Trích "Đông Âu Anh Hùng Truyện"
TÚ XƯƠNG THỜI MỞ CỬA Nhân
vật này chắc nhiều người chơi Phây đã biết mặt quen tên, còn anh
em bạn học thì hay gọi là T “khọm” (lịch sự thì gọi là “già”, thân thì
kêu là “khỉ”). Là “con ngoan, trò giỏi” của trường Lê Hồng Phong - Nam
Định, sau này là lớp trưởng của A0 chuyên toán Tổng hợp. Cả lũ vào
trường đại học Kỹ thuật Quân sự để học dự bị một năm chuẩn bị “đi Tây”,
lúc này anh em còn dáng vẻ học sinh ngờ nghệch, nhưng T thì đã kinh
nghiệm nội trú lắm rồi, chả gì cũng mấy năm ăn cơm tập thể ở tổng hợp
trước rồi. T nổi bật với ngoại hình rất “quái”, tóc 3 phân vẫn không
giấu được trán hói như Lenin, mồm rộng nói to điếc tai, gân guốc như
“người lớn”, chạy rất nhanh, nhanh nhất nhì đại đội đấy. Rất nhiệt tình
năng nổ, học giỏi và lại hát hay, hay xung phong hát nữa mới vui chứ
(tất nhiên là hát vẫn quá to so với quy định!) - hồi đó chúng tôi đang
học tiếng Nga nên hát búa xua cả tiếng Nga, tiếng Việt, đi ăn cơm bụng
rỗng không cũng phải hát, nhưng nghĩ lại cũng là kỷ niệm một thời...
Những lúc rảnh rỗi nhìn lên bầu trời đầy sao của Sài Gòn, mấy thằng nhớ
nhà, nhưng háo hức về chuyện học hành sắp tới ở phương xa, mỗi đứa một
suy nghĩ một mơ mộng, đại loại là “tao sẽ học toán lý thuyết, cùng lắm
là vật lý lý thuyết, hoặc không được thì đi học thiên văn học cho nó
lãng mạn...”. T thì cực đoan hơn cả, tôi vẫn nhớ hắn nói không chỉ một
lần: “tao sẽ đi theo toán, kiểu gì cũng phải phát minh được một định lý,
chứng minh được xong mà Việt Nam không biết làm gì với nó nữa thì tao in
ra rồi cho vợ gói xôi đi bán ngoài chợ cũng được...”. Và chúng tôi tin T
nghĩ như thế thật. Phải
nói rõ thêm cho các bạn đọc trẻ về cái thời “mông muội” của chúng tôi -
khi mà toán lý thuyết đang chễm chệ ngôi vương, những học sinh học giỏi
là phải đi học toán, mà thấy mấy anh năm trên ai bị phân vào học toán
ứng dụng, chả biết học “phần cứng” hay “phần mềm” nhưng cứ buồn thầm, cứ
GATO với mấy đứa học toán lý thuyết, còn chí ít thì cũng phải học vật lý
lý thuyết mới tạm yên lòng (mặc dù học xong đi đâu làm gì ngoài vào mấy
cái Viện chết đói thì cũng kệ, “thanh niên thời đại” nó phải thế!). Mấy
thằng tôi được chọn ngành nên cũng khá yên tâm, ngay cái nguyện vọng từ
hôm vào học đã ghi luôn như vậy rồi, chứ làm gì có mà có cũng chả biết
“quản trị kinh doanh” như sau này (mà mấy môn này bây giờ cũng gần hết
thời mất rồi...). Oái
oăm là năm ấy theo chủ trương mới, trường không gửi học viên đi học các
ngành lý thuyết nữa, thế là “tan vỡ giấc mơ con”. T được gửi sang học
trường Trắc địa ở Moscow, thực ra là một lựa chọn trên cả tuyệt vời,
được học giữa thủ đô, một trường có phong trào “đánh quả” kiếm tiền cũng
dễ, học ngành ấy ra lại dễ có việc tốt làm ngay. Thế nhưng T buồn hiu
hắt, chẳng bao giờ hắn nghĩ lại đi hành nghề “vẽ bản đồ” cả. Thế là phản
ứng của tuổi trẻ cũng tiêu cực nhưng có phần hiểu được: thời gian chủ
yếu T dành ở ký túc xá để ... ngủ! Và để làm thơ... bằng tiếng Nga. Hết
thấy thằng bạn lạc quan, to mồm, yêu đời dạo trước, mà chỉ thấy một “cụ”
hói trắng đằng trước, tóc dài thượt đằng sau, hút thuốc suốt ngày khi
nào không ... ngủ. Khó khăn lắm anh em mới rủ được hắn đi học buổi đực
buổi cái, mà cái thời “bôn sệt”ấy hơi nhiều điểm “khá” thì sứ quán đã
hằm hè đuổi sinh viên về nước rồi, nữa là “chây bửa”, cũng may nhờ thông
minh T cầm cự được mấy năm...
Matxcơva 1982 Môn
duy nhất thi thoảng T còn chịu học, đó là toán, rồi thế nào đến năm thứ
hai trường cử đi thi, hắn được giải nhất toán sinh viên toàn Moscow, một
chuyện cũng rất hy hữu đấy! Thế là T càng yên tâm... ngủ!
