6

Những tháng năm đầu tiên đi kháng chiến

 

Đánh dấu cái mốc ngày bác sĩ Trần Hữu Nghiệp tham gia cách mạng, ông viết: “Xuất thân là một thầy thuốc tư, có phòng khám bệnh và một bệnh viện nhỏ ở tỉnh, tôi đã thoát ly đi theo kháng chiến từ năm 1945”. Ta hiểu, nghĩa là khi đó Trần Hữu Nghiệp đã có tất cả những gì mà một đời người mơ ước! Người con trai út của Trần Hữu Nghiệp là Trần Hữu Dũng, sinh ra trong chính căn nhà do ba má mình vẽ, xây dựng tại Mỹ Tho, có mở phòng mạch ở đó, cũng từng viết: “từ hồi sinh ra mới bảy ngày, tôi đã được cho về sống với ông bà ngoại tôi ở Hương Điểm, Bến Tre, sau đó thì dọn sang Mỹ Tho. Không đầy một năm sau khi sinh tôi thì ba tôi đi kháng chiến”. Không đầy một năm sau, tức năm 1945. Nói chính xác, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp bắt đầu tham gia cách mạng vào buổi sáng ngày 23, hồi 7 giờ, nhưng không phải tháng chín, mà là tháng mười năm 1945.

Theo Trần Hữu Nghiệp, hôm đó thị xã Mỹ Tho mới lọt vào tay giặc Pháp. Rõ ràng việc dấn thân vào con đường cách mạng là một quyết định tự nguyện, nên chắc chắn có sự chuẩn bị trước đâu phải là hành động ngẫu nhiên “làm le iêng hùng”, như hồi còn học ở trường công tỉnh Bến Tre năm 1926, khi ấy Chín Nghiệp vẫn còn là một cậu bé 15 tuổi. Mười chín năm sau Trần Hữu Nghiệp là 34, cái tuổi trưởng thành về mọi mặt, biết thời cuộc của dân tộc, nhận ra con đường nào tương lai của đất nước. Phải chăng Cách mạng Tháng Tám là cơ hội đến với Trần Hữu Nghiệp và mình đã không bỏ qua cơ hội ấy?! Sự thay đổi trong nhận thức của Trần Hữu Nghiệp, rất có thể còn đến từ bạn bè, họ là những cán bộ kháng chiến nằm vùng từng hoạt động ở Mỹ Tho, qua họ mà ông hiểu thêm về cách mạng?

Có lẽ nên kể đôi chút câu chuyện sau đây để làm bằng chứng, được nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu con gái ruột nhà thơ Nguyễn Bính kể: “Khi còn hoạt động ở Mỹ Tho, cha tôi và nhà văn Bảo Định Giang từng có gặp bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, rồi họ nhanh chóng trở thành những người bạn tâm giao. Lúc có bệnh cũng có nhờ khám giùm xin thuốc và giúp đỡ tài chánh khi cơ sở khó khăn”. Nếu đúng thế, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp đã tiếp xúc với các nhà thơ, nhà văn kháng chiến từ rất sớm. Trần Hữu Nghiệp gia nhập đoàn Thanh niên Tiền phong, đúng ngày Chính quyền cách mạng làm chủ thị xã Mỹ Tho. Lúc đầu ta cần nhiều ủy viên làm công tác quần chúng, rồi Trần Hữu Nghiệp được chọn đưa vào Ban Tuyên truyền tỉnh.

Thật bất ngờ, với một người như Trần Hữu Nghiệp cảm xúc rất vui khi được cách mạng tin tưởng. “Nhưng không hiểu ai đã giới thiệu mình bỏ nghề thầy thuốc đi làm nhiệm vụ đó, khi mình mới bắt đầu tham gia kháng chiến? Có lẽ người ta thấy mình có cái tật nói to, cường độ âm thanh khi nói đều cao hơn người khác”, Trần Hữu Nghiệp từng nói vậy. Ở cái thời buổi còn khó khăn đủ thứ, chưa có micrô, người như Trần Hữu Nghiệp quả là một ưu điểm. Nhưng dù ai giới thiệu đi nữa, cảm xúc ban đầu của Trần Hữu Nghiệp là vô cùng phấn khích. Rõ ràng cấp trên phải dựa vào uy tín của một trí thức, tài năng, tiếng tăm một “đốc tờ” chữa bệnh giỏi tại thị xã Mỹ Tho mới giao nhiệm vụ! Sau đó Trần Hữu Nghiệp được cử đi nói chuyện nhiều nơi, nhưng trên cương vị này lắm phen khá bốc quá đà tuyên bố: “Có Tết giặc cũng chưa bén mảng tới Mỹ Tho được”.

