Vài Suy Nghĩ Về Thơ Văn Hoàng
Ngọc Biên
Trương Quang Đệ
Tôi hết sức vui mừng khi đọc được bài “Hoàng
Ngọc Biên, quê hương, người về” của anh Huỳnh Như Phương đăng trên
trang viet-studies.net của
Trần Hữu Dũng ngày 17/5/2019 vừa qua.
Bài viết giới thiệu một cách ngắn gọn nhưng đầy đủ về cuộc đời
nghệ thuật của người bạn đã ra đi. Dầu khá gần gũi với Hoàng Ngọc Biên
trong nhiều năm, tôi vẫn giật mình không hiểu tại sao mình không nhận
thức được chính xác tầm cỡ của người nghệ sỹ độc đáo này. Tôi nghĩ bài
viết của anh Huỳnh Như Phương có thể gợi ý cho những bạn trẻ trong ngành
lý luận phê bình văn học hay các nghiên cứu sinh ngữ văn một số đề tài
khá hấp dẫn như sau:
- Trường phái văn học Pháp Nouveau Roman (Tiểu thuyết Mới) ảnh hưởng đến
phong cách sáng tác văn học (hay kỹ thuật viết)
của Hoàng Ngọc Biên như thế nào.
- Tìm hiểu “dòng ý thức” (hay “xu hướng trí tuệ”) trong sáng tác văn học
của Hoàng Ngọc Biên.
- Cấu trúc thực tại ảo trong thơ Hoàng Ngọc Biên và sự tiếp cận bản thể
học.
Thực vậy, trong lĩnh vực văn xuôi, Hoàng Ngọc Biên là nhà văn hiếm hoi
có bản sắc riêng về tư duy và về
kỹ thuật viết hay phong cách sáng tác. Những tác phẩm: Đêm
ngủ ở tỉnh, Buổi sáng, Một góc phố, Thành phố dốc đồi, Quê hương, Người
về, Người đạp xe vào thành phố buổi sáng, Vè giữa mùa hè (tiểu
tthuyết)…. làm ta mang máng nhớ đến Nguyễn Tuân với những thiên tùy bút
nổi tiếng của ông. Nhưng trong Nguyễn Tuân ta còn thấy cốt truyện với
những diễn biến có đầu có đuôi như Vang Bóng Một Thời hay
Chén trà trong sương sớm. Với Hoàng Ngọc Biên, ta thấy có người có
cảnh nhưng tuyệt nhiên không có cốt truyện. Mọi thứ đều do nội tâm mà
ra. Chẳng hạn trong “Đêm ngủ ở tỉnh” tác giả thức đêm nghe
tiếng súng từ xa vọng về và tiếng đại bác từ châu thành bắn ra rồi những
tiếng súng ấy lọt qua khe cửa lay động những đồ vật mơ hồ trong đêm. Chỉ
có thế nhưng người đọc buộc phải liên tưởng đến bao nhiều điều mà chiến
tranh mang lại. Không nói không rằng, tác giả lên án chiến tranh, trăn
trở với thân phận con người. Tôi nhớ lại một cuốn phim tài liệu Thụy
Điển về Thế chiến thứ hai. Trước khi xem mình hình dung nào là bom đạn,
nào là thành phố đổ nát, nào là các đội quân nhếch nhác trong chiến hào.
Nhưng phim chỉ cho thấy một cửa sổ có rèm che, lờ mờ trong ánh đèn leo
lét. Hai bóng người, một nam một nữ khi đứng khi ngồi khi cử động khi
yên chỗ. Người xem cảm nhận được hai bóng người kia thể hiện điều gì: sợ
hãi, sững sờ, đột nhiên vui rồi thất vọng ê chề…Tất cả là một cuốn phim
câm. Hoàng Ngọc Biên cũng vậy, cũng muốn làm phim câm, không nhiều lời
mà truyền đạt thật nhiều xúc cảm.
Cũng thật đáng ngạc nhiên khi Hoàng Ngọc Biên trong những năm 60 thế kỷ
trước đã bắt nhịp được với khái niệm thực tại theo kiểu F. De Saussure:
Còn xa mới có chuyện sự vật đi trước cách nhìn, chính cách nhìn tạo ra
sự vật. Theo Huỳnh Như Phương, trong lời giới thiệu công trình “Mười
nhà văn Pháp hiện đại” , Hoàng Ngọc Biên trích lời M. Proust “Thực
tại đích thực là ở nội tâm” và câu của họa sỹ Paul Klee “Nghệ thuật đúng
với tên gọi đó không tạo ra cái để nhìn: nó phác họa những con mắt”.
Trên cơ sở những ý tưởng ấy, Hoàng Ngọc Biên nêu nhận xét riêng của
mình: “Mấy chục năm trước Proust đã phát biểu đâu đó rằng vấn đề đặt ra
không phải là thực tại (hay mơ mộng ) nữa mà là lối diễn đạt thực tại
bắt nguồn từ cái nhìn của chúng ta”. Trường phái “dòng ý thức” hay xu
hướng trí tuệ của Hoàng Ngọc Biên là vậy, khá phù hợp với những trăn trở
hiện nay của các nhà vật lý lý thuyết. Theo Nguyễn Tường Bách, ngườ ta
khám phá ra rằng trong thế giới lượng tử, ý thức con người chi phối thực
tại và thực tại không hề là cái gì khách quan độc lập với ý thức con
người.
Thơ của Hoàng Ngọc Biên phong phú và đa dạng. Khác với tinh thần kinh
điển của thơ là diễn tả tình cảm: yêu, ghét hy vọng, thất vọng, lạc
quan, bi quan, hờn dỗi, nể phục, …thơ của tác giả độc đáo này là những
suy tư về bản thể: thế giới quanh ta là gì? Ta là ai? Đang ở đâu? …Bây
giờ ta thử đọc vài đoạn thơ kiểu bản thể và cố tìm hiểu xem tác giả muốn
nói gì.
NÓI CHO CÙNG
nói cho cùng ai cũng như ai
vô thần hữu thần
anh hùng đạo tặc
sống trên mây sống trên sông nước
đều như nhau – đều bị
đọa đầy
một chút hạnh phúc đó đây
phút chốc thành sương khói
thêm nhiều nỗi khổ
thoắt một làn chớp có thể quên đi
nói cho cùng
ta cũng như ai
mặt trời chiều dát vàng cây cỏ
ta một mình
chờ đợi bóng đêm
TUỔI MỘT NGÀY
ngày hôm qua ta chưa sinh
ra
ngày hôm qua ta chưa có mặt
cuộc đời qua
xô đẩy
túi bụi giữa chốn người
có đủ nước mắt có đủ nụ cười
ta biết sẽ tới….
chết sau khi đã sống
một ngày
ngày trong ngày
đêm trong đêm
những lá kính muôn mảnh
ngày nối liền
đêm nối liền
THẾ GIỚI MỚI CHỖ TA ĐẾN
chỗ ta đến có thời gian của proust
màu đỏ Iorca
những quán café nhạc jazz
kerouac
chỗ ta đến
có những đường phố petersburg brodsky
của akhmatov….
…..
Nếu sau này các nhà viết lịch sử văn học Viêt Nam vô tình hay cố ý bỏ
quên Hoàng Ngọc Biên thì thật đáng tiếc. Cũng đáng tiếc như bỏ quên Bảo
Ninh, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Quang Lập hay Bùi Ngọc Tấn vậy
|