TIẾNG DÂN
18-1-23

Ai sẽ thay ông Phúc làm Chủ tịch nước?

 

Lê Văn Đoành

Chiều nay 18-1-2023, Quốc hội khoá 15 nhóm họp phiên bất thường theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, để giải quyết khủng hoảng nhân sự cấp cao. Cũng như Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam, ông Nguyễn Xuân Phúc phải chịu “xét xử” lần hai. Lần một, ông Phúc bị lột hết chức vụ trong đảng và lần hai, ông bị tước bỏ vị trí quyền lực nhà nước.

Quy trình cán bộ kiểu cộng sản bày ra, đúng là bẽ mặt người trong cuộc. Hài kịch lên đỉnh điểm, khi nguyên thủ quốc gia phải cúi đầu chịu đựng tròn vai diễn trên sân khấu chính trị.

Trở lại thời điểm gần bảy năm trước, sáng 2-4-2016, sau khi tái trúng cử Trung ương khoá XII, Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an được Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước, thay ông Trương Tấn Sang, về vườn “làm người tử tế”. Thời điểm này có thông tin rò rỉ, rằng ông Nguyễn Phú Trọng sẽ làm Tổng Bí thư nửa nhiệm kỳ, sau đó sẽ nhường lại cho ông Quang.

Hơn hai năm sau, ngày 21-9-2018, Trần Đại Quang chết vì “bệnh lạ”. Hai ngày sau, Trung ương đảng chỉ đạo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhóm họp, ra thông báo để bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch nước, giữ quyền Chủ tịch nước, cho đến khi Quốc hội bầu Chủ tịch nước mới.

Ngày 23-10-2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viết kịch bản và đạo diễn, để quốc hội bầu ông ta làm Chủ tịch nước, với số phiếu 99,79%.

Tháng 4-2019, trong vai trò tổng bí thư kiêm chủ tịch nước, Nguyễn Phú Trọng bị đột quỵ tại Kiên Giang trong chuyến đầu tiên kinh lý phương Nam. Sau lần đó, mệt mỏi, ôm không xuể hai chức, trách nhiệm phải đi nhiều, tiếp khách nhiều, ông Trọng bắn thông tin sẽ sang bớt ghế, thậm chí sẽ không tái cử chức Tổng bí thư nhiệm kỳ ba.

Thế nhưng, tại đại hội XIII, cho rằng không tìm ra người xứng đáng, ông Trọng bắt tay ông Phúc để làm “nhân sự đặc biệt”, nhằm tái cử. Ông Trọng ung dung ngồi ghế lãnh đạo tối cao của đảng, nhiệm kỳ 2021-2026 và chia ghế Chủ tịch nước cho ông Phúc.

Sáng 1-2-2021, ông Trọng tâm sự tại buổi họp báo sau khi bế mạc Đại hội XIII rằng: “Bây giờ tôi không được khỏe lắm, tuổi cũng đã cao, cũng xin nghỉ rồi, thế nhưng Đại hội bầu phải làm, Đảng viên thì phải chấp hành”. Chiều 2-4-2021, quốc hội đã miễn nhiệm chức chủ tịch nước của Nguyễn Phú Trọng và bầu Nguyễn Xuân Phúc làm tân chủ tịch nước. Như vậy, ông Phúc là người miền Trung thứ tư, tính từ sau năm 1975, liên tục nắm giữ ghế chủ tịch nước sau Võ Chí Công (1987-1992), Lê Đức Anh (1992-1997) và Trần Đức Lương (1997-2006).

Về lý thuyết, quyền lực của chức Chủ tịch nước chỉ mang tính tượng trưng. Nhưng là “tứ trụ” triều đình, hàm Uỷ viên Bộ Chính trị cùng đặc quyền, đặc lợi ngút trời, vì vậy nhiều quan chức muốn ngồi vào cái ghế này.

Tại đại hội VIII, nhiệm kỳ 1996-2001, ở tuổi 73, tướng Đoàn Khuê giấu bệnh ung thư để vào Bộ Chính trị, tranh giành ghế chủ tịch nước. Bệnh tình bị lộ ra, tướng Khuê không được cơ cấu, năm 1999 thì ông qua đời.