Tôi
không học cùng trường nên chả biết có chính xác không, nhưng nghe kể là
cuối năm thứ hai có môn thi “vẽ bản đồ” gì đấy, mà ngày xưa vẽ là vẽ,
chứ làm gì có máy tính với internet như bây giờ. Ngồi nghiến răng vẽ mấy
cái đường đồng cấp lít nha lít nhít điên cả tiết, rồi gần xong lại rơi
rớt cả mấy giọt mực lên giấy, thế chỉ còn nước vứt đi vẽ lại, cú quá T
viết luôn mấy từ bậy bạ lên đấy, rồi vứt bản vẽ đi, chả nộp bài thi cử
gì nữa. Thế nào có mấy em năm dưới thấy anh T “tiêu cực”, sợ ảnh hưởng
thành tích toàn đơn vị, toàn trường, nên mách với khoa và với sứ quán...
Kể ra T có thể xin thi lại được, chả gì thì cũng mang lại thành tích
toàn thành cho trường kia mà, thế nhưng T cũng “cùn”, vả lại quá chán
rồi, nên bị dọa đuổi thì nhất trí về luôn, về chả mang theo cái gì
(ngoài một số đồ bạn bè thân “ủng hộ”)! Mấy
năm sau vài thằng bạn tốt nghiệp về, thì thấy “cụ khọm” đang ở Nam Định,
ngày ngày hút thuốc lào vặt rồi lại ngủ. Bố mẹ T nhờ bạn bè động viên T
thi lại đại học, vào trường nào cũng được, chứ ai lại thế này... Nể
bạn, T cũng nộp hồ sơ thi đại học, chả nhớ trường gì, chỉ biết hắn kiên
quyết không học ôn gì cả, đến hôm thi anh em đến giục hắn mới uể oải đi.
Chắc là mấy giám thị ở cuộc thi năm ấy phải ấn tượng cả đời, họ cũng trẻ
hai mấy tuổi thôi, mà thấy một “cụ” lọm khọm đến, mang theo cả ống điếu
thuốc lào! Giám thị định không cho mang vào, nhưng T kiên quyết không
chịu, bảo làm gì có quy định nào không được mang, miễn là tôi không hút
trong phòng thi thì thôi chứ! Không cãi lý được với “cụ”, họ đành cho
“cụ” mang ống điếu vào, mà cụ làm bài cũng nhanh lắm, 180 phút mà non
tiếng cụ đã nộp xin ra, một đằng là xong rồi, chỉ có thế thôi, một đằng
cũng thèm rít thuốc lào... Lần ấy T thiếu nửa điểm, thế là từ bỏ học
hành... Hồi
tám mấy T trông còn “khọm” hơn cả bây giờ, cứ ở nhà không ngủ thì làm
thơ, bây giờ làm thơ tiếng Việt để... tán vợ! Được cái cô bé ấy được
tặng bài nào cũng thích, còn T thì cẩn thận lắm, ghi lại hết thơ thẩn để
làm database sau này (cô này mà không đồng ý yêu thì để chuyển thơ qua
cô khác, cũng may cô này đoán được mưu đồ của T nên đồng ý sớm, cho đỡ
phí mấy chục bài thơ!). Chứ làm gì rồi cũng thấy chán, mà đã chán là
không làm được, “càng dễ càng khó làm”. Phụ huynh kiếm được cho T suất
đi lao động bên Đông Đức, tưởng đổi vận đến nơi, thế nào sang đấy “nó”
lại sập mất, lại về. Hồi đó T làm việc kỷ luật lắm, tay quản lý người
Đông Đức cứ gạ T ở lại (bao người khác ở lại đấy) đi làm tiếp, cần thủ
tục gì nhà máy lo hộ toàn bộ, nhưng tính T là thế, về thì về! Hai
vợ chồng quyết tâm ra Hà Nội, thời đầu cũng khó khăn, T còn đạp xe đạp,
đường phố có biết mấy đâu. T cũng đi làm mấy nơi, toàn chỗ cũng của anh
em bạn bè, chúng nó cũng biết T “vĩ đại”, không phải loại đầu óc kinh
doanh mánh mung, nên giao toàn những việc dễ mà khó, kiểu như bảo hành
sao cho máy tính nào cũng chạy được... Khó ở chỗ nó dễ quá đối với T, mà
đã dễ là khó làm rồi... Hơn nữa cứ T làm ở đâu một thời gian thì công ty
ở đấy lại “không kinh doanh nữa”, nặng vía thì phải? Cô
vợ T đảm đang lắm, thấy chồng vất vả thế thì giao cho một nhiệm vụ khó:
đưa đón, dạy dỗ hai thằng con (tự nhiên liên tưởng đến Tú Xương - mà
cũng đúng người quê T luôn!). Việc khó này thì T lại rất mát tay, thằng
cu anh năm lớp 12 đã được huy chương vàng Olimpic Vật lý quốc tế, rồi
xuất ngoại để “trả thù” cho bố, sang Bách Khoa Paris mặc bố can nát
nước, còn cu em cũng sắp đến lúc thử lửa như cu anh rồi... Thấy
ông anh mình phải đón đưa hai đứa để học hành, rồi giữa chừng không biết
làm gì nên cô em gái mới tặng T cái máy ảnh, thế là tạo cho T một niềm
đam mê. T chụp a-ma-tơ nhưng khá lắm, chụp gì cũng đẹp, mà lại rất hay
chụp, mà lại chụp mọi lúc mọi nơi... Rồi FB xuất hiện, đúng là gặp đất
dụng võ, T “tả xung hữu đột”, mỗi ngày mười mấy stt. Qua FB mọi người
hiểu T nhiều hơn, ảnh cũng nói lên tình, văn thơ thì tất nhiên nói lên
người rồi! ACE hay vào FB đánh giá T “tỉnh” lắm, từ thời sự quốc tế,
quốc nội đến văn hóa, sự kiện... cái gì T cũng tham gia được, viết rất
hay và logic. T lại có tài “xuất khẩu thành thơ” - cứ bình cái gì là
phải bình bằng thơ mới vui! Rồi thì bình luận, tranh luận, bút chiến...
