LẬP THÂN, TỀ GIA...
I - MÌ ĂN LIỀN CHO HÀNG TRĂM TRIỆU NGƯỜI
Sinh viên năm thứ ba trường Mỏ - địa chất Moscow Trần Anh Tuấn tỉnh
dậy với đầu óc nặng trĩu, phải một lúc sau mới hiểu được mình đang
ngồi trong một sân vận động hoang vắng, trời gần tối và trên người
chỉ còn bộ quần áo đang mặc. Thế là bao nhiêu tiền để đổi “xanh” đã
mất, hóa ra chúng nó chơi trò đánh thuốc mê, cũng may cậu là người
nước ngoài nên bọn nó cũng “chùn tay” và không dám manh động hơn!
(Tuy vậy, sau đó một năm thì có chú sinh viên Ả Rập học ở đại học
mang tên Lumumba gần trường Tuấn là “trùm” buôn xanh bị mafia Nga
giết, cắt cả đầu, đến nỗi cả thị trường ngoại tệ “đen” ở thủ đô rúng
động...). Mất hết tiền mà còn mang nợ anh em cùng hùn hạp đi buôn,
Tuấn đã phải chấp nhận bán hết đồ đạc cá nhân để trả nợ dần... Lòng
ham muốn kiếm tiền càng thôi thúc chàng sinh viên trẻ lao vào kinh
doanh, khi xung quanh các bạn cùng trường ngày càng giàu lên, mà
muốn đuổi kịp và vượt họ chỉ có cách tìm hướng đi khác, và chấp nhận
“liều” hơn họ. Và cơ hội cũng đến với người có chí đi tìm: sau khi
Liên Xô tan rã, Tuấn là một trong những người Việt đầu tiên làm
“chợ” - khu kiôt buôn bán cho dân mình thuê, và tên Tuấn “chợ” gắn
chặt với anh từ đó! Tuấn không quản ngại sớm hôm, thậm chí nhiều lúc
một mình lận súng trong người, đi thu tiền thuê, chắc chỉ có tuổi
trẻ mới hơn 20 mới có thể chấp nhận làm tất cả các việc đó vì tiền!
Rồi đến lúc “chợ” sập, Tuấn về nước sớm so với chúng bạn, không rõ
vì chuyện cá nhân hay có vấn đề với “Tây”... và ở nhà Tuấn “chợ” trở
thành cổ đông lớn của Ngân hàng các doanh nghiệp ngoài quốc doanh
(VP Bank) cũng như các đàn anh từ Nga về (Nam “hói”, Long “le”, Tiến
“Kristal”, Nam “Ngân”, “TV Trung”...) cùng với các tên tuổi từ 3C
danh giá. Thời đó chỉ có 3 ngân hàng thương mại cổ phần thực sự mới
ra đời, là VP Bank và Techcombank, nơi Vinh “đen” là Chủ tịch và
Quang “phơ” là phó giám đốc và một số cổ đông nữa ở Đông Âu về tham
gia, cùng với ACB của nhóm Mộng Hùng - Kiên "đầu bạc".
Phạm Nhật Vượng sau khi học xong và người em tên Vũ đã mấy năm làm
trợ lý quản trị cho anh Ngọ “Đôm 5 mới”, có thêm rất nhiều kinh
nghiệm bổ ích nhưng vị trí đó chưa thể thỏa mãn được con người nhiều
tham vọng như Vượng. Vượng đi đến quyết định có khi là quan trọng
nhất trong cuộc đời doanh nhân của mình: bỏ thủ đô hoa lệ Moscow, rủ
mấy anh em thân thiết cùng chuyển xuống Kharkov (Ukraina - lúc này
đã là quốc gia khác Nga!) để lập nghiệp! Trong số đó ngoài Vũ ra còn
có Lam, sinh viên trường Đường sắt Matxcơva. Lý do đơn giản nhưng
cho đến bay giờ nghe cũng chưa hẳn thuyết phục: Kharkov là trung tâm
của vùng công nghiệp phía đông, không xa Nga lắm, có khá nhiều người
Việt, và một số mô hình làm ăn ở Moscow có thể áp dụng tốt ở đó,
chấm hết! Lam và vài người bạn khác còn ít nhiều có tiền chứ Vượng
hầu như không có, Vượng vay được ít tiền, chủ yếu là “ông anh” Ngọ
giúp, còn mượn được cả pháp nhân Cty Vinacom... - nghĩa cử này sau
này anh em Vượng đền đáp hết sức xứng đáng! Trước khi đi Vượng tâm
sự nhiều với ông bạn Vỹ cùng khóa ở Mỏ - địa chất, nay buôn “xanh”,
“đỏ” đã giàu sụ, và chính Vượng chia sẻ với bạn ý tưởng phải sản
xuất mì ăn liền tại chỗ!
Hãy nhớ lại sau 75 miền Bắc mới có mì ăn liền, mì “2 tôm” ăn ngon và
lạ miệng đến mức nào! Ở Nga trước 1991 mì gói hầu như không mấy ai
biết, dân Việt “sành điệu” nào biết và thèm lắm thì vào “Beriozka”
mua bằng check, đắt lòi mắt (mà nhiều lúc chả dám vào, phải thuê
“nhọ” - mấy chú châu Phi được quyền tiêu - vào mua). Dân Nga thì
khỏi nói, tuyệt nhiên không có khái niệm, và vì không biết thì chả
có nhu cầu... Khi đi lại dễ dàng hơn, anh em ỏ Nga thấy bên “tư bản”
mì ăn liền bán nhiều nơi, nhất là các cửa hàng đồ Á châu! Bây giờ
thì khó xác định ai là người “đánh” những container mì ăn liền đâu
tiên sang Liên xô, còn đội Masan thì khẳng định họ là những người
tạo ra nhu cầu, tức là “dạy” dân Nga ăn mì gói, tương ớt! Chắc là
Masan là đội hình sản xuất mì đầu tiên tại Nga, ở ngoại ô thành phố
Ryazan của Trịnh Thanh Huy mọc lên một xưởng sản xuất mì ăn liền quy
mô khiêm tốn, với hai dây chuyền và hơn trăm nữ công nhân Nga, xưởng
này còn hoạt động nhịp nhàng thêm mười mấy năm nữa (Huy lấy vợ Nga,
mọi thủ tục để đăng ký hoạt động ở đây tương đối đơn giản hơn so với
các trung tâm lớn khác)! Ngay lập tức, nhiều cặp mắt của các “anh
tài” dõi theo việc sản xuất mì ăn liền này!
