Trích "Đông Âu Anh Hùng Truyện"
của Nam Nguyen

 

GORBI - NHIỀU NGƯỜI NỢ ÔNG MỘT CÂU XIN LỖI …

 

Lời nói đầu:

Trong lịch sử hiện đại ít có chính trị gia nào chịu nhiều điều tiếng oan khuất như Mikhail Gorbachev. Người ta ghét ông, dè bỉu ông, căm giận ông cả trong nước lẫn nước ngoài, cả vì những việc ông đã làm cũng như những việc (theo họ cần làm) ông không làm hay không làm được… và điều đó kéo dài cho đến tận hôm nay. Tuy vậy nếu xét về công trạng có lẽ nửa sau của thế kỷ 20 chả có mấy cá nhân có thể sánh ngang được với ông về công lao đối với quốc gia cũng như loài người. Tất nhiên là dưới những góc nhìn khác nhau sẽ có những đánh giá khác nhau, và đây là đánh giá chủ quan của tác giả, một người đã sống qua thời Gorbachev ở Liên Xô cũ và cho đến cách đây 2 năm vẫn tự cho mình một thói quen rất ẩu: có gì trầy trật trên đường đời thì đổ cho “Gorbi” (tên người Nga gọi ông) là tiện nhất. Nhưng rồi tôi cũng hiểu ra, rằng chính mình còn nợ ông Gorbachev một lời xin lỗi.

 

Bức ảnh lịch sử: 4 Tổng bí thư cuối cùng của CCCP có mặt.
Gorbachev trở thành TBT là việc được lịch sử sắp đặt (và Adropov thực hiện)

 

Không cần đến kết quả trưng cầu dân ý ta cũng có thể đoán biết được chính trị gia nào bị dân Nga ghét nhất: đó luôn là Mikhail Sergeyevich Gorbachev (sinh năm 1931). Vốn dĩ người Nga đã hay sính ngoại và luôn không hài lòng về các nhà cầm quyền rồi, nhưng điều bất biến là đa số họ đều ghét Gorbachev một cách chân thành, không khoan nhượng và bất cần logic (có lẽ tác giả hồi trước cũng bị lây cái tính Ivan phổi bò này chăng?). Phải nhìn nhận rằng không ngẫu nhiên mà mọi tai họa đến với nước Nga người ta lại đổ hết cho “Gorbi” - mà chắc là có một âm mưu “phản PR” chống lại ông, bởi nếu đổ được bớt tội, bớt trách nhiệm được cho ai kia thì sẽ có một số cá nhân khác tạm thời thở phào nhẹ nhõm, người đời sẽ bớt soi mói hơn. Có thể thấy ngay, Gorbachev là nhân vật rất phù hợp để tạo nên hình ảnh “kẻ tội đồ của dân tộc” như vậy, bởi vì:

-    Ông khởi xướng ra cái việc chống rượu (“Luật khô”) năm 1985. Ai sống ở Liên Xô những năm đó sẽ nhớ xếp hàng mua rượu khó thế nào, đến nước hoa còn chả có mà mua (vì dân ghiền mua uống tạm), trong giờ làm việc mà loạng quạng ngoài đường không mục đích lại có mùi mận chín nữa bị xích cổ ngay (cái này từ thời Andropov) - mà người Liên Xô trong đầu có lẽ chả bao giờ nguôi ngoai việc nghĩ xem phải “nhậu” thế nào, uống gì, với ai… Quả đúng là “tội đồ” chứ còn gì nữa, riêng cái tội này thì 240 triệu công dân Xô Viết sẽ còn thù đến hết đời… Cũng vì ông ít nhậu nhẹt, lại có vẻ “nho nhã” thế nên dân Nga không khoái, có lẽ họ thấy gần gũi hơn những vị lãnh đạo “giản dị” hơn, thích nhậu tối ngày như Boris Yeltsin hay tính khí nông dân kiểu Khrushyov… Đấy mới là “người mình” - họ nghĩ thế đấy! Những năm cuối 80 đó dân “cộng” mình nấu rượu lậu từ gạo, từ đường… bán cho tây kiếm cũng khá đấy, thấy kể có vùng nấu cả từ kem đánh răng, nên cũng khan hiếm nốt!

