Tư Duy Tiểu Thuyết Và Phê Bình Tiểu Thuyết Ở Việt Nam Hiện Nay

(Trường hợp tiểu thuyết “Mối chúa”“Đất mồ côi” của Tạ Duy Anh)

Quách Hạo Nhiên

---

        Phần 1

Phần 2

“Đất Mồ Côi” – Tham Vọng Lý Giải “Căn Tính Dân Tộc”
Hay Là Sự Ôm Đồm Và Lạm Dụng Kỹ Thuật Tiểu Thuyết Của Tạ Duy Anh

 

1. Một chân “bước qua”, một chân không nhấc nổi

         Trong số các cây bút phê bình chuyên và không chuyên bàn về “Đất mồ côi” trên mạng xã hội thời gian qua, tôi đặc biệt chú ý đến bài của Ngô Văn Giá và Trương Huy San. (Bên cạnh đó là các bài của Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Thế Hùng, Lưu Trọng Văn, Nguyễn Phan Quế Mai, Vũ Ngọc Tiến, Đỗ Ngọc Thống…). Nhìn chung, các tác giả trên đều ca ngợi và khẳng định tài năng của Tạ Duy Anh trong “Đất mồ côi” đã vượt “Bước qua lời nguyền”. Tuy vậy, xem ra đa phần các bài viết chỉ dừng lại ở cái nhìn của trực cảm giản đơn, vội vàng nặng tính đãi bôi với mục đích “giới thiệu sách” chỗ bạn bè và đồng nghiệp hơn là khơi gợi, “kích thích” bạn đọc bằng những luận giải đáng tin cậy.

Dẫu vậy, khác với “Mối Chúa”, theo tôi “Đất mồ côi” là một tiểu thuyết đúng nghĩa, đậm chất tiểu thuyết phi hư cấu, rất hiện đại và khá độc đáo. Trong cái nhìn này thì Ngô Văn Giá là người đã có những phát hiện cùng cách lý giải thú vị về “Đất mồ côi” nhất. Theo đó, Ngô Văn Giá cho rằng “Đất mồ côi”“bản điều trần về bạo lực” của Tạ Duy Anh nhằm qua đó lý giải cái “căn tính dân tộc” qua một số phương diện như: “căn tính ý hệ” và “căn tính bản năng” bầy đàn và tâm lý đám đông trong đó “căn tính ý hệ” là “căn nguyên gây ra bạo lực”. Để làm được điều này, theo Ngô Văn Giá, Cổ Viên – Tạ Duy Anh đã “rất ý thức” trong việc mô tả và nhất là cố tình tô đậm cái ác, cái xấu trong “Đất mồ côi” ở hai cấp độ: cái ác được thực thi như một việc phải làm, và cái ác được thực thi như một niềm thích thú”. Từ đây, Ngô Văn Giá đi đến khẳng định “trong lịch sử văn học Việt Nam từ xưa đến nay chưa có một nhà văn nào miêu tả gương mặt Cái Ác lại chân thực và sắc sảo như nhà văn Cổ Viên-Tạ Duy Anh”.

Và trên hết, qua tất cả những vấn đề trên, cũng theo Ngô Văn Giá, Tạ Duy Anh muốn hướng đến việc “giải huyền thoại” “đồng bào” của người Việt (Truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ). Cái nhìn này của Ngô Văn Giá tương tự như đặt vấn đề trong một bài viết khác của Trương Huy San: “có lẽ vì không muốn tương lai bị tiếp tục hãm hiếp”, Tạ Duy Anh đã cố gắng để “lột trần truồng quá khứ” qua đó cho thấy “tham vọng tự vấn, truy vấn lịch sử của tác giả là rất lớn”…

Đồng cảm với cái nhìn của Ngô Văn Giá và Trương Huy San về “tham vọng” cắt nghĩa, lý giải “căn tính dân tộc” của Tạ Duy Anh trong “Đất mồ côi” nhưng ở đây tôi muốn bàn thêm một vài khía cạnh và phương diện khác với một góc nhìn khác.

