12

Tập kết ra miền Bắc

 

Quân Pháp bại trận ở Điện Biên Phủ, buộc nước Pháp phải ký Hiệp định Genève với Chính phủ Hồ Chí Minh năm 1954, chấm dứt chín năm kháng chiến chống giặc Pháp xâm lược lần thứ hai. Nhưng đất nước vẫn chưa hoàn toàn thống nhất, và tạm chia cắt hai miền lấy Vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải) làm ranh giới. Trong nội dung của hiệp định có một điều khoản rất quan trọng là hai bên thực hiện ngừng bắn tại chỗ, rút hết lực lượng các bên dưới sự giám sát của Uỷ ban hòa bình Quốc tế ra khỏi vùng đất không thuộc quyền kiểm soát của mình. Hay nói một cách cụ thể, về phía cách mạng miền Nam phải rút hết lực lượng ra miền Bắc, và ngược lại ngoài miền Bắc các tổ chức đảng phái, tôn giáo nào không chấp nhận chế độ mới của Chính phủ Hồ Chí Minh, muốn theo Ngô Đình Diệm thì cũng được phép vô miền Nam. Nhưng đối tượng bấy giờ theo Ngô Đình Diệm, đa số là người dân theo đạo Thiên chúa là chủ yếu. Nói vậy cũng có nguyên nhân vì gia đình Ngô Đình Diệm là người Công giáo, hơn nữa Ngô Đình Cẩn, Ngô Đình Thục, và chính Ngô Đình Diệm là những linh mục ngoan đạo.

 Để thực hiện sự kiện đặc biệt này, Trung ương, Bộ Y tế cấp tốc chỉ đạo cho Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ, Sở Y tế Nam Bộ, tranh thủ thời cơ vừa tổ chức nhiệm vụ đưa lực lượng đi tập kết, vừa song song chỉ thị cho các Ty Y tế củng cố tổ chức cấp tỉnh, các Khu, vẫn tiếp tục mở các lớp đào tạo cứu thương, cô đỡ, phục vụ sức khỏe nhân dân bảo đảm mục tiêu chiến lược cách mạng lâu dài bám trụ tại chỗ. Theo tinh thần đó, cứu thương Y tế xã phải biết sử dụng tủ thuốc nhân dân, sử dụng các toa căn bản để chủ động trị bệnh cho dân, cho chiến sĩ. Chỉ đạo cũng nhấn mạnh, Sở Y tế và Ty Y tế phải tiếp quản số bệnh nhân nặng, không phân biệt quân cũng như dân. Tất cả những bệnh nhân mà địch trao trả, bằng mọi cách chuyển hết ra miền Bắc để có điều kiện điều trị, an dưỡng và học tập. Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp vẫn nhớ có trường hợp đồng chí Phạm Hồng Sơn, anh là tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 307, bị thương cột sống rất nặng không thể tự đi được, nhưng người Pháp từ chối không vận chuyển. Trước tình hình đó, chúng ta tổ chức một bộ phận cán bộ kéo lên Ủy ban giám sát quốc tế đấu tranh quyết liệt, và yêu cầu họ phải dùng máy bay đưa đồng chí Phạm Hồng Sơn và nhiều bệnh nhân nặng khác cùng đi thành công tốt đẹp. Những ngày đó biết bao nhiêu công việc dồn dập, lại phải tính toán lực lượng sao cho hợp lý ai đi, ai ở, ai đi trước, ai đi sau, cũng là chuyện khó khăn không nhỏ.

Nhớ một chiều Cà Mau an tĩnh, vừa giảng xong bài lớp cứu thương từ ấp 5 kinh 9 trở về, bất ngờ nhìn thấy bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng giám đốc Sở Y tế Miền đang bước nhanh về phía căn nhà lá nơi gia đình Trần Hữu Nghiêp ở. Từ khoảng cách còn rất xa, nhưng ông đã nói:

-         Chín Nghiệp, tôi biết hoàn cảnh ông, các cháu còn nhỏ, ưu tiên đi tập kết đợt đầu nhé.

Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp sửng sốt, vừa bất ngờ vừa cảm động trước tấm lòng chân thành của bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, nhưng thật tâm cũng không khỏi phân vân, nên đáp:

-         Tôi cảm ơn anh Ba. Công việc còn nhiều lắm, nếu tôi đi làm sao người ở lại làm được hết?

Nghe vậy, Nguyễn Văn Hưởng bỗng cười vang, rồi vỗ vai Trần Hữu Nghiệp nói:

-         Chín đừng lo, lãnh đạo Miền tính toán hết rồi.

Bản tính Trần Hữu Nghiệp luôn nghĩ về người khác, nếu như mình được phần ưu tiên trước.

-         Ở sở ta, có nhiều người muốn được đi lắm đó… anh Ba.

Bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng không lạ gì tính Trần Hữu Nghiệp, kiểu “mật ít ruồi nhiều”, thiếu công bằng là phức tạp, nên nói tiếp:

-         Chín đừng lo, việc hoàn thành mấy lớp cứu thương, hộ sanh tôi đã giao cho người khác thay rồi. Việc sắp sếp ai đi, ai ở căn cứ vào tình hình chung. An tâm nhé.

Đến thế thì chấp nhận, nhưng Trần Hữu Nghiệp vẫn nói:

-         Vậy xin anh, cho vợ con tôi đi trước.

Nguyễn Văn Hưởng nhìn Chín Nghiệp cười thoải mái, rồi đáp:

-         Chín nghĩ đơn giản quá, một mình bà Lê làm sao quản hết được lũ nhỏ, hơn nữa có phải ông đi mà không làm việc đâu. Mình nói cho Chín biết này, chính anh Tư Thạch, Bộ trưởng ngoài đó điện vào chỉ đích danh phân công Chín làm đoàn trưởng một đoàn “đặc biệt” ra Bắc đó. Rõ chưa?

Ba Hưởng nói xong, dừng giây lát lại tủm tỉm cười, rồi nói:

-         Còn gì nữa không?

Cái đoàn “đặc biệt” ấy, té ra là mấy chục bà bầu, vài chục thương binh, bệnh binh, những cán bộ bị tù đày vừa được địch trao trả, tất cả tổ chức thành một đoàn giao cho bác sĩ Trần Hữu Nghiệp làm đoàn trưởng. Biết như thế, nên Trần Hữu Nghiệp cũng không cò cưa với giám đốc bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng nữa.

*

Tháng chạp năm 1954 từ miền Tây Nam Bộ, cán bộ, chiến sĩ lực lượng võ trang và những người bên cơ quan dân chính đảng các địa phương lần lượt được tổ chức ra đi tập kết. Theo kế hoạch, mọi người đi từ nhiều điểm trong đất liền ra tới ngoài khơi, gặp nhau trên tàu Liên Xô hoặc tàu Ba Lan theo bố trí của tổ chức đang thả neo chờ sẵn ở biển Vũng Tàu.

Đoàn do bác sĩ Trần Hữu Nghiệp phụ trách, thỏa thuận được với Pháp yêu cầu một số nhỏ, rất nhỏ, gồm anh chị em đang mang bệnh hoặc người có thai gần ngày tháng sanh, được chở tới Vũng Tàu theo đường trong nội địa mà không phải đi trên biển, để tránh say sóng đang mùa gió thổi già.

Không khí ra đi tập kết rất tưng bừng, nhưng cũng dạt dào cảnh tiễn đưa lưu luyến giữa người đi người ở, hẹn nhau sau hai năm tổng tuyển cử trở về. Hai vợ chồng bác sĩ Trần Hữu Nghiệp và ba con nhỏ Trần Kiều Dung năm tuổi, Trần Kiều Miên ba tuổi và Trần Kiều Lan mới hai tuổi cũng được bố trí đi trong đợt này. Cái đoàn “đặc biệt” có hai tá bà bầu và nhiều chị em từng vào tù ra khám hễ sóng gió trở trời là lên cơn kinh giật, đau đớn thân thể không lường trước chuyện gì xảy ra.

