PHAN KHÔI: TÁC PHẨM ĐĂNG BÁO 1928
Cái tình thế chánh trị xứ Trung Kỳ Mấy lời đáp lại ông Trung Ngôn
Đọc Tiếng dân số 104, thấy có bài của ông Trung Ngôn ngỏ cùng các ông đại biểu nhân dân Trung Kỳ, mong cho các ông ấy đem những điều quan hệ cần thiết mà yêu cầu cùng chánh phủ trong kỳ hội nghị cuối cùng sắp tới đây, kẻo sang năm các ổng sẽ mãn khóa vì đến lần tuyển cử khác. Trong bài ông Trung Ngôn vẫn có ý chịu các ông đại biểu hiện thời đây, song cái ý trách nhau lại nhiều hơn. Vì ông có nói rằng: ".....Song nói về nhân dân nhờ những lời yêu cầu của các ông mà được hưởng chút quyền lợi gì thì dân chúng tôi chưa có thể nhận cái ơn đó". Và rằng: "....... Song phần nữa thì giống như, ngoài kỳ hội nghị mấy điều yêu cầu chung ra,(1) không để lòng về việc công chúng bao nhiêu". Ông Trung Ngôn trách cũng phải, nhưng mà tốt hơn là ông nên xét lại cái tình thế chánh trị Trung Kỳ cho vỡ ra đã, rồi sẽ hạ những lời phê bình của ông. Không cần nói, ai cũng biết rằng cái sự khó khăn của chánh cuộc Trung Kỳ là tại đã ở dưới quyền chánh phủ Bảo hộ, lại còn ở dưới quyền chánh phủ Nam triều. Vẫn biết, theo bổn hiệp ước ngày 6 November 1925 thì bên Nam triều hầu như không còn có chút chánh quyền nào nữa, song đó chỉ là trên giấy mực mà thôi, thực sự nào có phải thế đâu. Ông há lại chẳng thấy quyền các quan ta ngày nay lại có phần to hơn ngày trước? Phải biết rằng chánh phủ Bảo hộ Trung Kỳ ngày nay như là một anh chàng lão luyện trong nghề phong tình mà có hai tình nhơn: một cô già thì nhờ vì cái tay giam buộc cũng già, một cô trẻ thì chỉ để tiêu khiển trong khi cần đến. Anh chàng ấy đối với người da nhăn má sệ kia đã vì đỡ đần cho mình được mà không thể bỏ, thì đối với người liễu yếu đào tơ nọ, dầu yêu nhau chăng nữa, há lại đã vội tin nhau là sống gởi nạc thác gởi xương hay sao? Đã biết vậy rồi thì không nên vội mong cho các ông đại biểu ta nói chi nghe nấy, đòi chi được nấy. Mà miễn cho các ông có nói có đòi là đủ rồi. Ông Trung Ngôn có kể ra mấy điều sốt sắng của các ông đại biểu, như là việc cứu giúp nạn dân Thanh Hóa, việc giãi bày tình tệ kiểm lâm, việc ông nghị viên Phan Rang từ chức, mà quên mất một việc hệ trọng không kể đến, là việc kháng nghị một tờ thông tư của ông quyền Khâm sứ kia. Theo ý tôi thì trong một khóa nghị viên ba năm nầy phải kể cho việc nầy là vẻ vang hơn hết. Phỏng khiến việc ấy không thành công chăng nữa, song chỉ hai chữ "kháng nghị" là ta đủ phục, huống chi là đã có kết quả hay. Tôi nói vậy vì tôi nghĩ rằng cái tình thế chánh trị Trung Kỳ là khó khăn lắm, bước thứ nhứt của các ông đại biểu là chỉ phải tỏ ra cho chánh phủ biết rằng mình có đủ tư cách thay mặt cho dân, rồi về sau mới nhơn đó mà gỡ lần cái mối khó khăn ấy. Nhơn trong bài diễn thuyết của ông Nghị trưởng tại nghị viện năm ngoái