13

Tháp tùng Bác Tôn Đức Thắng sang đất trời Âu

 

Trong ký ức của bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, không chi tiết nhiều khi gia đình giai đoạn đầu tập kết ra sống trên đất miền Bắc, có thể bởi riêng ông từng có ít nhất hai lần ở tại đây. Đó là lần đầu tiên năm 1931, Trần Hữu Nghiệp ra Bắc học tại Trường Y khoa Đông Dương. Lần thứ hai năm 1946, ông cùng nhiều đồng chí của mình vượt biển từ Nam Bộ ra Hà Nội, được gặp Bác Hồ và Trung ương Đảng. Nhưng với vợ con bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, chắc chắn ai cũng cảm giác thật mới mẻ, sung sướng, tự do và thanh bình. Thanh bình, tự do cả trên bầu trời đẹp như màu xanh cây lá, không còn cảnh thường xuyên phải chạy địch càn di chuyển chỗ ở. Cũng không còn nỗi sợ hãi máy bay, tàu chiến, phi pháo địch bắn đùng đoàng ngày đêm, trong đó nhất là lũ trẻ Trần Kiều Dung, Trần Kiều Miên và Trần Kiều Lan đều nhận ra điều ấy. Về thiên nhiên cũng dễ nhận biết, sự khác biệt là khí hậu miền Bắc khác nhiều so với trong Nam là cái rét, tập quán sinh hoạt văn hóa có đôi chút ban đầu ngỡ ngàng, vui vui và thú vị.

Ở miền Bắc sau khi ổn định chỗ ở cho gia đình xong, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp được Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch (thời gian này ông thôi làm Bộ trưởng. Năm 1958, Phạm Ngọc Thạch mới trở lại làm Bộ trưởng cho tới khi mất tại chiến trường Nam Bộ năm 1968) bất ngờ mời lên giao nhiệm vụ làm Trưởng ban huấn luyện Bộ Y tế, kiêm Ủy viên Ban biên tập Tạp chí Y học thực hành. Thế nhưng, ít lâu sau lại thêm một bất ngờ nữa tham gia vào đoàn “đội viên đội cải cách ruộng đất”. Một người như bác sĩ Trần Hữu Nghiệp chỉ biết chuyên môn, chưa bao giờ tham gia vào chính trị, mà chính trị nó giống như trò chơi “xa xỉ” lại được chỉ định làm Cán bộ cải cách ruộng đất? Nhưng sau mới biết, đấy là công việc “cực chẳng đã” mà thôi. Số là từ năm 1954, Chính phủ thực hiện chính sách cải cách ruộng đất, mục tiêu tịch thu ruộng đất của người giàu chia cho dân  nghèo với khẩu hiệu “người cày có ruộng”. Chính sách lớn, trong lúc lực lượng cán bộ có đủ tri thức, tài năng thuyết phục lại thiếu trầm trọng, nên người như bác sĩ Trần Hữu Nghiệp tham gia cũng là một trải nghiệm tốt.

Sinh ra lớn lên ở đồng bằng sông Cửu Long vừa tập kết ra Bắc, đụng ngay cái rét như cắt da cắt thịt, phải dũng cảm lắm bác sĩ Trần Hữu Nghiệp mới đủ can đảm tung chiếc chăn, chui ra từ trong ổ rơm khi nghe tiếng gà gáy trời đã sáng. Lấy tay dụi dụi đôi mắt còn đang ngái ngủ, nhìn trời hừng đông vội vàng không dám rửa mặt sợ nước lạnh buốt thấu xương, rồi ngồi vào mâm cơm gạo thô khô khốc. Có bữa không đủ gạo phải độn thêm khoai, thêm mì, bụng đói nhưng phải cố nuốt nếu không muốn gục ngã trên đồng, hay bị nhồi cho cái bệnh đồ “tiểu tư sản”. Cơm ăn với rau muống luộc, lá khoai lang, rau bí già vẫn còn hên. Ăn cơm xong uống vội bát nước lá vối, loại lá cây này thanh nhiệt rất tốt, rồi vội vã theo bà con nông dân ra đồng làm tới xế chiều mới về nhà. Công việc của bác sĩ của Trần Hữu Nghiệp, nói theo cách lãnh đạo là đi “thực tế” là để “xâu chuỗi luồn kim, bắt rễ” nghe nông dân kể khổ, rồi phát động tư tưởng cho họ tìm ra một “tên địa chủ”, hay giả định nào đó đưa ra đấu tố. Đi làm cải cách yêu cầu cán bộ cũng phải có lập trường, nhiệm vụ này tưởng dễ, nhưng té ra không dễ, nên sống phải hòa đồng vào quần chúng, với nông dân gây cảm tình may ra mới chộp được “bài tủ”. Nhưng một trí thức như bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, kiểu “cộng kham cộng khổ” đó còn khó khăn hơn leo núi, rồi liều mạng nghĩ ra một chiêu “xé rào” chịu vi phạm nội qui của đội. Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp nhớ lại, “tôi lận lưng theo một gói đường tán, mỗi khi đi làm đồng với nông dân, để đối phó với bệnh học - cơn hạ đường huyết thường xảy ra vào lúc ban trưa, mà có một nhà thơ cổ gọi là - lửa đốt ruột, dao hàn cắt da”. Tất nhiên vì lý do chính trị mà bác sĩ Trần Hữu Nghiệp phải tìm cách nuốt vụng, khi giả bộ đi tiêu hay ngồi nghỉ xả hơi trong bụi cây làm bộ ghi ký chú. Thật may, chuyện bắt đầu thay đổi. Khi số đường tán để dưới đáy ba lô gần cạn, lúc còn đang hoang mang thì bất ngờ có “sứ giả” từ trên Hà Nội xuống, mang theo công văn gởi đội cải cách xin Trần Hữu Nghiệp về, nội dung do công tác đột xuất của Bộ Y tế.

Về Hà Nội sáng sớm vừa ngủ dậy, nghe tiếng gõ cửa “cọc, cọc...” cũng thấy lạ, vì nhà lâu nay ít khi thấy ai đến gọi sớm như thế. Trần Hữu Nghiệp vội vã bước ra mở cửa, thật bất ngờ đứng trước cửa là Phạm Ngọc Thạch. Bạn bè quen biết, không kiểu cách, rồi nói:

-         Ủa anh Tư.

Phạm Ngọc Thạch cười rổn rảng, khen:

-         Trông mày săn chắc hơn rồi đó.

Biết Phạm Ngọc Thạch đùa, nên Trần Hữu Nghiệp đáp lại:

-         Nhờ anh cả đó.

-         Đi cho biết, Chính phủ đang cần tao mới để mày đi làm nông dân tí chút, không lẽ cứ làm tên trí thức tư sản mãi à? Thôi đùa vui tí, mặc đồ vào đi ăn sáng với tao, rồi ta nói chuyện tiếp.

Bữa sáng đó, Phạm Ngọc Thạch lái xe đưa bác sĩ Trần Hữu Nghiệp vào ăn phở ở phố Quán Sứ, chọn một cái bàn đặt sâu bên trong ít người qua lại, tranh thủ thời gian vừa ăn, vừa nói chuyện. Tư Thạch nói:

-         Lát nữa mày đến văn phòng Bộ, tao dặn anh em đưa giấy giới thiệu đi may đo quần áo, đóng giày mới nghen.

 Trần Hữu Nghiệp, tay đang cầm chiếc muỗng đầy nước phở suýt làm rơi xuống bàn, vì tin bất ngờ quá, rồi hỏi Tư Thạch:

-         Tôi phải đi đâu à?

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thạch bỏ đôi đũa xuống, rồi nhoài người qua phía Trần Hữu Nghiệp mỉm cười, nói nhỏ:

-         Tao sẽ gặp mày ở Văn phòng Bộ, nhưng nói gọn thế này để mày chuẩn bị trước. Chủ tịch Quốc Hội Tôn Đức Thắng, được Trung ương cử đi sang chúc thọ Chủ tịch Vim Hem Pick tròn 80 tuổi, xong Cụ về Liên - Xô lãnh giải thưởng hòa bình Quốc tế Lênin tại Moskva.

Đúng là một tin hấp dẫn, giây phút đó bác sĩ Trần Hữu Nghiệp muốn reo lên. Đã 16 năm, Trần Hữu Nghiệp chưa trở lại Châu Âu kể từ khi tốt nghiệp đốc tờ tại Paris nước Pháp, rồi về nước hành nghề và lần này có cơ hội để xem Châu Âu sau chiến tranh thế chiến II có gì thay đổi. Vui thật, sướng thật, nhưng vẫn phải nói với Phạm Ngọc Thạch:

-         Anh Tư, nhưng tôi chưa phải Đảng viên? Cũng chẳng phải bác sĩ riêng được phân công theo dõi sức khỏe Bác Tôn. Làm vậy, các anh chị em khác họ có thắc mắc không anh Tư?

