PHÊ BÌNH VĂN HỌC -
Trịnh Bá Đĩnh
I
Nhìn vào danh sách những người được đề nghị tặng giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật lần này, bỗng thấy tiếc cho Trương Tửu. Nếu ông không buông bút sớm sau cái vụ án văn nghệ mà các nhà viết lịch sử phê bình văn học rồi sẽ còn phải lật đi lật lại ấy, và nếu ông tiếp tục sáng tạo!... Giờ đây những tên tuổi như Phùng Quán, Trần Dần, Lê Đạt... và trước nữa là Trần Đức Thảo, những người cùng trên "chuyến xe bão táp" với ông đã được khôi phục hoàn toàn, tác phẩm của họ đã được nhà nước vinh danh và trả về cho nhân dân, thì ông vẫn mãi là nhà phê bình tiêu biểu trước Cách mạng. Mặc dù ông là một trong những người viết phê bình theo tinh thần Macxit đầu tiên ở Việt Nam, là giáo sư văn học nổi tiếng trong các Trường Đại học Kháng chiến cùng với Đặng Thai Mai, là nhà hùng biện trên giảng đường các Khoa Văn, Sử ở Đại học Tổng hợp Hà Nội hồi đầu hòa bình lập lại. Mặc dù ông cũng có không ít công trình được viết ở các giai đoạn này: giáo trình về văn học Việt Nam hiện đại, những tiểu luận văn học, chuyên khảo về Nguyễn Du và Truyện Kiều (ông có đến ba chuyên khảo bề thế về Truyện Kiều, một con số kỉ lục!), về văn chương bình dân... Trong chuyện này dĩ nhiên cũng có một bài học, tuy nhiên tôi không muốn nói đến trong bài viết này. Từ các công trình phê bình văn học của Trương Tửu, chúng ta cùng suy nghĩ xem phê bình nên là chủ quan hay khách quan, nên là nghệ thuật hay là khoa học. Ở đây tôi muốn nói về phê bình khoa học của Trương Tửu (trước Cách mạng bút danh là Nguyễn Bách Khoa).
II
Phê bình khoa học, đấy là một phương pháp mà theo Trương Tửu thì cần “gác bỏ hết những tình cảm riêng, những thành kiến và dư luận đã định giá thi nhân kia và tác phẩm kia” để “làm hết nghĩa vụ của một nhà phê bình vẫn tôn thờ khoa học” (Nguyễn Du và Truyện Kiều, 1942). Chữ “Khoa học” được Trương Tửu dùng với hai nghĩa: Thứ nhất, sự “khách quan” trong phân tích đánh giá sự kiện, hiện tượng; thứ hai, khả năng vận dụng các lý thuyết của những bộ môn khoa học như tâm lí học, di truyền học, xã hội học... vào phê bình văn chương. Chủ trương phê bình này rõ ràng là đối lập lại với truyền thống bình văn và cảm thụ văn học hồn nhiên đã được xác lập vững chắc cho đến lúc đó và ngày nay vẫn chiếm ưu thế trong văn hoá phê bình của chúng ta. Đấy là một trong những lí do chủ yếu khiến tác giả của nó bị chỉ trích từ nhiều phía và chịu rất nhiều điều tiếng. Phê phán nặng nhất và cũng “thành thực” nhất có lẽ là những ý kiến của Hoài Thanh, chủ soái của lối phê bình chủ quan, trực giác. Trong lịch sử phê bình văn học của chúng ta, có một cuộc tranh luận “nhỏ”, song lại có ý nghĩa khá lớn. Đó là cuộc đối đáp giữa Trương Tửu và Hoài Thanh về vấn đề phương pháp phê bình văn học cần thiên về sự chủ quan hay sự khách quan. Họ không chỉ cãi nhau bằng lí, họ còn muốn chứng tỏ hiệu năng của lối phê bình mà mình "tôn thờ" bằng việc phân tích những tác phẩm cụ thể; hơn nữa lại là các tác phẩm của Việt Nam mà ai cũng biết. Trường hợp cụ thể được nêu ra là cần “tìm hiểu” Truyện Kiều và tác giả của nó, tức Nguyễn Du, theo cách nào? Lịch sử văn học ta có rất nhiều cuộc tranh luận lớn và nhỏ, đa phần chúng