Lời giới thiệu viết cho Phan An

 

Sau khi đọc
“Trời hôm ấy không có gì đặc biệt” của Phan An

 Trần Hữu Dũng

 

Dù đã nghe một số bạn bè nói về Phan An với nhiều cảm tình, và đôi khi có viếng website lacai.org  mà Phan An cho biết (một cách không cần thiết!) là lấy cảm hứng từ website viet-studies của tôi, tôi chưa hề gặp và quen biết Phan An. Thật là một vinh hạnh cho tôi vì, không biết vì lý do nào, Phan An gởi cho tôi xem trước bản thảo cuốn tiểu thuyết đầu tay này của Phan An.

Tôi ngạc nhiên và thán phục.

Hãy đọc Trời Hôm Ấy Không Có Gì Đặc Biệt như xem một cuốn album của một người thợ ảnh trẻ, nhưng cực kỳ tinh nhạy và tài ba.  Độc giả cùng thế hệ với Phan An sẽ nhận ra chính mình trong đó.  Còn những người nhiều tuổi hơn (hay... rất nhiều tuổi hơn, như tôi) thì sẽ thấy lại trong quyển này những mảnh vụn của một thuở thanh xuân mà mình đã mất.  Mĩm cười và thương mến.  Nhưng chẳng phải vậy thôi, bởi vì tôi nghĩ nó cũng là những dấu vết của tuổi trẻ Việt Nam hôm nay: Một tuổi trẻ thông minh và nghịch ngợm (như mọi nơi, mọi thời) nhưng đã trải nghiệm (với không ít buồn thảm, đớn đau) vô số biến động lịch sử và xã hội.  Lắm khi thất vọng với thế hệ đi trước (và ai lại không thông cảm sự thất vọng ấy?) tuổi trẻ của Phan An nhìn về tương lai với không ít xao xuyến, âu lo. Có cái gì bất ổn (dường như họ cảm thấy như vậy) ở tương lai ấy. Nhưng họ vẫn lạc quan. Đọc kỹ Phan An sẽ thấy bàng bạc điều này: Ngay trong cái vẻ bất cần chua chát của thế hệ Phan An là sự tin tưởng ở một ngày mai tươi sáng hơn.  

Nhiều lúc, Phan An làm tôi nhớ đến nhân vật Holden Caulfield trong quyển The Catcher in the Rye[1] tác phẩm kinh điển của nhà văn Mỹ J.D. Salinger.  Song, không như Caulfield mà sự trưởng thành là đi vào Kiếp Người (tôi viết hoa) với một sự cô đơn và chán chường khó tả, giai đoạn trưởng thành giao tiếp của Phan An ở đây là đi vào một xã hội Việt Nam mới, hoà nhập và vươn lên.

Nhiều độc giả sẽ cho rằng tiểu thuyết này hơi còn xanh, chưa được “chín” cho lắm.  Không sao.  Bởi lẽ, nhìn một cách khác, tác phẩm này chỉ một người trẻ như Phan An mới viết đựợc.  Có thể nó chưa đi vào chiều sâu như nhiều người kì vọng ở một tác giả nhiều tuổi đời hơn, nhưng chúng ta nên hoan nghênh tuổi trẻ của Phan An, và, nói riêng cho mình, tôi ganh tỵ với Phan An và tuổi trẻ ấy. 

 

Trần Hữu Dũng
Dayton, 30-10-2012

 


[1] Dường như đã có người dịch là “Bắt trẻ đồng xanh”

 

  Những bài khác của Trần Hữu Dũng

 

5-1-13