PHAN KHÔI: TÁC PHẨM ĐĂNG BÁO 1930
Về cái ý kiến
lập hội “Chấn hưng quốc học”
Tôi viết bài nầy có ý đáp lại bài ông Phạm Quỳnh trả lời cho tôi về bài “Cảnh cáo học phiệt”, bài trả lời mà độc giả đã thấy trong Phụ nữ tân văn số 67. Tuy vậy, tôi lại có ý không để cho việc nầy thành ra cuộc tranh biện vô ích, nên tôi mới tiêu đề như trên kia, chỉ rút một cái yếu điểm trong bài của ông Phạm ra làm vấn đề nghị luận mà thôi. Dẫu thế mặc lòng, trước khi nghị luận về chỗ yếu điểm đó, xin độc giả cho phép tôi diễn chung quanh nó một vòng, nghĩa là tôi muốn đả động tới một vài chỗ trong bài ông Phạm mà có dính dấp với cái yếu điểm đó. Trước hết tôi xin nói cho dứt khoát về việc quan hệ giữa ông Phạm và tôi mới rồi. Cái bài “Cảnh cáo” của tôi mà ông cho là “làm án”, cái đó tôi không dám nhận. Hết sức tôi thì tôi chỉ nhận nó đến một cái khống trạng (un procès) là cùng. Trước mặt cái tòa án nào không biết, tôi tố cáo một hạng “học phiệt”, trong đó có ông Phạm Quỳnh, là như vậy đó; rồi nay ông Phạm có bài biện bộ (plaidoirie) mà tự cãi lẽ lấy cho mình là vậy đó. Vậy thì hai bên khúc trực thế nào, chắc ông cũng đồng ý với tôi mà đợi tòa phân xử, tôi không còn nên nói về việc ấy nữa làm chi. Vụ kiện đó tha hồ cho tòa triển hoãn (renvoyer) đến bao giờ cũng được, tôi ví chẳng khác như người thọc vô đó một lá đơn rồi trở về kiếm phương kế làm ăn. Độc giả biết vậy rồi sẽ tin rằng dưới nầy là công việc làm ăn của tôi, chớ không còn kiện cáo ai nữa. Trong bài trả lời, Phạm tiên sanh có nói rằng: “Đối với một cái dư luận còn bỡ ngỡ như vậy, tưởng cũng không nên câu nệ cho lắm. Không nên coi thường dư luận, nhưng cũng không nên làm nô lệ cho dư luận. Có nhiều điều dư luận nhao nhao lên đó mà người thức giả nên làm thinh”. Đối với cái ý tưởng của Phạm tiên sanh trong đoạn đó, tôi phục nửa phần, còn nửa phần tôi không phục. Cái dư luận của ta đây thật đương còn bợ ngợ non nớt thật; đã là người thức giả thì không nên làm nô lệ nó. Nhưng mà không phải là mạt sát đi hết; cái dư luận nào đáng để ý thì ta cũng không nên coi thường. Chỗ đó, tôi xin đồng ý với tiên sanh. Đến như cái dư luận nhao nhao, trong ý tiên sanh cho là không chánh đáng đó, mà tiên sanh biểu nên làm thinh đi, thì chẳng là trái với cái sơ tâm của người thức giả? Theo tôi, bất kỳ cái dư luận nào, nếu là việc chung giữa xã hội, thức giả cũng chẳng nên làm thinh. Mình đã tự mạng là thức giả, thì phải đi kèm một bên dư luận luôn luôn. Không nên làm nô lệ cho dư luận, như lời tiên sanh đó, phải rồi; song tôi còn muốn tới một bước nữa, người thức giả phải làm hướng đạo cho dư luận. Nói “hướng đạo”, thì nghe ra giọng đàn anh quá, có lẽ làm phật ý nhiều người. Tôi xin nói một cách dè dặt hơn mà rằng: Người thức giả phải làm “ngự sử” cho dư luận. Ở trong xã hội nầy, bất kỳ thấy việc gì trái, mình có ngôn trách thì phải nói, cũng như các quan ngự sử thấy ông vua có điều lỗi gì là phải can. Trong