Nhà văn tiền chiến và quá trình hiện đại hoá
(NXB Đại học Quốc gia Hà Nội 2005)
Vương Trí Nhàn


 Chương 16


 DƯƠNG QUẢNG HÀM VÀ BƯỚC ĐẦU
HÌNH THÀNH  CỦA MỘT NỀN  HỌC THUẬT

 

Vương Trí Nhàn

 

 

Trong quá trình tìm hiểu về thơ mới và tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, giới nghiên cứu ở ta hầu như đã thống nhất với nhau về những biến đổi căn bản của văn hoá Việt Nam đầu thế kỷ này dưới ảnh hưởng của văn hoá phương Tây, một sự biến đổi lúc đầu giống như một vụ cưỡng hôn nhưng rồi cũng đã mang lại cho xã hội những đứa con tinh thần bụ bẫm.

 

Nhưng sự biến đổi của văn hoá còn có một khía cạnh thứ hai là việc xây dựng một nền học thuật mới. Chúng ta đều biết là từ thế kỷ XIX về trước, học thuật ở ta không có sự phát triển bình thường. Có nhiều lý do cắt nghĩa cho sự chậm chạp đó, ở đây chúng tôi không có điều kiện bàn kỹ, chỉ xin lưu ý một điều học thuật phát triển chậm chạp là do thiếu sự hỗ trợ đồng bộ của văn hoá (nghề in ở ta còn rất thô sơ; báo chí không có; nghề xuất bản mới ở tình trạng phôi thai khắc in được một số bản ít ỏi …), nhưng đến lượt nó, học thuật trì trệ lại làm cho sự trưởng thành của một nền văn hoá trở nên khó khăn, vì học thuật chính là phần lý tính là trình độ tự nhận thức của một nền văn hoá đó. Với những bộ sử bám sát vào sự nối tiếp của các triều vua và dăm bộ hợp tuyển thi văn còn khá luộm thuộm, có thể nói bây giờ dù ông cha ta đã trải qua nhiều võ công hiển hách và thường tự hào về khả năng tồn tại của chính mình, song chưa thể nói là xác định được chỗ mạnh chỗ yếu của mình một cách khoa học, càng chưa có điều kiện đặt mình vào thế giới rộng lớn từ đó có được định hướng phát triển lâu dài.

 

Từ đầu thế kỷ XX, cho tới trước 1945, tình hình thay đổi. Bắt đầu hình thành một từng lớp trí thức mới, những người được đào tạo ở các trường Tây học nhưng lại có căn bản Hán học từ căn cốt gia đình. Một số công trình nghiên cứu mang tính cách cơ bản cũng được biên soạn và đến nay, còn được công nhận.

 

 Sự phân công ngẫu nhiên và chỗ độc canh của nhà văn học sử

 

Vào thời gian mà chúng ta đang nói tức nửa đầu thế kỷ, các bộ môn như dân tộc học xã hội, học tâm lý học, hoặc chưa ra đời, hoặc mới phát triển ở dạng phôi thai.

 

Một ngành Việt học nếu cần thành lập lúc ấy, chắc chắn chỉ gồm có có mấy bộ môn như khảo về tư tưởng triết học (kể cả các ảnh hưởng), khảo về lịch sử và khảo về văn học, bao gồm cả văn hoá dân gian lẫn ngữ học. Sự phát triển của các ngành học thuật ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX đã diễn ra đúng như thế. Sơ bộ kiểm điểm, người ta thấy có một sự phân công gần như ngẫu nhiên nhưng khá hợp lý:

 

Phạm Quỳnh trình bày những quan niệm mới về văn hoá trên Nam Phong (sự nghiệp của Phạm Quỳnh còn nhiều mặt khác nhưng ở đây chúng tôi chỉ nói đóng góp đáng lưu ý nhất)

 

● Trần Trọng Kim đi vào lịch sử tư tưởng Nho giáo, và ghi được một cái mốc trong sử học với bộ Việt Nam sử lược (1925)

 

● Phan Kế Bính ghi chép những tài liệu phong tục, tạo nên một thứ tiền thân cho dân tộc học và lịch sử xã hội trong Việt Nam phong tục vào năm 1925.