Thật ra Trần Hữu Nghiệp nói cũng phải, lại có lý nữa, nhưng không ngờ bị Phạm Ngọc Thạch trợn mắt nhìn đầy tức giận, rồi nói:

-         Đừng có giở trò chín hấu mại hơi! Quen nhau lâu trước ngày đi kháng chiến, tao biết rõ tẩy của tụi mày. Nếu để tao quyết định thì mày còn đi cải cách mút mùa, mới rủ sạch được cái nợ cuộc sống quá sung sướng trước cách mạng tháng tám. Nhưng tao phải thi hành lệnh của Cụ Hồ, theo đề nghị cụ thể của Bác Tôn. Bác sĩ theo dõi sức khỏe của hai cụ chính là tao! Nói cho mày biết, Bác Tôn chẳng có bệnh tật gì cả, còn rất khỏe. Cử mày đi theo Bác, tức là cử mày đi du hí ăn hút. Nhiệm vụ Bộ giao chỉ có hai việc: Tránh nhiễm lạnh và can Cụ nhậu ít ít thôi. Rõ chưa cha nội.

Trời đất, Tư Thạch mày tao nói hết ruột gan của mình với Chín Nghiệp. Tuy lệnh đi là của Cụ Hồ và Bác Tôn, nhưng vai trò của của Thứ trưởng Bộ Y tế bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đâu có nhỏ. Nói xong liếc nhìn đồng hồ, Phạm Ngọc Thạch đứng bật dậy rồi trước khi đi sang Bệnh viện A làm việc, còn nói thêm một câu giọng như ra lệnh :

-         Rõ chưa cha nội?

-         Thưa anh, tôi rõ!

Thế nhưng đáp lời Phạm Ngọc Thạch xong, rồi bỗng nhớ lại chuyện cũ ngày ở Mỹ Tho cách đây mười năm, khi Trần Hữu Nghiệp còn mở phòng mạch tư. Cuối tháng 8 năm 1945, khi Sài Gòn quân Pháp đã tràn ngập và cuộc kháng chiến chống Pháp quyết liệt rồi, nhưng tỉnh Mỹ Tho quân Pháp vẫn chưa tới, cuộc sống bên bờ sông Tiền vẫn thanh Bình, tin ta thắng trận sôi nổi địch thua chạy tan tác. Phía Nam Sài Gòn có “đệ tam sư đoàn” oai hùng của Nguyễn Hòa Hiệp trấn giữ, chưa kể một sư đoàn có tin đồn ta dàn sẵn ở Bến Lức – Gò Đen, làm cho giặc Pháp không dám kéo xuống. Nào ai ngờ, về sau bọn giặc Pháp đánh úp theo đường sông Tiền lên hôm đó Trần Hữu Nghiệp chạy bán chết, may là nhà làm nghề thầy thuốc nên chúng chưa làm gì. Rồi một bữa sáng, bỗng thấy anh Ba Tiếp (Nguyễn Văn Tiếp) Chủ tịch tỉnh Mỹ Tho, vội vã đến gặp bác sĩ Trần Hữu Nghiệp nói: “có anh Hai Thắng (Tôn Đức Thắng) là bạn thân của tôi về đây, nhà anh rộng cho tôi gởi ở đậu ít bữa và xem luôn anh Hai Thắng có bệnh gì không chữa luôn giùm?”, Ba Tiếp nói xong rồi đi. Đón Hai Thắng vào nhà, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp dành cho Bác Tôn một buồng riêng. Những ngày ở nhà Trần Hữu Nghiệp công việc của Bác Tôn rất bận rộn, sáng dậy sớm sau ăn điểm tâm là đi đâu đó, chiều tối mới về ăn cơm rồi đi ngủ. Theo lời dặn của Ba Tiếp, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp cũng khám sức khỏe cho Bác Tôn, nhưng không thấy có vấn đề gì nghiêm trọng, chỉ tranh thủ thời gian ở nhà mình chích cho Bác Tôn mấy ống Campolon thuốc bổ, loại thuốc thời ấy rất hiếm. Tuy vậy, cũng có khoảng thời gian để Bác Tôn và Trần Hữu Nghiệp ngồi lai rai vài chai la – ve với khô mực, hay nem chua trước khi cầm đũa vào bữa cơm chính. Bác Tôn ở nhờ tại nhà bác sĩ Trần Hữu Nghiệp độ một tuần, một bữa có người đến đón Bác Tôn đi luôn cho tới ngày hôm nay.

Chuyện đã qua hơn 10 năm, Bác Tôn hoạt động ở Nam Bộ một thời gian sau đó ra miền Bắc làm việc bên cạnh Bác Hồ, rồi giữ tới chức Chủ tịch Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Công lao của Bác Tôn được nhà nước, Quốc tế công nhận và trao giải thưởng vì Hòa bình.

Tính ra thời gian bác sĩ Trần Hữu Nghiệp từ Nam Bộ ra lại miền Bắc chưa được một năm, không ngờ Bác Tôn vẫn nhớ nên đề nghị cho đi “rong chơi” cùng một chuyến, sao nói không phấn khích và vui mừng chớ? Có thể nói, với bác sĩ Trần Hữu Nghiệp là tin ngoài mong đợi. 

*

Thời ấy đi Tây chủ yếu theo đường xe lửa tới Bắc Kinh trước. Chuyến đi của Bác Tôn, dù là một chính khách lớn cũng không ngoại lệ. Công tác tổ chức đều có lịch trình rất sớm, vé tàu cho Bác Tôn được bố trí trong một ca bin mà đáng lẽ dành cho bốn người nằm hai tầng. Đoàn đi tháp tùng phục vụ có hai phiên dịch, một anh chàng nói tiếng Đức là lính lê dương đào binh sang hàng đội ngũ ta từ năm 1946, hiện có vợ Việt Nam. Một phiên dịch khác nói tiếng Nga. Một thư ký riêng của Chủ tịch Quốc hội Tôn Đức Thắng, và người theo dõi sức khỏe là bác sĩ Trần Hữu Nghiệp. Thật bất ngờ khi tàu xuất phát từ ga Hà Nội, Bác Tôn gọi bác sĩ Trần Hữu Nghiệp sang ca bin dành riêng cho Bác, rồi bảo: “nằm chung cho vui”. Là người Nam Bộ cả hai hợp gu, dễ trò chuyện để quên đi đoạn đường dài. Đúng vậy, cả hai vui buồn nhắc lại trong giai đoạn hồi kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ, có khi quay sang nói chuyện tiếu lâm, Tam quốc Đông Chu và cả tiểu thuyết Hồ Bửu Chánh theo trí nhớ của từng người.

Sang tới Bắc Kinh vào buổi sáng ngày thứ hai, và ở lại đây mấy ngày vì Bác Tôn là khách của thị trưởng Bành Chân, kiêm Phó Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc. Ở đây chủ nhà bố trí cho đoàn tại khách sạn Quốc tế gần Thiên An Môn, và dành riêng cho Bác Tôn tới ba buồng lớn, gồm cả phòng khách và phòng làm việc. Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp nói vui, mình là kẻ “ăn theo” sát nhất. Với tư cách là bác sĩ riêng, nên ra vào phòng Bác Tôn thoải mái và được xếp riêng một buồng cũng có kẹo, nho, thuốc hút, trà Thiết Quan Âm, khoái gì xài nấy. Cảnh mới tiện nghi sang trọng mà chợt nhớ chuyện xưa bên Tàu thời Tam Quốc, khi Quan Công phò nhị tẩu sang Hứa Đô, Tào Tháo muốn mua chuộc nên xử sự cực kỳ lịch sự. “Năm ngày bày yến, ba bữa đải tiểu diên”, liên hệ Trần Hữu Nghiệp nói “Tôi phò Bác Tôn còn sướng hơn Vân Trường nhiều”. Để chứng minh, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp cho biết, ngoài yến tiệc linh đình, thời xưa “ông” phải cỡi ngựa Xích Thố đi trong phố, còn mình ngồi xe hơi Mercedès êm như ru, xem kinh kịch, Việt kịch và nghệ sĩ kinh kịch Mai Lan Phương biểu diễn. Chưa hết, cũng có lần chủ mời đoàn đi dự tiệc trưa trên Vạn Lý Trường Thành mà thời Quan Công cũng đã có, nhưng “Ông” chưa hề được đến xem bao giờ.

