QUÂN ĐộI NHÂN DÂN (Cuối tuần) https://ct.qdnd.vn/van-hoc-nghe-thuat/khong-can-hu-cau-526945
SỰ THẬT CUỐN HÚT ĐẾN KHÔNG CẦN HƯ CẤU
(Đọc “Trần Hữu Nghiệp, đời là kẻ
sĩ” của Đỗ Viết Nghiệm - NXB Thanh Niên 2021)
Phần đông chúng ta đi làm cách mạng là để giải phóng cho chính mình, cho
gia đình mình, nói rộng hơn là cho quê hương đất nước mình khỏi áp bức
bóc lột. Còn Trần Hữu Nghiệp tham gia cách mạng
trong bối cảnh gia đình rất khá giả, có nhiều ruộng đất,(13 mẫu
ruộng). Ba ông đang là Đại hương cả, hai yếu tố đó nếu vào thời Cải cách
ruộng đất, rất dễ bị đấu tố, bị khép tội nặng thành phần địa chủ. Ấy vậy
mà ông Trần Hữu Nghiệp dám từ bỏ cuộc sống đủ đầy sung sướng để tham gia
Cách mạng.
Năm 1935 khi học xong 4 năm
Trường Y khoa Đông dương tại Hà Nội, ông sang Pháp học tiếp 2 năm để lấy
bằng doctor ( bác sỹ) tại Trường Đại học Y Paris. Trở về quê hương ở,
Trần Hữu Nghiệp mở phòng mạch tại Mỹ Tho, thời đó bác sỹ còn ít, phòng
mạch của ông rất đông khách, tiền vô nhiều như nước, đến nỗi ông phải “
rùng mình khó chịu”. Có vợ
đẹp cùng 3 người con khôn,(Vợ cũng là con đại điền chủ, Huyện Hương
Điểm, tỉnh Bến Tre), thế mà ông đành bỏ cái gia tài ấy, gia đình ấy, để
đi vào vùng kháng chiến, chịu đựng thiếu thốn, gian khổ, hy sinh. Đến
nỗi vợ bỏ đi lấy chồngTây. Như vậy Trần Hữu Nghiệp phải hy sinh nhiều,
nhiều lắm. Bởi Trần Hữu Nghiệp có lòng yêu nước nồng nàn, căm thù bọn
ngoại bang đang dày xéo quê hương mình, nên ngay từ khi còn đang học
trường Trung học công tỉnh Bến Tre, cậu học trò Trần Hữu Nghiệp đã tham
gia tuần hành trong đám tang cụ Phan Chu Trinh, làm chấn động tỉnh lỵ
Bến Tre. Kết quả cậu và một số học sinh khác bị đuổi học.
Trần Hữu Nghiệp là người vượt biên ra miền Bắc để báo cáo Trung ương,
Bác Hồ, về tình hình Nam
bộ và xin vũ khí vào chi viện cho chiến trường Nam bộ. Đoàn vượt
biên đi bằng thuyền gồm 5 thành viên trong đó có bà Nguyễn Thị Định, họ
là những người đặt “nền móng” cho con đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên
biển sau này (Đoàn tàu không số).
Trần Hữu Nghiệp được Bác Hồ, Chính phủ mời tham gia vào Ban chấp hành và
là đảng viên đầu tiên của đảng Xã hội Việt Nam. Ông từng là hiệu trưởng
trường Cán bộ Y tế Trung ương ở miền Bắc suốt 10 năm, đào tạo hàng ngàn
y, bác sĩ cho cả hai miền, nhất là trong chiến trường Nam bộ, đầy hiểm
nguy và gian khổ. Ông hai lần được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Qua tác phẩm, ta cũng được biết về kỷ niệm đẹp của bác sĩ Trần Hữu
Nghiệp với bác Tôn trong chuyến tháp tùng bác Tôn sang Liên Xô và Cộng
hòa dân chủ Đức, họ có tình cảm
tốt đẹp, đầy ấn tượng với nhau. Người chứng kiến và khâm phục trình độ
tiếng Pháp của bác Tôn khi bác sửa lại những trang bản thảo của ông;
chứng kiến phong cách làm việc cẩn thận, rất liêm khiết của bác. Một chi
tiết rất “Thâm cung bí sử”: khi Đoàn trở về đến Bắc Kinh được Chủ tịch
Quốc hội Trung Quốc Lưu Thiếu Kỳ
tiếp. Lúc rượu Mao Đài ngà ngà, Lưu Thiếu Kỳ nói : “Đảng
các đồng chí thành lập sau đảng của chúng tôi mà mười lăm năm đã giành
được chính quyền, nay nếu phải chờ năm mươi năm nữa mới thống nhất đất
nước cũng là sớm”, câu nói đó làm “ly
rượu trên tay bác Tôn nổi sóng, bắn ra những tia rượu rơi xuống mặt bàn
ướt sũng”. Bác Tôn xúc động thật sự, bởi chỉ còn không bao lâu nữa,
theo hiệp định Giơ-ne-vơ, chúng ta tin rằng tổng tuyển cử sẽ diễn ra hai
miền Nam Bắc, thống nhất Tổ quốc. Vậy mà sao Lưu Thiếu Kỳ nói câu đó?
Quả nhiên Hiệp định Giơ-ne-vơ không được thi hành, chúng ta phải chiến
đấu hơn 30 năm mới thống nhất đất nước. Lưu Thiếu Kỳ có phải là nhà tiên
tri?
Đỗ Viết Nghiệm có giọng văn như thứ rượu quý, dìu dịu, nồng nàn, rất dễ
lôi cuốn người uống say lúc nào không biết. Bởi vậy ông viết đến 4 cuốn
truyện ký, tôi đọc cuốn nào cũng bị giọng văn của ông chinh phục, phải
đọc một mạch cho đến trang cuối cùng, mặc dù đó chỉ là truyện ký về
người thật việc thật, đây là ưu điểm của anh do vốn kiến thức, vốn sống
phong phú, đó có lẽ còn là vốn trời cho nữa.
Cuộc đời của bác sĩ Trần Hữu Nghiệp có quá nhiều sóng gió, vô cùng phong
phú và cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ hào hùng, như bài ca vĩ
đại, mỗi con người sống, chiến đấu như những người anh hùng, chỉ cần
viết như thật đã là những tấm gương điển hình, tính cánh điển hình của
người anh hùng. Không cần hư cấu vẫn hấp dẫn như một cuốn tiểu thuyết
“Thép đã tôi thế đấy” của Nikolai Otrovsky. Trần Hữu Nghiệp như nhân vật
Pavel - cũng trui qua lửa đỏ của cách mạng với lòng yêu nước nồng nàn.