Những năm Liên Xô tan rã lương thực luôn thiếu thốn, xếp hàng là
chuyện thường ngày.
Tại sao không sản xuất gì khác mà lại mì ăn liền, cái phát minh của
người Nhật này có gì mà nhiều “đại gia” Việt theo đuổi đến thế? Tôi
chỉ hiểu ra được khi tham vấn với vài “chính chủ” và câu trả lời
ngắn gọn dễ hiểu nhất tôi nhận được là: “bọn Tây gọi việc sản xuất
mỳ gói là gê-mơ-rôi, tức là “lòi dom” (từ lóng của Nga chỉ việc phọt
phẹt, khổ sở, hành xác!). Đúng như vậy đấy, anh em Việt muốn tìm một
cái gì để sản xuất hợp pháp ở đất Liên Xô cũ, thì đó phải là ngành
nghề bọn “tây” không thèm làm! Vào những năm 90 đó, chuyện tây cướp
business của nhau quá thường xảy ra, hoặc là bạo lực trấn lột, đòi
bảo kê... Đơn cử như văn phòng Moscow của “đại ca khét tiếng” là bác
Dũng “tăm” (còn được gọi là Nguyễn Chí Dũng “VIT” - 1955), nhà buôn
khí tài, vũ khí đời đầu và có thể là người Việt giàu nhất vào thời
điểm 94-95 đó, một ngày đẹp trời có mấy chú “đầu đen” đến, rút tiểu
liên lia nát bét trần nhà, rồi mới bắt đầu “đàm phán”... Cũng vì lý
do công việc tiến triển tốt quá, bắt đầu có “bạn” “quan tâm sâu sắc”
mà anh em phân phối chè Dilmah phải rút về nước, và từ 1996 ta mới
được uống Dilmah! Vậy đấy, chính vì cái sự “phọt phẹt” mà mì ăn liền
được lựa chọn! Cũng nên hiểu thêm tâm lý làm ăn của người Nga thời
“mất lòng tin sâu sắc vào ngày mai” đó, nếu có rủ làm ăn gì mà không
hòa vốn sau 1-2 năm rồi bắt đầu có lãi thì chả ai thèm làm đâu, Nga
chỉ thích kiếm tiền “nhanh, nhiều và luôn” thôi! Rất nhiều năm ở
Liên Xô cũ mì ăn liền là sản phẩm độc tôn của dân Việt (Tây không
thèm làm, Trung Quốc có thừa điều kiện làm nhưng tiếng tăm lỗ mỗ,
giấy tờ không đủ, các nước Nhật, Hàn còn chưa quan tâm...). Ngoài mì
ra dần dần người Việt ở Liên Xô cũ cũng nghĩ ra thêm một số mặt hàng
để sản xuất, phần sau sẽ kể...
Mỳ A&C của Trịnh Thanh Huy
Mỳ Mivina của Phạm Nhật Vượng
Mỳ Mivimex của Masan
Hè năm 1996 Hà Nội đón nhận một đợt “đổ bộ” của các doanh nhân “thế
hệ vàng” bên Nga và Đông Âu về. Nhóm người trẻ tuổi này tuy đã từ
lâu có nhà đẹp ở Hà Nội, Sài Gòn nhưng vẫn hay ở khách sạn 5 sao
(thời đó mới có Metropole và Daewoo) và đi lại bằng xe Nissan VIP
đen trũi, thuê của Liên doanh do Tuấn “chợ” điều hành. Đó là dịp
chuẩn bị thành lập Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB). Cái tên được chọn
lựa rất khéo, nói lên mục tiêu thành lập ngân hàng là huy động sức
anh em thành đạt ở nước ngoài, hồi đó muốn lập ngân hàng không khó
chuẩn bị số vốn điều lệ 50 tỷ, mà phải có “mục đích, tiêu chí” rõ
ràng và có tí chính trị (hãy xem Techcombank và VP Bank, tên cũng
“xúc động” lắm đấy chứ!). Mà hình như cơ chế ”xin-cho” này đến nay
vẫn còn nguyên, cụ thể là 2 “ông lớn” dầu khí và FPT rập rình mãi có
xin tham gia hay thành lập được ngân hàng nào đâu?! Họp hành đấu trí
cực kỳ căng thẳng để bỏ bớt những người mong muốn thành cổ đông ra,
cuối cùng đội Ba Lan bay mất bác Thân “lùn”, Tuấn “Thái Bình”, Vinh
“giò” chỉ còn Tuấn “Quế Anh”, còn lại toàn Nga như Vỹ, Dũng, đội
hình Sovico (vợ chồng Hùng-Thảo và Sơn). VIB nhận giấy phép hoạt
động, cuộc đua mới chỉ bắt đầu...
