PHAN KHÔI: TÁC PHẨM ĐĂNG BÁO 1928
Học thuyết cũ với vận mạng mới nước Tàu(1)
Hiện bây giờ ở nước Tàu, đám quân phiệt đã bị đánh đổ cả rồi, Trương Tác Lâm đã chết, Đông Tam Tỉnh đã sắp treo được lá cờ thanh thiên bạch nhựt, bọn yếu nhân trong nước đã bàn đến việc "tài binh", nhân dân đương reo mừng mà hoan nghinh cuộc thống nhứt; song rồi đây cuộc thống nhứt có thiệt hiện được không? hay là còn sanh ra lớp nội loạn nào khác nữa? Ấy là một vấn đề. Đối với vấn đề ấy người trong thế giới đương còn phải nghiên cứu, chưa có ai dám quả quyết mà trả lời; dầu cho chính người Tàu cũng vậy. Mới rồi, đọc tờ Tân Trung quốc báo, thấy có một bài đề là Sự yêu cầu cần kíp của nhân dân, trong đó đại lược nói rằng: "Hiện nay quân bắc phạt đã gọi là thành công, sự yêu cầu cần kíp của nhân dân chúng ta ngày nay là gì? Ấy là sự lập nên một quốc gia thống nhứt. Mà muốn lập nên một quốc gia thống nhứt, tất phải phế trừ cái lối cát cứ đến tận gốc. Song le, hiện bây giờ nếu có ai hỏi trong nước thật đã hết không còn có ai dám toan cát cứ nữa chăng, thì ta cũng còn chưa biết thế nào mà trả lời. Nói thật ra thì cái mưu cát cứ ở trong nước nầy vẫn chưa dứt. Tức như một tỉnh Phước Kiến, hiện đã bị 1. Hải quân, 2. họ Lư, 3. họ Trương chia ba rồi. Hải quân thì choán lấy phần gần biển làm chỗ căn cứ; còn Lư và Trương thì chia nhau mà cai trị phần thượng du và hạ du. Huống chi ngoài tỉnh Phước Kiến lại còn các tỉnh khác nữa cũng có cái tình hình giống như vậy. Ta thấy vậy thì chẳng biết làm sao mà mong cho được cuộc thống nhứt chơn chánh." Ấy đó, xem người Tàu nói như vậy, là một cái mầm làm cho ta hồ nghi mà không dám vội vã trả lời vấn đề trên kia. Ta tuy vẫn ở gần nước Tàu, song cái hiện tình của họ ta làm thế nào biết cho hết và cho rõ được. Bởi vậy ta muốn nghiên cứu vấn đề ấy bằng hiện tình không bằng nghiên cứu bằng học lý. Theo học lý thì chúng tôi có thể nói được rằng: bao giờ cái học thuyết cũ nước Tàu đã tiêu diệt hết rồi, thì cái vận mạng mới của họ mới có cơ vững chãi. Đại khái học thuyết tư tưởng của người Tàu là về mặt bảo thủ, mà công việc họ làm ngót hai mươi năm nay là công việc cách mạng, hai đàng nó phản đối nhau. Về xã hội luân lý, họ trọng cái thuyết trung dung, về chánh trị triết học, họ trọng cái thuyết minh đức tân dân. Cái thuyết trên thì trái với sự tấn hành của cuộc cách mạng; cái thuyết dưới thì trái với nền dân chủ. Những thuyết ấy ngấm vào óc dân Tàu đã hai ngàn năm nay rồi, bây giờ họ đem cái óc ấy ra làm cách mạng mà muốn cho thành công lập tức, thì khác nào làm một bài toán cộng mà muốn tìm được số thành của bài toán nhơn! Hễ trung dung thì việc gì cũng vừa phải mà thôi, không dám làm thẳng tay. Bởi vậy lần cách mạng thứ nhứt, họ không dám đánh thẳng tới Bắc Kinh mà bằng lòng hoà với Viên Thế Khải, đến nỗi chịu cho va làm tổng thống. Lần sau Trương Huân phục bích(*), họ đánh đuổi cho chạy đi thì thôi, Trương và cả bọn chẳng có một người nào phải tội lệ gì. Nực cười thay! Thiên hạ chỉ có Robespierre hay là Danton mới nên làm cách mạng, sao cái nầy Khổng Tử cũng xứng ra làm cách mạng! Cái thuyết minh đức tân dân chỉ hiệp với cái chế độ quân chủ; còn như làm dân một nước dân chủ mà còn có cái quan niệm ấy thì đã mất hẳn cái địa vị của cá nhân rồi, thể nào làm chủ trong nước được ư? Cũng bởi dân trí nước Tàu còn như vậy cho nên trải bao nhiêu năm