt ở Allemagne bây giờ. Người vĩ nhơn trong tên có chữ Z! Người ấy chắc không phải là An Nam rồi đa. Tên An Nam đâu có chữ Z… Sao lại không, lúc nọ có người muốn sửa quốc ngữ, đổi D ra Z, thì đã có một ít người An Nam sanh nhằm thời kỳ đó đặt tên lấy Z làm D: Lê Zu, Trịnh Đình Dzư, Dzu… Z thì có, nhưng ra mà làm cho lịch sử Âu châu đến phải trộn mùi, thì chắc là không. Làm cho sử An Nam đặng vậy, mình cũng đã mừng rồi. Bà Beck lại còn nói: “Rồi đây sẽ có giặc khắp cùng thế giới. Giặc nầy khởi sự ở Viễn Đông, tràn dần qua mấy nơi lãnh thổ nước Pháp, rồi đốt lửa cháy khắp bầu trời”. Bà Beck nói trúng hết. Chỉ duy có điều nầy là trật: “Còn đàn bà, mấy chị đàn bà họ sẽ xen vào trường chánh trị. Và bởi họ xưa nay đã làm nhiều điều hoạ hại, nên bây giờ họ sẽ làm hoạ hại lớn hơn thêm”. Xin lỗi với mấy bà, chớ Tân Việt dám quả quyết rằng bà Beck nói bậy. - Chú mầy nói xưa nay đàn bà không hề làm điều chi họa hại hết hay sao? - Không, ai nói vậy. Bà Beck nói bậy là vì Tân Việt tưởng từ đây về sau, mấy bà không thế gì mà cho ra họa hại lớn hơn trước nữa đặng… quá “lố” rồi. TÂN VIỆT Thần chung, Sài Gòn, s.326 (28.2.1930) HỌC GIỎI LÀM GÌ? Vừa rồi, một cô nữ học sanh, vì tức mình học dở, bị chị em chế nhạo hằng ngày, nên mới tính cách trả thù rất êm ái không ai ngờ được: cô đem cái hường nhan thơm như phấn đẹp như lụa mười chín xuân thu của mình mà phú cho giòng nước bích vô tình chẳng tiếc kia… Tân Việt xin cãi với linh hồn cô không vì xuống dưới cô làm […………[(*) cái trường nữ học nào mà không có những em độc ác như vậy chăng? Nhứt quỷ, nhì ma, thứ ba cô cũng biết là ai rồi, cớ sao cô đành quyên sanh như thế? Nếu cô mà biết nhẫn nhịn một chút, rồi tò mò mà ra hỏi chị em kiêu ngạo mình rằng: “Các chị học giỏi tôi xin phục. Nhưng học giỏi làm gì? Tôi không phải hỏi các chị em ở đây mà thôi, tôi lại còn hỏi luôn các anh em chị em khắp thế giới nữa. Tôi không nghe bà Trưng bà Triệu học với ai, thế mà ngàn năm sử còn ngợi khen chép để. Cho hay cái học của mình bất quá là một món thừa ra mà có ích một chút đỉnh đó thôi, chớ nào có để làm gì cho nên chuyện. Hoàng đế Napoléon học hành bao nhiêu mà cũng oanh liệt một lúc cùng Âu châu, ai không biết tiếng? Ông Anatole France thi rớt tú tài không biết mấy bận thế mà cũng được ngồi tại viện hàn lâm. Ông Rabindranath Tagore trốn chui trốn nhủi bây giờ cũng nên tay thi thánh thi thần. Còn ông Trạng Lợn học cái gì cũng đi sứ vinh vang một kiếp. Ông Trạng Quỳnh học giỏi làm chi gặp bà Thị Điểm đố chơi cũng bí?” Học giỏi làm gì? Kẻ nào đứng bực nhứt trong trường, sau ra ở đời, phần nhiều chưa chắc là bực nhứt. Học dở thật là một việc không may.Chớ đến cái chết, thì thiếu chi việc dụng; để bù cho cái chuyện học dở, thì hơi uổng một chút. TÂN VIỆT Thần chung, Sài Gòn, s.327 (1.3.1930) (*) bản chụp bị mất khoảng 3-4 từ. CỌNG SẢN! CỌNG SẢN! Mấy hôm rày các báo Lang Sa ở Sài Gòn nhứt là báo La Dépéche của ông De Lachevrotière họ đều có đăng tin rằng 1er Mars vừa qua đây, thì sẽ có cọng sản nổi lên đánh phá Nam kỳ chẳng kém chi ngoài Bắc. Họ nói như vậy là vì bởi tay ai cắc cớ gởi cho lính An Nam trong mấy sở cảnh sát một tờ thông tư đại khái biểu rằng trong ngày 1er Mars nếu như có xảy ra rối loạn thì đừng dự đến mà khốn… Té ra hôm nay là 1 Mars mà chi cũng chẳng thấy chi. Thấy chi sao được, cọng sản chớ phải cải lương đâu mà mỗi lần làm loạn lại phải cho hay trước. Cọng sản đâu không thấy, mà trong đêm 28 Fevrier rạng mặt 1er Mars, Chợ Lớn, cầu Bông, cầu Kiệu, Bà Chiểu đã có người bị bắt ê hề. Không giấy thuế thân bị bắt đã đành mà có giấy thuế thân nhưng coi bộ hơi lôi thôi tất cũng phải “vô bót” một đêm là ít. Vô đó rồi chùm năm, khóm bảy bị muỗi cắn, hưởi(*) tiểu khai, thời chi cho khỏi than phiền với nhau mà hỏi lẫn. Mấy người có giấy thuế thân: - Cọng sản? Cọng sản là cái gì cũng chung. Vậy mà họ có bắt ở chung như vầy không? Kẻ chưa đóng giấy thuế thân: Ở cọng sản có bắt đóng giấy thuế thân không mấy anh? Rồi hai phe lại hỏi chung một tiếng: … không biết bên nước cọng sản có “bô-lít” không hè? Mai lại Tân Việt gặp một người quen rủ đi đóng giấy thuế thân mà nói: “Tôi tính để tiền xài, vài tháng nữa rồi sẽ hay. Mà sao coi bây giờ cọng sản cọng siếc khó quá, đi đóng phứt rảnh”. Nghe vậy Tân Việt mới nghĩ ra một kế làm cho năm