GIÉC MANH TẢN
MẠN KÝ Nước
Đức bắt đầu bước vào đợt lockdown thứ 2 của năm Covid đệ nhất. Đường phố
vắng tanh, xe cộ thưa thớt. Quảng trường Alexander platz ở trung tâm thủ
đô Berlin tối om như Hà Nội thời đun bếp trấu. Số người chết trong vòng
24 giờ đồng hồ lên tới gần nghìn, giường cấp cứu trên toàn quốc cũng chỉ
còn hơn 5000 cái (so với Đức thế là hết cực nhanh). Mang tiếng là ông tổ
của máy thở mà giờ đây hãng Draeger cũng thúc thủ với lượng đơn hàng
khổng lồ từ khắp thế giới đổ về. Báo chí đưa tin, có bệnh viện đã phải
tính đến biện pháp chọn lựa để ai sống và ai sẽ phải chết. Dĩ nhiên
thiệt thòi sẽ rơi vào nhóm có bệnh nền và người già, những nhóm mà khả
năng cống hiến không còn nữa. Người Việt chắc sẽ chấp hành lệnh phong
tỏa lần này nghiêm túc hơn. Lần light lockdown cách đây hơn tháng, cảnh
sát đã bắt một sòng bạc của người Việt, phạt 12 con bạc không sợ Covid
mỗi chú 2500 Euro. Riêng chú chủ tiệm, ăn cái hoá đơn 25000 “OI” và đóng
cửa luôn. Sau đó là vụ phi hành đoàn 41 anh chị Karaoke kiêm bay lắc bị
hàng xóm báo cảnh sát bắt quả tang. (Báo cảnh sát được tiền thưởng, tội
gì không báo??? Ở Việt Nam mà treo thưởng kiểu đó thì có đến F 35 tàng
hình của Mỹ bố mày còn tìm ra chứ đừng nói là F1, F2…). Đợt này chính
phủ cũng hào phóng. Bỏ ra hơn 2 tỉ Euro mua khẩu trang phát miễn phí cho
dân chúng. Ông nào cứ 60 đổ lên, chỉ việc cầm chứng minh thư hoặc thẻ
bảo hiểm y tế. ra hiệu thuốc gần nhất là được lĩnh 03 cái khẩu trang
FFP2 không mất tiền. Nghĩ đi nghĩ lại, ở nhà là sướng nhất. Đèo mẹ, nhìn
mấy thằng em ngồi bún đậu, mắm tôm vỉa hè thèm nhỏ dãi mà không về được.
Chuyến bay thương mại thì không có, còn bay giải cứu càng không đến
lượt, đơn giản nó không dành cho người định cư tại đây. Đây là tâm trạng
của không ít người Việt tại Đức trong những ngày u ám này.
Tàu Cap Anamur
Người Việt ở Đức trước ngày thống nhất nước Đức năm 1990 chia làm hai
thành phần. Thành phần ở phía Tây thuộc CHLB Đức và phần phía Đông thuộc
CHDC Đức. Phía Tây, vì chính quyền Việt Nam cộng hoà có quan hệ ngoại
giao với nhà nước CHLB Đức nên có trao đổi sinh viên. Số này học hành
đang ngon trớn thì đùng một cái, xe tăng của anh Thận hay Tụy gì đấy đâm
đổ mẹ cổng dinh Độc lập. Anh chị em sinh viên Sài Gòn nghiễm nhiên trở
thành đám người vô thừa nhận, dù rằng trong huyết quản vẫn có hồng cầu
của Lạc Long Quân. Họ được nhà nước CHLB Đức cấp quyền cư trú và trở
thành lứa trí thức khá thành đạt sau này. Sau
1975, đến lượt anh chị em miền Nam, hoặc né vụ đi cải tạo, hoặc hút
Salem, Quân tiếp vụ quen rồi, giờ hóp má rít thuốc rê không chịu nổi,
đành học anh Ba của bên thắng cuộc tìm đường vượt biển, mong làm lại
cuộc đời ở xứ nào cũng được, trừ đất nước hình rươi. Số người bỏ xác lại
trong lòng biển Đông không phải ít, cũng vì tàu bé, tài công tồi, tham
chở nhiều người và dự trữ lương thực nước uống không đủ. Đó là chưa kể
đến nạn cướp biển Thái Lan, Mã Lai. Tụi này là ông tổ của cướp, giết,
hiếp. Cũng
trong thời kỳ này nổi lên con tàu huyền thoại Cap Anamur của CHLB Đức
trên biển Đông, ân nhân của nhiều thế hệ thuyền nhân Việt tại Đức. Từ
tháng 8 năm 1975 đến 1982 thuyền trưởng Rupert Neudeck và thuỷ thủ đoàn
đã cứu được 9500 người vượt biển gặp nạn và chăm sóc y tế trên tàu cho
35000 người Việt. Chính phủ CHLB Đức đã nhận tổng cộng hơn 30 nghìn
thuyền nhân từ các trại cấm ở khu vực Đông Nam Á và cho phép họ định cư
tại Đức, tạo ra thế
hệ Việt kiều đầu tiên tại đây. Phía
Bắc Việt Nam, tức Việt Nam dân chủ cộng hoà cũng không kém. Mở đầu cho
thế hệ người Việt miền Bắc
đặt chân lên nước Đức phải kể đến 350 thiếu sinh quân (die Kinder von
Onkel Ho) được ông Hồ Chí Minh đưa sang học tập tại Moritzburg thuộc
bang Sachsen ngày nay.