Té ra, Trần Hữu Nghiệp nghĩ về chuyện xưa để “khẳng định” điều đó. Năm 1861 khi người Pháp mới vào xứ Nam Bộ, cánh quân của thiếu tá Bourdais đi từ Sài Gòn xuống Mỹ Tho, đoạn đường chưa đầy tám chục cây số mà mất một tháng rưỡi, nhưng đi chưa đến Trung Lương thì tên thiếu tá chỉ huy bị toi mạng ở Tân Hương. Thông qua câu chuyện đó, Trần Hữu Nghiệp muốn nói ngày xưa lực lượng ta chưa có gì mà làm được như vậy, nay Cách mạng vừa dành được cả một sư đoàn cộng hòa vệ binh ở miệt Gò Đen - Bến Lức bố phòng giăng sẵn, rồi ở Tân An “hình như” cũng có một lực lượng như vậy. Tên thiếu tá Bourdais chết, sau này khi chiếm lại Mỹ Tho chúng đặt tên cho một đại lộ lớn nằm giữa trung tâm thành phố Mỹ Tho.

Chuyện qua, nghĩ lại thấy vui vui, thú vị. Rằng thời đó làm tuyên truyền sao dễ vậy chứ? Khi đứng lên nói chuyện trước thiên hạ, cứ đưa tin Việt Minh chiến thắng nơi này, chiến thắng nơi kia, rồi chửi Tây và Việt gian thả giàn, bên dưới quần chúng ngồi nghe mắt sáng bừng thích thú, vui mừng vỗ tay rôm rốp. Thế nhưng, Trần Hữu Nghiệp thừa nhận, nhiều hôm trước sau khi tên tỉnh trưởng bù nhìn bị hạ bệ, Ủy ban Nhân dân tỉnh khuyên đồng bào tản cư về nông thôn, nhưng ít ai chịu nghe, vì họ vẫn tin Mỹ Tho từ nay được giải phóng, rồi phố phường cuộc sống vẫn diễn ra êm đềm, và trong việc cù lần đó Trần Hữu Nghiệp thấy mình cũng có phần trách nhiệm.

Vậy là quân Pháp trở lại thật. Chúng đến rất nhanh, khác với dự đoán của Trần Hữu Nghiệp. Pháp chiếm lại Mỹ Tho, sự nghiệp làm Ủy viên tuyên truyền của mình cũng chấm dứt từ ngày 23 tháng 10 là phải! Quân Pháp không đi theo đường bộ từ Sài Gòn xuống như xưa, mà chúng đưa ba chiến hạm do Phó đô đốc Page chỉ huy theo đường biển tiến lên. Năm 1945, lịch sử lại tái diễn y chang như tám mươi lăm năm về trước. Lính Pháp đổ bộ lên cầu tàu lục tỉnh lúc 11 giờ đêm chỉ sau mấy loạt súng nổ, đến sáng chúng đã thả bò lên bờ chở theo ung dung gặm cỏ bên đường. Tin quân Pháp vào Mỹ Tho, quan hộ đốc Nguyễn Công Nhàn quá hốt hoảng bỏ thành chạy mất, ba giờ trước khi quân của đô đốc Page lên bờ. Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp bình tĩnh băng ngang con đường nhỏ, leo rào vào bệnh viện tỉnh, đến phòng ngoại khoa lên giường nằm nhắm mắt đắp mền giả vờ như một bệnh nhân, rồi ở lại đây cho tới lúc im tiếng súng và còn nghe được cả tiếng xí xố ngoài đường sau lúc nửa đêm. Nằm trên giường vừa nghe ngóng, vừa tìm cách thoát ra khỏi thị xã bằng cách nào? Là dân miền Tây ưa nắng, thích ăn mặn, ăn ngon, bơi lội cũng giỏi, thiện nghề câu cá sấu và đánh cọp, Trần Hữu Nghiệp trong huyết quản có truyền thống đó của các bậc tổ tiên, trừ khoản săn cá sấu đánh cọp thì chưa thi thố tài năng bao giờ. Nhưng không lo, thị xã Mỹ Tho tứ bề sông hồ chỉ có hai đường đất nối liền với Kim Sơn và Trung Lương, giặc làm gì quen đường đi lối bước bằng mình, đợi đến đêm sẽ chuồn ngang sông Bảo Định qua làng Đạo Thạnh là xong. Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp nói nghĩ thì vậy, đến sáng hôm sau mọi việc lại diễn ra thuận lợi hơn nhiều, một y tá trong bệnh viện nói chắc tình hình, rồi mượn một chiếc áo bờ lu (blouse) trắng, đội mũ phẩu thuật viên có thêu chữ thập đỏ, tay xách chiếc cặp da đường hoàng tự tin theo đường lớn ra khỏi thị xã Mỹ Tho, đi cùng có một y tá cũng ăn mặc như vậy. Thế nhưng khi đi được một đoạn, bất ngờ gặp một tốp lính Pháp gác đường, bọn này tay cầm súng lăm lăm nhìn thấy Trần Hữu Nghiệp và người y tá, hắn giơ tay lên ra hiệu dừng lại, rồi một tên hỏi:

-         Đi đâu?