Chín năm cuộc kháng chiến chống Pháp, lội sình, bận đồ bà ba, cổ quấn khăn rằn, chân đi dép râu, ngủ võng, lần đầu tiên bác sĩ Trần Hữu Nghiệp mặc đồ “đại cán” Tôn Trung Sơn, chân mang giày da và nói tiếng Tây thả cửa với bọn sĩ quan Pháp đi phục vụ trên tàu. Theo thỏa thuận trước, tàu Pháp đến đón đoàn bác sĩ Trần Hữu Nghiệp trên sông cái Lớn, rồi theo kinh Xà No hướng ra sông Hậu đi Tam Bình. Tàu chạy đến chập tối khi mặt trời vừa lặn, ánh sáng chạng vạng giữa ngày và đêm mù mờ, thì bất ngờ ình ịch chân vịt sục nước như nấc nghẹn rồi ngừng chạy, áp bờ vào kinh Mang Thít bỏ neo. Lúc này bác sĩ Trần Hữu Nghiệp đang đứng trên boong, nhìn lên phía trước có cây cầu sắt bắc ngang nối liền Vĩnh Long với tỉnh Trà Vinh, trên đường quốc lộ liên tỉnh. Thấy tàu đang đi bỗng nhiên dừng, nên một người nào đó từ phía sau hỏi vọng lên: “Sao tàu không chạy?”. Một người khác từ phía mũi đáp xuống: “chạm cầu không qua được!”. Tiếng lao xao qua lại làm một số anh em ta bên quân sự, thật chất họ là những cán bộ chiến sĩ bên ban cán sự Đảng cử đi theo giúp đoàn, họ đề nghị bác sĩ Trần Hữu Nghiệp đến gặp viên sĩ quan thuyền trưởng Pháp dò hỏi. Trần Hữu Nghiệp thấy phải, hơn nữa cũng cần phải biết vì sao như vậy. Rồi khi gặp tên người Pháp, hỏi:

-         Tại sao tàu đang chạy lại ngừng?

Viên sĩ quan Pháp khẽ nhún vai, đưa tay chỉ dòng nước triều đang lên chảy vào, rồi lại quay sang chỉ cây cột tàu, hắn đáp:

-         Cột tàu cao hơn mặt cầu, không qua được! 

Nghe tên thuyền trưởng nói, xem ra nó đúng. Mà thực tế chính mắt Trần Hữu Nghiệp trông thấy, phải chờ nước ròng theo con nước xuôi về hướng chợ Gạo. Quay trở về đi xuống dưới tàu, nơi anh em mình đang ngồi chờ ở đấy, rồi nói rõ lí do cho mọi người cùng nghe. Thế nhưng, vẫn có một vài đồng chí tiếp tục đề nghị yêu cầu Trần Hữu Nghiệp quay lên, đấu tranh với chúng đòi đi cho bằng được. Thấy tình hình hơi căng, nhưng Trần Hữu Nghiệp vẫn nhẹ nhàng đáp:

-         Nhưng đi bằng cách nào, khi cột tàu cao hơn mặt cầu?

Dù vậy, vẫn không có kết quả làm “hạ hỏa” những cái đầu phi thực tế đó, họ nói trưởng đoàn nên viết một bức điện gởi cho Ủy Ban quốc tế giám sát đình chiến của ta can thiệp. Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp đáp:

-         Viết thì dễ, nhưng chúng ta gởi điện bằng cách nào?

Một đồng chí trong đoàn, đáp:

-         Đưa cho tên thuyền trưởng, bảo nó đánh giùm!