Bác Hồ thăm thiếu nhi Việt Nam tại DDR năm 1957
Trong số Moritzburger này nổi lên tiến sỹ Lê Đăng Doanh, tốt nghiệp
trường Leuna-Merseburg năm 1967, sau này trở thành thư ký và trợ lý cho
nhiều nhà lãnh đạo cao cấp của Việt Nam như Phạm Văn Đồng, Nguyễn Duy
Trinh, Nguyễn Văn Linh. Năm 1992, người viết bài này có dịp tháp tùng
ông Doanh đi chơi hội bia Oktoberfest tại Munich. Đi hội bia nhưng thấy
có quầy vang bên ngoài, ông vào uống thử. Ông chủ tiệm thấy một tay mắt
híp, uống vang có vẻ sành điệu nên tò mò hỏi, ông từ đâu đến? Tôi từ
Việt Nam. (Thời đó ở Việt Nam có nút lá chuối uống là như Tết, nói gì
đến cái loại phải xoáy xoáy, vặn vặn). Tay bán vang đố, giờ tôi mời ông
một cốc vang, ông nói đúng tên vùng sản xuất và niên kỷ của chai vang
này, tôi mời ông và cu cậu đi theo này uống say thì thôi. Vang rót ra,
cụ hít, ngửi rồi cho vào miệng súc nhẹ vài vòng. Phán một câu xanh rờn,
vang vùng X, đóng chai tầm năm Y. Chủ tiệm lùi mấy bước lạy như tế sao.
Đúng là bợm phải trả lại tiền.
Ông Nguyễn Thiện Nhân - ngôi sao DDR bắt đầu hạ cánh
Ông Vũ Huy Hoàng đang gặp đại nạn
Anh Bình “Thí” án treo hú vía, thực ra cũng hơi oan cho bác ấy... Dân
du học Đức sau này trở về Việt Nam vào các bộ ngành nhiều. Song thành
nhân cũng có mà thành phạm nhân cũng không hiếm. Điển hình là Nguyễn
Thiện Nhân, học Đại học kỹ thuật Magdeburg từ 1972, đến 1979 làm tiếp
Phó tiến sỹ. Đây có lẽ là người duy nhất từ Đức trở về leo lên đến tầng
lớp chóp bu tại Việt Nam. Anh Vũ Huy Hoàng, học Đại học Mỏ-Luyện kim
Freiberg từ 1970-1975. Về nước anh cũng leo đến chức Bộ trưởng Công
thương. Khổ cái, anh học Mỏ nên khai thác sâu quá, chạm tầng cháy nổ nên
cuối đời hạ cánh trúng phải ổ gà.
Tờ “trăm” tiền Đông Đức
Đến
thập kỷ 80, Việt Nam bắt đầu xuất khẩu lao động. Chủ yếu là sang Nga,
Tiệp khắc, Bungari và Đông Đức. Tại Đức, lúc cao trào có đến 80.000 lao
động Việt Nam sang làm việc, được đi Đức coi như “trúng quả”. Lứa đầu
sang quãng đầu 1980. Họ sống theo các đội. Đội dệt may, đội cơ khí, điện
tử, máy nông nghiệp, ô tô… Làm theo ca kíp, ở nhà tập thể. Đội nào có cả
nam lẫn nữ coi như trúng số độc đắc. Đa phần là đội nam riêng, nữ riêng.
Muốn thoát khỏi kiếp quay tay lấy may, mấy con đực chỉ còn cách dành
ngày nghỉ hoặc cuối tuần đến với con cái. Phòng 4 cô, thêm 4 anh, căng
ri-đô lên cũng thành buồng hạnh phúc. Kêu la, giãy giụa nghe chung,
chẳng phân biệt vùng miền. Mà khi màn đêm xuống rồi, tiếng rên ở bờ nào
của sông Hiền Lương mà chẳng giống nhau?
Lao động hợp tác tại DDR những năm 1980 Đồng
lương của lao động hợp tác tại Đức ở mức trung bình. Họ nhận từ 800 DDR
- Mark, gọi là Ostmark, đến 1200-1400 cho công việc của mình. Nếu làm
thêm giờ và có tiền độc hại, thu nhập có thể còn cao hơn.
Tính
mặt bằng giá cả, 10 Mark 1 kg thịt lợn hoặc thịt bò, chai bia 65 xu hay
chai rượu tầm 14 Mark, đồng lương này đủ tiêu xài. Nhưng ai cũng có gánh
nặng ở quê nhà, nhất là ở thập niên 80, Việt Nam ở đỉnh của khó khăn.
Tích cóp độ 3, 4 tháng là mua được cái Mô- kích, chiếc xe đạp Mifa giá
bán ở cửa hàng cũng chỉ ngoài đôi trăm. Tháng nào ở bưu điện cũng thấy
người Việt xếp hàng gửi hàng về. Xe đạp tháo rời, lấy chăn len cuộn vào,
khâu lại như cây đàn. Tây không biết cứ trầm trồ khen, tụi mày đánh nhau
đã giỏi, thắng cả Mỹ mà lại còn yêu âm nhạc thế.
