NHÀ VĂN, GIÁO SƯ TRƯƠNG TỬU TÓM LƯỢC CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP -------------------------------
MỐC THỜI GIAN VÀ SỰ NGHIỆP
Năm 1923: Học tiểu học ở Hà Nội đến năm cuối cùng của tiểu học(1927) Năm 1927: Bãi khóa ở Hà Nội đòi thực dân Pháp thả tác giả Chiêu hồn nước, bị bắt và bị đuổi học. Năm 1929: Thi vào học Trường Kỹ nghệ thực hành Hải phòng. Năm 1930: Vận động học sinh trường Kỹ nghệ bãi khóa phản đối Ban giám đốc bỏ các môn học lỹ thuyết về kỹ thuật, lại bị đuổi học.Về Hà Nội tự học hết chương trình trung học. Năm 1931: Viết bài báo đầu tiên đăng trên Đông Tây tuần báo của Hoàng Tích Chù, tháng 11/1931, với nhan đề “Triết lý Truyện Kiều” Năm 1932-1934: Dạy tư ở Hà Nội, bắt đầu nghiên cứu phê bình văn học. Năm 1935: Viết loạt bài phê bình văn học Việt Nam cận đại trên báo Loa từ số 25/7/1935 đối với các tác phẩm Nửa chừng xuân, Tố Tâm, Đoạn tuyệt… Năm 1937: Tham gia hội nghị vận động tự do báo chí họp tại Hà Nội và được bầu vào Thư ký đoàn của Hội nghị. Năm 1938: Làm chủ bút tuần báo Quốc gia khuynh tả; vì đả kích Bảo Đại, Triều đình Huế và Nghị viện bị truy tố trước tòa án Hà Nội và bị sử phạt. Năm 1937-1939: Bắt đầu sáng tác với tiểu thuyết Khi người ta đói tiếp theo là Thanh niên SÓS, Một chiến sĩ, khi chiếc yếm rơi. Viết tiểu luận Uống rượu với Tản Đà, Những thí nghiệm của ngòi bút tôi. Năm 1939: Lập gia đình với bà Nguyễn Thị Lai ở 71 Tiên sinh- Hà Nội (Làm nghề bán tạp hóa). (Nay là phố Hàng Gà- Hoàn Kiếm – Hà Nội.) Năm 1940: Tiếp tục sáng tác tiểu thuyết Trái tim nổi loạn, Thằng Hóm (Bị Pháp tịch thu ngay tại nhà in), Một cổ đôi ba tròng, Đục nước béo cò, viết tiểu luận Tôi thắp hương chờ thế hệ nhà văn mới Năm 1940: Một bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp văn chương, Trương Tửu làm Giám đốc văn chương và là linh hồn của nhà xuất bản Hàn Thuyên (ở 71 Tiên sinh-Hà Nội, do nhạc phụ là cụ Nguyễn Xuân Giới đầu tư và ông Nguyễn Xuân Tái làm Giám đốc quản lý). NXB Hàn Thuyên chủ trương in sách của các tác giả có uy tín thuộc mọi xu hướng, đặc biệt có khuynh hướng tiến bộ xã hội và các tác giả tự chịu trách nhiệm về tác phẩm của mình. Năm 1940-1945 (trước Cách Mạng tháng 8 ): Cùng việc điều hành NXB Hàn Thuyên, tiếp tục sáng tác các tiểu thuyết, truyện Một kiếp đọa đày, Tráng sĩ Bồ đề, Năm chàng hiệp sĩ, và đặc biệt viết nhiều công trình nghiên cứu như Kinh thi Việt Nam(Bị Pháp tịch thu) Năm 1940 chính quyền thực dân cấm xuất hiện tên Trương Tửu trên văn đàn nên phải sáng tác dưới bút danh Nguyễn Bách Khoa các tác phẩm nghiên cứu phê bình văn học và văn hóa: Tư tưởng và tâm lý Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Du và Truyện Kiều, Tiến hóa luận, Văn minh sử, Nguồn gốc văn minh, Văn chương truyện kiều. Đây là các công trình nghiên cứu phê bình văn học có tiếng vang trên văn đàn và Trương Tửu-Nguyễn Bách Khoa được đánh giá là người khởi đầu cho phương pháp phê bình văn học duy vật-macxit ở Việt Nam. Năm 1945: Tháng 5/1945 bị hiến binh Nhật lùng bắt phải đi trốn đến 19/8 mới về Hà Nội.Tập san Văn Mới của NXB Hàn thuyên bị phát xít Nhật tịch thu và cấm. Năm 1945: Viết tiểu luận Tương lai văn nghệ Việt Nam (trước Cách Mạng tháng 8), nhưng xuất bản sau Cách Mạng tháng 8. Năm 1945: Ngay sau Cách Mạng