Suy Nghĩ Về Tín Ngưỡng Của Đa Số Người Việt
Trương Quang Đệ
Trong những cuộc chuyện trò với người nước ngoài ta thường gặp câu hỏi
“:Bạn theo tôn giáo nào?”, nhiều người lúng túng không biết trả lời ra
sao. Nói là “vô tôn giáo” hay “vô thần” thì sợ gây sốc, vì nhiều người,
đặc biệt những người theo Hồi giáo không hình dung nổi ai đó “trần trụi”
không có tín ngưỡng. Nếu vô thần thì khi gặp chuyện khó khăn nguy nan
người ta cầu nguyện thế nào, chỗ dựa tinh thần ở đâu? Bản thân tôi nghĩ
đến chuyện mình thỉnh thoảng đi chùa, vài lần ngồi nghe tụng kinh, thời
nhỏ có qui y mặc áo vàng nghệ, đeo bùa, khi gặp khó thì như mọi người
xung quanh, tôi cầu Trời khấn Phật, nên trả lời một cách vô tư là mình
theeo Đạo Phật. Trả lời xong rồi thì suy nghĩ xem mình có noi đúng
không. Bỏi lẽ mình mù tịt về lý thuyết Phật giáo, cả đời chẳng chay tịnh
gì, vào chùa không phân biệt được tượng nào với tượng nào vv. Những năm
30-40 thế kỷ trước, linh mục L.Cadière trong tạp chí BAVH (Đô thành hiếu
cổ) đã nhùn vấn đề tôn giáo người Việt một cách sắc sảo, khoa học. Theo
vị linh mục đáng kính này, tín ngưỡng nền tảng của người Việt là tin
rằng những người đã khuất vẫn còn linh hồn ở lại dương gian, từ đó sinh
ra việc thờ cúng tổ tiên, và từ việc thờ cúng tổ tiên sinh ra việc thờ
cúng các vị thần thánh khác. Linh mục nhận xét rằng người Việt dễ hòa
đồng vào một tôn giáo khác nào đó, miễn là tôn giáo ấy thờ một vị thần.
Người Việt sùng kính Đức Phật, Chúa Giê Su cũng như các bậc thánh nhân
như Quan Công, Phù Đổng…
Các nhà nghiên cứu văn hóa Việt từ thời các cụ Phạm Quỳnh, Bùi Kỷ, Trần
Trọng Kim, Đào Duy Anh…đến các học giả thời nay đều nói rằng nền tảng
văn hóa Việt là Nho-Phật-Lão. Về Nho gíao ai cũng
hình dung được nội hàm các từ ngữ Trung, Hiếu, Tiết, Nghĩa và từ
đó sinh ra tục lệ thờ cúng tổ tiên và các anh hùng tử sỹ. Nho giáo còn
cho ta khái niệm Ông Trời, vị thánh tối cao định đoạt số mệnh ở dương
gian. Câu thơ của Lý Thường Kiệt “Tiệt nhiên định mệnh tại thiên thư” có
nghĩa là phạm vi lãnh thổ được ghi vào Sách Trời, nước này đi chiếm nước
kia là trái lẽ Trời. Về Phật thì có các biểu hiện như đi lễ chùa, ăn
chay, niệm Phật…Bên cạnh đó còn có tín ngưỡng dân gian thể hiện qua hình
ảnh ông Bụt thường hiện ra giúp đỡ kịp thời những ai gặp hoàn cảnh khó
khăn nguy hiểm. Còn Lão thì được thể hiện như thế nào? Tôi thường đặt ra
cho nhiều người câu hỏi đó mà không ai nói được mạch lạc cả. Cách đây
mấy hôm tôi đến hội sách ở
đường Lê Thánh Tôn, Quận 1, TP HCM, tình cờ mua được cuốn “Đạo giáo” của
Trần Trọng Kim do Nhà Xuất Bản Tổng Hợp TP HCM phát hàng năm 2018. Thật
đáng kinh ngạc khi thấy vào những năm 20-30 thế kỷ trước, các học giả
như cụ Trần Trọng Kim đã viết sách báo phân tích rõ đạo Lão, đạo Phật
tinh túy ra sao, biến tướng ra sao. Theo sách “Đạo giáo” nói trên, lý
thuyết ban đầu của các vị Lão tử, Liệt tử, Trang tử rất cao siêu nhằm
đưa ra những phán đoán về vũ trụ và nhân sinh. Về vũ trụ quan, Đạo là
nhân tố nguyên thủy từ đó sinh ra tất cả: trời, đất, cây cỏ, thú vật,
người. Điều này chẳng khác gì giả thiết Big Bang của thiên văn học ngày
nay. Giả thiết Big Bang lại được nhà toán học Anh John Coway với chuỗi
“look-and-say” chứng minh là hợp lý và có cơ sở khoa học. Về nhân sinh
quan, do chán ngán với những ham hố danh vọng lợi ích làm con người độc
ác với nhau thành ra Lão Tử đề xuất thuyệt vô vi. Phần cao siêu này ít
được thể hiện trong đời sống vật chất và tinh thần của ta mà một biến
thể của Lão giáo do các đạo sỹ đời sau dựng nên mới có ảnh hưởng sâu
rộng. Đó là Đạo Thần Tiên.