II - MUÔN NẺO KIẾM TIỀN
Thảo “Sovico” đã nổi tiếng từ bên Nga, nhưng ít ai gặp và cũng không
xuất hiện nhiều tại các cuộc hội thảo, đưa đón đoàn, các cuộc gặp gỡ
của chính khác Nga - Việt Nam như chồng là Hùng “Sovico”. Một cô gái
giọng nói rất nhẹ nhàng, tóc dài và cũng hay mặc áo dài ở Việt Nam
mặc dù có thể chỉ là ngày thường chứ không “lễ hội” gì - một nét rất
lạ - thế nhưng theo lời đồn thì chính Thảo mới là “tổng đạo diễn”
của các hoạt động của Sovico. Sovico khởi điểm khá sớm, có 3 thành
viên gồm thêm cả Nguyễn Cảnh Sơn (1972 - em Thảo) - hướng chính là
thương mại, xuất nhập khẩu, sau này chủ yếu chỉ có vợ chồng
Hùng-Thảo điều hành. Sovico bắt đầu hiện diện ở Việt Nam một cách
rất ấn tượng so với thời 9X đó: chuyển từ 8 Tràng Thi Mashinoimport
sang thuê cả biệt thự rất hoành tráng của bác sỹ thời Pháp Phùng
Ngọc Tuệ ở 18 phố Phan Bội Châu (nay đã thuộc quyền quản lý của
Ngoại giao đoàn) với thời hạn 9 năm làm trụ sở (và lại sang nhà 26
cho to, còn bây giờ sắp xây lên trụ sở vẫn ở góc phố Phân Bội Châu
–Lý Thường Kiệt ấy nhưng là mảnh đất trước kia của trụ sở Liên hiệp
quốc!). Thời cuối những năm 90 giới kinh doanh “cơ chế” ở nhà cứ sôi
sục lên về vấn đề “mua nợ” của Việt Nam với CCCP, đâu hơn 100 triệu
$, để giải quyết bài toán “ngon ăn” này không cần gì nhiều ngoài
quan hệ cực tốt với Bộ Tài chính của cả 2 nước, các bạn hãy đoán thử
xem cuối cùng ai giành được “cục nợ” này nhé! Từ thời đó đã có không
ít con em các sếp công an, bộ đội... sang học ở Moscow dưới sự dìu
dắt, thậm chí được cấp học bổng của Sovico! Và 2020 này người lo về
Vietjet cho Thảo lại là một cậu sinh viên chân ướt chân ráo ở
Matxcơva ngày đó, Đinh Việt Phương…
Sơn "cá rán" (Nguyễn Cảnh Sơn - 1967) lại có con đường đi khác, để
hiểu về Sơn phải hiểu từ “làm hải quan” ở Nga! Phải hiểu rằng ở nền
kinh tế khập khiễng như Liên Xô sau khi tan rã, các ngành sản xuất
hàng tiêu dùng hầu hết đình trệ hoặc phá sản vì không chịu nổi sức
ép cạnh tranh, thì để đáp ứng nhu cầu của dân, chủ yếu tầng lớp lao
động và trung lưu, phải có các “chợ” hay các “ốp”, ở các chỗ tập
trung này người ta buôn bán sỉ và lẻ mọi mặt hàng tiêu dùng, hợp với
túi tiền của dân lao động... Chợ Cherkizovo (“chợ Vòm”) khởi điểm
chỉ là mấy container được dùng làm kiôt bán hàng từ thời 91, sau vài
năm được mấy tay chủ Cty ATC người Do thái miền núi (горские евреи)
biến thành tụ điểm buôn bán có lẽ lớn nhất thế giới! Anh Lê Ngọc
Hường (1960, Thanh Hóa) từ một lái xe, do “nhanh nhẹn, được việc” đã
được mấy chú đầu đen trẻ tuổi tài cao này thuê để kéo bà con Việt
vào chợ bán hàng, rồi sau này thành quản lý “chợ” luôn, và dần dần
trở thành một trong những doanh nhân “đông tiền”, nhất là tiền mặt,
nổi tiếng nhất ở Nga! Và việc đưa hàng hóa từ bất kỳ điểm nào, dù là
Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan, Trung Quốc, Việt Nam đến được chợ Vòm, vượt qua
hàng chục nghìn km với đủ các loại hải quan, công an, maphia... được
gọi là “làm hải quan”! Tôi đã gặp vài người, khoe mình là người
“sáng tạo” ra nghề “hải quan” ở Nga, thật khó xác định patent thuộc
về ai, nhưng nêu ra những người có tên tuổi ở “ngành” này tại Nga
thì rất dễ! Nghề này có mấy tiêu chí: nhanh (thời gian quyết định
rất nhiều, hàng đến chậm, mẫu mã lạc hậu có khi chỉ một buổi thôi là
“thua”), an toàn (tất nhiên, hàng mất, bị tịch thu, hỏng hóc... thì
phải “đền”!) và giá cả (giá lên xuống rất mạnh, phụ thuộc
thời điểm - tức là Nga có nới lỏng hay siết chặt - cũng phụ thuộc cả
vào giá vận tải và sự cạnh tranh của các “đồng nghiệp”). Và địa chỉ
duy nhất của nghề “hải quan” đó là mang hàng về chợ Vòm, bất kể đi
bằng gì, đường nào, có giấy tờ gì hay không! (rồi hàng hóa sẽ tỏa đi
khắp nơi, khắp các tỉnh, các vùng!).
Nguyễn Đức Chi
Đầu tiên phải nói đến Nguyễn Đức Chi (Nghệ An - 1968). Chi giỏi văn
nhưng thi vào an ninh, to cao và nói năng rất có tính thuyết phục.
Chi cùng với mấy người bạn cùng lứa (Liêu, Hòa, hai Minh...) quyết
tâm làm “hải quan”, lấy tên Cty là “DHL” để Tây, ta gì đều hiểu về
việc “nhanh và uy tín”. Từ đó Chi có biệt danh Chi “Liêu” hoặc Chi
“hải quan”! Chi là người rất quyết đoán, thậm chí liều, quá liều,
nhưng lại rất sáng tạo trong cái nghề cần sáng tạo này. Một loạt ý
tưởng đi đầu của Chi chắc nhiều đồng nghiệp thậm chí chẳng bao giờ
tin là có thể: thuê máy bay quân sự bay qua Tàu chở hàng về, hạ cánh
cũng ở sân bay quân sự để tránh làm thủ tục, thuê cả đoàn tàu hỏa để
chở hàng, đưa cả đoàn cả trăm xe TIR vào rừng để tránh công an khi
có “động”... Danh tiếng Chi và DHL lên như diều, có những ngày Chi
và cộng sự kiếm được hàng trăm ngàn USD (bà con Việt chỉ cần đếm đầu
xe về chợ Vòm là nhẩm được ra thu nhập của công ty “hải quan”). Chi
cũng đi đầu trong việc khai thác khách Trung Quốc, và sau này khách
Trung Quốc còn nhiều hơn cả bà con Việt! Nhưng Chi sống và làm việc
kiểu “anh em” quá, nên dù ông bạn Liêu có giúp đỡ rất nhiều trong
việc tổ chức công việc, thì làm ăn vẫn rất cảm tính, phập phù, khác
hẳn với Sơn “cá rán”!
Nguyễn Cảnh Sơn “T & M”
Sơn nổi trước cả Chi nhưng làm "hải quan"
có những lúc bị lép vế với đàn em, ngay từ đầu đã xác định xây dựng
mô hình tổ chức công việc rất bài bản, nhịp nhàng, chú trọng đến xây
dựng đội ngũ, Cty T&M Trans ra đời khá sớm và có chi nhánh ở Hà Nội,
HCM, nhiều thành phố lớn bên Trung Quốc và các cảng đầu mối của Nga.