nào cũng thâu thuế thân dễ như chơi. Hễ mỗi năm đầu tháng Février, thì cứ dán yết thị cùng đường nói rằng “1er Mars cọng sản rối loạn”. Chừng đó cũng đủ cho thuế thâu vô như nước. TÂN VIỆT Thần chung, Sài Gòn, s.328 (2 và 3.3.1930) (*) hưởi: nghĩa như “ngửi” (xem thêm chú thích ở bài Bẩm ông cho cha con tôi trả lời// Thần chung 19.3.1930; có in sau đây) CỔ VIỆT CHỚ KHÔNG PHẢI TÂN VIỆT “Chánh phủ đã hứa thưởng cho các người bắt được ông Nguyễn Thái Học một số tiền là 5000 đồng. Những người ấy là ai? Là bọn tuần phu làng Cổ Việt, phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương đã lấy giáo ra đâm trúng và đã bắt được ông Thái Học. Sau khi sở Liêm phóng (tên văn chương của sở Mật thám) xét lại căn cước, thì quan Thống sứ đã chuyển năm ngàn bạc cho quan sứ Hải Dương để thưởng cho những người tuần trung thành với Chánh phủ”. Đó là một cái tin mà Tân Việt lục ở trong một tờ báo Bắc kỳ đặng dưng cho chư độc giả, hư thiệt lẽ nào, Tân Việt không biết. Song vì Tân Việt nhớ cách chừng vài tháng nay, chánh phủ Pháp có bắt ra một cái hội cách mạng tên là Tân Việt, thì Tân Việt đây đã không dám nhìn là Tân Việt đó. Vậy thời ngày nay Cổ Việt được thưởng 500 đồng bạc, Tân Việt cũng phải tuyên bố tên cho rõ ràng rằng tuy là Việt, Việt, chớ Cổ với Tân nó khác nhau xa lắc. Xin anh em tha lỗi, chớ Tân Việt lo cũng phải. (Tòa kiểm duyệt bỏ) Buổi nầy lộn xộn, có người đã rời cả đầu vừa cổ, nếu mình không nói cho phân minh, rủi ngày kia sở Liêm phóng mà mình kêu nôm là Mật thám xét ra cái người bị mấy chú phu tuần lấy giáo mà đâm hôm trước đó không phải là ông Nguyễn Thái Học, rồi người lại nhè mình mà đòi 5000 đồng bạc, thì cho Việt nầy là Tân, chớ thật cũng chẳng biết làm sao mà chạy cho nổi. (Tòa kiểm duyệt bỏ một đoạn) TÂN VIỆT Thần chung, Sài Gòn, s.329 (4.3.1930) TƯỞNG LÀ CỌNG SẢN, AI NGỜ… Chiều thứ bảy rồi, đúng 5 giờ 17 phút, một người lính sở Tân Đáo, cùng đi với một viên Thanh tra Mật thám xuống khám xét ở dưới tàu André Lebon ở bên Tàu mới qua. Chẳng bao lâu người lính ấy bước xuống nấc thang, thì có 4 ngôi sao theo hầu mình. - Tân Việt muốn nói 4 người khách. Cọng sản? Biết đâu chừng. Vì ngày đó là ngày 1er Mars, mà xưa nay những chuyện xảy ra lôi thôi đều tự ở bên Tàu mà qua. Vả lại, trong 4 người bị bắt, có một người khách bộ đứng, bộ nói, bộ cười, giống như một người danh vọng lắm: 3 người anh em bị bắt kia, đối với người ấy, tỏ dấu kính nhường, khuất phục như người đảng viên đối với tay lãnh tụ vậy. Không nghi sao được. Chém chết không khỏi là một tay đại sứ của thành Moscou sai sang qua đây, thật là may biết chừng nào! Bắt lươn ai dễ bắt đằng đuôi, vậy xin mời ngài theo chúng tôi về bót Tân Đáo cứ ở Xóm Củi. Còn ba anh kia không biết nói chi xì xô xì xao với nhau cho đến khi cửa bót đóng lại rồi, mà 3 anh vẫn còn nị ngộ ố nàm chi chi đó. Ra ngoài, lính ta vỗ tay cười cười mà rằng: “Lưới ta lồng lộng, chạy đâu cho thoát bây giờ!” … Việc bắt lại êm đi. Trong lúc đó có một cái xe hơi rất sang trọng ở trong một cái nhà lầu rất cao quý từ Chợ Lớn chạy vùn vụt ra đến Sài Gòn, ngưng trước cửa dinh quan Thống đốc. Một vị nhân vật Huê Kiều mồ hôi chảy dầm dề, mặt mày phừng phừng, gõ cửa xin vào ra mắt quan Thống đốc. Cái màn bí mật vẫn còn đậy kín luôn. “Allo! Allo! Phải bót Tân Đáo xóm Củi đó không. Đây là phòng văn của quan Thống đốc Nam kỳ. Các anh mới bắt đặng trên tàu André Lebon một người khách. Hãy thả vị ấy ra mau mau đi”. Nói rồi làm rồi. Hỏi lại mới biết viên người ta nói là đại sứ của thành Moscou ở bên Tàu mời lại đó là một tay kép hát trứ danh, tăm tiếng lẫy lừng ở hoàn cầu, tên là Mã Sĩ Tân. Mã qua đây để giúp rủi cho đồng bào mình ít bữa, mỗi bữa hát lãnh đến 1.000 đồng. Tân Việt thuật chuyện nầy ra đây, muốn rút ra hai bài luân lý… Nhưng nghĩ mình không phải lãnh trách nhậm dạy ai, nên chỉ có cái cười, cười cùng độc giả. TÂN VIỆT Thần chung, Sài Gòn, s.330 (5.3.1930) VỤ KIỆN TRÁI ĐỜI Người Âu châu mỗi khi có chuyện gì rắc rối, lạ lùng khó hiểu xảy ra thì ưa cho đó là “chuyện của Chệt”. Cái tiếng “chinoiserie” ấy ngày nay thông dụng cả hoàn cầu; nhưng nghĩ kỹ lại, ở đâu lại không có những việc lạ lùng như thế. Nước Tàu nào phải là nước chuyên độc quyền mua bán những điều kỳ quái đó đâu. Độc giả hãy xem dưới nầy: Cách một vài tuần