Nhà văn tiền chiến và quá trình hiện đại hoá
Chương 8
THẠCH
LAM: Thạch Lam nhìn từ góc độ lý luận văn xuôi
Vương Trí Nhàn
Những tiền đề Trong các công trình nghiên cứu về văn học trước 1945, như các giáo trình và sách văn học sử, lời nói đầu viết cho các tổng tập – người ta thường bắt gặp một lối xem xét phổ biến, đó là xem lịch sử văn học giai đoạn này – trước tiên là trên phạm vi văn học công khai – như cuộc đấu tranh của chủ nghĩa hiện thực với chủ nghĩa lãng mạn, rồi kết cục là sự phát triển, sự thắng thế của chủ nghĩa hiện thực. Theo chúng tôi hiểu, đấy là một quan niệm đã làm cho đời sống văn học trở thành khô cứng, nghèo nàn, và không đúng với sự thực. - Trong thực tiễn sáng tác, lúc ấy những khái niệm như hiện thực, lãng mạn .. gần như không hề có trong đầu óc các nhà văn. Văn học Việt Nam trước 1945, dù đã bước đầu phát triển và phê bình, đã hình thành nên những bộ sách như Nhà văn hiện đại, Thi nhân Việt Nam, song, chủ yếu vẫn là quá trình mò mẫm, tự phát.
Vả chăng, hiện thực hay lãng mạn chỉ là quy ước. Chưa chắc nó – phạm trù phương pháp – đã có vai trò quan trọng trở thành nhân vật chính của lịch sử văn học như thể loại. Hiện nay, thỉnh thoảng chúng ta vẫn bộc lộ những mâu thuẫn trong việc xem xét một số hiện tượng (ví dụ: Có phải chủ nghĩa hiện thực ngày một phát triển hay nó đi vào bế tắc? Yếu tố hiện thực có ở Nhất Linh, Khái Hưng, thơ Xuân Diệu hay không? Tại sao cùng một số văn phẩm của Thạch Lam, có lúc xếp vào hiện thực, có lúc xếp vào lãng mạn). Thiết nghĩ, đó là do quan niệm về các phương pháp của chúng ta chưa vững vàng, chắc chắn.
Để thoát khỏi tình trạng đó, có lẽ lên giành ưu tiên cho việc khảo sát sự phát triển văn xuôi, thơ, kịch, và tìm cách phác hoạ ra sự tiến hoá của ngôn ngữ thể loại, cái mà ta tạm gọi là thi pháp thể loại.
Nói như vậy, không phải bỏ hẳn các khái niệm như hiện thực, lãng mạn.
Có điều, nếu vẫn còn sử dụng đến chúng, cần tìm ra cách hiểu thoáng hơn, cởi mở hơn với từng khái niệm đó.
Đây là một vấn đề lý luận khá phức tạp, chúng tôi chỉ xin nói một cách tóm tắt:
- Cách hiểu phổ biến hiện nay về chủ nghĩa hiện thực là nhà văn phải mô tả nhân vật trên cái nền bức tranh xã hội rộng rãi, phải đẩy nó lên trở thành điển hình, có ý nghĩa giai cấp, dân tộc v.v. Tóm lại, là chủ nghĩa hiện thực hiểu theo bề rộng, một thứ chủ nghĩa hiện thực có lẽ được sáng chế chỉ để minh hoạ cho những cách hiểu thô thiển về lịch sử.
- Còn như sẽ là tiện hơn, hợp lý hơn nhiều, nếu cho rằng vấn đề không phải là bức tranh xã hội. Một tác phẩm như Ông già và biển cả của Hemingway sẽ bị coi là không hiện thực nếu lấy quan niệm thô thiển trên làm hệ quy chiếu. Nhưng theo các nhà nghiên cứu văn học thế kỷ XX, có lẽ đó là một trong những tác phẩm nói rất đúng, lột tả được, nắm được cái thần của đời sống nước Mỹ thế kỷ này, và phải gọi nó là hiện thực!
Chủ nghĩa hiện thực theo nghĩa cởi mở giờ đây không bắt buộc phải dựng bức tranh xã hội, phải miêu tả điển hình. Nó có thể chỉ dừng lại ở một vài trạng thái tâm lý mà con người thể nghiệm. Điều quan trọng với nó, là dựng không khí, tạo ra được những ám ảnh đối với bạn đọc, mà trong việc này, thì cái cách đi sâu vào nội tâm là một con đường đầy triển vọng.
Một số đóng góp
Từ bỏ cái khung hiện thực - lãng mạn vốn có, chỉ từ ngôn ngữ thể loại mà xét, có thể xác lập một vài đường dây phát triển của văn xuôi trước 1945. Ví dụ, nếu bắt đầu với Nguyễn Công Hoan, có thể thấy ở ông nhân vật thường gần như không có tâm lý. Nhân vật sinh động, nhưng là cái sinh động trong hành động, giữa tâm lý và hành động không có khoảng cách.