nay bọn quân phiệt thừa cơ nổi lên cát cứ mỗi người một phương, tuy chưa dám xưng đế xưng vương, mà kỳ thiệt là làm vua trong một phương ấy vậy. Cho nên ông Gustave Le Bon nói phải lắm. Ông nói trong sách Cách mạng tâm lý (Psychologie de la Révolution) của ông rằng: "Người ta chỉ thấy chánh phủ Mãn Thanh bị đánh đổ bởi quân Cách mạng, song không biết kỳ thiệt là chánh phủ ấy tự đánh đổ lấy, chứ không phải bị ai đánh đổ... Vả, cái chế độ cộng hòa là một điều rất tấn bộ trong cuộc chánh trị. Nay dân Tàu ở dưới chánh thể chuyên chế mấy ngàn năm, vùng thót lên đến bực đó, vậy có phải là quốc dân họ tấn bộ chăng? Không, đó chỉ là cái sức phản động mà thôi." Cũng trong sách ấy, ở nơi khác, ông lại nói rằng: "Những cuộc cách mạng dữ dội thình lình tuy đủ làm cho nhà làm sử ngó thấy mà sửng sốt; thực ra thì thứ cách mạng ấy không phải là cách mạng thật. Cách mạng thật, phải từ phong tục và tư tưởng mà cách mạng đi. Cho nên, đổi tên của một chánh phủ chưa chắc là đã đổi được tinh thần trạng thái của quốc dân; đánh đổ chế độ của một nước chưa chắc là đã làm mới được đạo đức và phong tục của nước ấy." Người Tàu cũng đã hiểu cái lẽ ấy lắm, cho nên hơn mươi năm nay họ đã hết sức trừ bỏ các tư tưởng cũ là những cái nào không hiệp với sự sanh hoạt của họ ngày nay, và họ lại thâu vào các tư tưởng mới. Trong năm 1915-1916 về sau, họ có những cuộc tuyên truyền gọi là "Tân văn hóa vận động". Nhưng mà họ còn phải bị ngày giờ nó kéo lại, những cái vết sâu trong óc của con cháu Hoàng đế mấy ngàn năm nay hồ dễ một mai mà cạo đi cho sạch hết. Nghiệm như mới rồi quân bắc phạt không trường khu(**) ra Đông Tam Tỉnh, mà lại dung cho bọn Dương Vũ Đình, Trương Học Lương nội phụ, thì ra cái thói trung dung cũng còn vẫn giữ, mà biết đâu rồi nữa bọn này chẳng thành ra như Viên Thế Khải đối với chánh phủ lâm thời năm xưa? Rành theo về một phía học lý, chúng tôi dám nói quyết rằng hễ trong nước Tàu ngày nào còn những cái học thuyết cũ của Khổng Tử, thì ngày ấy sẽ còn đẻ ra những bọn như Viên Thế Khải và Trương Tác Lâm mà nước Tàu sẽ không thể nào làm xong công việc cách mạng và dựng nên một nước cộng hòa chơn chánh. Muốn cho câu phán đoán đó thành ra một cái án không thể cãi được thì chúng tôi hãy lấy cái phản chứng về đời Viên Thế Khải làm tổng thống. Trong lúc đó Viên rắp dự bị làm đế chế cho nên đã bắt các học hiệu đọc kinh, tế Khổng, ý toan đem học thuyết của họ Khổng để ràng buộc lòng người đặng cố nhen lại đống tro tàn quân chủ từ bao nhiêu đời nay. Ấy là một cái chước ngu dân của những nhà chánh trị có dã tâm; song nếu đạo Khổng chẳng thích hiệp với cái thói chuyên chế kia, thì có ích gì cho họ mà họ phải làm như vậy? Khổng giáo cai trị phần tinh thần người Tàu đã hơn hai ngàn năm nay rồi, ngày nay cũng nên về hưu đi. Người Tàu nếu muốn sống trong một cái đời mới thì cần phải có các học thuyết tư tưởng mới. C.D. Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s.748 (26.7.1928) ---- (1) Hãy xem luôn bài Tôn chỉ đạo Khổng của báo Đ.P.* ngoài Bắc mà bổn báo đã lục đăng ở trương thứ 5 (nguyên chú của PK) * Đương thời ở Hà Nội cũng có báo Đông Pháp; báo chí đương thời khi đăng lại bài vở của nhau thường ghi rõ xuất xứ nên mới có chú thích này; **phục bích: ngôi vua đã bị mất mà lấy lại được (theo Đào duy Anh, sđd.); *** trường khu: đem quân đuổi dài (theo Đào Duy Anh, sđd.)
|