Thường đi sau Chi là người ít hơn mình 1 tuổi trong các “chiêu trò”
làm “hải quan”, Sơn lại có khả năng hơn Chi ở việc duy trì quan hệ
với đối tác “Tây” và khai thác tối đa các cơ hội có thể. Về độ
“liều” thì Chi và Sơn tương đương, tức là liều lắm, sẵn sàng nhận
của khách hàng vài trăm “công” hàng khi “hải quan” đang tắc, cứ nhận
đã rồi tìm cách gửi sau! Khách hàng đã chấp nhận gửi hàng qua các
công ty “hải quan” thì thường không phải là dân nghèo rồi, không có
tiền triệu $ thì chí ít cũng vài trăm ngàn $, tuy vậy đã “chọn mặt
gửi vàng” qua Cty “hải
quan” nào để gửi rồi thì chỉ biết cầu trời cho hàng về kịp, an toàn
mà thôi! Thế nên nhiều lúc T&M bị dân kiện nhiều lắm, không đòi được
đền bù vì mất hàng bên Nga thì nhiều khách hàng về Việt Nam làm đơn
kiện đích danh Sơn lên BCA, lôi cả báo chí vào cuộc, thế mà Sơn
“dập” được hết, chứng tỏ quan hệ của mấy anh em Sơn ở nhà từ những
năm 90 đã rất vững (hay là quan hệ đã nảy sinh qua việc xử lý chính
những vụ kiện tụng này?). Về lâu về dài T&M vẫn tồn tại vượt thời
gian...
Về “hải quan” cũng nên nhớ tới Nam “Ngân” - một cổ đông của VPBank
đời đầu. Sau khi về nước, Tuấn “chợ” ngoài việc tham gia VP Bank còn
tham gia liên doanh taxi VIP và tự đầu tư một nhà máy giày dép khá
lớn so với thời điểm đó, nằm ngay trong khuôn viên Giày Thượng Đình,
có lúc số công nhân lên đến 7 ngàn. Tuấn cũng định tận dụng “đòn bẩy
tài chính” qua VP Bank, nhưng đấu đá nội bộ ngân hàng quá dữ, sau
khi một số “ông anh” TGĐ và cổ đông bị bắt tạm giam, Tuấn cũng ngấp
nghé một chân ở cửa ngục, suốt ngày bị “cơ quan” gọi lên thẩm tra.
Nhưng thực ra tiền của Tuấn “chợ” trong ngân hàng này thuộc loại
“tươi” nhất, nên thoát, tuy vậy các dự án nói trên coi như thất bại,
lại bắt đầu thời gian rất khó khăn đối với Tuấn! Cũng lúc đó thì 2
cổ đông VPBank đành “bật bãi” quay lại chiến trường Nga, là Tiến
“Kristal” quay sang lập “ốp Tôgi” ở Moscow khá thành công (Dũng Tiến
là trường hợp khá lạ, anh đi học từ Cuba về và “đậu” lại được ở Nga
rồi giàu lên nhanh chóng), còn Nam “Ngân” sang cùng mấy người bạn mở
công ty hải quan TDK & N. Tuy công ty ra đời sau nhưng Nam cũng là
người rất sáng tạo, và một thời gần như độc chiếm đường đưa hàng
Trung Quốc về Nga qua ngả Urumqi, kiếm lại tiền cực nhanh! Sau này
Nam "Ngân" còn tiếp tục làm “hải quan”, và khác các công ty khác ở
chỗ đầu tư mua lại của quân đội Nga mấy trăm toa “chở tên lửa”
(ракетовоз) – cải tiến đi rất tiện cho việc chở hàng nhẹ nhưng cồng
kềnh, và mấy trăm container “thửa riêng” chở ô tô, cho Đường sắt Nga
thuê lại để chở hàng!
Vợ chồng Nam-Ngân
Chuyện về “chợ Vòm” và việc liên quan đến bà con ta, tây, Trung Quốc
buôn bán xoay quanh nó có thể kể rất nhiều, cũng như “hải quan” -
quá thấm thía đối với những người từng trải. Chỉ nói lại ngắn gọn
cho những ai chưa biết Nga và “chợ Vòm”: trên đường đến chợ Vòm dù
bạn đi đường nào, bằng gì, ô tô riêng, xe khách liên tỉnh hay đi
metro bạn đều có thể bị công an “tóm”, dù có giấy tờ đầy đủ hay
không, lục soát và lấy tất cả tiền nong bạn có! Nếu bạn chở hàng đến
hoặc đi khỏi chợ Vòm, hàng hóa của bạn có thể bị cướp bởi công an
hay mafia chẳng thiếu gì lý do. Mỗi container ở chợ Vòm có giá vài
chục hay hàng trăm ngàn USD, chưa kể tiền thuê hàng tháng vài ngàn
phải trả chủ chợ, đến mức dân ta nói “hãy cho tôi biết bạn có “công”
dãy nào, số mấy, tôi sẽ biết ngay bạn giàu hay nghèo!”. Thậm chí
nhiều lúc bạn không thể mang được tiền từ chợ về nhà, phải dùng tới
dịch vụ chuyển tiền chả khác nào gửi sang nước ngoài. Trong cái chợ
vĩ đại ấy bạn có thể sống luôn tại đó, có đầy đủ các dịch vụ, có thể
kiếm tiền rất tốt và cũng có thể chết ngay tại đây!
Xin để những người từng trải kể thêm, riêng tôi trước đây hay
đến chợ Vòm để ăn, có rất nhiều món hơi khó tìm trong thành phố, ví
dụ mì lạnh kiểu Hàn Quốc hay tiết canh lợn!
Chợ “Vòm” – trung tâm buôn bán đã từng lớn nhất thế giới.