đủ cả, phải nói T “cày” FB rất năng suất!
Nếu
ngày mai các bạn gặp một “cụ” hói trắng, vác cái máy ảnh rất to, lang
thang sáng Hồ Tây chiều Mỹ Đình, tối Bờ Hồ, mai lại Kim Ngưu rồi thì khả
năng lớn đấy là T “khọm”. Bây giờ thì phố nào cũng thuộc rồi! Anh
em cùng thời đến bây giờ vẫn đánh giá rất cao trí tuệ của hắn, vẫn biết
hắn là thằng tài, thì không cách này hay cách khác sẽ đến lúc hắn làm
được, tất nhiên đó phải là việc khó rồi! Chưa biết hắn sẽ bộc lộ ra ở
chỗ nào, là cái gì thôi, nhưng “cứ đợi đấy!”. Chỉ đoán biết, bao nhiêu
năm nay chắc hắn đang ấp ủ cái gì, thể nào cũng có cái gì... Chẳng có
khi nào là muộn cả, cứ thử nghĩ về Khương Tử Nha, hay chí ít là chú Trần
Đĩnh vừa rồi thì biết! Đối với anh em, hắn là “người bình thường nhưng
không hề tầm thường!”. Mà thậm chí cũng không bình thường lắm đâu...
My Triangle Geometry
P.S.1: Luật sư Trần Vũ Hải đặc tả về ông bạn cùng lớp
mình như sau: BQT từng là đồ hiếm. Cấp 1 phổ thông (tiểu học) cuối cấp
đạt giải nhất văn toàn tỉnh, cuối cấp 2 (trung học cơ sở) đoạt giải nhì
toán quốc gia. Làm lớp trưởng A0 chuyên toán Đại học tổng hợp, cuối cấp
giữa học kỳ được (bị) mời về quê Nam Định. Đáng tiếc cho tài năng của T
“khọm”, sinh không đúng thời. T
“khỉ” - giỏi nhất trong những người chưa tốt nghiệp đại học, thông minh
nhất trong những người thất nghiệp, người chồng đảm đang giỏi việc nhà
lẫn việc vỉa hè. Ngoài ra T là ông đồ dạy toán, lý hoá đáng yêu vì không
nhận thù lao cho các cháu trong xóm phố mặc dù ví rỗng. T muốn làm nhà
cách mạng vì giống Lê Nin, nhưng nhát quá, sợ vợ mắng nên chỉ dám ôm
mộng đến kiếp sau... Nhưng bây giờ bạn có vẻ mãn nguyện vì 2 con ngoan
giỏi, vợ biết kiếm tiền cho T thả sức lang thang ngoài đời và trên FB.
Hai người (tất nhiên ngoài cha mẹ) T biết ơn nhất là vợ và Mark
Zuckerberg...
P.S.2: Tuy vậy mối tình với toán vẫn chưa dứt được, “đã
chôn điếu xuống lại đào điếu lên”. Hắn vẫn “nghịch” toán (liều thế chứ,
chả hiểu vợ có biết không?!). Nhiều năm rồi, khá nhiều phát kiến về số
học, và nhất là về hình học (hắn vẽ hình trên computer rất đẹp, các bạn
thử vẽ xem có được không đã, tôi thì chịu, chứ chưa nói đến nghĩ ra
những bài toán đẹp, những lời giải ngoạn mục). Hắn âm thầm đăng tải khá
nhiều qua mạng với “Tây” (mà chưa chắc đã âm thầm, có cái tôi và các bạn
có quan tâm tới ba cái chuyện này đâu mà biết...), ví dụ: “My Triangle
Geometry”.
P.S.3: Theo lời đồn thì mấy chữ hắn viết năm xưa trên
cái bản vẽ bị dây mực là: “Sắp tới một ngày thằng ngốc nào cũng có thể
dùng máy mà vẽ mấy cái hình này”.
Họp trường tại Phú Quốc, sau 39 năm nhập học Trắc địa Matxcơva |