Làm khách của Bành Chân được một tuần, đoàn lên đường đi Liên – Xô vẫn bằng tàu lửa, nhưng phải đổi tàu chạy trên đường ray hẹp từ mét hai sang đường ray một mét tư. Trần Hữu Nghiệp không thể quên một chi tiết nhỏ nào, niềm vui sướng tràn ngập của mọi người khi tàu vượt qua thị trấn Mãn Châu Lý của Trung Quốc, trước mắt nhìn thấy một chiếc băng rôn lớn viết bằng chữ Nga: “Liên bang Cộng hòa Xô Viết kính chào và chúc sức khỏe các bạn”. Hồi hộp, sung sướng quá vì lần đầu bác sĩ Trần Hữu Nghiệp đi trên đất nước của Lênin. Trần Hữu Nghiệp nói vậy! Một tuần dài ngồi trên tàu lòng đầy háo hức, hết ăn lại nằm, nhìn ra bên ngoài cửa sổ tuyết phủ trùng trùng, rừng bạt ngàn điệp điệp cây Bạch Dương cao vút, nhưng trụi lá bởi mùa đông tuyết phủ. Đường thì dài và hàng trăm                cây số mới có một nhà ga nên hành khách đi tàu rất ngại xuống. Ngoài trời giá lạnh nhiệt độ tới hai mươi độ âm, ai muốn đi phải chuẩn bị áo rét, mũ trùm đầu, còn trong tàu nhiệt độ vẫn duy trì độ ấm ở hai mươi độ dương. Sự thay đổi nhiệt độ quá lớn trong một thời gian ngắn, rất có thể bị sốc nhiệt gây nguy hiểm cho tính mạng. Sang ngày thứ tư, khi tàu gần đến Moskva Bác Tôn gọi bác sĩ Trần Hữu Nghiệp sang buồng riêng của mình, rồi đưa vắn tắt vài ý kiến, xong Bác nói:

-         Chú dựa vào ý kiến đó, rồi viết sẵn vài bài đáp từ bằng tiếng Pháp. Mình phòng trước nhỡ có ai đón và đọc lời chào mừng. Nếu họ cần mình đưa văn bản để khỏi bị động nghen.

Qua cách suy nghĩ đó, Trần Hữu Nghiệp hiểu thêm Bác Tôn là con người rất kỹ, thận trọng, tinh tế và sắc sảo trong ngoại giao của một con người có tầm vóc lớn. Cũng qua chỉ thị trên, mà Trần Hữu Nghiệp còn hiểu thêm kiến thức tiếng Pháp của Bác Tôn rất vững, sau 17 năm nằm tù ngoài Côn Đảo. Bác Tôn đã “sửa lưng” Trần Hữu Nghiệp một tú tài Tây từng viết luận án Y khoa tiếng Pháp, ở nhiều đoạn dùng chữ không chính xác. Ví dụ, khi Trần Hữu Nghiệp viết câu “nhân dân Việt Nam yêu chuộng hòa bình” ra thành “aimant la paix”, Bác gạch bỏ chữ “aimant la” và thay vào “espris de paix”… . Thấy Trần Hữu Nghiệp có lúc mặt đỏ bừng vì “ngượng”, Bác Tôn an ủi: “Tại anh ít đọc báo chánh trị đó thôi. Ngôn ngữ chánh trị khác hơn nói chuyện”.

Tàu đến Thủ đô Moskva 10 giờ tối chủ nhật, trong chuyến này Bác Tôn đi chỉ là khách mượn đường để qua Béclin, vì vậy cũng không có cuộc đón tiếp công khai rùm beng báo chí nào cả. Trung ương Đảng Cộng sản Liên – Xô biết, nhưng chỉ xem Bác Tôn như là người trong gia đình đi xa về. Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp nói thế. Nhưng thật ra khi đoàn xuống tàu, vẫn có hai Ủy viên Trung ương ra đón tại sân ga, qua đó vẫn cảm nhận rất rõ tình cảm giản dị mà đậm đà anh em đồng chí. Không có diễn văn, không có thiếu nữ tặng hoa nào cả, mà sau khi ôm hôn Bác Tôn thắm thiết, một đồng chí nói qua phiên dịch: “biết hôm nay đồng chí đến và ở Việt Nam ai cũng thích ăn cá hơn thịt, nên suốt ngày tôi đục băng ngồi câu cá giữa sông, tóm được mấy con béo mập. Tôi đã giao cá cho bà quản gia, đồng chí muốn ăn cách nào bảo cho đầu bếp nấu”. Còn bất ngờ thêm, sáng hôm sau khi Trần Hữu Nghiệp đang ngồi uống trà cùng với Bác Tôn, nghe có tiếng gõ cửa cồng cộc thấy một anh chàng thợ hớt tóc, tay xách một cái hộp đựng dao kéo tông đơ, phía sau là một người thợ may, họ đề nghị cho kiểm điểm lại áo quần xem đủ và bảo đảm cho độ ấm, chống chịu nổi cái rét ở Matxcơva hay chưa. Cuối cùng là hai nữ bác sĩ còn khá trẻ, xinh đẹp như tiên bước vào, thấy vậy Trần Hữu Nghiệp giới thiệu mình là bác sĩ riêng của Bác Tôn, nhưng hình như hai nàng vẫn tỉnh bơ như chưa nghe thấy. Rồi lần lượt các công việc của một thầy thuốc rất bài bản, đo huyết áp, tiếp theo nghe tim phổi, điện tâm đồ, lấy phân và nước tiểu, xong xuôi trước lúc đi ra về làm xét nghiệm, rồi nở nụ cười tươi rói. Kỳ thiệt, đang ở Moskva mà ký ức bổng tràn về xa xăm, hồi còn sống trong vùng kháng chiến Nam Bộ chín năm. Phải lo tự sống để công tác tốt, với hai giạ lúa và một cân muối hằng tháng như mọi anh em mình thời đó, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp thông thạo thêm nhiều nghề chưa hề có ai dạy như ở trường Đại học, nào phải chỉ riêng kỹ thuật mà còn có nấu ăn, nuôi heo, chèo xuồng, xay lúa, giã gạo, bửa củi, cắm câu, đặt ống trúm, dặm cù, bắt ba khía. Đoàn đi cùng Bác Tôn được tổ chức Đảng Cộng sản Liên – Xô giữ lại đón lễ Nô En năm đó, do sinh nhật của Chủ tịch Vinhem Pick mãi đến ngày 3-1-1956. Trong những ngày này thật ấm cúng tình bạn của những người Xô-Viết, dù không nghi lễ nhưng lúc nào bạn cũng sắp xếp hẳn một chương trình đưa đi xem, ngắm cảnh thành phố những nơi nổi tiếng ở thủ đô Moskva. Đầu tiên là viếng lăng Lênin bên cạnh là Stalin. Thăm cung điện nơi làm việc của Lênin, và nơi sống những ngày cuối cùng ở ngoại ô phía Nam thành phố. Hôm ấy Trần Hữu Nghiệp nhìn thấy Bác Tôn đứng lặng lẽ rất lâu trước giường nằm của Lênin, trên tường treo một tấm lịch ghi ngày 21 tháng 1 năm 1924, tuyển tập Jack London mà phu nhân đang đọc cho người nghe trang viết về Tình yêu cuộc sống. Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp liên tưởng tới Bác Tôn, hình như cũng đang nghĩ về Bác gái ở Việt Nam đã chung thủy với mình như thế. Moskva rất lạnh, nhưng cảm giác tình bạn rất thân tình ấm áp.