Tôi vừa đọc lại cuốn “ Sử ký Tư Mã Thiên”
và cuốn “Thủy Hử” của Thi Nại Am, đến khi đọc
Trần Hữu Nghiệp đời là kẻ sĩ,
liên tưởng những nhân vật như Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch, Bộ trưởng Dương
Quỳnh Hoa, tướng Nguyễn Thị Định, bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, cha mẹ, vợ
con bác sĩ Trần Hữu Nghiệp và hàng trăm nhân vật khác hiện lên xung
quanh nhân vật chính Trần Hữu Nghiệp như những người anh hùng. Họ có
tính cách, có số phận, có hành động như những nhân vật lịch sử của Tư Mã
Thiên, hay tính cách điển hình sinh động của 108 anh hùng Lương Sơn Bạc.
Nhà văn khắc họa được một nhân vật để người đọc nhớ khó lắm thay. Bởi vì
nhớ nhân vật độc giả mới nhớ đến tác giả. Đỗ Viết Nghiệm, chỉ bằng
truyện ký của mình đã cho chúng ta nhớ được khá nhiều nhân vật, họ vừa
có thật, vừa như huyền thoại, đó là thành công của cây bút khắc họa nhân
vật không cần hư cấu.
Nguyễn Trường.
Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp
LỜI THỀ TẬN HIẾN CHO DÂN CHO NƯỚC
Phạm Quang Đẩu
Bác sĩ Trần Hữu nghiệp sinh ra trong một gia đình nông dân tại xã Tân
Thủy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Sớm có tinh thần yêu nước, mới 15 tuổi
ông đã tham gia truy điệu, để tang nhà chí sĩ Phan Chu Trinh mà bị đuổi
học khỏi trường công ở Bến Tre. Ông lên Sài Gòn xin vào trường tư thục
Huỳnh Khương Ninh, với sức học trội bật, ông học nhảy lớp. Năm 1928, đỗ
thứ nhì Brevet élementaire, được chính thầy Huỳnh Khương Ninh vận động
xin cho học bổng học tiếp ở trường Chasseloup Laubat. Năm 1931 ông thi
đỗ vào Đại học Y khoa Hà Nội, 6 năm sau có bằng bác sĩ hạng ưu và được
sang Pháp tu nghiệp. Năm 1939 ông về nước mở phòng mạch tư ở thị xã Mỹ
Tho. Cách mạng Tháng tám 1945 nổ ra ở Nam Bộ, cùng với nhiều trí thức
yêu nước ở Pháp về, như các bác sĩ: Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Văn Hưởng,
Phạm Hữu Trí...ông gia nhập Việt Minh. Rồi bước ngoặt cuộc đời bác sĩ
Trần Hữu Nghiệp vào tháng 3-1946, khi ông đang phụ trách cứu thương ở
mặt trận cù lao An Hóa, được gọi về Khu 8, tham gia phái đoàn cùng giáo
sư Ca Văn Thỉnh và bà Nguyễn Thị Định ra Bắc gấp để báo cáo tình hình
với Trung ương xin chi viện vũ khí cho Nam Bộ. Đến Hà Nội, phái đoàn
được Hồ Chủ tịch tiếp và sau đó bác sĩ Trần Hữu Nghiệp được giữ lại công
tác ở Cục Quân y vừa mới thành lập. Cuối năm 1946, Toàn quốc kháng
chiến, ông rời thủ đô đi thanh tra quân y ở Bắc Bộ và Liên khu 4. Do có
nguyện vọng trở về quê hương chiến đấu, ông tiếp tục đi sâu mãi vào phía
Nam với trách nhiệm Tổng thanh tra quân y. Giữa năm 1947, ông cùng bác
sĩ Nguyễn Văn Hưởng vừa từ Sài Gòn ra chiến khu bắt tay xây dựng ngành y
tại căn cứ, được cử làm Phó giám đốc Sở Y tế quân dân y Nam Bộ, trực
tiếp phụ trách các tỉnh Khu 8. Bắt đầu từ đây ông vừa làm thầy trên bục
giảng, vừa trực tiếp khám chữa bệnh, ở đâu, lúc nào cũng nêu cao y đức
và chính ông là tấm gương sáng về y đức. Bà Đoàn Thúy Ba, hiện ở Tp.Hồ
Chí Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế nhớ lại: “Năm ấy tôi học lớp y tá
Miền của thầy Trần Hữu Nghiệp. Thầy lên lớp bao giờ cũng thu hút chúng
tôi do cách diễn đạt khúc triết, lô-gic, đôi khi hài hước, dí dỏm. Thầy
còn là pho sử sống về nền y tế cách mạng, những gương hy sinh của cán bộ
y tế mà thầy đã kể còn in đậm trong tâm khảm chúng tôi đến ngày hôm nay.
Lần ấy vào lúc nửa đêm, có tin báo một chị cán bộ trong cơ quan đang trở
dạ, là một ca đẻ khó. Thầy trò choàng túi cứu thương, đốt đuốc lá dừa
xuyên rừng đến nơi ngay. Đứa trẻ đã được đỡ ra oe oe cất tiếng khóc chào
đời, nhưng sản phụ đang kiệt sức do bị “nhau tiền đạo”, máu tuôn xối xả.
Ngón tay thầy bấm chặt vào động mạch bụng của sản phụ để cầm máu và bảo
chúng tôi: Máu thầy thuộc nhóm B, hãy xem sản phụ nhóm máu gì? May sao
chị cũng cùng nhóm máu, vẻ mặt thầy bớt căng thẳng, ra lệnh tiếp: Lấy
máu thầy trích thẳng vào tĩnh mạch cho sản phụ! Bằng cách tiếp máu trực
tiếp, kịp thời như vậy đến sáng đã cứu được người mẹ. Tôi còn được chứng
kiến một ca cấp cứu khác của thầy. Có anh chiến sĩ trẻ bị đạn địch bắn
nát chân đưa về hậu cứ. Vết thương đã hoại tử, đành phải cưa chân để cứu
người. Phương tiện lúc đó quá thiếu, thầy mổ chính, đã động viên anh
thương binh: Không có thuốc gây mê, gây tê, rất đau đấy, em ráng chịu
nghen! Anh thương binh mất nhiều máu mặt nhợt nhạt, nhưng còn tỉnh táo.