Trước hết, theo tôi, có lẽ vì cái tham vọng muốn lý giải “căn tính dân tộc” quá lớn nên Tạ Duy Anh trong nhiều trường hợp đã không tiết chế cảm xúc nên ít nhiều làm cho “Đất mồ côi” bị “rối” và luẩn quẩn cái vòng bạo lực của cái ác, cái xấu… “Đất mồ côi” vì thế, theo tôi vẫn chưa thể tạo ra đột phá để có thể “giải lời nguyền văn học, lời nguyền tiểu thuyết” nước nhà nếu tính từ thời “Nỗi buồn chiến tranh” đến nay. Nói khác đi, với “Đất mồ côi”, Tạ Duy Anh mới chỉ “bước qua lời nguyền” được một chân, chân còn lại vẫn rụt rè, ngập ngừng không nhấc nổi, vì thế cuối cùng vẫn không rút qua được.

2. Cái ác và tham vọng lý giải “căn tính dân tộc” trong “Đất mồ côi” của Tạ Duy Anh

Ngô Văn Giá cho rằng “lịch sử văn học Việt Nam từ xưa đến nay chưa một nhà văn nào miêu tả gương mặt cái ác chân thực và sắc sảo” như Tạ Duy Anh trong “Đất mồ côi”. Nhận định này theo tôi cũng chưa thật sự bao quát cả bề rộng lẫn chiều sâu. Nên nhớ, trong văn chương nghệ thuật “chân thực” chưa chắc đã hay; “sắc sảo” chưa hẳn đã thuyết phục. Những bậc “cao thủ” trong giới “võ lâm” thường ít khi “phô diễn” mà có khi “ẩn mình” kiểu “ngọa hổ tàng long”, “chân nhân bất lộ tướng”; hoặc khi lâm trận có khi sẽ lấy “hư chiêu” khắc “hữu chiêu”. Văn chương cũng thế, không phải anh cứ tô cho thật đậm, thật chi tiết thì mới bật ra “chân dung” của ai đó, trái lại, có khi chỉ cần vài nét chấm phá là đã phác họa được cái thần vừa chân thực vừa ảo diệu, không lẫn vào đâu.

Hãy thử nhớ lại gần đây, cái ác, cái xấu đã được các nhà văn nước nhà mô tả như thế nào? Nguyễn Huy Thiệp có viết, có phơi bày cái ác, cái xấu của người Việt không? “Chân dung” cái ác, cái xấu của người Việt hiện lên ra sao? Riêng chỗ này, có thể nói theo tôi, Nguyễn Huy Thiệp là một bậc thầy. Bởi gần như ông không cố tình tô đậm mà chỉ lướt qua bằng vài tình huống, vài câu đối thoại, vài chi tiết, vài hình ảnh cũng đủ làm cho tất cả chúng ta phải giật mình và ớn lạnh về cái ác, cái xấu của người Việt (Tướng về hưu, Không có vua, Những người thợ xẻ, Cún….). Đọc Nguyễn Huy Thiệp, ta thấy cái ác hiện lên một cách sinh động và tràn lan khắp mọi ngõ ngách xã hội Việt Nam lúc bấy giờ; nó tràn ngập và lộ hẳn ra trên từng vẻ mặt người từ trí thức cho đến tầng lớp bần cùng vô học…trong sự “vô tư” và “hồn nhiên”. Sở dĩ chúng ta nhìn thấy được điều này là vì Nguyễn Huy Thiệp đang dùng “hư chiêu”: không cần dụng công mô tả nhưng cái ác vẫn tràn ra ngoài trang sách rồi “găm” vào đầu bạn đọc; vì một kẻ thủ ác mà không biết mình ác (thậm chí con rao giảng về sự lương thiện) mới thật sự là đại ác - ấy là tài năng của Nguyễn Huy Thiệp vậy.

