RFA 26-4-13Bình ổn hay thêm bất ổn?
Mặc Lâm, biên tập
viên RFA, Bangkok
Hôm nay ngày 26 tháng Tư Ngân hàng nhà nước cho đấu thầu thêm một tấn vàng nữa. Đây là lần thứ 12 và là phiên thứ ba chỉ trong vòng một tuần lễ, Ngân hàng nhà nước đã liên tiếp tung vàng bán ra cho các ngân hàng thương mại nhằm bù vào số vàng cần phải tất toán vào ngày 30 tháng Sáu tới chấm dứt tình trạng huy động vàng trong dân chúng của các ngân hàng. Ngân hàng: kiểu gì cũng lãi Chủ trương cho phép ngân hàng huy động vàng thay vì tiền đồng có từ nhiều năm qua đã bị Ngân hàng nhà nước chấm dứt bằng thông tư 11 vào ngày 29 tháng Tư năm 2011 và thời hạn tất toán cuối cùng là ngày 30 tháng Sáu tới đây. Thời gian càng gần thì sự nôn nóng của các ngân hàng càng lớn đó là lý do tại sao hơn 12 tấn vàng đã được Ngân hàng nhà nước bán ra vẫn không làm giảm cơn khát vàng trả nợ của các ngân hàng. Theo số liệu của Ngân hàng nhà nước thành phố HCM cho biết tiền gửi bằng vàng của khách hàng lên tới 25 tấn. Số vàng mà ngân hàng giữ hộ cho khách hàng cũng lên tới gần 25 tấn nữa và nhiều ngân hàng đem cả số vàng giữ hộ này ra kinh doanh do đó số lượng vàng cần phải tất toán lên tới hơn 30 tấn. Từ số cầu quá lớn của các ngân hàng thương mại phải giải quyết trong một thời gian ngắn dẫn đến việc Ngân hàng nhà nước kêu giá bao nhiêu họ cũng phải mua. Cầu lớn hơn cung khiến chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới tăng cao là điều tất yếu. Trong động thái này người lợi đầu tiên là Ngân hàng nhà nước, được lợi thứ hai là các ngân hàng, mặc dù họ phải mua vàng giá cao để tất toán, tức trả nợ nhưng trong quá khứ khi họ bán vàng ra và cho vay với lãi suất trên 20% thì họ đã quá lời để bù đắp chênh lệch giá của vàng hiện nay. Tình trạng nhà nước và ngân hàng chia nhau hưởng lợi ấy có phải được nhà nước tạo điều kiện hay không? GSTS Ngô Trí Long một chuyên gia kinh tế đưa ra nhận xét: Người ta huy động vàng rồi người ta đem cái tiền đó người ta đem cho vay với lãi suất rất cao cho nên mặc dầu trong bối cảnh hiện nay người ta có mua giá vàng cao 42-43 triệu thì người ta vẫn lãi. Điều này phải nói không phải do nhà nước tạo điều kiện mà do cơ chế, chính sách của nó dẫn đến tình trạng này thôi cho nên bây giờ đang phải khắc phục hiện tượng ấy. Dĩ nhiên khi có một bên hưởng lời lớn sẽ kéo theo sự mất mát từ một đối tượng khác. Trong tình hình hiện nay đó là sự nhảy múa của tỷ giá và sắp tới sẽ là bão giá của các thứ vật phẩm tiêu dùng khác. Nhiều bài báo kinh tế cho rằng giá vàng cao hơn giá thế giới một cách bất thường phải kể tới trách nhiệm của Ngân hàng nhà nước sau khi nghị định 24 quản lý vàng ra đời. Mặc dù quan chức của Ngân hàng nhà nước lên tiếng cho rằng sau ngày 30 tháng Sáu giá vàng sẽ đi vào ổn định nhưng không mấy ai tin. Độ trễ mà các quan chức đưa ra không làm cho dư luận an tâm mà trái lại những phát ngôn bất nhất từ Ngân hàng nhà nước đang là nguyên nhân khiến người dân rút vàng về cất giữ nhằm tránh cho một loạt cuồng phong mới có thể càn quét sâu hơn nữa thị trường vàng Việt Nam