RFA
10-9-19

Những phát ngôn “không giống ai” của quan chức vào đầu năm học

Diễm Thi, RFA

Ngay trước ngày khai giảng năm học mới 2019-2020, Bộ trưởng giáo dục Phùng Xuân Nhạ lên tiếng với truyền thông trong nước rằng năm nay ngành giáo dục phải xác định việc 'dạy người', dạy đạo đức, lối sống, giá trị sống, kỹ năng sống cho học sinh ưu tiên hàng đầu.

Ngay khi nghe câu nói này, mạng xã hội tràn ngập những câu châm biếm như “Chức bộ trưởng cũng nên được con người đảm nhiệm!”; “Còn Phùng Xuân Nhạ thì mọi lời tốt đẹp về giáo dục đều vô nghĩa!”

Sau hàng loạt những lời xì xào của cư dân mạng nhắm vào “phát” ngôn của Bộ trưởng Nhạ thì cũng trong ngày khai giảng tại trường THPT Lê Quý Đôn, TPHCM, ông Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân lại phát biểu trước các học sinh với những lời lẽ “răn dạy” rằng, “Sau bằng đại học, cao đẳng, các em cần phải có bằng làm con hiếu thảo, làm vợ, làm chồng, làm cha, làm mẹ hạnh phúc”.

Nhà báo Chu Vĩnh Hải viết trên facebook cá nhân của ông rằng “Ông Nguyễn Thiện Nhân là một người có tư chất nếu không nói là thông minh. Nhưng có lẽ do chung sống quá lâu với lũ ngu muội trong trại súc vật nên ông Nhân đã có những quan điểm hết sức u tối…

Có thể đưa con khỉ ra khỏi khu rừng nhưng không thể đưa khu rừng ra khỏi đầu con khỉ”.

Trước đó nữa, như thông lệ vào mỗi đầu năm học mới, Chủ tịch nước thường gửi một thư chúc mừng đến cho học sinh.

Bức thư gửi học sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tháng 9/1945 có lời nhắn nhủ riêng cho các em học sinh lớn là: “Phải sẵn sàng mà chống quân giặc cướp nước, đấy là bổn phận của mỗi công dân. Các em lớn chưa hẳn đến tuổi phải gánh công việc nặng nhọc ấy, nhưng các em cũng nên, ngoài giờ học ở trường, tham gia vào các Hội cứu quốc để tập luyện thêm cho quen với đời sống chiến sĩ và để giúp đỡ một vài việc nhẹ nhàng trong cuộc phòng thủ đất nước”.

Năm nay, với vai trò vừa là Chủ tịch nước, vừa là Tổng bí thư ĐCSVN, bức thư của ông Nguyễn Phú Trọng gửi cho học sinh có đoạn: “Mong các em học sinh, sinh viên tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học, “tôn sư trọng đạo” của dân tộc, noi theo các thế hệ cha anh đi trước, phấn đấu học tập tốt, rèn luyện tốt để sau này trở thành những người vừa “hồng” vừa “chuyên” như di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.”

Từ Pháp, Giáo sư Phạm Minh Hoàng lên tiếng rằng, theo truyền thống thì hàng năm Chủ tịch nước đều viết thư gửi các em học sinh, các cháu học sinh. Riêng năm nay ông Nguyễn Phú Trọng lại viết và gửi ngành giáo dục với lời lẽ đanh thép và chính trị. Ông nói thêm:

“Tôi thấy điều quan trọng ở đây là ông Trọng muốn giữ vững bản tính chính trị, còn phẩm chất đạo đức và tâm huyết với nghề thì đi sau. Quan trọng hơn nữa là trong tương lai, các em phải được huấn luyện, được giáo dục để trở thành vừa hồng vừa chuyên. Nghĩa là các em phải có tư tưởng cộng sản. ‘Hồng’ đi trước, ‘chuyên’ đi sau.”