có căn nguyên từ (hoặc bị đẩy sang) các lĩnh vực văn hoá, xã hội cận kề văn học. Việc tranh luận về “phương pháp” của bản thân văn học là khá hiếm hoi. Năm 1942, Trương Tửu “minh chứng” hiệu quả của lối phê bình khoa học bằng một việc làm “cũ” nhất trong văn học chúng ta là bàn về Truyện Kiều (Nguyễn Du và Truyện Kiều). Truyện Kiều từ trước đến nay luôn là “bãi thử” của những phương tiện phê bình mới. Ông cho rằng phê bình văn học phải tìm hiểu cá tính nhà văn; cá tính là “thể cách riêng của một nhà văn. Nhờ có cá tính mà mỗi người chúng ta cảm xúc, suy nghĩ và hành động một cách khác, không ai giống ai”. Theo ông lối phê bình tìm hiểu “tâm sự nhà văn trong tác phẩm văn chương” vừa dễ dãi vừa không đúng đắn. Nó vẽ đường để cho ai ai cũng có thể bàn về Truyện Kiều kể cả những sự tủn mủn, vụn vặt nhất, khiến cho độc giả có lúc chẳng hiểu cuốn Truyện Kiều là câu chuyện về nàng Kiều hay câu chuyện về Nguyễn Du. Tâm sự theo ông, chỉ là phần hữu thức “phần nổi của tảng băng”, trong khi cá tính con người lại chủ yếu thuộc “cõi tiềm thức”, ở phần chìm, chiếm chín phần mười của tảng băng. Còn cá tính, theo Trương Tửu là một kiến trúc bao gồm nhiều yếu tố hoá hợp nhau rồi kết tinh lại, trong đó nổi trội là ba yếu tố: sinh lí di truyền (huyết thống), địa lí tự nhiên (quê quán, khí hậu, thổ ngơi, vị trí địa dư, lịch sử) và quan trọng nhất là điều kiện xã hội (bối cảnh xã hội, thời đại, vị trí đẳng cấp của nhà văn). Kết thúc phần “khái luận” của cuốn sách này, tác giả đưa ra một khẳng quyết khá cực đoan: “Nghiên cứu một văn phẩm mà không tìm đến cá tính nhà văn và hình ảnh xã hội đương thời với nhà văn phản chiếu trong văn phẩm ấy tức là không hiểu gì về nghệ thuật phê bình hết” (Nguyễn Du và Truyện Kiều). Cần nói thêm rằng lối nói chắc nịch, cả quyết không một chút hồ nghi trong văn phong phê bình của ông đối với nhiều người không phải là dễ chịu, nhất là trong một môi trường văn hoá vốn có truyền thống trọng sự nhũn nhặn, khiêm cung. Hoài Thanh từng nhận xét, không phải là không có ý châm biếm rằng: “Với ông Nguyễn Bách Khoa, cái gì cũng rõ ràng như hai lần hai là bốn”. Lối viết của Hoài Thanh và của Trương Tửu hết sức khác biệt nhau, thậm chí có thể nói thuộc về hai đối cực, như nước với lửa, như âm với dương, một đằng nhẹ nhõm tinh vi, đằng kia thì gân guốc sắc sảo... Trong Nguyễn Du và Truyện Kiều, Trương Tửu đã lí giải cá tính Nguyễn Du và văn chương Truyện Kiều dưới ảnh hưởng lí thuyết của nhà phê bình văn học Pháp Taine. Trong cuốn La Fontaine và thơ ngụ ngôn của ông (La Fontaine et ses tables), Taine cho rằng có thể qua các yếu tố về nòi giống, hoàn cảnh địa lí và thời điểm lịch sử nhà văn sống để lí giải mọi sự bí ẩn của văn chương. Thuyết chủng tộc - địa lý - lịch sử này cho đến nay vẫn chưa hẳn là vô ích, chỉ có điều nên vận dụng nó như thế nào, ở mức độ nào trong việc phê bình văn học. Theo Trương Tửu, cá tính Nguyễn Du là chung đúc của huyết thống dòng họ Nguyễn và địa phương tính Nghệ Tĩnh với huyết thống họ Trần và địa phương tính Bắc Ninh, đó là kết tinh của “lòng ham sống say sưa, cái khí tiết hiên ngang không chịu khuất phục của giống nòi” (Nghệ Tĩnh) với “đất của ái tình”, “của tinh thần mẫu