Bỗng anh đề nghị kíp mổ dừng vài phút. Mọi người chưa hiểu chuyện gì,
thì anh bất ngờ cất tiếng hát, bài
Tiến quân ca. Dường như bài ca đã lấy lại tinh thần cho anh, hát
xong anh nhỏ nhẹ bảo: Bắt đầu được rồi, thưa bác sĩ. Thầy cầm con dao
phẫu thuật lên mà dòng lệ chảy dài trên gò má, chúng tôi thì ai cũng mím
môi để khỏi bật ra tiếng khóc khi phụ mổ cùng thầy…”
Năm 1966, tại chiến khu bác sĩ Trần Hữu Nghiệp được đứng trong đội ngũ
Đảng CSVN. Tại sao tham gia cách mạng đã hơn 20 năm đến lúc đó bác sĩ
mới vào Đảng? Nguyên do là lần ra Hà Nội năm 1946, chính Bác Hồ đã yêu
cầu bác sĩ cùng các ông Nguyễn
Xiển, Hoàng Minh Giám lập đảng Xã hội, đảng của trí thức yêu nước để
tham gia vào chính phủ cách mạng lâm thời. Rồi nhiều năm trôi qua, đã
đến lúc cần ông chính thức đứng trong đội ngũ người cộng sản. Nhà thơ nữ
Lê Giang, sinh năm 1930, hiện ở TP.Hồ Chí Minh, nhớ lại: “Dưới cánh rừng
miền Đông Nam Bộ, chi bộ tổ chức lễ kết nạp, tôi được phân công chuẩn bị
lời thề cho bác sĩ Trần Hữu Nghiệp. Nhưng ông bảo: Khỏi cần, tôi tự thề.
Và dưới cờ Đảng, cờ Tổ quốc ông đã thề cống hiến toàn bộ tâm hồn và sức
lực cho nước, cho dân, lời thề xuất phát từ trái tim nhiệt huyết của
ông.”
Bên cạnh việc giảng
dạy và trực tiếp khám chữa bệnh, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp còn rất hứng thú
với việc viết sách, báo phổ biến kiến thức y học. Từ năm 1943 ông đã in
cuốn Phép nuôi con; rồi năm
1962: Chữa bệnh cho con khi xa
thầy thuốc; năm 1975: Chủ động
bảo vệ hạnh phúc gia đình; năm 1978:
Nói chuyện với người uống rượu;
năm 1981: Nói chuyện với người hút
thuốc. Tập hồi ký Thời gian
trong mắt tôi (NXB Văn nghệ 1993) là cuốn sách đáng chú ý nhất.
Trong đó, ông là người trong cuộc của nhiều sự kiện quan trọng của đất
nước, lần đầu tiên được mô tả với giọng văn chân thực và cảm động. Đoạn
dưới đây kể về một kỷ niệm giữa
ông với Chủ tịch Tôn Đức Thắng:
“Bác Tôn râu tóc bạc trắng, tướng đi đĩnh đạc.
Bên cạnh là luật sư Nguyễn Hữu Thọ, chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng
miền Nam Việt Nam. Trong tiếng vỗ tay lúc khai mạc buổi lễ, trí nhớ tôi
lại đang vướng vít trong hai cảnh cũ ở Hà Nội năm nào.
Cảnh thứ nhất: câu lạc bộ Ba Đình, tháng 8 năm 1958. Một nhóm
khách, đông không quá vài trăm, được Phủ Chủ tịch mời đến dự lễ gắn Huân
chương Sao Vàng cho Chủ tịch Quốc hội Tôn Đức Thắng nhân dịp mừng thọ
thất tuần. Tôi được đến với tư cách là Ủy viên trung ương Mặt trận Tổ
Quốc và đồng hương với Bác Tôn. Khai mạc, Bác Hồ nói mấy lời, nêu thành
tích và công lao của Bác Tôn, gắn huân chương và ôm hôn giữa tiếng vỗ
tay vang dậy. Hôm ấy, Bác Tôn mặc bộ đồ ka ki giản dị. Trước tim, bên
ngực trái, là Huân chương Sao Vàng vừa gắn, lóng lánh dưới đèn điện.
Phía ngực phải, là huân chương nước ngoài theo quy ước quốc tế, trong đó
có Huân chương Cách Mạng tháng Mười mới được tặng, mà tôi đã có dịp đi
tháp tùng Bác sang Liên Xô nhận. Mắt Bác như rớm lệ, tay run run
khi nâng chén rượu mừng và nói vài lời đáp từ thật giản dị:
Tôi xuất thân từ một gia đình nông dân Nam Bộ, lúc nhỏ đã lên Sài
Gòn học nghề để tha phương cẩu thực. Chưa lần nào tưởng tượng ra cái
vinh dự tuyệt đỉnh của chiều hôm nay. Không biết nói gì hơn là từ đáy
lòng, xin mãi mãi ghi ơn Đảng, Hồ Chủ tịch và sự có mặt của tất cả các
đồng chí đến chúc mừng tôi.
Cảnh
thứ hai: Mùa hè năm 1965, Bác Tôn, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc trung ương,
đã nhận được đơn xin từ chức Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc của
tôi, bởi lần đi công tác này vào Nam chắc chắn là phải sẽ kéo dài nhiều
năm, không hẹn ngày trở lại. Một buổi
chiều, chị Tám Nguyễn Thị Lựu, phó Tổng thư ký Mặt trận, mời tôi đến trụ
sở Mặt trận dùng bữa cơm thân mật tiễn đưa. Ngoài chị Tám chỉ có thêm
hai người dự là Bác Tôn và đồng chí Trần Hữu Duyệt, Tổng thư ký Mặt
trận. Xong, Bác tiễn tôi ra tận cổng 48 phố Tràng Thi, giọng nói run
run, chậm chạp, đầy xúc động như năm nọ lúc nhận huân chương: Anh về
trỏng, nói giùm với đồng bào Nam Bộ và tất cả đồng chí, anh em, rằng tôi
rất nhớ quê hương, chỉ mong đợi ngày về. Nhưng sắp đến 80 rồi, còn có ai
cho đi nữa...”
Nhà
văn Nguyễn Quang Sáng, Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam trong một
bài viết vào năm 1993, có đoạn: “Năm 1949 trong vùng kháng chiến đất U
Minh, tôi có tình cờ đọc được quyển
Hồ Chủ tịch trong lòng dân tộc
của tác giả Hằng Ngôn, nhà xuất bản Bến Tre. Đây là cuốn sách văn học
đầu tiên tôi được đọc trong ngày đầu kháng chiến chống Pháp, để lại ấn
tượng rất sâu sắc, sau này tôi mới biết tác giả Hằng Ngôn chính là bác
sĩ Trần Hữu Nghiệp. Giọng văn của cuốn sách tươi xanh dòng ngôn ngữ nông
dân Nam Bộ, quý hơn dưới những con chữ của anh là sự uyên bác của một
trí thức, y học của văn học. Y học của người thầy thuốc, trong anh đã
cất tinh thành văn học.”
Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp có 6 người con, đều đã
thành đạt. Hồi đầu năm 1947, các con ông còn thơ bé,
phải xa chúng để đi làm cách mạng, ông đã có bài thơ
Nhớ con thật mộc mạc, xúc
động: Ra đi con Dũng mới u ơ/Hai trẻ Trí-Dung quá dại khờ/Chân bước
xuống xuồng ba rớm lệ/Hôn con, dặn lại gì bây giờ… “Dũng” chính là giáo
sư, tiến sĩ kinh tế Trần Hữu Dũng, chủ trang mạng Viet-studies.net nổi
tiếng hôm nay. Ông từng
sang Mỹ du học từ năm 1963, sau khi tốt nghiệp kỹ sư điện tử và cử nhân
vật lý, ông về nước làm chuyên viên tại Trung tâm Nghiên cứu nguyên tử
Đà Lạt. Năm 1972, ông qua Mỹ lần nữa và lấy bằng tiến sĩ kinh tế tại đại
học Syracuse. Từ năm 1982, ông dạy môn kinh tế vĩ mô, kinh tế quản lý và
kinh tế thế giới tại đại học Wright State.
Ông
chuyên nghiên cứu kinh tế vùng Đông
Á,
trên phương tiện truyền thông ông cũng là một trong những nhà khoa học
Việt kiều có đóng góp về đổi mới tư duy kinh tế cho chính phủ Việt Nam.
FACEBOOK NGUYỄN HỮU HOÀI NAM
https://www.facebook.com/namhhn/posts/4305589519502952
ĐỜI KẺ SĨ NAM KỲ – BÁC SĨ TRẦN HỮU NGHIỆP hay CHÂN DUNG MỘT ĐẢNG
VIÊN ĐẢNG XÃ HỘI.
Hôm nay là 22/7/2021 - ngày kỷ niệm 75 năm thành lập Đảng Xã hội Việt
Nam tôi xin giới thiệu về một nhân vật lịch sử mà có lẽ lớp trẻ rất ít
ai còn nhớ tên. Đó là bác sĩ Trần Hữu Nghiệp (1911-2006), một trong
những sáng lập viên từ những năm đầu. Một kẻ sĩ Nam Kỳ tiêu biểu. Tôi
biết đến ông qua cuốn sách “Trần Hữu Nghiệp – Đời là kẻ sĩ” của tác giả
Đỗ Viết Nghiệm – một tác phẩm cần đọc rất chậm không phải vì giọng văn
điêu luyện cốt truyện cuốn hút mà chính bởi các nhân vật của nó – những
bác sĩ Nam Kỳ tiêu biểu đã theo cách mạng, mà cuộc đời của mỗi con người
thừa đủ chất liệu để viết nên một bản hùng ca. Những ngày Sài Gòn đang
gồng mình chống dịch này mỗi tên đường phố ta thấy thân quen dưới đây
đều là của một vị bác sĩ nổi tiếng trong lịch sử anh hùng của dân tộc.
Ông Trần Hữu Nghiệp (Chín Nghiệp) vốn sinh ra trong gia đình nông dân Ba
Tri – Bến Tre, nhờ học giỏi mà đã thi đỗ vào Trường Y khoa Đông Dương
tận Hà Nội, rồi sang Pháp tu nghiệp thêm 2 năm. 1937 ông về lại Mỹ Tho
và mở phòng mạch riêng – cuộc đời ông vốn lớn lên đã sung túc, bây giờ
thực tới lúc “tiền vô như nước”. Đúng như nhân vật Phạm Ngọc Thạch trong
truyện đã từng nói: “Ở ngành Y tế này, muốn tìm được người thuộc thành
phần cơ bản mà giao việc thì nên dẹp Bộ đi!” – làm gì có con nhà bần cố
nông mà học lên được ngành y? Những vị Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng đều con
quan lớn, còn bản thân nhà ông Phạm Ngọc Thạch cũng “chỉ” có 200 mẫu
ruộng (200 ha đấy)… Cha của Trần Hữu Nghiệp tên là cụ Nghĩa cũng mang
chức Đại Hương Cả, tuy chỉ là hình thức! “Nhà có xe ngựa” – oách lắm
rồi! Thế mà sao họ lại sẽ theo cách mạng?
Học Y ở Hà Nội thời Pháp thuộc có không ít những người con Nam Bộ xuất
sắc. Trong truyện ta thấy nổi bật hai nhân vật ít ai còn nhớ: Giang Văn
Xường và Phạm Hữu Chí. Giang Văn Xường mất sớm bởi bệnh nan y, trong khi
làm dở dang cuốn từ điển Y học bằng tiếng Việt đầu tiên. Phạm Hữu Chí
đang học bị tây đuổi rất oan ức, nhưng được người thân giúp cho sang
Pháp học đỗ rất cao, rồi luận án được giải cao tại Paris nhưng ông đã
đem về in tại Sài Gòn “để cho nhiều người Việt được biết tới”, và ông đã
từ chối gia nhập quốc tịch Pháp vì “không thể tách mình ra khỏi dân
tộc!”. Một khí phách rất “anh Hai Nam Bộ” thời thuộc địa, thương thay
ông Chí cũng mất khi mới 33 tuổi, sự nghiệp lẫy lừng còn đang phía
trước...Miền Trung cũng có những đàn anh mà Trần Hữu Nghiệp vì nể, đặc
biệt là ông Tôn Thất Tùng, nhớ nhất là việc ông Tùng không chỉ học giỏi
mà còn đánh một tay sinh viên cùng năm và không cho ăn cơm chung, bởi
phát hiện ra tay ấy viết thư xin điểm người thầy Pháp – “làm nhục thanh
niên Việt Nam chúng tao…”.
1937 “đốc tờ Paris” Trần Hữu Nghiệp về lại quê hương – ông là bác sỹ
Pháp học, khi đó những người như vậy ở lục tỉnh chỉ đếm trên đầu ngón
tay, khi trở về thì người cha mới mất. Ông lấy cô con gái ông Huyện
Hương giàu có mà biết từ tấm bé, nay đã lớn lên xinh đẹp như một hoa
khôi. Đôi vợ chồng rời quê ra thị xa Mỹ Tho mở phòng mạch, cuộc sống
ngày càng trở nên giàu sang phú quý, viên mãn bao nhiêu thì bác sĩ
Nghiệp thấy “mất tự do trước quyền lực của ý thức: phải hái ra tiền”.