Sau ngày Nôen tuyệt vời, ngày 27 đoàn tùy tùng đi cùng Bác Tôn mới lên xe lửa đi Thủ đô Béclin. Từ đây tàu lại đổi đường ray hẹp hơn tại Brest, để đi vào nước Ba Lan. Mùa đông Ba Lan chẳng khác gì ở Moskva, nhưng khi tàu ngang qua thủ đô Vacsava có rất đông người đứng chờ sẵn đón Bác Tôn, trong đó có Đoàn Chủ tịch Quốc hội và nhiều Ủy viên Đảng Cộng sản Ba Lan. Hầu hết người ra đón Bác Tôn đều nói thạo tiếng Pháp, hôm đó bác sĩ Trần Hữu Nghiệp có dịp trổ tài tiếng Pháp mà không cần phiên dịch, vì Bác Tôn cũng giỏi tiếng Pháp. Thật ấm áp và cảm động, một tiệc rượu “tẩy trần” đã được bạn sắp đặt sẵn tại phòng khách nhà ga hoành tráng. Rượu ngon như xua tan cái lạnh âm hai mươi độ, tiếng chào mời thắm thiết lẫn trong tiếng lanh canh chạm ly vào nhau như khó rời xa vì tình bạn. Đoàn tàu rời Vacsava chậm so với dự kiến nửa giờ, sau những hồi còi hối thúc nhưng cũng không dám lăn bánh. Ngồi trên tàu, Trần Hữu Nghiệp sực nhớ mấy bài diễn văn đáp từ mà Bác Tôn dặn mình soạn sẵn, nhưng hóa ra “ế rề” vì sẽ rất kỳ cục nếu những cuộc tiếp đón đó, chẳng có một lễ nghi mang tính ngoại giao nào cả. Thay vào đó là những cuộc gặp đầy ắp tình cảm như gia đình, hay bạn bè thân thiết lâu ngày mới gặp. Nhưng khi bắt đầu qua sông Oder vào lãnh thổ nước Cộng hòa dân chủ Đức, Bác Tôn trở thành quốc khách. Ngay từ ga đầu tiên ở biên giới Ba Lan và Đức, Bác Tôn được đại diện Đảng, Mặt trận dân tộc Đức ra đón rồi cùng ngồi chung xe về Béclin. Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp vẫn nhớ như in, cảnh đón tiếp Bác Tôn và đoàn Việt Nam ngày ấy. “Bạn tổ chức cho Đoàn đón giao thừa tại nhà khách Chính phủ Đức, sau khi dự một buổi ca vũ nhạc chào mừng năm mới 1956, và đội thiếu nhi tặng hoa chúc mừng Bác Tôn”. Dự tiệc, Trần Hữu Nghiệp nhận ra người Đức khác với người Nga họ thích ăn thịt hơn ăn cá, nhưng tục lệ ở Đức ngày mồng một ăn toàn cá chép luộc, có gì đó giông giống Việt Nam ngày tiễn ông táo về trời thường cúng cá chép. Ngoài món cá chép, còn có món cá chiên và súp rùa Nam Mỹ. Các món kể trên cũng hợp khẩu vị của người Việt, nên bác sĩ Trần Hữu Nghiệp cũng thất nghiệp luôn vì không ai mời mình nấu, hơn nữa về tư cách đoàn Bác Tôn là khách mời của Chính phủ bạn chẳng ai cho làm việc đó. Về chỗ ở tại Béclin cũng khỏi bàn, những thứ gì ở Moskva có ở đây cũng có, nhưng ở đây bạn còn nhớ đến đồ cắt móng tay và thêm một bộ dây giày để thay. Hai hôm sau, buổi lễ chúc thọ Chủ tịch Vinhem Pick diễn ra tại Đại hội trường, gần cổng lớn nơi phân chia Đông và Tây Béclin, một dịp để cho phe xã hội chủ nghĩa biểu lộ sự đoàn kết xung quanh nước Đức mới. Trong buổi lễ các đoàn đại biểu được mời phát biểu, nhưng chỉ có Thống chế Vôrôsilốp thay mặt Chính phủ Liên Xô, và Chu Đức thay mặt Chính phủ Trung Quốc phát biểu dài hơn, còn các nước khác thời gian qui định không quá mười phút. Buổi lễ diễn ra theo kế hoạch, không quá ba tiếng đồng hồ. Nhìn xuống hội trường hàng ngàn người dự, các đoàn đại biểu là khách mời được ngồi trên khán đài đối diện với các tổ chức quần chúng và cơ quan chủ nhà Đức. Đến lượt Bác Tôn lên phát biểu, lúc đầu Trần Hữu Nghiệp cảm thấy run run. Run vì niềm tự hào là chính. Run còn thấy sung sướng và tự tin vào Bác Tôn. Đúng vậy, Bác Tôn bước tới micoro rồi chậm rãi đọc bài phát biểu của mình bằng tiếng Việt. Bài viết rất ngắn gọn, xúc tích. Các đại biểu ngồi đó ai cũng đeo tai nghe, thông qua phiên dịch ngồi sau hậu trường. Bây giờ bác sĩ Trần Hữu Nghiệp mới nhớ lời Bác Tôn dặn mình trước đó: “Khi anh nói cho người ta dịch, phải chậm rãi hết sức và gọn ý”. Bác còn nói: “tiếng Việt là đơn âm, còn tiếng Âu là đa âm. Để nói ra chỉ một chữ, bạn dịch thành ami (hai âm)”. Tầm nghĩ của Cụ đúng là đáng nể và học tập. Cho đến nay, nhiều cán bộ ta vẫn thường hay vấp phải mỗi khi đi ra nước ngoài, thường tỏ vẻ “hùng biện” phát biểu như hát hay, rốt cục thiệt cho mình, vì người ta không hiểu. Bài học đó tuy nhỏ, nhưng lần đó bác sĩ Trần Hữu Nghiệp còn nhớ mãi.

Sang phần tặng quà của các đoàn đại biểu, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp thấy nhiều “chất đống” trước lễ đài. Bác Tôn thay mặt cho nhân dân, Chính phủ Việt Nam tặng một bức tranh sơn mài to, ngoài ra còn tặng phẩm của Cụ Hồ là tấm ảnh Bác sơn mài nhỏ. Chủ tịch Vinhem Pick tràn ngập hạnh phúc, khi các trưởng đoàn đại biểu đến bắt tay và ôm hôn thắm thiết. Một ký ức khác rất khó quên trong đời bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, buổi tối đó nước chủ nhà tổ chức tiệc chiêu đãi lớn tại Phủ chủ tịch. Thành phần thu hẹp của đoàn Việt Nam chỉ có Bác Tôn danh nghĩa là Chủ tịch Quốc hội và Trần Hữu Nghiệp vinh dự đi với tư cách không phải là bác sĩ tùy tùng, mà ở vai Ủy viên Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, được bầu tháng 9 năm 1955 tại Hà Nội. Qủa là rất oách, bước vào khán phòng lộng lẫy ánh đèn tựa như cung điện, Trần Hữu Nghiệp lần đầu tiên trên ngực áo long lanh huy hiệu kháng chiến Nam Bộ được thưởng năm 1951, và huân chương kháng chiến hồi nhận ở Cà Mau ngày 2 tháng 9 năm 1954, từ tay Chủ tịch Phạm Văn Bạch. Tất cả các thứ đó, lúc ra đi từ Hà Nội nhờ Bác Tôn nhắc nhở ai có phải mang theo, bây giờ phát huy tác dụng thật hoành tráng. Màn dạ tiệc bắt đầu bằng bài khai mạc của Chủ tịch nước Đức. Sau mấy chục năm, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp vẫn nhớ những nội dung chính, không chút màu mè, không lê thê, rất gắn gọn: “Cảm ơn tất cả các đồng chí đã mang đến cho nhân dân Đức, Đảng và cá nhân tôi niềm vinh dự vui mừng hôm nay. Thức ăn, rượu và nước giải khát đều dọn sẵn trên bàn. Chúng ta sống trong chế độ Cộng sản chủ nghĩa: Ai thích gì thì cứ dùng, lúc nào cũng được. Xin mở đầu cuộc khiêu vũ với cô gái trẻ nhất, Ủy viên Trung ương Đoàn thanh niên”. Rồi một thiếu nữ ăn mặc vừa đẹp vừa sang bước ra, miệng tươi cười như hoa chạy như cháu gái đến bên ông, trong tiếng nhạc khởi đầu du dương ấm áp tràn ngập hứng khởi. Trời Âu bây giờ mới tỏa sáng, tính cách Âu bây giờ mới đến. Trần Hữu Nghiệp bắt đầu thấy ngợp trong không khí cảnh dạ hội trước mắt, mà nghĩ tới đất nước mình vừa thoát ra cuộc kháng chiến chín năm chống Pháp, tiếng súng nổ, tiếng máy bay quần lượn trên đầu, tiếng la thét sợ hãi của trẻ em, có thời gian đâu để nhẩy nhót, để mặc những bộ đồ đẹp uyển chuyển tiếng nhạc êm ru thánh thót? Rồi cảm thấy lạc lỏng giữa khung trời thần tiên trước mặt, và khi lúc còn đang bối rối thấy Bác Tôn bước lại gần, rỉ tai nói nhỏ:

-         Tôi không biết nhảy đầm, anh cố gắng ra quay tít ít vòng với bạn, cho có mặt Việt Nam.

Nhận ra trong câu nói rất hóm và vui của Bác Tôn, Trần Hữu Nghiệp thấy lòng chân thành và yêu mến, rồi bước ra vừa lúc một người phụ nữ người Đức tuổi trung niên nhưng còn khá gọn, phảng phất mùi nước hoa hơi đậm, lại rành tiếng Pháp đến mời. Tiếng nhạc dịu êm như dòng sông ban mai, cho thêm cảm hứng bầu bạn tấm lòng cởi mở, rồi bà nói:

-         Tôi rất cảm phục các bạn Việt Nam, một đất nước nhỏ bé nhưng kiên cường.

Trần Hữu Nghiệp đáp:

-         Cảm ơn bà dành cho dân tộc chúng tôi tình cảm đó.

Bà lại nói thêm:

-         Việt Nam Hồ Chí Minh.