hệ”, “những tính tình bồng bột.... chiều theo cái đà phát triển của muôn loài” (Bắc Ninh). Trương Tửu đọc rất nhiều các nhà khoa học phương Tây và thử nghiệm nhiều lí thuyết khoa học trong việc phê bình. Đôi lúc số lượng các trích dẫn “kinh điển” có vẻ như quá mức. Trong số lí thuyết đó thì ba lí thuyết sau đây để lại dấu ấn đậm nét hơn cả trong các công trình tiêu biểu của ông: thuyết chủng tộc - địa lý của Taine, thuyết tâm phân học Freud và học thuyết của Marx về phân chia giai cấp và văn học phản ánh xã hội. Học thuyết Marx được vận dụng triệt để trong Tâm lí và tư tưởng Nguyễn Công Trứ (1943), hai lí thuyết trên chủ yếu được vận dụng trong công trình Nguyễn Du và Truyện Kiều mà ta đang xem xét. Lí giải theo Freud, Trương Tửu cho rằng sinh lực, lòng ham sống và khí phách cá nhân của Nguyễn Du do di truyền huyết thống và địa phương tính tạo nên bị dồn ép vào tiềm thức, bởi sức ép ý thức hệ Nho giáo của đẳng cấp nho sĩ mà ông là một thành viên. Giữa ý thức hệ và tiềm thức luôn xung đột nhau và làm nên “tấn bi kịch của tâm hồn” cũng tức là tâm sự sâu thẳm của Nguyễn Du. Cần nói thêm rằng, phân tâm học của Freud là một thành tựu vĩ đại của khoa học thế kỉ XX, có ý nghĩa và lợi ích về nhiều mặt. Từ đó đã nảy sinh nhiều bộ môn mới, trong đó có phê bình nghệ thuật theo phân tâm học. Nếu sau này chúng ta có ngành phê bình phân tâm học văn học thì các tác phẩm của Trương Tửu phải được xem là những viên gạch đầu tiên. Tất nhiên cái khởi đầu bao giờ cũng dễ rơi vào sự đơn giản, máy móc, cực đoan; những thiếu sót, sai lầm, bất cập lắm khi lớn hơn sự đầy đủ, đúng đắn và sự khả thủ gấp nhiều lần. Đôi lúc ý nghĩa duy nhất của nó chỉ là ở sự mở đường. Phê bình của Trương Tửu cũng không ra ngoài thông lệ ấy. Bàn về cá tính Nguyễn Du, bị phê phán dữ dội nhất là luận điểm của ông cho rằng “Nguyễn Du là một con bệnh thần kinh”, một thứ bệnh “không có sự tổn thương về khí quan”, nhưng “căn tạng suy nhược”. Thực ra, Trương Tửu dùng chữ “bệnh thần kinh” ở đây không phải theo nghĩa thông thường của đời sống hàng ngày mà theo nghĩa của khái niệm khoa học - khoa tâm bệnh học. Ông giải thích rõ, đó là thứ bệnh “thông thường”, “cứ 5 người thì có một người mắc” do “bộ giao cảm thần kinh không khoẻ khuắn” do “căn tạng cảm xúc quá độ” nên tính khí luôn trầm muộn, lo sợ hoảng hốt và mắc chứng ảo giác. Cá tính ấy thể hiện trong văn chương thành “sự rung động thành thực và mãnh liệt, sự tưởng tượng dồi dào”, sự cảm xúc uỷ mị và bi thương, sự cảm thông với đồng loại đau khổ và thần linh (Nguyễn Du và Truyện Kiều). Theo sự trích dẫn thì thấy Trương Tửu đã dựa vào các ý kiến của khá nhiều nhà “thần kinh học" trứ danh: Ernest Dupre, F. Achille Delmas, Maurice de Fleury... Tuy nhiên, các nhà thần kinh bệnh học đưa ra kết luận về một con “con bệnh” nào đó, bao giờ cũng dựa trên kết quả của một chu trình thực nghiệm lâm sàng, còn ở đây Trương Tửu lại căn cứ vào văn thơ để chuẩn đoán “bệnh” cho Nguyễn Du thì đúng là ông đã võ đoán và không khoa học. Trương Tửu có lẽ là người đầu tiên phê bình Truyện Kiều trên hai phương diện: Bối cảnh xã hội thời đại và nhân vật; đúng là trước đó thường người ta chỉ chú ý xem xét tâm sự Nguyễn Du và tài