16
Được kết nạp đảng viên Đảng
Lao động Việt Nam Có
một câu hỏi với nhiều người, khi biết một trí thức lớn thuộc hàng “Đại
thụ” ngành Y tế Việt Nam đi theo kháng chiến, từ cách mạng tháng tám năm
1945 tại Mỹ Tho. Nhưng “vì sao mãi tới ngày 2 tháng 9 năm 1966, bác sĩ
Trần Hữu Nghiệp mới được kết nạp trở thành đảng viên Đảng lao động Việt
Nam?”(Đảng cộng sản Việt Nam). Và câu chuyện ấy có thể hiểu theo nhiều
góc độ và giả định đầy tính thuyết phục. Nhưng muốn hiểu được chánh xác,
chỉ có bác sĩ Trần Hữu Nghiệp mới có câu trả lời đúng!
Trước hết bỏ qua thời kỳ rèn luyện thử thách, chỉ tính bắt đầu từ ngày
kết nạp cho một đảng viên, hiểu đơn thuần một ai đấy là cái mốc để tính
tuổi đảng, nhưng với bác sĩ Trần Hữu Nghiệp là một chuyện khác, xem như
kỳ lạ hay khó hiểu cũng được?! Trả lời câu hỏi thứ hai, có thể thuyết
phục hơn rằng một người càng cao tuổi đảng, càng thể hiện sự cống hiến?
Nhưng với bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, hình như ông không phải là kiểu người
như thế! Nói cách khác, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp không quan tâm tới một
điều gì, ngoài làm việc cống hiến vì lòng yêu nước! Phải chăng đấy là
một nhân cách lớn của Trần Hữu Nghiệp! Và cuộc đời ông đã chứng minh
điều ấy. Như
đã biết, năm 1945 bác sĩ Trần Hữu Nghiệp đi theo cách mạng. Năm 1946,
cùng các tên tuổi lớn vượt biển ra miền Bắc, báo cáo Trung ương xin chi
viện vũ khí vào chiến trường Nam Bộ kháng chiến, chống thực dân Pháp. Ra
tới miền Bắc bác sĩ Trần Hữu Nghiệp được Trung ương, Hồ Chủ Tịch giữ
lại, rồi giới thiệu tham gia thành lập Đảng Xã hội Việt Nam và là Ủy
viên Ban chấp hành Đảng Xã hội đầu tiên ở Việt Nam. Và đây là bối cảnh,
vì sao Đảng Xã hội Việt Nam ra đời? Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp có bài viết
đăng trên báo Tổ Quốc số 178, ngày 1 tháng 7 năm 1961, khi Đảng Xã hội
Việt Nam tròn 15 tuổi.
“Mười lăm năm về trước, nhân dân
ta vừa giành được độc lập sau cách mạng tháng Tám, dưới sự lãnh đạo của
Đảng Cộng sản Đông Dương và Mặt trận Việt Minh, thì lại phải tiếp tục
cuộc đấu tranh muôn nghìn khó khăn dồn dập. Ở miền Nam thực dân Pháp đã
dựng lên chính phủ bù nhìn Nam Kỳ tự trị, âm mưu chia cắt đất nước ra
làm đôi. Ở miền Bắc giặc Pháp còn chiếm một phần rộng lớn hai tỉnh Sơn
La, Lai Châu và ở tất cả các thành phố lớn, hàng ngày diễn ra cảnh hống
hách, khiêu khích của quân đội viễn chinh Pháp. Hội nghị Fontainebloeu
diễn biến rất gay go. Địch phá ta ở ngoài nước, địch phá ta ở khắp nơi,
khắp mọi lĩnh vực trong nước. Địch âm mưu chia rẽ, lôi cuốn giới trí
thức Việt Nam vào nhiều tổ chức tay sai trá hình. Thế là vào một ngày hè
nóng bức, một nhóm anh chị em trí thức miền Nam có, miền Bắc có, họp
nhau tại thủ đô, trên gác của một căn nhà ở phố Hàng Ngang, bàn bạc thảo
luận và khai sinh ra Đảng xã hội Việt Nam…”. Thật
thú vị, nhưng cũng không có gì ngạc nhiên, 20 năm sau 1966 trong một lớp
học tại Trường Cán bộ Y tế Trung cao, dưới cánh rừng miền Đông Nam Bộ,
ầm ầm tiếng bom, tiếng pháo, tiếng máy bay thét gầm của kẻ thù, bác sĩ
Trần Hữu Nghiệp được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam (Đảng Cộng sản
Việt Nam). Thú vị là gì? Vì Trần Hữu Nghiệp là đảng viên Đảng Xã hội.