những cái dư luận nhao nhao lên đó, cái nào mình can thiệp đến không tiện thì thôi, còn có thể can thiệp thì tôi tưởng bất kỳ việc lớn nhỏ, người thức giả đều nên can thiệp mà đính chánh lại. Có vậy mới mong cái bợ ngợ thành ra quen tay, cái non nớt thành ra già giặn, dư luận dần dần trở nên chánh đáng là nhờ đó; bằng chẳng vậy, trong xã hội ai cầu có những trang thức giả làm chi? Coi đại ý cả bài thì thấy ra đối với dư luận, Phạm tiên sanh không muốn can thiệp. Mà cái ý kiến đó hiện nay cũng có nhiều người chủ trương. Ấy là cái thái độ tiêu cực. Cứ ngồi đó mà coi dư luận nó đi đường nào trối mặc, nó khôn hay nó dại thây kệ, rồi tự cao một mình, ôm bụng mà cười những cái bợ ngợ non nớt của nó, như vậy sao cho nỡ? Tôi xem ý chừng như Phạm tiên sanh đối với dư luận lại còn hờn mát nữa. Từ ngày Nam phong mới ra đời tiên sanh hăm hở phê bình sách Giấc mộng con của ông Nguyễn Khắc Hiếu, bị một phái kia ác cảm, rồi tiên sanh nguýt một cái như cô Kiều, “cuốn giây từ ấy về sau xin chừa”! Sự ấy làm cho trong học giới có nhiều người thất vọng. Cho đến bây giờ đây, tiên sanh cũng còn nói trong bài trả lời cho tôi rằng: “Nay muốn cho cõi học được vui vẻ sầm uất, không cần phải dùng đến những cách thanh đông kích tây, nay công kích người nầy mai phản đối người nọ, để làm một trò chơi cho khách bàng quan”. Câu ấy chắc tiên sanh có chỉ vào người nào việc nào đó mà nói, song le bổn phận tôi không tìm tòi bới móc ra làm chi. Tôi chỉ xin nhắc lại cho tiên sanh đừng có đánh xô bồ sự biện luận phải quấy với sự công kích riêng tây lại làm một. Nếu không hỏi đến bổn chất của những điều họ công kích phản đối nhau là thế nào, mà cứ một mực cho rằng đó là thanh đông kích tây đó, nay công kích người nầy mai phản đối người nọ đó, như vậy thật chẳng khác nào phơi thêm ra một cái tang chứng nữa cho người ta vin lấy mà khống cáo mình là mạt sát dư luận, chuyên chế dư luận. Bỏ việc chánh trị ra ngoài không nói, chỉ nói những việc thông thường, thì tôi thấy hiện nay trong xã hội ta còn biết bao nhiêu điều chướng tai gai mắt. Rất đỗi có những lời ra từ các bậc thượng lưu trong xã hội mà cũng sai lầm trái ngược không thể nghe được. Những sự chướng tai gai mắt, sai lầm trái ngược đó, nó có hại cho xã hội chăng? Nó có phải do cái tinh thần học vấn bạc nhược như tiên sanh đã nói mà ra chăng? Quả vậy, thì nếu có người đứng ra mà công kích phản đối những điều đó, là có ích lắm chớ, là sự cần có lắm chớ, tưởng không nên đánh xô bồ mà mạt sát đi hết. Cứ theo ngu ý tôi thì sự biện luận để mà phá toan những điều sai lầm đó là rất cần cho học giới ta ngày nay. Không có sự ấy thì cái nền “Quốc học” mà tiên sanh muốn được thành lập sau nầy, cũng không thể nào thành lập nổi. Bởi vì nước ta từ xưa đến nay đã chưa có cái học thuật gọi là chơn chánh, mà hầu hết người trong xã hội lại còn sống trong cái di độc của cái học khoa cử và của cái tư tưởng Tống nho. Đó