 

Hơn chục năm sau Đào Duy Anh sẽ đưa ra một cuốn lịch sử văn hoá theo đúng nghĩa của chữ này: Việt Nam văn hoá sử cương.

 

(Trở nên chúng tôi chỉ nêu những công trình đã được thời gian khẳng  định. Còn nhiều tác phẩm khác, có khi chỉ là những bài báo, cũng có giá trị rõ rệt, nhưng xin phép không kể vì sợ quá dài)

 

Riêng về văn học chúng ta cũng thấy có một sự chuyên môn hoá sớm. Nguyễn Văn Ngọc đi sâu vào văn học dân gian, Trần Văn Giáp giành cả đời cho công tác thư tịch, Nguyễn Văn Tố cùng nhiều người khác khảo chứng văn bản cổ, Thiếu Sơn và về sau Vũ Ngọc Phan ngả sang văn học hiện đại.

 

Đặt trong hoàn cảnh chung về học thuật như thế, người ta thấy một công trình của Dương Quảng Hàm có vẻ như  không thể thiếu được mà là một sự bổ sung cần thiết cho ngành Việt học đương thời.

 

Trong văn hoá Việt Nam nếu về hội hoạ, âm nhạc, kiến trúc người ta còn phải ngần ngại thì văn học luôn có điều gì đó để nói, nó là mặt mạnh nhất của văn hoá Việt.

 

Nhưng sự tất yếu này vẫn không thể xảy ra nếu người thực hiện công việc kiểm điểm và khái quát toàn bộ văn học Việt Nam không phải là Dương Quảng Hàm.

 

Tiểu sử Dương Quảng Hàm ghi nhận từ 1920 ông đã đảm nhận việc dạy môn văn học Việt Nam tại trường Trung học bảo hộ và liên tục làm công việc này cho tới 1945. Năm 1925, một cuốn sách của ông mang tên Quốc văn trích diễm đã được in ra trong đó trong phạm vi mấy trang ngắn ngủi ông đã phác ra sơ đồ phát triển của văn học Việt Nam để rồi sau này (1941), phát triển thành Việt Nam văn học sử yếu. Tính cách duy nhất của công việc khiến chúng ta dự đoán đây là công việc ông hết sức yêu mến và cảm thấy như ý nghĩa của đời mình nằm ở đó.

 

Mượn chữ của bên sản xuất nông nghiệp có thể bảo như vậy là Dương Quảng Hàm làm việc theo lối độc canh. Tuy nhiên theo dõi sự tiến hoá của Dương Quảng Hàm từ Quốc văn trích diễm qua Việt Nam văn học sử yếu thì lại thấy là ông không chịu dừng lại ở một chỗ mà có sự tiếp nhận ở những người khác, và đây chính là dấu hiệu của một trình độ thâm canh khá cao. Thông thường ở cuối các chương sách, Dương Quảng Hàm có ghi rõ những tác phẩm ông đã kê cứu và muốn người đọc sách sẽ cùng kê cứu thêm. Đó là một sự sòng phẳng, mà cũng là một động tác khoa học mà đến nay nhiều sách nghiên cứu của ta bỏ trống, không làm.

