PHAN KHÔI: TÁC PHẨM ĐĂNG BÁO 1930 Lại hoàng đế với phụ nữ Chuyện một bà hoàng hậu vì mắc oan mà bị tử hình
Phụ nữ tân văn số 36 có bài Hoàng đế với phụ nữ lược kể những dật sự của một vài ông vua hoang dâm cùng những điều oán hận của cung nhân là thế nào. Nay nhơn đọc sách, thấy chuyện một bà hoàng hậu có tài có đức, chánh vị trung cung hơn hai mươi năm, đã sanh đủ hoàng nam hoàng nữ, thế mà vì một cái án ngờ, “đức vua chồng” chẳng hề nhớ đến tình cũ ngãi xưa, nghe lời vu hãm mà khép ngay vào tử tội; - sự ấy tỏ ra rằng cái nền luân lý của nhà quý tộc đã tuyên cáo phá sản từ xưa, và cũng đủ chứng rằng hoàng đế thiệt là thù với phụ nữ như đã nói trong bài trước, bởi vậy tôi mới đem mà thuật ra đây. Đời xưa, vợ vua mà bị bỏ cũng từng thấy. Ấy là như bà Trần hoàng hậu vợ vua Hán Võ Đế, bị vua không ưa mà phải ở một mình nơi Trường Môn cung. Dầu vậy, cũng không đến nỗi bị hành hạ chi, sau bà ấy nhờ Tư Mã Tương Như làm bài Trường Môn phú, lọt đến tai vua, rồi vua cũng thương yêu bà như trước. Lại vợ vua cũng có bị giết một cách tàn nhẫn. Là như Thích phu nhân bị vợ lớn là Lữ hậu chặt cả tay chưn, móc con mắt, cho uống thuốc câm, bắt ở trong cầu tiêu, kêu bằng “con lợn người”. Chúng ta đọc sách xưa, thấy những chuyện như vậy, đã lấy làm bất bình cho cái số phận người đàn bà lắm rồi, huống chi một ông vua, chính mình tuyên án vợ mình, rồi hành hình một cách vô nhân đạo, như chuyện sắp kể đây, thì thật là thái quá, không còn chỗ nói! Ấy là chuyện bà Ý Đức hoàng hậu, vợ vua Đạo Tôn nước Liêu. Nước Liêu nguyên là một giống Hồ ở phương bắc nước Tàu, ngang hồi nhà Tống, chiếm cả xứ Mông Cổ và mấy tỉnh miền bắc nước Tàu mà lập thành một nước, trước sau hơn hai trăm năm, vào khoảng đầu thế kỷ thứ mười cho đến đầu thế kỷ thứ mười hai. Vua Liêu tuy không phải là Hán chủng, song đã chiếm trị vào phần đất Trung Quốc lâu đời, cho nên cũng theo văn hóa Trung Quốc như là trào Mãn Thanh mới rồi vậy. Tôi kể rõ gốc tích như vậy để cho người ta đừng còn coi vua Đạo Tôn như là di địch nữa. Bà Ý Đức hoàng hậu là con gái của Tiêu Huệ, học giỏi, hay thơ, sở trường đờn tỳ bà, bởi đó mà được kén vào chánh vị chốn hậu cung. Lúc đầu bà mới vào cung, được vua yêu quý lắm. Sau đó, nhơn vua có một đứa bế thần(*) tên là Ất Tân, nó ganh ghét, muốn hãm hại bà mà bà không hay; trong khi gần vua, bà lại thường can gián việc nầy việc khác, thành ra vua cũng không ưa mà càng ngày càng xa bà. Ý bà cũng nghĩ, như Trần hoàng hậu hồi nhà Hán, bị vua bỏ, mà rồi nhờ người ta làm bài phú cho, hóa lại được vua yêu, huống chi mình nay tự làm lấy được, khỏi nhờ ai, mà sao lại không làm? Bà bèn làm mười bài ca khúc, kêu là khúc “Hồi tâm viện”, trong ý mong cho vua nghe đến mà đoái thương mình lại. Mười bài ca khúc ấy lời lẽ tươi đẹp mà điệu hát véo von; sau khi bà làm thành rồi, nội bọn nhạc công không ai hát được, chỉ có