Vương Trí Nhàn

 

 

 

 

 

Cây bút, đời người

Tập chân dung văn học

 

 

 

Bản 2007, có bổ sung hai tiểu luận tâm lý học sáng tác  

 

 

 

 

 

 

Nhà xuất bản Hội Nhà Văn

 

 

 

 Mục lục

 

 Lời dẫn                                                                       

- Xuân Quỳnh, cuộc đời để lại trong thơ                          

- Lưu Quang Vũ và một mảng đời, một mảng thơ thường bị quên lãng                         

- Nghiêm Đa Văn và rất nhiều dang dở    

- Nguyễn Khải và nỗi hào hứng viết để chinh phục bạn đọc                     

- Nguyễn Minh Châu, người viết văn và thời đại                

- Nguyễn Thành Long và một cuộc sống khác              

- Nhị Ca và một triết lý sống hợp lý                              

- Thanh Tịnh, cuộc đời ngậm ngải tìm trầm

- Tế Hanh, lời con đường quê 

- Nguyễn Tuân, người nhập vai

- Tô Hoài và những nghiêm chỉnh của kiếp phù du              

- Xuân Diệu, sống để mài sắt nên kim 

 * Thay lời kết:

- Khi người viết văn không xem cầm bút là một  nghề nghiệp

- Mặc cảm - tha hoá - phân thân và những diễn biến tâm lý có thật

 


 

 

Lời dẫn

 

 

 

Với tư cách một người chuyên viết phê bình văn học, có thể nói tôi có nhiều may mắn, bởi trong suốt cuộc đời làm nghề, tôi luôn có dịp được sống gần gũi với các nhà văn nhà thơ, ở cùng cơ quan, hàng ngày trò chuyện với họ, cùng họ bàn bạc về công việc văn chương cũng như việc đời. Nhiều người từng gặp nhau ở nhận xét: bên cạnh các bài thơ cuốn truyện thì các nhà văn còn thường xuyên sáng tác ra một tác phẩm độc đáo, đấy là con người của chính ông ta, tính cách của ông ta. Ở đây tôi đã gặp những mẫu người khác nhau. Có người may mắn được trời phú cho khả năng đặt bút là thành văn, người hàng ngày ngồi trước bàn kỳ khu dập dập xoá xoá mãi mới ra được mấy dòng tầm thường. Có những người lúc nào cũng như trong cơn say tưởng đời không còn ý nghĩa gì khác hơn là được viết, được thiên hạ kêu là văn sĩ thi sĩ. Lại rất nhiều người hiểu rằng tài năng của mình cũng vừa phải, nên bên cạnh lao động trên trang giấy biết lo liệu hết sức cho những việc chẳng văn chương chút nào song nhờ thế cũng có một đời sống khá giả. Một thời gian dài, trong suốt những năm tháng ta quen gọi là thời bao cấp, nhiều nhà văn ở ta làm việc như một tín đồ chỉ mải viết mà không hề bận tâm tới cuộc sống của gia đình vợ con. Trái lại thời gian gần đây lại có loại người chỉ đá gà vào văn chương một chốc một nhát đủ tạo ra được một sự công nhận là có viết văn rồi lấy danh hiệu nhà văn dùng vào những việc kiếm sống khác.

 

Tóm lại bên cạnh kẻ ảo tưởng có người biết điều, cạnh kẻ khôn có người dại, mà cái sự khôn dại này không dễ gì nhận biết ngay được.

 

Nhìn vào cách sống của các đồng nghiệp, tôi như luôn luôn nghe được những cuộc đối đáp nó không được cất lên thành lời song là những cuộc đối thoại ngầm, đối thoại giữa những cuộc đời:

 

- Sao anh trăn trở hoài về nghề như vậy? Tôi nghĩ sáng tác chẳng qua như con chim ngứa cổ hát chơi.

- Phải nghĩ chứ, nghĩ và đọc nữa để xem đồng nghiệp trong nước ngoài nước đã viết gì và còn chỗ nào họ chưa kịp viết thì mình mới viết tiếp.

