Bài viết cho Diễn Đàn tháng 11/2003
Chiến tranh của những người trong chiến tranhĐọc Appy và Maraniss
Trần Hữu Dũng
Christian Appy, Patriots: The Vietnam War Remembered From All Sides, New York: Viking, 549 trang, 34,95 USD
David Maraniss, They Marched into Sunlight: War and Peace, Vietnam and America, October 1967, New York: Simon and Schuster, 572 trang, 29,95 USD.
Trong hàng ngàn quyển sách Mỹ về chiến tranh Việt Nam, một số không nhỏ có cơ đưa độc giả người Việt vào môt tâm trạng khó xử. Ngoài những biên khảo hay tự truyện hiển nhiên có thể được đánh gíá về mức độ chính xác hay tích lượng sử liệu, và ngoài những sáng tác có thể thẩm định qua lăng kính văn chương, còn một số là những tác phẩm ra đời với sứ mệnh khôi phục "tính nhân bản" của "phe bên kia" mà tác giả cho rằng người Mỹ đã không biết, hoặc biết sai. Đó là một mục đích đáng ca ngợi. Tuy nhiên, vì đối tượng những quyển này là người Mỹ, cái phân vân của một độc giả người Việt là có nên đánh giá chúng như những đóng góp riêng cho xã hội Mỹ hoặc, khắt khe hơn, đòi hỏi chúng phải có cái gì cho người đọc Việt Nam ?
Hai quyển sách vừa xuất bản ở Mỹ năm nay (và được hầu hết các nhà phê bình người Mỹ khen ngợi) có thể được xếp vào loại gây khó xử về quan điểm và tiêu chuẩn thẩm định như thế. Cả hai đều có ý cho độc giả nghe tiếng nói, nhìn khuôn mặt, hiểu cái thật con người của “phe bên kia”. Chỗ khác là, đối với Christian Appy thì hai phe là Mỹ và Việt, còn đối với David Maraniss thì hai phe là lính Mỹ ở Việt Nam, và sinh viên Mỹ chống chiến tranh.
Quyển Patriots: The Vietnam War Remembered From All Sides của Appy là 135 tự thuật (trong đó 51 là người Việt Nam), gạn lọc từ của 350 người mà tác giả (một giáo sư ở MIT) đã phỏng vấn vài năm gần đây. Có mặt trong quyển này không chỉ những tên tuổi quen thuộc như Võ Nguyên Giáp, quả phụ của Norman Morrison, Ngô Vĩnh Long, Nguyễn Quang Sáng, Dương Tường, mà còn cả một số được ít người biết nhưng không kém điển hình, chẳng hạn một em bé có cha bị bắt vào tết Mậu Thân. (Kissinger, McNamara và Thiệu từ chối phỏng vấn, song chắc ai cũng biết họ sẽ nói gì!)
Sau vài dòng giới thiệu, Appy để mỗi người tự nói về mình, không bình luận, phán đoán. Đa số không chỉ kể lại những hoạt động của họ trong chiến tranh, song còn cho nhiều chi tiết về thời thơ ấu, về gia đình của họ. Dù một số không ít dùng những trang dành cho mình để biện minh chỗ đứng của họ trong lịch sử, sự có mặt đông đảo của nhiều thành phần, mọi chính kiến, trong Patriots (nhất là của những người sẽ không có dịp nào khác để tự bạch) là bằng chứng công phu hỏi tìm đáng thán phục của tác giả. Rõ ràng là Appy muốn "công bình", và phần nào đó đã thành công.
Tiếc thay, đối với những độc giả chỉ biết qua loa về Việt Nam, nhất là những độc giả trẻ, thì đa số nhân vật được phỏng vấn ở đây sẽ là khá xa lạ. Đối với những người đã sống trong thời kỳ này, nhất là đối với độc giả có biết những người được phỏng vấn, quyển của Appy sẽ có nhiều chi tiết lý thú tuy rằng, nói chung, nét chính những chuyện họ kể là quá quen thuộc. Thậm chí, không ít độc giả ở lớp tuổi nào đó sẽ nghĩ rằng cuộc đời của chính mình còn "hấp dẫn" hơn.
Một điều nữa : dù người đọc sẽ dễ dàng công nhận là Appy rất "công bình", "quảng đại", ấn tượng để lại của quyển sách là một sự hỗn độn, lố nhố, thiếu một chủ đề rõ rệt xuyên suốt. Appy lấy lượng làm phẩm. Đây là một nhược điểm của những sách loại này: rộng nhưng không sâu. Hơn nữa, cách Appy sắp xếp từng cụm 2-3 người vào một tiểu đề có hơi gượng ép, có khi làm độc giả ngẩn ngơ (tại sao lại xếp Ngô Vĩnh Long vào cùng chương với Daniel Redmond và Rufus Phillips?).
Trong khi Patriots của Christian Appy có phần giống gói kẹo có thể được thưởng thức từng viên, They Marched into Sunlighti của David Maraniss có sức hấp dẫn của một truyện trinh thám, khi đã cầm lên thì không thể đặt xuống, cho đến trang cuối.
