NGƯỜI VIỆT

31-5-22

Bao giờ người dân Việt được làm chủ đất?

Hiếu Chân

Đất đai ở Việt Nam là một câu chuyện không có hồi kết, và yêu cầu trả lại quyền chủ đất cho người dân lại đang nóng lên sau khi hội nghị của đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) mới đây vẫn cương quyết khẳng định nhà nước nắm giữ quyền sở hữu đất.

Mới đây, hôm 30 Tháng Năm, nhân dịp Quốc Hội (bù nhìn) của Việt Nam họp ở Hà Nội, tám tổ chức và vài chục cá nhân các nhà khoa học, nghệ sĩ, thường dân đã gửi tới kỳ họp bản “Kiến nghị sửa đổi luật đất đai hiện hành” với mong muốn các ông bà nghị sẽ để mắt tới một vấn đề hệ trọng của đất nước, là cái gốc của tham nhũng và đang đẩy hàng chục ngàn gia đình vào chỗ khốn cùng.

Theo bản kiến nghị, cách đây gần 10 năm, nhiều cá nhân và tổ chức xã hội dân sự đã gửi Kiến Nghị 72 ngày 19 Tháng Giêng, 2013, nêu rõ yêu cầu đảng, chính phủ CSVN tôn trọng “quyền sở hữu tư nhân, tập thể, cộng đồng và nhà nước về đất đai.”

Trong suốt năm 2021, các tổ chức xã hội dân sự và cá nhân cũng đã công bố bốn kiến nghị về sửa đổi Luật Đất Đai, khẳng định mục tiêu của luật phải là xác nhận chế độ đa sở hữu (sở hữu nhà nước, sở hữu của các tổ chức và sở hữu cá nhân).

Bản kiến nghị lần này là lần thứ năm, ra đời sau khi Hội Nghị Trung Ương 5 của đảng CSVN hồi đầu tháng trước bàn luận về sửa đổi luật đất đai nhưng không thay đổi nội dung về quyền sở hữu đất mà vẫn giữ nguyên như hiện hành: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước thống nhất quản lý.”

Bản kiến nghị cho rằng nội dung “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” ghi trong Luật Đất Đai 2013 và được nhắc lại trong kết luận của Hội Nghị Trung Ương 5 là “mâu thuẫn căn bản” giữa “ý đảng” và “lòng dân,” “xung đột lợi ích nảy sinh trong thực tế giữa người dân với nhà nước và giữa người dân với các nhóm lợi ích lợi dụng nhà nước gây hậu quả ngày càng trầm trọng, làm suy giảm đến cạn kiệt niềm tin của người dân đối với đảng cầm quyền và hệ thống chính quyền.”

Để giảm bớt mâu thuẫn và xung đột đó, kiến nghị đưa ra 10 điểm đề nghị sửa đổi luật đất đai mà nội dung chính được tập trung ở bốn điểm đầu tiên: 1-Coi quyền sử dụng đất của người dân và tổ chức (kể cả tổ chức nhà nước) là quyền tài sản, được mua bán theo cơ chế thị trường, “thuận mua vừa bán.” 2-Bãi bỏ quy định nhà nước thu hồi đất và đền bù theo giá do cấp tỉnh quy định một cách tuỳ tiện cho mục đích phát triển kinh tế-xã hội đối với đất đai của người dân và các tổ chức đang có quyền sử dụng hợp pháp. 3-Nhà nước có quyền trưng mua quyền sử dụng đất của người dân và các tổ chức vì mục tiêu an ninh quốc phòng với giá thị trường. 4-Bãi bỏ quy định thời hạn về quyền sử dụng đất nông nghiệp đã được giao cho nông dân sử dụng theo luật đất đai hiện hành.

***

Thật đáng trân trọng thiện chí và sự kiên trì lên tiếng của những cá nhân và tổ chức xã hội dân sự ký tên trong kiến nghị, nhưng không hy vọng ý kiến xác đáng của họ sẽ được lắng nghe hoặc dẫn tới những sự thay đổi như mong muốn. Vì lẽ, quyền sở hữu đất đai nói riêng và quyền tư hữu nói chung là “điểm cốt tử,” không thể thay đổi, của thể chế Cộng Sản. Chừng nào đảng CSVN còn độc quyền cai trị, còn quyết tâm dẫn dắt xã hội đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa Cộng Sản thì quyền tư hữu tài sản vẫn chưa được công nhận và người dân vẫn chỉ là kẻ tạm cư trên đất đai do nhà nước sở hữu.

Chỗ khác nhau dễ thấy nhất giữa “quyền sở hữu” và “quyền sử dụng” đất đai là ở chỗ quyền sử dụng đất có thể bị truất bất cứ lúc nào trong khi quyền sở hữu thì khó có thể bị tước đoạt. Nếu người dân được quyền sở hữu ruộng đất thì khi người khác hoặc chính quyền muốn lấy đất ấy thì phải “thuận mua vừa bán.” Còn khi đất đai thuộc sở hữu toàn dân một cách chung chung và trừu tượng thì khi nhà nước – là chủ sở hữu – quyết định thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất thì người dân không thể kêu kiện vào đâu được. Hiện tượng hàng vạn người bị “cưỡng chế” phải từ bỏ đất đai, nhà cửa, mồ mả tổ tiên rồi đi khiếu nại từ năm này đến năm khác, vạ vật ở vườn hoa, lề đường là một trong những hệ lụy đau đớn của “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” ghi trong Luật Đất Đai từ năm 1980 đến năm 2013 mà nhiều người nói rất đúng là “luật ăn cướp.”