nghệ sử dụng từ ngữ của nhà thơ. Suốt một thời kỳ dài về sau, cách phân tích xã hội và nhân vật này sẽ được tiếp tục ở nhiều công trình nghiên cứu Truyện Kiều, và cũng không chỉ với Truyện Kiều, nhất là khi lý thuyết văn học phản ánh xã hội được phổ cập. Trương Tửu cũng cho rằng: “Văn chương chỉ là phản ảnh con người (tác giả) và con người là sản phẩm của hoàn cảnh”. Ông đã xem xét các nhân vật chính trong truyện: Kim Trọng, Từ Hải, Thuý Kiều và các cảnh ngộ mà nhân vật gặp phải như là “hình ảnh toàn khối” của Nguyễn Du. Mỗi nhân vật, mỗi cảnh ngộ thể hiện một khía cạnh: Kim Trọng là đa cảm, đa tình, cả quyết (hạng tình chủng) hay "nòi tình” (Chu Mạnh Trinh), Từ Hải là một ước mơ “làm một vị anh hùng trong tưởng tượng”; còn Thuý Kiều nhân vật chủ chốt là sự “tố cáo” mâu thuẫn chủ yếu trong tâm tính Nguyễn Du, một “cốt cách đa tình đa cảm, hành động thì thuận theo bản năng và trái tim mà suy nghĩ và lý luận thì lại phải nấp sau bản ngã của tộc họ và đẳng cấp”. Nói một cách công bằng, phê bình tính cách với lý thuyết chủng tộc - địa lý và tâm phân học của Trương Tửu trong Nguyễn Du và Truyện Kiều có nhiều điểm khả thủ, đáng tiếc là chúng bị che khuất bởi nhiều những kết luận vội vã, lối nói áp đặt, sự vận dụng lý thuyết khoa học một cách máy móc không tính đến đặc thù của nghệ thuật ngôn từ. Cuốn sách như ta biết, đã bị phê phán rất nhiều (trong đó có những phê phán đúng đắn), nhất là vào những năm 60 và 70 của thế kỷ XX, song trớ trêu thay những công trình phê bình nghiên cứu Truyện Kiều vào những năm này lại có vẻ “kế thừa” nó nhiều hơn cả, từ cách nhìn đến các luận điểm. Nếu ai làm một sự so sánh sẽ thấy được ngay. Tại sao lại như vậy? Lý do cũng không khó giải thích: Vào những năm này người ta cũng chẳng có nhiều hơn bao nhiêu những quan niệm văn học mà Trương Tửu đã đề cao trong Nguyễn Du và Truyện Kiều như: văn học cần có ích, con người là sản phẩm của hoàn cảnh, văn học phản ánh xã hội thời đại. Tuy nhiên đến thời gian này đặc thù của sự phản ánh nghệ thuật của các thể loại đã được chú ý nhiều hơn. Trước năm 1945 Trương Tửu phải chăng là một nhà Macxit? Peter Zinoman cho rằng ông chịu ảnh hưởng tư tưởng cánh tả Châu Âu. Về ý kiến đó có lẽ cần phải cân nhắc thêm. Tuy nhiên qua các công trình như Nguyễn Du và Truyện Kiều, Tâm lý và tư tưởng Nguyễn Công Trứ, Văn chương Truyện Kiều... bạn đọc luôn thấy ông đề cao lý luận của Marx về xã hội và văn học. Ông cũng từng dịch Tuyên ngôn Đảng Cộng sản. Nhận xét nổi tiếng của Lênin về sáng tác của Lev Tolstoi ("Nếu L. Tolstoi là nghệ sĩ thực sự vĩ đại thì sáng tác của ông phải phản ánh được một số khía cạnh chủ yếu của cách mạng") mà sau này thường xuyên được các nhà phê bình trích dẫn, theo tìm hiểu của một số người, cũng do ông dẫn nhập vào Việt Nam đầu tiên. Chuyên khảo Tâm lý và tư tưởng Nguyễn Công Trứ về cơ bản được viết theo quan niệm Macxít, tất nhiên vẫn theo cách của Trương Tửu, nghĩa là khá cơ giới và cực đoan. Trong lời Tựa, Trương Tửu cho rằng việc khảo cứu văn tài Nguyễn Công Trứ (và nói chung là với mọi văn tài) phải theo cái “phương pháp khoa học cao nhất, hiệu nghiệm nhất trong tư tưởng giới hiện đại của loài người” đó là “phương pháp duy vật