Bây giờ thì Trần Hữu Nghiệp sực nhớ, trước lúc ra đi cấp trên cũng có nhắc dù sao cũng luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, đề phòng địch phá hoại Hiệp định Genève. Nhưng cảnh giác không có nghĩa là phi thực tế, và Trần Hữu Nghiệp nói với anh em:

-         Nhưng đấu tranh sao cho hợp lý! Trường hợp này lý của ta không vững lại nhờ địch đánh điện, khi nó giải thích thì chỉ có bất lợi cho mình mà thôi! Vậy hãy chờ khi nước xuống, cột tàu thấp hơn mặt cầu sắt đến lúc đó nếu nó không đi ta sẽ phản đối cũng không muộn.

Lý của bác sĩ Trần Hữu Nghiệp đã thuyết phục được số anh em bệnh còn lại dưới tàu ủng hộ, những người khỏe bấy giờ cũng lên hết trên mặt boong từ trước. Trên bờ bất ngờ từ trong một căn nhà ẩn mình trong lùm cây xanh, vang lên tiếng hát cải lương nghe mượt mà cuốn hút. Bên ngoài sân dưới ánh đèn dầu vàng đục, nhìn thấy một chiếc bàn làm bằng những thân cây ghép, bên cạnh là chiếc máy hát quay tay, một người đàn ông ngồi ở đấy đang phì phèo thuốc rê. Cách đấy chỉ vài bước chân có khá nhiều đàn bà, con gái và trẻ nít, vẻ mặt tươi vui, ánh mắt nhìn ra con tàu đang đậu. 

Đêm Mang Thít, hòa vào khung cảnh đầy ắp những nỗi niềm quê hương sắp phải chia tay tạm biệt. Những tuồng tích quen thuộc nối tiếp nhau loang theo gió bay tràn trên mặt nước, trên boong tàu dưới ánh trăng bầu trời lóng lánh sao mà lưu luyến đến lạ. Sâu vào bên trong bờ kinh một chút, bóng những ngọn dừa, ngọn chuối, đung đưa phe phẩy như hàng trăm ngọn cờ bay phấp phới như muốn nói: “Chào nhé, hẹn gặp lại”. Người dưới tàu lên boong mỗi lúc một đông hơn, họ như mê hoặc nghe quen thuộc với giọng ca cô Tư Rạng với bài “Tứ đại oán”. Cô Năm Phỉ trong tuồng “xử án Bàng Qúi Phi”. Rồi bài sàng xê trong “Xử bá đao từ Thọ”, giọng lâm ly của Lý Đáng và Phụng Kiều. Hình như chủ nhân của chiếc máy hát đó, họ biết trên tàu là khách sắp phải đi xa? Nên đêm ca nhạc cứ kéo dài liên tục hết băng này thay băng khác, có những bài thay đi thay lại tới hai ba lần, nhưng người nghe trên tàu vẫn không biết chán. Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp cũng mê cải lương và tuồng cổ, mấy đứa trẻ Kiều Dung, Kiều Miên, Kiều Lan, nghe được mấy bài xem ra với chúng không thích lắm, được bà Nguyễn Thị Lê đưa xuống tàu nằm ngủ. Đêm càng khuya trăng càng sáng, bầu trời lấp lánh những vì sao, gió cũng lặng và mặt nước nhìn như một dải lụa màu lam sẫm, càng thấm sâu từng lời ca tiếng hát đêm trời Mang Thít. Trên mặt boong tàu viên thuyền trưởng người Pháp đã ngủ từ lâu và chỉ để lại vài ba tên lính gác, nhưng súng khoác trên vai vẻ hiền lành với những bước đi chậm rãi, đôi khi lấy làm ngạc nhiên tự hỏi, “vì sao những tiếng hát nghe dài lê thê kia lại làm say đắm đám người Việt suốt đêm không ngủ?”. Và có lúc một tên người Pháp đến gần bác sĩ Trần Hữu Nghiệp hình như hắn muốn hỏi suy nghĩ ấy, nhưng rồi lại thôi. Gã nhìn Trần Hữu Nghiệp khẽ nhún vai mỉm cười, rồi quay sang hướng ánh mắt nhìn lên trên bờ kinh nơi nhập nhòa trong bóng tối, có chiếc máy hát vẫn đang ca giọng lưu ly mùi mẫn.

