Trích

Hồi Ký Tống Văn Công


 

NHÀ VĂN SƠN NAM, CỘNG TÁC VIÊN ĐẦU TIÊN

 

Báo Lao Động Mới chuẩn bị xuất bản số đầu tiên đúng dịp kỷ niệm Cách Mạng Tháng Tám. Anh Sơn Tùng (nguyên Tổng thư ký báo Đại Dân tộc của anh Võ Long Triều), thư ký tòa soạn' mời nhà văn Sơn Nam viết bài về ngày lịch sử này. Nghe giới thiệu tôi là tổng biên tập, anh ôm chầm lấy khen, “trẻ quá, giỏi lắm”. Tôi nói, trẻ gì nữa anh, bốn mươi ba tuổi rồi! Tôi khoe, đã biết anh từ khi anh là Phạm Anh Tài. Anh ngạc nhiên hỏi tôi thời chống Pháp ở đâu, làm gì. Khi biết tôi công tác ở Trạm 23, anh nói mình có qua trạm đó. Tôi lại khoe, đã viết cho báo Nhân Dân Miền Nam và đã dự buổi lễ công bố giải nhất cho cuốn “Bên rừng Cù lao Dung” của anh. Anh nói, họ có mời nhưng mình không đi, gần một tuần sau mới biết truyện được giải. 

Anh không mang theo tài liệu, cây bút cũng không có. Anh hỏi tôi cho anh một chỗ ngồi, cây bút bi và vài tờ giấy trắng. Đến 11 giờ 30 tôi mời anh nghỉ, ăn bữa “cơm tập thể” với anh em ký giả, rồi viết tiếp. Anh nói, cho mình chậm năm phút cho xong bài.

Tôi vô cùng ngạc nhiên, vì bài viết của anh ghi rõ nhiều tên người, nhiều đơn vị, những ngày tháng nối tiếp cho đến khi khởi nghĩa. Một trí nhớ phi thường! Sau bài kỷ niệm “Cách mạng Tháng Tám”, chúng tôi còn đặt anh viết những dịp kỷ niệm ngày Nam Bộ kháng chiến, Nam kỳ khởi nghĩa, Toàn quốc kháng chiến... Anh cũng đến tòa báo với tay không như thế. Anh nổi tiếng với “Hương rừng Cà Mau”, “Lịch sử khẩn hoang miền Nam”, “Văn minh miệt vườn”, “Cá tính miền Nam”... Anh được xem là một nhà Nam Bộ học. 

Có lần tôi hỏi anh đánh giá thế nào về tiểu thuyết “Hòn Đất” của Bùi Đức Ái (Anh Đức). Nhà văn Anh Đức thời chống Pháp chưa có tên tuổi gì. Anh nói, nó thuộc loại truyện minh họa cho chánh trị thôi, bố cục không chặt, nhiều chi tiết khó tin. Tôi kể với anh, quyển này được Tố Hữu gọi là “Hòn Ngọc” của văn học Việt Nam. Anh cười, nếu Tống Văn Công bảo một nhà phê bình văn nghệ nào đó nhận xét như vậy thì mình ngạc nhiên, chớ còn ý kiến của một ông chính trị thì khỏi bình luận.

Ngẫm nghĩ một chút, anh lại hỏi, Công nè, ngoài Bắc sao không thấy các nhà phê bình văn nghệ nhận xét tác phẩm mà chỉ thấy mấy ông chính trị chê thế này, phán thế kia. Quyển sách, bài thơ bị Tố Hữu, Trường Chinh chê thì tác giả của nó cũng coi như bị nghỉ chơi. Cả xã hội phải im re, không ai dám bào chữa. Tôi bảo anh, tình trạng đó đã có từ thời bưng biền Nam Bộ kháng chiến, do anh không bao giờ đi họp cho nên không nghe đó thôi.  Tôi nhắc lại chuyện các ông Hà Huy Giáp, Lưu Quý Kỳ chê bài nhạc “Tiểu đoàn 307” lai Tây không cho giải mà chọn bài Tự túc cho giải nhất. Họ chê truyện Kén rể của Ngũ Yến không có lập trường giai cấp và họ khen truyện thơ “Chú Hai Neo” của Nguyễn Hải Trừng theo thể lục bát, nôm na, chất văn học còn kém xa “Lục Vân Tiên”. 

Hồi đó, anh ở Gò Vấp quá xa trung tâm thành phố. Tôi luôn bận nhiều việc rồi sau đó ngồi ở Hà Nội nhiều hơn Sài Gòn, nên không tới thăm anh.

Một lần tại cơ quan miền Nam báo Lao Động, hai anh em gặp nhau sau nhiều năm, cùng ngồi uống trà, bù khú chuyện đời. Anh bảo, mình nói điều này Tống Văn Công đừng đưa lên báo nha, có hứa vậy không để mình nói? Tôi cười, anh Sơn Nam mà cũng biết sợ à? Anh đáp, sao không sợ? Lớn cỡ Nguyễn Tuân còn sợ thì Sơn Nam nhằm nhò gì!Tôi xin hứa, rồi im lặng chờ đợi. Anh hạ giọng gần như thì thầm: “Bao giờ văn nghệ còn chịu sự lãnh đạo của Đảng thì chẳng có tác phẩm nào ra hồn đâu”!Tôi cười lớn bảo, lẽ ra anh không nên dặn tôi đừng đưa lên báo mà dõng dạc yêu cầu: “Tớ có ý kiến này, Tống Văn Công ghi cho chính xác rồi đăng ngay lên báo cho mọi người đọc”!Anh ngẫn người một chút, rồi cười hăng hắc, vậy ra Tống Văn Công cũng nhát như Sơn Nam à?