Dưới đây là trích đoạn từ sách của Trần Trọng Kim:
“….Còn về đường tín ngưỡng của
Đạo Thần Tiên thì từ đời Tống trở đi, đạo ấy đã thành ra hình thức nhất
định.Trên có Ngọc Hoàng Thượng Đế là chủ tể cả thế gian, dưới có chư
tiên và bách thần giữ các chức vụ cũng tương tự như
vua quan dưới trần ta vậy. Thế gian chia ra làm ba khu là Thiên
Đình, Âm Phủ và Thủy Phủ. Trên Thiên Đình thì có Tứ Đại Thiên Vương, Nhị
Thập Bát Tú, Lôi Thần, Điện Thần, Vũ Thần, Vân Thần, Phong Thần, các vị
ấy coi việc trên trời, việc làm mưa làm gió. Còn những thần coi việc
dưới trần thì có Nam Tào chủ việc sinh, Bắc Đẩu chủ việc tử, Ngũ Phương
Thần, Tứ Thời Thần, Đương Niên Thần, Đương Cảnh Thần, Thành Hoàng Thần,
Thổ Công, Táo Quân đều là các vị thần chuyên coi về việc làm ăn, hành
động của người ta.
Ở Âm Phủ thì có Thập Điện Diêm Vương coi về việc người chết và cứ theo
cái công quả thiện ác mà báo ứng.Đây là bắt chước Đạo Phật mà đặt ra cho
nên lại có Địa Tạng Vương là môn đệ của Phật lập ra một tòa riêng để ai
chết xuống phải vào đấy, hễ không phải người nhà Phật thì giao sang cho
Diêm Vương xét xử.
Ở Thủy Phủ thì có Tứ Hải Long Vương, cai quản mọi việc ở dưới bể.
Diêm Vương và Long Vương đều thuộc quyền Ngọc Hoàng cả,. Và ngoài những
thần đã kể trên lại có những thần như Văn Xương Đế Quân chủ về việc văn
học, Quan Thánh Đế Quân chủ về việc võ học.
…..Các vị thần tiên giúp vua Ngọc Hoàng để thống trị thế gian đều có
pháp thuật cao cường mà trừng trị những giống yêu quái hay quấy nhiễu
nhân gian…..”
Đoạn bình luận sau đây của cụ Lệ Thần rất đáng chú ý vì tính nóng hổi
thời sự của nó:
“Đại để sự tin tưởng bên đạo thần tiên hiện bây giờ còn là thế cả. Nhưng
đây là việc quỷ thần, ta là người trần làm sao mà biết được? Tất phải có
một hạng người trên có thể thông với quỷ thần nà dưới có thể chỉ bảo dân
chúng biết. Hạng người ấy là bọn đạo sĩ có phù chú, có ấn quyết, có thể
gọi được quỷ thần, trừ được yêu quái và xua đuổi được ma quỷ. Những phù
chú và ấn quyết thường là ở Ấn Độ theo Đạo Phật sang đất Tàu, bọn đạo sỹ
mới mượn lấy để làm nghề riêng của mình, cho nên trong những câu chú
thường hay có tiếng Ấn Độ lẫn với tiếng Tàu. Lắm khi người đạo sỹ miệng
đọc chú tay bắt quyết mà không hiểu ý nghĩa gì. Nhưng có cần gì hiểu hay
không hiểu? Càng không hiểu lại có lắm người tin. Ấy là cái tâm lý của
loài người rất lạ như vậy. Bọn đạo sỹ nhờ cái ngu dại của người đời mà
làm nghề kiếm ăn của mình. Ai đau ốm cũng vì ma vì quỷ, có tai nạn gì
cũng tại thần tại thánh. Một ngày là một làm thêm sự mê tín của dân gian
lên.”
