Diễn
Đàn Việt Thức
29-1-13
Hai năm làm Tổng bí thư, Nguyễn Phú Trọng đang đưa chế độ và đất nước đi về đâu?
Toàn đảng và nhân dân đang chứng kiến tận mắt từng ngày những người có quyền lực cao nhất, đứng đầu là Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng, đang xô đẩy đảng và Chính phủ chống lẫn nhau rất kịch liệt. Thay vì tập trung tâm trí và sức lực vào việc giải quyết những khó khăn kinh tế, canh tân đất nước, tạo ấm no hạnh phúc cho nhân dân, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trước sự thôn tính của Bắc kinh thì họ lại đang dùng tiền bạc của nhân dân qua tiền đóng thuế và lợi dụng các cơ quan nhà nước để lập phe nhóm chống đối và thanh toán lẫn nhau rất tàn bạo và tồi tệ!
Trong hai năm đứng đầu chế độ Nguyễn Phú Trọng đã tổ chức 6 Hội nghị Trung ương (HNTU), trong đó quan trọng nhất là các HNTU 4, 5 và 6. Theo tính toán của Nguyễn Phú Trọng, sau một năm chuẩn bị cả mặt nhân sự lẫn tổ chức để củng cố quyền hành nên cuối năm 2011 ông đã triệu tập HNTU 4 (26-31.12.11) với mục tiêu là giải quyết ”những việc cần làm ngay”, trong đó ưu tiên giải quyết dứt khóat vấn đề nhân sự ở cấp cao nhất. Tuy vào lúc đó Nguyễn Phú Trọng không nói thẳng ra, nhưng nhiều quan sát viên biết là ông muốn cô lập và loại Nguyễn Tấn Dũng (1). Vì trong thế giới quan cực kì bảo thủ CS như ông Trọng thì trong đảng không thể có chỗ cho hai vua. Nếu tình trạng này được tiếp tục kéo dài sẽ đe dọa sự tồn vong của đảng và chế độ.
Trong hơn 6 năm dưới thời của Nguyễn Tấn Dũng vai trò của chính phủ ngày càng lấn át vị thế của đảng. Đặc biệt Nguyễn Tấn Dũng đã biết lợi dụng việc chỉ huy các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thành chỗ nuôi vây cánh; đồng thời dùng các dự án xây dựng các hạ tầng cơ sở, các khu công nghiệp và địa ốc do các nguồn tài trợ rất lớn mỗi năm hàng chục tỉ USD từ ODA và FDI để mua chuộc bọn tham quan ở các tỉnh và thành phố. Chỉ trong vài năm Nguyễn Tấn Dũng đã gây được thế lực rất mạnh ngay trong Trung ương đảng. Chả thế ông đã dám cho con trai còn rất trẻ nhảy vào Trung ương đảng rồi nắm ghế Thứ trưởng bộ Xây dựng, con gái giữ vai giám đốc một công ti chứng khoán và địa ốc với sự hậu thuẫn của một ngân hàng quốc doanh rất lớn và người con trai út làm Ủy viên Trung ương Đoàn Thanh niên CSHCM. (2)
Tính tham lam vô độ và thủ đoạn nham hiểm của ông Dũng làm chính bản thân ông Trọng đã trải qua nhiều kinh nghiệm đau đớn trong các năm sau này, khi ông thất bại liên tiếp một số lần trong việc buộc tội ông Dũng phải chịu trách nhiệm trong vụ Vinashin làm ăn thất thoát trên 86.000 tỉ đồng (4,5 tỉ USD) vào 2010. Mặc dù Bộ chính trị đã có “Kết luận” ngày 6.8.2010:
“Vinashin đang gặp nhiều khó khăn rất lớn, bộc lộ nhiều yếu kém, sai phạm nghiêm trọng…Tình hình tài chính đứng trước bờ vực phá sản: Theo số liệu ban đầu, ước tính dư nợ hiện đang rất lớn, lên tới khoảng 86.000 tỉ đồng” (3)
Khi đó Bộ chính trị còn nêu đích danh Chính phủ phải chịu trách nhiệm. Và chính ông Trọng khi đó đã sử dụng tư cách Chủ tịch Quốc hội bắt Nguyễn Tấn Dũng phải ra điều trần và nhận trách nhiệm 24.11.2010 (xem phần sau). Nhưng sau đó vì muốn nhẩy lên ghế Tổng bí thư, nên ông Trọng đã phải tạm thời chấp nhận thỏa hiệp ra một “Kết luận” mới của Bộ chính trị theo cách hòa cả làng và tha bổng Nguyễn Tấn Dũng. Thật vậy, chỉ ba tháng sau Bộ chính trị lại ra“Kết luận” ngày 8.11.2010:
“Căn cứ kết quả kiểm phiếu và theo quy định của Điều lệ đảng, Bộ Chính trị đã quyết định không xử lý kỷ luật đối với các tập thể và cá nhân.” (4)
