Nhà văn
tiền chiến và quá trình hiện đại hoá
Chương 2
QUÁ TRÌNH DU NHẬP CỦA MỘT THỂ TÀI[1] Tiểu
thuyết và một cách tiếp nhận ảnh hưởng
Vương Trí Nhàn
I. Một hướng nghiên cứu gần đây bị coi nhẹ - Mấy câu chuyện cụ thể từ thực tế sáng tác. Thử bàn lại về cách sử dụng các thuật ngữ, đúng hơn là bàn về một nội dung cấp thiết cần nghiên cứu Mối quan hệ giữa văn học Việt Nam với các nền văn học khác từng được chú ý khảo sát trong nhiều công trình nghiên cứu. Sau đây là một vài ví dụ : -- Việt Nam văn học sử yếu (1943) của Dương Quảng Hàm – cuốn sách đánh dấu một giai đoạn trong tư duy văn học sử của người Việt – mở đầu bằng một thiên (chương) viết về văn chương bình dân, nhưng tiếp đó là thiên thứ hai ảnh hưởng của nước Tàu. So với thiên trên 15 trang, thiên này kéo dài tới 43 trang. Tiếp đó, những gì có liên quan tới thứ ảnh hưởng rất sâu đậm này còn được nhắc tới trong nhiều thiên tiếp theo.[2] -- Việt Nam văn học tiền bán thế kỷ XX là một cuốn sách giáo khoa dùng trong nhà trường in ở Sài Gòn trước 1975. Bên cạnh phần chính văn 300 trang thì có hẳn một phần phụ lục 50 trang, dành để cung cấp những kiến thức về nước ngoài (cả Pháp lẫn Trung Hoa) có ảnh hưởng tới văn học Việt Nam hiện đại.[3] -- Chương mở đầu của cuốn Giáo trình lịch sử văn học Việt Nam tập VI (1945-1960), (do nhà nghiên cứu Huỳnh Lý viết) khi đề cập tới Những nhân tố của sự phát triển văn học sau khi kể ra “lực lượng sáng tác được giải phóng”, hoặc “di sản cũ được phát huy”, đã nói ngay tới Sự giao lưu giữa văn học ta và các nền văn học tiên tiến thế giới.[4] Còn nhiều ví dụ khác chúng tôi xin miễn dẫn thêm... Phải nhận rằng đây là một hướng nghiên cứu hợp lý. Trên phương diện phương pháp luận, như thế tức là nhà nghiên cứu đã biết nhìn hiện tượng trong mối quan hệ với các sự vật, trong cái văn mạch mà nó tồn tại. Và thực tế văn học Việt Nam là vậy. Các mối quan hệ, những ảnh hưởng ngoại nhập đã có mặt cùng với sự ra đời của nền văn học dân tộc và kéo dài suốt trường kỳ lịch sử. Nhìn từ góc độ địa văn hoá, các nhà lý luận thường nói có những nền văn hoá trung tâm và những nền văn hoá ở ngoại vi. Việt Nam nằm kẹt giữa hai nền văn hoá lớn là văn hoá Trung Hoa và văn hoá Ấn Độ, không riêng chúng ta mà nhiều nền văn hoá khác hình thành và tồn tại trong tầm ảnh hưởng mà hai nền văn hoá đó lan toả (nói như một cách nói từng phổ biến một thời, tình trạng của Đông Nam Á là phi Hoa phi Ấn). Mãi tới thế kỷ XX mới có một bước ngoặt, từ đây văn hoá phương Tây đối với văn hoá Việt Nam đóng vai trò một thứ mẫu hình, ta được nhào nặn và tự nhào nặn để hình thành theo cái mẫu đó. Đối với những nền văn hoá từng hình thành và tồn tại như vậy, thì lịch sử văn hoá trên một phương diện nào đó đồng thời có nghĩa lịch sử tiếp nhận và từ chối, học hỏi và cải biến, du nhập và xử lý lại, cũng tức là lịch sử dùng cái ngoại lai – làm giàu cho mình và do đó trở thành chính mình. Việc khảo sát các ảnh hưởng ở đây không chỉ là thú vị mà còn có ý nghĩa quyết định để đi vào nhận diện, tìm ra bản chất, giải thích phương hướng phát triển một giai đoạn sáng tác, một hướng phát triển văn học nói chung. Và nó cũng là nhân tố phải tính tới khi muốn hiểu một cuộc tìm tòi, một nhà văn, thậm chí một cuốn sách. Trở lại với những quan sát của Huỳnh Lý. Như sự khái quát của ông thì tầm ảnh hưởng ở đây là sâu rộng với đầy đủ nghĩa của chữ sâu rộng đó (“Sự giao lưu ... đem lại cho ta lý luận và kiểu mẫu sáng tác “ – VTN nhấn mạnh). Đến lúc đi vào cụ thể, ông lại nói một cách khẳng định “...