*

Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, bao nhiêu lần chứng kiến những cuộc phân ly của bạn bè, đồng chí. Bao nhiêu lần chính mình ra Bắc vào Nam, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp vẫn nhớ mãi cái đêm bên bờ kinh Mang Thít: “dưới ánh đèn điện của boong tàu, tôi nhìn các chị em ngồi yên lắng nghe, có người để cho dòng nước mắt rơi xuống hòa theo nước sông trôi đi. Có lẽ những người trong đó cũng như tôi, muốn được ném trở lại trên bờ kinh xanh và ở lại quê cha đất mẹ, đinh ninh rằng cuộc ra đi này chỉ tạm thời và chúng tôi sẽ trở lại vài năm sau, khi có tổng tuyển cử theo như qui định trong thỏa hiệp Genève”. Nhưng không, mà đúng là không! Chẳng có cuộc tổng tuyển cử nào sau hai năm (1956). Rồi người ta cũng biết, kẻ giật dây không ai khác chính là người Mỹ thầm lặng theo dõi sự thảm bại của người Pháp, và dựng Ngô Đình Diệm lên làm tổng thống. Cuộc chia ly năm đó trên bờ kinh Mang Thít, phải kéo dài thêm 20 năm sau mới thống nhất đất nước.

Khoảng nửa đêm sang gần sáng, nước bắt đầu ròng, cây cột tàu đã thấp hơn sàn cây cầu sắt, con tàu mới bắt đầu chạy tiếp. Bảy giờ sáng hôm sau tàu đến Tam Bình, rồi chuyển sang phương tiện khác đưa đội quân đặc biệt do bác sĩ Trần Hữu Nghiệp làm đoàn trưởng đi tới Vũng Tàu, để ra tàu Ba Lan đậu ngoài khơi tiếp tục cuộc hành trình ra miền Bắc.

Bốn ngày sau, tàu Ba Lan đến biển Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, rồi đoàn được Trung ương cùng nhân dân địa phương đón tiếp tưng bừng như ngày hội, tiếp theo được chuyển tiếp về nơi ở chính thức trong vùng tập kết tại đất xứ Thanh. Nhưng riêng gia đình bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, gia đình nhà Bác học - Bác sĩ nông học Lương Đình Của, bất ngờ có một chiếc xe từ Hà Nội vào, đi kèm là một cán bộ Chính phủ thông báo cho biết, anh ta vào đón là làm theo lệnh của cụ Hồ và Trung ương.

Trong ký ức của người con trai lớn nhà Bác học Lương Đình Của, cũng có nói về chuyến đi này, nhưng rất tiếc tư liệu không mấy chi tiết, vì ngày ấy anh cũng giống như những người con bác sĩ Trần Hữu Nghiệp còn khá nhỏ. Song chắc chắn, những người như bác sĩ Trần Hữu Nghiệp và nhà Bác học- Nông học nổi tiếng Lương Đình Của cùng đi trên một chuyến tàu từ Nam ra Bắc họ đã gặp nhau, rồi có những cuộc trò truyện thú vị thâu đêm để đốt thời gian dài lênh đênh trên biển, hay những câu chuyện về thời cuộc mà cả hai cùng quan tâm. Ngày nay ta có thể tin điều đó xảy ra, vì họ là những trí thức lớn của cách mạng Việt Nam, được Chủ tịch Hồ Chí Minh tín nhiệm và trân trọng.

 

  Mục Lục