PHAN KHÔI: TÁC PHẨM ĐĂNG BÁO 1930

Hoàng đế với phụ nữ


Dật sự một vài ông vua hoang dâm cùng những điều oán hận của cung nhân.

- Cái chánh thể quân chủ chuyên chế thật là thù riêng của cả và phụ nữ

 

Nếu như các hoàng đế các nước từ Âu châu cho đến Á châu, mà tới bây giờ, vẫn còn cầm quyền ngồi trên đầu thiên hạ, mà bên phe đàn ông chẳng có một mặt nào dám nổi cách mạng hết, thì tất thế nào trong đám phụ nữ cũng có người nổi cách mạng. Vì các vị đế vương đối với thần dân mình, áp chế đã đành, mà riêng về phụ nữ, lại còn áp chế thêm một lớp khác nữa. Nghĩ cho kỹ mà xem, đế vương thật như là kẻ thù riêng của phụ nữ; cho nên, nếu có thể, thì phụ nữ cũng sẽ đánh đổ đi để trả thù. Tiếc thay, cái lịch sử cách mạng ấy bên phe nam đã choán đi mất rồi; những ngai vàng ở thế gian cũng không còn mấy cái, thì cái sự nghiệp oanh liệt kia có còn đâu đến phần phụ nữ!

Một người nam, một người nữ phối nhau, ấy là lẽ thường thiên hạ. Duy có ông vua thì được tung hoành ngoài vòng “nhứt âm nhứt dương” ấy. Ấy thiệt là một điều quái. Nói rằng đế vương là thù riêng của phụ nữ, gốc bởi đó mà ra.

Nói về chế độ quân chủ nước Tàu. Theo Kinh Lễ, thiên Hôn nghĩa, thiên tử thì đặt ba bà phu nhân, chín bà tân, 27 người thế phụ, 81 người ngự thê. Mà lễ ấy, nói rằng thánh nhơn đặt ra đó. Không biết ông thánh nào mà có cái óc kỳ quái như vậy? Một người đàn ông mà cho đến 120 người đàn bà lận, thì chỉ có làm thịt ra mà ăn cả một đời, hoạ may mới hết!

Lễ đặt ra như vậy, song các vua Tàu đời xưa cũng không có đâu đến số ấy. Duy đến ông Tùy Dượng Đế(*) thì mới thiệt hành theo lễ. Ổng đặt ra ba bà phi, ngang hàng nhứt phẩm; chín bà tân, ngang hàng nhị phẩm; 12 bà thiệp dư, ngang hàng tam phẩm; 15 bà vừa mỹ nhơn và tài nhơn, ngang hàng tứ phẩm, tức là thế phụ; 24 bà bửu lâm, ngang hàng ngũ phẩm; 24 ngự nữ, ngang hàng lục phẩm; 37 thái nữ, ngang hàng thất phẩm; tức là ngự thê. Cộng là 120 người, theo lễ của thánh đặt ra.

Tùy Dượng Đế là ông vua hoang dâm thứ nhứt, lại phạm tội giết cha, mang tiếng là vô đạo, vậy mà cái chế độ nội cung của ông đặt ra đó, các vua đời sau đều theo hết; cho đến nước Đại Nam mình cũng vậy, chẳng những theo cái chế độ 120 bà, mà cũng theo luôn cả những cái tên gọi nữa.

Cái số chánh là 120, còn ngoài ra, những cung nữ, thị tỳ, không biết bao nhiêu mà kể, gấp mươi lăm, hai mươi lần số ấy nữa. Nối sau Tùy Dượng Đế, ông Đường Thái Tôn đuổi cung nhân ra hai lần, mỗi một lần là ba ngàn người. Dữ chưa!

Dượng Đế cất một cái cung mới, làm chỗ ăn chơi đẹp hết chỗ nói; ổng ngự đến, trầm trồ mà rằng: “Dầu cho chơn tiên đến đây chơi, cũng phải mê, nữa là ai!” – bèn đặt tên là “Mê Lâu”. Bao nhiêu đàn bà trong cung, bất kỳ phẩm nào, người nào đẹp mới được lựa đưa vào Mê Lâu để chực “ngài ngự”, vì đông quá, ổng không được nhìn mặt cho hết.

Có một bà phu nhơn họ Hầu, sắc đẹp, mà người ta không lựa cho vào Mê Lâu; ở trong cung bảy tám năm, không được hầu vua lần nào, bà ấy tức mình thắt cổ mà chết. Khi bà chết, có đeo nơi cánh tay một cái túi bằng gấm, trong có đề mấy bài thơ, kể sự phiền não của mình, cung nhơn đem nạp cho vua xem. Vua xem thơ, lấy làm cảm thương, bèn đến viếng xác bà ấy. Khen rằng: “Con người đã chết mà nhan sắc còn tươi như hoa đào!”, - rồi đòi quan cung sứ là Hứa Đình Phu, hỏi tại sao không đưa bà Hầu vào Mê Lâu; rồi bắt Hứa Đình Hầu phải tự tử.

