Nhà
văn tiền chiến và quá trình hiện đại hoá
(NXB Đại học Quốc gia Hà Nội 2005)
Vương Trí Nhàn
Chương
17
KHUÔN MẶT
TINH THẦN CỦA MỘT TRÍ THỨC:
TRƯỜNG HỢP
ĐINH GIA TRINH
Vương Trí Nhàn
I
Được hình thành với mục đích cụ thể là phục vụ tức thời cho công
cuộc thực dân, nền giáo dục do người Pháp tổ chức nên ở Việt Nam từ
1945 về trước về căn bản mang nặng tính cách thực dụng và những con
người được nền giáo dục đó đào tạo trước tiên thích hợp cho công
cuộc cai trị, hơn là làm lợi theo nghĩa cao sang của chữ này,
cho nền văn hoá xứ sở. Dẫu sao, thay thế cho các nhà nho dần dần một
lớp trí thức mới cũng đã hình thành: Hàng năm, trong khi đa số các
cậu học sinh tiểu học ra trường rồi đi làm các sở tư hay gia nhập
vào bộ máy nhà nước bảo hộ để kiếm sống và vốn liếng kiến thức cũng
tan biến luôn trong đó, thì một số nhỏ, do những cơ may nào đó, tiếp
tục được học lên. Người này vào lycée A. Sarraut. Người kia
thi đậu các trường cao đẳng mới mở. Kết quả là số người so với đời
sống bấy giờ có học vấn cao, có căn bản văn hoá vững vàng, số đó
đông dần lên. Mà vượt ra ngoài mong muốn của bọn thực dân, nền văn
hoá Pháp chân chính sớm mang lại cho lớp trí thức trẻ ấy (trong đó,
một só nhỏ còn vừa du học bên Pháp trở về) một óc suy xét khách
quan, lối làm việc khoa học và thói quen độc lập trong tư duy. Chẳng
những thế có một quy luật thấy rất rõ đã chi phối hàng ngũ các trí
thức chân chính: dù được dạy dỗ như thế nào, trước sau, họ phải trở
về với cội nguồn dân tộc của mình. Cái vốn liếng văn hoá mà họ hấp
thụ được trong nhà trường
–
nếu họ thật sự thấm nhuần
–
nhất thiết hướng họ vào việc soát xét lại quá khứ của xứ sở để từ
đó, phác hoạ ra một đường hướng vận động tới tương lai mà họ nghĩ là
nhiều phần thích hợp với dân tộc trong thời đại mới.
Đấy chính là trường hợp xảy ra với một nhóm trí thức trẻ ở Việt Nam
những năm 40 của thế kỷ này, những Hoàng Xuân Hãn, Nghiêm Xuân Yêm,
Phan Anh, Vũ Đình Hoè, Vũ Văn Cẩn... Sinh trưởng vào khoảng 1900 tới
1915, tới đầu 1940, họ vừa chín tới trong suy nghĩ. Tập hợp nhau lại
trong một tạp chí mang tên Thanh Nghị, họ mạnh dạn trình bày
những ý kiến riêng có liên quan đến các vấn đề cấp bách của xã hội.
Quan điểm của họ là dân tộc và dân chủ.
Giữa các trí thức góp mặt trong Thanh Nghị suốt thời gian tạp
chí này tồn tại
–
thực tế là một cây bút chủ lực ở đấy
–
, Đinh Gia Trinh (1915-1974) có một vai trò riêng biệt. Trong khi
các bạn bè khác viết về sử, về luật, về pháp quyền, về kinh tế...
thì khu vực được ông đề cập tới nhiều nhất là văn chương nghệ thuật.
Với tư cách một người quan tâm tới đời sống tinh thần chung của xứ
sở, ông muốn áp đặt một cái nhìn trí thức đối với đời sống và công
việc của giới cầm bút, để rồi thúc đẩy văn chương tiến tới làm tròn
những sứ mệnh của nó. Bởi lẽ, xưa nay, trong lòng xã hộiViệt Nam,
văn chương nghệ thuật luôn luôn đóng một vai trò trọng yếu, sự quan
tâm của nhà cầm quyền cũng như các giới dân chúng đối với nó là rất
lớn lao, và sự thực nó đã trở thành một thứ hàn thử biểu của đời
sống, cho nên, việc một người trong giới trí thức suy nghĩ về nó, là
một lẽ tự nhiên, hơn nữa, một điều cần thiết, nhất là từ đầu những
năm 40 trở đi, khi xã hội có nhiều biến chuyển, và sự phát triển của
sáng tạo văn nghệ không còn được phép kéo dài tình trạng tự phát, mà
phải là một cố gắng tự ý thức đến mức tối đa. Không phải ngẫu nhiên
gần như đồng thời với Thanh Nghị, một tạp chí nghiên cứu và
đánh giá văn chương nghệ thuật khác (có hơi nghiêng về việc khảo cứu
cái cổ) cũng đã ra đời, đó là tờ Tri Tân. Với các bài viết
sắc sảo của Đinh Gia Trinh, Lê Huy Vân trên Thanh Nghị, của
Hoa Bằng, Lê Thanh, Kiều Thanh Quế... trên Tri Tân, như vậy
là công việc của Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Nguyễn Bác Trác, Phan
Kế Bính, Nguyễn Văn Ngọc... hồi nào được tiếp tục và đẩy lên một
bước mới.