biện chứng”. Từ đây ông đã bắt đầu phê phán lý thuyết của H.Taine như một lý thuyết “duy vật dung tục và máy móc”. Nguyên lý căn bán để giải thích những “cá nhân đặc biệt” theo ông, là luận điểm cuả C. Marx: “Con người là sản phẩm kết tinh của những tương quan xã hội”. Và ông dẫn thêm: “Trong lúc hành động để xử trí thế giới tự nhiên ở bên ngoài, con người cũng biến đổi luôn cả bản chất của mình nữa” (C. Marx). Nhiều ý kiến của các nhà phê bình theo xu hướng Macxit như P. Lapargue, V. Plekhanov,... được ông tán thành và lấy làm tiêu chuẩn chân lý: “Nhà văn bao giờ cũng bị đóng đanh vào hoàn cảnh xã hội của mình” (P. Lapargue), “Chỉ khi nào... đã nhận thức được sự xung đột của các đẳng cấp, và khi nào đã đã nghiên cứu được mọi hình thức tiến triển, mọi sắc thái phức tạp của cuộc xung đột ấy thì mới có thể giải thích được gọi là chu đáo một chút sự tiến hoá tinh thần của một xã hội" (V. Plekhanov)... Hoàn cảnh xã hội Việt Nam cuối thể kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX và số phận đẳng cấp sĩ phiệt Nho giáo mà Nguyễn Công Trứ là một “phần tử” là cơ sở để nhà phê bình giải thích hầu như mọi vấn đề của “hiện tượng Nguyễn Công Trứ”: thái độ với cái nghèo, sự hành lạc, cái ngông, chí nam nhi... Đối với bài phú nổi tiếng Hàn nho phong vị phú của Nguyễn Công Trứ, Trương Tửu cho rằng tác phẩm không phải là sự “thi họa cuộc sống thiếu thốn”, giễu cái nghèo, vốn quen thuộc với các nhà nho, để hiểu hết cái “phong vị” của nó, cần phải thấy ở đây có một “tinh thần chống phú hộ”. Phong vị “chua chát, căm hận buồn thảm” ở bài phú là phản ảnh thái độ của đẳng cấp nho sĩ đang thất thế đối với đẳng cấp phú hộ, đại biểu của kinh tế thành thị đang lên. Tinh thần chung của công trình Tâm lý và tư tưởng Nguyễn Công Trứ là nhìn các hiện tượng theo quan niệm xã hội học và đấu tranh đẳng cấp. Nguyễn Công Trứ vì vậy, theo tác giả là “chứng nhân” của thời đại mình, còn “chủ quan tâm” (tâm lý và tư tưởng) của ông - diễn trong thi ca - là tài liệu quý để hiểu trạng thái khách quan của thời đại. Cuốn Văn chương Truyện Kiều (1944) hình như được viết là để tranh luận với bài phê bình của Hoài Thanh và Đinh Gia Trinh. Trong tác phẩm này, Trương Tửu trực diện với những vấn đề “tế nhị” và “tinh vi” nhất của nghệ thuật, những cái mà theo Hoài Thanh không thể đem các khí cụ ra để “mổ xẻ”, phân tách được, nói chung là không thể lấy khoa học ra để giải thích. Đó là vấn đề “chất thơ” và “cái đẹp”. Có nhiều trang viết hay, mới lạ, những tri thức cập nhật trong cuốn sách này. Đọc chẳng hạn những dòng dưới đây thú thật tôi rất ngạc nhiên về thời điểm ra đời của nó trong lịch sử phê bình văn học của ta: “Nhưng tiếng nói vừa là một âm thanh, mà lại vừa là một ký hiệu” (signe), một tượng trưng (symbol), để các người trong xã hội dùng đến khi muốn hiểu nhau. Nó chứa đựng một ý nghĩa mà xã hội đã định cho nó”, “Một tác phẩm được một xã hội cho là đẹp... (vì) tác phẩm ấy biểu thị được cái hình thức tình cảm và tư tưởng cần thiết cho sự tồn tại của luân lý đang có”... Không nghi ngờ gì rằng các “mảnh vỡ” của lý thuyết cấu trúc, ký hiệu học và tiếp nhận nghệ thuật đã “bay lạc” đến lãnh thổ của chúng ta và để lại dấu vết từ khi đó.