Có thể nói, ý hướng và tham vọng truy nguyên cội nguồn quá khứ để lý giải “căn tính dân tộc” là một cố gắng trong nhận thức và là điểm sáng của Tạ Duy Anh trong “Đất mồ côi”. Nói khác đi, đọc “Đất mô côi” chúng ta thấy ở đó sự trăn trở khôn nguôi của tác giả về các vấn đề liên quan đến văn hóa, đạo đức xã hội và con người Việt Nam từ khởi thủy đến nay. Đây là tinh thần và thái độ phản tư, phản tỉnh đáng trân trọng của người cầm bút có trách nhiệm. Nhưng có lẽ, do cái tham vọng muốn “cắt nghĩa”, “lý giải’ cá “căn tính dân tộc” với mầm mống bạo lực quá lớn đã làm cho nhà văn vô tình thành kẻ tham lam, ôm đồm và cứng nhắc, “căng cứng” trong cách thể hiện?

Tạ Duy Anh hẵn đã đọc, đã nghiên cứu, đã biết sự tàn khốc của những màn đấu tố thời cải cách ruộng đất từ lịch sử và các trang viết của đồng nghiệp như Dương Hướng, Tô Hoài, hay gần đây là Phan Thúy Hà... Vì thế, theo tôi, lẽ ra ông nên nói khác đi, “phải khơi những nguồn chưa ai khơi..” thay vì nói lại những gì người nhiều người trước đó đã nói. Nhưng nếu buộc phải tô đậm thì nên tô đậm cái ác ở phương diện “bạo lực tinh thần” vì nỗi đau về tinh thần mới thật sự là nỗi đau dai dẵng và khó lành của con người.

Đáng tiếc là trong “Đất mồ côi” Tạ Duy Anh lại chủ động và cố ý tô đậm những chi tiết cận cảnh bạo lực, “tàn ác, vô nhân đạo, thú tính bằng một thứ ngôn ngữ cực thực, rùng rợn, đẫm máu – một thứ “bạo ngôn” trắng trợn, không che đậy, gây chấn thương tâm lý người đọc” (Ngô Văn Giá).

Bên cạnh đó, nếu như chủ ý thật sự của tác giả muốn qua việc mô tả và tái hiện thật chi tiết sự tàn bạo, rùng rợn và dã man của con người trong thời cải cách ruộng đất để lý giải cho cái “căn tính” bạo lực của dân tộc thì về tư duy lịch sử có khi lại rơi vào phiến diện. Bởi, những vấn đề này gần như chỉ diễn ra trong giai đoạn ngắn và nhất là chỉ ở miền Bắc những năm từ 1953 đến 1956. Quan trọng hơn, nếu tác giả cho rằng nguồn cội, quá khứ của dân tộc bị có khi “bóp méo” hay “thất lạc” cần phải truy nguyên và “lột truồng” nó ra với mong muốn để người Việt hôm nay“không lúc nào thôi thao thức về bản thân mình” có khi lại rơi vào một cái nhìn phiến diện và một chiều khác – lấy trong quá khứ, xem quá khứ như một nguyên nhân duy nhất nhằm lý giải, cắt nghĩa thực tại và tương lai.

Lịch sử văn hóa dân tộc luôn vận động và biến đổi theo thời gian. Căn cước, nguồn cội của một cá nhân, một cộng đồng là điều không ai có thể chối bỏ nhưng “mục đích”, “động cơ” và thái độ sống cá nhân và cộng đồng ấy trong hiện tại cũng vô cùng quan trọng. Người Việt, dân tộc Việt cho đến hôm nay không phải không có ý thức và tinh thần phản tỉnh. Vấn đề quan trọng là chúng ta đã phản tỉnh, đã nhận ra, đã nhìn thấy tất cả nhưng vì những “động cơ”, “mục đích” sống khác nhau (để được an toàn hay vì sự ích kỷ của bản thân) nên có rất ít người dám thay đổi theo chiều hướng tích cực, trái lại còn cam tâm tình nguyện vo tròn, tự an ủi, tự vỗ về bản thân trong cái vỏ bọc do chính mình và người khác tạo ra.

