LUẬT KHOA
8-7-21

5 câu hỏi trong quyết định phong tỏa thành phố Hồ Chí Minh

Người dân luôn có quyền đặt câu hỏi về các quyết sách của chính quyền.

 Yên Khắc Chính

 

Tối 7/7/2021, các tờ báo trong nước đồng loạt đăng thông tin chính quyền TP. HCM “quyết định giãn cách xã hội toàn thành phố 15 ngày theo Chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7 để phòng chống COVID-19”. [1]

Quyết định này không làm bao nhiêu người bất ngờ. Nhưng như các chỉ thị và chính sách chống dịch lâu nay, nó tiếp tục tạo ra nhiều dấu hỏi hơn là đưa ra câu trả lời.

1.      Đâu là giả, đâu là thật?

Lý do chính không ai bất ngờ trước quyết định phong tỏa thành phố là vì trước đó vài ngày, thông tin này đã được lan truyền rộng rãi.

Nội dung của tin tức được truyền đi từ ngày 4/7 là “quyết định phong tỏa TP. HCM trong 10-15 ngày, cho thành phố 36 – 48 giờ chuẩn bị, sẽ phong tỏa từ 0h thứ Ba ngày 7/7 hoặc 12h thứ Tư ngày 8/7…”.

Tối ngày 4/7, chính quyền bác bỏ và gọi đó là “thông tin giả mạo”. [2]

Chiều ngày 6/7, chính phủ kêu gọi “sự ủng hộ và cảm thông của người dân nếu phải áp dụng biện pháp giãn cách, phong tỏa, cách ly diện rộng”. [3]

Và đến tối ngày 7/7, quyết định “giãn cách thành phố” được đưa ra.

Như vậy, trong ba ngày, chính quyền đi từ việc bác bỏ “tin đồn” đến việc gián tiếp xác nhận gần như toàn bộ nội dung của nó.

Với cách ứng xử như vậy, người dân có thể trông đợi gì từ “nguồn tin chính thống”, khi cùng một nội dung, hôm trước là giả, hôm sau đã thành thật?

2.      Chống dịch như chống giặc, nhưng đâu là giặc?

Cách thức ứng xử như trên là một đặc trưng rất khó tìm thấy ở các thể chế dân chủ. Việc độc quyền, bí mật, giấu tin tức, tung hỏa mù, khiến đối phương bất ngờ… là cách xử lý thông tin điển hình của thời chiến.

Điều đó có thể được giải thích khi phương châm lâu nay của nhà nước là “chống dịch như chống giặc”.

Vấn đề ở chỗ: ai là giặc? Đương nhiên đó là con virus chứ không phải dân. Nhưng nếu vậy, vì sao không công khai toàn bộ thông tin với dân từ đầu mà phải úp úp mở mở? Con virus đâu biết đọc tin tức? Lý do gì phải ra những quyết định kiểu “đánh úp”, khiến mọi người phải bất ngờ, để rồi càng thêm hoảng loạn?

3.      Tiếng nói của người dân ở đâu trong quyết sách của chính quyền?

Với thể chế hiện tại, người dân gần như không có cách nào để ảnh hưởng đến chính sách của nhà cầm quyền.

Báo chí quốc doanh không thể đăng tải những ý kiến trái chủ trương, đường lối. Các tổ chức xã hội dân sự không những không được khuyến khích hoạt động mà còn thường xuyên bị chụp mũ chống phá, phản động. Kênh phát ngôn duy nhất của người dân là mạng xã hội, nhưng nó chưa bao giờ được nhà nước xem là “nguồn tin chính thống”.

Người dân gần như chỉ có thể làm hai việc trong công tác chống dịch: tuân thủ quy định của chính quyền và đóng góp tiền cho nhà nước.

Góp tiếng nói vào các quyết sách chống dịch là một chuyện xa vời với đại đa số người Việt Nam, khi đến cả các gói cứu trợ được hứa hẹn của nhà nước nhiều người còn lắc đầu chỉ biết “lên tivi mà nhận hỗ trợ”. [4]

4.      Ai sẽ giúp người nghèo không chết đói?

Trên các tờ báo quốc doanh, không khó đọc thấy những bình luận thúc giục chính quyền phải “phong tỏa triệt để”, “mạnh tay hơn nữa”, “làm một lần cho xong”… Ngay trong phần bình luận về quyết định phong tỏa toàn thành phố mới nhất, nhiều ý kiến cho rằng đây là việc lẽ ra phải làm từ lâu.

Quyết định phong tỏa thành phố có hiệu quả đến đâu là chuyện không ai nói trước được, nhưng điều có thể khẳng định ngay là nó sẽ khiến rất nhiều người nghèo lâm vào cảnh khốn cùng.

Trong khi các khoản hỗ trợ nghìn tỷ của đợt trước với nhiều người chỉ là muối bỏ bể, thậm chí là những lời hứa trên tivi, thì khoản hỗ trợ mới nhất lại phải chờ đến cuối tháng 7 mới đến được tay những người gặp khó khăn. [5]

Nếu những người chạy ăn từng bữa không được chính quyền hỗ trợ ngay lập tức, không có cách nào buộc họ phải ở yên trong nhà chờ chết, và cũng không ai có quyền yêu cầu họ phải làm vậy, cho dù nhân danh bất kỳ điều gì.