II
Tuy có khác nhau ít nhiều trong cách gọi tên và đánh giá song tất cả
những ai từng nghiên cứu văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX đều sớm
nhận ra và không tránh khỏi cảm giác kinh ngạc trước sự đổi thay vùn
vụt của nó. Những năm 20 về trước, văn chương ta còn đang ngơ ngẩn
với những câu văn biền ngẫu, những quan niệm thể loại cổ lỗ, những
lối thuyết minh đạo đức thô thiển, vậy mà chỉ mười năm sau,
nền văn chương này đã làm một cuộc cách mạng trong tư duy sáng tạo,
đã dàn ra đủ các mặt hàng và tạo ra sự định hình bước đầu của các
thể tài thể loại, chẳng khác gì ở nhiều nước phương Tây, tóm lại đã
có khuôn mặt của một nền văn chương hiện đại.
Trước mắt một người như Đinh Gia Trinh, cái thực tế văn chương mấy
năm từ đầu 40 bày ra như vậy là một quang cảnh văn hoá, có sắc thái
đậm nét, có định hướng rõ ràng. Điều có phần chắc nữa là nó khá
tương ứng với cách nhìn cách xem xét văn chương hình thành từ cái
vốn liếng tri thức tổng quát của lớp người như ông, thành thử trong
khi bàn luận , ông có thể có một sự lui tới tự nhiên, thoải mái.
Trong phạm vi một tờ báo, công việc mà Đinh Gia Trinh cảm nhiệm lúc
ấy khá đa dạng, và ông đã viết đủ loại: bài phê bình nghiên cứu về
từng tác phẩm có; bài đánh giá tổng quát về tình hình văn chương
từng năm có; bên cạnh những bài có tính chất tiểu luận trình bày một
vấn đề học thuật mà tác giả cho là quan trọng, lại có những đoạn
danh văn ngoại quốc, thực chất là những suy nghĩ của một tác giả
nước ngoài mà Đinh Gia Trinh thấy là hợp với ý tưởng của mình, tự
tay ông dịch, và kèm thêm vào đó vài đoạn bình luận ngắn. ấy là
không kể những bài gọi là tuỳ hứng - theo ngôn ngữ chúng ta bây giờ,
có thể gọi là phiếm luận, tạp luận. Bấy nêu vấn đế, bấy nhiêu bài
viết, cách viết, tưởng là tản mạn, nhưng rút cục, quy tụ ở một điểm,
mà tác giả thấy tâm đắc hơn cả. Dù là mãi đến đầu 1945, Đinh Gia
Trinh mới đưa ra một thiên tiểu luận có đường nét của một bài tổng
kết Địa vị văn hoá Âu Tây trong văn hóa Việt Nam, song tinh
thần kiểm điểm soát xét lại lịch sử theo hướng này cũng đã chi phối
ông nhiều năm trước. Đọc
Mơ hoa của Đoàn Phú Tứ, ông bàn về ảnh hưởng của kịch Pháp với
kịch Việt cũng như nhân đọc tiểu thuyết Việt Nam hiện dại,
ông nêu lên những biến chuyển mới trong tâm lý nó bộc lộ ra qua việc
vận dụng một thể loại. Riêng thơ lại được tác giả dể tâm theo dõi kỹ
hơn cả. Nhân sự tổng kết của Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam
1932-1941 ông chỉ ra tính tất yếu của một sự thay đổi mà lúc đầu
người ta thường e ngại. ít lâu sau, khi đọc Xuân
Thu Nhã tập,
ông lại sẽ cắt nghĩa về những hạn chế của sự thay đổi này bằng vào
những gốc rễ sâu xa của nó. Tóm lại, dù viết về bất kỳ chuyện cụ thể
nào, ông cũng đứng vững trên một nhận xét khái quát, rằng nền văn
chương từ đầu thế kỷ, cho đến những năm 40, là một nền văn chương
làm theo mẫu hình phương Tây, và sự gặp gỡ Tây phương là một hiện
tượng lớn và quan trọng bậc nhất, trong lịch sử đời sống tinh thần
của nước Việt Nam hiện đại. Kể ra trước Đinh Gia Trinh ít lâu, nhiều
nhà nghiên cứu cũng đã nói tới chuyện ảnh hưởng phương Tây (trong
thiên tiểu luận nổi tiếng Một thời đại trong thi ca, Hoài
Thanh đã viết: “Sự gặp gỡ phương Tây là cuộc biến thiên lớn nhất
trong lịch sử Việt Nam từ mấy mươi thế kỷ”) song, trong thực tế, nếu
có một người theo đuổi ý tưởng này đến cùng, và triển khai nó rộng
rãi, bàn được cả cái hay cái dở cụ thể của nó thì người đó, chính là
Đinh Gia Trinh. Rải rác qua các bài viết, người ta biết rằng nhà trí
thức này không chỉ thông thạo văn chương Pháp mà còn biết đến Goethe
của Đức, Shakespeare của Anh... Và trong văn chương Pháp, không chỉ
yêu Lamartine, Baudelaire, Balzac, Hugo... ông còn ngược đến tận
Pascal, trong khi vẫn là bạn đọc thường xuyên của những M. Proust,
A. Gide v.v... Hơn thế nữa, đây là một trong số ít ỏi trí thức
đương thời biết nói về âm nhạc châu Âu như nói về những vui buồn của
riêng mình, và yêu Bethoven với một tình yêu thường trực. Bằng ấy
điều kiện gia dĩ đã là một thứ đảm bảo chắc chắn cho vấn đề mà ông
lựa chọn và trở thành chủ đề xuyên suốt trong các bài viết.
III
Trong số những lý do khiến cho vấn đề Đông Tây sớm nổi lên và trở
thành một ám ảnh dai dẳng chi phối tâm trí nhiều nhà trí thức đương
thời, có một lý do cơ bản sau đây: Đông phương là cái dĩ vãng của xứ
sở, là nền tảng của quá khứ thiêng liêng, còn Tây phương là cái
hương xa hoa lạ bỡ ngỡ, là cái đã đến cùng kẻ thù xâm lược. Theo một
góc độ nào đó mà xét có thể bảo làm văn hoá theo kiểu Tây phương là
từ bỏ truyền thống cha ông, là xa lìa mảnh đất đã nuôi dưỡng mình.