Nhân vật “tôi” ở cuối truyện sau khi đã được các bác sĩ giải thích về mối quan hệ giữa mình và đứa con nhưng anh ta có thoát ra được mối hoài nghi về sự phản bội của vợ mình không? “Mục đích” và “động cơ” của anh ta là gì sau khi khi đã truy tầm nguồn gốc của mình trong quá khứ và mối quan hệ với vợ và con anh ta trong hiện tại? Đây theo tôi mới thật sự là “vấn đề lớn” và quan trọng nhất - vấn đề “động cơ” và “mục đích” của mỗi cá nhân người Việt trong xã hội hôm nay - nhưng tiếc thay lại là vấn đề mà Tạ Duy Anh chưa/không đặt ra trong “Đất mồ côi”.

Nguồn cội, quá khứ dẫu sao cũng là cái đã qua khó mà níu kéo, tương lai là sự bất định chỉ có thể phỏng đoán chứ không ai biết chắc sẽ ra sao. Vậy nên, “vì không muốn tương lai tiếp tục bị hãm hiếp” “lột truồng quá khứ” nhưng bỏ qua mục đích ở hiện tại nếu không phải là một sai lầm cũng là điều phiến diện, không tưởng.

3. “Đất mồ côi” hay là sự ôm đồm và lạm dụng kỹ thuật tiểu thuyết của Tạ Duy Anh

Ngoài vấn đề trên, theo tôi, có ba vấn đề liên quan đến kỹ thuật tiểu thuyết mà Tạ Duy Anh cũng quá ôm đồm và không tiết chế cảm xúc nên ít nhiều làm giảm đi tính thuyết phục của “Đất mô côi” như sau:

Thứ nhất, theo tôi, giá như tác giả đổi ngược chi tiết nhân vật người mẹ bị hãm hiếp bởi “chú Tỉnh” và “lão Đỗ” thì sẽ phù hợp với tâm lý nhân vật và nhất là sẽ kịch tính hơn. Nghĩa là, trong tình cảnh ấy, “chú Tỉnh” sẽ là người “vô trước” thay vì “lão Đỗ”. Bởi theo mạch truyện và tâm lý nhân vật thì “chú Tỉnh” là người ở chung nhà, hiểu nỗi “khát thèm đàn ông” của chị dâu mình, thường xuyên rình rập, nhìn trộm chị dâu mình vì nỗi bất hạnh khi cưới phải người vợ “vô mao”…Trong tình cảnh ấy, cái động cơ chiếm đoạt của “chú Tỉnh” chắc chắn phải cao và thường trực hơn so với “lão Đỗ”. Vì thế, việc tác giả để cho “chú Tỉnh” đứng ngoài nhìn chị Dâu mình bị lão Đỗ chiếm đoạt trước, rồi lấy đó làm cái cớ để hăm dọa, ép chị dâu mình tiếp tục giao hoan thêm lần nữa là rất gượng gạo.

Khi xây dựng chi tiết này dụng ý chính của tác giả là cố tình tạo nên sự hiểu lầm, “không biết đứa trẻ” sau khi ra đời là con của ai. Vậy nên, ở đây nếu tác giả để cho hai gã đàn ông vì muốn chiếm đoạt người phụ nữ lao vào hỗn chiến với nhau để giành quyền “vào trước” có khi còn kịch tính và hấp dẫn hơn chăng?