III Trên thực tế, trước khi đến với những công trình dài hơi nói trên, Trương Tửu đã từng gắn bó với phê bình văn chương đương đại. Ngay từ năm 1931, khi vừa tròn 18 tuổi, ông đã thử sức viết Triết lý Truyện Kiều in trên Đông Tây tuần báo. Mấy năm sau, trên báo Loa, Trương Tửu phác vẽ chân dung nhiều tác gia nổi tiếng trên văn đàn lúc bấy giờ như Tản Đà, Hoàng Ngọc Phách, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng... Đặc biệt ông đi sâu phân tích, xác định phong cách và so sánh ba tác phẩm Tố Tâm (Hoàng Ngọc Phách) - Nửa chừng xuân (Khái Hưng) - Đoạn tuyệt (Nhất Linh) rồi đi đến kết luận: "Tóm lại, chủ nghĩa cá nhân, với Tố Tâm, chỉ là một cảm tính. Với Nửa chừng xuân, nó thành một lý tưởng. Đến lúc Đoạn tuyệt ra đời, nó đã nghiễm nhiên là một nguyên lý sinh hoạt (un principe de vie). Dưới ngòi bút Song An, cá nhân không muốn sống với cái cũ. Ở Khái Hưng nó không chịu quay lại cái cũ. Với Nhất Linh nó không thể đứng bên cạnh cái cũ"... Vận dụng những thuật ngữ và phương pháp địa - văn hoá hiện đại, Trương Tửu đưa ra những cách hình dung và lý giải mới mẻ về nghệ thuật tả cảnh ở ba cây bút tiêu biểu: "Ông Thế Lữ để cảnh sắc xúc động giác quan nhưng biết tự chủ không bị cuốn vào thiên nhiên. Trái lại, ông Lan Khai mê đắm cảnh vật như mê một tình nhân. Ở Thế Lữ cái rung động của giác quan truyền lên trí nên ông tả được bình tĩnh; ở Lan Khai nó truyền vào tâm nên ông tả mung lung hồi hộp. Lối tả cảnh của Thế Lữ có tính cách kỳ thú (pictoresque). Lối tả cảnh của Lan Khai có tính cách xúc cảm (émotionnel). Còn ở Lưu Trọng Lư cảnh vật mượn cảm giác chạy ngay vào cái nội quan trong tâm giới, tức là trí tưởng tượng. Nên ông thích vay của tạo hoá những cảnh hoang lương để sống những phút thần tiên ngây ngất. Lối tả cảnh của Lưu Trọng Lư có tính cách thần bí (mystique)... Ba cái khác nhau ấy chỉ là ba sông nhánh của một nguồn cảm giác. Mà căn do của sự chia rẽ là ảnh hưởng của hoàn cảnh. Ông Thế Lữ, quê ở Lạng Sơn, một nơi có nhiều rừng rú thâm u, núi cao chót vót, thường hàng ngày giao thiệp với những dị đoan, kỳ tích của một giống người mọi rợ. Nên ông thích tả những cảnh khủng khiếp mà tạo vật hình như chỉ bày ra để lồng khung một cái sinh hoạt hãi hùng. Ông Lan Khai lại được làm quen với một cảnh sơn dã dễ yêu đã có in dấu vết của phần nhân loại văn minh. Quê ở Tuyên Quang, ông sống chung với dân Thổ, dần dần cảm được cái thi vị của thứ sinh hoạt bình dị ấy. Rồi cầm bút viết văn, ông chỉ ca tụng cái vẻ thơ của một cảnh sơn lâm đầm ấm trong địa hạt của nó. Ông Lưu Trọng Lư được may mắn sinh ở tỉnh Quảng Bình, chốn đầy những núi non hùng vĩ. Sông Ngân uốn lượn trong bụi lá chòm gai. Trong cảnh thần tiên này, trí tưởng tượng của ông tự nhiên bầy ra những cuộc đời thoát tục. Tiểu thuyết của ông Lư thường chỉ là những mộng cảnh làm sảng khoái một thi nhân... Tóm