Với một trí thức tự trọng, đấy là cả một việc tế nhị và một người có
lương tâm không khỏi áy náy - những áy náy cần thiết để giúp người
ta lui tới trong cách nhìn và tránh đi những lố lăng tuyệt đối hoá
mỗi khi thẩm định và đánh giá.
Tuy nhiên, đấy là chỉ xét vấn đề từ những mặc cảm cố hữu. Trong lịch
sử nước nhà, câu chuyện Đông - Tây vốn đặt ra từ thời Nguyễn Trường
Tộ, Nguyễn Lộ Trạch, qua Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh đến Đông kinh
nghĩa thục rồi Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Tản Đà. Khi tác giả
Hoài vong của lý trí cầm bút, vấn đề trên đã được lịch sử giải
quyết rồi, những đề xuất của ông không thể nói là có ý nghĩa xác
định phương hướng tiến tới cho lịch sử. Ngược lại, công việc của
Đinh Gia Trinh và các đồng nghiệp lúc này là lý giải một hướng vận
động đã được lịch sử chấp nhận, và mang lại cho nó một vẻ hợp lý, do
đó, một tính cách thiết yếu.
Và việc này đã được ngòi bút Đinh Gia Trinh thực hiện một cách khéo
léo, có sức thuyết phục.
Thứ nhất,
ông bình tĩnh trấn an mọi người. Ông bảo: Ta vẫn là ta. Chẳng qua ta
chỉ mượn ở phương Tây những men giống, sau đó, tự ta sẽ phát triển
“trên cái căn bản cố hữu lưu truyền qua các thời đại”. Một dịp khác,
ông nhấn mạnh ngày hôm nay chỉ là sự nối tiếp của một dĩ vãng. Cái
dĩ vãng ấy không bao giờ tiêu biến như ta sợ. Trong điều kiện mới,
nó sẽ được “thêm thắt và làm cho hoàn thiện hơn”.
Thứ hai,
ông có biện hộ nhưng là một sự biện hộ khá thuyết phục cho hiện
tượng đã xảy ra. Ai kia bảo học theo nước ngoài là đánh mất mình,
còn ông, thì ông cãi lại : “Theo người ta rất có thể chịu một ảnh
hưởng ngoại quốc mà vẫn rất thành thực” “Hồn của Việt Nam có thể ở
những câu ca dao hát trên bờ ruộng nhưng sao lại không có thể ở cả
cái bồng bột của một tấm lòng thanh niên trước cuộc đời?” Có lúc ông
nói đến tình, có lúc ông nói đến lý. Và để kết luận, ông mượn một
hình ảnh “áo của tổ tiên ta để lại chật quá, ta phải thay áo mới, đó
có phải đâu là vong bản, là phụ bạc? Một vài thiên tài trong thế kỷ
sẽ chứng rằng cái áo mới ấy rất dễ coi và thích hợp với những nhu
cầu mới của thời đại mới.”
Cứ thế, không cần cao giọng chút nào, người trí thức trẻ đã làm được
một việc cần thiết, là làm cho nhiều người tin hơn vào một sự đổi
thay tuy trái với thói quen, nhưng suy cho cùng, lại là hợp lý.
Khi nêu ra những nhận xét trên, không phải Đinh Gia Trinh chỉ xuất
phát từ sự xét đoán trong lý trí, mà còn là những thể nghiệm cá
nhân. Nên nhớ rằng cho đến những năm 40 của thế kỷ trước, giới trí
thức nước ta vốn được hình thành theo một cách thức rất lạ. Một mặt,
họ tiếp nhận văn hoá phương Tây kỹ lưỡng, cặn kẽ. Mặt khác trừ một
số quá đặc biệt còn phần lớn họ vẫn có một cách thức riêng để tiếp
thu nền văn hoá cổ truyền. Công thức phổ biến đại khái là: Tiếng
Pháp, văn hoá Pháp đến từ nhà trường. Còn về với gia đình là văn hoá
Hán Việt. Thành thử, trong khi không tiếp tục sống theo tinh thần
văn hoá cổ truyền, họ vẫn hiểu nền văn hoá đó đến chân tơ kẽ tóc, và
nhân tiếp nhận được những công cụ hiện đại của khoa học xã hội
phương Tây, họ lại lấy ngay nền văn hoá cổ truyền kia làm đối tượng
để thể nghiệm, tức là bắt tay khảo sát đánh giá lại những di sản mà
họ nhuần thấm và bắt đầu thấy tiếc, vì nó đang mất. Những công trình
nghiên cứu của tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên (viết bằng tiếng Pháp, in ra
từ mấy chục năm trước, và gần đây mới được dịch ra tiếng Việt) là
một ví dụ. Về phần mình, Đinh Gia Trinh cũng chỉ làm việc này theo
lối tay trái, nhân do làm báo mà phát biểu về nền văn hoá cổ truyền.