 Thứ hai, liên quan đến chi tiết “nhân vật xưng tôi” khi còn là một linh hồn chưa đầu thai. Đây là chi tiết có tính huyễn tưởng – một sự sáng tạo thú vị của tác giả. Dẫu vậy và thật đáng tiếc là, tác giả đã phạm phải sai lầm nghiêm trọng khi lựa chọn ngôi kể để khắc họa cái bi kịch thèm khát đàn ông của người mẹ.

Nỗi khát thèm tình dục của người phụ nữ (lại là phụ nữ Việt nam thời chiến) là nỗi thèm khát sâu kín và đầy tủi nhục (chuyện này thì Dương Hướng đã nói quá hay trong Bến Không chồng, hay gần đây là Nguyễn Quang Lập trong Tình cát). Chưa hết, người phụ nữ ấy sau này là mẹ của linh hồn hứa hẹn đầu thai làm đứa con, vậy nên, việc tác giả đã chọn cách để cho nhân vật xưng tôi “nhìn” thấy và xuyên thấu hết nỗi “thèm bố” của người đàn bà hứa hẹn sẽ là mẹ mình không những rất “thô” mà còn quá lộ liễu. “Thô” là vì những trang mô tả cận cảnh nỗi thèm khát tình dục của người mẹ mà sự chứng kiến và lời kể lại là một “linh hồn” chuẩn bị đầu thai làm con. Còn lộ liễu là vì cái sự “thô” kia vô tình làm phá sản, phản bội cái ý đồ nghệ thuật có tính huyễn tưởng mà tác giả cố tình sáng tạo ra. Đến những trang viết liên quan đến quyển nhật ký của người mẹ, dù tác giả có rào đón “mẹ tôi viết ra như thể thú tội với trời đất” thì đó vẫn là sự gượng gạo, hay chính xác hơn tác giả đang “nhét chữ vào miệng” người phụ nữ đáng thương trong một xã hội đầy định kiến và tàn nhẫn.

Sex là điều bình thường của con người, đưa sex vào trong văn chương Việt Nam từ lâu cũng không còn là điều cấm kỵ Tuy vậy, đưa như thế, nào mô tả như thế nào có lẽ vẫn là vấn đề khá khó khăn và là giới hạn chung của các nhà văn Việt Nam lâu nay. Trong cái nhìn so sánh, riêng vấn đề này, tôi đánh giá cao Bảo Ninh và Nguyễn Quang Lập hơn Tạ Duy Anh. Điều này bạn đọc có thể kiểm chứng qua cách miêu tả sex của Nguyễn Quang Lập trong “Tình cát”.

Cuối cùng, đúng như Ngô Văn Giá nói, trong “Đất mồ côi”, Tạ Duy Anh đã đầu tư rất nhiều vào nghệ thuật trần thuật “với những sắp đặt, lắp ghép các phần ngoại truyện, chính truyện, lời giữa sách, mấy lời viết thêm cuối sách, chuyển giọng…”. Tôi cho rằng sự đầu tư này, trước hết cho thấy sự nghiêm túc, công phu của tác giả nhưng có lẽ vì ôm đồm quá mà ông đã làm “khổ” chính mình và bạn đọc. Đặc biệt, phần chính luận - lời giữa sách - theo tôi, thật sự đã làm hỏng, đã phá đi cái “chất” của tiểu thuyết phi hư cấu. Thật ra, ở đây nhà văn không cần phải cắt nghĩa hay lý giải gì thêm nữa mà hãy cho cho bạn đọc tự khám phá.

4. “Đất mồ côi”: Sự căng cứng, đơn điệu, một màu của tiểu thuyết Việt?

“Nhà văn lớn đồng thời là một nhà tư tưởng lớn” – ai đó đã nói như thế. Tuy nhiên, “tư tưởng lớn” không phải và có lẽ không bao giờ đồng nghĩa với việc dụng công “mô tả”, “tái hiện” thậm chí phô trương cái hiện thực rộng lớn hoặc rùng rợn, gian ác, dã man của con người trong suốt chiều dài lịch sử, văn hóa, xã hội của một cộng đồng, dân tộc.