Những năm 96-97 “hải quan” có vẻ tắc, tiền mất giá... mà đang sẵn
tiền, Chi “Liêu” được mấy ông bạn rủ về Việt Nam đầu tư. Khoản đầu
tư nhỏ nhất và có vẻ thành công nhất là cùng mấy người góp vốn đầu
tư cho nhạc sỹ Phú Quang dựng quán cafe ca nhạc - tạp kỹ “Catina”
nằm trên đường Đồng Khởi, q.1 HCM, thuộc loại quán “xịn” thời đó,
được mấy năm. Phi vụ thứ hai là xây Cosmos Bowling ở tầng trên cùng
của tòa nhà tại phố Ngọc Khánh - Hà Nội,
(hồi đó bowling đang mốt, mới có Super Bow ở HCM của liên
doanh quân đội với Kiên “ACB”) - thất bại não nề chắc vì quản lý kém
hơn vì ý tưởng kinh doanh. Đến vụ đầu tư thứ ba thì ý tưởng khá đi
trước thời đại, Chi triển khai dự án khu du lịch “Rusalka” ở vị trí
đẹp nhất trên bãi biển Nha Trang với sự ủng hộ của tỉnh Khánh Hòa và
Bộ KH-ĐT... con đường đau khổ của Chi bắt đầu từ đó!
Cosmos Bowling (Ngọc Khánh)
Melinh Plaza
Sơn “cá rán” đi con đường khác hẳn. Ngoài việc đầu tư vào ngân hàng,
Sơn bắt tay vào xây dựng Mê Linh Plaza - một trung tâm buôn bán đồ
nội thất và vật liệu xây dựng, tọa lạc trên trục đường Thăng Long -
Nội Bài, quy mô rất đồ sộ so với thời điểm đó! Thực ra mô hình này ở
các nước đã tồn tại từ bao đời rồi, nhưng ở nước ta thì quá mới,
thói quen mua sắm các mặt hàng ấy là đi gần, ra Cát Linh hay Hàm
Long... chưa kể trên mặt đường đó có mấy nhà xưởng của đại gia Dũng
“VIT”, rất quy mô bài bản nhưng xem chừng hoạt động èo uột, nên
nhiều người ban đầu rất nghi ngờ vào thành công của Mê Linh Plaza,
mà đúng là mấy năm đầu thì nó vắng khách, thậm chí không lấp đầy hết
diện tích bán hàng thật! Nhưng “thức lâu mới biết đêm dài” - anh em
Sơn vẫn liên tục quảng cáo cho Mê Linh Plaza, cũng như đưa vào đời
sống xây dựng khái niệm mới: cửa sổ nhựa Eurowindow - cũng là thứ
nước khác đã biết đến từ lâu. Và 2 thương hiệu mạnh này cho đến bây
giờ đã có chỗ đứng như thế nào trong đời sống và có biết bao nhiêu
người bắt chước thì ai cũng đã thấy!
Tuy vậy tin tức “chấn động” trong giới làm ăn bên Nga mà ít người ở
nhà để ý lại là việc Sovico của Hùng-Thảo đàm phán, và từ 1994 đã
mua nhưng sau mấy năm mới thanh toán hết tiền Furama từ đối tác nước
ngoài (đàm phán sao mà khéo thế?), phải nhớ rằng Furama là resort
xứng tầm 5 sao duy nhất của Việt Nam vào thời điểm đó, nằm trên “bãi
biển đẹp nhất hành tinh” Đà Nẵng - Hội An! Việc này khác hẳn việc
khi đó Sovico đang làm ở Việt Nam, kiểu như nhập xe U-oát về bán cho
công an, bộ đội... Đó không chỉ là vấn đề có tiền để đầu tư, mà đó
chính là TẦM NHÌN...!
Furama
III - CƠM ÁO GẠO MÌ
Như đã viết ở phần
I,
mấy “tài năng trẻ” bắt đầu triển khai sản xuất mì ăn liền nội địa
chứ không chỉ nhập khẩu, thế là mấy chú Việt Nam nhỏ thó, đi xe
Mercedes 600 hoặc Gelandewagen có lái xe riêng (cũng như mấy bạn làm
“hải quan”, “image” quan trọng lắm!) tìm địa điểm sản xuất.
Vượng về Kharcov làm ngay 2 việc quan trọng một lúc: lập tập đoàn
Technocom và sản xuất mỳ ăn liền hiệu “Mivina”. Có đội ngũ thành
thạo tiếng Nga, có kinh nghiệm tổ chức thời “Đôm 5 mới” của bác Ngọ
và quyết tâm rất cao, Vượng cùng các đồng sự trở thành nhân tố lãnh
đạo cho cộng đồng chưa đến 10000 người Việt ở đây, mau chóng mở được
“ốp” (ký túc xá cho người Việt - sau này thành làng người Việt) ,
trung tâm thương mại Barabashova... nôm na là một “chợ Vòm” thu nhỏ,
với giá thuê “công” nhiều khi còn cao hơn tại chợ Vòm Moscow. Về
phong cách quản lý “hội đồng hương” của Vượng, Lam có rất nhiều điều
tiếng, ai cần có thể tự tìm hiểu, bài này viết về khía cạnh khác,
chỉ biết Vượng, Lam giàu lên cực nhanh qua việc dịch vụ toàn tập cho
cả cộng đồng người Việt ở Kharcov, đến mức cực đoan, nhiều người ví
cộng đồng người Việt ở đây đang sống trong “trại tập trung” - tuy
nhiên bài viết bày không đi sâu vào đời sống “bà con đi chợ” - đó là
chủ đề khác! Còn Mivina - mác mì ăn liền của Technocom tung ra được
thị trường Ukraina - dù sao mức sống cũng thấp hơn Nga - đón nhận
rất khả quan, đến mức vài năm sau đã thành thói quen, khi nói chuyện
về mì ăn liền, dân Ucraina thường dùng luôn từ Mivina (chẳng khác gì
dân miền Nam ta gọi đi xe máy là “chạy Hông-đa”!). Đến những năm
cuối 99-2000 thì Vượng và đội ngũ đã giàu lắm rồi! Có chuyện nhỏ nói
lên mức độ “chịu chơi” của các anh “nhà giàu mới nổi”: hồi đó các
dịp 30/4 và 2/9 bên Nga thường mời đoàn “ca múa nhạc kịch” sang
Moscow biểu diễn phục vụ bà con, rồi thường cũng đi sang Kharkov
biểu diễn một thể, để đỡ mất công từ nhà xa xôi sang tân trời Tây
(chi phí sang Ucraina và biểu diễn Kharcov tất nhiên do Technocom
tài trợ). Có một em MC xinh đẹp lọt vào mắt một anh trong ban lãnh
đạo Technocom, thế là anh cử trợ lý dẫn người đẹp và các bạn gái
trong đoàn đi shopping. Thấy cửa hàng quần áo, giày dép đẹp nhưng
đắt quá, mấy em Việt Nam sang rón rén mỗi người nhặt một thứ rẻ nhất
thôi. Đến khi ra quầy thanh toán, anh trợ lý dành quyền trả hết cho
mấy chị em, nào ngờ về vẫn bị sếp” mắng là mua bán gì mà ít thế?!