nay, có một ban phái viên lãnh lịnh chia giới hạn thành Oslo và làng Aker cho đành rành. Ban phái viên nầy ở nước Norvège(*) cũng như mấy ông phái viên to sỏ ở xứ ta cứ ngồi nhà, rồi mới lấy địa đồ ra cầm viết mà nhắm… Nhắm nhía hồi lâu rồi gạch hẳn hoi. Ranh hạn chia xong tức khắc chẳng ngờ cái đường chia ranh đất lại đi ngang nhằm… - Nhằm cái mồ, cái nhà của họ phải không? - Nếu vậy thì chẳng có chuyện như bên mình. Cắc cớ thay! cái đường ấy lại đi ngang cái phòng ngủ của một đôi vợ chồng kia nằm giường dính với nhau lại. Thành ra thầy thì ngủ ở Oslo, còn cô thì ngủ ở Aker. Đức Chúa Trời có phán: “Hiệp rồi không được ly”. Thế mà ban phái viên chơi ác quá, nào kể tới Chúa chút nào! Người ta tưởng nhà ấy phải đóng thuế huê lợi ở thành Oslo là thành của anh chồng, nào ngờ ban phái viên (cũng là ban phái viên nữa) về sự đóng thuế huê lợi ở Aker, trước khi muốn miễn thuế người chồng, bảo người ấy phải khai mình có ngủ thật trên giường của mình, tại Oslo, từ ngày 31 Décembre 1928 cho đến 1 er Janvier 1929. Nếu không thì theo luật nước Norvege, tiền thuế phải thâu về làng Aker. Anh chàng đóng thuế, vâng theo lời dạy, khai rằng trong kỳ hạn trên đây, có ngủ thật tại Oslo. Thế mà… thế mà ban phái viên ở Aker không tin lại đâm đơn đi kiện. Đáng lẽ hai vợ chồng người ta đi kiện mới phải, có lý đâu… nhưng trong những việc như vậy, lấy lý mà nói sao xong bây giờ? TÂN VIỆT Thần chung, Sài Gòn, s.331 (6.3.1930) (*) Norvège: Na-uy. CHÚA CỨU THẾ ĐI HÁT BÓNG Krishnamurti(*) là Chúa cứu thế mà người ta mới tìm ra được ở Ấn Độ chừng năm bảy năm nay. Annie Besant, đạo Theosophe, kiếm ra được. Krishnamurti lúc nọ có sang Pháp và đã có nhiều người Âu sùng bái lắm. Thấy vậy tôi(**) mới hỏi một ông học sanh người Ấn Độ có quen với Krishnamurti là người ra thế nào? - Ông ta đánh tennis giỏi lắm. Nghe vậy cũng hiểu, nhưng chưa lấy chi làm lạ, vì chúa cứu thế mà đã lỡ sanh nhằm thế kỷ 20 nầy, có chơi tennis chút đỉnh cũng vô hại. Bây giờ lại có tin rằng hiện nay đã có một nhà chế tạo phim hát bóng rước Krishnamurti về Hollywood đặng đóng một vai tuồng trong bản tuồng thuộc về sách Thánh Ước và có lẽ để cho Krishnamurti đóng vai tuồng Đức Chúa Trời. Ai nghe chuyện nầy chắc cũng lấy làm lạ: Chúa cứu thế mà đi hát bóng? Ủa, vậy chớ đi làm chi bây giờ? Cái sự nói rằng Krishnamurti là chúa cứu thế hư thiệt thế nào, ta không cần biết đến. Ta cứ thử tỷ như Krishnamurti mà chúa cứu thế thiệt, rồi ta mới xét coi sanh gặp thời buổi thì tính sao đây? “Pierre ơi, con hãy xếp gươm vào đãy! Kẻ dùng gươm tức là trở lại bị gươm” Ấy vậy mà có “Pierre” nào xếp gươm vào đãy đâu. Ước như có ai theo lối quảng cáo đời nay mà làm affiche dán câu ấy cùng đường, nhứt là gần nơi mấy xưởng súng đồng tàu trận cũng chẳng bao giờ có chút chi hiệu quả. “Các con, các con hãy thương lẫn nhau!” Mà con nào con nấy cũng cứ mạnh bóc lột yếu, khôn lấn hiếp khờ. Thế thời làm chúa cứu thế với cái đời yêu ma nầy mà chịu đi hát bóng là đã tốt rồi, tôi còn sợ e lại bán thuốc phiện kia mới là khổ. TÂN VIỆT Thần chung, Sài Gòn, s.332 (7.3.1930) (*) Krishnamurti (sinh 1895 hoặc 1897 -?) người Ấn độ, nhà thơ, nhà tư tưởng tôn giáo; năm 1910 được phái thần trí (theosophe) tôn làm bậc thầy mới của họ nhưng đến 1929 ông đoạn tuyệt với phái ấy. (**) Câu viết xưng “tôi” này cho thấy người viết bài này từng là du học sinh ở Pháp; vậy bài này có thể do Diệp Văn Kỳ viết. NẾU NHƯ TÂN VIỆT ĐƯỢC LÀM THỦ TƯỚNG NƯỚC PHÁP... - Thì sao? - Thì toà nội các của Tân Việt chẳng bao giờ bị đánh đổ mà chánh quyền nước Pháp cũng khỏi cái vạ rày đổi mai thay. Để Tân Việt cắt nghĩa rõ lại cho mà nghe: Theo Hiến pháp Lang Sa, thì số thượng thơ không có dịnh lệ. Bởi thế nên chi tòa nội các Tardieu ngày nay mới đông hơn các tòa nội các trước xấp đến mấy phần: 34 cụ. Đông cho đến nỗi ở ngoài, thì không có nhà ở, vô trong nghị viện, thiếu ghế ngồi, làm cho ông Tardieu phải xin phép với các chánh đảng đặng dẹp bớt ít hàng ghế nghị viện để chỗ cho các cụ thượng. Tuy là đông như vậy, song ngày hôm kia mới giao tiếp với Hạ nghị viện một lần đầu, thì bị la ó om sòm, tối trời đất, ông Tardieu cũng phải thất thanh, đọc bài tuyên ngôn không ra tiếng. Chuyến nầy chắc Ngài ngồi đó cũng chẳng đặng lâu. Và bởi vậy nên chi Tân Việt mới nghĩ ra một kế: Cho Tân