Tuy nhiên, ông Trọng không thể bỏ qua việc này, nên sau khi nắm chức Tổng bí thư ông bắt tay ngay vào việc tìm cách chấm dứt tình trạng một vua một chúa. Vì ông lạc quan tin rằng, nay với vai trò Tổng bí thư ông sẽ có đủ uy lực giải quyết thành công trong việc này. Cho nên khẩu hiệu trung tâm của HNTU 4 là “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng đảng hiện nay”. Trong diễn văn khai mạc ngày 26.11.11 Nguyễn Phú Trọng báo động:
“Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ tham nhũng, lãng phí, hư hỏng trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả ở cấp cao, chưa được đẩy lùi mà thậm chí ngày càng có chiều hướng nghiêm trọng hơn, làm xói mòn lòng tin đối với đảng. Vướng mắc chính là ở chỗ nào?” (5)
5 ngày sau trong diễn văn bế mạc ngày 31.12.11 ông Trọng cảnh báo và đe dọa Trung ương đảng về tình trạng chia bè phái trong đảng:
“Nếu đảng ta không thật vững vàng về chính trị, tư tưởng; không thống nhất cao về ý chí, hành động; không trong sạch về đạo đức, lối sống; không chặt chẽ về tổ chức; không được nhân dân ủng hộ, thì không thể đứng vững và đủ sức lãnh đạo đưa đất nước đi lên.” (6)
Và ông Trọng tin rằng, giải pháp tự phê bình và phê bình (TPB&PB) là vũ khí sắc bén nhất để làm sạch đảng, và chờ đợi những người có quyền lực cao nhất phải đi đầu làm gương:
“Ở đây, sự gương mẫu của Trung ương là cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định. Từng đồng chí Uỷ viên Trung ương đảng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư tự giác, gương mẫu làm trước; tự phê bình, kiểm điểm, nhìn lại mình; cái gì tốt thì phát huy, cái gì xấu thì tự gột rửa; tránh xa mọi cám dỗ về danh lợi, vật chất, tiền tài; tránh rơi vào vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân ích kỷ tệ hại.” (7)
Từ các nhận định trên HNTU 4 đã ra Nghị quyết đề ra ba mục tiêu, trong đó mục tiêu đầu tiên coi thanh lọc hàng ngũ trong đảng là công việc cấp bách nhất!:
“Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và nhân dân đối với đảng.” (8)
Đồng thời đưa ra ”4 nhóm giải pháp”, trong đó “nhóm giải pháp tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong gương mẫu của cấp trên và của người đứng đầu là giải pháp quan trọng nhất.” (9)
Vì tha hóa đạo đức, lối sống ích kỉ nên tệ trạng tham nhũng đã bộc pháp ngày càng bất trị. Do đó trong HNTU 4 ông Trọng đã xếp việc chống tham nhũng lên hàng đầu cần phải giải quyết. Đây là vấn đề bức xúc nhất trong xã hội mà cả trong đảng ngoài dân đâu đâu cũng ca thán. Ông chọn đúng mục tiêu đánh phù hợp với mong mỏi của quần chúng, nhưng không phải là diệt tham nhũng thực sự. Vì nếu quả thực như thế thì ông Trọng đâu có đòi giữ độc quyền cho đảng và vẫn để doanh nghiệp Nhà nước làm chủ đạo trong kinh tế. Bởi vì ông thừa biết chính hai cơ chế này là nguồn gốc của tham nhũng, mua chức chạy quyền. Nhưng ông Trọng vẫn giữ nguyên nó trong Cương lĩnh Chính trị 2011 mà chính ông là tác giả, mặc dù rất nhiều trí thức, văn nghệ sĩ và cả nhiều cán bộ cấp cao đã can gián và chống đối. (10)
Do đó tại HNTU 4 khi giương cao ngọn cờ chống tham nhũng ông Trọng chỉ muốn gây thanh thế, dùng áp lực của dư luận để hạ Nguyễn Tấn Dũng, vừa là Thủ tướng và kiêm Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng. Đó là kế sách mượn gió bẻ măng, giương đông kích tây của Nguyễn Phú Trọng. Chủ tâm này thể hiện càng rõ trong các việc làm tiếp theo của ông.