Trần Hữu Nghiệp lướt qua vài giây suy nghĩ, cố trả lời giọng nói và văn phạm gò sao cho ngon nhất:

-         Xóm trên có bệnh nhân cần cấp cứu.

Bọn lính vẫn khả nghi, rồi lục soát cặp da đang cầm trên tay Trần Hữu Nghiệp, chúng thấy có ống nghe, bông băng, cùng một số thuốc. Tên thiếu úy người Pháp có đôi mắt màu hạt dẻ bấy giờ mới hạ giọng mềm hơn, nói:

-         Xin lỗi.

Chưa hết, hắn còn khiến Trần Hữu Nghiệp bất ngờ đứng nghiêm rập đôi giày cái rụp chào, và nói tiếp:

-         Xin mông-xừ đốc-tờ cứ đi đi.

Thoát được lính Pháp với “lễ tiễn đưa” rất lịch sự, nhưng về được tới khu căn cứ bên ta lại không thoải mái chút nào. Theo Trần Hữu Nghiệp sau này trong hồi ký của mình bằng giọng văn hài hước: “Tôi bị giam một đêm, dù anh em vẫn phục vụ cho ăn đầy đủ, nhưng cả tối đó đoàn quân muỗi tha hồ đốt đau thấy mồ, nên không nhắm mắt nổi”. Vì sao Trần Hữu Nghiệp lại lâm cảnh này? Số là theo kế hoạch khi chiến sự xảy ra, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp được phân công phụ trách Trạm Cứu thương số 3 của tỉnh, nằm bên kia sông Tiền thuộc quận An Hóa. Ở đó có một đồng nghiệp đang nằm ngáp ruồi chờ đợi, vì cũng chưa có chiến thương nào chở đến. Hai ngày lội bộ từ Mỹ Tho lên tới Kim Sơn nhờ ghe sang sông, rồi lại chở xuống Phú An Hòa vừa tới nhiệm sở mới thì bị công an bắt. Không ai xa lạ, nhìn người Trưởng công an xã Trần Hữu Nghiệp hỏi ngay:

-         Anh quên tôi rồi ư? Cách đây hai tuần tôi có đến nói chuyện tại đình làng với anh Nguyễn Văn Tiếp, Chủ tịch tỉnh. Sau đó các anh cho tôi ăn bún cay với cary gà đó?

Người trưởng công an xã đáp, mặt tỉnh queo:

-         Làm sao quên ông được. Năm ngoái tôi có chở vợ đến cho ông chích thuốc. Nhưng giờ ông phải cho tôi xem giấy chứng minh rằng ông quả là ông!

Thật bực bội quá sức, cái cha này biết rõ Trần Hữu Nghiệp mà còn hỏi giấy tờ, giấy chứng Trần Mỗ quả thật là Mỗ, vì không có nó bị bắt giam giữ suốt buổi chiều đến sáng hôm sau. Nhưng suốt thời gian bị bắt, người công an xã sau đó đi vắng chắc là đi trình chỉ thị ý kiến cấp trên, ở lại trông coi Trần Hữu Nghiệp là một nửa tiểu đội tự vệ chỉ một cây súng mút tông canh chừng. Đến trưa Trần Hữu Nghiệp được thả tự do đi về trạm y tế cách đó chỉ vài trăm mét, kỳ cục nhất thả bắt người lầm lỗi vậy, nhưng vẫn không một lời xin lỗi. Chuyện ấm ức đó, Trần Hữu Nghiệp giữ khá lâu đôi khi ngồi bù khú với bạn bè trong rừng cũng thường đem ra nhắc lại. Nhưng rồi nghĩ về Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, ngày xưa bỏ nhà ra đi mang theo thắc mắc về cuộc đời, phải trải qua nhiều năm khổ hạnh, ngồi suy nghiệm dưới gốc cây bồ đề lâu đến nỗi quạ đến xây tổ trên đầu không hay, cuối cùng mới tìm ra được lời giải thích đáng. Té ra so với ngài, chuyện của Trần Hữu Nghiệp: “Tôi may mắn hơn ngài nhiều, vì ánh sáng đã bùng lên khi tôi được học Duy vật biện chứng, Duy vật lịch sử, rồi tự liên hệ sách vở với cuộc đời”.