Không ngạc nhiên vì, Trần Hữu Nghiệp trong tim mình đã là một đảng viên
Đảng Lao động Việt Nam từ rất lâu rồi! Buổi kết nạp mang nhiều ý nghĩa,
trên thực tế có tính hình thức. Buổi lễ kết nạp hôm đó có nhiều đồng
chí, đồng đội, đặc biệt tham dự cũng có nhiều học trò cũ. Nhà thơ Lê
Giang (ngày đó cũng là Bí thơ chi bộ) là một người như vậy. Chuyện đã
qua rất lâu, giờ nhớ lại có một chi tiết rất vui: “Chuyện về chú Chín
Nghiệp nhiều lắm, nhưng nhớ nhất là buổi lễ kết nạp Đảng cho ông…”. Té
ra cái chi tiết “nhớ nhất” ấy, chính là nhà thơ Lê Giang sợ bác sĩ Trần
Hữu Nghiệp có thể vì xúc động mà khi đọc lời thề không trúng trọng tâm
có khi “trượt dốc”, nghĩ vậy nên nói: “Em soạn cho anh Chín sẵn mấy dòng
lời thề nhé?”. Nghe vậy tưởng ông đồng ý, ai ngờ ông gạt phắt ngay, rồi
đáp: “Không cần, tao tự thề!”. Đúng
là tư chất Trần Hữu Nghiệp. Bí thơ chi bộ Lê Giang ngồi nghe chú Chín
nói lời thề mà nước mắt rưng rưng. Phong thái ông mạnh mẽ, nhưng cũng
tràn đầy cảm xúc. Người nghe cảm giác lời thề của Trần Hữu Nghiệp đâu
ông chỉ có nói cho bản thân mình, ông đang nói hộ thêm cho bao nhiêu
người khác nữa, rất thiêng liêng và tràn đầy hạnh phúc!
Trong ký ức của cô học trò Đoàn Thúy Ba, cũng có cảm xúc như vậy. Năm
1954 Đoàn Thúy Ba tập kết ra Bắc, lần nữa được triệu tập về Trường Cán
bộ quản lí Y tế Trung ương đào tạo lên thành bác sĩ. Năm 1962, Đoàn Thúy
Ba xin trở về Nam công tác, rồi trực tiếp phụ trách bệnh viên Hoàng Lê
Kha của Miền. Năm 1966, Ban dân Y Miền quyết định thành lập Trường Trung
cao, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp lại được bổ nhiệm làm hiệu trưởng, rồi mời
Đoàn Thúy Ba và một số bác sĩ khác đang công tác tại Miền, tham gia
giảng bài các khóa đào tạo bác sĩ. Buổi kết nạp thầy Trần Hữu Nghiệp vào
Đảng, có nhiều học trò là đảng viên trước cả thầy nhiều năm. Và sau nửa
thế kỷ, kỷ niệm ngày được dự lễ kết nạp đảng cho bác sĩ Trần Hữu Nghiệp,
bác sĩ Đoàn Thúy Ba không thể nào quên, thậm chí cô còn nhớ rất chi
tiết, hội trường dù trang trí giản dị nhưng trang nghiêm, có cờ Đảng, cờ
nước, ảnh Bác Hồ và có cả một bó hoa rừng tươi rói đặt trước bàn cử tọa. Khi
buổi lễ bắt đầu bằng nghi thức chào cờ hát Quốc tế ca, tiếp theo Bí thơ
chi bộ hiệu phó Tư Phan lên đọc quyết định kết nạp của Đảng bộ Miền. Đến
phần mời đảng viên mới lên đọc lời thề, Trần Hữu Nghiệp bước lên phía
trước, đưa cánh tay lên cao lòng bàn tay nắm chặt, đầu ngửng cao mắt
nhìn vào cờ đảng, cờ nước và ảnh Bác Hồ. Không khí phòng họp chợt lắng
xuống, khi Trần Hữu Nghiệp
cất tiếng đọc lời thề, giọng ông mạch lạc, mạnh mẽ, từng lời như rút ra
từ gan ruột. Theo
bác sĩ Đoàn Thúy Ba, lời thề thầy Chín Nghiệp không giống như bao lời
thề khác quá khuôn mẫu, cứng nhắc, thiếu sự lay động dẫu những ngôn từ
đó không có gì sai. Với Trần Hữu Nghiệp thật đặc biệt, khi đọc lời thề
mà nước mắt ông rưng rưng. Đúng là ông khóc, ông khóc không phải vì ngày
vào đảng của mình muộn. Khóc còn bởi từ hôm nay ông thực sự là người
đảng viên Đảng Lao động Việt Nam! Và khóc vì hiểu từ ngày 22 tháng 7 năm
1946, ngày tham gia vào Đảng Xã hội Việt Nam thì ông đã là đảng viên
Đảng Lao động Việt Nam rồi! Hai mươi năm để được gọi tên mình là đảng