-    Bà vợ Raixa kém ông một tuổi có lẽ là đệ nhất phu nhân đầu tiên của Liên Xô mà đủ lịch thiệp, quí phái, thông thái, xinh đẹp, tiếng Anh giao tiếp vô tư...để tháp tùng chồng mọi chỗ mọi nơi - quả là mấy chục năm Xô Viết làm gì có tiền lệ như thế, và khi còn đang phải chạy tìm mua xà phòng với bít tất bán phân phối thì người ta (nhất là phụ nữ) luôn ác cảm với bà ấy (trên TV). Lại càng “ngứa mắt” hơn khi ông thực sự nghe lời vợ, yêu vợ, và yêu suốt cuộc đời! (Vợ Gorbachev đã mất năm 1999).

-    Ông khá hiền, lại đơn độc, lại chả có mafia hay nhà tài phiệt nào chống lưng cả, nên quá là an toàn khi công kích ông về mọi mặt. Chứ cứ thử khơi khơi mà thóa mạ “Sa hoàng Putin” hay chỉ cần cấp tỉnh trưởng, đại biểu Đuma thôi xem, không mang họa ngay và luôn mới lạ.

-    Nhưng cái “tội” lớn nhất mà dân Liên Xô cũ suốt bao năm nay bêu riếu, nhục mạ ông, mà cái tên nhẹ nhàng nhất đặt cho ông là “kẻ phản bội” hay “điệp viên của Washington” (Reagan, Thatcher, Kohl...) - đó là việc ông “phá tan Liên bang Xô Viết”. Riêng về “tội” này rất cần phân tích thấu đáo xem thế nào...

 

Lịch sử Liên Xô và Nga 1985-1995 là cuộc đối đầu của hai nhân vật này

 

Đỉnh điểm là 23/8/1991 khi Yeltsin thực sự tiếm quyền Gorbi

        Số phận của Mikhail Gorbachev là số phận của chính trị gia cấp cao nhất, mặc dù xuất phát điểm của ông thực sự khó khăn, hoàn toàn là nông dân thứ thiệt (giống như rất nhiều nhà lãnh đạo khác ở CCCP, chuyện “con ông cháu cha” thời trước hầu như không được cổ súy). Cả họ đằng nội và ngoại của ông đều có những người ông bị đi cải tạo, may mà còn không bị tử hình, cha đi lính trận, từ bé Mikhail đã vừa học vừa làm việc ở nông trang. Phải nói cậu đã rất cố gắng, người được huân chương Cờ đỏ lúc 18 tuổi như anh chàng này là rất hiếm, sau đó anh còn học giỏi để được học trường tổng hợp quốc gia Lomonosov nữa. Gorbachev thăng tiến rất nhanh, 21 tuổi vào đảng, và có thể nói rằng với sự ủng hộ (không vụ lợi) của các vị lão thành ở thủ đô như Yury Andropov, Mikhail Suslov, Andrey Gromyko thì việc Gorbi lên đỉnh cao quyền lực chỉ là vấn đề thời gian mà thôi! 1966 Andropov (khi đó là trùm KGB) đã muốn đặt Gorbachev lên ghế “phó” của mình, nhưng lúc này chành thanh niên 35 tuổi còn đang mơ tưởng tới luận án phó tiến sĩ - thậm chí ông đã thi hết các môn bắt buộc (minimum) và đã viết xong luận án rồi, nhưng rồi bên đảng bắt đi “làm việc” - làm bí thư vùng Stavropol quê nhà. Ông muốn làm ở Bộ Nông nghiệp hơn, nhưng bên đảng cứ giao toàn việc của đảng - năm 1978 gia đình mới chuyển lên thủ đô thì 1979 Gorbi đã là ủy viên dự khuyết bộ chính trị. Hình như khi Gorbachev sang thăm Hà Nội năm 1982 nhà nước ta chưa đánh giá được hết vai trò và tiềm năng chính trị của ông, nên chưa bao giờ Việt Nam có thể tận dụng quan hệ với chính khách này thực sự có lợi cho mình cả thì phải! Nếu thực sự hiểu về chính trường Xô Viết thì đáng nhẽ phải thấy xếp trên Gorbi chỉ còn mấy “ông già” như Breznev, Andropov, Chernenko, Gromyko... và đúng thật, năm 1985 ông đã là người thứ hai, rồi 1987 ông nắm quyền lực tuyệt đối (cả đảng cộng sản lẫn bên chính phủ) - bất kể ông có muốn hay không...