Sau khi phất cao ngọn cờ “chống tham nhũng” trong HNTU 4, chỉ hai tháng sau Nguyễn Phú Trọng cho tổ chức Hội nghị Cán bộ toàn quốc với sự tham dự của trên 1000 cán bộ cao cấp kéo dài ba ngày từ 27. tới 29.2.12. Ông Trọng hãnh diện bảo đó là hội nghị lớn nhất từ trước tới nay của ĐCSVN. Tại đây ông dùng khẩu khí và ngôn ngữ điêu luyện của người đã từng mấy chục năm cầm đầu công tác tư tưởng và tuyên truyền để tìm cách đánh động lòng người, đi sâu vào tâm trạng của đảng viên, mong mở ra một cuộc chiến tranh tâm lí có lợi nhất cho mình. Vì thế trong diễn văn dài trên 12.000 chữ, ngay trong phần đầu nói về “bản thân đảng” ông Trọng đã dùng cách tả chân nhằm gây xúc động cho trên một ngàn cán bộ cao cấp cũng như nhân dân biết rõ mức cách biệt giầu nghèo và phân chia giai cấp sâu sắc ngay trong nội bộ đảng hơn 60 năm cầm quyền của chính ĐCS, và đặt câu hỏi làm liên tưởng tới thời kì đảng chống địa chủ, phú hào trước đây hơn nửa thế kỉ:
“Bây giờ trong đảng cũng có sự phân hóa giàu-nghèo, có những người giàu lên rất nhanh, cuộc sống cách xa người lao động; liệu rồi người giàu có nghĩ giống người nghèo không?” (11)
Thế rồi để tỏ ra là người dù đang nắm chức cao nhất nhưng vẫn giữ tấm lòng vô sản chân chính so với nhiều đại quan đã trở thành triệu phú Dollar, sống trong biệt thự và nhung lụa, ông Trọng còn tự đắc nhắc câu của L. Feuerbach: “Người sống trong lâu đài nghĩ khác người ở trong nhà tranh… Rồi ông lại mỉa mai và đe dọa, Mai kia đảng này sẽ là đảng của ai?” (12)
Sau khi khơi dậy tâm lí căm thù, ông Trọng đã tuyên bố phát động phong trào "tự phê bình và phê bình" rộng lớn trong toàn đảng vào thời gian tới. Ai sẽ là đối tượng của phong trào chỉnh đảng đã được ông Trọng nói rõ trong phần cuối diễn văn. Đó chính đối thủ chính trị vẫn ngồi cạnh ông, dù bất lực nhưng lại chỉ lo thu vén cho gia đình:
“Cán bộ lãnh đạo…, đặc biệt là người đứng đầu“, “phải tự giác, gương mẫu làm trước”, “tự kiểm điểm, soi lại mình, đơn vị mình, gia đình mình“. (13)
Trong nguyên bản của diễn văn này chỉ ba chữ “gia đình mình” đã cố tình cho in đậm nét. Như thế người cầm đầu chế độ và tác giả của diễn văn này đã muốn chiếu tướng ai, đe dọa ai trong phong trào "tự phê bình và phê bình" vào các tuần tới thì ai cũng hiểu được! Như vậy ông Trọng đã cho mọi người biết lời giải đáp ông đã nêu ra trong diễn văn bế mạc HNTU 4: “Vướng mắc chính là ở chỗ nào?”
Trong việc chống tham nhũng và sự suy thoái đạo đức của cán bộ Nguyễn Phú Trọng tin rằng, chỉ thanh toán một số cán bộ ăn bẩn thì tự nhiên đảng sẽ sạch và chế độ sẽ vững. Thật vậy như trình bày ở phần trên, ông Trọng đã nhấn mạnh nhiều lần trong diễn văn, chống tham nhũng và chỉnh đốn đảng không phải là giải tán ĐCS, mà chính là củng cố sự lãnh đạo toàn diện của đảng này:
“Thực tế ở nước ta cho thấy, càng đi vào đổi mới, đi vào phát triển kinh tế thị trường, mở cửa, hội nhập lại càng cần phải có sự lãnh đạo của đảng”. (14)
Và ông Trọng vẫn tự đắc quả quyết, ”sự lãnh đạo đúng đắn của đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng VN “và ngạo mạn nhấn mạnh thêm” trước kia đã như vậy, hiện nay đang như vậy và sau này cũng sẽ như vậy”. (15)
Các nhận định trên cho thấy, Nguyễn Phú Trọng vẫn để tư tưởng cực kì bảo thủ và lạc hậu làm kim chỉ đạo hành động. Ông vẫn tin chủ nghĩa tư bản sẽ đến ngày dẫy chết: “Những mâu thuẫn vốn có của chủ nghĩa tư bản chẳng những không giải quyết được mà ngày càng trở nên sâu sắc” (16). Và vẫn tin rằng, chủ nghĩa Tư bản không chống lại được sức mạnh của “ba dòng thác cách mạng”, một học thuyết tuyên truyền của Liên xô (cũ) và CS Trung quốc từ các thập niên 50, 60 của thế kỉ trước:
“Cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản, giữa phong trào hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội với các thế lực đế quốc cực đoan, hiếu chiến đang diễn ra dưới nhiều hình thức, sắc thái mới, rất quyết liệt.” (17)
Mặc dầu đứng đầu chế độ vào đầu Thế kỉ 21, nhưng tư duy của ông Trọng vẫn thụt lùi và đóng khung như thời kì giữa Thế kỉ 20. Cho nên – như trong phần I đã trình bày – cũng trong dịp này đứng trước trên 1000 cán bộ cao cấp, Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh tới cái gương của ĐCS Trung quốc:
“đảng Cộng sản Trung quốc trong cải cách, mở cửa cũng luôn luôn khẳng định dứt khoát phải kiên trì vai trò lãnh đạo của đảng Cộng sản, và trong những lần trao đổi với chúng ta, BẠN thường nhấn mạnh không để bị “Tây hóa”, “tha hóa”, “thoái hóa”.” (18)
Như vậy thâm ý của Nguyễn Phú Trọng qua phong trào chỉnh đảng là nhằm hai mục tiêu, đó là loại trừ đối thủ chính trị ở cấp cao nhất và nhân danh đảng để mở rộng quyền thống soái cho chính ông và vây cánh cho giai đoạn về sau này. Vì thế ông còn tập trung mũi tấn công cả trong thành phần đảng viên tiến bộ và trong hàng ngũ thanh niên, trí thức, văn nghệ sĩ yêu nước. Ông Trọng đã kết tội các đảng viên tiến bộ là những người đã “sám hối”, “trở cờ”, “tự diễn biến”. Còn cuộc vận động dân chủ của các tầng lớp nhân dân thì Nguyễn Phú Trọng khinh khỉnh, gọi là “diễn biến hòa bình”.(19)
Cho tới lúc đó Nguyễn Phú Trọng vẫn đinh ninh rằng, ông có thể chỉ cần dựa vào thành phần bảo thủ, mà ông tin là vẫn còn nắm chủ động trong đảng, và tận dụng sức mạnh của hệ thống báo chí mà phe ông đang nắm giữ thì có thể tạo một dư luận áp đảo cô lập và loại trừ được vài đối thủ chính trị ở cấp cao, đặc biệt là Nguyễn Tấn Dũng. Cho nên ông đã lạc quan cho là, Hội nghị Cán bộ toàn quốc cuối tháng 2.12 đã tạo được một tâm lí hồ hởi và hi vọng cả trong đảng lẫn ngoài xã hội ủng hộ cuộc chỉnh đảng của ông.