có nói rằng "Vì nhân dân quá ư trách vọng v.v..." mà ông Trung Ngôn dẫn ra, rồi nói rằng "Dân chúng tôi vẫn biết, v.v... sao gọi rằng quá ư trách vọng?" Ông Trung Ngôn nói vậy mặc dầu, chớ tôi thì cho rằng điều đó thật quả có. Đại để dân ta hay có lòng xa vọng quá, mà không biết lượng thứ cho nhau. Một điều tôi rất lấy làm lạ, là mấy khóa trước, mấy ông hưu quan ra vâng vâng dạ dạ thì bấy giờ hình như dân cũng dạ dạ vâng vâng theo; còn khóa nầy nhiều tay khá ra, làm được bộn bề công việc, thì dân lại đem cả một mớ trách nhiệm như cái trời mà đổ sấp vào trên mình họ. Đã hay rằng "khôn thì chịu khó", song khó cũng có chừng, quá đi thì ai chịu nổi! Tôi nói, chính ông Trung Ngôn cũng quá ư trách vọng kia mà. Coi như ông than thở mà rằng: "Con em thì mang lấy cái dốt, mà học giới nhiều điều bó buộc; dân gian thì giữ lấy cái nghèo mà sinh kế không thấy mở mang, cho đến lao động thất nghiệp, đạo kiếp hoành hành, phong tục suy đồi, gian tham tứ ngược, bể khổ nhân dân xứ nầy như thế, các ông lại không đau lòng sao?" Rồi ông bảo trong kỳ hội nghị tới đây phải yêu cầu chánh phủ thiệt hành những phương pháp gì để cải lương những điều đó. Ông nói phải lắm. Song le, sao ông lại toan canh cải ngay một xã hội trong một kỳ hội nghị mà lại là kỳ hội nghị cuối cùng? Tôi tin rằng các ông đại biểu vẫn thấy những điều đó mà đau lòng; tôi lại tin rằng kỳ hội nghị tới đây các ổng sẽ theo lời ông mà yêu cầu cùng chánh phủ. Song có một điều tôi tin chắc hơn hết là chánh phủ sẽ kiếm cớ mà hẹn với các ổng rằng thủng thẳng sẽ thi hành. Vì làm sao? Vì cái quyền thi hành cùng không, ấy là tại chánh phủ, không ai ép được hết. Muốn cho chánh phủ thi hành các việc mà nghị viện yêu cầu, ấy là điều ta nên trông vào dân mà không nên trông vào nghị viện. Các ông đại biểu dầu là bậc thánh hiền hào kiệt hết thảy, song ngó lại đằng sau mình không có một chút thế lực gì gọi là hậu viện, thì cũng phải đứng đó mà không bước tới được bước nào. Ông Trung Ngôn tự xưng là một người dân Trung Kỳ, mà tôi đây cũng một người dân Trung Kỳ. Tôi xin hỏi: ai cho phép ông và tôi không trách vọng vào chính mình chúng ta, mà lại cứ trách vọng vào các ông đại biểu? Tự tôi thì tôi nghĩ dân Trung Kỳ chúng ta thẹn với các ông đại biểu khóa nầy, vì các ổng đã bước tới được một bước mà dân ta thì hình như không bước bước nào cả. Nếu dân ta bước được một bước thì chắc các ổng phải bước tới một bước nữa. Sự nhờ những lời yêu cầu rồi được hưởng chút quyền lợi mà ông gọi là "ơn" đó, cái ơn ấy không phải có ai ban cho ta đâu, song chính là dân chúng ta tự tạo lấy cho chúng ta vậy. C.D. Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s. 761 (28.8.1928)
----------- (1) Câu này theo y nguyên văn, nghĩa là: Ngoài mấy điều yêu cầu chung trong kỳ hội nghị ra (nguyên chú)
|