Việt làm thủ tướng nước Pháp, thì tòa nội các Tân Việt không khi nào bị đánh đổ. Ừ, không khi nào bị đánh đổ. Hễ ông tổng thống Doumergue đã giao trách nhậm lập tòa nội các cho Tân Việt rồi, thì tức khắc Tân Việt vời đến 270 ông nghị mà phong cho thượng thơ hết thảy. Ấy đó tòa nội các gồm có 270 ông nghị làm thượng thơ, thì trong Hạ nghị viện còn ai đâu mà đánh đổ. Tòa nội các Tân Việt có đại đa số luôn… - Tòa nội các gì mà đông dữ vậy? - Ủa, vậy chớ 34 lại không đông sao. Huống chi Tân Việt đã nói rõ cho mà nghe rằng số thượng thơ nhiều ít, hiến pháp Lang Sa không có định. Tòa nội các Tân Việt vạn vạn tuế! TÂN VIỆT Thần chung, Sài Gòn, s.333 (8.3.1930) ÔNG VORONOFF KHỎI LO, ĐÔNG DƯƠNG THIẾU CHI KHỈ Trong số báo hôm qua, Thần chung đã có thuật rõ chuyện bác sĩ Voronoff qua Đông Dương để thí nghiệm cái phép cải lão hoàn đồng của bác sĩ thật hành từ mấy năm nay khắp cả các xứ từ Âu châu sang Phi châu cho đến Ấn Độ là chỗ ngài mới ở 4 - 5 tháng nay. Bác sĩ qua vừa tới Sài Gòn thì đã thấy một mối lo không nhỏ: bao nhiêu những thứ khỉ để lấy bộ thận mà làm phép trường sanh đi dưới tàu để chết hết bộn và nếu như không có chúng nó giúp thận cho thì ngài cũng phải bó tay mà chịu. Vậy nên ngài định thân hành đi kiếm ở Đông Dương xem thử có thứ khỉ dùng được không. Vì khỉ thường vô dụng, phải kiếm cho ra thứ gần với người là hơn hết mới đặng. Bác sĩ Voronoff lo. Phải chi Tân Việt được gặp ngài ngồi trên cái Roll Royce là thứ xe hơi tuyệt diệu vua Ăng Lê còn phải than phiền không đủ tiền mua, thì Tân Việt sẽ nói nhỏ với ngài: Đừng lo chi hết! Rủi như ngài kiếm ở rừng Đông Dương mà không có thứ khỉ giống như thứ ở Phi châu, thì ở đây Tân Việt xin dưng cho ngài thứ chẳng khác chi người ta hết, giống hệt. Ừ, anh em nghĩ coi, hiện ở mình đây thiếu chi người đáng lấy bộ thận mà liệng vứt đi cho rảnh, huống chi là làm đặng một việc có ích. Nhưng chỉ ngặt một điều là không biết để tháp vào cho ai: Cái tuổi trăm năm đối với thân ta thật đã dài đằng đẵng, còn ai muốn sống thêm ở xứ nầy đặng làm cái gì? TÂN VIỆT Thần chung, Sài Gòn, s.334 (9 và 10.3.1930) KHÔNG HẸN MÀ NÊN Trong một năm nay, bất kỳ chánh phủ có lễ gì thì trước nhà báo Thần chung đã thấy cắm hai cây cột tinh những là cờ tam sắc sộ sộ. Làm cho có nhiều kẻ tánh ưa đụng đâu nói đó đã lật đật viết ngay vào báo rằng: Thần chung nịnh chánh phủ, chánh phủ treo cờ là Thần chung treo. Thần chung không trả lời. Nhưng thét rồi công chúng cũng rõ biết nguyên do mấy là cờ thơ thật ấy. Đến nay, hôm chúa nhựt 9 Mars, thứ hai 10 Mars vừa rồi, ai đi ngang các công sở lại thấy lá cờ tam sắc treo xệ xệ, đó là một cái lối tỏ dấu ưu sầu của người Pháp. Thấy vậy có anh nói: “Cha! Hôm nay lễ kỷ niệm cụ Phan Tây Hồ, chánh phủ cũng chia buồn với An Nam mình mới là lạ!” Không lạ chi! Ước như mấy cái lá cờ tam sắc trên kia mà đã vì cụ Phan Tây Hồ nên xệ xệ trong hai ngày nay, cũng chẳng lấy chi làm lạ. Luận anh hùng chí sĩ, ai đi kể giọng nói màu da. Lấy ngày chết của cụ Phan làm một ngày bi ai cho nước Pháp, thật cũng chẳng có chi trái với lương tâm người chánh trực, chẳng khác chi như ngày lễ chánh chung mà Thần chung treo cờ. Ừ, Thần chung có treo cờ cũng vô hại. Tuy mình chưa biết [. . . . . . ] là cái gì, song ngày đó là ngày dân Pháp đoạt được tự do, thì mình cũng nên mừng cho họ . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . Phải hết. Ngặt có một điều lá cờ trước Thần chung vốn của xã tây treo, còn cờ xề xệ hai bữa rày trên mấy tòa công sở là buồn chuyện lụt bão bên Pháp: “Nghe nói bên Tây nước lụt nhiều….” (Kiểm duyệt bỏ một đoạn) TÂN VIỆT Thần chung, Sài Gòn, s.334 (12.3.1930)(*) (*) Lưu ý: Báo Thần chung đánh số liên tục kể từ số báo đầu tiên (ra ngày 7.1.1929). TC. ngày 6.3.1930 đánh số 331 (đúng); TC ngày 7.3.1930 cũng được đánh số 331 (lầm). TC. ngày 8.3.1930 được đánh số 333 (đúng); nhưng T.C. ngày 9 và 10.3.1930 cũng lại mang số 333 (lầm); và từ đó đến lúc bị đóng cửa, không thấy sửa số trùng lặp; vì vậy người sưu tầm đành coi như T.C. có 2 số 334: số trước ra ngày chủ nhật 9 và thứ hai 10 Mars 1930; số sau ra ngày thứ tư, 12 Mars 1930. (NST). NHƠN LOẠI KHÔNG PHẢI NHƯ ÔNG PIERRE PERRIN HẾT Ông Pierre Perrin là một nhà hòa bình rất nhiệt thành lắm. Ông nhiệt thành cho đến nỗi có lịnh bắt ông đi lính, ông lấy