Điều này làm ông Trọng đã tự tin và mạnh dạn đi thêm một bước. Cho nên tại HNTU 5 (7-15.5.12) ông đã thành công trong việc tước một phần quyền của Nguyễn Tấn Dũng bằng cách chấm dứt nhiệm vụ của ông Dũng trong chức Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng. (20) Nhưng thay vì biết lắng nghe ý kiến của nhiều giới khuyên nên để cho Ban mới này được độc lập để chống tham nhũng hữu hiệu, Nguyễn Phú Trọng đã nhân cơ hội này thừa thắng giành cầm đầu Trưởng ban mới và tái lập Ban nội chính Trung ương để giúp ông trong việc này, đồng thời ép Quốc hội ra một đạo luật chống tham nhũng mới nửa người nửa ngợm. [xem phần III]. Không những thế, trong HNTU 5 Nguyễn Phú Trọng còn chính thức cho khai triển giải pháp TPB&PB được ông coi nó là phương pháp hữu hiệu trong việc làm sạch đảng và còn hồ hởi quyết định để Bộ chính trị và BBT đi tiên phong trong việc này.
Chỉ ba tháng sau Nguyễn Phú Trọng lại cho triệu tập Hội nghị Cán bộ toàn quốc mới (13.8.12) để hồ hởi tường thuật phương pháp và kết quả ông đã thực hiện bắt các Ủy viên Bộ chính trị và Ban bí thư trong nhiều đợt đã TPB&PT suốt 21 ngày trong hai tháng 7 và 8. (21) Tại Hội nghị này Nguyễn Phú Trọng còn tìm cách siết kỉ luật và linh thiêng hóa cuộc chỉnh đảng do ông lãnh đạo, bằng cách lên giọng ra chỉ thị ”toàn đảng đang bước vào thời kì rất thiêng liêng và hệ trọng”. (22) Tuy là người vô thần, nhưng Nguyễn Phú Trọng vẫn phải dùng từ “linh thiêng” để mong đánh động tâm lí và uy hiếp tinh thần cán bộ, đặc biệt bọn tham quan ở các vị trí then chốt. Vì ông nắm bắt được tâm lí của cán bộ tham nhũng các cấp đi lễ thần thánh để cầu tài, cầu quan nườm nượp về đền Trần vào đầu mỗi năm, dùng cả xe công!
Với cách chuẩn bị và những bước đi bài bản như vậy nên Nguyễn Phú Trọng tin rằng, thời gian đã chín mùi cho việc hạ bệ đối thủ trong đảng. Vì thế ông đã cho tổ chức HNTU 6 và tin rằng, nó sẽ là cao điểm chiến thắng chính trị của ông. Hội nghị kéo dài suốt 15 ngày từ 1. tới 15.10.12 và được coi là một trong vài hội nghị dài nhất từ trước tới nay của ĐCS. (23) Một trong những trọng tâm chính của HNTU 6 là Bộ chính trị công bố kết quả TPB&PB trong hai tháng 7 và 8 và để Trung ương “thảo luận và cho ý kiến về kết quả kiểm điểm tự phê bình và phê bình của tập thể và cá nhân Bộ chính trị, Ban bí thư.” Chỉ riêng đề tài này đã chiếm trọn 1/3 thời gian của HNTU 6.