lại, nhờ có thiên tài được hoàn cảnh rèn luyện, lại chịu ảnh hưởng của văn Pháp, ba nhà văn Thế Lữ, Lan Khai, Lưu Trọng Lư đã cách mệnh lối tả cảnh trong văn học Việt Nam hiện đại"... Xem đó thì thấy Trương Tửu đã có công trong việc chuyển từng đốm lửa phê bình phương Tây khoa học và hiện đại, góp phần làm mới nền phê bình văn chương giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám. Từ sau năm 1945 cho đến cuối những năm 50, phê bình của Trương Tửu vẫn theo tinh thần "khách quan và khoa học" như vậy. Nhập cuộc cùng nhân dân trong kháng chiến chống Pháp, Trương Tửu sớm băn khoăn với câu hỏi về đích đến của thơ Việt: "Chúng ta đã có nhiều bài văn vần kháng chiến. Chúng ta đã có nhiều bài ca kháng chiến. Chưa có những bài thơ kháng chiến. Ba loại ấy khác hẳn nhau, không thể gói ghém sô bồ làm một được. Khác ở quan điểm, khác ở cơ cấu, khác ở kỹ thuật, khác ở công dụng. Muốn nói chuyện thơ cho đứng đắn, trước hết phải nhận định thật rõ sự khác nhau đó"... Tuy nhiên, dường như Trương Tửu không có điều kiện triển khai sâu hơn những tham vọng học thuật theo kiểu cách riêng trước đây. Ông trở lại với công việc "kháng chiến kiến quốc" vốn là nhiệm vụ số một của toàn dân tộc, trực tiếp tham gia giảng dạy lớp Dự bị đại học và Đại học Sư phạm (1952-1955). Trong hoàn cảnh kháng chiến, ông viết Văn nghệ bình dân Việt Nam (1951), một mặt phê phán dòng văn nghệ quý tộc; mặt khác đề cao bộ phận văn chương bình dân và tập trung giới thiệu ba tác gia tiêu biểu: Hồ Xuân Hương - Nguyễn Khuyến - Tú Xương. Có điều, với quan điểm giai cấp, ông cho rằng họ thuộc lớp người "muốn nhờ khoa cử leo lên địa vị quan liêu quý tộc" nhưng do hoàn cảnh nên đã "quay lại liên minh với bình dân" và "xét chung thì họ đã tiêu biểu được một phần nào ý thức thiên tư nghệ thuật của bình dân"... Sau hoà bình lập lại, Trương Tửu tiếp tục giảng dạy văn học và viết bài cho tập san Đại học Sư phạm, Giai phẩm mùa thu, Giai phẩm mùa đông.... Theo xu thế chung, ông cho xuất bản sách Truyện Kiều và thời đại Nguyễn Du (1956), trong đó ông tỏ ý triệt để tự phê bình "đã có những nhận định sai lầm căn bản" ở hai chuyên khảo trước đây (Nguyễn Du và Truyện Kiều, Văn chương Truyện Kiều) - một tinh thần tự giác phê bình mà người đương thời vị tất có mấy ai hiểu vấn đề bằng ông. Thêm nữa, nếu như Truyện Kiều và thời đại Nguyễn Du tồn tại như một bằng chứng cho văn học sử và thực trạng một giai đoạn vận dụng máy móc các quan điểm đấu tranh giai cấp vào nghiên cứu văn học thì công trình Mấy vấn đề văn học sử Việt Nam (1958) lại là một nỗ lực quan trọng của Trương Tửu trong việc tự ý thức về tỉến trình lịch sử văn học dân tộc. Tính cho đến tận hôm nay, đây vẫn là công trình chuyên sâu duy nhất bàn về quan niệm và phương pháp văn học sử, những thành phần cấu tạo và việc phân kỳ các giai đoạn văn học sử Việt Nam...