là những đám chông gai mà chúng ta trước phải phát dọn đi rồi sau mới đem hột giống vãi lên được. Nếu trong khi có người ra công phát dọn chông gai ấy, tiên sanh lại mỉa rằng khéo làm trò chơi cho khách bàng quan, thì chẳng hóa ra tiên sanh cũng vẫn còn coi thường dư luận đó ư? Tiên sanh nói rằng cái tinh thần học vấn của người mình quá bạc nhược. Xưa kia động ra thì giở ông Khổng, ông Mạnh, ông Chu, ông Trình, bây giờ động ra thì giở khoa học với luận lý, dân chủ với dân quyền. Rồi tiên sanh quyết rằng đó là nghe người ta nói mà nói theo, chớ vị tất đã hiểu cho đến chỗ tinh vi. Thật thế, cái bịnh của sự học vấn người mình là ở chỗ đó. Trong sự học của ta xưa nay tuyệt nhiên không có cái quan niệm “cầu chơn”, không cố tìm cho thấy lẽ thật. Nay muốn chữa cái bịnh ấy, tôi thiết tưởng chẳng có phương thuốc gì thần diệu bằng sự biện luận. Bởi vì sự cãi cọ nẩy ra ánh sáng của chơn lý. Nói về sự học của cá nhân, còn có nhiều đường; chớ nói về sự học của một bọn người, của một dân tộc thì ngoài sự biện luận ra, chẳng có tìm cái sự học vào đâu được cả. Trái với tiên sanh, tôi lại thấy rằng cái quang cảnh vui vẻ sầm uất trong cõi học là hiện ra ở chỗ đó. Chỉ tại mình đừng đánh xô bồ mà coi nó là sự công kích tây riêng thế thôi, chớ sao lại “không cần”? Muộn quá, đến đây tôi mới nhập đề. Cũng vì phải giãi bày những lẽ trên kia đã rồi mới nhập đề được. Cái ý kiến của tiên sanh muốn lập một hội kêu bằng “Chấn hưng quốc học” đó, theo tôi, tôi tưởng ta chưa làm được; mà cái hội ấy hình như cũng không cần có nữa. Nhơn rốt bài của tiên sanh, có lời hạ vấn đến tôi, tôi phải trực trần ý kiến, xin chớ ai thấy mà trách tôi: làm không làm, lo phá đám! Trước hết xin gạn hỏi cái tên hội mà tiên sanh phỏng định ra đó. Phàm cái gì từ trước đã có sẵn rồi mà sau suy bại đi, mình muốn làm cho nó hồi phục lại cái quang cảnh cũ, vậy mới nói là “chấn hưng” được. Cái nầy nền “Quốc học” của nước ta, tiên sanh đã nhận rằng từ xưa chưa có, mà tôi cũng từng nhận như vậy, thì sao gọi được là “chấn hưng”? Nhưng cái điều không quan hệ đó hãy bỏ qua đi. Bây giờ tôi xin cắt nghĩa tại sao mà ta chưa làm được. Giả sử ngày nay ta có một cái hội về tánh chất học vấn như vậy thì nó lại còn sanh ra nhiều vấn đề khó khăn hơn các hội khác nữa kia. Nói nội một cái tư cách người vào hội, thì chúng ta sẽ căn cứ vào đâu? Hội đó chắc sẽ phải lấy tinh những hội viên bằng nhà văn học; song ở nước ta bây giờ đây, theo cái chuẩn đích nào mà chỉ cho người nầy hay kẻ kia là nhà văn học được? Đã vậy thì trong xã hội e không khỏi có người lạm dự. Mà đã lạm dự thì sẽ sanh ra lắm cái hiện tượng hiểm nghèo lắm: Một là đối với cái nghị án nào cũng vâng vâng phải phải hết, thì có ích chi? Hai là cãi bướng cãi ngang, như cãi rằng: “Chữ quốc ngữ viết thế nào hiểu được thì thôi”, rồi còn kiện với ai được nữa! Nội chừng nấy đó đã đủ cho ta dự liệu rằng sự lập hội về văn học là sự ở ta đây