Với tư cách là những người xuất phát sau Nguyễn Công Hoan, Nhất Linh và Khái Hưng có phần đi xa hơn. Cái gọi là đời sống tâm lý trong nhân vật của hai ông bắt đầu xuất hiện. Trong lời tựa Hồn buớm mơ tiên, Nhất Linh viết rằng, tác phẩm nhiều khi làm cho người ta cảm động vô ngần. “Cái cảm ấy là một cái cảm nhẹ nhàng phảng phất vui buồn tự như là những ngày nắng nhạt điểm mưa thưa”.
Sau này một người như Nam Cao sẽ đẩy việc miêu tả nội tâm lên một bước nữa.
Thạch Lam ở vào chỗ nào trong mạch phát triển này? ít nhất là Thạch Lam cũng có những cách tân khá rõ, so với một người như Khái Hưng. Không phải ngẫu nhiên mà trong lời giới thiệu viết cho Gió đầu mùa, Khái Hưng gần như ngả mũ chào, nghĩa là rất “chịu” Thạch Lam. Dưới đây, khi điểm qua một số truyện của Thạch Lam chúng tôi sẽ còn trở lại với một số ý cụ thể trong bài giới thiệu quan trọng ấy.
Đứa con đầu lòng, Gió đầu mùa là những truyện mà cốt truyện rất đơn sơ, không có cái lắt léo thường tình mang tính cách bố trí. Tự nó, tâm lý con người là một thứ khung cảnh, cần được bày ra. Để gọi nó người ta đôi khi dùng chữ Tâm Cảnh bao gồm cả những cảnh linh động, nhiều bình diện, lẫn những cảnh trống vắng “không là cái gì cả, sự trống rỗng một phút một giây của tâm hồn” (Khái Hưng)
Một dạng khác: Sợi tóc, Quyển sách bỏ quên, Tình xưa. Trong những truyện này, tâm lý cá nhân hiện ra như một thực thể mong manh, một sự cân bằng không có hình thù rõ, không vững vàng, lại biến chuyển mau chóng. Người ta đâu có bao giờ cũng làm chủ được mọi vui buồn yêu ghét đến trong lòng mình? Trong mắt người khác, ta thoắt thế này thoắt thế khác, không sao giải thích được. Nếu thành thực, phải nhận là trong lòng ta có những quãng u tối, mà phải can đảm lắm, mới có gan phanh phui. Khái Hưng đã không có gì là quá lời, khi bảo “Đọc nhiều đoạn văn của Thạch Lam, tôi rùng rợn cả tâm hồn vì sự thành thực”.
Thế còn mối quan hệ của nhà văn với những trạng thái tâm lý (của mình cũng của người khác) được miêu tả trong tác phẩm? Thông thường thói quen của người sáng tác và người thưởng thức ở ta, là buộc nhà văn phải có thái độ rõ, và phải mang những yêu ghét ấy vào trong tác phẩm, để hướng dẫn, hỗ trợ người đọc trên phương diện đạo đức. Kết quả là trong nhiều trường hợp, người đọc cảm thấy bị dắt mũi, những mối phản cảm nảy sinh rất nhanh, và tác phẩm lại gây ra những tác dụng xấu. Một người như nhà văn Nga A. Tchékhov rất có kinh nghiệm về mặt này, ông bảo rằng “Sự lạnh lùng là không thể thiếu, chỉ có những kẻ lạnh lùng mới nhìn sự việc một cách tỏ tường…”. Một nhà nghiên cứu khác đã viết rất hay về Tchékhov: “Trong sự khách quan kỳ diệu của ông, đứng trên tất cả mọi nỗi phiền muộn hay hân hoan, Tchékhov đã thấu triệt và nhìn hết mọi sự vật. Ông có thể hiền từ quảng đại mà không yêu, ông có thể mẫn cảm và thân ái mà không quyến luyến, ông có thể là người gia ơn mà không mong sự trả ơn”.
Thật là kỳ lạ, trong một thiên truyện như Trở về của Thạch Lam, nguyên lý khách quan ấy của Tchékhov chẳng những có mặt mà còn đóng vai trò chi phối khá triệt để. Nhân vật chính là một kẻ xấu. Thạch Lam, một người như Khái Hưng nói “tính tình mãnh liệt, quá khích nữa”, có thái độ với loại nhân vật ấy như thế nào, là chuyện dễ đoán. Nhưng đây là trong văn học: Nhà văn Thạch Lam chỉ kể lại mọi chuyện một cách thản nhiên, lạnh lùng. Nhưng che mắt được ai chứ không che mắt được một người như Khái Hưng. Theo Khái Hưng, “sự lạnh lùng ấy giấu một tính tình khinh bỉ, một cảm tưởng chua chát không biết đến chừng nào”.