Xe đạp Mifa nữ
Nhưng bóp mồm, bóp miệng mãi trong khi cám dỗ đầy ngoài phố. Nào là râu
ngô mơn mởn, nào là sàn nhảy, rượu ngon, quần áo mốt…. ai chịu được. Thế
là phải đi buôn lậu. Khởi
đầu là vài cái băng cát sét, mấy cái đài 2 cửa băng, 1 thu 1 phát. Sau
đó đến nghề may quần áo bò. Thằng nào cũng “chân tươi, chân héo” vì đạp
máy khâu. Sau đó đổ thuốc tím vào mài trong bồn tắm biến thành bò mài.
Bài hát thịnh hành nhất thời
đó là “Những đồi hoa sim” vì chết lòng các thợ may ở câu “tím
chiều hoang biền biệt”. Ông nào trong túi áo cũng có cái thước dây,
gặp “gà” là quăng ra lấy
số đo. Chẳng qua lò may 10 hay trường lớp nào, vào đũng quần cho
Tây mặc thử thấy “chuông mõ” đùn
ra như hai cái bánh bao, vẫn gật gù, “mày mặc vừa
đáo để”! Đến
năm 1987-1988 các cửa hàng đồ cũ của DDR đồng loạt nhận mua máy tính để
bàn. Đông Đức của đáng tội cũng sản xuất Computer, nếu nhớ không nhầm là
của Robotron. Song máy to như cái chạn để bát ở quê, tốc độ sánh với rùa
còn không nổi. Các công sở cũng cần cải tiến cách lưu trữ. Nhà nước kẹt
cái là không có ngoại tệ nên cửa nhập chính thống coi như tịt, phó mặc
cho tụi buôn lậu đưa hàng tiểu ngạch vào bán chui. Đây là thời kỳ hoàng
kim của người Việt
ở DDR. Một bộ Computer loại vớ vẩn như Schneider 1512, có
monitor, bàn phím, chuột và thêm cái máy in mua vào có 28-30000 Ostmark.
Bán cho Tây thu về 65000. Giá USD chỉ 1:10. Bán xong giàn máy quy ra đô
được ngay 3000 - ba chục “tờ”. Suôn sẻ tuần bán 3 bộ làm được căn nhà
mặt phố ở Hà Nội. Đến cái Hard Disk sức chứa có 64 KB (xin nhắc lại là
64 KB) bán cũng lời 5, 6 nghìn!
Simson - đồ chơi tốt nhất của thanh niên Đông Đức xưa… Cơn
mưa vàng này kéo dài gần năm trời, làm thay đổi biết bao số phận và cũng
khiến nhiều căn nhà mặt tiền ở Thủ đô rơi vào tay người… Hà “lội”. Trong
số các anh tài ăn theo cơn bão này có thể kể đến Thái “còm”, Dương
“con”..., những người sau này dựng lên vũ trường New Century ở Tràng
Thi, Hà Nội đình đám một thời. Xe Simson được mua về, tính theo diện
tích chứ không tính xe. Ví dụ, thằng A có một sân bóng chuyền xe máy thì
làng biết A là “tay to” rồi. Đến cuối 1988 “cơn mưa vàng” lắng xuống,
các thế hệ cộng “mốc” hồi hương dần. Lứa sang tiếp quản là lớp bộ
đội phục viên, xuất ngũ, thanh niên xung phong...v.v. Lứa này bạo
dạn hơn hẳn các lứa trước, sinh hoạt cũng thoáng đãng hơn lớp cũ, nhất
là trong khoản “trai gái, cái đực”. Lượng thuốc tránh thai tiêu thụ
trong các nhà tập thể của người Việt bóp chết số liều Aspirin hoặc
Paracetamol người dân Đông Đức mua tại các hiệu thuốc. Không khí hoan
lạc tràn ngập vì trai đã tìm được chỗ chuyên ngồi đái, gái vớ được gậy
bóng chày, khác hẳn thời khổ hạnh, ngủ với nhau đánh cái rắm to cũng sợ
đội trưởng biết.
Gorbachev bảo Honecker:
“Ai đến muộn sẽ bị cuộc đời trừng phạt!” Y rằng...! Năm
1989 là một năm đầy biến cố với CHDC Đức. Số người Đức đi sang Tiệp Khắc
du lịch sau đó chạy vào Đại sứ quán Tây Đức xin tị nạn tăng vọt. Trong
nước các tổ chức đòi nhân quyền, dân chủ tiến hành biểu tình bắt đầu từ
thành phố Leipzig. Phong trào sau đó lan rộng ra toàn quốc. Tối thứ hai
hàng tuần, già trẻ
lớn bé đều đổ xuống đường biểu tình. Cảnh sát ban đầu còn cố gắng giải
tán những nhóm tụ họp nhỏ, sau bất lực trước lượng người tham gia hùng
hậu. Lác đác đã có những phát ngôn đòi quyền tự do đi lại, thậm chí đòi
thống nhất nước Đức. Hình ảnh một Thiên An Môn giữa lòng CHDC Đức đã
hiển hiện. Lần
Quốc khánh Đức năm đó, Gorbachev từ Nga sang dự. Bắt tay Honecker (Tổng
bí thư Đảng xã hội thống nhất Đức), Gorbachev nói một câu như lời tiên
đoán cho số phận của ông Tổng cũng như nhà nước 40 tuổi đời của ông “kẻ
nào đến muộn, kẻ đó sẽ bị lịch sử trừng phạt”. Sau đó Hungary tháo gỡ
hàng rào biên giới với Áo. Rumania thì chơi hẳn luật rừng, lôi vợ chồng
Ceaucescu ra chế thành tổ ong sau mấy loạt AK. Ngày 9.11.1989, Đông
Berlin mở cửa biên giới với Tây Berlin. Bức tường Berlin, cái mà thế
giới tư bản gọi là “bức tường ô nhục” đã sụp đổ trong đúng một đêm.