Đến khi cách mạng Tháng Tám nổ ra, rồi “mùa thu rồi, ngày 23”thì người
trí thức trẻ Trần Hữu Nghiệp có một lựa chọn mà không ai bắt buộc: chia
tay với người vợ đẹp, ba đứa con nhỏ (một gái hai trai) để theo cách
mạng. Ông nhớ rõ thời khắc quyết định đó: 7h, ngày 23, tháng 10 (chứ
không phải 9 nhé) năm 1945. Cũng theo cách mạng như ông có vài bác sĩ
khác, nhưng đa số đã không chịu được sự chia tay với cuộc sống cũ – họ
đã quay lại, nhưng chỉ làm nghề y chứ không làm gì cho giặc Pháp. Riêng
ông Nghiệp đã quyết liệt vô bưng biền kháng chiến, rồi được tổ chức
quyết định đưa theo đoàn của bà Nguyễn Thị Định ra bắc – chỉ có năm
người, đi đường biển từ Bến Tre ra Tuy Hòa (rồi đi xe lửa ra bắc) vào
cuối tháng 3, đầu tháng 4/1946 – chính họ mở “đường mòn Hồ Chí Minh trên
biển” huyền thoại này! Nhiệm vụ chính là “báo cáo tình hình kháng chiến”
và “xin vũ khí” – nào có ai nghĩ cuộc chia ly lại kéo dài đến thế! Bà
Định khi đó mới 26 tuổi nhưng đã đi tù, chồng bị Pháp giam và chết tại
Côn Đảo – trẻ nhất nhưng cũng là người dày dạn, trung kiên nhất trong
đoàn…
Đoàn được Bác Hồ mời cơm và sau đó giáo sư Ca Văn Thỉnh và bác sĩ Trần
Hữu Nghiệp được giữ lại ở miền Bắc, còn ba người kia lại quay lại bằng
đường cũ, 12/1946 đem theo 10 tấn vũ khí và thêm hai đồng chí. Ông Thỉnh
được phân làm Bộ trưởng Giáo dục, ông Nghiệp làm tại Cục quân y, kiêm
Tổng thanh tra quân dân Y Việt Nam. Bất ngờ nhất, bác sĩ Nghiệp được
giới thiệu (bởi đàn anh Phạm Ngọc Thạch – Bộ trưởng Y tế đầu tiên?!) vào
Ban chấp hành Trung ương Đảng Xã hội Việt Nam. Cũng toàn trí thức Pháp
học đàn anh được “phân công” nắm Đảng Xã hội: các ông Phan Tư Nghĩa,
Nguyễn Xiển, Hoàng Minh Giám, Nguyễn Cao Luyện, …tiền thân của nó vốn là
Liên minh Xã hội chủ nghĩa Đông Dương – là một bộ phận của Đảng Xã hội
Pháp. Đồng điệu nhất với bác sĩ Nghiệp có lẽ là ông Nguyễn Xiển – ông
Xiển cũng từng bị đuổi học đúng đợt biểu tình nhân dịp đám tang cụ Phan
Châu Trinh, nhưng rồi vẫn quyết học thật giỏi để mà giành được học bổng
sang Pháp. Ông Xiển tuy hơn 4 tuổi, nhưng cũng như bác sĩ Nghiệp đều
theo cách mạng khá muộn (1945) và chưa hề tham gia đảng phái nào bao
giờ! Cũng có lẽ rất ấn tượng trước tài năng, đức độ của cụ Hồ mà không
ai khác, chính bác sĩ Nghiệp là người đề nghị chính thức trong một cuộc
họp, rằng sau này thống nhất đất nước nên đặt tên cho Sài Gòn là thành
phố Hồ Chí Minh!
Thành phần chính phủ hồi đó có không ít trí thức gốc Nam Bộ: ngoài ông
Ca Văn Thỉnh và Phạm Ngọc Thạch đã kể còn có Bộ trưởng Canh nông Ngô Tấn
Nhơn. Thêm bác sĩ Nguyễn Thiện Thành nữa (là thân sinh ra ông Nguyễn
Thiện Nhân) thành “hội đồng hương” quê rất gần nhau. Và trừ Bộ trưởng
Phạm Ngọc Thạch thì khi Pháp sắp vào Hà Nội, chính phủ ta rút lên An
Toàn Khu thì 4 người còn lại được Bác Hồ giao nhiệm vụ: trở lại miền
Nam!
Ở chiến khu Nam Bộ người đón họ là một bác sĩ đàn anh nổi tiếng khác:
Nguyễn Văn Hưởng. Ông nổi tiếng vì từ chối đề nghị làm Bộ trưởng Bộ nội
vụ, mà ở lại miền Nam dùng kinh nghiệm về vi sinh giải quyết nạn dịch
cứu dân! (Vào thời điểm dịch Covid-19 đang hoành hành thế này mới thấy
thật trân quý những thầy thuốc tài đức song toàn như vậy!). Ông còn vận
động được thêm hai bác sĩ bỏ thành phố ra bưng biền: Hồ Thiệu Ngạn và Hồ
Công Nghĩa… Sau này còn thêm các bác sĩ Hồ Văn Huê, Trần Nam Hưng. Vẫn
rất thiếu nhân lực quân y, ông Chín Nghiệp phụ trách công tác tổ chức
đào tạo, ngay tại chiến khu! Khóa đào tạo y sỹ đầu tiên được mang tên
Phạm Hữu Chí… Còn để chống dịch tả, dịch đậu mùa thì bác sĩ Hưởng đề
nghị “phải chủ động tự bào chế vác xin”!
Lần về thăm quê cuối năm 1947 của ông Nghiệp thật xúc động và buồn:
người mẹ đã mù lòa, còn người vợ hoa khôi đã lấy chồng Pháp tại Mỹ Tho.