Tháng 7-2015, tướng Phùng Quang Thanh hăm he tái cử Uỷ viên Bộ Chính trị khoá XII, nhiệm kỳ 2016-2021, tranh ghế Chủ tịch nước nhưng ông ta bị bắn, suýt bỏ mạng ở Pháp.

Hai dẫn chứng trên để thấy sự khốc liệt, không khoan nhượng trong cung đình cộng sản. Các đảng viên cộng sản sẵn sàng rút dao đoạt mạng, kết liễu sự nghiệp các “đồng chí” của mình.

Quay lại câu chuyện Nguyễn Xuân Phúc, nếu như khi đương kim chức chủ tịch nước, đích ngắm của Trần Đại Quang vẫn là ghế Tổng bí thư, thì ngược lại ông Phúc có vẻ bằng lòng với vị trí có được sau khi trả chức thủ tướng. Nếu không nổ ra đại án Việt Á và “chuyến bay giải cứu”, có lẽ ông Phúc sẽ vẫn còn chúc Tết dài dài đến hết năm 2025.

Trong đảng, việc người thân trong gia đình cán bộ cấp cao lợi dụng quyền lực để trục lợi, thì đã có truyền thống. Nhiều lắm, chỉ đếm sơ qua, nào là con trai Lê Duẩn, con gái Nguyễn Chí Thanh, vợ Văn Tiến Dũng, con gái và vợ bé Võ Văn Kiệt, vợ bé Nông Đức Mạnh, con trai Phan Văn Khải, con trai Nguyễn Minh Triết, con gái Nguyễn Tấn Dũng… và bây giờ đến vợ con Nguyễn Xuân Phúc. Tuy nhiên, việc tước bỏ mọi chức vụ, phế truất giữa chừng khỏi ghế chủ tịch nước của Nguyễn Xuân Phúc khi ông ta ngồi chưa đầy hai năm, là việc chưa từng có tiền lệ trong đảng cộng sản Việt Nam.

Ai sẽ là Chủ tịch nước?

Chiều nay, chắc chắn Nguyễn Phú Trọng sẽ được bầu kiêm nhiệm ghế chủ tịch nước lần thứ hai, cái ghế mà Nguyễn Xuân Phúc vừa bị phế. Ông Trọng có thể sẽ ngồi đến năm 2024, sau đó sẽ chuyển giao quyền lực.

Đường còn dài, chưa ai quả quyết được bất cứ điều gì, khi mà những cuộc so găng thượng tầng chính trị vẫn đang tiếp diễn. Nhiều dự báo, ông Trọng sẽ chuyển giao ghế chủ tịch nước cho Tô Lâm, để dễ bề đặt Vương Đình Huệ lên ghế Tổng Bí thư, nhằm tránh một cuộc thanh toán đẫm máu.

Nếu vậy, Nguyễn Phú Trọng rút lui khỏi chính trường trong thế ngẩng cao đầu như tam nhân Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt năm xưa. Vương Đình Huệ cùng Tô Lâm chia nhau vị trí số 1 và 2, hai ông chắc suất “nhân sự đặc biệt” để tiếp tục là bộ đôi ổng bí thư – chủ tịch nước tại đại hội 14, nhiệm kỳ 2026-2031.

Dự đoán năm 2023, chính trường Việt Nam còn rất nhiều biến động khó lường. Sau Nguyễn Xuân Phúc, đến lượt Phạm Minh Chính, được đồn đoán là “con hổ” thứ hai sẽ bị thanh trừng, do liên quan đến Nguyễn Thị Thanh Nhàn và tập đoàn AIC.

Như vậy sẽ có thêm những đại thần về vườn làm thứ dân. Dân chúng cần lao mãi mãi còng lưng để nuôi một thể chế mà ở đó thượng tầng chính trị và cả một hệ thống từ trung ương đến địa phương vừa tham lam, lại vừa hung tàn.