Lời bình của học giả Trần Trọng Kim khiến ta sáng tỏ nhiều điều. Chẳng
hạn trong Tây Du Ký của Tàu, Đường Tăng, nhà tu hành chân chính của Phật
giáo luôn bị yêu quái đủ thứ quấy nhiễu rồi được các vị thần ở Thiên
Đình hay Đức Như Lai và Quan Âm Bồ Tát ở Cõi Phật giải cưu. Sách viết về
Phật nhưng tác giả là người
theo Đạo Thần Tiên biến tướng. Ngày nay ở ta cũng vậy, các chùa chiền
Phật giáo kiểu chùa Ba Vàng bày chuyện dâng sao giải hạn, cầu vongvv là
thực thi Đạo Thần Tiên tiêu cực chứ đâu phải chính thống nhà Phật. Còn
Đền Trần gieo ấn thì đúng là thực thi hành vi mê tín của Đạo Thần Tiên.
Trở lại với hoàn cảnh của những người không có đạo như bản thân tôi. Khi
khai trong giấy tờ chính thức như hộ khẩu, căn cước, lý lịch..thì viết
chữ “Không”: vào khung tôn giáo. Khi nói chuyện tôn giáo với người nươc
ngoài thì tự cho mình là Phật giáo. Nhưng trong chiều sâu tâm tư luôn
cảm hấy mình theo một thứ đạo vô danh tàng ẩn trên cơ sở văn hóa
Nho-Phật-Lão. Con người nho-phật-lão ấy hiện tại phải làm gì với cái văn
hóa cổ truyền của mình? Về Nho giáo nên giữ lại cái hay trong việc tu
thân tích đức, yêu quí chữ nghĩa, trân trọng thánh hiền, sống với những
lời răn dạy như “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”, những nhận
định như “phi thưuơng bất phú” và những gì đã thâm nhập vào lời ru con
như “Công cha như núi Thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha., cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”. Bên cạnh
đó phải biết loại trừ những gì liên quan đến ý thức hệ phong kiến như
nghĩa vụ “tam tòng tứ đức” đối với phụ nữ, quan chức với tính cách
“dân chi phụ mẫu”, trọng nam khinh nữ “nhất nam viết hữu thập nữ
viết vô”….Ngoài ra còn phải cảnh giác với những phương châm nập mờ không
biết đúng sai như “Tiên học lễ, hậu học văn”.
Về Đạo giáo hay Lão giáo con người nho-phật-lão hiện đại nên tìm hiểu vũ
trụ quan hợp với khoa học, nhân sinh quan khinh người ham hố công danh,
quyền lợi, nguồn gốc cái ác. Bên cạnh đó phải tránh xa cái biến tướng
thần tiên nhảm nhí. Ta có thể giữ lại và trân trọng các huyền thoại về
Thiên Cung, Âm Phủ, Thủy Phủ như ta vẫn trân trọng tích Lạc Long Quân –
Âu Cơ hay Phù Đổng Thiên Vương. Hình ảnh các vị táo quân, thành hoàng,
thổ địa rất gần gũi với ta
và ta phải quí mến họ.
Nếu một ngày nào đó đạo của ta không còn vô danh nữa thì nên đặt cho nó
tên gì. Theo tôi ta sẽ gọi nó là COBUTA từ ghép viết tắt của Nho giáo =
Confucianism, Phật giáo = Buddhism và Lão giáo = Taoism.
Viva Cobuta!
|