 Những lời nói ngọt ngào ấm áp, Trần Hữu Nghiệp cảm giác mình thật hạnh phúc khi nghe một người nước ngoài, nói tới lãnh tụ của đất nước mình trong một không gian thắm tình hữu nghị. Trần Hữu Nghiệp nhảy với bà không chỉ ít vòng như lời khuyên của Bác Tôn dặn, mà kéo dài tới hết hai bản nhạc mới thôi. Cũng nhờ tình cảm ấy, mới biết bà là phu nhân của ngài Bộ trưởng Công Nghiệp Đức đã nhiều năm sống trong trại tập trung phát xít, khi chồng mình còn công tác bí mật. Sau lễ sinh nhật Chủ tịch Vinhem Pick, Bác Tôn còn được các bạn Đức mời ở lại nghỉ thêm ba tuần lễ nữa, cùng các lãnh tụ đi thăm đặt vòng hoa trên mộ Karl Leebknecht, nhân dịp kỷ niệm ngày sinh vị anh hùng của giai cấp công nhân Đức thập kỷ 20. Bạn cũng đưa đi thăm nhiều thành phố khác của Đức, đặc biệt tới thăm một số thành phố có phong trào ủng hộ Việt Nam mạnh mẽ nhất như Cacmacstadt. Đến thăm Dresden có trường dành cho thiếu nhi Việt Nam ở ngoại ô, hầu hết các cháu cha mẹ còn ở lại miền Nam hay là con liệt sĩ. Đoàn cũng vào trại giam Buchenvald của phát xít Đức lừng danh thế giới, chứng tích về tội ác của Hitle có lò thiêu người, bảo tàng trưng bày vô số vật dụng gia đình và trang sức làm bằng da người. Nhưng ấn tượng kinh khủng rùng rợn nhất, phải kể đến một buổi xế chiều đoàn tới thăm một trại giết người khác của phát xít Đức rộng mấy mẫu đất, chồng chất lên nhau trắng xóa xương người. Tiếng gió thổi qua những chiếc đầu lâu làm nó khẽ rung rinh, như tiếng người quặn đau đang gào thét. Trần Hữu Nghiệp nói, nỗi đau chỉ vơi đi chiều đó tại thành phố Weimar bạn mời xem biểu diễn nhạc kịch sau bữa cơm chiêu đãi. Đây là thành phố cổ kính có thời từng là thủ đô với bao nhiêu di tích lịch sử, và ngắm các lâu đài hàng trăm năm tuổi xây bằng đá màu xám xịt với đủ thứ tượng người, mà mỗi nhân vật như thế là một câu chuyện huyền thoại dài đội tuyết trắng long lanh, mới cảm thụ được cái mỹ lệ của kiến trúc cổ.

Tiếp theo, Đoàn Việt Nam theo chân Bác Tôn được anh bạn phiên dịch người Đức, đưa xuống thăm tầng hầm ngôi mộ cổ nơi an nghỉ của Gớt và bạn thân của thi sĩ Sile. Chỉ vào ngọn đèn thắp trên mộ Đại thi hào, anh bạn Đức nói: “bất cứ lúc nào, trong hoàn cảnh nào, đèn này cũng không bao giờ tắt”. Rồi anh bạn nói tiếp: “một đêm đông năm 1832, thi sĩ Gớt đã 83 tuổi hấp hối trên giường đã luôn miệng kêu gào: - Hãy đem đến cho ta ánh sáng, nhiều ánh sáng hơn nữa”. Chuyến viếng thăm mộ Gớt, để sau này Trần Hữu Nghiệp nhớ mãi không phải vì uy vũ của người nằm trong mộ. Hồi còn đi học ở Pháp năm 1936, 1937 để lấy bằng đốc tờ Paris, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp cũng vào viếng thăm lăng mộ Napoleon Bonaparte trong đền Pantêông, xây bằng vàng nén của hàng chục Giáo hoàng ở Vatican, hay thập Tam lăng của các vua nhà Minh bên Tàu, mà bởi lời bình của Bác Tôn. Trên đường về khách sạn, bỗng Bác hỏi:

-         Anh làm Bác sĩ, giải thích tại sao người mất cứ đòi ánh sáng?

Vì câu hỏi quá đột ngột làm Trần Hữu Nghiệp bí, bởi không có sách Y học nào nói đến, rồi đáp:

-         Đây là trường hợp cá biệt của một đại văn hào, một triết gia lớn, một trí thức uyên thâm nhất Châu Âu thời ấy. Suốt đời bao nhiêu tác phẩm để lại, ta thấy ông đi tìm ý nghĩa của cuộc đời, làm sao để vươn tới “chân-thiện-mỹ”, cuối cùng cũng không tìm được lối ra cho suy tư.

Nghe xong Trần Hữu Nghiệp nói, Bác Tôn vẻ trầm ngâm suy tư một lúc, rồi bất ngờ vỗ vai Trần Hữu Nghiệp, nói:

-         Trí thức dầu lớn đến cỡ nào, học vấn uyên thâm quảng đại bao nhiêu mà chưa được ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin soi đường, thì mãi mãi đi trong đêm tối.

Thật giản dị, nhưng sâu sắc. Bác Tôn nói với bác sĩ Trần Hữu Nghiệp tại Beclin nước Đức, như bừng sáng lên một ngọn đèn mà một trí thức như ông nếu không đi theo cách mạng cũng rất khó nhận ra!

Sau Vai-ma (Weimar), đoàn theo tuy tùng Bác Tôn đến Lai Xích (Leipzig) thành phố lớn thứ hai của Đức. Sinh viên Việt Nam đang học đại học trường Các - Mác được bạn thông báo trước, nên các em ra chào đón Bác Tôn rất đông, và tình cảm dành cho Bác rất cảm động. Tại đây, Bác Tôn hỏi một sinh viên ăn ở học tập có tốt không? Chàng sinh viên đó trả lời rất tốt, bạn đã dành cho sinh viên Việt Nam mọi thứ tốt nhất để học tập. Cuối cùng Bác căn dặn, các sinh viên trẻ: “Hãy tận dụng cơ hội tốt đẹp này để học tập, sau này về phục vụ đất nước, nhân dân”. Đoàn cũng đến thăm thị trấn Pốt – Xđam (Potxđam) ở phía Nam thủ đô Béclin, nơi đây có phong trào các cháu thiếu nhi ủng hộ Việt Nam mạnh mẽ nhất. Thật kỳ công mỗi cháu tính ra bằng con số lon không, vải, giấy vụn, thu nhặt được bán lấy tiền gởi sang Việt Nam tiếp sức cho cuộc kháng chiến từ năm 1946. Thành tích của các cháu đã được nhân dân Việt Nam biết đến, và hôm nay tận mắt Trần Hữu Nghiệp nhìn thấy mà vô cùng cảm động. Khi Bác Tôn nhận chiếc khăn quàng đỏ và những bó hoa tươi thắm từ bàn tay của các cháu tặng, cùng nụ hôn của Bác dành cho các cháu. Buổi chiều, Bác Tôn đến tham quan một số di tích lịch sử đặc biệt căn phòng họp của các lãnh tụ Quốc tế “tam cường” Anh – Pháp – Xô mùa hè năm 1945. Có một chi tiết thú vị, chiếc ghế ngồi của Stalin vẫn còn đó, nhưng bị cưa mất chỗ tựa bởi một tên kẻ trộm lọt vào sau đó đem đi bán đấu giá tại Mỹ.

Những ngày ở Béclin, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp thầm nghĩ cảm ơn lòng tin cậy và sự tế nhị của Bác Tôn dành cho mình, một trí thức còn ngoài Đảng, sinh ra tại một vùng quê nghèo khó ở Ba Tri, rồi lớn lên đi học trường tư sản đào tạo, được đi một mình tới bệnh viện Charilé, tiếp xúc rộng với đoàn chuyên gia bạn sắp sang làm việc tại Việt Nam. Sau đó Trần Hữu Nghiệp lại một mình đi lên miền Bắc nước Đức, tiễn đưa từ cảng Rostock đoàn thủy thủ bạn chở dụng cụ trang thiết bị máy móc đi Hải Phòng, để giúp ta xây dựng Bệnh viện hữu nghị Việt - Đức. Bên bạn cử đi theo một cô phiên dịch làm việc ở Bộ ngoại giao, cô gái nói tiếng Pháp nhanh như chim hót, khi tào lao riêng tư cũng không ngần ngại nói với Trần Hữu Nghiệp cả “tiếng lóng” của Paris, tức là như ta nói với nhau mà dùng từ ngữ Việt kiểu “cà chớn, hết sẩy, thấy mồ”, vào thời điểm đó một cử chỉ như Bác Tôn có lẽ hiếm.

Ngày sắp chia tay thủ đô Béclin, chia tay những người bạn Đức mến khách, mùa này bên Việt Nam cái tết cũng đang đến gần. Các bạn Đức chu đáo và thận trọng, nhiều giáo sư, bác sĩ mời Bác Tôn tới bệnh viện kiểm tra sức khỏe toàn diện. Vào buổi sáng ngày hôm sau dù trời vẫn rét, nhưng bầu trời xanh biếc như mắt thiếu nữ trẻ người Nga tuyệt đẹp, Chính phủ Đức quyết định dành riêng cho Bác Tôn và đoàn Việt Nam một chuyến chuyên cơ riêng trở lại Moskva, Thủ đô của Liên Bang cộng Hòa xã hội chủ nghĩa Xô – Viết.

*

Máy bay hạ thấp độ cao để đáp xuống phi trường, Moskva hiện ra qua ô cửa sổ thật đẹp, những đường phố dài thẳng tắp, những tòa nhà cổ kính mái hình tháp nhọn xanh lam trên đỉnh có ngôi sao bằng vàng thứ thiệt. Cũng có những tòa nhà mái vòm như chiếc mũ của những chàng hiệp sĩ thời Sa Hoàng Đại đế, người ta nói cái màu vàng trên mỗi nóc nhà đó cũng bằng vàng như các ngôi sao. Trời Moskva cũng trong như ở Béclin Đức, vì đang là mùa Đông ánh nắng mặt trời ban trưa bị dịu đi nhiều, nhưng vẫn đủ thấy một Liên Bang Xô – Viết vĩ đại dưới cánh bay, đẹp lộng lẫy.