Người Đức đã trả giá trong 2 thế chiến bằng nhiều triệu sinh mạng. Lần
này, họ tỉnh táo hơn, lí trí hơn và mọi chuyện đã diễn ra trong hoà
bình. Sau
những ngày hân hoan, thực trạng của đất nước Đức XHCN dần được phơi bày.
Hàng hoá không còn trao đổi trong khối Hiệp định chung được vì ông anh
cả, con gấu Nga cũng trúng thương, nằm chờ thợ săn đến lấy mật. Các nước
trong phe XHCN còn đang lo giữ lấy nóc nhà của mình. Thị trường tư bản
lại không chấp nhận các sản phẩm công nghiệp của Đông Đức vì chúng không
đạt tiêu chuẩn. Nông sản cũng ế vì khâu bảo quản và chế biến quá kém.
Rồi cái gì phải đến cũng đến. CHDC Đức phải chấp nhận dùng đồng D-Mark
của CHLB Đức, đồng nghĩa với việc chấp nhận sáp nhập phần lãnh thổ của
mình vào Tây Đức.
Người Việt nghiễm nhiên trở thành nạn nhân của cuộc thống nhất này. Xí
nghiệp, nhà máy đóng cửa hàng loạt, không có lương. Chính phủ chu cấp
cho một thời gian rồi bố trí cho lực lượng thợ khách hồi hương. Mỗi
người nhận 3000 D-Mark tiền bồi thường và lên máy bay về nước. Số ở lại
tự bươn chải, mưu sinh. Bắt đầu từ đây người Việt “xuống đường” chinh
chiến, mở đầu cho một thời kỳ gian lao, đẫm mồ hôi, nước mắt
và cả máu.
Về nước 1991 Đầu
thập kỷ 90, các chợ giời mọc lên như nấm sau mưa ở Đông Đức. Chợ nào
cũng có vài bóng đầu đen, có nơi con cháu Hùng King làm hẳn một khu lớn.
Dân Đông Đức cũ thiếu thốn đủ thứ, tiền lại mới được đổi, để trong nhà
nóng như có hoả hoạn. Vậy là đem ra tiêu. Hàng hoá thời kỳ này chỉ là
băng đĩa của các ban nhạc chuyên hát Schlager (một dạng bô-lê-rô trong
âm nhạc Đức), quần áo, khăn trải bàn, đồ điện tử gia dụng rẻ tiền. Nguồn
hàng chẳng phải đi đâu xa, dân Dresden chỉ chạy hơn 200 km sang đến West
Berlin, lượn qua mấy khu phố Thổ, đong lấy một xe đủ chủng loại hàng.
Hôm sau bày ra sạp, kiểu gì cũng có đôi nghìn tiền lời. Chợ có cái mở
thứ 2,4,5 cái mở 3,5,7. Cứ thế sắp xếp lịch đi, không nghỉ ngày nào. Ra
chợ cứ thấy sạp hàng nào màu sắc như cầu vồng, hàng hoá cái trên bàn,
cái dưới đất và người bán hàng tròn xoe như con lật đật vì mặc 2, 3 lớp
áo khoác thì đích thị đó là quầy của dân Giao Chỉ. Phơi nắng sương suốt
ngày, về sau đây là nguồn cơn của lớp người Việt phải chung sống với máy
chạy thận và thuốc trợ tim. Ở thủ đô Berlin, nghề đi chợ cũng thịnh
hành. Song tại đây có một nguồn béo bở do người Nga, gồm cả lực lượng
lính Nga đồn trú cung cấp: thuốc lá. Buôn thuốc lá lãi cao. Đêm đêm trên
các cánh rừng quanh Berlin, cảnh buôn thuốc giữa người Nga và người Việt
thật sôi nổi. Nhiều vốn thì làm cái Minivan cũ, nhét lên 2000 tút
Marlboro, West gì đó. Chạy về tới nhà tập thể, sang tay cho lực lượng
bán lẻ ngay và luôn cũng được hơn nghìn D-Mark. Còn người bán lẻ, phải
phơi mình dưới nắng mưa, băng tuyết được hưởng số lãi cao hơn. Trung
bình một bao thuốc mang lại cho người bán lẻ 1,5 đến 2 đồng DM.