tháng 8, nhà văn Trương Tửu lúc đó là Chủ tịch Liên đoàn văn hóa Bắc bộ, vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và bàn về phát triển văn hóa văn nghệ nước nhà. Năm 1946: Dịch Tuyên ngôn Đảng cộng sản Năm 1946: Cuối năm 1946, sau khi chấm dứt hoạt động của NXB Hàn Thuyên và hiến nhà in Hàn Thuyên cho cách mạng, nhà văn Trương Tửu cùng gia đình và một số văn nghệ sĩ Hà Nội đi kháng chiến, vào vùng tự do Thanh Hóa, ở tại thôn Quần tín, xã Thọ ngọc, huyện Thọ xuân. Tại đây hình thành 1 “Làng văn nghệ sĩ kháng chiến” với nhiều Văn nghệ sĩ, trí thức có tên tuổi thời đó như Đặng Thái Mai, Sĩ Ngọc, Nguyễn Văn Tỵ, Phạm Văn Đôn, Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Xuân Sanh, Nguyễn Tuân… Năm 1947-1948: Tham gia sáng lập Đoàn văn nghệ kháng chiến Liên khu 4, được bầu làm Bí thư Đoàn (cùng các nhà văn Đặng Thái Mai và Nguyễn Xuân Sanh). Chủ biên Tạp chí Sáng Tạo của Đoàn Van nghệ Kháng chiến Liên Khu 4. Giám đốc các Lớp văn hóa kháng chiến Liên Khu 4 mở ở Thanh hóa, giảng dạy về lý luận văn học và văn học hiện đại Việt Nam. Năm 1949: Tham gia Đại hội thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam ở Việt Bắc, được bầu vào BCH Trung ương Hội. Thiếu tướng Nguyễn Sơn mời giảng dạy về văn học Việt Nam ở Trường Thiếu sinh quân Liên Khu 4. Cùng với Hải Triều tham gia sáng lập Chi hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở khu 4. Năm 1950-1951: Chi hội phó chi hội văn hóa Thanh hóa, phụ trách các lớp tu nghiệp, bồi dưỡng văn nghệ sĩ Liên Khu 3,Liên Khu 4. Viết cuốn Văn nghệ bình dân Việt Nam và một số giáo trình dảng dạy về văn học Việt Nam tại các Lớp văn hóa Liên khu 4. Năm 1952-1954: Được nhà nước bổ dụng làm Giáo sư Trường Dự bị Đại học mở ở Thanh hóa cùng với các GS. Cao Xuân Huy, Trần văn Giàu, Đào Duy Anh, Nguyễn Mạnh Tường, Đặng Thái Mai.., giảng dạy về văn học Việt Nam cho tới khi hòa bình lập lại (1954 ). Năm 1954-1958: Năm 1954 về tiếp quản Đại học Hà Nội, được bổ nhiệm giáo sư tại Trường Đại học tổng hợp và Đại học sư phạm Hà Nội, giảng dạy về lý luận văn học và lịch sử văn học Việt Nam, sáng lập và phụ trách Bộ môn ngữ văn của Trường ĐHSP Hà Nội. Ở cùng gia đình tại 53 Hàng Gà –Hà Nội, cũng là nơi gặp gỡ thường xuyên của nhiều văn nghệ sĩ, Giáo sư Đại học, Trí thức lớn của đất nước như Đặng Thái Mai, Đào Duy Anh, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, Trần Văn Giàu, Ngụy như Kontum, Phan Khôi, Văn Cao, Xuân Diệu, Nguyễn Xuân Sanh, Nguyễn Huy Tưởng… Năm 1956-1957: Tham gia phái đoàn giáo dục Đại học Việt Nam tham quan nghiệp vụ tại Trung Quốc. Thời gian này bên cạnh nhiệm vụ giảng dạy Đại học, viết một số tác phẩm nghiên cứu-phê bình văn học như “Truyện kiều và thời đại Nguyễn Du”, “ Mấy vấn đề văn học sử Việt Nam” và một số tiều luận văn hóa như “ Chỉnh huấn là gì? “, “ Chống văn hóa nô dịch của Mỹ ngụy “.. Năm 1956: Tham gia viết 2 bài trong Tập san Giai phẩm (Chống sùng bái cá nhân trong văn nghệ và Văn nghệ và chính tri) của NXB Minh Đức và cùng một số đồng nghiệp giáo sư đại học như Trần Đức Thảo, Đào Duy Anh, Nguyễn Mạnh Tường…kiến nghị một số chủ trương, chính sách mới về văn hóa, văn nghệ ,giáo dục và kinh tế với Đảng và nhà nước. Không tham gia viết báo Nhân văn. Năm 1957: Tham gia Đại hội