đọc sách, người ta cảm thấy Tam Lý Loan, Đất vỡ hoang giúp cho Cái sân gạch, Bốn năm sau hình thành, và không có Tinh cầu thì cũng chưa chắc đã có Trước giờ nổ súng.”[5] Còn đây là kinh nghiệm riêng của người viết bài này: Mỗi lần nhắc đến những tìm tòi của các nhà văn Việt Nam những năm đầu kháng chiến chống Pháp, nhà văn Vũ Cao không quên nhắc tới chi tiết sau: Trong quá trình khai phá mở đường, tìm cách xây dựng nền văn học mới, một người như Nguyễn Đình Thi rất quan tâm tới các tiểu thuyết xô viết được dịch in bằng tiếng Pháp. Nhân cơ quan Vũ Cao có một số sách loại này (như Cơn bão táp của Ehrenbourg ), do các chiến sĩ Thủ đô chuyển lên, có thời gian Nguyễn Đình Thi vác ba lô, đến ăn dầm ở dề chỗ Vũ Cao, đọc bằng hết đống sách này mới thôi. Còn nhớ mấy năm Nguyễn Minh Châu ngồi ở căn phòng số 13 gác 2, số 4 Lý Nam Đế, viết Dấu chân người lính. Do cùng cơ quan, tôi không khỏi tò mò để ý, và tôi nhận thấy có một cuốn sách mà nhà văn này thường đọc, trở đi trở lại với nó, như là lấy nó để tựa hơi trong khi viết, đó là cuốn Tấc đất. Hồi ấy Tấc đất thuộc loại sách chỉ lưu hành hạn chế, nên tác giả Dấu chân người lính không tiện đọc công khai, mà chỉ giấu trong ngăn bàn. Nhưng tôi tin là cuốn tiểu thuyết của Baklanov[6] đã gợi ý cho nhiều suy nghĩ của Nguyễn Minh Châu khi xử lý đề tài chiến tranh. Vậy là công việc tiếp nhận văn học nước ngoài đã thường xuyên được tiến hành, nó là một trong những yếu tố chủ yếu đóng góp vào sự định hình của các tài năng văn học đã được công nhận. Tuy nhiên vào những thập niên cuối của thế kỷ XX và tiếp sau đó, có thể thấy hàng loạt hiện tượng đi ngược lại xu thế nghiên cứu nói trên. Các nhà văn giờ đây ít bàn tới các sáng tác của văn học nước ngoài dù số dịch phẩm in ra nhiều hơn bao giờ hết. Lịch sử văn học thu lại trong lịch sử sáng tác mà gần như bỏ qua lịch sử dịch thuật. Tính độc đáo – ở đây hiểu là tính bản địa của văn học – được nhấn mạnh. Và trong nghiên cứu văn hoá nói chung cũng có tình trạng như vậy. Trước kia, khi lược lại lịch sử các ngành nghề như nghề dệt nghề in, các nhà nghiên cứu thường vẫn ghi rõ ta học được của người Tàu vào thời này này... Nay các sách nghiên cứu thường viết cho người ta hiểu đó là những nghề nội sinh, sự học hỏi nếu có cũng chỉ đến về sau.[7] Trong văn học điều đó càng rõ. Không ai bảo ai, song hình như có một thói quen đang hình thành là ngại nhắc tới các ảnh hưởng có thể có. Và nếu có bất đắc dĩ phải nói đến, thì chỉ nhắc đến một cách sơ sài, thu hẹp trong phạm vi ảnh hưởng tới một hai cuốn sách cụ thể. Đọc lại Chủ nghĩa Mác và văn hoá Việt Nam, chúng ta biết rằng ngay trong khói lửa của cuộc chiến tranh chống Pháp, khi rất cần đề cao tinh thần dân tộc, nhà mác-xít Trường Chinh vẫn nêu lên những khái quát “Ông cha ta, hàng chục thế kỷ học Tàu, viết Tàu, nghĩ theo cách Tàu, đến thời Pháp thuộc vẫn lai Tàu và lai Tây”; nói chung “tinh hoa của dân tộc không phát huy được mấy và văn hoá thường là chắp nhặt, lai văn hoá nước ngoài nhiều”.