Người dân có quyền chất vấn, vì sao với những khoản vô thưởng vô phạt như bóng đá, các lãnh đạo đất nước có thể hứng chí thưởng ngay cả tỷ đồng trong chớp mắt (không rõ tiền lấy từ đâu), [6] thế nhưng với những khoản hỗ trợ chỉ 50.000 đồng/ngày cho người nghèo thì lại có đủ thứ quy trình và thủ tục. Thậm chí, họ còn phải chờ “Bộ Chính trị đồng ý chủ trương” mới được tiến hành, trong khi Quốc hội mới là cơ quan quyết định ngân sách và chi tiêu của quốc gia? [7]

5.      Ưu tiên của chính quyền là gì?

Với quyết định phong tỏa thành phố, nhiều người sẽ nghĩ ưu tiên hàng đầu của chính quyền là dập tắt dịch.

Nhưng nếu đó là ưu tiên số một, vì sao vẫn phải tổ chức cuộc thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông trong những ngày này, với gần 87.000 thí sinh thành phố tập trung lại (tính chung cả nước là cả triệu học sinh)? [8]

Ý nghĩa của việc này là gì, khi trong nhiều năm qua, tỷ lệ tốt nghiệp của cuộc thi luôn ở mức cao ngất ngưởng (năm 2020 là hơn 98%)? [9]

Câu hỏi tương tự với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 23/5 vừa qua. Bất chấp tình hình dịch bệnh khi đó, chính quyền vẫn quyết tâm tổ chức sự kiện này, kêu gọi hàng chục triệu người dân phải trực tiếp đến địa điểm bầu cử để bỏ phiếu. [10]

Nếu thật sự ưu tiên của chính quyền là chống dịch, vì sao không thể hoãn cuộc bầu cử, hoặc tổ chức để người dân bầu qua thư, mà phải bắt buộc người dân tập trung đông người một chỗ? Và đương nhiên với nhiều người dân, ý nghĩa của sự kiện này cũng là một dấu hỏi lớn (chỉ cần kiểm tra xem có bao nhiêu người nhớ mình đã bỏ phiếu cho ứng cử viên nào).

Với những quyết sách mâu thuẫn nhau như vậy, thật khó để người dân “ủng hộ và cảm thông” với chính quyền.

Người dân chỉ có thể ủng hộ một khi họ được xem trọng, được đóng góp ý kiến vào trong những quyết định có ảnh hưởng đến mình, và được xem là đối tác ngang hàng chứ không phải bị chính quyền xem là đối thủ cần phải ứng phó.

Chú thích

1.  VnExpress. (2021, July 7). TP HCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. vnexpress.net. https://vnexpress.net/tp-hcm-gian-cach-xa-hoi-theo-chi-thi-16-4296651.html

2.  Thọ, H. (2021, July 4). Bác tin phong tỏa TP.HCM trong 10-15 ngày. Báo điện tử VTC News. https://vtc.vn/bac-tin-phong-toa-tp-hcm-trong-10-15-ngay-ar622264.html

3.  Tuân V. (2021, July 7). Chính phủ kêu gọi người dân cảm thông nếu phong tỏa diện rộng. vnexpress.net. https://vnexpress.net/chinh-phu-keu-goi-nguoi-dan-cam-thong-neu-phong-toa-dien-rong-4305381.html

4.  Trịnh T. (2021, July 3). Gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng, sẽ không có chuyện “lên ti vi mà nhận”? – Baogiaothong.vn. Báo giao thông. https://www.baogiaothong.vn/goi-ho-tro-26-nghin-ty-dong-se-khong-co-chuyen-len-ti-vi-ma-nhan-d514365.html

5.  Niên, T. (2021, July 2). Cuối tháng 7 người lao động TP.HCM sẽ nhận hỗ trợ. Báo Thanh Niên. https://thanhnien.vn/thoi-su/cuoi-thang-7-nguoi-lao-dong-tphcm-se-nhan-ho-tro-1408018.html

6.  BBC News Tiếng Việt. (2021, June 13). Tiền thưởng của Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc cho tuyển Việt Nam gây tranh luậnhttps://www.bbc.com/vietnamese/sport-57461317

7.  Online T. T. (2021, June 25). Bộ Chính trị đồng ý chủ trương hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động. TUOI TRE ONLINE. https://tuoitre.vn/bo-chinh-tri-dong-y-chu-truong-ho-tro-nguoi-lao-dong-va-nguoi-su-dung-lao-dong-20210625201100479.htm

8.  Tùng M. (2021, July 7). Thí sinh ngất xỉu trong phòng thi, dương tính nCoV. vnexpress.net. https://vnexpress.net/thi-sinh-ngat-xiu-trong-phong-thi-duong-tinh-ncov-4305739.html

9.  Online T. T. (2020, August 27). Tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2020 cả nước đạt 98,34%. TUOI TRE ONLINE. https://tuoitre.vn/ty-le-tot-nghiep-thpt-nam-2020-ca-nuoc-98-34-cao-hon-2019-20200827210316889.htm

10.  Tại sao Việt Nam không hoãn cuộc bầu cử bất chấp bệnh dịch COVID-19 bùng phát mạnh? (2021, May 25). Radio Free Asia. https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/why-does-not-vietnam-postpone-general-election-05222021215451.html