Mặc dù vậy, phải nhận một bài viết như Tính cách văn chương Việt
Nam trước thời kỳ Âu hoá có những nét phác hoạ khá chính xác,
xuất phát từ sự am hiểu sâu sắc những nền tảng văn hoá cũ. Tác giả
không làm công việc kiểm điểm hoặc đánh giá đầy đủ các sáng tác văn
chương cổ điển (đó là công việc của những Dương Quảng Hàm, Phan Kế
Bính, Nguyễn Văn Ngọc... đã làm). Chủ yếu, ông muốn tìm ra cơ chế
hoạt động của nền văn hoá cũ, cái chủ thể sáng tác của nó, cùng là
môi trường mà trong đó, tác phẩm được phổ biến. Cái khó nhất của một
bài viết tổng quát về một nền văn hoá như thế này là bắt lấy cái
thần của đối tượng. Chỉ cần để công một chút người ta có thể kể ra
hàng loạt chi tiết độc đáo của một nền văn hoá, nhưng vẫn có thể
khái quát về nền văn hoá đó sai, nếu thiếu đi một sự linh cảm nó
được hun đúc từ cả kinh nghiệm từng trải lẫn tinh hoa của hàng vạn
quyển sách. Là bài viết đầu tay của Đinh Gia Trinh trên Thanh
Nghị, song Tính cách văn chương Việt Nam trước thời kỳ Âu
hoá sở dĩ có thể đứng vững và chắc chắn tạo nên một uy tín, vì
có được cái linh cảm chính xác đó hướng dẫn.
IV
Sau khi thuyết minh cho lẽ tất yếu của việc tiếp nhận văn hoá
phương Tây vào nền văn hoá dân tộc, một lớp trí thức trẻ lớn lên từ
sự tiếp nhận ấy ắt hiểu rằng muốn tự trọng, phải lấy mình ra bảo đảm
cho cái phương hướng đã được xác lập. Phải tự chứng tỏ cho được cái
ưu thế của cái mới cả về phương diện đào tạo con người, lẫn tính
hiệu quả trong công việc. Phải tiến tới cái mực thước, công bình
trong xét đoán. Có thể nhiều người cũng chia xẻ với Đinh Gia Trinh
một nhận xét bao quát rằng “phần văn hoá đặc sắc nhất mà Tây phương
mang lại cho ta là óc khoa học”, song có được óc khoa học thực thụ,
nghĩa là “tạo cho mình một nếp tư duy trong thực tế, yêu sáng láng
và thật sự, có óc phê bình” thì không phải dễ! Trong việc tiếp nhận
những điều mới lạ, thiếu gì kẻ a dua theo thời mà cũng thiếu gì
người nông nổi, mới học được ít, đã tưởng mình biết nhiều rồi khoa
chân múa tay trộ đời. Bấy giờ những người có hiểu biết chắc chắn
phải làm công việc minh định lại mọi điều, cốt sao cho người ta
không vì những sự áp dụng lầm lạc, mà hiểu sai một cách làm, và bỏ
đi một phương pháp, cái khó là ở chỗ ấy.
Vào khoảng thời gian 1940-1941, khi Đinh Gia Trinh bắt đầu viết
nhiều, đời sống phê bình văn học cũng có những bước đột khởi về số
lượng và chất lượng. Hoài Thanh và Hoài Chân cho in Thi nhân Việt
Nam 1932-41 gọi lên rất nhiều tiếng vang. Vũ Ngọc Phan cho công
bố một bộ Nhà văn Việt Nam hiện đại khá đồ sộ. Trong khi ấy,
sau Việt Nam văn hoá sử cương, Đào Duy Anh có Khảo luận về
truyện Thuý Kiều, còn Nguyễn Bách Khoa lại tới tấp cho ra đời
Nguyễn Du và Truyện Kiều, Thân thế và sự nghiệp Nguyễn Công Trứ...
Sự gia tăng của tỷ trọng sách nghiên cứu như vậy một dấu hiệu của sự
tiến hoá chung về đường tinh thần
–
Đinh Gia Trinh sẵn sàng nhắc đi nhắc lại như vậy. Khi đặt cho một
bài của mình cái tên Hoài vọng của lý trí, ông đã tự chứng tỏ
cái khuynh hướng mà bản thân đang theo đuổi. Song không phải những
người cùng hay nói tới lý trí có chung một cách hiểu về nó. Bàn về
giáo dục, ông Thái Phỉ có phần quá nghiêm khắc khi nhìn lớp thanh
niên học sinh đương thời. Ông P.N. Khuê lại thường đề cao một chiều
óc khoa học, tới mức xổ toẹt lý do tồn tại văn chương nghệ thuật,
bảo nó là sa đoạ, có hại. Riêng trường hợp của Nguyễn Bách Khoa
(Trương Tửu) mới lại càng độc đáo. Nghiên cứu về Truyện Kiều,
ông ngả hẳn sang công việc của một y sĩ, kết luận rằng nhân vật của
Nguyễn Du mắc bệnh uỷ hoàng, kèm theo những nhận xét triệu chứng học
đọc lên nhiều người bình thường hẳn phải nhăn mặt. Mà lối viết lối
nghĩ dung tục đó lại được Nguyễn Bách Khoa khoác cho cái áo sang
trọng, nào là duy vật, nào là cách tân, và cố ý khoe rằng chỉ có học
thuyết Freud hiện dại mới cho phép người ta có những khám phá như
vậy.
Những kết luận vội vã
của Nguyễn Bách Khoa, theo Đinh Gia Trinh là “lạc chốn lạc nơi” “vô
duyên vô lý một cách lạ” và trong nhiều trường hợp nhà phê bình ra
vẻ mới mẻ ấy đã “bênh vực cho những tư tưởng cũ rích”. Sự phê phán
của Đinh Gia Trinh trong trường hợp này góp phần vào việc mang lại
cho phương pháp nghiên cứu khoa học vừa được du nhập từ phương Tây
một sự dè chừng: nếu không có thực học, tức học đến nơi đến chốn,
người ta rất dễ đi vào gò ép giả tạo, trở thành tù binh của những ý
kiến giật gân song lại xa lạ với lương tri thông thường và
trở nên lố lăng, bịp bợm lúc nào không biết.