mình tên kép là Triệu Duy Nhứt hát được mà thôi. Trong đám tỉ tất(**) có đứa tên là Đơn Đăng, đờn ca cũng giỏi, muốn tranh nghề với Triệu Duy Nhứt, nên có ý oán bà chẳng biết đến mình. Mà Đơn Đăng nguyên là đứa thị tỳ của một nhà phản thần kia, sau khi nhà ấy bị diệt rồi, nó bị bắt vào cung, làm như là nô tỳ vậy. Vua Đạo Tôn thỉnh thoảng hay biểu nó đờn cho vua nghe, thì bà can rằng: “Nó là tôi tớ nhà bạn thần, đáng ngại lắm, xin đừng cho nó được gần ngài ngự”. Từ đó con Đơn Đăng không được gần vua nữa, nó lại càng oán bà. Đơn Đăng có đứa em gái tên là Thanh Tử, con nầy lại là tình nhân của Ất Tân. Đăng bèn đặt chuyện nói với Thanh Tử rằng Ý Đức hoàng hậu cùng Triệu Duy Nhứt tư thông với nhau, muốn mượn tay Ất Tân thêu dệt ra để hãm hại bà. Ất Tân nghe được việc ấy, bõ bụng rồi, nhưng mà muốn phát giác ra, thì không có chứng cớ, chúng nó liền lập mưu bịa ra chứng cớ. Ất Tân cậy người làm mười bài thơ, kêu là “Thập hương từ”, rồi sai Thanh Tử cầm biểu Đơn Đăng đem vào cung nhờ hoàng hậu chính tay viết mười bài thơ ấy. Bấy giờ Đơn Đăng dầu không gần vua được, song thường được vào ra chỗ hoàng hậu. Bà Ý Đức lại có tài viết chữ tốt, Đơn Đăng phỉnh bà rằng: “Mười bài thơ nầy là của hoàng hậu bên nước Tống làm ra, giá được ngài viết cho thì sẽ thành ra một vật báu để lại đời sau”. Bà tưởng là thiệt, đọc qua mười bài thơ, lại thấy hay lắm, bèn biên ra một bức, chữ thiệt đẹp. Cuối bức, đề một bài thơ tứ tuyệt của bà làm ra, thơ rằng: Cung trung chỉ sổ triệu gia trang, Bại võ tàn vân ngộ Hán vương; Duy hữu tri tình nhứt phiến nguyệt, Tằng khuy phi diễu nhập Chiêu Dương. Bà Ý Đức viết mười bài thơ nầy, một là vì thực tình, không ngờ người ta phỉnh, hai là vì sính nghề -, đại phàm những người chữ tốt thì thích viết, có biết đâu rằng một cái oan nghiệt lòa mây dậy đất sau nầy bởi đó mà ra! Đơn Đăng được bức viết của hoàng hậu đem giao cho Thanh Tử, Thanh Tử giao lại cho Ất Tân, Ất Tân bèn làm đơn từ, biểu Đơn Đăng đứng ra cáo bà hoàng hậu tư thông với Triệu Duy Nhứt, có chứng cớ đây, tức là bức viết “Thập hương từ”. Riêng về phần Ất Tân, thì nó tâu cùng vua Đạo Tôn, nói rằng, cứ như lời Đơn Đăng thì trong khi vua giá ngự đi chơi, Triệu Duy Nhứt ở nhà lẻn vào cung thế nào, họa đờn với hoàng hậu thế nào, sau hai người cùng uống rượu và vào mùng trẩn dởn(*) thế nào, nó nói rạch ròi ra từng ly từng tý, nghe như là sự thiệt. Ất Tân lại nói, bức viết “Thập hương từ” nầy là của hoàng hậu viết ra mà ban cho Triệu Duy Nhứt để tỏ lòng nhớ thương, vì Duy Nhứt không được gần gũi bà thường lắm; và lại chính tay Duy Nhứt đem bức viết nầy mà khoe và thuật chuyện cùng Đơn Đăng, nên Đơn Đăng mới giật lấy mà đem tố cáo; chính nó đã lấy khẩu cung Triệu Duy Nhứt, thì Duy Nhứt cũng đã thú nhận cả rồi. Ất Tân nói làm vậy, thế mà vua Đạo Tôn cũng nghe được! Vua nổi giận tưng bừng, đòi hoàng hậu vào tra