Khác với lúc mới từ Việt Nam sang, hôm nay Bác Tôn là khách của Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới đến nhận giải thưởng. Máy bay vừa hạ cánh đã có ngay nghi lễ tiếp đón trọng thị tại chân cầu thang, các thiếu nữ, thanh thiếu niên tay cầm hoa, cầm cờ hai nước xếp thành hai dãy vẫy chào, rồi lên xe Volga, có mô tô hộ tống đưa Bác Tôn và đoàn Việt Nam về khách sạn Sovietskaia, ở trung tâm thủ đô Moskva. Sáng hôm sau, điểm tâm xong cùng lãnh đạo Ủy ban hòa bình thế giới nước chủ nhà, rồi ra xe đưa Bác Tôn và đoàn Việt Nam vào điện Kremlin, nơi tổ chức trao giải thưởng tại đây. Không thể tin được, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp bị choáng ngợp trước một không gian lộng lẫy, của tòa cung điện cổ kính mà suýt thốt lên “thật là cảnh thần tiên”. Cảm xúc dâng trào như một giấc mơ, xen lẫn niềm tự hào là một trong những người Việt hiếm hoi ở đất nước còn rất nghèo, nửa nước đang phải đối đầu với cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ được đặt chân vào đây, nơi những vị vua Sa Hoàng và giới thượng lưu từng sống. Nhưng giờ đã khác, cách mạng tháng mười Nga năm 1917, dưới sự lãnh đạo của Lênin, giai cấp Vô sản đã giành lại quyền thống trị, thành lập nên một nhà nước Liên Bang Xô – Viết rộng lớn và hùng mạnh. Hình như không chỉ có Trần Hữu Nghiệp cảm nhận ra điều ấy, nhìn sang Bác Tôn tư thế tự tin đàng hoàng khi bước lên bục nhận giải, sau lời phát biểu chào mừng của Ủy ban hòa bình thế giới. Bài nói ngắn gọn, sâu sắc đánh giá công lao to lớn của Bác Tôn cho phong trào hòa bình Quốc tế, ngay từ những ngày đầu nhận ra bản chất xấu xa của chủ nghĩa đế quốc, trên con tàu ngoài khơi biển Hắc Hải. Thật hạnh phúc, thật tự hào, khi nghe Bác Tôn có lời đáp từ xúc động. Bác nói: “giải thưởng này trước hết thuộc về nhân dân và tổ quốc Việt Nam tôi. Cảm ơn các bạn. Cảm ơn, cảm ơn!”.

Ở Moskva sau lễ nhận giải thưởng, rồi tới tiệc chiêu đãi của ban tổ chức, Bác Tôn với tư cách là Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đến chào Nguyên soái Vôrôsilốp, Chủ tịch đoàn Xô Viết tối cao Liên – Xô. Bác Tôn đi có một mình theo chủ ý của bạn, còn anh em trong đoàn được mời đi chơi thủ đô và mua sắm quà kỷ niệm. Tại buổi gặp sau này được Cụ kể lại cho Trần Hữu Nghiệp nghe, “chủ yếu là nghi thức xã giao mà thôi”. Đúng vậy, ông Tây ông Ta xa nhau nửa vòng trái đất, mà cũng mới quen hôm cả hai sang Đức dự mừng sinh nhật Chủ tịch Vihem Pick, nhưng vẫn muốn gặp lại ở Moskva cho thêm tình hữu nghị.

Chuyện đám tùy tùng đi chợ, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp cũng kể: “tiền đi mua sắm được bạn tặng mỗi người một ngàn rúp. Một ngàn rúp bấy giờ là không nhỏ, ở Moskva có thể mua được cả máy khâu, ti vi, tủ lạnh, nhưng tư tưởng đó chỉ xuất hiện khi hòa bình lập lại sau năm 1975, nhiều cán bộ từ Việt Nam đi công vụ, hay học tập bên đó đều biến mình thành “con buôn”, vì đất nước mình ngày đó còn nghèo khó. Đi chợ Moskva hôm đó thật vui. Vui vì nên mua cái gì tài chính cho phép? Lại vừa thiết thực ở quê nhà. May là có người phiên dịch đi cùng là một cô gái trẻ, rất hồn nhiên vui tính, yêu Việt Nam. Cô gái nói: “mình biết tiếng Việt là học tại trường ngoại ngữ ở Moskva, chứ chưa từng sang Việt Nam bao giờ”. Vì vậy, khi nói những từ khó giọng cô ngọng líu, nhưng mỗi lúc như vậy mặt cô đỏ chín thật đáng yêu. Thấy mọi người đắn đo lúng túng, cô gái Nga khuyên nên mua đồ mỹ nghệ phẩm, vừa gọn nhẹ vừa hữu dụng và ý nghĩa. Trần Hữu Nghiệp thấy phải, ý nghĩ khác còn vì sĩ diện quốc gia, người ta nhìn mình như một kẻ đi buôn, nên về phần mình ông chỉ mua một chiếc đồng hồ báo thức, nước hoa về xức tóc cho vợ, búp bê cho con, nho khô và thuốc lá cho bạn.

Ở Moskva chỉ có ba ngày, nhưng bác sĩ Trần Hữu Nghiệp vô tình vướng phải một sai lầm để đời. Chuyện xảy ra sau ngày Bác Tôn nhận giải thưởng Lênin, bỗng một phóng viên Đài phát thanh Liên – Xô nói thạo tiếng Pháp, đi với một nhân viên Đại sứ quán Việt Nam đến khách sạn, nơi Bác Tôn ở xin phỏng vấn ghi âm. Anh ta đưa câu hỏi ghi sẵn để Bác Tôn đọc trước, trong khi ê kíp đài thực hiện chương trình, còn anh ta quay sang Trần Hữu Nghiệp nói chuyện chơi bằng tiếng Pháp ngữ. Rồi khi biết Trần Hữu Nghiệp là người Nam Bộ, anh bạn phóng viên này hào hứng hẳn lên hỏi:

-         Thời còn đánh Pháp, anh có biết người Nga nào có tên Việt là Thành không?

Trời đất, quá bất ngờ. Thành chính là người Trần Hữu Nghiệp biết khá kỹ, đó là Trung đội trưởng khẩu đội pháo 35 ly, ở đại đội trợ chiến tiểu đoàn 307. Trần Hữu Nghiệp không kềm được cảm xúc khẽ reo lên, rồi đáp:

-         Có, có... Thành là bạn tôi ở Bến Tre. Lần nào Thành về quân Y viện đơn vị 99 cũng đến chơi với tôi.

Anh bạn phóng viên cũng vui không kém, á lên một tiếng rồi cho biết:

-         Sau tham gia chống Pháp ở Việt Nam, Thành về lại nước đổi tên thành Platon, hiện nay làm việc chung với tôi tại Đài phát thanh Moskva, cùng bộ phận tiếng Việt.

Nói xong, người bạn phóng viên hồ hởi chạy tới bên chiếc máy điện thoại để bàn quay ràn rạt, rồi ngoắc tay bảo Trần Hữu Nghiệp đến đưa phone cho hai người nói chuyện. Đúng là tiếng Thành, người bạn Nga từng là bạn Trần Hữu Nghiệp tham gia chiến đấu ở chiến trường Nam Bộ, chú rể của Bến Tre mà gần mười năm trước Chín Nghiệp và các bạn mình tổ chức cưới một cô vợ Việt quê người Bến Tre cho Thành. Hôm đó Thành nói: “Tao rất tiếc, vì mày phải đi theo Bác Tôn, nếu không tao đến đón mày về nhà tao chơi”. Thành còn nói, nhà mình ở cách thủ đô Moskva bốn chục cây số. Trần Hữu Nghiệp đáp: “Xa vậy, thời gian tao không cho phép, xin đành lỡ hẹn nhé. Cảm ơn”. Chuyện đó tưởng không có vấn đề gì, nhưng sau khi đoàn phóng viên Đài phát thanh Moskva ra về, vị nhân viên Đại sứ quán Việt Nam ta ở Moskva đến bên bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, thông báo:

-         Mai mời anh đến Đại sứ quán làm việc nhé.

Trần Hữu Nghiệp ngạc nhiên, hỏi lại:

-         Để làm gì?

Anh ta đáp:

-         Để làm bản tự kiểm điểm!

Trần Hữu Nghiệp cũng không vừa, vặc lai:

-         Tại sao phải kiểm điểm?

Vị nhân viên sứ quán, nói:

-         Đồng chí tự động giao tiếp với người nước ngoài, khi chưa được phép Đại sứ quán, và yêu cầu anh khai nói những gì với họ?

Cục tức trồi lên tận cổ, nhưng cũng có chút sợ hãi, bởi từ khi tham gia kháng chiến năm 1945 tới nay, Trần Hữu Nghiệp chưa một lần gặp một sự cố nào đến mức phải bắt làm kiểm điểm! Nỗi buồn day dứt không yên, với những câu hỏi trong đầu “Làm sao, làm sao bây giờ?”. Rồi nghĩ, phải báo cáo với Bác Tôn. Tối cùng ngày hôm đó, Bác Tôn khi nghe Trần Hữu Nghiệp than thở, không ngờ Cụ nổi nóng, rồi nói như ra lệnh:

-         Mai anh sẽ không đi đâu cả! Bảo tôi không cho đi! Tôi là trưởng đoàn!