Ông lại quay lại bưng biền, người hiệu trưởng Trường Y tá ở An Thới này
tự soạn giáo án và lên lớp, học trò khóa II có cô trò nổi tiếng sau là
AHLĐ, thứ trưởng Bộ Y tế Đoàn Hồng Hoa…
Tưởng chừng như số phận lại đền bù cho bác sĩ Nghiệp niềm hạnh phúc mới:
đoàn thể giới thiệu cho ông khá nhiều “đám”, xong ông nhất quyết chỉ đòi
cưới Ngọc Lê – cô gái tản cư mới 18 tuổi sống chỉ cách nhà cũ của ông
200 m. Đám cưới năm 1948 ngay gần vùng địch hay đi càn nên không có nhà
gái dự, cô Lê sinh con gái đầu trong chiến khu cũng mang tên Dung như cô
con gái đầu của bác sĩ Nghiệp, và rồi lại ba người con nữa với người vợ
hai – lần này đều sinh ra dưới thời lửa đạn tại bưng biền.
Sau Điện Biên Phủ đất nước chia hai, Trung ương gọi, tổ chức giao bác sĩ
Nghiệp dẫn đoàn đầu tiên “tập kết” – vợ chồng ông cùng ba trẻ nhỏ, với
hai tá bà bầu, chưa kể các thương binh, cựu tù nhân đa phần là nữ…Tàu
Pháp chở đoàn ra Vũng Tàu, chuyển sang tàu Ba Lan ra Thanh Hóa (đấy,
chính cái nơi mà bây giờ hậu thế định dựng tượng đài “tập kết” – hãy đọc
cuốn sách này đi để hiểu vì sao chẳng cần làm như vậy với những người
anh hùng!). Ông với gia đình và gia đinh nhà nông học Lương Định Của
được Bác Hồ cho xe đón thẳng về Hà Nội – hưởng bầu trời xanh thẳm của tự
do và hòa bình chưa lâu thì ông “được” tham dự cải cách ruộng đất, trong
khi đó vợ và ba đứa con cũng như toàn thể đồng bào miền Bắc đói khổ đến
hoa mắt…
Cuộc đi châu Âu 1955 tháp tùng Bác Tôn của bác sĩ Nghiệp có lẽ là chương
hay nhất trong cuốn sách. Bởi nó cho tôi (và có lẽ rất nhiều bạn đọc)
một hình ảnh sống động của “ông Hai Thắng” – một ông già Nam Bộ thật cởi
mở nhưng “rất kỹ tính, thận trọng và sắc sảo”, khác với những hình dung
khá thô thiển về một ông lão già nua, lẫn cẫn mà lứa hậu sinh chúng tôi
cứ nghĩ rằng như vậy! Không, một bác Tôn mà sau 17 năm tù Côn Đảo còn
sửa từ ngữ chính trị cho “đốc tờ Paris” Chín Nghiệp. Một chính trị gia
rất kinh nghiệm đối ngoại với Trung Quốc, Liên Xô, Đông Đức…Cụ Tôn khi
ấy là Chủ tịch Quốc hội, đại diện chính phủ đi cám ơn các nước XHCN đã
giúp đỡ, và khi về đi qua Liên Xô nhận giải thưởng Hòa bình quốc tế Lê
Nin. Và cụ Tôn đã “cứu” Trần Hữu Nghiệp thoát “tội” trao đổi qua điện
thoại (bằng tiếng Việt, trước mặt đông người!) với người bạn Nga khi xưa
đã cùng chiến đấu ở bưng biền Nam Bộ. Chính cụ Tôn khi rời Lên Xô đã gửi
lại hết số tiền nước bạn tặng để mua quà, chỉ đem về cho người vợ cả đời
yêu thương chiếc cối xay hạt tiêu nho nhỏ… (Chính xác nó có giá 7 rúp,
còn 9993 rúp nước bạn tặng bác Tôn đã được trả lại!). Còn ở Bắc Kinh ông
Nghiệp trở thành nhân chứng của câu nói của Lưu Thiếu Kỳ với Bác Tôn:
“Đảng các đồng chí thành lập sau Đảng chúng tôi, mà mới mười lăm năm đã
giành được chính quyền, nay nếu phải chờ năm mươi năm nữa mới thống nhất
đất nước cũng là sớm!”. Quả nhiên vào năm 1956 chả có Tổng tuyển cử nào,
rồi Mỹ vào Việt Nam thay Pháp – Lưu Thiếu Kỳ sao mà biết trước như vậy
các bạn thử nghĩ xem?!
Ông Nghiệp được giao làm Hiệu trưởng Trường cán bộ y tế trung ương – tức
là phụ trách đào tạo cho cả nền y tế! Ông đã xây dựng nó từ con số không
– đúng hơn là từ bãi rác của ven đô – cơ sở đào tạo y tế ngày nay ở phố
Giảng Võ (Hà Nội) xưa kia chính là bãi rác – chỉ sau một năm đã mọc lên
ngôi trường khá quy củ (8,4 ha đấy, bây giờ nó bị lấn chiếm còn được bao
nhiêu –xin thưa 1 ha thôi!). Để bám sát hoạt động của nhà trường, ông
Nghiệp trả lại cái biệt thự ở Hàn Thuyên mà tổ chức cho mượn, về trường
ở chung một căn nhà với gia đình tay hiệu phó kiêm bí thư. Trường Y ra
đời, ba mẹ của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm cũng là cán bộ giảng dạy của
trường thời gian này. Bà Lê vợ ông Nghiệp vốn đã có một số nghiệp vụ y
tá nhất định nên muốn xin vào học khóa đầu, ông Nghiệp không cấm
nhưng…bắt thi tuyển! Vợ khóc, chỉ đòi dự thính thôi cũng được, nhưng ông
Nghiệp nhất quyết “dự thính cũng là học” – bôn-sê-vích đến thế là cùng!
Bà Lê giận đến mức đã ôm quần áo vào ký túc xá ở, rồi sau phải học ôn
một năm mới thi được đầu vào – sau này bà thông cảm cho chồng nhưng quả
là gọi ông là “kẻ sĩ” không “oan” chút nào! Khóa giảng đầu tiên năm 1956
lại có mặt cô học trò từ miền Nam ra học là Đoàn Hồng Hoa.