Để thực sự hiểu về vai trò lịch sử của Gorbachev chúng ta cần nhìn lại hoàn toàn lịch sử nước Nga và Liên Xô cũ, rồi nước Nga hiện đại, để xem cá nhân này đã làm được việc gì:

Nước Nga ngày trước ngoài tên gọi “Russia” ra thì còn một tên gọi nữa mà phương tây hay dùng, đó là “Moscovia” - khá thông dụng ở những thế kỷ 15 đến 19.  Vị vua Ivan đệ tam và những người tiền nhiệm đã chiếm cứ được nhiều đất đai lắm, mà có vẻ vẫn còn thòm thèm, thế nên phương Tây (nhất là Ba Lan và Litva) gọi người láng giềng phía Đông không bằng tên “Nga”, hay “Nga vĩ đại” (phân biệt với “Tiểu Nga” tức là Ukraina hiện nay - nơi lịch sử dân tộc Nga bắt đầu”) - mà gọi bằng tên “Moscovia”, với ý rằng địa giới của các anh là ở phía đằng kia, xung quanh Matxcơva đấy, đừng mò mẫm xa quá làm gì! Phải nói rằng Moscovia (hay là đế quốc Nga, hay là gì đi nữa sau này các vị Sa hoàng có thể thay đổi tên gọi quốc gia) rộng lớn lắm, thậm chí về diện tích có lúc còn lớn hơn CCCP sau này. Nhưng thực lực cũng như uy tín quốc tế thì Moscovia khá bình thường, chẳng thế mà Sa hoàng hồi cuối 19 và đầu thế kỷ 20 còn thua mấy cuộc chiến tranh nữa... Và đỉnh cao của “Moscovia” chính là CCCP những năm 50-80 của thế kỷ trước, khi đó “Moscovia - CCCP” là một trong hai đại cường quốc của nhân loại, và chính CCCP tiến hành một cuộc chiến tranh (tất nhiên nên hiểu theo nghĩa bóng) toàn cầu để tranh dành ảnh hưởng với đại cường quốc số 1 kia, là nước Mỹ. Cuộc đấu vĩ đại này CCCP đã thua như chúng ta đều chứng kiến, và sau đó nước Nga bây giờ chỉ thừa hưởng của CCCP được mỗi vũ khí hạt nhân thôi chứ không có bất cứ một sự nổi trội nào khác nữa. Và lịch sử dường như đang quay trở lại: nước Nga bây giờ giống một đế quốc Nga khi xưa, một “Moscovia” hơn là giống CCCP, chẳng còn nhiều trọng lượng trên trường quốc tế nữa. Nhưng tiềm năng của nó vẫn còn quá lớn, và lịch sử sẽ cho thấy “Moscovia” còn sẽ không chịu đóng đinh với vai trò con gấu ngủ đông đâu...

Gorbachev sang Việt Nam, đi thăm công trường Sông Đà từ 1982…
Ta không nhìn thấy đó là lãnh đạo tương lai của CCCP nên mất đi sự tranh thủ cần thiết cho sau này.