Đi tới cùng trên con đường duy lý đã chọn, văn hoá phương Tây
–
phần tốt đẹp của nó
–
không chỉ dừng lại ở lối tư duy máy móc, mà đã tiến sang cái phần
siêu lý và điều đơn giản là nó thường xuyên tự quay lại nhìn mình và
cảm thấy mình là không đủ. Từ các thế kỷ trước đã có người nghĩ thế
và đến những năm XX của thế kỷ này điều ấy càng được khẳng định.
Bằng sự nhạy cảm riêng, bằng vốn kiến thức khá uyên bác, Đinh Gia
Trinh đã tiếp nhận cái ý tưởng về triển vọng hạn chế của văn hoá tư
tưởng phương Tây một cách hoàn toàn thoải mái. Vẫn biết rằng triết
lý Đông phương không ít nét tối tăm huyền bí, chỉ có những người có
căn bản Tây học vững chắc mới mong giải mã được nó, song ông cũng
cho là có những phương diện, Đông phương đã đi xa hơn Tây phương .
Nhân bàn về y lý ông chỉ dự doán một cách dè đặt “biết đâu Đông
phương chẳng có thể chỉ lối đưa đường cho Tây phương ở một vài
địa hạt, ở những chỗ mà y học Tây phương bất lực hoặc còn chưa hoàn
thiện”. Nhưng đứng đằng sau y lý bao giờ cũng có một triết lý, cho
nên đằng sau cái nhận xét cụ thể kia của Đinh Gia Trinh, người ra dễ
dàng nhận ra một khái quát, mà ông chỉ mới gợi ý.
V
So với một số nhà phê bình đương thời, cách đóng góp của ngòi bút
Đinh Gia Trinh với đời sống văn chương 1940-45 có một chỗ khác rõ
rệt: ông không trực tiếp lăn lộn kiếm sống trong giới cầm bút. Hoạt
động phê bình của Đinh Gia Trinh do đó chưa đạt đến mức bao quát tỉ
mỉ như Vũ Ngọc Phan, cũng như không có được sắc thái tinh tế như lối
thẩm văn của Hoài Thanh. Song để bù lại, cái tư thế đứng ngoài nhìn
vào lại khiến cho ngòi bút Đinh Gia Trinh được cái hồn nhiên tư
nhiên mà không sa đà vào những thành kiến của người trong cuộc. Nói
về Cây đàn muôn điệu của Thế Lữ, ông bảo thi tứ hơi nhàm.
Nhận xét chung về cuốn tổng kết Thơ mới của Hoài Thanh và Hoài Chân,
ông nói thẳng cái điều mà ít người dám nói, đó là ở Thi nhân Việt
Nam có những nhà thơ bất tài, “tác giả một vài bài thơ tạm
đọc xuôi”. Thế mà “cũng có tên, có tiểu sử có cả ảnh nữa trong tập
sách”. Một sự nhạy cảm tương tự còn thấy rất rõ qua bài Đinh Gia
Trinh viết về Truyện Kiều. Sau khi phê phán phương pháp làm
việc cũng như các kiến giải dung tục của Nguyễn Bách Khoa, bản thân
Đinh Gia Trinh trực tiếp đứng ra trình bày một vài điểm liên quan
đến kiệt tác của Nguyễn Du. Chẳng hạn, chung quanh mối quan hệ giữa
tác giả và tác phẩm. Một mặt Đinh Gia Trinh phản đối lối đọc Kiều.
Như đọc tâm sự mà vẫn cho rằng tác phẩm này là nơi thể hiện cái bản
ngã của tác giả một cách đầy đủ nhất, và người ta nên tìm tới cả
những gì mà tác phẩm bộc lộ, ngoài sự cố ý của tác giả. Lại như khi
đi vào phân tích từng nhân vật cụ thể, nhiều chỗ nhà phê bình này
vẫn có những phát hiện nho nhỏ đi ngược với thói thường. Nhân câu
nói của Kim Trọng Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều,
trong khi Nguyễn Bách Khoa cho rằng đấy là một lời đầy chí tiến thủ
và nhiều người khác muốn tìm ở đó cả một triết lý, thì Đinh Gia
Trinh đưa nó về cái vị trí thực của ông: Ông chỉ xem đó là một câu
nói bộc lộ quyết tâm trong tình yêu “đã yêu nhau thì san phẳng trở
lực” thế thôi, ngoài ra không có triết lý sâu xa nào ở đây hết! Hoặc
khi bàn chung về nhân vật Thuý Kiều trong khi Đào Duy Anh cho rằng
“Kiều thông minh, xử sự bao giờ cũng sáng suốt và hợp lệ” , thậm chí
gần đây có nguời còn mệnh danh Kiều là một nhân vật tuyệt vời ý
thức, thì Đinh Gia Trinh có lẽ là gần sự thực hơn khi bảo rằng chỉ
qua việc bán mình chuộc cha thôi, đã thấy lý trí của Kiều không làm
việc, và trong nhiều trường hợp nàng đã xử sự mù quáng, chứ chẳng có
chút sáng suốt nào hết!
Bấy nhiêu ví dụ gộp cả lại, cho phép người ta giả thiết giá kể đi
sâu vào phân tích tác phẩm, Đinh Gia Trinh cũng sẽ là nhà phê bình
sắc sảo.
Nhưng lịch sử không muốn thế.
Sau khi đã có Vũ Ngọc Phan và Hoài Thanh, lịch sử văn học trước
1945, muốn có thêm những nhà phê bình tồn tại theo kiểu khác.