làm chưa được. Huống chi, theo ngu kiến tôi lại là sự không cần. Sự lập hội như vậy ở các nước có nhiều lắm. Ở Nhựt Bổn, những hội ấy, họ kêu chung là “văn nghệ đoàn thể”. Vì trong nước họ nhà văn học đông đúc lắm. Rồi tựu trung, những người nào đồng một nghệ nghiệp, đồng một khuynh hướng mới cùng nhau lập riêng một hội, như làm thơ thì có hội làm thơ, phê bình thì có hội phê bình, để mà quan ma tư ích(*) cho nhau. Ở bên Tàu, trong khoảng hơn mười năm nay cũng có nhiều hội có tánh chất về văn học nổi lên như vậy. Chúng ta thật không nên dối mình. Cái giống chi, chớ cái giống văn học ở nước ta hiện nay thiệt còn hiếm quá. Bây giờ đây, ta cần phải nhen nhúm dần dần cho mỗi ngày một đông nhiều ra, rồi mới mong được có sự lập hội như các nước ở ngày sau. Cái gì thì nên hiệp lại, chớ sự học thì lại nên chia ra. Nhờ chia ra phái nầy phái khác mà đối địch cùng nhau, rồi sự học mới mau tấn bộ; chớ còn hiệp lại, làm cho cái tư tưởng cả nước phải ở dưới một cái quyền nhứt thống nào, thì thật là bất lợi, vì cái tư tưởng sẽ cầm chừng lại một chỗ mà không nẩy nở ra được. Vậy nếu ta đây có một cái hội, dầu cái mục đích không phải chấn hưng mà là sáng tạo một nền quốc học đi nữa, thì tôi cũng sợ cho cái hội ấy sẽ giảm tư tưởng của quốc dân, nên tôi nói là không cần. Tôi đã không đồng ý kiến với ông Phạm về sự lập hội, mà tôi cũng đã theo gót ông đề xướng rằng lập cho nước ta một nền học thuật, thì tôi phải có cái hoài bão của tôi, tôi phải có cái chương trình của tôi. Vậy tôi xin giãi bày cái ý kiến riêng của tôi như sau nầy. Muốn cho đạt được cái mục đích ấy, theo tôi, bây giờ ta nên dụng công cả vừa hai phương diện. Một là về phương diện phá hoại; một là về phương diện kiến thiết. Tùy theo con mắt tôi thấy, trong nước ta đây, cái gì tôi cho là cái tư tưởng hủ bại, không hiệp với thời đợi, tức là cái di độc của khoa cử và của Tống nho, thì tôi nguyện tảo trừ đi cho sạch. Cùng trong lúc đó, tôi biết cái gì là hay, là phải, bất luận của đời xưa đời nay, phương Đông phương Tây, tôi xin đem mà cống hiến cho mọi người. Trong khi cống hiến một cái gì đó, tôi phải biết cái ấy cho tới đầu tới đuôi, đến nơi đến chốn, mà nói ra một cách rất phân minh có thống hệ. Nhứt là cái tệ “nghe người ta nói, mình cũng nói, vị tất đã hiểu đến chỗ tinh vi”, mà ông Phạm Quỳnh chế bác đó, tôi phải hết sức chừa đi. Tôi xin nói luôn rằng muốn làm được công việc đó thì trước hết tôi phải trau dồi cái lợi khí của tôi cho thêm bén sắc, tức là phải dụng công về chữ và văn quốc ngữ. Chữ phải viết đúng, đừng để cho kẻ khác có thể hiểu lầm; văn phải viết cho thật đâu ra đó như cái tờ giao kèo hay lời quan tòa kết án; đào đất mà chôn những cái giọng văn khoa cử ngày xưa đi cho tuyệt. Tôi chưa thi hành cho như ý được, song cái chương trình của tôi, đại lược như trên đó, thì đã nhứt định rồi. Lại đồng thời tôi cũng đem cái chương trình của tôi đó mà cống hiến cho những