cớ lương tâm rầy rà mình không cho mình mang những đồ bắn giết thiên hạ mà nói với quan binh rằng: “Lương tâm tôi không khứng cho tôi vào làm lính. Tôi không đi, các ông làm chi thì làm! Ở dưới đời nầy tôi chỉ biết có một cái luật mà thôi, ấy là luật của lương tâm tôi!” Cái lương tâm này dửng lông gáy lên ra mạng lịnh “không được!” thì dầu búa rìu ghê gớm cách mấy đi nữa, đố ai bắt Pierre Perrin đi đầu quân được. Nhưng tòa án quan binh không phải chịu nghe tiếng lương tâm như thế nên mới mời ông Pierre Perrin lại mà xử một năm tù! Nếu nhơn loại mà được như Pierre Perrin hết thì Tân Việt nghĩ Hội Vạn quốc có làm mốc xì gì! Tòa án quốc tế La Haye để làm khỉ khô chi? Mà cuộc hội nghị hải quân ở Londres bây giờ đây cũng nên đem ra biển nhận chìm cho phứt rảnh! Nếu hoàn cầu mà có những người mà lương tâm biết giữ theo lời dạy “Mầy không nên chém giết. Ai dùng khí giới sẽ chết vì khí giới” thì sự chiến tranh phải chết nghẹt trong trứng chớ phải chơi đâu. Nhưng… Việc đời đều có chữ nhưng ở sau cả, nhưng mình ao ước như vậy chơi mà thôi, chớ trong sự đánh cờ gian bạc lận ở thế gian nầy, ai dám bảo rằng chiến tranh không phải cái “bàn” chót của ai là người hèn yếu. Quanh đi quẩn lại, ai cuộc chi thì cuộc, Tân Việt cho câu cổ ngữ nầy là đúng hơn hết: “Người đối với người là con chó sói đó thôi!” Cái lương tâm mình có mạnh thế nào cũng không cản con chó sói đương đói nằm trong lòng được. TÂN VIỆT Thần chung, Sài gòn, s.335 (13.3.1930) CÒN KÉM HƠN CON LỪA CỦA ÔNG GIÁO HOÀNG NHIỀU Tưởng ai cũng còn nhớ chuyện con lừa cưng của ông Giáo hoàng trong một cái đoản thiên tiểu thuyết của tiên sanh Alphonse Daddet. Lừa kia bị tên giữ đem tận trên chót lầu chuông, đứng một mình cheo veo, làm cho cả đền đều rộn rực, người than kẻ róc rách mới hầu cậu ta xuống được. Lừa xuống buồn tanh, căm giận muốn trả thù, song ngặt kiếm không ra cơ hội, chờ mãi đến bảy năm sau, nhơn lúc tên giữ tàn ác kia tưởng lừa đã quên chuyện cũ và muốn nịnh với ông Giáo hoàng, mới lại gần làm bộ vuốt ve như tuồng cưng kiu quá trớn. Lừa không nói một tiếng, - ừ, lừa nầy không biết nói mà cũng không biết viết, - lừa lừa đá ngay vào hông anh ta một cái văng lừa. Ấy đó, lừa giận mà còn biết giữ vó đến bảy năm để chờ cho có cơ hội đích đáng. Người? Có người còn kém hơn lừa nhiều mà nhứt là ông Dương Minh Thới. Ông giáo sư ở đường Massiges số 48 cách chừng một tháng nay vì vấn đề sách giáo khoa mà bị Thần chung công kích. Ngài không biết giữ vó như lừa mà chờ cơ hội. Ngài muốn trả thù ngay. Ngài vừa thấy Tân Việt nói chuyện đến một cô nữ học sanh thì ngài đã vội tưởng là một dịp tốt có thể làm cho ngài hả hơi, bèn kêu cô hai đến mà dạy: “Cha viết, con chịu đứng tên; hai cha con mình hiệp nhau, chuyến nầy Thần chung phải chết…” Ông giáo sư Thới tính mượn tên một cô thiếu nữ mà trả thù. Song nếu đã không có tánh nhẫn nại như lừa tôi vừa nói trên kia, thì thế nào cũng phải lộ “cái lỗ tai lừa” cho chúng biết: “Dương Thị Hường, 48 đường Massiges Sài Gòn”. Ông giáo sư ơi, ông phải chịu phiền mà nhận cho lời Tân Việt là đúng với sự thật. Tân Việt nói rằng chánh tay ông viết là có ý muốn giữ gìn cho cái thanh giá của cô em. Ông Thới nghĩ coi, gái đâu có gái lạ đời, gái đâu mà viết những câu thô tục: “Thưa ông, ông có hưởi của chị H. sao mà biết thơm như phấn?” Chịu đi ông! Và ông cũng nên chịu rằng chê người học dở là một chuyện thường tình, già khóm như chúng mình đây mà tránh e còn không khỏi, huống chi là mấy em đương niên thiếu. Chí như nói cô H. vì học không tấn phát, tức mà trầm mình, thời cũng là một việc tốt. Mà thôi, “câu chuyện hằng ngày” là lối khôi hài, hơi đâu tranh biện. Tân Việt chỉ muốn khuyên cô Hường có một điều: Đã biết đem cái tên xinh đẹp như thế ấy mà để dưới những câu văn có chữ “hưởi” của chị…, “ông chơi” thật cũng đáng tức mình. Song nề nếp con nhà Nam ta là “Phụ bất từ, tử bất khả dĩ bất hiếu”, xin cô đừng phiền ông cụ! TÂN VIỆT Thần chung, Sài Gòn, s.336 (14.3.1930) CÁC ÔNG CŨNG PHẢI HỌC CHỮ QUỐC NGỮ Các ổng đây là mấy vị giáo sư tây hay kêu học trò bằng số hiệu. Quan đốc học chánh có chạy tờ châu tri bảo các ổng phải kêu tên học trò. Nhưng mà các ổng cứ giữ phần giản tiện. Phải, đọc thứ tiếng có dấu hỏi dấu ngã thì có khó một chút mà các ông đành kêu học trò như kêu tội nhơn. Cũng