Thế là ngày hôm sau anh trợ lý lại phải dẫn các người đẹp, có thêm
mấy anh nghệ sỹ tò mò đi theo, tới một cửa hàng “xịn” hơn. Đã được
cảnh báo rồi, nhưng anh chị em vẫn hồi hộp, chỉ dám mua một, hai món
đồ, còn em MC kia đã mạnh dạn hơn hẳn rồi, vơ một mớ. Đến khi anh
trợ lý dành thanh toán tất, rồi nhìn tổng số tiền của cả đoàn trên
hóa đơn mới thở phào, lần này về chắc đỡ bị sếp mắng oan...
Bên Nga Masan bán hàng thông qua 2 mác mì, đó là “Alexanđr & Sophia”
(tên 2 đứa con của Trịnh Thanh Huy) và “Mivimex” (của Hồ Hùng Anh).
Hàng sản xuất từ cái xưởng ban đầu như đã viết ở phần trên tất nhiên
không đủ cho cả 2 công ty bán, nên phải nhập rất nhiều hàng gia công
tại Việt Nam, và đồng thời Masan kiếm thêm được đất, cũng tại
Ryazan, để xây nhà máy mì ăn liền. Thấy Masan làm thế và Vỹ, Dũng đã
bỏ nghề “đánh quả” hàng điện tử, tuy rất trúng nhưng dù sao cũng là
“buôn lậu”, lại theo lời bàn của ông bạn Vượng, Vỹ và Dũng rủ thêm
Hùng, Hoàng (cùng học một trường ấy cả!) lập nên công ty “Rollton”
với logo là con sư tử và chữ cái đầu của mấy sáng lập viên. Cái tên
này được chọn bởi lẽ nó nghe “kêu kêu” trong nhiều ngôn ngữ, và có
vẻ “sang” hơn 3 cái tên mì kể trên, và nó dính luôn vào tên của cả
mấy sáng lập viên này! Đông hơn, tiềm lực kinh tế mạnh hơn, lại đi
sau nên rút được nhiều kinh nghiệm, Rollton quyết tâm “lấn sân” của
2 mác mì của Masan kia! Rollton cũng kiếm đất tại một thành phố cách
Moscow hơn trăm km, mở một nhà máy công suất lớn, hiện đại hơn của
Masan. “Thấy người ta mót khoai cũng vác mai đi đào”... Kiên”răng
đen” rủ bằng được Thắng ”ỏn” lắm tiền (cũng cựu sinh viên Mỏ-địa
chất Moscow!) lập mác hàng “King Lion” và tiến tới làm nhà máy tại
Tula, cũng quanh Moscow thôi. Và thế là 4 công ty tranh nhau thị
trường mì ăn liền tưởng rất lớn hóa ra cũng khá hạn hẹp với 140
triệu dân Nga...
Mỳ Rollton
Mỳ King Lion của Thắng -Kiên
Mấy trăm ngàn người Việt ở Nga, Ukraina cũng như bao nhiêu doanh nghiệp
ở nhà luôn đau đầu để nghĩ xem “đánh gì sang Nga, đánh gì về Việt Nam”.
Đã qua lâu rồi thời đồng hồ, áo gió sang Nga hay đóng thùng hàng, mang
sắt thép, sắt vụn về ... làm nho nhỏ mà hiệu quả thì có thể “đánh” đồ ăn
cho người Việt sang Nga, “đánh” rượu, kẹo... mỗi dịp Tết, nhưng làm ăn
lớn thì khó thật! (Vâng, ACE nào chỉ cần nghĩ ra một ngành hàng mới, và
“đánh” thành công thì chắc chắn trở thành triệu phú trong năm đầu tiên,
từ những năm sau thì sẽ bị cạnh tranh chí mạng của vài trăm nghìn “Nga
kiều” còn lại!). Thế nên hàng sang Nga thời trước sau năm 2000 chỉ có:
mì, gạo (nhiều), dưa chuột bao tử, dứa hộp, cà chua hộp, xì dầu, tương
ớt, đậu phộng, hạt điều... thỉnh thoảng cao su, còn mang về còn ít hơn,
chủ yếu asbet và sắt thép không nhiều, phụ tùng Kamaz...
Cách làm ăn của Masan rất hay, nhiều cái được Quang “phơ” vẽ ra sơ đồ
rất đáng học tập! Quang muốn tham gia vào cả chuỗi cung ứng nên ngoài
việc sản xuất mì bên Nga, Masan ở nhà cũng tham gia vào sản xuất cả mỳ,
cả các mặt hàng nói trên (lúc đầu nhắm thị trường Nga, sau mới quyết
định “cạnh tranh” trên sân nhà!). Ngoài việc 2 thành viên Masan bên Nga
vẫn vô tư cạnh tranh bán hàng lẫn nhau, họ cũng thoải mái mua hàng của
các nhà sản xuất khác, tất nhiên nếu điều kiện tương đương thì phải kết
hợp ủng hộ các doanh nghiệp sản xuất có vốn Masan. Masan hoạt động như
một xã hội thu nhỏ, có rất nhiều công ty con, có văn phòng đại diện
riêng ở Nga, thậm chí có “ngân hàng Masan”, “tiền Masan”... và cách xử
lý thanh toán chỉ người trong Masan mới nắm rõ. Ở nhà Quang tận dụng
được đội ngũ anh chị em học Liên Xô về, khá đông người làm tại Masan và
phát huy hiệu quả kiến
thức học được, ví dụ trong các sản phẩm xì dầu, nước tương, nước mắm của
Masan có dấu ấn khá rõ của chị L.T.Nga - tốt nghiệp Hóa thực phẩm
Matxcơva! Sau này sản phẩm Chin-su được thiết kế mẫu mã khác lạ hẳn,
chất lượng nhiều cải tiến, thành công lớn ngay tại Nga, và cho Masan cú
hích để phát triển thị trường nội địa! Bước đi nữa rất mạnh dạn là Masan
thuê (và mua một phần) cảng riêng ở Viễn Đông, mở chi nhánh ở đó và ở
Sankt-Peterburg, và thuê tàu chạy định kỳ chở container giữa cảng Sài
Gòn-Hải Phòng (hoặc Cái Lân sau này) - Vlađivostok (hoặc Nakhodka) và
Hải Phòng-HCM-Sankt-Peterburg để chở không những hàng của Masan, mà còn
chở thuê (và làm thủ tục hải quan + chuyên chở nội địa đến tận nơi) cho
rất nhiều khách hàng Nga và Việt Nam, cho cả các đối thủ trong kinh
doanh của mình nữa! Vị thế này của Masan (thông qua Mivimex của Hồ Hùng
Anh) trước và sau này không công ty của người Việt nào có được! Tuy vậy
thì trường trong nước vẫn là ẩn số với Quang, cố gắng lập chuỗi cửa hàng
tiện ích “Masan Mart” thất bại!