Chiến tranh nổ ra khốc liệt, và như rất nhiều “cán bộ tập kết” khác, ông
Nghiệp viết đơn xin trở về quê hương – đúng hơn là ra chiến trường. Đa
số không được “đi B” đâu, nhất là ông Nghiệp khi ấy đã 54 tuổi, nhưng
với kinh nghiệm nghề nghiệp của mình thì tổ chức thấy í tai thay thế
được, nên đã cho bác sĩ Nghiệp lên đường, với điều kiện ông “dân vận”
được người vợ ở lại trông ba con nhỏ - bà Lê lúc đầu cũng nhất mực đòi
theo chồng về nam. Chỉ có mình bà đi tiễn chồng, ông Nghiệp đi rồi ba
đứa con mới biết, là bố lại quay trở lại chiến trường…Nơi ấy ông gặp lại
bác sĩ đàn em Nguyễn Văn Thủ - Trưởng ban Y tế trung ương cục. Ông Thủ
cũng từng ra bắc năm 1954, giữ chức Chủ tịch hội Chữ Thập Đỏ, nhưng rồi
tổ chức cho quay lại miền Nam bằng “đoàn tàu không số” năm 1964. Ông Bảy
Thủ thay mặt Miền giao nhiệm vụ cho Chín Nghiệp và Sáu Tấn “mở lớp đào
tạo cán bộ y tế có trình độ bác sĩ” (Sáu Tấn từng làm Giám đốc bệnh viện
Saint Paul Hà Nội). Từ cuối 1966 ông Nghiệp làm Hiệu trưởng Trường cán
bộ y tế trung cao, với các đồng nghiệp Huỳnh Văn Lai, Nguyễn Thị Trúc,
Trịnh Bình…Hai khóa đào tạo được gần 100 bác sĩ có tay nghề thực tiễn
cao, lập tức được đưa ra chiến trường Mậu Thân…
“…Vào một ngày hè nóng bức, một nhóm anh chị em trí thức miền Nam có,
miền Bắc có, họp nhau tại thủ đô, trên gác của một căn nhà ở phố Hàng
Ngang, bàn bạc thảo luận và khai sinh ra Đảng Xã Hội Việt Nam…”. Vốn ưa
viết lách, chính bác sĩ Nghiệp từng viết báo nói về sự kiện lịch sử này.
Và thật thú vị (nhưng không đáng ngạc nhiên) là 2/9/1966 dưới tán cây
rừng, nơi máy bay địch vẫn ầm ào quần thảo, ông lại được tuyên thệ để
tham gia vào Đảng Lao Động Việt Nam. Tham dự buổi kết nạp là rất nhiều
đồng nghiệp, rồi các học trò của ông vốn đã từ lâu là đảng viên rồi –
ông Nghiệp vô cùng xúc động buổi lễ thật trang nghiêm và ông đã tự nghĩ,
tự đọc lời thề của mình, bởi từ lâu trong thâm tâm ông đã coi mình là
người cộng sản…20 năm Đảng Xã Hội rồi đấy, đảng của những người trí thức
yêu nước! Ông nhớ lắm chứ những buổi sinh hoạt Đảng Xã hội ở Câu lạc bộ
Đoàn Kết gần Nhà hát Lớn, hay 53 Nguyễn Du, nơi hiếm hoi khi ấy ở miền
Bắc còn có bàn bi a dành cho các vị trí thức giao lưu. Đảng là tập hợp
các vị trí thức đã hiến nhiều kế sách cho đất nước, riêng về nghề y của
ông cũng có thể kể tới: định hướng: như y tế là “phòng bệnh hơn chữa
bệnh” với các vấn đề nước sạch (chống mắt toét), hố xí 2 ngăn (giảm tỷ
lệ giun sán), không bón phân Bắc mà phải ủ cho hoai (dùng sức nóng của
quá trình ủ phân diệt các trứng ký sinh trùng …). Ông Nghiệp cùng các
đảng viên dùng uy tín trí thức Tây học để giảng giải, viết sách báo khoa
học, góp phần nâng cao dân trí đủ các ngành nghề. Ông từng đóng góp bài
vở, kiến thức cho tờ tạp chí Tổ Quốc của MTTQ trong công cuộc đấu tranh
thống nhất đất nước theo các lĩnh vực chuyên môn của mình. Bác sĩ Nghiệp
chuyên viết về y tế , về các đồng nghiệp miền Nam trên đất Bắc đang làm
gì …để tuyên truyền, đọc trên đài phát thanh, gửi tin về nam … cho trí
thức trong đó cùng nghe. Dù do nhiều nguyên nhân khách quan mà Đảng Xã
Hội không được phát triển lên nhưng những năm tháng ấy với ông Nghiệp
không thể nào quên!
Bất ngờ lớn nhất là người vợ Ngọc Lê đã vượt quãng đường dài, vòng qua
Campuchia để đến với chồng, bà đã trở thành một bác sĩ thực thụ và nay
sát cánh bên chồng, để lại ở Hà Nội ba cô con gái còn đang học phổ
thông. Chiến tranh là thế, đấy là quyết định khó khăn nhất của người mẹ
miền Nam…Và một lần bị bom, chính bà là người cứu chồng khỏi cơn đột quỵ
rất nguy hiểm cho tính mạng. Duyên trời định…
Bộ trưởng Y tế Phạm Ngọc Thạch vào chiến trường, ông có lẽ là người có
ảnh hưởng sâu sắc nhất tới bcs sĩ Trần Hữu Nghiệp. Khi ông Thạch mất tại
đây vì bệnh tình quá nặng, ông còn căn dặn đừng chôn đồ đạc theo mình,
hãy để lại chia cho anh em vì tất cả còn đang quá thiếu thốn – ông tặng
lại cho Chín Nghiệp chiếc đồng hồ “để mỗi lần bắt mạch cho bệnh nhân
khỏi chạy đi mượn người khác”… Và ngoài Bắc khi Trung ương cho kiểm kê
tài sản của vị bộ trưởng này thì “ngoài cái đài thu thanh của Bộ cho
mượn, tìm khắp nhà không có được cái đồ vật gì đáng giá tới một trăm
đồng...”. Đã có một thời như thế…
Sau Mậu Thân Trường Y tế có lúc được theo chiến khu chuyển sang đất Miên
cho an toàn, nơi đây ông Nghiệp cùng đồng nghiệp đào tạo ra các bác sĩ
khóa III, đồng thời làm cố vấn cho Bộ trưởng Y tế mới của Chính phủ lâm
thời miền Nam là bà Bảy Hồng (Dương Quỳnh Hoa). Rất nhiều bác sĩ lớn
tuổi đã mất đi vì bệnh tất hay bom đạn trong những năm này, nhưng họ
cũng như ông Chín Nghiệp, bà Bảy Hồng đều là những con người miền Nam vô
cùng hào sảng, kiên cường và hét lòng vì cái chung…
Tám năm ở miền Nam, xa các con kể cả sau khi Hipệ định Paris đã được ký
kết, những người lính đã được trao trả… Phải đến năm 1974 tổ chức mới
giục ông bà Nghiệp-Lê quay ra miền Bắc, khi đó con cái đã lớn, hai cô đã
đi học nước ngoài, một cô sau này cũng nối nghiệp cha mẹ thành bác sĩ
nổi tiếng. Nhớ lại ngày ra đi vào Nam, ông Lê Duẩn đã tiếp ông Nghiệp
cùng mấy anh em cán bộ cao cấp, và trả lời 3 câu hỏi của họ, rất đáng
lưu lại cho hậu thế:
-Câu 1: nếu ta đánh mạnh, Mỹ có dám dùng bom nguyên tử ném trả không?