vì khó một chút mà hiện nay tại các trường lớn Sài Gòn, đến giờ học trò trả bài là một dịp buồn cười cho cả lớp. Tới giờ, ông thầy tây ôm cặp vô lớp, quăng cặp xuống bàn một cái xạch rồi lật sổ ra: - Numéro 438! Récitez votre leçon. Trò No 438 ngồi nín im phăng phắc. Trò No 504 chạy lên đứng đọc rót một hơi. - Bon! Neuf points. A votre place. Ông thầy vừa nói vừa lui cui ghi “nốt” vào sổ. Té ra, trò No 504 trả bài mà trò No 438 được “nốt”. - Au suivant, No 502! - Absent! Trò 502 chỉnh chệm một chỗ, hô lớn lên. Mà ông thầy nào có biết! Thật các ổng vào ra trót tháng, quanh năm lân la gần gũi với học trò, làm sao mà đứa nào cũng như đứa nào. Than ôi! cái mặt cái mày còn chưa biết, nói chi đến việc biết tánh tình. Thế mà thử ai bổ các ổng đi xuống tỉnh đốc học thì ôi thôi! châu tri là châu tri!… TÂN VIỆT Thần chung, Sài Gòn, s.337 (15.3.1930) LẬP HỘI LÕA THỂ Hiện thời bên Âu mà nhứt là bên Pháp đã nhiều người, đàn ông có, đàn bà có, họp nhau đặng lập một cái hội lõa thể. Mục đích hội nầy là buộc người trong hội phải bỏ hết áo quần, nói rằng làm như vậy thì rồi đây người ta sẽ tránh khỏi sự tà dâm và giữ tròn thanh khiết. Vì theo ý mấy người xướng ra cái “đạo” mới nầy, thì bao nhiêu những chuyện lộn xộn trong đời đều do bởi tánh hiếu kỳ (curiosité) của nhơn loại mà sanh ra. Nghe nói đã có người theo bộn bộn và mùa đông vừa rồi thì họ đã có xin phép cho họ khẩn một hòn cù lao hoang đặng ra mà thật hành cái chủ nghĩa “trần truồng” của họ. Chỉ có người phương Tây mới tìm ra một chuyện như thế. Song xét lại cũng chẳng mới gì. Bà E-và ngày xưa lại mặc cái gì đâu? Họ gan hơn một chút mà thôi, vì ở “vườn trời” thế nào cũng ấm hơn mùa đông bên Pháp nhiều ít. Cái chuyện như vậy, thật chẳng bao giờ người An Nam mình nghĩ đến, nhứt là chẳng ai dám thật hành. Ấy vậy nghĩ rồi Tân Việt muốn thử chơi. Muốn thử không phải là vì nghe theo họ mà tưởng rằng hễ loã thể thì giữ đặng thanh khiết nhiều hơn. Tân Việt muốn, là vì bởi có một điều. Vô hội lõa thể thì có thể gì đeo “mày đay” nữa đặng đâu. Và hết đeo “mày đay” là cũng một việc tấn hóa rất lớn cho người mình. Nhưng còn ngại, ngại là đã hại bên kia mà cũng chẳng ích chi bên nầy. Vì chừng đó chắc có người sẽ mướn thợ đục ẩu mà gắn “mày đay” vào cho được. TÂN VIỆT Thần chung, Sài Gòn, s.338 (16 và 17.3.1930) TRỪ SAO CHO HẾT ĐỒ ĐỘC Hiện nay các nước văn minh từ Á sang Âu qua cho đến Mỹ, nước nào cũng đương lo dùng đủ phương sách mà trừ bớt món hại lớn của loài người là rượu và thuốc phiện hay là các thứ ma dược. Họ dùng đủ phương sách thật. Nào là bày ra luật nặng nề đặng trừng phạt những kẻ bán thuốc phiện hay là ma dược lậu, nào là lập ra hội lớn đặng cổ động khuyên người trừ các thứ rượu, thậm chí đến cấm tuyệt không cho các thứ nhập cảng, cấm ở trong nước không ai được nấu rượu, bán rượu, uống rượu như Huê Kỳ từ mấy năm nay. Người ta ai cũng vậy, chỉ duy An Nam mình là không, không ngơ, An Nam mình tha hồ, rượu đã có công-xi lo, thuốc phiện thì lo chế tạo chúng sẵn. Thấy vậy có nhiều kẻ than phiền. (Tòa kiểm duyệt bỏ một đoạn dài) TÂN VIỆT Thần chung, Sài Gòn, s.339 (18.3.1930) “BẨM ÔNG CHO CHA CON TÔI TRẢ LỜI” Mười phần bị bôi còn một, Tân Việt đương ngồi nhìn “câu chuyện” ngày hôm qua mà tháo mồ hôi hột, thì bỗng đâu lại tiếp được bức thơ của ông Dương Minh Thới gởi lại có một hàng “bẩm ông cho cha con tôi trả lời” và bài đăng sau đây: CÙNG TÂN VIỆT TIÊN SANH (sanh lối năm 1904) Thưa ngài, Hết Trưng Trắc, Triệu Ẩu, Napoléon, Anatole France, Tagore, Trạng Lợn, Trạng Quỳnh, Nguyễn Thị Điểm, bây giờ tới Alphonse Daudet. Ngài học nhiều quá, ngài không sợ đặc ruột chết sao? Cái học thức của ngài in là chưa tiêu. Bởi vậy, hễ cho ngài uống một liều thuốc xổ, ngài xổ sách, ngài xổ chữ đầy tờ Thần chung. Độc giả Thần chung chịu sao cho nổi. Hôi quá! Trên thì ngài nói chuyện con lừa trong sách ông Alphonse Daudet, dưới thì ngài nói: “Phụ bất từ tử bất khả dĩ bất hiếu”. Thưa ngài, lừa Tây mà biết nói tiếng Tàu sao? Ngài học thiệt là lộn xộn quá! Sà-lách học! Học sà-lách! Theo trí ngu của tôi, ngài phải để cho sách vở của ngài học tiêu rồi, sau ngài sẽ cầm viết mà dạy dỗ hai mươi lăm triệu người An Nam. Thưa ngài, ngài nói tôi là gái, sao lại dùng tiếng “chơi kỳ”. Ngài nghĩ mà coi, ngài “chơi kỳ” thì tôi nói “chơi kỳ” chớ sao. Ngài hưởi của con gái người ta, rồi ngài nói “thơm như phấn, đẹp như hoa”.