Rollton được thành lập theo lời khuyên của ông “bạn nghèo” Vượng, và hai
bên có thỏa thuận rất rõ ràng “nước sông không phạm nước giếng”, là Dũng
& Vỹ chỉ bán mỳ bên Nga, Vượng chỉ bán mỳ bên Ukraina! Tất cả các Cty
“mì” kể trên đều bán những mặt hàng từ Việt Nam sang, thường được đặt
hàng theo mẫu mã mình chọn, công ty được lập nên theo mô hình công ty
chuẩn của Nga, có cả luật sư, bộ phận an ninh, bộ phận nghiên cứu nhu
cầu khách hàng, hệ thống IT riêng... Rollton và King Lion cũng mở văn
phòng tại cảng Vlađivostok để quản lý dòng hàng hóa sang Nga, bởi nước
Nga quá rộng nên mình Moscow sẽ không kịp xử lý (riêng việc giờ giấc
chênh lệch 7 tiếng với thủ đô đã là một trở ngại lớn rồi). Trong các
công ty này, người Việt chỉ được giao công việc đòi hỏi độ tin cậy cao
(quản lý dòng tiền, đặt hàng với Việt Nam...) còn đa phần nhân viên Nga
là lựa chọn được ưu tiên! Trong các công ty trên thì Rollton lớn nhất và
có định hướng phát triển “làm trắng” tối đa, tức là mọi chuyện thật công
khai, hợp pháp... định hướng rất nhìn xa của Vỹ - hay được gọi là Mr
“Viko”. Vì có tiềm lực kinh tế mạnh nhất nên Rollton khai thác thêm sản
phẩm dầu cọ từ Malaysia rất có lãi! Huy “A&S” lại thiên về đánh cao su
sang Nga, tuy lãi nhiều nhưng các nhà máy lốp trả tiền chậm lắm. Hùng
Anh thì khai thác tối đa mảng dịch vụ vận tải và hải quan “trắng” cho
khách. Cái giỏi của “lớp trẻ” này ở chỗ họ đều hiểu giá trị của công ty
nằm ở giá trị của thương hiệu riêng, chứ không hẳn ở giá trị nhà máy hay
thậm chí bán được bao nhiêu thùng mì - cái này nghe thì đơn giản, sinh
viên năm thứ nhất nào về quản trị kinh doanh cũng có thể nói vanh vách
được - nhưng áp dụng trên thực tế thì ở Nga cũng rất ít người Việt hiểu
và làm được! Cộng đồng ta cũng cảm thấy tự hào khi vào giờ “vàng” của
truyền hình Nga vốn đắt đỏ vô cùng lại xuất hiện khá thường xuyên quảng
cáo của Rollton!
Bây giờ Putin cấm lâu rồi, nhưng thời casino tràn lan ở Nga thì cứ các
buổi chiều cuối tuần, những casino nổi tiếng của phố “Arbat mới” lại
ngóng xem các “người Việt Nam mới” hôm nay vào phòng VIP của casino nào!
Thường thường tụ tập chỉ có mấy ông trẻ “vua mì”, thỉnh thoảng có thêm
vài đại gia “hải quan” hay ông “chủ ốp” và các đàn em. Bỏ lại sau cánh
cửa mọi lo toan, cạnh tranh đấu đá trên thương trường, bỏ qua kèn cựa vì
vị trí tại ngân hàng ở Việt Nam, họ thi đấu với nhà cái để xả stress và
thỏa trí đam mê. Họ chơi rất “phũ”, thua thắng một vài trăm nghìn/người
một tối với họ vẫn “trong tầm kiểm soát” và họ tính toán cũng nhanh lắm,
nhất là về tiền và các con số, với trò chơi yêu thích là roulette mà dân
chơi Việt hay gọi là “chiếc nón kỳ diệu”, casino thắng họ cũng còn vất
vả! Ở Moscow cũng không nhiều người Việt biết, họ đã không chỉ một lần
thắng Jackpot của casino ở đây, lần đáng nhớ nhất là thắng một chiếc
trực thăng!
«Metla” là một trong cả dãy casino đình đám ở đại lộ “Arbat Mới”.
Nhờ có cạnh tranh giữa các đối thủ biết nhau khá rõ nên tuy giá mì không
cao, nhưng mẫu mã của mì, xì dầu, tương ớt, dưa chuột ... thay đổi đến
chóng mặt. Có sẵn đội ngũ bán hàng và lượng khách đầu mối, họ quay sang
bán gạo Việt Nam. Phải hiểu gạo ta là gạo hạt dài, giống Thái, Nhật, Ấn
Độ chứ không là gạo hạt tròn như Nga, Trung Quốc... nhưng vẫn có cạnh
tranh không nhỏ giữa 2 loại (sau này Nga cấm gạo Trung Quốc mà gạo hạt
tròn vẫn mang lậu được vào Nga khá nhiều!). Vì không có lợi thế vận tải
nên nhanh chóng Rollton và King Lion từ bỏ mặt hàng gạo, chỉ còn Mivimex
và Vinafood 2 bán qua một công ty - đại diện tại Nga. Tưởng chừng có thể
bắt tay thống lĩnh thị trường thì một “đối thủ” cạnh tranh nữa xuất
hiện…
Chi “Liêu” đang triển khai dự án “Rusalka” - “Nàng tiên cá” là một dự án
resort ở Nha Trang, “nàng” này ngốn tiền dữ quá! Vẫn qua lại bên Nga,
vốn tính liều, lại ngẫu nhiên quen Trí – Gíam đốc công ty con của
Vinafood 2 tại Trà Vinh (đúng hơn Trí chủ động làm quen “soái” Chi trong
lần đi công tác Nga với các lãnh đạo Vinafood 2, cố tình bỏ qua đại diện
của TCTy ở Moscow), lại có kinh nghiệm “hải quan” nên Chi khoe có nhiều
khách hàng “khủng”, bán gạo tốt lắm, kể cả các mối trong quân đội Nga...