 

Chúng tôi nghĩ rằng từ Phạm Quỳnh tới Phan Kế Bính, từ Nguyễn Trọng Thuật tới Nguyễn Văn Ngọc,  tất cả những tác giả mà Dương Quảng Hàm có nhắc nhở tới là những người có góp phần làm nên thành công của Việt Nam văn học sử yếu. Đặc biệt nên kể tới vai trò của chủ bút báo Nam phong. Trước Dương Quảng Hàm, Phạm Quỳnh đã viết về nhiều vấn đề cụ thể cho văn học Việt Nam. Hồi được giao cho việc giảng dạy ở trường Cao đẳng Đông Dương (1924), Phạm Quỳnh đã đề ra một chương trình Ngôn ngữ và văn chương Hán Việt khá chi tiết trong đó bao gồm việc nghiên cứu từ chữ nôm chữ Hán tới văn học sử Tàu, Tống nho, Minh nho, ảnh hưởng của tâm tư, rồi các lối tản văn mới các báo chí viết bằng quốc ngữ. Theo như nhận định của một nhà văn học sử Sài Gòn trước đây là Phạm Thế Ngũ thì có thể nói “Dương Quảng Hàm đã đem cái chương trình trên (của Phạm Quỳnh-V.T.N.) tỉa rút bớt đi hạ thấp xuống nêu ra những điểm yếu lược để làm nên Việt Nam văn học sử yếu”.  Đây có lẽ là một ví dụ nữa cho thấy sự gắn bó của Dương Quảng Hàm với nền học thuật đương thời. Mặc dầu các ý tưởng của ông được khởi sự từ những năm hai mươi và đọc ông người ta nhớ tới văn phong của các công trình biên khảo đầu thế kỷ hơn là những năm tiền chiến (mà điển hình là cái bút pháp duyên dáng của Hoài Thanh trong những năm 40), song cái nhìn của ông vẫn bám sát thời đại. Khi viết về phần văn học trước 1945, ông đưa vào không chỉ Nhất Linh, Khái Hưng, Thế Lữ mà cả Xuân Diệu và Hàn Mặc Tử là những người lúc đó trên dưới ba mươi tuổi . Điều này không chỉ chứng tỏ tính nhạy cảm của ngòi bút trong tay ông mà còn cho thấy trong cái vẻ từ tốn của một nhà giáo ông vẫn giữ được mối liên hệ sinh động với đời sống văn học đang diễn ra chung quanh.

   

 

Thử nêu lên một vài đặc điểm của nền học thuật đương thời qua trường hợp Dương Quảng Hàm

 

Khi nhận xét rằng văn học những năm đầu thế kỷ cho tới trước 1932 có khuynh hướng nghiêng về biên khảo và học thuật, các nhà văn học sử đã chỉ ra sự song hành giữa biên khảo với báo chí. Nhưng qua trường hợp của Dương Quảng Hàm cũng như của Nguyễn Văn Ngọc, Trần Trọng Kim, người ta có thể nhận xét thêm là biên khảo học thuật thường gắn liền với việc dạy học ở nhà trường, một số nhà khảo cứu trước tiên là các nhà giáo và những cuốn sách mà họ viết ra trước khi được phổ biến chung đã được, và sau này còn được dùng, như những cuốn sách giáo khoa. Lúc đầu, đó chỉ là những cuốn sách giáo khoa dùng cho bậc tiểu học và về sau mới được nâng nên thành sách cho các lớp ở bên trên, trung học hoặc cao đẳng.

 

Do chỗ được biên soạn trước tiên là để giảng dạy, những công trình học thuật như Việt Nam văn học sử yếu thường có lối viết rành rẽ mực thước cốt ở sự trong sáng, giản dị. Rộng hơn câu chuyện cách viết là phong cách tư duy khoa học nói chung. Như trường hợp Dương Quảng Hàm, có thể nói đó là một phong cách tư duy mang tính cách duy lý, cố gắng bám sát sự kiện khách quan và có cái chừng mực biết điều để ngỏ cho mọi sự phản bác phê phán. ảnh hưởng phương Tây ở đây đã rõ ràng mặc dù những dấu vết của lối biên khảo qua các nhà Hán học cũng là một cái gì trộn không lẫn (Nó là sự phân biệt giữa Dương Quảng Hàm, Ngô Tất Tố, Trần Trọng Kim với những người có viết nghiên cứu nhưng thuộc lớp sau như Hoài Thanh, Vũ Ngọc Phan hoặc mở rộng hơn cả những Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu v.v)