Và, cần những phát biểu đúng thực tế

Phó giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Dũng từ Sài Gòn thì cho rằng, không bàn về những phát ngôn của các quan chức nữa vì nó quá nhiều và quá ngớ ngẩn. Vấn đề đáng nói là vì sao mà càng ngày càng nhiều câu phát biểu khiến dân chỉ biết phì cười như thế. Ông nhận xét riêng về những phát biểu bi hài đầu năm học này:

“Vừa rồi có phát biểu của một số ông, cao nhất là ông Nguyễn Phú Trọng vừa là Tổng bí thư - vị trí cao nhất của đảng, vừa là Chủ tịch nước - cao nhất trong hệ thống chính quyền; ông thấp hơn là ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM; đặc biệt là ông Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ, thì một người bình thường cũng nhận thấy rằng họ nói lại những điều mà mấy chục năm trước họ đã nói. Họ nói như một thói quen, không nghĩ ngợi, chẳng hạn như ‘vừa hồng vừa chuyên’”.

Ông cho rằng tất cả là do cơ chế, bởi trong xã hội Việt Nam hiện nay, người dân đâu có được tự do lựa chọn người có năng lực quản trị đất nước. Bầu cử chỉ là cho vui. Khi thiết chế dân chủ không được xác lập mà còn duy trì “đảng cử dân bầu” thì hiện tượng các quan chức phát biểu những câu thiếu suy nghĩ, phát biểu như cái máy sẽ còn tồn tại.

Tuy nhiên ông cũng nêu một hiện tượng mà ông cho là một điểm sáng trong bức tranh xám xịt hiện nay, chỉ tiếc nó quá hiếm, đó là thư gửi học sinh của những lãnh đạo trẻ như Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, ông Phạm Đại Dương hay ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Ngày 4/9/2019, Cổng thông tin điện tử tỉnh Phú Yên đăng tải bức thư của Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đại Dương gửi thầy cô giáo và các em học sinh tỉnh Phú Yên nhân ngày khai giảng năm học mới. Bức thư được cho là không bị sa vào ngôn ngữ hành chính nặng nề, vượt thoát khỏi khuôn sáo cũ rích khi ông nói rằng: “Tri thức, ngoại ngữ, kỹ năng sống sẽ giúp các em trở thành công dân hữu ích, sẵn sàng hội nhập vào cộng đồng, quốc tế. Rồi đây, các em sẽ có đủ bản lĩnh, tài năng, trí tuệ và nhân cách để đưa quê hương Phú Yên, đất nước Việt Nam mình tiếp tục đi lên, sánh vai với các quốc gia lớn trên thế giới.”

Còn bức thư của ông Phan Ngọc Thọ thì nhắn nhủ các em học sinh cần có kỹ năng sống, có thể chất tốt, giỏi ngoại ngữ, thành thạo công nghệ thông tin, giàu lòng vị tha, thích nghi với đổi mới, khát khao cống hiến đang đòi hỏi sự nỗ lực học tập không ngừng của các em và sự quan tâm của xã hội.

Phó giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Dũng kết luận:

“Tôi cho đó là những vị lãnh đạo biết nói theo đúng ý nghĩ của mình, biết nói theo đúng suy nghĩ của người nghe, dùng ngôn ngữ phù hợp với người nghe. Cho nên chỉ nhìn riêng những phát biểu mùa tựu trường thì không phải là bức tranh toàn màu xám, tuy nhiên những người ăn nói theo quán tính, kỳ khôi như tôi đã phân tích thì chiếm số đông. Đó là điều đáng buồn!”

Thật ra chuyện các vị lãnh đạo đất nước phát biểu những câu nói bị cho là lố bịch, vớ vẩn không phải bây giờ mới xảy ra, mà ngay từ năm 2013, khi là Tổng Bí thư, trong một buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) vào ngày 7/12/2013, ông Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu “gây sốc” khi ông nhận định về vấn nạn tham nhũng của Việt Nam rằng, “Đến Đường Tăng đi lấy kinh cũng phải hối lộ. Bước chân sang nước Phật đã phải hối lộ… Cho nên chúng ta phải xem xét, bĩnh tĩnh, tỉnh táo, sáng suốt…”