Nghe Bác Tôn nói mừng thì mừng, nhưng Trần Hữu Nghiệp vẫn lăn tăn, vì sợ ảnh hưởng tới Bác, rồi nói:

-         Nhưng không đi họ sẽ làm khó.

Bác Tôn mặt đỏ bừng, càng nổi giận hơn:

-         Tôi nói anh không rõ à. Người ta gọi anh, tất nhiên sẽ nói chuyện. Anh nói chuyện với Thành bằng tiếng ta, tôi có mặt ở đó. “Nó” cũng ngồi đấy nghe và hiểu cả, còn giở trò gì đây? Đại sứ Nguyễn Lương Bằng về nước, có việc ở đây tôi là cấp ủy Đảng cao nhất.

Thế là việc đưa Trần Hữu Nghiệp ra kiểm điểm, về ý thức tổ chức kỷ luật kém coi như “xù”. “Phước đức cho tôi”, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp thốt lên buồn vui lẫn lộn. Bởi lần đó, nếu không phải Bác Tôn trưởng đoàn bằng không hôm nay khi già về hưu, Trần Hữu Nghiệp chắc chắn có một điểm đen ghi trong lý lịch.

*

Chuyến tháp tùng Bác Tôn sang trời Âu, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp còn kể về chuyện giải thưởng hòa bình Lênin thú vị, nếu không nói cũng khá vui. Đó là tiền, tiền đi kèm giải thưởng 10 vạn rúp, cộng thêm một vạn rúp tặng riêng cho Bác Tôn dùng để mua quà về tặng bạn bè, người thân ở Việt Nam. Có thể nói, đây là một số tiền rất lớn so lúc bấy giờ. Chỉ còn một ngày nữa là đoàn sẽ đáp chuyên cơ đi Bắc Kinh, Trung Quốc. Thời gian còn lại rất ít, muốn mua sắm gì cũng không kịp, nên Bác Tôn nhờ Trần Hữu Nghiệp giữ giùm. Bác nói:

-         Anh cầm hộ số tiền này nghen.

Nghe vậy, Trần Hữu Nghiệp hỏi Bác Tôn:

-         Bác nên mua quà gì về cho Bác gái? Muốn thứ gì tôi sẽ ra Gum (cửa hàng bách hóa tổng hợp) mua đủ.

Dường như nghe Trần Hữu Nghiệp nhắc có lý, Bác Tôn suy nghĩ hồi lâu, rồi nói:

-         Tánh tôi ưa ăn nhất là món cá kho tộ, bỏ nhiều tiêu. Chiều nào bà ấy cũng đem tiêu hột ra đâm chén đá, văng tùm lum ra ngoài. Bà lại kém mắt rồi, nên cứ mò mò tìm từng hột bỏ vô lại. Vậy anh, cứ tìm mua cho tôi một cái cối xay tiêu đem về tặng. 

Theo đề nghị của Bác Tôn, sáng đó Trần Hữu Nghiệp ra Gum tìm bằng được chiếc cối xay tiêu bằng tay, nhưng cũng chỉ hết có bảy rúp, còn 9.993 rúp đem về trao lại cho Bác Tôn. Cầm chiếc cối xay tiêu nhỏ gọn làm bằng gỗ bóng láng, đôi mắt Bác Tôn như bừng sáng vẻ tràn trề hạnh phúc, rồi quay sang bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, nói:

-         Chắc bả mừng lắm.

Trần Hữu Nghiệp nhớ ngày rời Moskva, phía Liên - Xô dùng chuyên cơ đưa Bác Tôn và đoàn Việt Nam đến sân bay Iệt-xcút (Irkoutxk) là chiều tối. Phía bạn Đảng Cộng sản Liên – Xô đến chào chia tay chiêu đãi cơm tối, để sáng hôm sau đoàn đi Bắc Kinh. Sau bữa cơm, lại có chuyện bất ngờ xảy ra, Bác Tôn gọi Trần Hữu Nghiệp và các thành viên trong đoàn đến bảo:

-         Tôi giao lại toàn bộ số tiền lãnh ở Moskva vẫn còn, do không mua sắm gì nhờ anh Nghiệp trả lại cho tổ chức. Các anh cũng nên làm như thế, vì ta không được phép mang ngoại tệ về nước.

Một chút bối rối khi nghe Bác Tôn nói, lại hầu hết anh em đi trong đoàn đã mua rỗng túi, may có Trần Hữu Nghiệp còn ít đồng thực ra có ý định dành để mua thuốc lá ở sân bay, nhưng vội quá không mua kịp.

Vậy là Bác Tôn trả lại số tiền còn dư cho tổ chức gần như nguyên vẹn, quà Bác mua chỉ một chiếc cối xay tiêu chỉ hết bảy rúp để về tặng vợ. Thế rồi chuyện đó lại làm Trần Hữu Nghiệp liên tưởng tới một bệnh nhân của mình quê làng Vĩnh Kim, hồi còn mở phòng mạch tư ở Mỹ Tho trước năm 1945 thuật lại. Suốt thời gian dài chồng bị đày ngoài Côn Đảo, Bác gái tần tảo nuôi hai con gái bằng cách hàng ngày mua trái cây và gà vịt chở lên Sài Gòn hoặc thị xã Mỹ Tho bán. Sau ngày cách mạng tháng tám thành công, Bác Tôn đến Vĩnh Kim vào lúc đỏ đèn. Nhưng hôm ấy Bác gái không có nhà đang đi mua gà ở xóm trên, rồi nghe tin chồng về bươn bả chạy buông thả luôn mấy con gà đã trả tiền cho người bán cho nó chạy mất. Về tới Vĩnh Kim, nhìn thấy chồng xa nhau sau 17 năm bà nghẹn ngào xúc động không nói được lời nào, chỉ đứng ôm cột nhà khóc nức.

Câu chuyện người bệnh nhân kể dù gián tiếp, nhưng bác sĩ Trần Hữu Nghiệp tin là thật. Trong từ điển tiếng Việt của (NXB – Khoa học xã hội) định nghĩa: “Khóc là chảy nước mắt vì đau đớn hay thương xót”. Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp cho rằng không hẳn như vậy. Theo Trần Hữu Nghiệp, khóc còn có nỗi vui mừng đến quá đột ngột cũng làm người ta khóc. Khóc trong trường hợp Bác gái gặp Bác Tôn là cái khóc của niềm vui quá lớn, bởi sự trùng phùng của người nông dân nặng tình chung thủy. Năm 1969 cụ Hồ mất, Bác Tôn lên thay làm Chủ tịch nước. Có một anh bạn từ Hà Nội vào Nam Bộ, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp hỏi thăm sức khỏe Bác Tôn, người đó nói vợ Bác Tôn bệnh vào nằm điều trị ở bệnh viện Quân đội. Rồi một hôm bác gái nhận điện thoại, tổ chức báo cho biết Bác Tôn sẽ vào thăm chiều hôm đó. Vậy là Bác gái mừng, rồi bà vội vả đi thay bộ đồ mới chuẩn bị đón chồng. Người ta bảo, thật khó không xúc động khi thấy một vị Chủ tịch nước năm đó đã 80 tuổi, ôm hôn thắm thiết người vợ tuổi đã già như lứa tuổi còn xuân xanh.

Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp thừa nhận, mình đã đọc bao nhiêu tiểu thuyết tả cảnh trùng phùng, trong những tình huống, trường hợp khác nhau của bao cặp vợ chồng già xa lâu đến mấy, nhưng hình như chưa thấy nhà văn nào viết lên cảnh này, dù đây là cảnh hoàn toàn chân thật.

*

Chiếc chuyên cơ Quốc kỳ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Liên bang Xô Viết, từ từ hạ cánh đưa Bác Tôn và đoàn Việt Nam đáp xuống sân bay quốc tế Bắc Kinh, Trung Quốc. Khác với lần đi, chỉ là như những vị khách qúa giang thì lần trở về Bác Tôn trở thành thượng khách của Chủ tịch Quốc hội Lưu Thiếu Kỳ. Theo kế hoạch đoàn chỉ ở lại thăm Trung Quốc có vài ngày, trong đó có buổi quan trọng Bác Tôn đến chào Mao Trạch Đông, Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Chuyện gặp Chủ tịch Mao thật ra không có gì đáng nói, chỉ để xã giao mà thôi. Đúng vậy, cũng bắt tay hữu hảo, cũng ôm hôn thể hiện tình đồng chí và vài câu thăm hỏi sức khỏe, chúc tình hữu nghị hai nước bền chặt. Chiều sau, xe bạn đến đón Bác Tôn tại nhà khách, rồi đưa đến nhà riêng Lưu Thiếu Kỳ dự cơm thân mật ở Trung Nam Hải. Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp nhớ, bữa tiệc đó phía bên Trung Quốc có ba người, vợ chồng họ Lưu và một người nữa do lâu ngày nên quên mất tên. Khách Việt Nam bốn người, Bác Tôn, Đại sứ ta ở Trung Quốc, tham tán Đại sứ quán Châu Lượng không ngờ lại là bạn ngày còn trẻ học lớp nhất A ở trường Bến Tre, dưới tên thật là Trần Văn Minh, và người thứ tư là bác sĩ Trần Hữu Nghiệp. Phiên dịch chính trong bữa tiệc là đồng chí Đại sứ, khi rượu Mao Đài ngà ngà say, Lưu Thiếu Kỳ phát biểu một câu khiến Trần Hữu Nghiệp và mọi người sững sốt:

-         Đảng các đồng chí thành lập sau Đảng chúng tôi, mà mới mười lăm năm đã giành được chính quyền, nay nếu phải chờ năm mươi năm nữa mới thống nhất đất nước, cũng là sớm.