thành lập Hội nhà văn Việt Nam, là Hội viên sáng lập của Hội. Tiếp tục là Giáo sư giảng dạy tại ĐHSP Hà Nội, được nhà nước chính thức phong Giáo sư (đợt đầu tiên của Chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ) cùng với các đồng nghiệp Đặng Thái Mai, Đào Duy Anh, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, Trần Văn Giàu, Cao Xuân Huy.. Năm 1958: Tháng 4/1958 bị thi hành kỷ luật, không dạy Đại học nữa vì tham gia phong trào Nhân văn-Giai phẩm. Bị Hội nhà văn khai trừ khỏi Hội. Xin nghỉ thôi việc về nhà, ở 53 Hàng Gà –Hà Nội.Đầu năm 1958 viết tiểu luận mang tính bút chiến “Chung quanh vấn đề văn nghệ và chính trị”, được ghi chú là thư ngỏ gửi hai ông Văn Tân và Lê Hồng Phong. Đây được coi là tác phẩm nghiên cứu phê bình văn học cuối cùng của Trương Tửu, mặc dù theo tư liệu để lại chưa được in và tác giả có gửi cho Bộ Chính Trị Đảng Lao Động Việt Nam lúc bấy giờ. Năm 1959- 1969: Bắt đầu học tập, nghiên cứu đông y, châm cứu và cùng vợ hành nghề châm cứu tại 53 Hàng gà, có tiếng và tín nhiệm với bệnh nhân trong và ngoài nước. Viết một số sách về châm cứu như Sổ tay thực hành châm cứu, Tý ngọ lưu trú pháp… với bút danh Hoàng Canh. Năm 1970-1990: Tiếp tục nghiên cứu và hành nghề châm cứu. Nghiên cứu triết học phương đông, khí công, Yoga, Tử vi, Phật học, Khổng Tử, Dưỡng sinh. Luyện tập và phổ biến dưỡng sinh. Hình thành ý định và bắt tay chuẩn bị viết bộ sách về Đạo dưỡng sinh. Năm 1992: Lễ Thượng thọ 80 Nhà văn-GS. Trương Tửu đươc tổ chức trọng thể tại 53 Hàng Gà vào ngày 1-11-1992 với sự có mặt và chúc thọ của nhiều bạn đồng nghiệp, học trò cũ nay đã thành danh và nhiều văn nghệ sĩ, trí thức có tên tuổi. Chuyển chỗ ở về C5-Hoàng Cầu-Đống Đa –Hà Nội, ngừng hành nghề châm cứu. Được mời dự lễ Kỷ niệm 45 năm các khóa Văn nghệ kháng chiến Liên Khu .4. Năm 1993-1995: Tập trung nghiên cứu về dưỡng sinh. Nhen nhóm mong ước và hoàn thành đề cương về 3 tác phẩm dự định hoàn thành trong các năm cuối đời là: Đạo Dưỡng sinh, Tổng kết nghiên cứu Truyện kiều và Hồi ký. Sau đó quyết định không viết hồi ký nữa. Năm 1994-1995: Bị đục tinh thể cả 2 mắt, mặc dù đã mổ và thay đục tinh thể song mắt cứ mờ dần, rất khó khăn trong đọc và viết, tai cũng bị điếc dần, làm việc phải qua thư ký và bằng hình thức ghi âm, viết chữ to. Điều này cản trở các kế hoạch của ông đặc biệt về viết sách. Trong không khí đổi mới, mở rộng các buổi làm việc, gặp mặt, tiếp súc, thăm hỏi thường xuyên hơn, chân tình hơn của Bạn văn , bạn Đại học cũ, của các học trò cũ , các chuyên gía châm cứu.. từ khắp miền đất nước. Năm 1996-1999: Tháng 12/1966 đau đớn tiễn đưa người bạn đời thủy chung, đầy tình nghĩa về thế giới bên kia . Mặc dù rất khó khăn về sức khỏe, đặc biệt mắt mờ, vẫn tiếp tục nghiên cứu về Dưỡng sinh. Một số tác phẩm và bài viết được tái bản hoặc giới thiệu trong các bộ tuyển tập nghiên cứu phê bình. Tác phẩm Tráng sĩ Bồ đề được dựng phim… Có được những niềm vui cuối đời về gia đình, con cháu: Con trai cả tiếp tục phát triển về công tác và sự nghiệp, được nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động, hai đứa cháu nội (1 trai 1 gái ) tốt nghiệp cử nhân kinh tế, thành lập gia đình và sự ra đời của 2 đứa chắt khỏe đẹp và thông minh. Năm 1999: Sau một thời gian ngắn bị bệnh nặng, mắc dù được gia đình, người thân, các học trò cũ, các chuyên gia y tế tận tình chăm sóc tại gia, Nhà văn-Giáo sư Trương Tửu qua đời tại Hà Nội lúc 19 giờ 25 phút ngày 16/12/1999.