 

Một đặc điểm khác của học thuật lúc này là chỉ có những biến đổi chậm chạp . ở khu vực sáng tác người ta đã chứng kiến giữa thơ và tiểu thuyết có sự phân biệt: trong khi sự thay đổi ở thơ xảy ra như một chiến dịch sôi nổi ào ạt mỗi khi nhớ lại người ta đều gọi đó là một phong trào, thì ở trong tiểu thuyết chỉ có những cố gắng cá nhân  không kèn không trống chúi đầu  làm việc, không ai ra tuyên bố mà cũng không ai đăng đàn diễn thuyết để bênh vực hoặc đấu tranh với ai. Tình hình trong giới nghiên cứu có phần giống như trong tiểu thuyết, phần lớn các nhà nghiên cứu đều học ở trường Pháp ra hoặc đọc sách Pháp nghĩa là biết được một ít phương pháp, rồi liệu mà làm, tuỳ theo công việc (dạy học hay được nhận về làm ở một cơ quan nghiên cứu của nhà nước hay giữ một mục nào đó trên một tờ báo) mà triển khai việc nghiên cứu cho tiện với mình.

 

Trong một tình hình nghiên cứu nói chung lặng lẽ như thế, một người như Dương Quảng Hàm với bản tính riêng, càng lặng lẽ ; mỗi khi nhớ tới ông, chúng ta quen hình dung đó là một người đơn độc. Theo một lô-gích thông thường người ta hẳn lấy làm lạ nếu biết rằng những dòng ưu ái mà ông giành cho lịch sử văn học dân tộc lại được viết ngay giữa một pháo đài của chế độ thuộc địa là trường trung học bảo hộ. Nhưng sự thực vẫn là thế, sự đơn độc cho phép ông bình tĩnh theo đuổi mục đích của mình đồng thời lại tận dụng được những ưu thế mà hoàn cảnh cho phép. Chúng tôi muốn chúng ta nên nói qua tới mối liên hệ giữa cuốn sách của Dương Quảng Hàm với những đồng nghiệp người Pháp mà ông thường xuyên có quan hệ. Trong sự khởi đầu khó khăn của mình, nền học thuật non trẻ của Việt Nam lúc ấy không chỉ tìm đến học thuật Pháp như một người thày giàu kinh nghiệm mình phải tìm đến để học phương pháp nhờ giúp một ít đồ nghề và kỹ năng kỹ thuật nghiên cứu sơ đẳng, mà còn nhận được ở đó những sự trợ giúp cụ thể, nó giống như những đường cày khai phá mà về sau các học giả người Việt phải tiếp tục. Chúng tôi cho rằng đây là một điều không thể lảng tránh nếu muốn đánh giá đúng mức thành tựu của nền học thuật Việt Nam nửa đầu thế kỷ này. Riêng trường hợp của Dương Quảng Hàm điều này lại có ý nghĩa khá tiêu biểu.

 

Vai trò gợi ý của các nhà nghiên cứu người Pháp và đóng góp riêng của tác giả Việt Nam văn học sử yếu

 

Có một điều nhiều người hết sức ngạc nhiên khi đọc Dương Quảng Hàm: mặc dù là một cuốn văn học sử hoàn chỉnh đầu tiên song Việt Nam văn học sử yếu có được cách giải quyết khá đúng đắn trong nhiều việc, như đặt phần văn chương bình dân vào phần mở đầu, đánh giá đúng mức phần văn chương chữ Hán bên cạnh văn chương chữ nôm, hoặc có phân kỳ văn học có thể chấp nhận được. ấy là không kể tới những định hướng đúng đắn khác, như chú ý trình bày ảnh hưởng của những nền văn hoá nước ngoài tới văn hoá Việt Nam, hoặc ưu tiên đúng mức tới vai trò của các hình thức văn học. Cuối sách, thì có cả niên biểu lẫn sách dẫn (index); chỉ nhìn vào phần sách dẫn này chúng ta cũng đã có một ý niệm chính xác về nền văn học dân tộc. Sau nửa thế kỷ Việt Nam văn học sử yếu ra đời, chuỗi tác giả và tác phẩm được Dương Quảng Hàm nêu ra có thể được chúng ta hôm nay bổ sung nhưng về cơ bản thì vẫn giữ nguyên giá trị.