Không phải ngẫu nhiên mà một trong những bài viết quan trọng của
Đinh Gia Trinh, bài
Nay và mai, lại có cái phụ đề “ý kiến và những cảm hứng về đời
sống tinh thần Việt Nam”. Quả thật là đọc Đinh Gia Trinh, người ta
không chỉ biết thêm về tác phẩm văn chương. Rằng hồi bấy giờ, sách
vở ra rất luộm thuộm. Rằng trong khi văn chương có vẻ phát triển rầm
rộ, thì tác phẩm có chất lượng rất ít, nhân danh thứ văn chương kiều
diễm nhiều người viết thường kể lể dông dài, hoặc sau một hồi tán
nhăng tán cuội lại đang lên mặt đạo đức, thế mới là chuyện kỳ lạ!
“Đã có một thủa gần đây, cảnh tượng xã hội ta thực như thế này:
những người có bằng cấp ung dung bệ vệ trong địa vị của họ ở
ngoài vòng “cương toả của sách vở”, còn ở các thư viện thì các
cậu học trò học thi cho đỡ tốn, và ở các căn nhà hỗn độn, một
số văn nghệ sĩ nghèo nàn gò ép trí não rỗng tuếch của họ để cấu tạo
một cái gì in được”. - Khi viết những dòng đó trong bài Học lấy
và học ở nhà trường, chắc Đinh Gia Trinh không ngờ là đã nắm bắt
được một thực trạng sẽ còn kéo dài trong đời sống nhiều năm về sau,
nó khiến cho văn hoá ta thường phát triển theo bề rộng mà kém về bề
sâu, có số lượng nhưng không vươn lên được về chất lượng.
VI
Nghệ thuật phê bình
là tên gọi một bài viết Đinh Gia Trinh cho in vào giữa 1942. Sau khi
gọi ra những yêu cầu chính mà một người làm nghề này phải có như
năng lực hiểu được người khác - Đinh Gia Trinh gọi là năng lực cảm
hội - rồi óc phân tích và tổng hợp, rồi kỹ thuật nghề nghiệp, tác
giả Hoài vọng của lý trí
đặc biệt nhấn mạnh tới cá nhân con người nhà phê bình. Ông nhắc lại
ý kiến của một học giả phương Tây bảo phê bình là một loại văn chủ
quan, và trái với cái thành kiến thông thường cho rằng viết phê bình
là “cân đong đo đếm” người khác, phải thấy trước tiên viết phê bình
là dãi bày mình ra trước công chúng. Rồi Đinh Gia Trinh kết luận:
“Tâm hồn nhà phê bình có giá trị ngần nào thì nghệ thuật của nhà phê
bình có giá trị ngần ấy”.
Người ta có thể tin ở độ chín chắn và mức độ thành thật của nhận xét
này khi nhớ lại các bài nghiên cứu vừa nói ở trên. Sở dĩ ấn tượng
tốt đẹp về Đinh Gia Trinh còn lại sau các bài viết ấy, lý do là vì ở
đó người ta luôn bắt gặp cả lòng ham yêu, cái khát khao muốn đi tới
sự thực và chân lý, cái khoáng đạt trong khả năng hiểu về việc và
người, chính nó mới là nhân tố chi phối mọi phương hướng suy xét và
sự vận dụng kiến thức đã khá vững vàng nơi tác giả.
Song còn một khu vực nữa, mà con người nghệ sĩ ở Đinh Gia Trinh có
dịp bộc lộ trực tiếp hơn, đầy đủ hơn, đấy là các bài tuỳ bút.
Nếu như khi viết tiểu luận, Đinh Gia Trinh đi ra với thực tại khách
quan, với mọi người thì trong các bài tuỳ bút, ông phải đối diện với
chính mình: mình trong một chuyến nghỉ hè, mình trong những lần trở
lại quê hương: hoặc đơn giản hơn, mình trong một buổi chiều vơ vẩn,
mơ hồ lắng nghe thấy rất nhiều điều từ trời đất thiên nhiên mà lại
không sao nói lên mọi thứ cho thật rõ ràng.
Hình như chính con người duy lý nơi tác giả cũng sớm cảm thấy rằng
những khi đơn độc, tâm hồn mình hiện ra quá nhạy cảm và yếu đuối.
Nhưng rồi ông tự biện hộ: không có lý do gì buộc người ta phải giấu
diếm nỗi buồn cũng những xúc động tưởng như vặt vãnh ở mình cả.
Ngược lại sự bộc lộ đó là tự nhiên, và nó làm giàu thêm cho tâm hồn
con người. Sự thực là qua các tuỳ bút, bản thân Đinh Gia Trinh hiện
ra với bộ mặt tinh thần khá phong phú. Ông yêu đời. Ông thèm đi thèm
biết. Ông lại luôn luôn e ngại chỉ sợ mình lầm lạc thô thiển và lo
rằng những cử động vô ý của mình làm hỏng mất cái đẹp ở chung
quanh Lòng tôi bồng bột quá...Tôi rụt rè, tôi yếu đuối... Con
nguời bỗng trở nên bối rối. Không chỉ trong bài Kỷ niệm Phan
Thiết, mà trong nhiều bài viết khác, người ta luôn luôn cảm nghe
tiếng kêu lên se sẽ của tác giả như vậy. Những đối tượng khiến lòng
ông bồng bột xúc động lại nhiều vô kể: quá khứ tuổi thơ; những kỷ
niệm của quê hương của bạn bè; cả nhữn mô-típ quen thuộc trong văn
hoá cổ truyền như câu chuyện Từ Thức nhập Thiên Thai cũng đi
về sống động trong lòng ông, nó khiến cho những lúc trở về với cái
thế giới riêng của mình, ông như trở thành một con người khác. Hoá
ra, khôg chỉ cần nỗ lực suy nghĩ và vượt lên trên hoàn cảnh, mà có
lúc, con người ta cần cả một chút buông thả thư giãn tự nhiên. ấy là
lúc con người trong ta trở về với cái bản chất thi sĩ sẵn có mà hàng
ngày, giữa cuộc sống quá bộn bề, ta thường quên lãng.