Trong HNTU 6 ông Trọng đã vạch ra những sai lầm và thất bại trong lãnh vực kinh tế, tài chánh của Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng:
“Áp lực lạm phát và bất ổn vĩ mô vẫn còn lớn. Thị trường tiền tệ diễn biến phức tạp; nợ xấu ngân hàng ở mức cao; tăng trưởng tín dụng thấp; hoạt động của một số ngân hàng thương mại cổ phần thiếu minh bạch, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; lãi suất ngân hàng vẫn còn quá cao so với hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán vẫn chưa được cải thiện; thị trường vàng còn nhiều biến động. Các đề án tái cấu trúc đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng thương mại còn có nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện”.(24)
Không chỉ kết án những sai lầm và thất bại của người cầm đầu Chính phủ, Nguyễn Phú Trọng còn kết tội sự tha hóa đạo đức, tinh thần vô trách nhiệm và suy tính ích kỉ, gia đình và phe nhóm của ngay nhiều cán bộ cao cấp đương quyền. Tuy không nêu trực tiếp tên người cầm đầu Chính phủ, nhưng đoạn dưới đây trong diễn văn bế mạc của Nguyễn Phú Trọng đã cho thấy ông Dũng là trọng tâm trong tầm bắn của ông Trọng:
“Việc một số cán bộ cao cấp (cả đương chức và nguyên chức) có lúc, có việc còn biểu hiện chưa gương mẫu về đạo đức, lối sống của bản thân và gia đình, nói không đi đôi với làm, đã làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của các cơ quan lãnh đạo đảng, Nhà nước và bản thân các đồng chí đó. Chưa tập trung chỉ đạo làm rõ, đánh giá đầy đủ thực chất tình hình để kịp thời có biện pháp kiên quyết khắc phục một số tiêu cực (như chạy chức, chạy quyền, chạy tội… ) và một số trường hợp phân công, đề bạt cán bộ chưa chính xác, chưa được dư luận đồng tình. Trong việc chỉ đạo tổ chức thực hiện các nghị quyết và kết luận của Trung ương, nhất là về doanh nghiệp nhà nước, còn lúng túng, buông lỏng; kiểm tra, giám sát không chặt chẽ, dẫn đến một số tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước (điển hình là Vinashin, Vinalines) hoạt động kém hiệu quả, có nhiều sai phạm, gây tổn thất lớn, để lại hậu quả hết sức nghiêm trọng. Một số hạn chế, khuyết điểm, chưa được làm rõ thực chất, mức độ, địa chỉ cụ thể, ai phải chịu trách nhiệm, như tình trạng chạy chức, chạy quyền, lợi ích nhóm… “ (25)
Mặc dầu đem tất cả uy tín để tấn công dồn dập và mạnh bạo như vậy, nhưng vào ngày cuối vớiđa số rất lớn HNTU 6 đã bác bỏ đòi hỏi phải có biện pháp kỉ luật với Nguyễn Tấn Dũng. Chính việc này ông Trọng phải nhìn nhận. Vào cuối Hội nghị trong tư cách đứng đầu Bộ chính trị, ông đã yêu cầu Banh chấp hành Trung ương quyết định kỉ luật với Bộ chính trị, đặc biệt là“một đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị”:
“Bộ Chính trị đã thống nhất 100% đề nghị Ban Chấp hành Trung ương cho được nhận một hình thức kỷ luật và xem xét kỷ luật đối với một đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị.” (26)
Tuy ông Trọng không nói tên ra, nhưng người mà ông đã từ lâu muốn ra tay trừng trị là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nhưng thật là bất ngờ cho Nguyễn Phú Trọng, đa số ủy viên Trung ương đảng đã bác bỏ lời yêu cầu của Nguyễn Phú Trọng:
“Về việc đề nghị xem xét kỷ luật, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận rất kỹ, cân nhắc toàn diện các mặt ở thời điểm hiện nay và đi đến quyết định không thi hành kỷ luật đối với tập thể Bộ Chính trị và một đồng chí trong Bộ Chính trị” (27)
Những người am hiểu tình hình ĐCS cho biết, đây là lần tiên Trung ương đảng đã dám chống cả Tổng bí thư lẫn Bộ chính trị. Như thế sẽ hiểu được tại sao, qua màn ảnh truyền hình, khi đọc tới đoạn trên Nguyễn Phú Trọng đã “nghẹn ngào” như muốn khóc. Giữa khi ấy Nguyễn Tấn Dũng ngồi ở hàng đầu lại nheo mắt cười mũi. (28)
Trong đảng và ngoài xã hội đều biết sau
hơn 6 năm cầm đầu chính phủ, Nguyễn Tấn
Dũng là Thủ tướng tồi tệ về tư cách,