Luật Đất Đai ăn cướp như vậy mang lại cho đảng CSVN và chính quyền nhiều mối lợi rất lớn. Nguồn thu từ “chuyển nhượng quyền sử dụng đất” đóng góp từ 60% đến 80% ngân sách mà chính quyền các địa phương dùng để trả lương cho các bộ máy hành chính khổng lồ, từ bộ máy đảng, chính quyền đến đoàn thể và hội hè các kiểu. Quan chức chính quyền, câu kết với giới kinh doanh địa ốc, liên tục vẽ ra các dự án phát triển kinh tế-xã hội (xây khu dân cư, khu thương mại, khu công nghiệp) hoặc lập những bản đồ quy hoạch đè lên đất đai của người dân để tước đoạt đất đai của họ, lợi nhuận thu được một phần góp vào ngân sách nhà nước nhưng phần lớn rơi vào túi riêng của các quan tham, các nhà kinh doanh cá mập đất.

Mối lợi lớn như vậy làm cho đảng CSVN không bao giờ xem xét sửa đổi luật đất đai một cách nghiêm chỉnh, không công nhận quyền sở hữu đất đai của người dân như luật lệ của tất cả các nước khác trên thế giới cho dù có bao nhiêu kiến nghị đi nữa. Khi đảng CSVN nói tới sửa đổi luật đất đai là họ nhắm vào cái gọi là “quản lý và sử dụng đất đai” sao cho có hiệu quả, nghĩa là cướp được nhiều đất hơn, thu được nhiều tiền vào kho bạc nhà nước hơn và tạo điều kiện cho các quan chức của đảng tham nhũng nhiều hơn, hàng trăm hàng ngàn tỷ đồng mỗi người chứ không nhằm trả lại quyền sở hữu đất đai cho người dân.

***

Một lý do khác khiến cho đảng CSVN cương quyết nắm quyền sở hữu đất đai mà không bao giờ có ý định từ bỏ là vì đó là một nguyên lý của chủ nghĩa Cộng Sản, của thể chế chính trị độc đảng hiện hành. Theo nguyên lý của chủ nghĩa Cộng Sản thì đất đai là một thứ “tư liệu sản xuất” của quốc gia, giống như nhà máy, hầm mỏ, rừng biển… phải do nhà nước làm chủ sở hữu chứ không thể thuộc về tư nhân. Thủ tiêu quyền tư hữu, thiết lập chế độ “công hữu về tư liệu sản xuất” là mục tiêu hàng đầu của phong trào cách mạng vô sản, coi đó là biện pháp duy nhất để xóa bỏ cái gọi là tình trạng “người bóc lột người,” tiến tới xóa bỏ giai cấp, hình thành xã hội Cộng Sản. Bắt đầu từ nước Nga sau năm 1917, ở Trung Quốc sau năm 1949, phong trào “hợp tác hóa nông nghiệp,” “công xã nông thôn” ở miền quê và quốc doanh hóa các cơ sở sản xuất công nghiệp-thương mại ở thành thị ở miền Bắc sau năm 1954, trên cả nước Việt Nam sau năm 1975 chính là sự thực hiện trong thực tế nguyên lý của chủ nghĩa Cộng Sản về xóa bỏ quyền tư hữu tài sản.

Nguyên lý đó vừa được nhắc lại trong thông cáo của Hội Nghị Trung Ương Đảng CSVN lần thứ sáu ngày 15 Tháng Mười, 2021: “Đất đai là tài nguyên quốc gia vô cùng quý giá, là tư liệu sản xuất đặc biệt, là tài sản, nguồn lực to lớn của đất nước, là nguồn sống của nhân dân. Quản lý và sử dụng đất đai là vấn đề rộng lớn, phức tạp, hệ trọng, liên quan đến việc giữ vững thành quả cách mạng, ổn định chính trị, xã hội, đưa đất nước phát triển bền vững.” Giữ vững thành quả cách mạng chính là giữ vững nguyên lý đất đai thuộc sở hữu toàn dân, tương tự như việc giữ vững vai trò nòng cốt của các doanh nghiệp nhà nước trong các lĩnh vực kinh tế phi nông nghiệp.

Ông Đỗ Mười, khi còn là tổng bí thư đảng CSVN, đã nhiều lần căn dặn đàn em rằng, đổi mới gì thì đổi nhưng dứt khoát phải duy trì doanh nghiệp nhà nước là chủ đạo, có như vậy thì Việt Nam mới có nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Ông Nguyễn Phú Trọng trong phát biểu bế mạc Hội Nghị Trung Ương 5 hôm 10 Tháng Năm vừa qua cũng nhắc lại: “Trung ương cho rằng, cần phải kế thừa, bổ sung, phát triển Nghị Quyết Trung Ương 6 theo hướng tiếp tục khẳng định: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.”