 

Đây là những định hướng chính xác mà ngày nay chúng ta còn tiếp tục.

 

Tuy nhiên cũng nên biết rằng trước Dương Quảng Hàm có nhiều học giả Pháp làm việc trong bộ máy nhà nước bảo hộ đã đi vào lịch sử văn học Việt Nam. Trong những người này có người viết báo có người viết sách có người nghiên cứu toàn bộ có người nghiên cứu từng mảng song tổng hợp lại đã tạo nên một cái nền, một bộ đỡ vững chắc để Dương Quảng Hàm tiếp tục. Tuy chỉ gói gọn trong có một trang sách in chữ nhỏ nhưng cái chương trình Việt văn ở các trường Pháp Việt và cao đẳng tiểu học in ở mấy trang đầu sách Quốc văn trích diễm cũng đã nói lên được một phần trình độ chiếm lĩnh văn học Việt Nam của các học giả Pháp (chương trình cũng bao quát đủ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Đình Chiểu, Tú Xương, Tản Đà)

 

Đi vào cụ thể, chỉ xin nói qua về hai trường hợp:

 

Một là Edmond Nordemann thường tự xưng là giáo học Ngô Đê Mân với cuốn Chrestomathie annamite, tên tiếng Việt là Quảng tập viêm văn, in ở Hà Nội 1898. Như nhan đề  của nó đã chỉ rõ, đây là một thứ văn tuyển sơ lược, nhưng cũng đã đưa vào được cả văn học dân gian lẫn văn học viết, trong văn viết thì không chỉ có văn nôm mà cả văn chữ Hán mà tác giả gọi là văn nho . Nếu chúng tôi không nhầm thì người soạn sách có ý thức rất rõ rằng cứ cái gì thuộc về văn chương chữ nghĩa mà được nhiều người Việt Nam nhắc nhở thì cố ghi lại bằng được. Đây là một thái độ thực sự cầu thị đáng quý. Nordemann cũng đi đầu trong việc đưa các kiến thức văn hoá vào sách, bao gồm những hiểu biết về lịch sử tôn giáo những mô tip văn hoá Trung Hoa thông dụng, ý ông muốn nói người ta phải hiểu được những cái đó mới hiểu được văn học Việt Nam.

 

Hai là trường hợp Georges Cordier. Ngoài những bài báo nhỏ, và những công trình dịch thuật các tác phẩm từ tiếng Việt ra tiếng Pháp - có lẽ ông này cũng là một nhà giáo? - còn soạn một cuốn sách mang tên Trích tuyển tác phẩm của các tác giả Việt Nam (Morceaux choisis d’auteurs annamites) trong đó thu hút nhiều cái mới hơn so với Nordemann, phần văn học dân gian không chỉ có phương ngôn ngạn ngữ ca dao mà có cả truyện cười truyện truyền thuyết lịch sử (Sự tích Thánh Gióng) và cổ tích. Trong phần truyện nôm ông đưa vào đủ vị Kim Vân Kiều, Phan Trần, Cung oán, Lục Vân Tiên và những áng thơ dài như Chính khí ca, Đại Nam quốc sử diễn ca.  Tương tự như vậy trong phần văn chữ Hán ông cũng trích dịch đầy đủ Hịch cho các tì tướng, Bình ngô đại cáo rồi  Quán Trung Tân... Theo chúng tôi như vậy chính là người Pháp trong khi từ chối các tác phẩm kêu gọi chống Pháp thì lại rất biết trân trọng những tác phẩm ca ngợi tinh thần yêu nước trong quá khứ, ở chỗ này tinh thần khoa học đã giúp cho họ có một thái độ đúng đắn với di sản văn hoá của người Việt.