IV Một số tiểu luận của Trương Tửu Nguyễn Bách Khoa đã được đưa vào các bộ sách lớn như Tổng tập văn học Việt Nam, Tuyển tập phê bình văn học Việt Nam 1900-1945, Tranh luận văn nghệ thế kỷ XX, Khoa học văn chương, Nguyễn Du - về tác gia và tác phẩm, Hồ Xuân Hương - về tác gia và tác phẩm, Nguyễn Công Trứ - về tác gia và tác phẩm...; tên tuổi ông cũng được khẳng định trong Từ điển văn học, Từ điển tác phẩm văn xuôi Việt Nam... nhưng phần lớn các tác phẩm của ông từ nửa thế kỷ nay chưa được in lại thật đầy đủ, hệ thống. Tập sách này chủ yếu nhằm công bố các tư liệu về nghiên cứu và phê bình văn học - chưa tính phần sáng tác - hiện gia đình còn lưu giữ và chúng tôi đã sưu tập được. Hy vọng trong thời gian tới phần sáng tác của Trương Tửu - không dưới mười tiểu thuyết - sẽ tiếp tục đến tay bạn đọc. Trong tập sách này, chúng tôi chủ ý chia thành ba phần: Các tiểu luận nghiên cứu, phê bình, chân dung tác gia văn học hiện đại đã in báo (Một quan niệm về văn chương, Văn chương Việt Nam hiện đại, Văn học Việt Nam hiện đại, Những cái hay của thơ Tản Đà, Địa vị Vũ Trọng Phụng trong văn học Việt Nam cận đại, Luân lý tư sản và ảnh hưởng của nó trong văn chương Việt Nam hiện đại...) - Các công trình nghiên cứu, tiểu luận chuyên sâu về văn học truyền thống dân tộc (Triết lý Truyện Kiều, Nguyễn Du và Truyện Kiều, Văn chương Truyện Kiều, Truyện Kiều và thời đại Nguyễn Du, Tâm lý và tư tưởng Nguyễn Công Trứ, Kinh thi Việt Nam, Văn nghệ bình dân Việt Nam, Truyện Thạch Sanh, Mấy vấn đề văn học sử Việt Nam...) - Phụ lục các bài viết về Trương Tửu (Nguyễn Vỹ, Nguyễn Văn Hoàn, Trương Quốc Tùng, Nguyễn Đình Chú)... Đến phút cuối, chúng tôi may mắn được nhà văn Lại Nguyên Ân vui lòng cung cấp thêm văn bản sách Uống rượu với Tản Đà (Đại Đồng thi xã Xb, Hà Nội, 1939). Nhân đây chúng tôi chân thành cảm ơn ông. Thực hiện tuyển chọn, giới thiệu cuốn sách này, chúng tôi muốn trước hết cung cấp tư liệu cho những người quan tâm đến lịch sử phê bình văn học nước nhà. Bởi lẽ, giờ đây chúng ta biết rõ rằng trước hay sau cũng sẽ phải có những cuốn sách về lịch sử quan niệm và phương pháp phê bình văn học Việt Nam, trong đó cố gắng để không một “hiện tượng” nào bị bỏ qua, không một nhà phê bình nào bị che khuất. Một trong những cây bút phê bình khoa học đầu tiên có nhiều thành tựu (và cũng nhiều thô sơ) không thể bỏ qua trong lịch sử phê bình văn học nước nhà, đó là Trương Tửu.
Hà Nội, tháng 3 - 2007 TS. Trịnh Bá Đĩnh - PGS. TS. Nguyễn Hữu Sơn (Viện Văn học)
|