Chúng tôi ngờ rằng trên con đường đi vào trình bày nội tâm con người, vấn đề này – mối quan hệ giữa nhà văn và những gì được nhà văn mô tả trong tác phẩm – sẽ có lúc được đặt ra, và những cây bút tương lai sẽ tìm thấy sự hỗ trợ ở Thạch Lam cả trên phương diện đạo đức lẫn phương diện nghề nghiệp.
Ý nghĩa
Ai đó từng nói một hướng phát triển của tiểu thuyết thế kỷ XX là “viết chính tả cho ý nghĩ”. Đọc một cuốn tiểu thuyết được giải Goncourt 1984 ở Pháp và đã được dịch ra tiếng Việt như cuốn Người tình của Marguerite Duras, người ta thấy điều mà các ngòi bút hiện nay định mô phỏng, không phải là hiện thực, mà là suy nghĩ của con người.
Zatonski, một nhà nghiên cứu Liên Xô trước đây, trong một công trình nghiên cứu mang tên Nghệ thuật tiểu thuyết và thế kỷ XX, đặc biệt đề cao một xu hướng phát triển trong tiểu thuyết, mà ông tạm đặt tên là tiểu thuyết hướng nội. Thạch Lam của chúng ta như cũng bắt vào cái mạch ấy. Hướng đi vào tâm lý ở Thạch Lam là một hướng rất hiện đại. Với ông, tâm lý trở thành cái bí mật lớn nhất cần tìm hiểu. Trong tâm lý có thể cả lịch sử, xã hội. Những động thái tâm lý phức tạp là bằng chứng của sự tiến triển trong trình độ làm người.
Để có ý niệm về khả năng dính líu với hiện thực, thông báo về hiện thực – hoặc, nói theo cách nói kinh điển của chúng ta, khả năng phản ánh hiện thực – của truyện ngắn tâm lý, xin thử dừng lại ở một truyện ngắn thuộc loại hay nhất của Thạch Lam, truyện Hai đứa trẻ. Phải cố gán ghép người ta mới có thể nói tới một cái gì lờ mờ hiện lên như là bức tranh xã hội ở đây (bức tranh xã hội như chúng ta vẫn hiểu). Có phần chắc hơn, đấy cũng là truyện viết về một trạng thái tâm lý. Nhưng theo chúng tôi, truyện đã nói rất đúng một phương diện của đời sống xã hội Việt Nam trước 1945, thời mà Thạch Lam sống. Chất bằng lặng, tù đọng, mòn mỏi của hiện thực như đã tìm thấy một biểu hiện tuyệt vời. Nó toát lên từ không khí khung cảnh, từ toàn bộ thiên truyện. Mỗi khi muốn hình dung ra đời sống tinh thần của con người trước 1945 tôi rất nhớ đến Hai đứa trẻ. Và tôi tưởng, cũng không có gì gượng gạo lắm, nếu bảo rằng truyện là một truyện viết theo khuynh hướng hiện thực. Nếu mở rộng khái niệm chủ nghĩa hiện thực đến mức coi Ông già và biển cả của Hemingway mà trên kia đã nói, cũng là thuộc phạm vi Chủ nghĩa hiện thực, thì dưới cái ô khá rộng ấy, Hai đứa trẻ cũng có chỗ của nó.
Có thể bảo Hai đứa trẻ chân thực ở chỗ nó bắt được một thứ rất khó nắm bắt là cái hồn của hiện thực. Nói như Juan Carlos Onette, một nhà văn Mỹ la tinh hiện đại, hiện sống ở Madrit, Tây Ban Nha: “Có nhiều cách nói dối, nhưng cách tởm lợm nhất là nói sự thật toàn bộ sự thật, mà chỉ che giấu cái hồn của sự việc”. Mọi sự so sánh đều khập khiễng. Nhưng nếu ở cuối thế kỷ XIX, Dostoievsky đã có thể bảo, đại ý “Chủ nghĩa hiện thực, đó không phải là Eugénie Grandet mà là Con đầm pích”[1] thì lúc này đây, chúng ta cũng có thể nói “Chủ nghĩa hiện thực ở Việt Nam trước1945, đó không phải là Bước đường cùng mà là Hai đứa trẻ”.