[8] Nhưng những nhận định dứt khoát như vậy ngày nay không mấy khi được trích dẫn, đối với nhà trường phổ thông thì lại càng không mấy khi nhắc lại. Chúng tôi cho rằng như thế là một công cụ hữu hiệu để tìm hiểu nền văn học trong qúa khứ (từ đó rút ra những bài học cho sự phát triển văn học hôm nay) bị bỏ qua. Cũng giống như hiện tượng bên ngôn ngữ: Do việc dạy ngoại ngữ kém nên học sinh của chúng ta đang rơi vào tình trạng không hiểu tiếng Việt, từ đó nói và viết tiếng Việt với nhiều sai sót. Nhân đây xin được phép đề xuất một ý kiến liên quan đến hướng nghiên cứu văn học: Nhịp với một trong những trào lưu đang phát triển thế giới, khoa nghiên cứu văn học ở ta gần đây bắt đầu nói nhiều tới văn học so sánh. Nhưng theo chúng tôi, trong hoàn cảnh Việt Nam hiện nay, khi mà sự hiểu biết về các nền văn học nước ngoài ở ta còn đơn sơ, thậm chí chính ta chưa hiểu về ta một cách sâu sắc, thì có thể mạnh dạn nói đây có vẻ như một món hàng xa xỉ. Cái cấp thiết hơn, cái mà chúng ta cần tập trung công sức nghiên cứu là mối quan hệ giữa văn học Việt Nam và văn học nước ngoài, những ảnh hưởng mà ta đã tiếp nhận. Phải sòng phẳng với nhau như vậy. Chứ cứ nói văn học so sánh rồi trong đó thỉnh thoảng lèo thêm vào vài bài nói về tiếp nhận ảnh hưởng ngoại lai là không nên. Ngay dùng từ giao lưu cũng còn là quá chung chung. Cái phần tác động ngược của văn học Việt Nam tới các nền văn học chúng ta có tiếp xúc, nếu có, chắc chắn cũng không bao nhiêu. Mà ngược lại cái khâu chính của mối giao lưu này là việc tiếp nhận của chúng ta, đấy mới là cái đáng nói kỹ và cần nghiên cứu ngay. Xin nhắc lại khảo sát ảnh hưởng, xác định đầy đủ cái gì ta tiếp nhận là cách tốt nhất để ta hiểu về ta, và việc đó tuyệt nhiên không dẫn tới việc hạ thấp văn học dân tộc, như một số người lo ngại.
II. Thử phác hoạ những đặc tính chung trong sự tiếp nhận văn học ở Việt Nam. Hai kiểu tiếp nhận tiêu biểu cho văn học hiện đại; tiếp nhận trong thơ và tiếp nhận trong văn xuôi Theo dõi tình hình tiếp nhận văn hoá văn học nước ngoài ở ta nói chung, một nhà nghiên cứu muốn được khách quan chắc không khỏi có nhiều lúc lúng túng trước bao hiện tượng mâu thuẫn: Một mặt đúng là chúng ta luôn luôn giữ mối liên hệ với thế giới cũng như với khu vực; có thể nói trong bất cứ hoàn cảnh nào sự tiếp nhận diễn ra muôn hình muôn vẻ. Mặt khác trên đại thể lại thấy như là đời sống văn chương ở ta vẫn nặng về tính cách tự cấp tự túc, chưa hoà nhập với các nền văn học chung quanh. Luôn luôn người ta có thể cảm thấy cái không khí xa vắng của một nền văn học đứng riêng ra một góc. Hình như không sớm thì muộn, trước sau những thay đổi trong văn chương thế giới rồi cũng đến với Việt Nam. Song nhìn vào cái mạch đi hàng ngày thì nói như dân gian, “Nghệ An xô viết vẫn là Nghệ An”, ta vẫn là ta chẳng có gì suy suyển cả. Những nhận xét kiểu đó cần được chi tiết hoá để bộc lộ cho hết mọi khía cạnh phức tạp của vấn đề. Nhất là cần chứng minh bằng nhiều sự khảo sát cụ thể. Dưới đây, chúng tôi thử dừng lại ở giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX, ở một khâu cụ thể là thể loại văn học. Sở dĩ chúng tôi chọn cách khảo