thất bại trong các lãnh vực kinh tế tài
chánh, chỉ lo thu vén cho gia đình và
xây dựng bè nhóm. Giữa tháng 1 vừa qua
phía Chính phủ đã phải nhìn nhận, chỉ
riêng lãnh vực các tập đoàn và tổng công
ti Nhà nước dưới quyền chỉ tuy của
Nguyễn Tấn Dũng đã tạo ra món nợ khủng
khiếp lên tới 60 tỉ USD, tức khoảng trên
một nửa ngân sách quốc gia trong năm
qua. ([29])
Không những thế, it nhất ông Dũng đã hai
lần lừa đối Quốc hội, nhân dân và đảng
viên với những lời hứa nhận trách nhiệm
về những sai lầm và thất bại trong việc
lãnh đạo các doanh nghiệp Nhà nước các
năm vừa qua. Lần thứ nhất, trong vụ
Vinashin, ngày 24.11.2010… trong tư cách
là Thủ tướng, ông Dũng đã công khai xin
lỗi:
“Là người đứng đầu Chính phủ, tôi
xin nhận trách nhiệm về những hạn chế
yếu kém nêu trên của Chính phủ.” (30)
Và ông Dũng còn long trọng hứa trước Quốc hội:
“Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình là phải thực hiện tốt nhất chức trách nhiệm vụ được giao, tập trung sức thực hiện có kết quả Kết luận chỉ đạo của Bộ Chính trị.” [31]
Nhưng chỉ một năm sau (8.12.11) Nguyễn Tấn Dũng đã phủ nhận lời xin lỗi và nhận trách nhiệm của mình:
“Xảy ra chuyện như Vinashin, cuối cùng Thủ tướng đứng ra nhận trách nhiệm. Tôi nhận trách nhiệm chính trị với tư cách người đứng đầu Chính phủ, chứ tôi cũng không ra quyết định nào sai”. (32)
Lần thứ hai là trong dịp cao điểm của phong trào chỉnh đảng với TPB&PB mới đây. Ngày 22.10.12 ông Dũng cũng ra Quốc hội xin lỗi:
“Với trọng trách là Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, tôi nghiêm túc nhận trách nhiệm chính trị lớn của người đứng đầu Chính phủ và xin thành thật nhận lỗi trước Quốc hội, trước toàn đảng, toàn dân về tất cả những yếu kém, khuyết điểm của Chính phủ trong lãnh đạo, quản lý, điều hành, nhất là những yếu kém, khuyết điểm trong kiểm tra, giám sát hoạt động của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; một số tập đoàn, tổng công ty, điển hình là Vinashin, Vinalines, sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, có nhiều sai phạm, gây tổn thất và hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt, ảnh hưởng lớn đến uy tín và vai trò của kinh tế nhà nước.” (33)
Nhưng chỉ 3 tuần sau, ngày 14.11.12 Nguyễn Tấn Dũng đã phủ nhận trách nhiệm cá nhân và đổ lỗi cho tập thể Bộ chính trị và cho đảng:
“đảng lãnh đạo trực tiếp tôi, hiểu rõ về tôi, đảng ta là đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và toàn xã hội. đảng đã phân công tôi tiếp tục làm nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội bỏ phiếu bầu tôi làm Thủ tướng Chính phủ thì tôi sẵn sàng chấp nhận và hoàn thành nghiêm túc mọi quyết định của đảng, của Quốc hội”.(34)
Hai lần xin lỗi, rồi hai lần phủ nhận lời xin lỗi của mình, qua đó ông Dũng đã tự bộc lộ bản chất tráo trở, không còn biết tự trọng của một người cầm đầu chính phủ!
Chính vì thế, thất bại thê thảm của Nguyễn Phú Trọng trong việc không thuyết phục được Trung ương đảng ra kỉ luật với Nguyễn Tấn Dũng trong HNTU 6 đã làm bất bình và thất vọng rất lớn trong thành phần đảng viên. Trong cuộc tiếp xúc cử tri ở Hà nội vào 1.12.12 Nguyễn Phú Trọng đã phải nghe lời trách móc của TS Trần Viết Hoàn, nguyên giám đốc khu di tích Bác Hồ tại Phủ chủ tịch:
“Dân chúng tôi căm giận những người tham nhũng, quan liêu đến cực điểm, nên dân chúng tôi lo cho nghị quyết trung ương 4 của đảng, lo cho Luật phòng chống tham nhũng, nếu làm không kiên quyết, không triệt để thì nó lại về như cũ mà còn tồi tệ hơn. Việc phê bình, tự phê bình vừa qua gần như hòa cả làng. Gần như không thấy ai tốt, ai xấu, chẳng thấy bộ phận không nhỏ suy thoái đâu cả. Trên các văn bản vẫn là những điệp khúc muôn thuở.” (35)
***
Câu hỏi ở đây là, tại sao Nguyễn Tấn Dũng đã đi vào những sai lầm và thất bại nghiêm trọng như vậy, nhưng Nguyễn Phú Trọng vẫn bị Nguyễn Tấn Dũng quật ngược lại ngay tại HNTU 6?