 

Khi đó Gorbachev mới là Ủy viên Bộ chính trị Liên Xô trẻ nhất

 Vậy vai trò lịch sử gì dành cho Gorbachev và ông đã thực hiện vai diễn thế nào? Phải nói rằng khi lên vị trí quyền lực cao nhất thì gánh nặng giang sơn để lại cho ông ta quá nặng: những tay chơi lão luyện như Reagan, Kissinger, Thatcher, Helmut Kohl... đã bày trò chạy đua vũ trang (với mấy ông già tiền nhiệm của Gorbi) để đẩy CCCP vào tình trạng suy kiệt về kinh tế, nếu tiếp tục đường lối cũ thì sớm hay muộn Liên bang Xô Viết cũng sẽ sụp đổ. Tất nhiên nếu Gorbachev là một kẻ cố chấp hay ích kỷ đến tàn bạo, thì CCCP còn trụ được lâu lắm đấy (xin nhớ là năm 1985 trữ lượng vàng của Liên Xô là 2500 tấn). Nhưng ông muốn tìm con đường khác cho dân tộc, và bởi ông không phải một nhà kinh tế hay kỹ trị đại tài nên kinh tế Liên Xô vẫn sụp đổ như thường, mặc dù chính dưới thời Gorbachev Liên Xô chấp nhận trên thực tế là thua cuộc “chiến tranh lạnh”. Hãy xem ông đề xướng những gì mà sau này người dân đổ tội “phản bội Liên Xô” cho ông nhé:

-“Tăng tốc” (4/1985): khẩu hiệu nhằm vào công nghiệp này giờ hầu như đã đi vào dĩ vãng, nhưng chính nhờ nó mà phong trào “hợp tác xã” (kooperativ) mới nảy sinh, những người giàu tương đối công khai bắt đầu xuất hiện... tuy rằng cuối 1986 mới có luật cho các loại hình hoạt động cá thể này.

-“Chống rượu bia” đã nói trên, tuy nghe thì văn mình nhưng thất bại ê chề bởi đi ngược lại với bản tính muzik của người Slavơ - nhà nước thất thu 62 tỷ rúp vì chương trình này! Lỗi này một phần cũng bởi Gorbi vốn không phải người thích nhậu nhẹt bê tha...

-    Không truy bức những người bất đồng chính kiến, thả viện sỹ Sakharov, không đuổi Yeltsin ra khỏi đảng và không đẩy đi vùng sâu vùng xa - đây có lẽ là “lỗi kỹ thuật” lớn nhất của cuộc đời Gorbachev - chỉ vì tính hiền lành và khá tốt bụng ông đã tạo dựng cho mình một đối thủ quá nguy hiểm, điều mà ít nhà lãnh đạo quốc gia để sót - và Gorbi đã phải trả giá đau đớn vì lỗi này, như sau này ông luôn nói tới.

-“Perestroika” 1987 - cho phép kinh tế tư nhân cũng như dân chủ, bầu cử tự do, nhưng đúng với tính cách của Gorbi, nửa vời. Rất nhiều người coi ông là “tội đồ” - thì còn muốn thế nào nữa?

-“Glasnost”: điều tối quan trọng và tiến bộ, cho phép người dân được nói, được viết tương đối tự do! Điều mà dân Nga sau này được hưởng và gần như đã kịp quên cái “sự sung sướng” ấy nó đến từ bao giờ, vì ai?

 

Gorbi-Reagan-Bush ở Mỹ 1988. Về lịch duyệt Gorbi phải đối đầu với những đối thủ quá “già dơ”

 Cũng vì kinh tế mãi không cải thiện được (dẫu rằng đấy đâu phải lỗi của mình Gorbachev?!) nên Liên Xô dưới thời của ông chấp nhận dừng cuộc chạy đua vũ trang, tiêu hủy tuần tự một số lượng lớn vũ khí kể cả vũ khí nguyên tử (điều mà chưa lãnh tụ cộng sản nào trước ông từng làm - có lẽ đây là hành động “phản bội” lớn lao nhất của Gorbi?). Tương đối trẻ và năng nổ, ông cải thiện rất nhiều quan hệ của Liên Xô đối với các nước vốn khá thù địch như Anh, Canada, Mỹ, Pháp... nhưng có thể với bản chất khá tin người ông đã tin “kẻ thù” hơi nhiều? Nhưng những gì mà chính cá nhân ông làm được đã quá vĩ đại rồi:

-    Kéo hết quân Liên Xô ra khỏi Afganistan.

