LỜI DẪN
Việc tìm hiểu và đánh giá
lại văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ XX cho tới trước 1945
có thể tiến hành theo nhiều hướng. Trong tập sách này,
chủ yếu chúng tôi muốn xem xét văn học trong giai đoạn
đó như hình ảnh rõ nhất của một cuộc vận động mang ý
nghĩa đặc biệt khi những trang sách văn chương viết bằng
quốc ngữ tự nhào nặn để chín dần theo hướng có thể hội
nhập với văn học thế giới và do đó, trở thành một trong
những giai đoạn nẩy nở đẹp đẽ nhất trong đời sống tinh
thần của dân tộc.
Mở đầu công trình nổi
tiếng Thi nhân Việt nam 1932 -41, Hoài Thanh ghi nhận:
“Sự gặp gỡ phương
Tây là cuộc biến thiên lớn nhất trong lịch sử Việt Nam
từ mấy mươi thế kỷ (...) Cho đến những nơi hang cùng ngõ
hẻm, cuộc sống cũng không còn giữ nguyên hình như trước
(…) Phương Tây bây giờ đã đi tới chỗ sâu nhất trong hồn
ta”
Khi nói về Hoài Thanh,
nhiều người chỉ thích cái khả năng rung cảm đặc biệt của
ông với thơ và tài năng của nhà phê bình trong việc gọi
ra cái giọng thơ riêng của từng thi sĩ.
Thế nhưng chính cái phần
nhận xét tổng quát nói trên cũng là một phần tài năng
hơn người của Hoài Thanh, hơn nữa nó là xuất phát điểm
khiến cho bao nhiêu nhận xét lung linh sắc sảo của ông
trở nên có ý nghĩa.
Và đó cũng là điều đáng
được coi là nền tảng mà bất cứ ai dù đi vào văn học dù
thơ hay văn xuôi đều cần phải biết, và tập sách này cũng
đi theo cái tư tưởng đó.
Sau bài mở đầu, mang tính
cách giới thuyết về khái niệm hiện đại, và đề nghị về
một cách sử dụng thuật ngữ mà chúng tôi cho là cần thống
nhất, là chùm bài nói kỹ hơn về chuyển biến của các thể
văn xuôi cụ thể như phóng sự và tuỳ bút.
Tiếp đó là phần đi vào các
tác giả cụ thể. Trước tiên, ở đây có hai việc cần phải
nói rõ:
–
Trong một tập sách nói về văn xuôi hiện đại mà lại bỏ
qua đóng góp của những tác giả như Hoàng Ngọc Phách,
Nhất Linh, Khái Hưng …, đó là một thiếu sót.
–
Thứ nữa, mặc dầu khó lòng nói rằng Lê văn Trương là một
tác gia lớn, nhưng đương thời đây là một trong những nhà
văn được nhiều người đọc, nói về giai đoạn này, người ta
không thể bỏ qua tên tuổi ông, bản thân sáng tác của ông
mang dấu ấn rõ rệt của hiện đại hoá. Cuốn sách có hẳn
một bài riêng viết về Lê Văn Trương là với lẽ đó.
Phần chính của các tập
sách dành để viết về các tác giả như Ngô Tất Tố, Nguyễn
Tuân, Thạch Lam, Vũ Bằng, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao…
Các cây bút nổi tiếng đó
đã trở thành đối tượng miêu tả và đánh giá của nhiều
công trình nghiên cứu. Về phần mình, với mỗi tác giả đó,
trước tiên chúng tôi tìm cách chỉ ra cách làm văn học
của họ, cách tồn tại của họ trong văn học, cũng như ý
nghĩa xã hội mà người ta có thể đọc ra từ sự tồn tại
này. Tiếp đó, trong một số trường hợp, đi vào cách viết
của họ, những đóng góp của họ về mặt hình thức thể loại,
nó cũng là những phương diện cho thấy tinh thần hiện đại
đã thấm sâu vào họ và chuyển thành những giá trị nghệ
thuật mới mẻ.
Thú thật là phải qua một
thời mò mẫm kéo dài tới cả chục năm trời, rồi chủ đề
chính như một mạch ngầm xuyên suốt cuốn sách vốn hình
thành trong tiềm thức người viết mới được nhận ra và
hoàn chỉnh. Cũng bởi vậy mặc dầu biết rằng các vấn đề và
tác giả có liên quan đến đề tài còn đang hiện ra ở dạng
tản mạn, chúng tôi vẫn mạnh dạn kính trình bạn đọc cuốn
sách ở cái dạng như hiện nay. Công việc đi sâu vào quá
trình hiện đại hoá văn học với những khía cạnh cụ thể
của nó đang được chuẩn bị để có thể đến với các bạn
trong một công trình khác.
Chắc chắn còn cần phải có
sự đóng góp của nhiều người thì chúng ta mới nhận diện
được chính xác quá trình hiện đại hoá văn học nửa đầu
thế kỷ XX. Tuy nhiên chúng tôi vẫn nghĩ đây là một hướng
đi có triển vọng, nhất là khi người ta muốn sử dụng văn
học như một phương thức tìm hiểu lịch sử, qua đó gợi ý
cho những thích ứng và tìm tòi đang âm thầm diễn ra
trong cuộc sống hôm nay.
|