Người Việt đứng đầy các ngã tư, ngã năm . Cứ đến đợt đèn đỏ, các phương
tiện giao thông dừng là họ lao ra chào mời thuốc lá, cách tiếp thị so
với lớp tiền bối phe vé ở rạp Tháng 8 Hà Nội bạo dạn gấp bội phần. Buôn
thuốc lá lãi suất cao nhưng hiểm nguy không ít. Đầu tiên là hải quan và
cảnh sát bắt, tịch thu thuốc, nhốt vào đồn lấy vân tay, sau đó phạt khá
nặng. Cái này người Việt điếc vì họ tâm niệm lúc đó, mình có ăn đời ở
kiếp ở cái xứ băng giá này đâu mà tính xa? Cố cày lấy vài chục cây vàng
rồi khăn gói hồi hương, tậu con vợ, xây quả nhà là mỹ mãn rồi. Khổ cái
tiền vào nhiều ham, sau có đến một, hai trăm cây vẫn chép miệng “một đời
ta muôn vàn đời nó”, tội gì không mần tiếp. Về sớm sau này thằng đồng
hương cùng xã về xây nhà to hơn thì nỏ biết nói với cha mạ ra răng. Có
buôn lậu sẽ có cạnh tranh, mà là cạnh tranh không lành mạnh, đi kèm với
bạo lực. Khởi đầu là mấy tay du côn tụ họp lại đi bắt người bán thuốc,
bán xôi chè, bún phở trong các khu nhà tập thể đóng tiền bảo kê. Vì muốn
yên thân, những người buôn bán này chấp nhận nộp tiền. Sau thấy dễ nuốt,
mấy tay “bộ đội” này tiến đến yêu cầu cao hơn, bắn đóng hụi chết cho
những địa điểm người bán thuốc lậu vẫn đứng hoạt động. Đó có thể là cửa
một cái siêu thị, một cái ngã tư, ngã năm sầm uất, miễn có nhiều người
qua lại . Tiền bảo kê này dựa vào doanh số của khu vực đó. Ngày bán được
nhiều sẽ đóng nhiều và ngược lại.
Bán thuốc hay bị bắt - số lượng nhỏ thì “vô tư đi”…
Trong số bộ đội làm nghề này nổi lên Nam “Động” và Tuấn “Hà Nội”. Kiếm
tiền dễ, thấy bà con hiền lành dễ bắt nạt, mấy chú này bắt đầu làm càn.
Đấm đá, chửi bới, trấn lột xảy ra như cơm bữa. Tức nước tất phải vỡ bờ,
bà con tiểu thương (gọi thế cho nó lành mạnh) kiến nghị lên một số cốt
cán người miền Trung đề nghị giúp dẹp đám thảo khấu đang tác oai tác
quái này. Số cốt cán đa phần là những bộ đội phục viên, cựu công an cũng
đang lêu lổng, đôi lúc cũng bị đám “bộ đội” Bắc kỳ đà cản mũi trong làm
ăn. Nhóm này đứng lên lập hội Từ thiện, mục đích ban đầu cũng trong sáng
như thời Xô viết Nghệ Tĩnh là đòi lại công bằng cho quảng đại quần
chúng. Vào
một ngày đẹp trời, Nam “Động” vừa khệnh khạng xuống xe trước cửa một khu
tập thể của người Việt ở Berlin thì bị bốn bàn tay cứng như thép khoá
chặt hai bên. Một cú lê xiên thẳng vào bụng. Nam rũ xuống và bị kéo lê
lên tầng hai khu nhà. Tại đây đã có một Thạch Sanh cầm rìu chờ sẵn. Một
cú bổ của gã tiều phu này chẻ đôi phật thủ của tay giang hồ xóm, Nam
giãy được mấy cái trên đống đậu Mơ nhầy nhụa rồi hồn du địa phủ. Mấy
hôm sau, đến ku Tuấn “Hà Nội” ăn trọn băng đạn AK lúc ngồi trong ô tô.
Hai vụ này làm rúng động phe Hắc đạo Bắc kỳ. Mất cả đại đội trưởng lẫn
chính trị viên trong tích tắc, phe Bắc kỳ tan rã và phía miền Trung lên
ngôi. Bộ đội Bắc dạt về các tỉnh mai danh ẩn tích, nín thờ chờ thời.
Berlin rơi hoàn toàn vào tay quân khu Bốn.
Gehrensee - một trong những nơi người Việt sống co cụm
Thiên hạ đã tưởng thế là thái bình đã trở lại, Bắc Trung Nam lại cùng ca
bài như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng. Nhưng khi đã có “quyền bính”
trong tay, người Việt đánh mất mình cũng nhanh như lúc tạo dựng tên
tuổi. Băng miền Trung quay ra cắn xé, tranh giành lãnh địa làm ăn và
phân hoá. Có đội thuộc Quảng Bình, đội Nghệ An, Hà Tĩnh. Rồi trong cùng
một tỉnh cũng phân biệt đội Vinh, đội Thanh Chương… Đến bố ông Đinh Bộ
Lĩnh sống dậy cũng không thể mời các hội này ngồi cùng mâm uống chén
rượu kể cả vào ngày Quốc Khánh.