-    Cải cách đảng cộng sản Liên Xô, dẫn tới chế độ cho phép nhiều đảng phái.

-    Chấm dứt chiến tranh lạnh, giải trừ quân bị.

-“Học thuyết Sinatra” (khai tử học thuyết Breznev): chính sách của Liên Xô dưới thời Gorbi cho phép các nước XHCN Đông Âu tự lo việc nội bộ của mình. Chính nhờ đó mà nước Đức thống nhất không tốn một viên đạn, người dân 2 miền nước Đức đều chịu ơn

Gorbi (và sau này mới biết chính Anh và Pháp muốn quá trình thống nhất của Đức càng chậm càng tốt - họ sợ một nước Đức quá mạnh đối với châu Âu!). Hay khi Rumania có lật đổ, chính Bush-cha đồng ý bật đèn xanh cho Liên Xô đưa quân vào để thiết lập trật tự, nhưng Gorbachev đã từ chối! Hoặc bởi lòng tốt của mình, hoặc tính tình không quyết đoán, nhưng rất nhờ vào ông mà các nước XHCN khối Varshava đã thay đổi đường lối chính trị của mình tương đối êm đẹp, không có sự can thiệp thô bạo nào từ phía Liên Xô. Khối quân sự Varshava thế là cũng biến mất luôn! Liên Xô còn khá tiếc nuối 3 nước cộng hòa Pribaltic “của mình” - nhưng rồi họ cũng giành được độc lập, thế nên dù chả ưa gì Gorbachev nhưng Tổng thống Putin sau này đã công nhận: “Gorbachev là một nhà dân chủ thực sự!”. May mắn rất lớn cho hàng trăm triệu con người...

-“Phản bội Liên bang Xô viết” - điều này không thể chối cãi, mặc dù chẳng có cách gì tránh khỏi, cuộc đấu tranh giữa “tủ lạnh” (thường rỗng tuếch) và “ti vi” (nói “điều hay lẽ phải”) đã có người chiến thắng là “tủ lạnh” lâu rồi! Dưới sức ép của Yeltsin, theo kịch bản đưa ra bởi Mỹ, Gorbi đóng vai kịch “nạn nhân” khá vụng về, với đội hình phản loạn “Ủy ban quốc gia về tình trạng khẩn cấp” khá ú ớ... trong cuộc tạo phản mùa hè 1991, nào ngờ bản tính tin người của Gorbi đã hại chính ông - ông thêm một lần nữa trở thành “tội đồ”! Nhưng việc ký tá để giải thể CCCP sau đó là chuyện thủ tục thôi, thực chất thì đó là việc “khai tử”, chứ việc “tử” đã xảy ra rồi, và ngay trong Kremlin. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, dân Nga (và cả Ukraina, Belarus nữa!) phải đội ơn Gorbi mới phải, chứ nếu gặp phải kẻ ngang tàng (chẳng hạn tính cách “cùn” lại “sắt đá” như Lukashenko bây giờ xem) và cố chấp, hắn cứ tống cổ Boris Yeltsin vào tù, xua quân đội với KGB đi kìm kẹp quốc dân, thì với hoàn cảnh Liên Xô như cuối những năm 80 còn lâu mới mong có thay đổi gì khả dĩ, dân tình cứ việc xếp hàng dài mà mua giấy vệ sinh rồi nhổ nước bọt mà chửi tục năm này qua năm khác...