Không những vậy, “tư tưởng lớn” không nhất thiết lúc nào cũng phải trình bày bằng một văn phong “nghiêm trang”, “nghiêm nghị” “nghiêm trọng” tạo cảm giác “căng cứng”, căng thẳng, mệt mỏi… cho bạn đọc. Xéc - van - téc đã cười đùa dân tộc Tây Ban Nha như thế nào trong “Đôn Ki hô tê”; Lỗ Tấn đã “bốc phốt” người Trung Quốc ra sao trong “A. Q chính truyện”?

Trong cái nhìn này, tôi thật sự lấy làm lạ và không hiểu sao văn chương nước nhà từ sau Nguyễn Công Hoan với hàng loạt truyện ngắn hoạt kê, đặc biệt là Vũ Trọng Phụng với Số đỏ lại thiếu hẳn những tiếng cười trào lộng, hóm hỉnh, duyên dáng; rất ít nhà văn Việt Nam hôm nay dám sử dụng tiếng cười, sự giễu nhại như một thủ pháp nền để đời sống văn học nước nhà thêm phần sinh động, mềm mại, tươi trẻ, bớt nghiêm trọng hơn (như Phan An trong gần đây trong“Trời hôm ấy không có gì đặc biệt”)?

“Căng cứng”, “nghiêm trang”, “nghiêm nghị”, “nghiêm trọng”… như “Đất mồ côi” cũng được thôi (vì đó là quyền của tác giả) nhưng nhìn rộng ra, nếu chúng cứ một màu như thế thì rất nhàm chán. Có lẽ nào, các nhà văn của cúng ta hôm nay không thể phản tỉnh, “giải thiêng”, “giải huyền thoại”… bằng tiếng cười trào lộng, bằng sự hài hước, hóm hỉnh, duyên dáng hay sao?

5. Thay lời kết

Là nhà văn tiếng tăm lại là biên tập viên - người gác đền tại nhà xuất bản hẳn Tạ Duy Anh có điều kiện “trải nghiệm” và “kết nối” với đồng nghiệp xa gần trước hết là thông qua các bản thảo. Có lẽ vì thế, mà tác phẩm của ông vừa xuất hiện ngay lập tức được các bạn bè, đồng nghiệp trong bối cảnh bùng nổ thông tin hôm nay, giới thiệu khá rầm rộ. Khoan nói đến những lời giới thiệu ấy có xác đáng không, chỉ biết biết rằng đây trước hết là một lợi thế của ông để sách có thể mau chóng đến với tay bạn đọc trong bối cảnh văn hóa đọc nước nhà nhìn chung vẫn còn khá tù đọng.

Dẫu vậy, với riêng tôi, cả “Mối chúa”“Đất mồ côi” đều cho thấy sự miệt mài, cần mẫn và sự “khổ tâm” của tác giả trên con đường sáng tạo nghệ thuật. Trên hết, có lẽ còn là tâm thế và thái độ của một nhà văn muốn tạo ra một sự bước phá nhằm thoát khỏi lời nguyền có tính định mệnh đã và đang níu kéo gây ra sự trì trệ cho cả dân tộc lâu nay trên con đường đi tìm chính mình trong bối cảnh chung của thế giới đương đại.

Riêng với,“Đất mồ côi”, xét trong mặt bằng chung hiện nay, vẫn là tiểu thuyết có sức lôi cuốn và ám ảnh cả về phương diện kỹ thuật lẫn “thông điệp” mà tác giả muốn gửi gắm. Dĩ nhiên thông điệp ấy có thuyết phục bạn đọc hay không còn tùy thuộc vào góc nhìn và quan điểm tiếp cận của mỗi cá nhân trong thưởng thức và thẩm định.

CT, 06/03/2021

Q.H.N

 Xem tiếp Phần Cuối

 

Tác giả gởi cho viet-studies ngày 5-3-21