Sự chọn con gái cả ngàn cả trăm vào cung, ấy là bày đầu từ Tùy Dượng Đế. Những con gái dân gian đã bị chọn vào đó thì phí cả một đời người, chỉ có chết là hết, chớ không có ngày ra được. Rất đỗi như Hầu phu nhân sắc tài bậc ấy mà rồi đến phải tự tử, thì cái oán khí đến chừng nào cũng đủ biết. Cho nên tục ngữ ta cũng có câu rằng: “Cực chẳng đã mới gả cho vua, gả cho vua thì thua nhiều nỗi!” Lại rằng: “Đưa con vô nội, thà bán cho mọi!”

Hãy kể lấy vài ông vua mà thôi, ông Tùy Dượng Đế rồi đến ông Minh Võ Tôn. Ông nầy lại còn quá ông kia.

Hồi nhà Minh, chế độ hậu cung có giảm một ít, không đủ số 120 như hồi nhà Tùy. Nhưng theo sử chép thì bấy giờ số cung nữ và nữ quan lại còn nhiều hơn nhà Tùy nữa. Đời nầy lại có bày ra phép “kén vú” trong dân gian. Cứ mỗi một quý, ba tháng, thì chọn trong dân 40 người vú. Phép kén như vầy: “Đàn bà có chồng từ 15 tuổi trở lên, 20 trở xuống, người đoan chánh, không tật nguyền, sau khi đẻ ba tháng thì được trúng tuyển. Kén được, bắt ở riêng một chỗ, mỗi ngày cấp cho tám bụm gạo và bốn lượng thịt, chờ ngày trong nội đòi thì đưa lần vô. Vô rồi thôi, cả đời không ra được. Có chồng, có con, phải bỏ đi, để vào cung cho con vua bú, ấy là “trung quân” đó! Ấy là hết bổn phận làm dân đó!

Ông Võ Tôn, hồi lên ngôi, mới 15 tuổi. Phép trong nội, có đặt ra chức “Dung sử” để khi nào vua ngự đến phòng nào thì biên lấy. Phép đó đặt ra, có ý để hạn chế sự dâm dục của vua. Cũng như ta lập sổ chi tiêu trong nhà, mỗi lần mua vật chi đều biên, tuy không ai cản mình biểu đừng tiêu, nhưng cuối tháng cộng sổ mà thấy nhiều quá thì cũng giựt mình. Võ Tôn lên làm vua, bỏ chức Dung sử ấy, không đặt nữa, hầu để dong chơi lu bù, khỏi có sự kiềm thúc chi hết.

Bắt chước kiểu Mê Lâu của Dượng Đế, Võ Tôn làm một chỗ chơi, gọi là Báo Phòng. Bấy giờ có tên Vu Vĩnh rành nghề “bí mật”, vua vời vào ở Báo Phòng để dạy mình. Vu Vĩnh vốn là người Hồi Hồi, khoe với vua rằng con gái Hồi đẹp hơn con gái Hán; vua bèn truyền ra cho các nhà quan, nhà nào có con gái Hồi đều phải đưa vào cung. Sau rồi đòi đến con gái của Vu  Vĩnh; Vĩnh tráo con gái Hồi khác mà đưa vào, rồi giả bịnh và xin về, vì sợ sẽ có tội.

Sau Vu Vĩnh lại có tên Giang Bân cũng là tay phụ đạo của vua Võ Tôn về khoa ngự nữ. Bân liền chỉ cho vua rằng có em gái của Đô đốc Mã Ngan đẹp lắm. Vua sức đòi. Nhưng nàng đã có chồng và có nghén rồi. Tuy vậy, cũng cứ việc phải đưa vào cung. Nàng được vua yêu, đến nỗi ban cho họ Mã, bất kỳ lớn nhỏ, mỗi người một cái áo gấm. Võ Tôn một lần đến nhà Mã Ngan uống rượu, nhơn hứng, đòi luôn mụ hầu Mã Ngan; Ngan lạy dài, nói nó đương có bịnh. Võ Tôn giận, từ đó không chơi với họ Mã nữa.

Võ Tôn hay đi ngự xa, mỗi lần đi đến đâu, bắt đàn bà con gái lương gia kể hàng trăm. Bắt rồi nhốt đầy xe nọ xe kia đem theo để ngự. Một vài ngày, trong xe lại có người chết. Chết ở đâu, chôn ở đó, ai nấy nín thinh, không dám rỉ hơi. Bởi vậy vua đến đâu, nhơn dân trốn tránh đến đó. Một lần đến Giương Châu, trong một đêm mà đàn bà góa và con gái chưa chồng đều có chồng hết. Sáng ngày ra vua đến, biết cớ sự như vậy, bèn cách chức viên tri phủ sở tại đó, vì nghi rằng viên tri phủ xúi dân.