Các
băng nhóm miền Trung thống trị Berlin trong một thời gian khá dài. Những
gương mặt tiêu biểu có thể kể đến Vân “bụng” (vụ Vân bụng bị hạ thủ đến
giờ vẫn là một ẩn số), Tịu “híp”, Trị “bờm”, Hà “lì”… Sẵn tiền mua vũ
khí (súng quân đội Nga bán ở chợ
đen như bán rau), em út từ quê sang tị nạn đông, cứ
vài chục người là lập thành băng, tha hồ tung hoành. Nhưng để nói
đến mức độ tàn bạo chắc không ai qua được Lê Duy Bảo với biệt danh Ngọc
Thiện. Sang Đức năm 1993, chỉ một thời gian sau băng Ngọc Thiện đã thâu
tóm 2/3 thị trường thuốc lá lậu của người Việt tại Berlin. Đỉnh điểm là
vụ hành quyết 6 người Việt trong một căn chung cư tại quận Marzahn. Tất
cả đều bị bịt mắt và bắn vào đầu. Vụ
án này làm rúng động truyền thông và tốn không ít giấy mực của báo giới.
Bắn giết trong cộng đồng người Việt là chuyện thường nhật. Đi karaoke,
nhìn thằng bàn bên ngứa mắt, lôi ra cửa bắn. Đá bóng ở sân trại tị nạn,
va chạm nhau, lập tức bỏ bóng… bắn người. Các sát thủ Việt học hỏi phim
ảnh Hồng Kông quá nhiều, lúc hành quyết thường có những hành động kiểu
Châu Nhuận Phát. Thế nên mới có vụ, chợ đang họp đông, một chú Việt Nam
lê khẩu AK dài hơn người ra làm một tràng thị uy. Không dùng hàng nóng
bao giờ, súng giật chú ngã lăn quay trên bãi cỏ. Rồi vụ năm chú đuổi bắn
một chú như phim hành động. Đối phương ngã rồi, có chú còn tiến đến làm
thêm phát vào đầu, coi như chốt hạ. Sau
vụ Ngọc Thiện, cảnh sát liên bang vào cuộc vì dư luận quá phẫn nộ. Cảnh
sát lập hẳn chuyên án về
băng đảng người Việt gọi là Soko Vietnam. Các cuộc truy quét diễn ra rầm
rộ, các nhân chứng được triệu tập. Có trường hợp công tố viện chấp nhận
thay đổi danh tính, nhân thân, cấp quyền cư trú cho nhân chứng để họ
mạnh dạn khai ra hung thủ. Côn đồ người Việt thật ra mới ở đẳng cấp lưu
manh, sánh sao được với “phia” Nga, Ý. Bắt cho vài chục chú, giã mỗi chú
1,2 án chung thân. Thế là khai hết, đổ tội cho nhau, miễn thân mình
thoát cảnh ngục tù. Các băng nhóm tan rã nhanh hơn vụ Cần Vương của cụ
Phan!
Trung tâm Đồng Xuân -Berlin Cũng
từ giai đoạn này, nước Đức nới lỏng quy chế định cư cho người Việt. Miễn
có nhà cửa đủ rộng, thu nhập đủ sống là được cấp phép cư trú. Có giấy tờ
rồi, không còn là công dân hạng ba nữa, người Việt bước vào thương
trường với tư cách khác. Nhiều người lập công ty, đưa hàng dệt may, thực
phẩm từ Việt Nam sang bán. Hàng quay về ban đầu là xe IFA, máy móc,
thiết bị cũ, sau đó đến hàng tiêu dùng, thiết bị cao cấp hơn. Học theo
gương các “soái” Nga, Ba Lan,
người Việt tại Đức cũng mở chợ đầu mối, chuyên bán buôn. Có thể
kể đến Vina Center ở Dresden của Dũng “con”, chợ Đồng Xuân của anh em
Hiền “râu” tại Leipzig, chợ “Rhin 139” của chị Thắng. Mỗi chợ có từ vài
chục đến tầm trăm quầy giao hàng. Nếu so với chợ Vòm bên Mát hoặc chợ
sân vận động ở bên Vác thì quy mô kém xa. Dẫu sao người Việt đã bắt đầu
có sân chơi riêng. Từ
chỗ phải đặt hàng hoặc mua lại từ Trung Quốc, Thái Lan, Pakistan, người
Việt ở Đức đã mở xưởng may ở Việt Nam, tự thiết kế mẫu mã, chủ động tìm
nguồn nguyên vật liệu để mở rộng sản xuất. Có những xưởng may ở Hải
Dương, Thái Bình, Nam Định tạo ra công ăn, việc làm cho hàng nghìn người
lao động. Hàng hoá tràn ngập trong các khu giao hàng. Đây cũng là lúc
các đầu mối đưa hàng từ Ba Lan, Hungary… vào Đức bùng nổ. Điển hình là
anh em Quân-Trường-Sơn tại Ba Lan (mà TSQ ở Hà Nội dân bất động sản nghe
cũng thấy quen quen đấy). Ba anh em nhà này đã biến hoá hàng nghìn
container hàng dệt may xuất xứ Việt Nam thành hàng Ba Lan (được ưu đãi
thuế) tuồn vào Đức. Thế nên đã có vụ hải quan Đức bắt được nhiều công
hàng nghi vấn có xuất xứ ngoài châu Âu. Kiểm tra, giám định chán không
xác định được nguồn gốc. Chỉ đến khi họ đem mảnh giấy lót phía trong
phần thêu của áo len đi dịch mới biết đó là xã luận báo Nhân dân của
đảng cộng sản Việt Nam thì mọi việc mới vỡ lở. Bước
vào thế kỷ 21, mô hình kinh doanh của cộng đồng người Việt tại Đức có
thêm nghề mới: nghề làm móng - Nail. Người đưa nghề này vào Đức nghe
thiên hạ đồn là Sơn Nail, một Việt kiều Mỹ. Đây được coi là ông tổ tạo
ra nghề mài giũa cho hàng chục nghìn người đã và đang hành nghề khắp các
hang cùng, ngõ hẻm ở Đức quốc xã. Người người cầm giũa, nhà nhà quét
Gel. Có những ông nghề chính từ xưa đến nay là đi dán băng dính vào mồm
thiên hạ (cướp), bẻ khoá, cậy cửa, nay cũng đi nâng niu bàn tay, bàn
chân người Đức kiếm tiền. Từ chỗ chỉ làm móng, một số người thức thời
chuyển sang buôn vật tư nghề nail và cũng tạo dựng nên tên tuổi như
Cường Maika, Hà Nail, Luỹ Nhàn….