Trả lời: không bao giờ dám, chắc chắn!
-Câu 2: nếu địch cứ tăng quân lên mãi, đến 3 triệu quân, ta chịu ao nổi?
Trả lời: Mỹ tăng nhiều nhất lên nủa triệu quân Mỹ vào miền Nam thôi. Với
nửa triệu quân Mỹ ta kham nổi, nếu đủ quyết tâm…
-Câu 3: chúng tôi về phải ở rừng, bao giờ mới trở về thành hay về cứ?
Trả lời: Mỹ xưa nay chưa tham chiến quá 4 năm ở đâu cả, nhưng lần này
rất ngoan cố, sẽ kéo dài hơn, nhưng bốn năm sẽ thay đổi. Nó không thể
cắm đầu đánh ta mãi…
Phải nói những câu trả lời của ông Duẩn năm ấy có nhãn quan chính trị
rất sắc nét!
Mất một tuần hai vợ chồng mới ra đến Bắc, rồi gặp lại các con mừng mừng
tủi tủi, nhà cũ còn đâu, mọi sự lại bắt đầu từ đầu, được phân một góc
nhà kho của Trường Y tế do chính ông Nghiệp gây dựng nên. Tất nhiên rồi
cũng có “chế độ” – sau một thời gian đi ăn dưỡng nước ngoài, về cũng
được phân căn hộ… thì tới đầu năm 1975 ông Nghiệp được Bộ trưởng Y tế Vũ
Văn Cẩn mời lên, đề nghị dẫn đầu đoàn cán bộ y tế… vào Nam (vì không ai
có nhiều kinh nghiệm bằng ông!?). Biết tổ chức rất cân nhắc, ông Nghiệp
tr nguyện vọng sẵn sàng lên đường ngay, tiền tuyến gọi mà. Nhưng rồi
quân ta tấn công thần tốc quá, chuyến đi của đoàn dừng lại, và sau đấy
đất nước đã được thống nhất. Sau đấy ông được phân công vào Sài Gòn, phụ
trách Trường Đại học Y. Lúc này ông đã 64, danh lợi không màng mặc dù
học trò của ông trả khắp trong nam ngoài bắc, nay đã nắm giữ những vị
trí lãnh đạo của ngành y tế. Ông Nghiệp vẫn cần mẫn đi các tỉnh, vẫn
giảng dạy cho sinh viên 2 môn Tâm lý học và Y đức. Là “cây đa, cây đề”
lại “cộng sản gộc” nhưng ông chẳng có chút đặc quyền đặc lợi gì, ngay
căn biệt thự của ông ở thành phố cũng do ông đổi ngang căn nhà cũ tại Mỹ
Tho của ông và người vợ cả gây dựng nên. Ông càng nghĩ nhiều về cuộc
đời, con người, nhớ về ba đứa con với người vợ đầu, đã ba mươi năm xa
cách, nay đều đã ở những phương trời xa. Sáu người con tìm lại được
nhau, thương nhau như ruột thịt và luôn tự hào là con bác sĩ Trần Hữu
Nghiệp, họ đều là những trí thức thành công, có lẽ đó là tài sản quý báu
nhất của ông.
Nhưng kẻ sĩ Trần Hữu Nghiệp không thể đứng ngoài thời cuộc, dù đã ngoại
bảy mươi. Cuộc sống vô vàn gian khổ, nước nghèo, dân nghèo, một “đốc tờ
Paris” đã từng bỏ nơi kiếm tiền như nước để theo cách mạng, đã từng là
sáng lập viên của Đảng Xã Hội, là thầy cua hàng trăm người thầy thuốc…
ông cuối đời viết nhiều, trăn trở nhiều, tự đặt nhiều câu hỏi không dễ
gì giải đáp. Một ông lão đã ngoại 70 đạp xe đạp ra chợ Cầu Muối lượm mấy
cọng rau héo chở về nuôi mấy con heo tại biệt thự quận 3, rồi bị đụng xe
ba bánh ngã gãy chân. Vốn khỏe mạnh và được các học trò tận tình cứu
chữa, ông đã vượt qua được nhưng từ đó trở đi ông Nghiệp phải làm bạn
đồng hành với cây nạng gỗ. Càng chiêm nghiệm nhiều hơn, càng viết khỏe,
đặc biệt với cuốn hồi ký “Thời gian trong mắt tôi” ông xứng đáng là cây
bút kháng chiến xuất sắc đầy uyên bác. Qua văn chương ông cân đong chính
cuộc đời mình, những lẽ hơn, lẽ thiệt và kết luận “Nếu được làm lại cuộc
đời tôi sẽ chọn con đường đã đi trước đây” – con đường của một kẻ sĩ Nam
Bộ.
Như GS Trần Hữu Dũng – người con út với bà vợ cả - đã thuật lại, rằng
ông ấn tượng nhất những buổi sáng khi về thăm cha tại Sài Gòn, khi dậy
xuống nhà đã thấy cha pha sẵn li cà phê cho con rồi ngồi đó chờ. Hai cha
con im lặng và tưởng chừng như họ hiểu nhau tuyệt đối, dường như họ chưa
bao giờ rời xa nhau gần nửa thế kỷ. Người cha chính là chiếc cầu nối
giữa quê hương và GS Trần Hữu Dũng. Độc lập và thống nhất là di sản mà
bác sĩ Trần Hữu Nghiệp đã hy sinh cả cuộc đời để dành lại cho các con và
cho chúng ta.
Đầu năm 2021 này tên ông đã được gắn cho một tuyến đường ở quận Bình
Chánh, TP HCM - lại thêm một con đường ở đây mang tên những người bác sĩ
Nam Bộ anh hùng. Hà
Nội, 22/7/2021
(Viết theo cuốn sách “Trần Hữu Nghiệp – Đời là kẻ sĩ” của tác giả Đỗ
Viết Nghiêm và lời kể của vợ chồng cô Trần Kiều Lan, con gái út của bác
sĩ Trần Hữu Nghiệp).
|