gạn. Bà Ý Đức khóc mà biện bạch cho mình rằng: “Thiếp nay núp bóng nhà vua, thân phận người đàn bà như vầy cũng đã tột bậc, huống chi con trai con gái đủ rồi, lại hầu có cháu, thì thiếp có dại nào mà làm được cái sự dâm ô như thế kia?” Vua bèn giở bức “Thập hương từ” ra để làm chứng. Bà tâu rằng: “Đó là mười bài thơ của bà hoàng hậu bên nước Tống, thiếp thấy con Đơn Đăng đưa ra, luôn thể viết mà cho nó, chớ nào có phải thiếp làm ra ở đâu?” Bà lấy nhiều lẽ mà cãi, song thế nào vua cũng không nghe. Vua cầm lấy cái tầm sắt trong tay mà đánh bà xiểng liểng, nhào xuống, bất tỉnh nhân sự. Rồi đó vua Đạo Tôn giao cái án ấy cho Trương Hiếu Kiệt và Ất Tân tra lại. Trương Hiếu Kiệt là tể tướng bấy giờ, cũng độc một ý theo Ất Tân mà lên án tử hình bà Ý Đức. Khi án đã thành, vua cũng còn dùng dằng, chỉ bài thơ tứ tuyệt sau bức viết mà hỏi Trương rằng: “Bài thơ nầy chính là hoàng hậu mắng nàng Phi Yến, đã vậy thì sao lại có “Thập hương từ” kia?” Trương tâu rằng: “Ấy chính là bài thơ hoàng hậu nhớ Triệu Duy Nhứt mà làm ra đó.” Vua lại hỏi: “Thấy ra chỗ nào?” Trương nói: Cung trung chỉ sổ triệu gia trang Duy hữu tri tình nhứt phiến nguyệt. Chẳng phải là mượn hai câu đó mà ẩn ba chữ Triệu Duy Nhứt vào hay sao? Vua bèn quyết ý. Liền ngày đó, giết cả họ Triệu Duy Nhứt và xuống chiếu bắt bà Ý Đức phải tự tận. Hoàng thái tử, con trai của bà, tên là Tuấn, bấy giờ đã hai mươi tuổi, cùng mấy bà công chúa là em gái mình, bỏ đầu tóc xả, ăn mặc như kẻ tù tội, kéo nhau đến trước mặt vua, khóc lóc mà xin chết thay cho mẹ. Vua phán rằng: “Ta là chúa tể vạn dân, cai trị cả thiên hạ, mà không phòng nhàn(*) một người đàn bà được, thì còn mặt mũi nào mà trở mặt hướng nam nữa ư?” Hoàng tử và các công chúa van khóc mãi mà cũng vô ích. Bà Ý Đức cậy người xin đến trước mặt vua nói một câu rồi sẽ chết, song vua cũng không cho. Bà bèn lạy vọng vua tại chỗ mình ở, rồi đóng cửa lại, lấy lụa trắng thắt cổ. Vậy mà vua cũng còn chưa đã nư giận, truyền lột truồng thây bà ra, lấy chiếu bó lại rồi khiến đem trả về nhà cha mẹ. Bấy giờ bà Ý Đức 36 tuổi, trước khi chết bà còn làm một bài tuyệt mạng từ. Đọc đến, nghe rất là thê thảm. Sự tích bà Ý Đức đây truyền lại đời sau, ai cũng đổ cho rằng tại cái tài học của bà nó làm lụy cho bà, cho nên mới sanh ra một câu sáo ngữ rằng: “Nữ tử vô tài tiện thị đức”. Nhưng mà cái chỗ vô nhân đạo của ông vua kia thì hình như người ta quên đi, có lẽ vì ông là vua vậy. PHAN KHÔI Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, s.50 (1.5.1930)
(*) bế thần: chưa thật rõ nghĩa; có lẽ ở đây có chữ “bế” nghĩa là (được) yêu; Hán Việt từ điển (Đào Duy Anh) có từ: bế nhân, được giải là “người hèn hạ được người trên yêu chuộng” (**) tỉ tất: chưa rõ nghĩa. (*) trẩn dởn: chưa rõ nghĩa. (*) phòng nhàn: gìn giữ, cản ngăn (theo Huình Tịnh Paulus Của: Đại Nam quốc âm tự vị, Sài Gòn, 1895 – 1896). |