 

Một cuốn sách quan trọng của Cordier có tên Etude sur la literature annamite (Nghiên cứu về văn học Việt Nam). Tập II đi vào sân khấu, còn tập I là những vấn đề chung, song chủ yếu lại tập trung và miêu tả các thể loại chuyên biệt trong văn học Việt Nam, trong số 290 trang thì đã “chi” cho phần này 204 trang. Đi  vào  phân kỳ văn học  ở cuón Etude sur la literature annamite, Cordier chia văn học Việt Nam ra làm ba giai đoạn:

 

1. Giai đoạn chỉ dùng chữ Hán (từ 1300 trở về trước)

2. Giai đoạn vừa dùng chữ Hán vừa dùng chữ nôm (từ 1300 đến 1626)

3. Giai đoạn cuối cùng có cả ba thứ văn tự chữ Hán chữ nôm chữ quốc ngữ (từ 1626 tới nay)

 

Cách chia như thế này rõ ràng là quá câu nệ về hình thức, không thấy rằng không phải một văn tự mới nảy sinh là có ngay mà phải qua một thời gian khá dài rồi một nền văn học hình thành . Có nhiều yếu tố quan trọng hơn chi phối sự vận động của một nền văn học chứ không phải duy nhất chỉ có yếu tố văn tự.

 

Sở dĩ ở chỗ này chúng tôi muốn nói hơi dài một chút, vì một mặt phải thấy Dương Quảng Hàm tận dụng được rất nhiều thành tựu của các đồng nghiệp người Pháp, cũng như ông đã thu hút được nhiều đóng góp của các học giả người Việt đương thời như ở trên chúng tôi đã nhấn mạnh ; mặt khác cuốn sách của ông vẫn có cái tinh tế riêng sâu sắc riêng mà chỉ một học giả bản xứ hơn nữa một học giả vừa tinh thông Tây học vừa có lòng với đất nước, âm thầm yêu nước thương nòi mới có nổi.

 

Qua sự so sánh sơ bộ với các tài liệu của Nordemann cũng như Cordier chúng ta đã thấy bộ giáo khoa thư của Dương Quảng Hàm có cách giải quyết khác hơn hợp lý hơn, và cũng xứng đáng là một cuốn văn học sử hơn.

 

Còn về lòng yêu nước của Dương Quảng Hàm thấm thía trong các trang sách chúng tôi nghĩ đến nay chúng ta đều cảm thấy rất rõ. Chỉ xin nói thêm là một người như Nguyễn Hiến Lê mỗi khi nhớ lại đất Bắc cũng luôn luôn nhớ lại trường Bưởi với những bài văn học Việt Nam mà giáo sư Dương Quảng Hàm đã dạy ông. Nguyễn Hiến Lê cũng không quên kể rằng ở Dương Quảng Hàm các học trò luôn luôn nhận ra một lòng yêu nước kín đáo (tài liệu đã đăng ở tờ Bách khoa số 1-11-1966). Yêu nước kiểu ấy - một thứ lòng yêu nước sâu sắc nhưng tự giấu đi, và chỉ còn bộc lộ qua một trình độ chuyên môn vững chãi - là nét đặc thù thấy ở nhiều học giả chân chính nửa đầu thế kỷ XX.

 

                                                                                            1992

Đã in trong Dương Quảng Hàm, con người và tác phẩm

NXB Giáo dục, 2002

 

 Trở về trang mục lục Vương Trí Nhàn
Trở về trang Văn Hoá & Giáo Dục