Quán Việt ở Berlin
Nhưng nghề làm người Việt có tiếng tăm trên nước Đức lại là nghề hàng
ăn. Trước năm 2000, các quầy bán đồ ăn của người Việt chủ yếu bán mấy
món cơm rang, mỳ xào theo dạng ăn nhanh. Lác đác có người mở quán thì
cũng theo mô hình Tàu, nghĩa là đèn lồng treo cao, câu đối, long ly quy
phượng, sư tử chầu ngoài cửa tiệm như sở thú. Sau đó người Việt tiến tới
mở các chuỗi hàng ăn nhanh tại khắp các siêu thị lớn, nhà ga trên nước
Đức. Tiên
phong cho trào lưu này phải kể đến Asia Goumet của chị Tâm “Koch”, sau
này để lại cho vợ chồng con gái là Trà Thảo tiếp quản. Lúc đỉnh cao, gia
đình chị Tâm có đến 80-90 quầy nằm ở những vị trí đắc địa nhất. Doanh số
quầy này bù quầy kia cũng khoảng 3-4 nghìn Euro/quầy một ngày. Tiếp bước
theo gia đình bà Tâm là vợ chồng Hùng Xuân với thương hiệu Asia Hung, số
quầy và doanh
thu cũng ngang ngửa. Có thể kể đến một vài tên tuổi khác như
Thăng Long, Hùng Haiky, Cocos… Sau
làn sóng tiệm ăn nhanh, được sự tiếp sức của làn sóng du lịch của người
Đức đến Việt Nam, chắp cánh bởi đường bay thẳng Hanoi-Frankfurt,
HCMC-Frankfurt của Vietnam Airlines, người Đức đã biết đến nền ẩm thực
“nói không với dầu hào” của con dân nước Việt. Đồ
ăn Việt tươi, nhiều rau và chủ yếu xào nấu trực tiếp. “Bóp chết”
đồ ăn Tàu ở món nước mắm làm nên mùi vị đặc trưng, người Việt cũng thiết
kế quán tiệm thật gần gũi với thiên nhiên, tận dụng tre, nứa trong thiết
kế không gian bán hàng. Quán Việt mở ra với tốc độ chóng mặt, khách đông
nườm nượp. Nói
đến Sushi, ai cũng hình dung ra một ông như Samurai đứng sau quầy múa
dao, chạy bàn là mấy Kimono lả lướt. Thưa, hình ảnh đó Diễm rồi. Quán
Sushi tại Berlin giờ nằm trong tay người Việt. Cũng vung dao chém miếng
Sashimi thành thục như đàn anh ở Tokyo nhưng mồm vẫn điện thoại báo con
đề về Hà Nội. Cá hồi, cá ngừ đại dương, cá tuyết cũng không còn là món
hàng độc quyền của mấy ông Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và kể cả Đức. Công ty Le
Seafood của Sơn “lim” đã phủ hàng kín Berlin. Xe giao hàng chạy như ong
vỡ tổ.
Đào Minh Quang đang ký kết chương trình từ thiện Cũng
không có những cuộc dịch chuyển ngoạn mục về Việt Nam như anh Vượng Vin
hoặc chí ít như anh Thân “địa chủ” chợ “Sân vận động”. Nước Đức chia đều
cho số đông. Ai cũng có công ăn, việc làm. Nếu có chí, chăm chỉ thì có
cuộc sống đủ đầy. Cái hay và cái dở của nước Đức nằm ở khâu phúc lợi xã
hội. Ở đây không ai phải khúm núm trước một ông soái nào cả. Ông trả
lương tử tế, tôi phục vụ ông. Bầy nhầy tôi lượn, việc đầy ngoài đường.
Nhỡ có đau ốm, bệnh tật đã có bảo hiểm lo, thiếu tiền nhà thì xin trợ
cấp xã hội. Trẻ con đi học không phải trả xu nào, cũng không có ngày
20/11 để bố mẹ đến xếp hàng ở cửa nhà thày cô. Hết giờ làm, đi nhậu có
gặp sếp cũng chỉ Hello là xong. Sếp nhiều tiền dùng bò Kobe chiêu với
Macallan thì lính cũng đủ tiền làm chai John đỏ với nồi chép om dưa. Cái
dở của việc nhà nước bao cấp là nó làm cho người ta ù lì hơn, AQ hơn và
kém năng động. Kiểu, kệ bố mày, mày cứ lo thân mày đi, tao đã có nhà
nước lo.