 Công nhận là Gorbi (và cả dàn lãnh đạo của CCCP) đã không giải được bài toán kinh tế XHCN nên đã phải để cho Liên bang Xô viết sụp đổ - con người buôn bán bất cứ cái gì miễn là sống qua được lúc thiếu đói toàn tập. Yeltsin giải bài toán ấy với sự tư vấn, viện trợ của Mỹ nhưng kết quả còn thê thảm hơn…

Quả là khó hiểu người Nga, muốn được tự do (đi đâu, làm gì, nói gì), kinh tế thị trường, hòa nhập quốc tế... nhưng lại coi người đem lại cho mình tất cả những thành quả ấy là “kẻ phản bội”. Nào có ai cấm hoài niệm đâu, CCCP cũng có rất nhiều kỷ niệm đẹp đối với tất cả mọi người đã từng trải nghiệm, nhưng thời đó đã xa! Người ta nhiều lần hỏi Gorbachev về việc bản thân ông có tiếc nuối CCCP không, thì ông trả lời rất rõ ràng: ông tiếc rằng những thay đổi mà ông và các cộng sự muốn tiến hành chúng lập tức bị dừng ngay khi Liên bang chấm dứt, nếu được làm lại ông sẽ biến đổi Liên Xô theo một cách khác, chậm hơn và chắc chắn hơn. Và không có lỗi lầm “Yeltsin” nữa...

Hình tượng Gorbachev trong con mắt người phương tây khác nhiều đấy: ông là một anh hùng - người giải phóng, một vĩ nhân đã đem lại hòa bình cho nhân loại. Giải thưởng Nobel vì hòa bình năm 1990 dành cho ông có lẽ là chuyện quá nhỏ!

Cũng phải nói thêm để hiểu rõ về “phản bội” - ai là người nhăm nhe “phản bội” đầu tiên, các bạn sẽ không đoán ra đâu!!! Đó chính là Juri Andropov - trùm an ninh KGB và người nâng đỡ Gorbachev. Vốn là cáo già trong chính trị, lại nắm được nguồn tin là Reagan sẽ chơi trò chơi chạy đua vũ trang nên ông này đã hiểu được cần thay đổi, chứ đua theo là mắc bẫy! Tuy vậy vì còn Breznev và sau này vì lí do sức khỏe suy kiệt ông không thể tự mình tiến hành các cải cách (mà cũng giời biết được, là liệu chúng có hiệu quả hay không...). Có thể nói Gorbachev tiếp tục sự nghiệp mà “ông thầy” Andropov đã manh nha... Sau này còn có Yakovlev - người luôn bám sát Gorbi và theo lời tự kể thì là cha đẻ của nhiều cải cách mà Gorbi chỉ làm nửa vời, với đặc tính nửa vời của mình. Và thêm một Boris Yeltsin - nhà cải cách rất cá tính và mạnh mẽ nhưng chưa bao giờ có một sáng kiến nào cả... Sự nghiệp “phản bội” cũng gian nan thế đấy!

Trong giai đoạn lịch sử này dễ hiểu là Liên Xô còn đang rối bời bời, đói kém ra phết, đâu có lo được nhiều cho “các nước XHCN anh em” trong đó có Việt Nam ta. Người Việt Nam cũng có logic phần nào giống người Liên Xô cũ: việc Trung Quốc đánh Gạc Ma năm 1988 mà Liên Xô không bênh được tích cực như 1979 - cũng oán trách, mà nào có biết khi đó họ còn đang có Afganistan, rồi liên tục Khazakhstan, Gruzia-Osetia, Karabakh, Baku, Dushanbe, Erevan, Pribaltik... toàn những điểm nóng cần đến sự tham gia của quân đội ngay trong nước họ. “Ốc còn chưa tha nổi mình ốc...”.