người có học trong nước. Tùy ý ai có cho là thích hạp với mình thì cứ việc dùng. Nói rằng: “lập một nền học thuật mới riêng cho người Việt Nam”, hay là nói “lập một nền quốc học”, những danh từ đó cần phải có giải thích. Nói “lập” đó, chẳng phải là do ý chí và công cán của một vài người. Trong chữ “một nền” cũng không có cái nghĩa đơn độc và thuần nhứt. Vả lại việc ấy mà có thành ra nữa cũng phải trải qua một thời kỳ lâu lắm, chớ chẳng phải hễ lập ra thì được ngay. Tôi thử tưởng tượng ra một cái lịch trình như vầy: Giả đò cái chương trình của tôi đó là thích dụng cho phần nhiều người háo học trong nước, họ cũng theo cái chương trình ấy mà làm như tôi. Mỗi người lại theo phương pháp mà tự do nghiên cứu về môn học nào mà mình ưa thích. Sau khi nghiên cứu được cái gì, đem mà cống hiến cho học giới, thì những người khác tham gia vào mà thảo luận, như ông Trần Trọng Kim cùng tôi thảo luận về Khổng giáo vừa rồi đó. Làm như vậy, chẳng những giục giã cho kẻ học phải càng ngày càng nhắc cái trình độ học vấn mình lên cao, mà cũng khiến cho nhứt ban xã hội nô nức vì cái hứng thú của sự học. Rồi dần dần những người tự do nghiên cứu thêm đông ra, những học thuyết thêm nhiều ra, tư tưởng nầy cọ với tư tưởng kia, học thuyết nầy đánh với học thuyết nọ, cái nào không thích hạp với thời đợi thì tiêu đi, cái nào thích hạp thì còn lại; những cái còn lại đó sẽ được kêu chung là “một nền quốc học”. Cái nền quốc học ấy là tổ hiệp, không phải đơn độc; là phức tạp, không phải thuần nhứt. Nó sẽ được thành hình ra trong năm bảy mươi năm hay là một trăm năm sau nữa, nếu chúng ta bắt đầu làm cho nó đậu thai từ ngày nay. Cái kế hoạch (projet) của tôi đó không luận hay dở thế nào, nó là một cái kế hoạch, vì tôi phô bày ra một cách cụ thể cốt cho rõ ràng để nghe. Theo cái kế hoạch ấy thì sự biện luận rất cần cho ta ngày nay, chẳng những về sự học vấn mà thôi, cho đến mọi việc thông thường cũng vậy nữa. Cho nên trong bài này tôi phải để dành một phần lớn, coi là trọng yếu, mà biện nạn với ông Phạm Quỳnh về cái thái độ tiêu cực đối với dư luận, tôi quyết mời ông ra can thiệp tới dư luận, không chịu ông làm thinh. Tôi chủ trương rằng ta phải tích cực mà đối với các cuộc biện luận. Vì theo cái kế hoạch tôi, về phương diện phá hoại về phương diện kiến thiết, ta đều phải cần dùng tới nó cả. Tôi nhiều khi được tiếp chuyện các ông có học thức, thấy ông nào cũng phàn nàn rằng người Việt Nam ta rất kém hay là không có cái óc phê bình (esprit de critique). Nay muốn nuôi cái óc ấy thì đối với dư luận rất không nên hướng về tiêu cực. Cái óc phê bình không có, nghị luận không rành, thì dầu cho ở trong một cái hội nào, được tự do bàn bạc, cũng chỉ vâng vâng, phải phải mà thôi. Cho nên, nếu muốn thiệt hành cái ý kiến lập hội của ông Phạm Quỳnh, lại càng cần phải luyện tập sự biện luận.
PHAN KHÔI Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, s.70 (18.9.1930)
|