Như trong phần tìm hiểu các bài tiểu luận của Đinh Gia Trinh chúng
ta đã thấy, một trong những chủ đề trở đi trở lại trong Đinh Gia
Trinh là mối quan hệ Đông phương và Tây phương. Thì đến cái phần tuỳ
bút, người ta thấy vấn đề ấy vẫn trở lại trong tâm khảm tác giả,
thậm chí, nó bộc lộ qua cả cách cảm cách nghĩ của chính ông nữa. Với
sắc thái u trầm kín đáo, những run rẩy, những phút giây yếu đuối
những tình tự tế nhị thường trực nơi tác giả là gì khác, nếu như
không phải là cái chất phương Đông tiềm tàng sẵn trong con người
ông? Thế còn phương Tây? Cái đó cũng rõ rệt không kém. Nó ở cái khao
khát của ngòi bút, muốn ghi lấy tất cả, bộc lộ tất cả. Nó ở cái cảm
hứng tự do mà một khi đã nếm trải, con người ta không bao giờ từ bỏ
nổi. Nó lại cũng ở cái tấm lòng tha thiết muốn soi dọi thẳng vào
những run rẩy những lờ mờ tăm tối còn chạng vạng trong lòng mình, để
vươn tới cái sáng rõ của ý tưởng, nó cũng là cái lòng ham yêu mà tác
giả cho là người mình thiếu nhất và cần bồi bổ sớm nhất.
Nói cho công bằng, ở một con người, giữa nhu cầu bộc lộ tâm hồn và
khẩ năng diễn tả tâm hồn đó trên mặt giấy, hai cái đó thường khi có
sự chênh lệch, và Đinh Gia Trinh cũng không phải là một ngoại lệ.
Các tuỳ bút của ông đôi khi hơi rối, mà tác giả có vẻ mải đắm chìm
trong những cảm giác đang tràn ngập trong lòng mà chưa có một độ lùi
cần thiết để trình bày cho sáng sủa. Cũng tức là ông chưa tính được
chính xác hiệu quả bài viết trong lòng người đọc. Tuy nhiêm, khi nào
mà có được sự chín đầy trong cảm xúc, vừa huy động được vốn kiến
thức đã nhuần nhị, lại vừa thanh lọc được những kinh nghiệm sống,
thì bài viết của Đinh Gia Trinh có một hiệu quả văn chương khá sâu
đậm. Đó là, chẳng hạn, bài
Đông phương và Tây phương. Do chỗ, một vấn đề rất duy lý và
rất khô khan như vậy, trở thành vấn đề riêng của con người tác giả,
nên nó được ông trình bày gọn gàng, hàm súc mà vẫn thanh thoát. Bài
viết có được cái vẻ đẹp lung linh và cái sức lôi cuốn mà thỉnh
thoảng người ta mới bắt gặp, trong những tuỳ bút hay nhất của Xuân
Diệu.
VII
Cho đến hiện nay, sinh hoạt văn học
trước 1945 ở ta mới được nghiên cứu qua loa và còn mang nặng rất
nhiều thành kiến. Đọc các giáo trình văn học sử dạy ở các trường đại
học, đại khái người ta mới chỉ thấy đời sống văn học được chia ra
thành ba khuynh hướng, văn học hiện thực, văn học lãng mạn và văn
học cách mạng. Nhiều vấn đề quan trọng như tư duy văn học, như sự
hình thành và phát triển các thể loại, chưa được xem xét, hoặc nếu
có thì cũng còn rất hời hợt. Ví dụ xung quanh vấn đề phê bình văn
học, đại khái chỉ thấy những người sau đây được nhắc tới ít dòng:
Hải Triều, Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Vũ Ngọc Phan, tiếp đó Trương
Tửu, Trương Chính được dẫn chứng trong một đôi lần ít ỏi. Trên cái
nền chung như thế, một cái tên như Đinh Gia Trinh hầu như không gợi
một ấn tượng gì hết, mà chỉ ngẫu nhiên được nêu ra khi các nhà văn
học sử đề cập tới trường hợp hai tờ
Tri Tân, Thanh
Nghị.
Oái oăm thay, một sự lãng quên như thế
–
quên cả giới phê bình, chứ không riêng gì Đinh Gia Trinh
–
lại chính là do các nhà phê bình cố ý hoặc ngẫu nhiên thực hiện. ở
đây, người ta cảm thấy như là có một sự xấu hổ không muốn trình diện
của cả hai phía, cả người trong cuộc, cũng như người ngoài cuộc. Một
ý tưởng thường trở đi trở lại trong các bài điểm tình hình văn
chương mà Đinh Gia Trinh đã viết trên Thanh Nghị
là vai trò đáng kể của lý trí, của tư duy nghiên cứu đối với đời
sống văn chương nói chung. Nhưng ông nói là để nói cho ai vậy, còn
bản thân ông lại hết sức rụt rè không dám khẳng định phần đóng góp
của bản thân và bao nhiêu điều viết ra bằng tâm huyết, bằng học vấn
và tài năng trong những năm tuổi trẻ đẹp nhất của đời mình (trước
tuổi 30), về sau, ông không bao giờ chủ động nhắc tới và có vẻ sẵn
sàng để nó vùi sâu vào quên lãng. Mà ông đã muốn thế, thì các đồng
nghiệp của ông, trẻ hơn ông, đi sau ông, cũng sẵn sàng để cho ông
như thế. Bằng chứng: Lâu nay có một thành kiến sai lầm là văn chương
tiền chiến (phần công khai) sau khi lên đến đỉnh cao hồi 36-39, thì
lụi tàn dần. Cái điều phi thực tế ấy không được một số nhà nghiên
cứu ở Hà Nội chấp nhận. Các ông bỏ công sưu tầm hàng ngàn trang văn
xuôi của những Nam Cao, Nguyên Hồng, Bùi Hiển, Tô Hoài, Tam Kính,
Phi Vân... và viết những công trình tổng kết rất chững chạc để chứng
minh rằng văn xuôi sau 1940 là một bước phát triển mới của văn
chương tiền chiến. Thế nhưng, một đặc điểm quan trọng của đời sống
văn học 40-45, là sự đóng góp rõ rệt của các nhà nghiên cứu, thì
thưa thấy một nhà văn học sử nào đoái hoài tới. Tác phẩm của Hoài
Thanh, Vũ Ngọc Phan rành rành ra đấy mà mãi tới gần đây mới được in
lại, nói chi đến các bài viết của Nguyễn Văn Tố, Hoa Bằng, Lê Huy
Vân và nhiều người khác còn đang nằm rải rác giữa những tập báo cũ
nát ở các thư viện. Trong hoàn cảnh ấy, các tiểu luận và tuỳ bút của
Đinh Gia Trinh, nếu quả thật có rơi vào tình trạng lãng quên, thì
cũng không có gì khó hiểu.