Cái bực tức rồi cũng được giải tỏa, Trần Hữu Nghiệp nhận ra có phần khuyết điểm của mình. Số là nửa tháng trước Trần Hữu Nghiệp đi diễn thuyết khi cách mạng vừa cướp được chính quyền còn thắng thế, khí thế còn tưng bừng, kẻ thù đang hoang mang, nói chuyện tha hồ hưu vượn. Nhưng giờ đã khác, bên kia sông Tiền quân Pháp đóng đồn bót theo đường chim bay chỉ vài cây số, nếu lộ bí mật mà chúng phát hiện ra là nã pháo cái bùm. Bấy giờ càng thấy trưởng công an xã làm vậy là đúng. Đúng, vì sau khi Trần Hữu Nghiệp đến xã ít hôm, cái anh bác sĩ hôm nọ cùng đi cùng chung sống công tác trước đó, hai người lừa được tên thiếu úy Pháp đi thăm bệnh bà con trong xóm, giờ lại chính anh ta lừa “quân mình” cũng nói mình đi thăm bệnh bà con ở ngoài sát bờ sông, thế là dông tuốt về thành. Thật may, sau mấy chục năm sau gặp lại mới biết anh ta bỏ kháng chiến trở về, chỉ vì nước mắt phụ nữ làm trái tim anh tan chảy, bữa đó chị vợ liều mình bơi xuồng trong đêm vượt qua nguy hiểm của giặc đón anh ta về. Thế nhưng trường hợp đó còn có thể chấp nhận được, cuộc tháo chạy của anh ta không phải ý thức “xà phòng”. Trở về Mỹ Tho anh mở phòng mạch, không làm gì phản cách mạng còn săn sóc sức khỏe cho nhiều gia đình bạn bè ra đi kháng chiến.

*

Ngày bác sĩ Trần Hữu Nghiệp mới tham gia cách mạng, ông còn nhiều kỷ niệm vui về cách dùng từ xưng hô sao cho phù hợp, khi vất vả từ trong thành phố Mỹ Tho ra “đụng” ngay người xã trưởng Công an. Anh ta gọi Trần Hữu Nghiệp là “ông”. Trần Hữu Nghiệp cảm giác mình bị “xúc phạm”, nếu anh ta gọi tụt xuống xíu là “anh” chắc sẽ dễ chịu hơn, và có thể gọi bằng “đồng chí” thì hoàn toàn yên tâm. Nhưng Trần Hữu Nghiệp sống quen ở cái xã hội thuộc địa, từ anh hay ông là phổ biến, nơi giai cấp tư sản đang nắm quyền hành. Trần Hữu Nghiệp là một thầy thuốc đều được gọi là “ông” (monsieur), hay “đốc tơ của tôi” (mon docteur). Xưng hô như thế thì được quá rồi.

Sau này trở thành trí thức cách mạng học triết học Mác-xít, được dạy phép biện chứng nghĩ về cách xưng hô đều có căn nguyên, chỉ rõ mỗi chế độ thống trị đã qua đều để lại cách xưng hô đặc thù của giai cấp ấy. Hai tiếng “túc hạ” nghĩa là (dưới chân), có lẽ là di sản của thời kỳ nô lệ xa xưa. Trong chế độ phong kiến, nó sản sinh ra những từ như “quan” và “ngài”. Chế độ Tư bản thông dụng nhất là “ông”, và khi giai cấp công nhân xuất hiện trên vũ đài chính trị hai tiếng “đồng chí” cũng ra đời từ đó đến ngày nay, nó cũng trở thành phổ biến thường xuyên trên cửa miệng trong quan hệ quốc tế ở các nước Xã hội chủ nghĩa. Do đó đi vào chế độ mới, mà cứ mang theo cách xưng hô “cổ” lắm khi bất lợi là phải. Cách mạng Tháng Tám không phải chỉ uốn nắn lại cách xưng hô mà còn đem ánh sáng, soi rọi vào mọi tác phong cử chỉ thịnh hành ở chế độ cũ.