viên Đảng lao động Việt Nam, với Trần Hữu Nghiệp là một sự chín mùi đích
thực! Trần Hữu Nghiệp là người hiểu sâu sắc Chủ nghĩa Mác – Lenin, Chủ
nghĩa xã hội và con đường Cách mạng Việt Nam đã chọn, độc lập dân tộc,
thống nhất đất nước. Đúng thế, một trí thức được sinh ra từ chế độ cũ
trong thành phần phi vô sản, muốn gần, muốn học, muốn hiểu giai cấp công
nhân là một thời gian dài thử thách, là thời gian “vàng” với bác sĩ Trần
Hữu Nghiệp. Trong nhận thức của Trẩn Hữu Nghiệp, về bước đường sẽ “tiến
lên” của Cách mạng Việt Nam còn bao nhiêu lờ mờ, không rõ rệt, mặc dù cơ
quan ngôn luận của Đảng ta lúc ấy là báo “Tiến Lên”. Để
chứng minh điều ấy, Trần Hữu Nghiệp nhắc lại một lần vinh dự được gặp
Thủ tướng Phạm Văn Đồng, trong một tiệc trà đón chào đồng chí ở Pháp vừa
về trụ sở Đảng Xã hội, một đồng chí trong Ban chấp hành chân thành nói:
“ Xin lỗi, chúng tôi không có được một chỗ rộng rãi hơn, đàng hoàng hơn
để rước khách quí”. Đồng chí Phạm Văn Đồng đáp lại bằng tấm lòng chân
thật: “Trụ sở rộng rãi, nguy nga, không đánh giá được sự lớn mạnh của
một đảng chính trị. Trái lại muốn trưởng thành, Đảng Xã hội Việt Nam lắm
khi cần phải sống và làm việc trong những căn nhà tối tăm, nhỏ hẹp, hoặc
không có trụ sở gì ổn định cả”. Thật là một lời khuyên xác đáng và chí
tình. Đảng ta chỉ tìm ra bước đi càng ngày càng vững chắc, đó là lòng
tin vào dân tộc mình, vào công nông, khi các đảng viên Xã hội cùng toàn
dân dấn thân vào cuộc kháng chiến trường kỳ, kéo dài gần chín năm, sống
không cửa, không nhà ổn định, nay đây mai đó, đi bộ hàng trăm cây số,
cơm ăn nhiều khi chỉ có muối, rau rừng. Chúng ta hiểu dần được pho sách
vĩ đại mà cả dân tộc đang viết ra ở tiền tuyến như ở hậu phương, dưới sự
lãnh đạo của một nhạc trưởng tài tình Đảng lao động Việt Nam. Người “tri
thức cánh tả” chống đế quốc, phản kháng áp bức và nghèo dốt là chúng ta
thuở ấy, dần dần thấm nhuần lý luận cách mạng, đi vào học thuyết “tung
ra bốn phương đều đúng” là Chủ nghĩa Mác – Lênin. Lời
thề của bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, không chỉ rút ra từ đọc trong sách vở mà
còn rút ra từ trong thực tiễn của chính bản thân mình. Trần Hữu Nghiệp
nói: “anh chị em trí thức chúng ta thoát thai từ chế độ cũ, từng học
trên ghế nhà trường tư sản, đã sung sướng phấn khởi, trải qua một giai
đoạn lịch sử nước nhà với nhiều sự vĩ đại, diễn biến với tốc độ nhanh
chưa từng có. Dần dần người trí thức trung thực hiểu rõ ràng các hệ tư
tưởng chính trị khác nhau, chỉ là phản ảnh của giai cấp tính. Và trong
thế giới ngày nay, chỉ có một giai cấp duy nhất nắm được chân lí khách
quan, ấy là giai cấp công nhân! Người trí thức yêu Tổ Quốc, yêu dân tộc,
không thể nhìn vào các hệ tư tưởng ấy như ngắm xem mầu sắc của chiếc cầu
vồng lúc mặt trời mới mọc. Ta chỉ có thể chọn một trong hai con đường:
Màu xám xịt của Chủ nghĩa tư bản, hoặc màu hồng tươi của Chủ nghĩa xã
hội. Hay đúng ra chỉ có một con đường duy nhất, còn lối kia là một cùng
đồ, một cái đáy túi, không nên đặt chân vào dù chỉ muốn thử xem trong
một thời gian, vì đó là cái túi mà chỉ làm cho con người ngày càng mê
muội. Suy nghĩ của bác sĩ Trần
Hữu Nghiệp, bất chợt làm ta nhớ tới Louis Aragon cũng từng viết: “Người