(*) Còn tánh của ngài kỳ quá! Ngài rủa chúng nữ học sanh nơi Nữ học đường, người ta trả lời sao ngài giấu bài không in? Ngài đợi Trung lập in rồi ngài mới trả lời. Ngài thiệt là quân tử! Hay là ngài không có đặng bài của chúng tôi gởi cho ngài? Chót hết, tôi xin vô lễ hỏi ngài những điều sau nầy: 1 – Ngài học sách nào biết bà Trưng bà Triệu là người không học? 2 – Ai nói với ngài rằng ông Napoléon dốt? 3 – Trong Nam Hải dị nhơn có nói Nguyễn Thị Điểm đố Cống Quỳnh không? 4 – Sao ngài chắc Anatole thi tú tài rớt? Nếu ngài cắt nghĩa cho rành, thì chúng Nữ học sanh cám ơn ngài lắm. Bằng không, thưa ngài, không biết ai là lừa! Đất Nam Kỳ đã có hội đồng oui, hội đồng dạ, bây giờ mới nẩy ra thứ hội đồng hưởi… hưởi của con gái người ta, rồi nói: “Thơm như phấn, đẹp như hoa” DƯƠNG THỊ HƯỜNG (*). Ừ, cha con ông cứ việc! Vì nếu như mỗi ngày ông gởi lại cho chúng tôi một bài như vậy, thì Tân Việt sẽ đặng nghỉ yên. Ông Thới thiệt có tài khôi hài; đọc hoài, Tân Việt cũng cứ cho là ông giả ngộ. Đọc chừng nào vui chừng nấy, vui như kiểu mình đi xem hát, gặp mấy chú hề, hễ nói vô nghĩa lý bao nhiêu, thì mình cười nôn ruột bấy nhiêu, cười cái lối vô duyên, cười cái mặt nhăn nhăn của nó. Mà cũng là cười; cười thì mạnh giỏi. Tân Việt chỉ xin lỗi với chư độc giả tha cái tội thô tục cho ông Thới, vì trời sanh ông ra như vậy, mình biết sao giờ? Và hãy xét giùm cho cô Hường là người không có ăn thua chi với lối văn dơ dáy nầy hết. TÂN VIỆT Thần chung, Sài Gòn, s.340 (19.3.1930) (*) Các từ điển của Huình Tịnh Của (sđd.), Từ điển phương ngữ Nam Bộ (sđd.), Tự vị tiếng nói miền Nam (của Vương Hồng Sển, Nxb.Trẻ Tp. HCM, 1999) đều không ghi hưởi. Xét trong văn cảnh, có lẽ từ này tương đương với “ngửi”, và vì vậy Tân Việt mới nhận xét là thô tục và xin lỗi độc giả vì đã đăng nguyên văn.
NƯỚC MẮT ĐÀN BÀ “Nước mắt đàn bà” nghĩa là nước mắt khóc dễ. Thật thế, thường thường sao đàn bà khóc dễ hơn đàn ông. Có khi họ có tánh đa cảm hơn đàn ông nhiều. Đừng nói chi đến chuyện bà kia đi xem hát gặp nhằm lớp tuồng rất bi ai mà nước mắt ráo hói, ai ra rồi cũng lấy làm lạ, thời bà đó đáp rằng: “Hồi nãy tôi muốn khóc cũng được, song mắc đi ăn cơm khuya với khách”, mà chánh ngay trong tuồng hát bóng mình cũng thường thấy đàn bà khóc nhiều, khóc dễ hơn đàn ông, chớp ra hình chỉ thấy cái mặt cô đầu nhứt to tướng che án hết tấm vải và mấy giọt nước mắt, giọt nào giọt nấy lớn gần bằng trái cau, mình tưởng là nước mắt giả. Té ra họ khóc thiệt, khóc mùi, người nhưng(*) biểu khóc lúc nào thì họ khóc liền lúc nấy. “Mình đừng chọc tôi, chọc tôi tôi khóc bây giờ!” Tưởng ai cũng đã từng nghe câu ấy. Chi như đàn ông, thì lại ít vì chuyện riêng mà khóc. Khi binh Allemand kéo vào thành Paris thì Poincaré khóc, Deschanel khóc, cả Clémenceau là người đã có cái danh “ông cọp” mà cũng khóc như ai. Còn Marcel Cachin, lãnh tụ cọng sản, thấy lính Lang Sa kéo vào Strasbourg thì cũng mừng cho đến ra nước mắt. Đó là chuyện nước mắt đàn ông, đàn bà; Tân Việt bắt chước Clément Vautel mà nói. Song việc chi cũng có cái trừ ngoại, nước mắt đàn ông cũng vậy; hôm diễn thuyết ở rạp Huyện Cần, ông Trần Văn Khá ra đứng nói giọng run run như tuồng muốn khóc, ông Phan Văn Gia ở trên lầu la lớn: “Nhỏ ơi, mầy đừng khóc chớ”. Và có khi e vì ông Khá phải rút nước mắt vào lúc nọ, mà hôm chúa nhựt rồi mới co tay lại mà đánh lén ông Gia. Tuy không bằng con lừa của ông Giáo hoàng, chớ cũng hơn ông Thới nhiều vì ông Khá chờ gần đặng một năm nay. TÂN VIỆT Thần chung, Sài Gòn, s.341 (20.3.1930) (*) người nhưng: người chỉ huy trò diễn, gần như vai trò đạo diễn. BẮT CÁ TÁM TAY Mới rồi một tờ báo bên Mỹ có đăng cái quảng cáo như vầy: “Tôi định bá cáo cho các anh em chúng bạn biết rằng ngày hôm qua sau khi hạ sanh ra một trai tên là X. thì tiện nội tôi đã từ trần. Hiện nay tôi đương kiếm một người vú để nuôi đứa con dại đặng chờ tôi kiếm cho nó một người kế mẫu cho đẹp đẽ xuân xanh và phải có số tiền giá thú 20.000 đồng đặng cùng tôi chung vốn kinh dinh một sở bán hàng tạp hóa rất có danh tiếng mà tôi đã định sẽ bán cho người nào trả giả cao nhứt. Vì tôi tính đổi chỗ ở qua một số nhà tôi mới cất xong ở tại con đường X. số hiệu ….. nhà đó rộng rãi có nhiều