Việt Nam Thời Báo
Biệt phủ: nhục đúng cách, hèn đúng tầm
Nhiều người tin rằng, sự hèn - nhục đó xứng tầm làm lãnh đạo dân
tộc.
Kỳ Lâm
22 tuổi, là du học sinh Mỹ, có một căn “biệt phủ” với quy mô hơn 876m2
tầng trệt, và hơn 467m2 tầng hầm. Cấu trúc và diện mạo biệt phủ được làm
đúng theo lối 5 gian – 2 chái của đồng bằng bắc bộ với rường cột và mái
ngói.
Thành công lớn nhất của du học sinh 22 tuổi là có người cha tên Nguyễn
Phước Thanh - nguyên Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Ông Nguyễn Phước Thanh nổi lên từ vụ Vietcombank tổ chức dự yến xa hoa
tại một khách sạn với nguồn tiền dự đoán lên đến 220.000 USD.
Và người ta có dịp tìm hiểu sâu hơn về ông, khi nhận thấy, ông từng có
bằng tốt nghiệp thạc sỹ Quản trị Kinh doanh (MBA) - Đại học Quốc gia Hà
Nội liên kết với Đại học Pacific Western (khóa 2003 – 2005).
Pacific Western là trường dỏm bị bang Hawaii đóng cửa từ năm 2006 và
hiện nay, nó cùng với đại học trực thuộc tại Louisiana không được công
nhận bởi bất kỳ cơ quan nào thuộc Bộ giáo dục Hoa Kỳ.
Có phải do thế mà thời ông Thanh làm Phó Tổng
đốc, NHNN và nợ xấu trở thành một hiện tượng xấu đối với nền kinh tế như
trang Nhà báo & Công luận từng chỉ đích danh?
Tạm rời bỏ “thân thế” ông Phó Thống đốc, trở về với du học sinh 22 tuổi
với căn biệt phủ trị giá hàng chục tỷ đồng. Theo quan điểm của người
Việt, thì việc đứng tên của du học sinh này không có tội, bởi nó là kết
tinh của nghệ thuật đầu thai.
Với 95 triệu dân (theo con số mới nhất được công bố gần đây), không có
quá nhiều người như em du học sinh 22 tuổi. Có thể cha em đã phải vất vả
mưu sinh, thậm chí cũng học tập tấm gương của không ít cán bộ lão thành
khác khi lên núi bứt chổi đót và lá chít về bán, nuôi lợn để tăng thu
nhập và trở thành tấm gương “làm giàu không khó” tại Việt Nam.
Nhưng dù sao, nếu tính theo tỉ lệ thì em du học sinh đã lọt tóm 1/90
triệu người được "hưởng" tính ưu việt của chế độ tập quyền theo kiểu cha
làm quan to - con làm quan nhỏ.
Những tấm gương như thế ngày càng nhiều tại Việt Nam, và đa phần nó nằm
trong đội ngũ công chức nhà nước. Nếu xét theo một biểu chương cho sự
nghiệp phát triển kinh tế quốc gia, thì đáng ra, đội ngũ công chức nhà
nước nên được nhóm lại và trở thành một thành phần kinh tế thứ 6 của
Việt Nam bởi tính làm giàu “quá nhanh, quá nguy hiểm”.
Do đó, lãnh đạo làm lãnh đạo hay con cháu lãnh đạo làm lãnh đạo do đó
trở thành phước phần của dân tộc Việt Nam, như bà Nguyễn Thị Quyết Tâm -
bà Phó bí thư Thành ủy TP.HCM vào năm 2015 đã từng thẳng thắn phát
biểu báo giới.
Trở về câu chuyện liên quan đến tài sản của quan chức, vụ biệt phủ của
ông Phó Thống đốc là phát hiện mới nhất liên quan đến giá trị hiện sản
của tầng lớp lãnh đạo địa phương, trung ương trong các bộ ngành. Dù khác
nhau về mặt vị trí địa lý, diện tích khối tài sản, chức vụ - vai trò
trong Đảng và chính quyền thì đều giống nhau ở mỗi việc: chối tội.
Từ ông Phạm Sỹ Quý - Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Yên Bái đến ông
Nguyễn Phước Thanh - Phó thống đốc NHNN, kể cả ông Nguyễn Xuân Quang -
Cục phó Cục kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường, Tổng cục Môi trường
(Bộ Tài nguyên và Môi trường) mất 400 triệu trong khách sạn khi đi
“thanh tra miền Tây”, không một ông nào dám thừa nhận nguồn gốc tài sản,
đúng hơn là trung thực với nguồn tài sản của mình.
Rộng hơn, không một ông cán bộ - công chức nào trong bộ máy chính trị
Việt Nam dám thừa nhận nguồn gốc tài sản kếch xù của mình. Mà ngược lại,
tìm mọi cách đẩy khối tài sản đó cho người thân (bố mẹ, vợ/chồng, con
cái,…). Vì sao? Vì đó là nguồn tài sản bất chính kiếm được từ chính thể
chế hiện tại – một chế độ tạo môi trường khởi nghiệp (startup) đầy màu
mỡ dành riêng cho đội ngũ quan chức, và vì quan trọng hơn là họ đã đánh
mất tính “tự trọng” con người ngay khi dấn thân vào quan trường XHCN.
Việt Nam có một ông BS Hoàng Công Truyện chịu “khom lưng, quỳ gối” trước
hình phạt đi ngược lại pháp luật và tính dân chủ xã hội chỉ khiến cho
đất nước bị vỗ bạt tay 1 cái vì – Nhục; nhưng một đất nước mà quan chức
đua nhau làm giàu nhưng khi bị phát hiện lại không dám thừa nhận thì bị
vỗ bạt tay 1 cái vì – Hèn. |