Đi với cách mạng về sau, Trần Hữu Nghiệp càng vỡ ra nhiều lẽ như chuyện cũ ngày mới tham gia kháng chiến đi làm Ủy viên tuyên truyền, nhiều lần đứng trên diễn thuyết bài nói chuyện xong được vỗ tay nhiệt liệt, nhưng không bao giờ vỗ tay theo. Trần Hữu Nghiệp ngạc nhiên vì chuyện đó, và hậu quả là lãnh đủ. Trong khi có nhiều lần cũng chứng kiến một đồng chí cán bộ được mời lên nói chuyện, bà con vỗ tay tán thành người đó bước ra vừa đi cũng vừa vỗ tay. Trần Hữu Nghiệp cảm giác sao thật kỳ cục, bao đời có ai lại tự mình vỗ tay hoan nghênh chính mình? Lâu rồi Trần Hữu Nghiệp nhận ra không phải vậy, anh cán bộ vỗ tay là thể hiện tình hòa đồng và rồi trở thành thông lệ. Trần Hữu Nghiệp đã thay đổi nhận thức, vì trong các tiêu chuẩn đạo đức đấy là tính quần chúng, cùng vui, cùng buồn và cùng hoan nghênh. Khi anh ta nói chuyện mà cử tọa vỗ tay, thì chính sự việc đó hay chuyện đó gây ra, chớ đâu phải cá nhân anh ta?! Cho nên người nói cũng cần vỗ tay, để hưởng ứng tình cảm cùng người nghe là hợp lý.

Theo kháng chiến so với lúc còn ở trong thành Mỹ Tho, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp nói “ăn không ngon bằng, mặc giản dị hơn, nhưng luôn được xếp vào hạng được ưu tiên hưởng sự bảo vệ và chăm sóc của đồng bào, ăn mâm trên, ngồi hàng ghế đầu, trong lòng chân thành không chút màu mè”. Những lần đụng độ đầu tiên với máy bay địch, cũng là thử thách không hề nhỏ nếu không kiên định. Cụ thể có một lần cơ quan tổ chức nghe thời sự quốc tế và tình hình trong nước xong, Trần Hữu Nghiệp cùng một người bạn lên xuồng chèo ra về, trong lòng bấy giờ vô cùng lạc quan phấn khởi trước tình hình mới. Bỗng nhiên xa xa nghe có có tiếng máy bay do thám địch, rồi chỉ vài giây sau một con đầm già xuất hiện trên đầu. Lập tức cả hai lủi xuồng vào tàn cây kiên nhẫn chờ. Tiếng vè vè của máy bay lẫn trong tiếng sóng nước nghe ọp ạp như bàn tay vỗ, anh bạn hứng chí giao ước làm hai câu thơ, rồi anh ta xung phong làm trước:

-         Việc nước nghe xong mới bước ra”. - Đọc xong, anh ta nói:

-         Tới mày đó.

Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp tiếp câu sau:

-         Đầm tơ không sợ, sợ đầm già!

Anh bạn vỗ đùi kêu toáng lên:

-         Hay.

Trần Hữu Nghiệp thừa cơ nói tiếp:

-         Mày thua rồi, phải chèo xuồng về nghe chưa.

-         Chuyện nhỏ!

Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp có những người bạn như thế, thử thách thật ra giai đoạn đầu chưa khốc liệt bằng sau này, nhưng có những giây phút lạc quan, yêu đời, tự tin vào cách mạng. Tuy nhiên cũng không ít bạn bè Trần Hữu Nghiệp, không chịu nổi tiếng kêu gọi đẫm nước mắt của người đẹp, người vợ ở quê, trong thành thị mà bỏ cuộc giữa chừng. Rồi lại ứng khẩu nhả thơ:

Bao nhiêu tráng sĩ mà bỏ cuộc

Suy ra cũng bởi tại đàn bà.

Anh bạn vừa chịu phạt, đang chèo xuồng thích quá khen rối rít:

-         Ý đấy khá, nhưng thiếu tính cách đấu tranh, rồi sửa lại câu chót: “Nước mắt phụ nữ, ố là là”.

Nói xong anh bạn còn giải thích thêm. - Đúng theo điều ấy khi “bà đầm” khóc, thì cử chỉ phản đối là ông phải đưa hai tay lên cao, lắc đầu và “ố là là”.

Bài thơ tứ tuyệt năm xưa thiếu niêm luật, cũng chẳng hay ho gì, nhưng ý tứ không tồi, vì nó nói lên thực trạng hồi bác sĩ Trần Hữu Nghiệp mới tham gia kháng chiến, cám dỗ của cuộc sống đầy đủ, tiếng gọi của tình yêu, nỗi nhớ vợ, thương con, cộng với chiến trường ác liệt, gian khổ, vậy niềm vui lạc quan cũng là điều cần thiết.

   Mục Lục