- Lam lũ viết thật nhiều in thật lắm mà làm gì, muốn làm giàu thì đi làm nghề khác, ở nghề này giàu sao nổi. Chi bằng tôi cứ chơi dài, nhỡ xuất thần lại có bài thơ để cho đời sau không biết chừng.

- Không anh bạn ơi, trời bắt tôi phải động bút hàng ngày, viết cho tương lai là chuyện tôi không dám mơ mà chỉ lo viết cho người hôm nay đọc. Nhưng mà nói thật nhé, tôi không thích cái cách sống gặp đâu hay đấy, không chịu làm việc. Cứ cầu may vậy thì làm gì có văn hay ?

- Văn chương là một trò chơi.

- Đúng, nhưng đó là một trò chơi nghiêm túc, tức luôn luôn là một cuộc phấn đấu.

...

 

Người đời đôi khi thành kiến rằng đám người viết văn chẳng qua là một bọn dông dài. Trong khi ấy một số đồng nghiệp viết phê bình của tôi (nhất là các nhà giáo) có xu thế lý tưởng hoá những người viết văn, xem cây bút nào cũng tâm huyết đầy mình. Về phần tôi, tôi muốn nghĩ ngoài đời có bao nhiêu kiểu người thì trong văn chương có bấy nhiêu kiểu người cầm bút, ở đây cũng có thánh thần và có ma quỷ, và trừ một số tài năng sáng chói, thì phần lớn người cầm bút cũng có cả những chỗ tầm thường lẫn chỗ cao quý. Và điều quan trọng hơn: mỗi con người ở đây là một tư cách, một số phận. Không phải chỉ những tài năng lớn tên tuổi được lưu lại trong lịch sử mới có một cuộc đời thú vị. Mà ngay những nhà văn tạm gọi là bình thường thực ra nhìn kỹ cũng có cách phấn đấu riêng, những bi kịch riêng. Có thể bảo những cuộc làm người của họ trong văn chương cũng đáng được ghi chép lại.

 

Đây đó trong một vài tập sách mỏng đã in ra trước đây như Cánh bướm và đoá hướng dương, tôi đã thử tìm cách vẽ phác ra gương mặt một vài nhà văn mà tôi có nghiên cứu.

 

Lần này, xin phép được kính trình bạn đọc và các đồng nghiệp một tập chân dung đầy đặn hơn. Có những người tôi đã thử viết một hai lần, lần này xin tiếp tục đưa ra những cách giải thích mới. Tôi biết các hoạ sĩ vẽ chân dung có thói quen trở đi trở lại với những khuôn mặt đã quen, mỗi lần đưa ra một phác thảo khác. Tôi mong những bài viết này của tôi cũng được đối xử như vậy. Và trên hết cả, tôi hy vọng không chỉ những người được tôi nói tới mà các bạn văn khác và nói chung tất cả những ai quan tâm đến đời sống văn học đương đại có thể tìm thấy ở những trang sách sau đây những điều bổ ích.

 

 21-12-2001

 

    V.T.N

 

 

Ghi chú 11-2-2007

 

    Trong bản gửi tới bạn đọc trên mạng có bổ sung thêm phần Thay lời kết. Hai bài viết trong phần này vốn in ra lần đầu trên các tạp chí Sông HươngCửa Việt 1990 và 1992, sau đó đã đưa vào phần Tự vấn trong cuốn sách Những kiếp hoa dại,1993. Chúng có một chủ đề chung. Đó là một cách thử khái quát bộ mặt tinh thần, đời sống tâm lý của  một số người viết văn mà tôi có biết. Các chân dung in trong Cây bút đời người chính là được viết theo tinh thần của hai tiểu luận này.   

 

    Vào những ngày cuối 2006 đầu 2007, trên báo chí (cả báo giấy lẫn báo điện tử) có đăng tải nhiều bài viết về con người nhà văn ở các tác giả Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài. Tôi muốn bạn đọc và các đồng nghiệp xem tập CBĐN này và hai tiểu luận mới bổ sung như là một cách tôi tham gia vào các cuộc trao đổi nói trên.