Cuộc gặp gỡ giữa TBT Nguyễn Văn Linh và TBT Goorbachev tại Đông Đức 8-10-1989 (qua lời kể của ông Lê Đăng Doanh) đã thất bại bởi việc ngành Ngoại giao ta đã chuẩn bị tư tưởng cho đ/c Tổng bí thư không chính xác, để ông coi “Gorbachev là kẻ cơ hội nhất hành tinh” và nếu đã coi nhau như thế thì còn xin viện trợ hay bàn chuyện vô sản anh em kiểu gì nữa!? Nếu ai chăm chú đọc từ đầu đến bây giờ thì có lẽ đều không đồng tình với đánh giá này. Từ thời điểm này Việt Nam mới chính thức đi theo con đường XHCN nhưng lại của riêng mình... Tuy vậy người dân Việt Nam không thể nói là đã không được hưởng lợi gì từ Gorbachev và đường lối chính trị của ông, những “đổi mới”, “nói và làm”, “hòa nhập mà không hòa tan”, “mở cửa”... đều có nét gì đó giống những cải cách đã diễn ra tại Liên Xô vào những năm 8X nóng bỏng ấy. Người Việt Nam ta trở nên “dễ sống hơn” có lẽ cũng phần nào nhờ vào “perestroika” của Gorbachev!

 

Cuộc gặp 7/5/1991 giữa Gorbachev và ông Đỗ Mười chỉ có tính xã giao

 Với tôi Gorbachev không phải là một vĩ nhân, cũng không có nhân cách anh hùng hay khả năng siêu việt gì, tuy vậy ông đã làm được (đúng hơn thì “lịch sử đã chọn ông để làm) những việc vô cùng vĩ đại: làm thay đổi thế giới! Nhưng không chỉ có vậy, đối với tôi bây giờ ông mới thực sự làm tôi ngạc nhiên và khâm phục! Năm 1991 không ai “đuổi” ông ra khỏi chính trường, mà chính ông tự ra đi, ra đi để tránh cho đất nước cảnh nội chiến hay nồi da xáo thịt. Dần dần mọi người mới thấy, ông chả phải là “gián điệp” của quốc gia nào, cũng chẳng có bè đảng, đại gia nào chống lưng cả. Cũng có lần, năm 1996 Gorbi định quay lại chính trường bằng cuộc bầu cử tổng thống Nga, nhưng đã thất bại nặng nề, như ta nói, dân Nga đa số ghét cay ghét đắng “kẻ phản bội” mặc dù đời sống khó khăn khổ sở có lẽ phải trách những kẻ cầm quyền khác mới đúng. Theo tôi nguyên nhân chính vì sao chả có tập đoàn nào đứng ra chống lưng cho ông, đó là vì ông người Nga (mẹ người Ucraina, giọng ông phát âm đúng kiểu người Ukraina luôn) nhưng không có gốc gác Do Thái! Trong khi đó Yeltsin có gốc Do Thái đấy, và quy tập xung quanh mình cả một bầy Do Thái ma lanh…

 

Quan hệ Gorbachev-Putin rất khác lạ.
10 năm nay Gorbi phản đối việc Putin và Medvedev tái cử

Ông chọn nơi cư trú là đất nước chịu ơn ông nhất - nước Đức - và sống cuộc sống khá bình dị, chẳng thể so sánh với đời sống của các quan chức hay chính trị gia nước Nga mới bây giờ, thậm chí chả so được với các tài năng “buôn chổi đót” ở cái xứ người ta đến giờ vẫn còn trách ông không chịu giúp đỡ năm nào... Tuy vậy ông luôn đau đáu về số phận của nước Nga, và tuy lúc đầu ông có ủng hộ nhân tố trẻ Putin, nhưng từ năm 2008 ông đã lớn tiếng đòi hỏi chính quyền Nga thay đổi thể thức hoạt động, không cho tập trung quá nhiều quyền lực vào một nhóm nhỏ cầm quyền nữa! Từ 2011 Gorbi đã kêu gọi Medvedev (khi đó còn là đương là Tổng thống) và Putin đừng tham gia tiếp vào bầu cử tổng thống khóa sau nữa. Càng ngày sự phê phán của ông đối với chính quyền và bản thân Putin càng sắc nét hơn, ai cũng biết là Putin chẳng ưa gì khi người ta đả phá mình, còn việc Gorbi ở Đức hay bất cứ đâu cũng chẳng đảm bảo được an toàn cho ông, tuy vậy càng về già ông càng tỏ ra bản lĩnh hơn (điều mà thời trẻ nhiều khi ông chưa có đủ)! Ông và Putin cố gắng tránh mặt nhau, và ông chế nhạo gọi Putin là “cấp phó của Chúa Trời”. Có thể ông đã già đủ để khỏi phải sợ bất cứ điều gì, có thể “cha đẻ của nền dân chủ Nga” không thể chấp nhận được việc sau 30 năm người dân lại thiếu đi đúng cái mà ông đã mang lại cho họ. Cũng như vậy ông thẳng thắn ủng hộ người dân Belarus trong cuộc đấu tranh gian khó đòi thay đổi chính thể tại nước này - họ cũng đã từng là công dân “của ông” 30 năm trước...