và thế là Trí nhanh chóng về nước “đánh” gạo sang cho Chi bán, tất nhiên
là trả chậm! Thế là cuộc chiến gạo khốc liệt nổ ra, gạo Việt Nam cùng
loại, đi sang Nga cùng tàu do Masan thuê, nhưng Chi bao giờ cũng bán giá
thấp hơn cả vài chục $/tấn! Tất nhiên Chi muốn bán thật nhanh, lấy tiền
ấy quay vòng, về đắp vào “Nàng tiên cá”, nhưng Vinafood 2 và Mivimex làm
sao ngồi yên được, một mặt họ bắt buộc hạ giá bán, mặt khác họ “chiến
đấu” với từng khách hàng lớn, giải thích rõ là “không có bữa trưa miễn
phí đâu”! Tuy vậy vì Chi bán rẻ quá, nên cũng có những khách hàng tham,
chấp nhận đặt cọc tiền cho Chi mua gạo sang bán, có những lúc Chi bán
CIF ở Viễn Đông bằng giá
mua FOB tại cảng Việt Nam, có những lúc không có tiền nộp thuế hải quan,
gạo của Chi vứt chỏng chơ ngoài trời tuyết, mốc xanh mốc đỏ... Cuối cùng
Chi cũng “hết lực”, không còn mua được gạo nữa vì nợ đọng lớn tại Việt
Nam, sau này Chi bị kiện bởi khách hàng Nga và chính Cty của Trí, nhưng
lại vào tù vì nguyên nhân khác hẳn... tuy vậy Chi cũng làm cho Vinafood
2 và Mivimex vài năm buôn gạo không có lãi!
Mì cũng không đơn giản hơn. Dũng - Vỹ “Rollton” cũng có những mâu thuẫn
nội bộ, hai con cọp khó ở cùng một rừng, huống chi ngoài “mì” ra hai
chàng còn cùng quan tâm mảng ngân hàng ở Việt Nam nữa, nên cuối cùng
Dũng ra đi, xây nhà máy chế biến hạt nhựa khá to, tên Dũng “Bee” ra đời
từ đấy. Sau 2003 TTCK ở nhà đã hoạt động nhịp nhàng rồi, các “đàn em”
bên Nga thấy giật mình khi các “lão tướng” như bác Trương Gia Bình chỉ
một sớm một chiều có cả ngàn tỷ! Từ thời đó và sau này rất nhiều bà con
Việt ở Nga hay Nga về chơi “chứng” rất hăng, bởi họ rất thích kiểu buôn
bán tự mình quyết đoán và “sáng gieo chiều gặt” như TTCK, tuy vậy họ
cuối cùng thường là thua (cái này có dịp phải viết, phân tích kỹ về TTCK
nhà ta...). Các “vua mì” nhảy vào chơi thử ngay, với bản tính thích
phiêu lưu đỏ đen và đầu óc phân tích của “con buôn thứ thiệt” họ thường
có lãi, tuy vậy sau thời gian rất ngắn họ nhận thấy chơi theo luật chơi
của người khác, nhất là phụ thuộc vào người khác không phải là hay,
chính họ phải là người đặt ra cuộc chơi cho người khác chơi theo! Và thế
là một kế hoạch “thay đổi chiến trường” âm thầm được thực hiện, tất
nhiên là ai làm theo kiểu người nấy! Việt Nam sắp sửa đón chờ sự trở về
của “những người Việt Nam mới” từ Nga...
Thế nên Dũng bán nhà máy hạt nhựa, cùng Hùng Anh gộp “Mivimex” vào, và
mấy đối tác nữa lập Cty “Bếp không biên giới” – KBG - cũng kinh doanh mỳ
và các thực phẩm y như Rollton, cạnh tranh trực tiếp với Rollton và tạo
điều kiện cho Hùng Anh thảnh thơi hơn để về nước. Ngay lập tức công ty
bé King Lion (còn mỗi Kiên “răng đen” – tên lúc trước chứ bây giờ đã mỹ
viện trắng tinh rồi - chứ Thắng “ỏn” đã thôi làm mì, bỏ ra làm dược phẩm
khá thành công) nhảy vào cuộc chiến bản quyền nhãn mác với KBG khắp toàn
quốc, tình hình căng thẳng đến mức toàn anh em quen nhau một thời bây
giờ đi đâu cũng vệ sỹ Nga kè kè, mãi sau mới hòa giải được! Huy
“Alexanđr Sophia” bán công ty, chia tay cô vợ Nga, trước khi về nước lập
ra mô hình “Viet Cafe” ở một địa điểm tại Moscow. Tại vùng phía Nam của
Nga, giáp Ukraina tự nhiên xuất hiện nhiều mỳ ăn liền Mivina của
Technocom - Vỹ đổ cho Vượng đã phá thỏa thuận phân chia thị trường thời
trước, nên sẽ triển khai “mì” ở hàng loạt nước Đông Âu còn Dũng “KBG” và
đội hình mới âm thầm sang Kiev, Ukraina mở nhà máy mì! Lúc này anh em
nhà Vượng bắt đầu chuyển hướng về Việt Nam, tuy chưa về hẳn mà vẫn đi đi
lại lại... Giờ đây Vỹ đã rất chắc chân ở VIB, Dũng và Sơn “cá rán”
(Eurowindow) đã là cổ đông lớn tại Techcombank, và bây giờ Hồ Hùng Anh
với sự trợ giúp của Quang “phơ” và anh em sẽ tiến vào Techcombank, bằng
cửa chính hay phụ thì đều phải “qua” được chị Nga “Đồng Mô”!
|