Nói xong Lưu Thiếu Kỳ chờ cho Đại sứ ta dịch. Ánh mắt ông ta cũng dõi theo từng động thái trên khuôn mặt của Bác Tôn, nhưng hình như không thấy có biểu hiện gì?! Nhưng Trần Hữu Nghiệp đang nghĩ khác, Bác Tôn một người dày dạn kinh nghiệm sinh tử, vẫn đủ tỉnh táo để nhận ra hàm ý của câu nói của Lưu Thiếu Kỳ. Chỉ còn không bao lâu nữa theo hiệp định Genène, chúng ta tin rằng cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra hai miền Nam Bắc, thống nhất tổ quốc. Rồi khi Lưu Thiếu Kỳ nâng ly lên chạm, ly rượu Bác Tôn bỗng nổi sóng bắn ra những tia rượu rơi xuống mặt bàn ướt sũng. Trần Hữu Nghiệp liếc nhanh nhìn Lưu Thiếu Kỳ, mắt ông ta hơi nhíu lại, nhưng cũng nhanh trí, nói:

-         Ôi, không sao.

Bác Tôn đáp:

-         Cảm ơn các đồng chí đón tiếp chúng tôi.

Tiệc đãi có đầy đủ sơn hào hải vị, nhưng từ khi phát biểu của Lưu Thiếu Kỳ cảm giác ăn vào đắng ngắt, rồi khi trên đường về chỗ nghỉ nhà khách, Trần Hữu Nghiệp ghé tai hỏi nhỏ Bác Tôn:

-         Lúc nãy, Bác có nghe rõ câu nói của Lưu Thiếu Kỳ không?

Nghe Trần Hữu Nghiệp hỏi, Bác Tôn ngồi thẳng lưng lên đưa ngón tay trỏ ra trước mặt, đây cũng lần đầu tiên từ khi đi theo Bác Tôn, Trần Hữu Nghiệp ngạc nhiên thấy Bác làm thế, rồi Bác nói:

-         Cái gì đã nghe qua nên bỏ ngoài tai, về nhà anh phổ biến ra tùm lum sẽ bị kiểm điểm và thi hành kỷ luật đấy!

Trần Hữu Nghiệp hữu ý khẽ gật đầu, và chắc chắn không bao giờ kể, bởi bài học ở Moskva mới qua đâu có lâu. Nhưng mười năm sau 1965, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp được Bác Tôn mời đến nhà ăn cơm, có cả chị Tám Lựu (Nguyễn Thị Lựu) Hội trưởng hội Phụ nữ Việt Nam, với tư cách là người đồng hương, rồi khi tiễn ra về Trần Hữu Nghiệp nhắc lại câu nói đó của Lưu Thiếu Kỳ. Nghe xong Bác Tôn cười, bảo:

-         Bây giờ anh không nói ra, thì ai cũng biết cả rồi!

Đúng vậy, năm 1956 tổng tuyển cử hai miền Nam Bắc không xảy ra như Hiệp định Genèvơ ký kết. Người Mỹ nhảy vào thay chân người Pháp, trắng trợn dựng Ngô Đình Diệm lên làm tổng thống, đơn phương phá bỏ Hiệp định Genèvơ và những kẻ nào đứng sau sự phá sản đó? Lưu Thiếu Kỳ có phải là một nhà tiên tri?!

*

Trong cuốn hồi ký của mình, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp có viết chuyến đi trời Âu khi trên đường về lại ghé qua Trung Quốc, với cảm xúc thật hoành tráng. Chủ tịch Quốc hội họ Lưu bố trí riêng một chuyến xe lửa, đưa Bác Tôn và đoàn Việt Nam về nước. Trần Hữu Nghiệp nói rằng chưa bao giờ được sống trên toa tàu sang như thế, có nhà bếp riêng, có người nấu ăn, người phục vụ trên tàu riêng. Phòng khách hạng sao như ngày nay ta hay gọi cho giới thượng lưu đám người giàu, giường ngủ có chăn hoa nệm gấm. Rồi đoàn tàu sau gần hai ngày cũng về tới Bằng Tường ga cuối cùng trên đất Trung Quốc, một nhân viên văn phòng họ Lưu tiễn Bác Tôn và đoàn xuống. Vừa ra khỏi tàu đã có sẵn ô tô do đồng chí Dương Bạch Mai, cán bộ văn phòng Quốc hội lên đón đưa về Hà Nội. Gặp Bác Tôn, anh nói:

-         Báo cáo Chủ tịch, 10 giờ tại nhà hát lớn Hà Nội, Ủy ban Trung ương mặt trận tổ chức mít tinh đón Chủ tịch, vừa nhận giải thưởng hòa bình Quốc tế Lênin trở về.

Đúng 10 giờ, xe đưa Bác Tôn tiến vào nhà hát, hàng vạn người từ ngoài cổng đến bên trong tay cầm cờ hoa vẫy chào Bác Tôn. Một không khí nồng nhiệt hiếm có mà theo bác sĩ Trần Hữu Nghiệp nói mình chưa từng thấy. Tại lễ đón, sau lời chào mừng của đồng chí Xuân Thủy, Ủy viên Chủ tịch đoàn kiêm Tổng thư ký Mặt trận, bên dưới nhiều tiếng vỗ tay cờ hoa lại rộ lên. Đến lượt Bác Tôn lên đáp lời, Trần Hữu Nghiệp lần nữa lại thấy Cụ xúc động trước tình cảm của đồng bào, nhân dân Thủ đô dành cho mình, rồi Bác nói:

-         Giải thưởng này là thuộc đồng bào chiến sĩ ta, tôi chỉ là người đại diện cho đồng bào đi lãnh mà thôi. Vì vậy, tôi xin gởi lại số tiền 10 vạn rúp đi cùng giải thưởng hòa bình Lênin, cho phong trào bảo vệ thiếu nhi Thủ đô.

Bên dưới lại đồng thanh vang lên lời “chúc Bác Tôn khỏe. Hoan hô…”.

Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp còn nói rằng: “Tôi đã rơm rớm nước mắt vì hạnh phúc, nhìn thấy tình cảm đồng bào Thủ đô dành cho Bác Tôn”.

Gia đình bác sĩ Trần Hữu Nghiệp sum họp đúng vào ngày trước tết âm lịch thật là vui, nói cách khác còn vui gấp đôi nhiều tết khác vì các con gái năm nay còn có những con búp bê Nga, gấu bông xinh đẹp quà ba mang từ Liên Xô về. Vui thêm nữa, vì đây là lần ăn tết duy nhất trong đời được đến chơi thăm nhà bạn bè đem theo tặng nho khô, sôcôla, trong bộ âu phục đẹp và sang nhất từng được mặc. Hết tết sáng mồng ba tới Bộ Y tế làm việc, rồi được cán bộ văn phòng thông báo, bên Bộ tài chính vừa điện sang yêu cầu Trần Hữu Nghiệp nộp tất cả quần áo Veston, giày, mũ, do Bộ cung cấp đi công tác, kể cả áo sơ mi, quần áo ngủ và va li.

Năm 1956 kinh tế đất nước còn rất khó khăn, nhất là Chính phủ thực hiện cuộc cải cách ruộng đất dù có những thiếu sót sai lầm cần phải khắc phục, nhưng vẫn còn tiếp diễn. Cuộc xuất ngoại cùng với Bác Tôn Đức Thắng đối với bác sĩ Trần Hữu Nghiệp vượt ngoài sức mong đợi, hơn hai tháng trời được làm “thượng khách” như bay trên mây bây giờ trở về mặt đất, hòa nhập vào cuộc sống chung ấy cùng đất nước. Chả thế mà bác sĩ Trần Hữu Nghiệp viết, giọng vui và dí dỏm như sau: “Con đường vinh quang của kẻ sĩ thời xưa, khi được làm quan thái thú đất Kinh Kha đối với tôi thế là chấm dứt. Có điều khác, đây không phải chuyện xảy ra trong mộng khi nồi cơm kê đang chín, mà đúng là sự thực kéo dài hơn hai tháng nhờ tà tà theo bóng Bác Tôn”.

 

  Mục Lục