sát này là vì hai lẽ : (1) Các tài liệu nghiên cứu gần đây đều đã chỉ rõ bước sang thời kỳ quen gọi là lịch sử hiện đại, sinh hoạt văn chương Việt Nam được tổ chức lại, để làm ra một nền văn học theo mẫu hình châu Âu. Bảo rằng văn học lúc này mang nặng tính cách thuộc địa... cũng được, mà bảo rằng văn học tiến nhanh trên con đường hiện đại hoá cũng không có gì là sai trái. Đằng nào thì sự thực đã chứng tỏ những ảnh hưởng của văn học Pháp ở đây là quá lớn. (2) Cuộc Âu hoá xảy ra trên tất cả các phương diện: môi trường văn học, chủ thể sáng tác, quan niệm về sáng tác và các mối quan hệ của sáng tác với đời sống. Thế nhưng không ở đâu người ta thấy rõ điều đó như trong lĩnh vực thể loại. Những biến động trên phương diện hình thức, tức là việc tiếp nhận các thể loại cụ thể (những “nhân vật chính” của một nền văn học như cách nói của nhà nghiên cứu người Nga M. Bakktin) luôn luôn là những bằng chứng rõ ràng, đằng sau nó là những sự thật hiển nhiên, không thể tuỳ tiện giải thích thế nào cũng được. Nói một cách tóm tắt thì bước vào thời kỳ hiện đại, trong văn học Việt Nam sự thay đổi xảy ra ở cả hệ thống thể loại, lẫn trong từng thể tài cụ thể. Nhìn vào sự tiếp nhận trong thơ. Bởi lẽ trong thời kỳ trung đại thơ Việt Nam đã phát triển đến mức độ chín, thuần thục theo cái cách riêng của mình, nên sự tiếp nhận thơ Pháp thời kỳ đầu còn hết sức khó khăn. Trong một bài diễn thuyết ở Hội Trí Tri tháng 11-1921 mang tên Văn học nước Pháp, Phạm Quỳnh từng kể lại câu chuyện của mấy ông đồ. Lúc trò chuyện thân mật, có lúc các ông đã thảng thốt hỏi nhau: - Ở Tây, họ cũng có văn chương sao? - Có chứ văn chương họ hay lắm! - Thế họ có thơ không? Thơ họ có vần có điệu, có hay bằng thơ “chữ ta" không? Nghĩa là giữa hai bên không hề có ngôn ngữ chung một cách hiểu chung về thơ.[9] Thế rồi, dưới áp lực của những thay đổi trong xã hội, dần dần cái cảm giác về một nền thơ cổ lỗ cũ kỹ cứ ám ảnh người ta không dứt. Những tiếng nói cải cách thơ rụt rè cất lên. Ban đầu phái cải cách còn yếu. Người ta phải đăng đàn diễn thuyết trao đổi cổ động cho cái mới. Người ta phải vận dụng lý luận (dù vào những năm 20-30 của thế kỷ XX chưa ai biết gì về lý luận). Và nhất là người ta sáng tác, sáng tác một cách nghiêm túc, tạo nên những đỉnh cao không ai có thể phủ nhận. Cái mới cuối cùng đến như một đợt sóng triều, cuốn đi hết thơ cũ. Sự tiếp nhận thơ Pháp như vậy là khá đàng hoàng và sang trọng. Mọi chuyện mang ra công khai. Có sách lược. Có phát động. Có tổng kết. Phải nhận rằng đây là một cuộc tiếp nhận bài bản bậc nhất trong lịch sử tiếp nhận văn học nước ngoài ở ta, thậm chí có thể nói là hơi đột xuất, hơi lạ so với cách tiếp nhận ở Việt Nam xưa nay. Bởi vì chỉ cần nhìn sang sự tiếp nhận trong văn xuôi, người ta sẽ thấy tình hình khác hẳn. Ở đây, mọi chuyện xảy ra không ồn ào. Các nhà viết văn xuôi nói chung, viết tiểu thuyết nói riêng, không có tranh luận bàn bạc gì nhiều. Thói quen học lỏm của các cụ ta khi xưa sang xứ Tàu tìm thấy một sự tái tạo tự nhiên. Trong cuốn Theo dòng, nhà văn Thạch Lam có mấy bài bàn riêng về tiểu thuyết. Tới năm 1941 Vũ Bằng còn viết một loạt bài trên Trung bắc tân văn, sau in lại thành cuốn Khảo về tiểu thuyết.