phòng trống để cho mướn”. Thế là một cái quảng cáo đủ 8 chuyện: 1) Ai tín (vợ chết); 2) Hỷ tín (sanh con trai); 3) Kiếm vú; 4) Tìm vợ tục huyền; 5) Rao hàng; 6) Rao bán một cái nhà buôn; 7) Đổi chỗ ở; 8) Cho mướn phòng. Cái não làm quảng cáo của người Mỹ thật là tuyệt diệu. Cái cách bắt cá tám tay, thì An Nam mình có khi e lại xấp mười người Mỹ. Tổng thơ ký hội nầy, chủ hội kia, làm đít-cua, đánh lộn, bán rượu cho dân say, thay mặt cho dân “nhờ” cũng chỉ có một người mà làm xong bao nhiêu chuyện. - Song đó cũng là có 6… - Còn hội đồng thành phố hụt nữa làm chi. Chí như cái thứ 8, thì Tân Việt để gồm trăm ngàn việc lôi thôi khác làm một. TÂN VIỆT Thần chung, Sài Gòn, s.342 (21.3.1930) ẬY, CŨNG TRÁI PHÁ NỮA! Không phải ở trường tiền Sài Gòn mà lại ở trong kinh thành Huế, dường như chuyện nầy với chuyện kia dẫu rằng ngàn dặm cách xa nhưng cũng có thể với tay với nhau “bắt sua” mà hò hẹn. Ngày chúa nhựt 10 Mars ở trong thành, sau lối Hậu bổ, trong một nhà một người cu ly, khi đương đào hầm để trồng cau thì được một hòn đạn đời xưa. Nguyên hồi thất thủ kinh đô thì có vô số đạn bắn vào trong thành, có hòn không nổ, trộn lẫn với đất cát nên đến nay hãy còn nguyên. Anh ta không biết trái gì, tưởng là hòn sắt đời xưa nên lăn nó ra một bên. Đứa con thấy vậy đem vào nhà chơi rồi để trong bếp. Viên đạn gần lửa liền nổ ra một tiếng vang trời. Đứa con bị đạn tung ra, mặt mày đều bị xé ra đầy những máu me, té ngửa ra; người cu ly nghe nổ cũng thất kinh chạy vào, cũng bị một mảnh đạn bắn vào nơi mặt. Tiếng đùng vừa nổ thì cả xóm đồng dậy. Tức tốc Quan đê Hạ Thành, quan năm dưới Mang Cá, cho là bom nổ (theo kiểu Hà Nội) nên đều đi xe hơi, dẫn lính Tây lính ta đến vây kín nhà người cu ly. Sau hỏi ra mới rõ nguyên do, nhưng mặc dầu, họ cứ canh tuần, lục soát trong nhà thì chẳng có gì cả. Rồi thì quan trên ra lịnh cho lính lấy cày và bừa mà bừa cả đám đất trong vườn, nhưng cũng chẳng tìm gì được nữa. Hú hồn! Tưởng chút nữa mà xứ Huế trở nên một xứ binh lửa. Tài gì, bom mới vừa nổ ở Hà Nội, Yên Bái, Kiến An còn nghe tiếng súng đạn, mùi thuốc súng chưa tan, mới vừa yên trí, nay lại nghe nổ nữa thì ôi, ôi, bom, bom, trái phá chớ gì. Mà sự ngẫu nhiên cũng cắc cớ trêu ngươi thiệt, làm cho các cụ Thượng ta đương thiu thiu giấc trong các bộ phải giựt mình, tưởng rằng Hoàng thành e đã vào tay những kẻ bạo động rồi. Mà làm cho các quan chức việc Tây và Nam cũng phải một buổi khiếp vía kinh hồn. Trời ơi! Cái xứ An Nam mình thiệt là lắm chuyện! TÂN VIỆT Thần chung, Sài Gòn, s.343 (22.3.1930) HỒ NEMI VÀ HỒ HOÀN KIẾM Từ khi Mussolini lên cầm quyền độc tài ở nước Ý Đại Lợi, thì đã làm lắm chuyện dị thường, mà trong đó chỉ có việc tát cạn hồ Nemi là thú hơn hết. Tục truyền cách mấy ngàn năm nay, có một ông vua La Mã hiệu Caligula(*) là một vị đế vương hoang dâm vô độ, cứ theo sử sách để lại, thì cái sự tàn ngược xa xỉ cũng chẳng kém chi Kiệt, Trụ bên Tàu. Người ta đồn rằng vua Caligula thường ở dưới hai chiếc long châu chạm vàng khảm bạc chở đầy ngọc ngà châu báu đậu ở giữa hồ Nemi mà đắm say tửu sắc. Bữa nọ đương vui vầy với cung phi mỹ nữ bèn truyền lịnh nhận chìm long châu xuống đáy hồ cho rảnh kiếp phù sanh, vì đã hưởng hết bao nhiêu khoái lạc. Từ ấy nhẫn nay, thế kỷ này qua thế kỷ khác lại vật đổi sao dời mà sự tích hai chiếc long châu cùng cái kho đồ quý báu, thì ai ai cũng cứ tưởng là đương nằm dưới đáy hồ mà chờ chủ mới. Bởi vậy nên chi Mussolini mới ra lịnh biểu tát cho cạn. Cạn được cũng là nhờ có máy móc khoa học kim thời. Song cạn rồi lại chỉ thấy hai chiếc ghe cây tầm thường đương nằm mục ở đó, chớ chẳng có cóc xơ gì hết. Mussolini mắc cỡ thầm. Mà có lẽ Caligula cũng ngầm cười chín suối. Còn mấy nhà sử học, thì đổi giọng ngay: Hai chiếc ghe ở giữa hồ Nemi lúc bấy giờ chỉ để làm lễ tế tự. Còn Caligula có phải là vua hoang dâm vô độ đâu. Dư luận xưa nay vẫn là cái án phải sửa đi sửa lại hoài. Thấy vậy cũng mừng giùm cho cái danh giá của vua Caligula. Song lại có ý lo cho cái hồ Hoàn Kiếm. May là chỉ có một cái thanh gươm vàng chớ phải chi di truyền mà nói nhiều châu báu như chuyện ở hồ Nemi thì bây giờ chắc đã không còn một nhễu nước.(*) TÂN VIỆT Thần chung, Sài Gòn, s.344 (23 và 24.3.1930)
(*) Caligula (12-41 sau CN) hoàng đế La Mã. (*) nhiễu nước: cũng như “giọt nước” |