Dẫu sao, việc sử dụng khái niệm chủ nghĩa hiện thực ở đây cũng là có phần mạo hiểm. Cả trên thế giới, cũng như ở nước ta hiện nay, không chữ nào được dùng nhiều như nó. Chỉ có điều khác, ở ta nó bị khuôn vào một cái khung quá chặt chẽ, và hình như có lỗ nữa? – còn ở nhiều nước khác, nhất là trong những tài liệu không bắt buộc phải thật nghiêm túc khoa học, nó lại được hiểu một cách quá linh động và do đó có phần tuỳ tiện.
Nói như người ta vẫn nói trong vật lý lượng tử độ không xác định của khái niệm chủ nghĩa hiện thực ở đây quá lớn.
Thậm chí trong chủ nghĩa hiện thực, thấy bao gồm cả những tác phẩm in đậm dấu ấn của chủ nghĩa tượng trưng, chủ nghĩa ấn tượng.
Đại khái trong nhiều trường hợp người ta dùng nó nhưng chỉ nhận về chất lượng. Cứ cái gì hay có giá trị thì được bảo là “làm vinh dự cho chủ nghĩa hiện thực” với lại “mở ra ranh giới của chủ nghĩa hiện thực.”
Sở dĩ chúng tôi, trong các phần trên, cố cãi lấy được Hai đứa trẻ cùng với văn xuôi Thạch Lam nói chung, thì cũng là vì lý do đó. Xin được coi đấy chỉ là một giả thiết là việc, bên cạnh một giả thiết khác có lẽ là gần đúng với văn xuôi Thạch Lam hơn. ý chúng tôi muốn viện dẫn tới sự hồi của chủ nghĩa ấn tượng.
Nếu không ngại một lần nữa nhắc tới Khái Hưng, chúng ta có thể bắt đầu bằng cái ý ông đã nêu trong lời giới thiệu Gió đầu mùa: trong văn mình, Thạch Lam rất chú ý tới những cảm giác. Tuy Thạch Lam không nói rõ, song ngày nay đọc lại, có thể thấy việc ghi nhận cảm giác, kiểu đó gắn liền với một loạt ngụ ý khác: muốn vượt ra ngoài cái sáo mòn, thành kiến; mở rộng lòng ra để như là lần đầu được tiếp xúc với con người và sự việc; sùng bái cái tươi mới, cái tự nhiên, bao gồm cả những run rẩy bé nhỏ nhất trước hiện thực; từ chối những tình tiết, những cốt truyện gay cấn, coi rằng cái đó không quan trọng, mà chỉ có những ấn tượng chủ quan của mình là quan trọng, từ đó, làm toát lên một cảm giác buồn bã về đời sống, dù vẫn luôn luôn biết rằng chỉ có đời sống mong manh này là đẹp, là bền chắc… Đây là những dấu hiệu điển hình ở chủ nghĩa ấn tượng. Trong một bài báo viết về tranh của các hoạ sĩ ấn tượng Pháp, tôi thấy người ta còn viết đại ý: nhiều tác phẩm ấn tượng, không gì khác, là sự tưởng nhớ sâu xa những gốc rễ nông thôn mà thành thị còn rất gắn bó. Trong tranh của những C. Monet, A. Sisley. A. Renoir v.v khung cảnh hiện ra thanh bình, con người biết sống hoà hợp với nhau, còn xã hội thì biết khéo léo bảo tồn những truyền thống tốt đẹp của xứ sở. Những điều ấy, lại cũng như là viết riêng ra để cho Thạch Lam! Việc nghiên cứu các pha, các chặng đường phát triển của văn xuôi, còn phải tiếp tục, việc sử dụng các thuật ngữ tiêu biêu cho nghệ thuật phương Tây cần phải hết sức dè dặt, song, dẫu sao, có thể đoán được, nếu có một quan niệm nghệ thuật mà Thạch Lam thấy gần nhất, thấy có thể chia sẻ được, thì chắc chắn đó không phải là những chủ nghĩa hiện thực chủ nghĩa lãng mạn theo cái nghĩa chúng ta thường hiểu, mà chỉ có thể là chủ nghĩa ấn tượng. Trong khi chờ đợi một sự thẩm định đầy đủ hơn, ngay ở đây, chúng ta có thể nói với nhau: Không có gì là đáng ngờ vực một người khi người đó được gọi là có chất ấn tượng cả. Mà đấy chỉ là một bước phát triển tốt đẹp. Trên nhiều phương diện, văn phẩm của Thạch Lam đánh dấu trình độ nhuần nhị mà văn học Việt Nam trong nửa đầu thế kỷ này đã đạt tới trên đường tự nhào nặn theo mẫu hình của một nền văn hoá hiện đại.
1992
Đã in Tạp chí văn học 1992 , số 6
[1]Hai kiệt tác , một của Balzac và một của Puskin
Trở
về trang mục lục Vương Trí Nhàn
|