Sau ba HNTU và hai Hội nghị Cán bộ toàn quốc với nhiều thủ đoạn khác nhau, nhưng ông Trọng vẫn không thuyết phục được các Ủy viên Trung ương đứng về phía mình, ngược lại đa số rất lớn trong Trung ương đảng đã từ chối yêu cầu thi hành kỉ luật với ông Dũng. Sự kiện rõ ràng nhất là các ủy viên trong Bộ chính trị vài khóa về sau này đều như cá mè một lứa, không một nhân vật nào có uy tín và khả năng trội bật, chỉ là sống lâu lên lão làng và biết nhịn, biết nín! Nguyễn Phú Trọng cũng ở trong trường hợp này. Vì trong cuộc họp báo đầu tiên trong tư cách tân Tổng bí thư ông đã xác nhận cho tới ngày chót vẫn chưa biết ai sẽ làm Tổng bí thư. ([36])
Cả trong cuộc bầu các Ủy viên Trung ương và Bộ chính trị khóa 11 ông Trọng cũng đạt được số phiếu rất thấp. Nhiều đảng viên không tin vào khả năng của ông Trọng là có cơ sở. Vì suốt gần hai thập niên có chân trong Bộ chính trị, trước khi nắm chức Tổng bí thư ông Trọng đã đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng, từ Bí thư Thành ủy Hà nội, Trưởng ban Tư tưởng trung ương (nay là Ban Tuyên giáo), Chủ tịch Hội đồng lí luận trung ương và Chủ tịch Quốc hội. Nhưng trong tất cả các chức vụ quan trọng này ông Trọng đã không tạo được một thành tích đặc biệt nào. Trái lại, tuy bề ngoài giữ phong độ giản dị, nhưng ông đã để lại các ấn tượng rất xấu trong đảng cũng như ngoài xã hội về lập trường chính trị của ông: Nguyễn Phú Trọng là người CS cực kì giáo điều, rất thần phục Bắc kinh, đàn áp trí thức và coi thường nhân dân! Như vậy, ngoài uy tín thấp, ông Trọng lại chỉ tin vào cánh bảo thủ trong Đảng và mạt sát đảng viên tiến bộ, một bộ phận ngày càng lớn mạnh.
Sự thất bại thê thảm của Nguyễn Phú Trọng trong HNTU 6 chứng minh rằng, ông Trọng đã rất chủ quan và thiếu tầm nhìn, không thấy được hai việc:
1. Chủ trương duy trì độc đảng đồng thời để Kinh tế thị trường định hướng XHCN với việc để cho các tập đoàn và tổng công ti nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong hai thập niên vừa qua, nhất là dưới thời Nguyễn Tấn Dũng, khiến cho bọn tham quan như cá gặp nước tự do vùng vẫy. Vì thế bọn tham quan đã chiếm ưu thế ngay trong Trung ương đảng, từ các cơ quan then chốt trong đảng, các bộ trong chính phủ tới các cơ quan thành ủy, tỉnh ủy cả nước. Do đó trong HNTU 6 họ đã bảo vệ nhau và gạt yêu cầu kỉ luật với Nguyễn Tấn Dũng.
2. Trong tình hình như vậy thì giải pháp TPB&PT mà ông Trọng tin tưởng và thực hiện trong thời gian qua chỉ như cách gãi ghẻ đối với bọn tham quan. Nay ông Trọng – ví như một bác sĩ phải nhìn thấy rằng, lần này món thuốc TPB&PB được ông coi là thần dược dù đã được ông cho con bệnh dùng liều lượng tới mức tối đa (qua việc các ủy viên trong Bộ chính trị và BBT phải trải qua mấy tuần và nhiều đợt TPB&PB, các Hội nghị Cán bộ toàn quốc và các HNTU), nhưng cuối cùng bệnh còn trầm trọng hơn. Chính vì thế Nguyễn Phú Trọng đã tâm sự về nỗi sợ hãi bị bọn tham quan trả thù: “kỷ luật mà không tính kỹ thì lại rối, mai kia là ân oán, thù hằn, đối phó, thành phe phái, rối nội bộ.”(37) Lời nhìn nhận thất bại của người cầm đầu chế độ toàn trị đã cho thấy, sức mạnh của quyền – tiền đã đốt cháy đạo đức, bán đứng lương tâm; lợi ích nhóm và nạn sứ quân đang tung hoành ngay trong các cơ quan đầu não của chế độ toàn trị!
Chính vì vậy, những lời thề sắt đá “linh thiêng”, “hệ trọng” kèm theo những lời đe dọa đanh thép suốt từ HNTU 4 (12.2011) tới HNTU 5 (5.12), rồi hai Hội nghị Cán bộ toàn quốc (2.12 và 8.12) và cả những cuộc họp TPB&PT ở các cấp cao nhất là Bộ chính trị và Ban bí thư kéo dài mấy tuần lễ kèm cả chồng hồ sơ dầy mấy trăm trang vạch tội bọn quan tham nhũng, bất tài, vô trách nhiệm và chỉ biết lo thu vén gia đình-đứng đầu là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cuối cùng không làm ai sợ và cũng chẳng thuyết phục được đa số trong Trung ương đảng. Vì thế HNTU 6 (10.12) phải coi là một cao điểm thất bại nghiêm trọng trong việc chỉnh đảng của Nguyễn Phú Trọng sau hai năm làm Tổng bí thư! Nó hoàn toàn đi ngược lại những kì vọng của Nguyễn Phú Trọng đã tuyên bố trong ngày bế mạc HNTU 4 (31.12.2011):