***

Có người cho rằng, Việt Nam đã đi theo kinh tế thị trường, đã chấp nhận đa sở hữu với nhiều thành phần kinh tế thì nguyên lý về quyền tư hữu đã thay đổi: đã có ngày càng nhiều các công ty do tư nhân, do nhà đầu tư nước ngoài sở hữu và hoạt động mà không sợ bị nhà nước Cộng Sản truất hữu, không sợ bị “cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh” như thời trước năm 1986.

Đúng là Việt Nam đang có nền kinh tế nhiều thành phần, trong đó khu vực doanh nghiệp do người nước ngoài đầu tư ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế. Việc chấp nhận mở cửa cho người nước ngoài và tư nhân bỏ vốn đầu tư – được gọi là Đổi Mới – là nhằm vực dậy nền kinh tế đang ở dưới hố sâu do nhiều chính sách sai lầm của đảng CSVN từ khi chiếm được miền Nam. Sự đổi mới đó còn nhằm cứu lấy đảng CSVN lúc đó trên bờ vực sụp đổ vì kinh tế phá sản, nhân dân cùng khốn.

Nhưng dù đổi mới theo kinh tế thị trường như các nước khác, đảng CSVN vẫn cố níu kéo cái thây ma Cộng Sản bằng cách cho ra đời một quái thai đầu Ngô mình Sở gọi là “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.” Cái đuôi định hướng xã hội chủ nghĩa buộc đảng CSVN phải tiếp tục khẳng định kinh tế quốc doanh là chủ đạo, vẫn duy trì sự can thiệp của nhà nước vào hoạt động kinh tế. Hiện những tập đoàn kinh doanh lớn nhất trong nhiều lĩnh vực kinh tế then chốt nhất như dầu khí, hàng không, tài chính ngân hàng, viễn thông… vẫn là những doanh nghiệp nhà nước; chưa kể những công ty tư nhân cỡ lớn nhất cũng câu kết chặt chẽ với doanh nghiệp nhà nước hoặc quan chức cấp cao để trục lợi, bóp méo sự cạnh tranh và làm ô nhiễm môi trường hoạt động kinh tế ở Việt Nam.

Trong bối cảnh chung đó của đường lối kinh tế, đất đai đương nhiên cũng phải theo “định hướng xã hội chủ nghĩa”: người nông dân – một dạng tư nhân kinh doanh – không được quyền sở hữu ruộng đất, không được tích tụ ruộng đất để phát triển nông nghiệp (dễ thành địa chủ) và quyền sử dụng ruộng đất được ban cho họ cũng có thời hạn mà thôi. Cũng nên để ý rằng, dù mở cửa mời gọi đầu tư của ngoại quốc và của tư nhân nhưng trong vấn đề đất đai, nhà cầm quyền CSVN vẫn là chủ sở hữu duy nhất, các cơ sở của ngoại quốc chỉ được phép thuê đất, sử dụng đất có thời hạn; còn nhiều doanh nghiệp tư nhân nhiều khi bị buộc phải thuê chính mảnh đất mà họ đã bỏ tiền ra mua của người khác.

Cho đến nay, sau 17 năm gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO), Việt Nam vẫn chưa được các nước công nghiệp phát triển công nhận là nước có nền kinh tế thị trường chính vì cái bản chất “định hướng xã hội chủ nghĩa” đeo đẳng trong đường lối quản trị nền kinh tế của đảng CSVN.

***

Trở lại chuyện luật đất đai, việc kiến nghị, yêu cầu sửa đổi Luật Đất Đai 2013 theo hướng trả lại quyền sở hữu cho người dân là cần thiết nhưng không kỳ vọng sẽ mang lại kết quả. Trên mạng xã hội, một số người đã ký kiến nghị gửi Quốc Hội nói trên tâm sự rằng, họ biết cái Quốc Hội bù nhìn đó sẽ chẳng bao giờ ngó ngàng đến kiến nghị của họ, nhưng họ cần lên tiếng chỉ ra cho người dân, cho cộng đồng hiểu rõ tình trạng bất hợp lý, bất nhân trong đường lối của đảng CSVN để từ đó thức tỉnh phần nào ý thức của công chúng.

Có điều, 10 điểm nêu trong bản kiến nghị quá hiền lành và chưa chạm vào cái cốt lõi của vấn đề là thể chế xã hội chủ nghĩa mà đảng CSVN đang ra sức bảo vệ. Chính cái chủ nghĩa xã hội, cái thể chế đảng trị là gốc của mọi vấn nạn thê thảm của xã hội Việt Nam, trong đó có nạn tham nhũng và tước đoạt đất đai của người dân, chừng nào thể chế đó còn ngự trị, còn được tôn vinh thì mọi đề nghị thay đổi đều vô vọng. [qd]