công nhân trở thành cộng sản bởi vì anh ta là công nhân. Người ta gọi đó
là ý thức giai cấp. Nhưng khi mà tất cả tiền đồ
của cái gì thuộc về tư tưởng, văn
hóa, nghệ thuật, được chuyển từ tay một giai cấp suy đồi đến tay một
giai cấp mới, dù cho những bàn tay sau này có phần thô, còn ít kinh
nghiệm, những bàn tay cần cù lao động và từng bị thương tích, nhưng là
những bàn tay trung hậu đang đỡ đẻ cho tương lai thì nhà văn cũng do ý
thức giai cấp mà thay đổi con người, bởi vì giai cấp của anh ta là giai
cấp của những người xây dựng”. Trần
Hữu Nghiệp từng khát khao, và khi đọc những dòng viết ấy của thi sĩ
Louis Aragon lúc còn công tác trên miền Bắc, ngày đang làm hiệu trưởng
trường Cán bộ quản lí Y tế Trung ương tại Hà Nội, càng làm ông như bừng
tỉnh. Giai cấp của những người trí thức trung thực dù xuất thân từ thành
phần xã hội nào, chỉ có thể và phải là giai cấp của những người đang xây
dựng ngày mai! Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp đảng viên Đảng viên xã hội, nhưng
muốn gởi vào Nam đến tận tai anh em trí thức mà lòng yêu nước nhất định
không khác chúng ta, trong ngày Cách mạng tháng tám năm 1945. Đại
thi hào Goethe của Đức lúc sắp ngừng thở, vẫn còn gào thét kêu lên
“Hãy đem tới cho ta ánh sáng”.
Nhưng làm gì có được ánh sáng trong cái xã hội nghẹt thở của chế độ tư
bản, lấy bạc tiền làm mục tiêu và ý nghĩa cuộc đời. Trong chế độ ở miền
Nam những tên giết người ăn gan, giết đàn bà trẻ em, được phong làm
tướng tá, con đĩ thập thành lại bước lên địa vị phu nhân, quả là cảnh
ngục tối ao tù cho trí tuệ và tình cảm của mọi người còn có suy nghĩ?! Cuộc
đời của bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, đã chứng minh thực hiện lời thề của mình
là một đảng viên chân chính. Ông là cây đại thụ của nền Y học Việt Nam,
người trí thức lớn sinh ra và đỗ đạt từ trong chế độ cũ, vì yêu nước bỏ
lại tất cả sự giàu sang, phú quí đi theo cách mạng. Trần
Hữu Nghiệp chấp nhận nằm gai nếm mật vẫn không sờn! Ông cũng là người có
công lớn đào tạo nên nhiều trí thức ngành Y tên tuổi cách mạng sau này,
nhưng bản thân mình không màng tới danh vọng, đãi ngộ, hay cầu mong xin
xỏ đất nước phải cho mình cái gì? Ngày đất nước vừa thống nhất Trần Hữu
Nghiệp tiếp tục đam mê làm việc, bốn năm sau (1979) nghỉ hưu như bao vị
bác sĩ khác, sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh, ngày đó đất nước còn
muôn vàn khó khăn. Để có thu nhập thêm trang trải cuộc sống, bác sĩ Trần
Hữu Nghiệp hàng ngày vẫn đạp xe đạp đến chợ cầu muối xin rau hỏng đem về
nuôi heo, mặc nhiên không một lời chê trách. Một người đảng viên như
thế, mẫu mực như thế, nhưng tới lúc nghỉ hưu không học hàm, không học
vị, chỉ duy nhất có một danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, nhưng cái danh
hiệu ấy cũng không phải do ông yêu cầu mà do những học trò, những người
yêu quí bác sĩ Trần Hữu Nghiệp bỏ công đi làm mới có?! Lời
thề trong lễ kết nạp Đảng năm 1966, tại Trường Cán bộ Y tế trung cao
dưới cánh rừng chiến khu vùng Đông Nam Bộ, ầm ầm tiếng bom, tiếng pháo.
Lời thề rút ra từ gan ruột của bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, vẫn giữ trọn cho
tới ngày tạ thế lung linh đẹp sáng biết bao.
|