Biểu tình trước cửa ĐSQ Trung Quốc tại Berlin Bố
mẹ Việt giống nhau ở đoạn nuôi dạy con cái. Ở Việt Nam thế nào thì ở Đức
cũng vậy. Người Việt luôn đốc thúc con cái học hành, tạo điều kiện tốt
nhất cho thế hệ kế tục, đúng tinh thần con hơn cha nhà có phúc của ông
bà để lại. Thế hệ 2 và 3 ở Đức đã có chỗ đứng trong xã hội. Nhiều tiến
sỹ trẻ, thậm chí có hàm giáo sư đã xuất hiện. Vài nơi, người gốc Việt đã
tham gia chính trường. Tất nhiên không tính đến ông Roessler, cựu chủ
tịch đảng FDP, kiêm phó thủ tướng Đức vì ông này ăn khoai tây và Doener
là chủ yếu, cội rễ bong tróc từ lâu rồi. Lứa trẻ cũng có định hướng
riêng. Có người phàn nàn, em chuẩn bị 200 ngàn Euro cho con để nó mở
quán, kiếm tiền cho nhanh. Ai ngờ nó bảo, quán con không cần, nếu bố cho
con vay, con sẽ sang Anh làm tiến sỹ, sau này ra làm việc, chỉ 3, 4 năm
con gửi lại bố. Kể cả trong lĩnh vực nghệ thuật, thể thao, lứa trẻ gốc
Việt cũng đóng góp nhiều gương mặt. Tản
mạn về nước Đức trước thềm Noel như vậy đã. Sẽ có dịp quay lại với nước
Đức kỹ lưỡng hơn cùng bạn đọc. Covid 19 lại có biến thể mới, lịch tiêm
chủng bắt đầu từ ngày 27.12.2020. Già tiêm trước, trẻ tiêm sau. Lứa
người Việt đạt mức xưa nay hiếm ở Đức cũng chỉ như lá mùa thu. Đa phần
còn trong lứa tuổi sung sức, còn phải bươn chải. Lúc dịch giã này, đã là
người Việt thì dù uống nước sông Đuống hay nước sông Elbe, câu đầu tiên
chúc nhau vẫn là “vạn sự an lành!”. Chúc
mừng năm mới 2021!
Bonus
CHUYỆN CŨ VỀ “NEW” Giới
thiệu sách: Tập 4 “Người Đông Âu về Đông Anh” Nước
Đức ngày nay cũng có những người giàu. Hùng “Asia”, Tâm “Koch” rồi Hiền
“râu” chủ chợ Đồng Xuân. Số người này đều là triệu phú lớn. Tất nhiên
không thể so sánh với các “đại nguyên soái” ở Nga, Ba Lan. ..vì đặc thù
xã hội. Phúc lợi xã hội cao, ai cũng đủ cơm ăn áo mặc. Không có kiểu một
người nói vạn người nghe như bên mấy nước Đông Âu. Họ chỉ âm thầm gây
dựng. Cũng có vài nhân vật đầu tư sớm vào bất động sản Việt Nam và có cỡ
100 triệu USD. Con số này so với anh Vượng là “muỗi”. Cái muốn nói đến
là một vài nhân vật từ thời DDR đã có tiếng, trở về Việt Nam cũng ba
chìm bẩy nổi chín lênh đênh mà vẫn có chỗ đứng riêng... Ở
Việt Nam, nhiều người biết đến vũ trường New Century lừng lẫy một thời.
Nhưng chắc ít người biết là hai ông chủ của cái sàn đình đám này lại từ
Đông Đức trở về. Đó là Thái “còm” và Dương “con”. Thái và Dương sang Đức
năm 1982. Thuở ấy Đông Đức khá là hào nhoáng so với xứ Đông Dương đang
trên bờ vực thẳm. Cả 2 đều là dân xuất khẩu lao động. Thái về Coswig
cạnh Dresden. Đội trưởng là Liêm “gù”, em ruột đại gia Dũng “tăm” (VIT)
bây giờ. Thái bắt đầu sự nghiệp buôn lậu bằng nghề đổi USD. Nơi giao
dịch là quán bar Bastein tại Dresden. Nguồn cung là tụi sinh viên
Algérie và Libya... Khách hàng chủ yếu là người Việt Nam và Ba Lan. Năm
thì mười họa có ông chặt mía (Cuba ) ra đổi vài cắc ...mua xà phòng Fa
cho chị em Đông Đức cọ bím. Đến năm 1986 tại Đông Đức rộ lên trào lưu
buôn computer từ West Berlin sang, bán lại cho các cửa hàng đồ cũ. (An
und Verkauf ). Máy thuộc loại hàng chợ. Schneider 1512, 1640 Amiga...
Một chiếc mua vào cỡ 30 nghìn Mark bán đi 65 nghìn. Tóm lại là siêu lợi
nhuận. Cả thanh RAM (ngày ấy chỉ có 64 Kb và to như cái ngăn kéo) cũng
được giá lắm. Cơn mưa vàng này Thái và Dương không bỏ qua...
(Trích đoạn trong “Người Đông Âu về Đông Anh”) |