[10] Song đó là một vài trường hợp gần như ngoại lệ. Phổ biến hơn là cái cách “gục đầu” mà viết, viết để làm đầy các trang báo. (Lúc này báo chí đã trở thành một nét sinh hoạt mới ở các thành thị). Sau nữa, sự bình lặng nói ở đây còn có nghĩa công việc được tiến hành một cách tự phát, không có sách lược chiến lược cụ thể khôn ngoan khéo léo. Do đó nếu nhiều lúc phong trào chung có phải đi đường vòng thì cũng là dễ hiểu. Lịch sử tiểu thuyết còn ghi nhận: thực ra ban đầu một xu hướng viết theo kiểu phương Tây như trường hợp cuốn Thày Lazaro phiền của Nguyễn Trọng Quản không được đánh giá cao và tiếp nối. Mà trong khoảng hai chục năm đầu của thế kỷ XX, loại tiểu thuyết phổ biến là tiểu thuyết viết theo lối Tàu. Trong Sài Gòn lục tỉnh, đó là trường hợp của những Hà hương phong nguyệt, Phan Yên ngoại sử, Hoàng Tố Oanh hàm oan; ở các tỉnh miền bắc, đó là trường hợp của Kim Anh lệ sử, ngay cái tên đã chứng tỏ chịu ảnh hưởng của cuốn tiểu thuyết Tàu Tuyết hồng lệ sử. Sự xa lạ của tư duy tiểu thuyết phương Tây xa lạ tới mức trên báo Nhật tân 1933, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Ngọc bảo thẳng rằng “truyện Tây hầu như là kẻ thù của dân này”.[11] Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách viết từ 1922 đến 1925 mới dám công bố, bên cạnh cái mới mẻ trong quan niệm về con người biết đâu chẳng một phần là do cái mới mẻ trong quan niệm về thể loại. Có điều, có thể nói với Tố Tâm đã có một bước ngoặt. Gần như không ai muốn quay về viết theo kiểu Tàu nữa. Con đường để người Việt đến với tư duy tiểu thuyết hiện đại vậy là khá quanh co, và không bừng lên sôi động như trong thơ. Dẫu sao, tư duy tiểu thuyết theo kiểu phương Tây ngày càng thắng thế . Cứ như là thể tài này được đẻ ra ngay trên đất Việt Nam, và từ lâu rồi ông cha ta đã viết như vậy. Nó lại cũng đã trở thành thứ thức ăn tinh thần không thể thiếu của bạn đọc.
Naguib Mahfouz nhà văn được giải Nobel văn chương 1988 đã viết như vậy về quá trình du nhập của nhiều thể loại văn học phương Tây vào văn học Ai Cập. Câu nói đó cũng có thể áp dụng nguyên vẹn để nói về sự du nhập của tiểu thuyết vào Việt Nam. Trước khi kết luận, xin phép được nêu lên hai nhận xét có tính chất những giả thiết để làm việc: Một là, mặc dầu nhìn vào cả quá trình hình thành thì tiểu thuyết Việt Nam thế kỷ XX gần như diễn lại các bước đi của lịch sử tiểu thuyết ở phương Tây, song cuối cùng cái đọng lại rõ nhất, tiện dụng với tư duy của người Việt Nam hơn cả là tiểu thuyết Pháp thế kỷ XIX. Cố nhiên, chỉ giới hạn vào tiểu thuyết Pháp thế kỷ XIX thôi, người ta đã thấy một cái gì quá ngổn ngang bề bộn. Thói quen của người Việt khiến chúng ta không thể học theo những phong cách đồ sộ như V. Hugo hoặc Balzac hai nhân vật chính của văn học Pháp thế kỷ XIX. Những người mà chúng ta gần gũi hơn là Maupassant và Daudet. Nhà nghiên cứu Đặng Anh Đào từng dẫn lại và tỏ ra đồng tình với một nhận xét của Phan Ngọc, ông này nói rằng Nguyễn Công Hoan rõ ràng chịu ảnh hưởng của Alphonse Daudet.