 

Kirsan - Đalai Latma XIV - Mikhail Gorbachev

 Không phải người dân Nga nào cũng ghét cay ghét đắng “tội đồ” Gorbachev. Một trong những chính trị gia đã nhìn ra rất sớm công trạng to lớn và nhân cách đáng nể của Gorbi, đó là Kirsan Ilyumzhinov - cựu chủ tịch FIDE (liên đoàn cờ vua thế giới) và cựu tổng thống nước cộng hòa Kalmykia. Anh là một người nổi tiếng về phong cách chuyên chỉ “phù suy” của mình, và đã đến với Mikhail Gorbachev khi Tổng thống đầu tiên và duy nhất của Liên Xô này đã hết hoàn toàn mọi giá trị sử dụng. Kirsan đưa Gorbi đến với Đalai Lama 14, mua lại bản quyền xuất bản và quyền đưa lên màn ảnh cuốn hồi ký thứ hai của Gorbi, mời ông tham gia vào các sự kiện của FIDE. Có lẽ nhờ vào sự ủng hộ tinh thần của những người như Kirsan mà Gorbachev - “người được Chúa trời đánh dấu” (dân Nga hay gọi như vậy, bởi ông có cái bớt rất rõ ở trên trán) trở thành nhà lãnh đạo thọ nhất trong lịch sử nước Nga...

Còn tôi mỗi khi dẫn trẻ con ra Hàng Khay mua McDonald đều có một ý nghĩ: nếu không có người đàn ông với cái bớt đỏ trên trán kia thì có khi lúc này bố con chúng tôi đang xếp hàng mua đường củ cải viện trợ Liên Xô bằng tem phiếu, sau khi đã bán vội được mấy cái may-xo cho con phe ở chợ Giời… Ai bảo thời bao cấp không lãng mạn nào, cũng nhiều cung bậc cảm xúc lắm đấy chứ, người với người sống để yêu nhau cơ mà! Thế rồi tự nhiên có một kẻ tội đồ nhát gan, cơ hội, chắc là tay chân của đế quốc sài lang xuất hiện tận Liên Xô và thế nào lại loay hoay phá vỡ mất cái khung cảnh nên thơ ấy, giận quá đi mất thôi! Nhưng ngẫm lại, có lẽ tôi phải nợ ông một lời xin lỗi và cảm tạ tự đáy lòng.

Ghi chú: “Đánh sập Liên bang Xô Viết là ước mơ của cuộc đời tôi...!” là câu nói nổi tiếng mà Gorbachev bị “nhét chữ vào mồm” - ông chưa bao giờ nói như vậy cả và đã nhiều lần chính thức thanh minh, nhưng có vẻ chả mấy tác dụng...

 

Một số ảnh đáng chú ý:

 

 

Ông có bà vợ Raixa tuyệt vời, mà vì vẻ lịch lãm của mình cũng bị người đời đàm tiếu rất nhiều!

 

 Hinh trên: Gorbachev - Đặng Tiểu Bình
 
Hình dưới: Gorbachev và Kohl: Kohl là người chịu ơn Gorbi rất nhiều

 

Gorbachev & Scorpions “Wind of Changes” là bài hát vận vào cuộc đời ông.

 

Hai giải thưởng Nobel về hòa bình rất xứng đáng.