“Nếu đảng ta không thật vững vàng về chính trị, tư tưởng; không thống nhất cao về ý chí, hành động; không trong sạch về đạo đức, lối sống; không chặt chẽ về tổ chức; không được nhân dân ủng hộ, thì không thể đứng vững và đủ sức lãnh đạo đưa đất nước đi lên.” (38)
Vì thế, thay vì tiến tới đoàn kết, thống nhất trong đảng, sự kình chống lẫn nhau ngay trong Bộ chính trị đã tới mức không còn coi nhau ra gì và công khai tấn công và chửi bới lẫn nhau. Vì thất bại đau đớn, bị phe của ông Thủ lột mặt nạ ngay tại HNTU 6 khiến ông Trọng trở thành Tổng ngố. Cho nên chỉ vài ngày sau HNTU 6 ông Trọng đã hằn học đe dọa ”chưa phải là xong”. Còn Chủ tịch nước đã nhạo báng gọi Nguyễn Tấn Dũng là “đồng chí X” và khuyên ông Dũng “không đủ uy tín thì nghỉ, ở làm gì nữa” và còn thách đố “Nếu chúng ta hèn nhát thì làm đơn gửi cho đảng chúng ta nghỉ, chúng ta rút lui đi để cho những người dũng cảm làm việc”. (39)
Hiện nay tình trạng sứ quân, một triều đình có hai vua nhiều chúa đã trở thành công khai. Sau khi cho nổi lửa cao ngất trời như hỏa diệm sơn nhưng chẳng thiêu được quan tham nào và bị tắt ngóm trong HNTU 6, nay phe ông Trọng đang tự an ủi đi kiếm củi để “nhóm lò”lại. ([40]) Như ông đã mời Bí thư tỉnh ủy Đà nẵng Nguyễn Bá Thanh – người nổi tiếng được coi là dám nói dám làm (?) – ra Hà nội làm Trưởng ban Nội chính trung ương, một Ban vừa được tái lập để giúp Nguyễn Phú Trọng trong công tác chống tham nhũng. ([41]) Nhưng ông Thanh chưa ngồi nóng ghế Trưởng ban mới thì giữa lúc ông Trọng thăm Âu châu, Nguyễn Tấn Dũng đã vội vã tố cáo công khai Thành ủy Đà nẵng dưới thời của Nguyễn Bá Thanh đã có những sai lầm trong chính sách đất đai và gây thiệt hại cho công quĩ cả hàng ngàn tỉ đồng ([42]). Qua đó cho thấy, ông Dũng đã công khai coi thường người cầm đầu chế độ, tìm cách bẽ gẫy những quyết định và tính toán của ông Trọng. Giữa khi đó trong cuộc phỏng vấn đầu năm, khi hỏi về thất bại trong việc thực thi Nghị quyết Trung ương 4 mà cao điểm là HNTU 6, Trương Tấn Sang nay bảo là, “không lùi bước, không thể không làm “và “không nên chán nản!” (43)
Như vậy thật là rõ ràng, toàn đảng và nhân dân đang chứng kiến tận mắt từng ngày những người có quyền lực cao nhất, đứng đầu là Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng, đang xô đẩy đảng và Chính phủ chống lẫn nhau rất kịch liệt. Thay vì tập trung tâm trí và sức lực vào việc giải quyết những khó khăn kinh tế, canh tân đất nước, tạo ấm no hạnh phúc cho nhân dân, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trước sự thôn tính của Bắc kinh thì họ lại đang dùng tiền bạc của nhân dân qua tiền đóng thuế và lợi dụng các cơ quan nhà nước để lập phe nhóm chống đối và thanh toán lẫn nhau rất tàn bạo và tồi tệ!
Âu
Dương Thệ
25.1.2013
Ghi chú:
[1] Cộng sản (CS) 26 và 31.12.2011, Thông cáo HNTU 4 xem Tạp chí CS 1.2012
[2] BBC 3.11, 11.11 và 24.11.11
[3] Chính phủ điện tử (CP) 8.8.2010, Cùng tác giả:Tự tha bổng về những sai trái cực kì nghiêm trọng trong vụ Vinashin:http://www.dcpt.org/thoisu/baithoisu2011/vinashin.htm#_edn2
[4] Báo cáo Chính phủ 21.3. 2011
[5] Nguyễn Phú Trọng, diễn văn khai mạc HNTU 4, CS 26.12.11
[6] Nguyễn Phú Trọng diễn văn bế mạc HNTU 4, CS 31.12.11
[7] Tương tự (tt)
[8] Tạp chí Xây dựng đảng (TCXDĐ), 21.1.13
[9] tt
[10] Cùng tác giả:Trước đêm tối của Đại Hội 11các cựu lãnh đạo, cán bộ cao cấp và chuyên viên hàng đầu nghĩ gì về tư cách và năng lực của nhóm cầm đầu? http://www.dcpt.org/thoisu/baithoisu2011/daihoi11.htm
[11] Nguyễn Phú Trọng, diễn văn khai mạc Hội nghị Cán bộ toàn quốc 27.2.12
[12] Như trên
[13] tt
[14] tt
[15] tt
[16] tt
[17] tt
[18] tt
[19] tt
[20] Thông báo HNTU 5 và diễn văn của Nguyễn Phú Trọng, trong Tạp chí CS 6.12
[22] tt
[23] Thông cáo HNTU 6, Tạp chí CS 11.12
[24] Nguyễn Phú Trọng diễn văn bế mạc,CS 15.10.12 & Tạp chí CS 11.12
[25] tt
[26] tt
[27] tt
[28] Đài truyền hình VN 15.10.12
[29] BBC 16.1.13.
[31] tt
[32] Vietnamnet 8.12.11