They Marched into Sunlight đưa người đoc vào chiến tranh Việt Nam qua cửa sổ thời gian của hai ngày vào tháng 10 năm 1967. Ngày 17, một tiểu đoàn lính Mỹ bị phục kích gần Lai Khê, hầu như bị quét sạch (số chính thức : 58 chết, 61 bị thương). Tình cờ, hôm sau đó chính là ngày mà sinh viên Mỹ ở thành phố Madison (bang Wisconsin) xuống đường phản đối công ty Dow Chemical (sản xuất bom napan) đến đại học để tuyển mộ. Bị cảnh sát thẳng tay đàn áp với dùi cui, lựu đạn cay, ngày 18 tháng 10 ấy đã trở thành cái mốc nhiều người còn nhớ trong lịch sử phong trào phản chiến ở Mỹ. Trong ẩn dụ của Maraniss, những người lính Mỹ ở Việt Nam, và những sinh viên phản chiến ở Mỹ, trên hai con đường tuy rất khác nhau, với những hậu quả khác nhau, đều như đã bị loà đi vì vùng nắng sáng của măt trời phía trước.
Maraniss là một ký giả kỳ cựu (hiện là biên tập viên cấp cao của tờ Washington Post) có tài nhận xét, và một ngòi bút (đã viết một quyển sách về Bill Clinton được giải Pulitzer) điêu luyện và trau chuốt. Trong lúc Appy đến với Việt Nam như một học giả nặng tình với đất nước này thì Maraniss đến với Việt Nam như một nhà văn dùng thời kỳ lịch sử ấy như một sân khấu cho tấn bi kịch có thật về chiến tranh và con người. Mặc dù ông cũng có vài chương về ván cờ chính trị lúc đó, chủ đích của Maraniss là những ngông cuồng, lươn lẹo và ngây thơ nhân bản, và những oái oăm của liên hệ con người. Hầu hết 175 người có mặt trong quyển sách của Maraniss đều có những đời tư phong phú và phức tạp (những phát giác về các xung đột giữa lính Mỹ ở Việt Nam và gia đình họ ở Mỹ sẽ làm nhiều người ngỡ ngàng xúc động).
Như một nhà phê bình (hơi dễ tính) đã nhận xét, ngòi bút của Maraniss đôi lúc gây liên tưởng đến cái hoành vĩ của Tolstoi trong Chiến tranh và Hoà bình. Những trang mô tả từng giây phút cuộc phục kích ở Lai Khê có thể được xếp vào hạng sống động và trung thực nhất trong văn chương về chiến tranh Việt Nam. (So sánh They Marched into Sunlight với những tiểu thuyết của Việt Nam -- Nỗi Buồn Chiến Tranh của Bảo Ninh chẳng hạn -- sẽ là một đề tài hữu ích.) Viết về những ma-nớp của chính quyền Mỹ, Maraniss có cái mỉa mai của David Halberstam trong The Best and the Brightest. Viết về làn sóng sôi sục của phong trào phản chiến, Maraniss khui lại sự hùng tráng nhiều người còn nhớ trong The Army of the Night kinh điển của Norman Mailer. Và trong cách mô tả cái địa ngục sống của lính Mỹ ở Việt Nam, Maraniss có hao hao văn khí của Michael Herr trong Dispatches và Neil Sheehan trong A Bright Shining Lie.
Appy lẫn Maraniss đều mong muốn "hoà giải" những người từng là thù địch của nhau bằng cách phơi vạch cái mẫu số chung của ho. Thiện chí đó đáng được hoan nghênh. Song, ở đây, có một sự vênh chệch khó nuốt trong tiền đề ấy. Có quả những tang thương mất mát vô vàn, và tưởng chừng vô tận, của một dân tộc chỉ là tương đương với sự gian lao hiểm cực của non ba triệu lính Mỹ (thay phiên) lặn lội một, hai năm (vâng, biết, có những người không may đã phải trả cái giá đắt nhất, vĩnh viễn) trong một cuộc phiêu lưu bất chính ? Có quả những thanh niên Mỹ xuống đường phản chiến là chẳng khác lính Mỹ bị gửi hơn mười ngàn dặm xa quê ? Những sự tương đương làm nền cho Appy và Maraniss (và nhiều tác giả Mỹ khác) xây dựng các quyển sách của họ chỉ là những sự tương đương của đối chiếu trừu tượng. Bởi lẽ, nhìn kỹ, xét về cái giá mà người trong cuộc phải trả, những sự so sánh ấy có phần bạo gượng, thô tục không chừng.
Đối với những người Việt đã trưởng thành trong thời kỳ chiến tranh thì Appy và Maraniss không có phát giác nào nổi bật. Song, trong hai cách khác nhau, hai quyển sách này làm sống lại cái mùi không khí, cái màu thời gian của giai đoạn ấy. Đối với đông đảo độc giả Mỹ (nhất là giới trẻ) hai cuốn này sẽ nhắc lại nhiều bài học có ích về nước họ. Đây là hai cuốn mà các nhà sưu tập sách về Việt Nam nên có.
Trần Hữu Dũng
i Tưa sách lấy từ câu đầu bài thơ Elegy của thi sĩ, cựu chiến binh Mỹ Bruce Weigl: Into sunlight they marched into dog day, into no saints day, and were cut down .... ...
|