[13] Điều thú vị ở đây là trong khi Nguyễn Công Hoan thiên về hài hước thì Daudet lại là tác giả của nhiều truyện ngắn có ý vị trữ tình. Nhưng chỗ gần nhau ở họ là cái cách sử dụng thể truyện ngắn. Xét theo tư duy thể loại thì nhận xét của Phan Ngọc là hoàn toàn có lý. Hai là, sau khi đã hình thành nên cho mình, đã chiếm lĩnh được một tư duy tiểu thuyết như vậy, thì các nhà văn Việt Nam nối tiếp nhau khai thác phần vốn liếng đã thu hoạch được để sử dụng. Người Việt nói chung không có thói quen tư duy các vấn đề của đời sống một cách trừu tượng; mà nhà văn Việt Nam cũng vậy. Hình như với chúng ta vấn đề phát triển lý luận về tiểu thuyết rồi nâng lên thành bài bản và từ đó có đóng góp vào việc đổi mới làm giàu cho lý luận về tiểu thuyết là chuyện không nên đặt ra làm gì để mất thì giờ. Mà hãy cứ viết cứ viết cái đã (tức là viết theo mẫu nước ngoài mà ta học lỏm được). Điều này giải thích tại sao đến cuối thế kỷ XX, chúng ta vẫn viết theo kiểu tiểu thuyết thế kỷ XIX. Trên phương diện tinh thần tư tưởng, nhiều nhà nghiên cứu lịch sử đã gặp nhau ở nhận xét rằng trong việc tiếp thu Nho giáo, Việt Nam thường dừng lại ở Tống nho và tìm cách đào đến cùng còn những sự phát triển tiếp theo của nho học như Minh nho, Thanh nho, ta không để ý. Hoặc đơn giản hơn như chuyện cái xe đạp. Người Việt không chế ra xe. Ở ta cũng không thấy ai bận tâm tới việc cải tiến và nâng cao chất lượng của nó, sử dụng tốt nó trong những cuộc đua xe chẳng hạn. Nhưng khai thác xe đạp vào việc phục vụ đời sống hàng ngày thì có lẽ không ai bằng người Việt . Đến mức đôi quang gánh đầy dân tộc tính cũng phải nhường bước. Phương tiện phổ biến của dân hàng rong Hà Nội kể cả các cô bán hoa giờ đây là xe đạp. Chẳng đẹp thì đừng. Tiện dụng cái đã. Những triết lý ấy của người Việt cũng chi phối chúng ta trong việc tiếp nhận và vận dụng tiểu thuyết cho đến ngày hôm nay. Và rộng hơn cách tiếp nhận thể loại cũng mang những đặc trưng mà người ta có thể nhận ra khi quan sát sự tiếp nhận về mặt nội dung tư tưởng. Bởi vậy chúng tôi cho rằng hoàn toàn có thể nói tới một cách tiếp nhận các ảnh hưởng trong văn học đặc trưng cho người Việt, văn học Việt. Chúng ta chỉ cần tìm cho được, tức cần gọi tên nó cần nhận diện nó một cách chính xác. 2004 [1] Tham luận tại cuộc hội thảo về văn học so sánh tổ chức tại Khoa văn ĐHSP Hà Nội, 5-2004 [2]Tính theo bản in của Bộ Quốc gia giáo dục, Hà Nội 1951 [3]Văn Hiệp xuất bản, Sài Gòn, 1960 [4]Bản in của NXB Giáo dục Hà Nội 1962 [5]Sđd, tr. 16,17. Tinh cầu nói ở đây còn có lúc được dịch là Ngôi sao, là tác phẩm của nhà văn xô viết E. Kazakevits [6]Bản dịch của Lê Anh NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1962 [7]Từ điển văn hoá cổ truyền Việt nam, NXB Thế giới, Hà Nội, 1995, phần viết về nghề in, nghề làm giấy. [8] Trích theo Kỷ yếu Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ hai ,bản in ở Việt Bắc, tr. 133 [9]Theo Thượng Chi văn tập tập II, Bộ quốc gia giáo dục Sài gòn, 1962, tr. 83. [10]In lại trong Những lời bàn vể tiểu thuyết trong văn học Việt nam từ đầu thế kỷ XX tới 194 , Vương Trí Nhàn biên soạn, NXB Hội nhà văn Hà Nội, bản in 2004 [11]Sđd , tr 56 [12]Theo tạp chí Người đưa tin Unesco, bản tiếng Việt số 12/1989 [13]Gió đông gió tây: ảnh hưởng và giao thoa trong văn học Việt nam hiện đại, in trong Văn học so sánh lý luận và ứng dụng, NxB Khoa học xã hôi, H. 2001, tr 393.
Trở về trang mục
lục Vương Trí Nhàn
Bản của tác giả gởi
|