(Tức ngày 9 tháng 11 âm lịch ) Lễ viếng, hỏa táng và truy điệu được tổ chức trọng thể ngày 18-19/12/1999 tại Hà Nội với sự có mặt của nhiều cơ quan, Trường Đại học, Văn nghệ sĩ, Trí thức, nhà khoa học có tên tuổi, của nhiều thế hệ học trò của Giáo sư mà nay phần lớn đã thành danh từ mọi miền đất nước, biểu thị sự thương tiếc, sự ngưỡng mộ và kính trọng với một nhà văn, nhà giáo, nhà văn hóa đã bằng tài năng và nghị lực, phẩm giá và sự dũng cảm tạo lập nên một cuộc đời, một sự nghiệp không thể bị lãng quên. Năm 2003-2007: Là thời kỳ bắt đầu tiến trình “phục hồi lặng lẽ” cho Nhà văn-GS.Trương Tửu với các sự kiện: Xuất bàn sách và tuyển tập, Họp mặt kỷ niệm 95 năm ngày sinh, chuẩn bị hội thảo, xuất hiện nghiều bài viết đánh giá lại Trương Tửu một cách khách quan, trung thực trên báo viết, sách nghiên cứu, báo mạng, xuất hiện ngày càng nhiều hơn các luận án tiến sĩ, cao học, cử nhân ở các Trường Đại học nghiên cứu về Trương Tửu. - Năm 2003 NXB Văn hóa và Thông tin xuất bản cuốn “Phê bình khoa học” của Nguyễn Bách Khoa do TS. Trịnh Bá Đĩnh(Viện Văn học) giới thiệu và tuyển chọn. - Cuối năm 2007 NXB Lao động và Trung Tâm Văn hóa-Ngôn ngữ Đông tây xuất bản “Tuyển Tập Trương Tửu- Nghiên cứu phê bình” do PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn và PGS.TS Trịnh Bá Đĩnh giới thiệu và tuyển chọn bao gồm hầu hết các tác phẩm nghiên cứu PBVH của Trương Tửu-Nguyễn Bách Khoa. Nhân dịp này tại Trung Tâm Đông Tây đã tổ chức cuộc gặp mặt tưởng niệm nhà văn Trương Tửu nhân 95 năm ngày sinh của Ông. Tuyển Tập và buổi kỷ niệm có tiếng vang trong dư luận báo chí trong và ngoài nước. Năm 2008: Nhân dịp 95 năm ngày sinh của Ông , một cuộc Hội thảo khoa học trang trọng, được đánh giá cao về “Cuộc đời và sự nghiệp Nhà văn-Giáo sư Trương Tửu” đã được tổ chức tại Đại học sư phạm Hà Nội, do Khoa Ngữ văn chủ trì nơi cách đó hơn 50 năm GS. Trương Tửu đã giảng dạy và sáng lập Bộ môn văn học Việt Nam đầu tiên ở Trường Đại học dưới chính thể cách mạng. Năm 2010: NXB Lao động và Trung Tâm VHNN Đông Tây tiếp tục xuất bản “Trương Tửu-Tuyền tập văn xuôi” do PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn giới thiệu và tuyển chọn.Cũng dịp này tại Trung Tâm VHNN Đông Tây đã diễn ra buổi kỷ niệm 10 năm ngày mất của Trương Tửu. Năm 2010: Ngày 31/5/2010 BCH Hội nhà văn Việt Nam có quyết định số 346/QĐ-HV “Công nhận nhà văn Trương Tửu là Hội viên Hội nhà văn Việt Nam”, đúng 52 năm sau quyết định khai trừ ông khỏi Hội nhà văn (1958). Năm 2011-2012: Các Tổ chức có liên quan, Ban Liên lạc cựu sinh viên văn khoa 1954-1957 và gia đình cùng nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu PBVH, giáo sư, trí thức..đang tích cực chuẩn bị cho ký niệm 100 năm ngày sinh của Nhà văn-GS.Trương Tửu (1913-2013) với các sự kiện: Xuất bản Tuyển tập “Trương Tửu- Tác phẩm và dư luận”, Hội thảo khoa học, Lễ kỷ niệm.. Đẩy sẽ là 1 mốc thời gian mới của quá trình tiếp tục phục hồi, đánh giá lại và tôn vinh Nhà văn-Giáo sư Trương Tửu.
Hà Nội, 2002-2012 (Biên soạn: Trương Quốc Tùng)
Lên trang viet-studies ngày 1-7-12 |