Nội một sự vì hầu hạ một người mà chứa vào trong cung đến năm bảy ngàn người đàn bà, đã đủ giày vò phụ nữ đến đâu rồi; huống chi lại còn bắt hiếp người ta như ông Võ Tôn, thiệt là không còn có chút nhơn đạo nào nữa. Trong đám đó cũng có người được vua thương yêu, nhưng nếu biết nghĩ, thấy vua giày đạp kẻ đồng loại mình như trùn như dế, thì người ấy cũng chẳng lấy làm ơn mà trở lấy làm thù vậy.

Những sự oán thù của kẻ bị nhốt trong cung thế nào, một bài Cung oán ngâm khúc của ta đã tỏ ra hầu hết. Đến như bên Tàu, thì người ta nhắc đến sự ấy luôn, gần như chẳng có tay thi nhơn nào không nói đến, và đã thành ra một lối thơ riêng, gọi là “Cung oán”. Coi đó đủ thấy cái khí u uất, tức tối trong chốn nội đình, nó đã chất thảm xây sầu cho phụ nữ là dường nào!

Hồi vua Huyền Tôn(*) nhà Đường, sức cung nhơn may áo bông, cấp cho lính đánh giặc chốn biên thùy; có người lính lãnh được cái áo, thấy bài thơ chép trên miếng lụa, đính vào trong áo, như vầy:

Thương người nơi chiến địa,

Đêm lạnh ngủ làm sao!

Mảnh áo tay ta chế,

Rồi ai bắt đặng nào?

Nặng tình thêm chỉ nhặt,

Cố ý nhận bông nhiều,

Kiếp ấy thôi đành lỡ,

Cùng ai hẹn kiếp sau!(1)  

Người lính đem bài thơ trình cùng viên chủ tướng. Viên nầy gởi tâu vua. Huyền Tôn dạy đưa bài thơ ra cho hết thảy cung nhơn đều biết, bảo ai làm thì cứ nhìn, vua sẽ không làm tội. Có một người đứng ra nhận là của mình. Vua bèn đem người ấy gả cho tên lính, nói rằng: “Ta kết cái duyên kiếp nầy cho mầy, khỏi đợi đến kiếp sau!”

Một việc đó tỏ ra cái tình hoài của bọn cung nữ là bách thiết đến chừng nào. Mình là khách buồng tiêu vách quế, lại đi để ý đến một người nằm sương trải gió, xông tên lướt đạn, mà lại còn người ấy chẳng biết là ai, thì thật là vu vơ quá, bông lông quá. Chuyện vu vơ bông lông như vậy mà làm được, chẳng qua chỉ để giải bớt chút tình u uất mà thôi, nào có ngờ đâu đến cái duyên gặp gỡ về sau.

Thấy những sự đế vương đối đãi cùng phụ nữ như vậy mà ai không tức. Huống chi chính mình phụ nữ đã chịu lấy sự ngược đãi ấy, sự vô nhơn đạo ấy mà cúi đầu nhịn mãi được hay sao? Thế nhưng xưa nay chưa hề thấy trong đám họ có ai ra ý nghịch cùng người ngược đãi mình đó, nghịch cùng cái chế độ áp bách mình đó. Sự ấy không đủ lấy làm lạ, là vì chính cái ông thánh bày ra phép lập 120 vị hậu cung đó cũng có đặt ra lễ giáo, dạy đàn bà một mực phải nhu thuận!

Cho nên những bậc vĩ nhân đã xướng lên cái thuyết cách mạng, đã nổi lên quân cách mạng mà đánh đổ nhà vua, chẳng những là ân nhân của cả và dân chúng, mà riêng phần phụ nữ lại phải đội ơn người, bởi người đã vì phụ nữ mà rửa cái hờn thiên cổ; đàn bà con gái mà kể vào hàng loài người được, thiệt là nhờ các bậc ấy. Mỗi một người cũng nên mua chỉ thêu tượng ông J. J Rousseau, ông Danton, ông Robespierre, ông Tôn Văn, ông Hoàng Hưng mà đeo vào cổ, để kỷ niệm đời đời.

 

PHAN KHÔI

Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, s.36 (9.1.1930)

 

 


 

(*) Cũng đọc là Tùy Dạng Đế (604 – 617) vua thứ hai nhà Tùy (B.T.)

(*) Đường Huyền Tông (Lý Long Cơ) vua nhà Đường, ở ngôi: 712 – 756 (B.T.)

(1) Nguyên văn là: Sa trường chinh chiến khách / Hàn dạ khổ vi miên / Chiến bào kinh thủ tác / Chi lạc a thùy biên / Súc ý đa thiêm tuyến / Hàm tình cánh trứ miên / Kim sinh dĩ quá dã / Nguyện kết hậu sinh duyên(*) (bản gốc in nguyên văn chữ Hán; ở sưu tập này chỉ in lời phiên âm)

 Trở về mục lục Trang Phan Khôi