May thay cũng có người không quên hẳn như vậy! Trong một tập sách
giáo khoa đồ sộ và nghiêm túc (trên 1000 trang) mang tên Việt Nam
văn học sử giản ước tân biên, một nhà nghiên cứu văn học ở Sài
Gòn trước đây là Phạm Thế Ngũ đã làm việc khá khách quan và khoa
học: Trên nền bức tranh chung của văn học Việt Nam 1932-1945, Phạm
Thế Ngũ dành một phần quan trọng cho đời sống văn chương sau 1940.
Mà trong giai đoạn cụ thể này ông đặc biệt xem trọng nghiên cứu phê
bình. Ông xếp nó thành một mục riêng, trong đó tác phẩm của
những Ngô Tất Tố, Đào Duy Anh, Nguyễn Đổng Chi, Lê Văn Hoè, Phan
Khoang... được nói tới khá đầy đủ. Hai tờ tạp chí Thanh
Nghị và Tri Tân được ông dành cho một vị trí quan trọng
cũng vì lẽ đó. Riêng với Đinh Gia Trinh, Phạm Thế Ngũ lại có biệt
nhãn hơn người. Theo nhận xét của tác giả Việt Nam văn học sử
giản ước tân biên, đây là ngòi bút khả ái bậc nhất ở Thanh
Nghị. Phạm Thế Ngũ không chỉ trân trọng những kiến giải sâu sắc
của Đinh Gia Trinh đối với đời sống văn chương, mà còn có ấn tượng
tốt về toàn bộ con con người Đinh Gia Trinh toát ra qua các trang
viết. “Nếu trong những bài khảo luận và phê bình, Đinh Gia Trinh đã
chứng tỏ một khiếu phân tích sắc bén, một cái nhìn hơi nghiêm khắc
nhưng công minh, nhiều nhận định đúng và hay”, thì theo Phạm Thế
Ngũ, “những bài tuỳ bút chứng tỏ ông là một tâm hồn có nhiều nhiệt
thành, ham mê cái đẹp, ưa thú suy tưởng và góp nhặt cảm giác. Người
ta thấy ở ông ảnh hưởng của Tự lực văn đoàn, từ nàng mỹ thuật của
Thế Lữ, người tri thức băn khoăn của Nhất Linh, đến đường lối hướng
nội và duy cảm của Thạch Lam, Xuân Diệu”.
Đối với Đinh Gia Trinh, như vậy phải nói là nhà nghiên cứu đi sau có
một cái nhìn tri âm tri kỷ. Do hoàn cảnh đất nước bị chia cắt, chắc
là tác giả Hoài vọng của lý trí không thể biết những nhận xét
thiện ý đó về mình, chứ nếu biết, ông sẽ rất cảm động. Bởi ở đây,
Phạm Thế Ngũ đã đặt Đinh Gia Trinh vào cái mạch tìm tòi của hàng
loạt trí thức đương thời, và làm cho ông đỡ lẻ loi trong văn chương
cũng như trong thân phận làm người. Nghề nghiệp trí thức đòi hỏi mỗi
ngòi bút phải dũng cảm, phải phiêu lưu vào những khu vực chưa ai
biết, phải dám nêu lên những giả thiết vượt trên mọi thành kiến,
phải biết rút ra những kết luận mà người chung quanh mới nghe phải
giật mình. Nhưng chính vì thế, họ thường cô độc và thèm được thông
cảm. Chúng tôi nghĩ rằng việc một nhà nghiên cứu đứng đắn ở Sài Gòn
trước 1975 đặt Đinh Gia Trinh vào cái guồng mạch của những tìm tòi
trí thức suốt thời tiền chiến như thế là một sự công nhận chính
đáng. Và biết đâu, lần đầu tiên được tập hợp lại trong một cuốn
sách, những trang viết của ông lại chẳng thúc đẩy cho niềm tin và sự
suy nghĩ của những trí thức trẻ đang tận tuỵ với công việc của mình,
như chính Đinh Gia Trinh đã tận tuỵ với những bài viết trên Thanh
Nghị hơn năm chục năm về trước
–
chúng tôi rất muốn tin như thế.
1996
Lời bạt viết cho
Hoài vọng và lý trí,
tập phê bình văn học vả tuỳ bút của Đinh Gia Trinh, NXB Văn học,
1996
Trở
về trang mục lục Vương Trí Nhàn
Trở về trang Văn
Hoá & Giáo Dục
|