trong thời gian tới. Nói một đằng làm một nẻo Thống đốc Nguyễn Văn Bình khi tuyên bố trước Quốc hội nếu giá vàng chênh hơn giá thế giới 400 ngàn là đã có chỉ dấu đầu cơ và việc này cần chấm dứt bằng biện pháp bình ổn giá. Nghị định 24 ra đời trong mục tiêu này nhưng đáng buồn là không đạt được. Giá vàng liên tục tăng trong khi Ngân hàng nhà nước tiếp tục cho rằng nghị định 24 là cần thiết và đứng đắn. TS Phạm Chí Dũng cũng là một nhà báo đưa ra nhận xét: Trước khi nghị định 24 ra đời thì thị trường vàng đầu cơ phân tán manh mún. Các nhóm nhỏ phải nói là dàn trải rất nhiều. Nhưng sau khi nghị định 24 ra đời thì tình trạng đầu cơ bắt đầu co hẹp lại tập trung chủ yếu vào SCB và một số ngân hàng thương mại do Ngân hàng nhà nước chỉ định nên không lan rộng. Có hiện tượng nhóm quy tập vào trong những nhóm lớn thay vì những nhóm nhỏ như trước đây. Vào cuối năm 2011 thì Thống đốc Ngân hàng nhà nước trả lời trước Quốc hội sẽ xóa tình trạng quá cao giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới. Trước đó vào tháng 8 năm 2011 khi mới nhậm chức Thống đốc thì ông Bình cũng cho rằng chỉ cần giá vàng trong nước và giá vàng thế giới chênh nhau chỉ 400 ngàn đồng là đã có dấu hiệu đầu cơ. Thế còn bây giờ là bao nhiêu? 6 tới 7 triệu đồng. Và trong suốt thời gian từ tháng 8 năm 2011 cho tới nay thì phải nói khoảng chênh nhau ít nhất là 2 triệu đồng. Trung bình thường từ 3 tới 4 triệu đồng, có thời điểm 5 triệu đồng và hiện nay là 6 tới 7 triệu đồng. Khi cảm thấy không thể bình ổn giá bằng nghị định 24, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nảy ra chiêu thức mới để giải nhiệt thị trường vàng khi nói rằng Ngân hàng nhà nước không bình ổn giá vàng nữa mà bình ổn thị trường vàng. TS Lê Đăng Doanh tỏ ra ngạc nhiên trước sự chuyển hướng này và theo vị chuyên gia từng nhiều lần lên tiếng trước các vấn đề kinh tế tài chánh thì Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam không biết mình đang làm gì khi có những chính sách không nhất quán như thế: Gần đây thì ổng ấy nói rằng ổng lo bình ổn thị trường vàng chứ không quan tâm tới bình ổn giá. Tôi không hiểu cái nội hàm của bình ổn thị trường vàng của ông Thống đốc là cái gì? Và tôi cũng không rõ mục tiêu định đạt được của việc đấu thầu vàng hiện nay là như thế nào và sẽ đấu thầu, bán vàng ra cho đến bao giờ và để đạt mục tiêu gì? Tất cả những điều này cho tới bây giờ tôi thấy chưa được rõ ràng. Vàng là đơn vị quan trọng trong một nền kinh tế nhưng Ngân hàng nhà nước dành độc quyền từ khâu chế biến tới cung cấp và tự đứng ra để trực tiếp kinh doanh là một chính sách không những không kích thích nền kinh tế mà còn khoanh vùng nó để cho một số tập đoàn, nhóm lợi ích chia nhau hưởng lợi. Nếu lợi nhuận ấy được chia sẻ cho người dân thì kinh tế thị trường mới phát huy được sức mạnh của nó. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định về việc này: Thị trường vàng là một bộ phận của hệ thống tài chánh tiền tệ trong một quốc gia, biến động của nó tốt hay xấu đều ảnh hưởng đến thị trường tài chính tiền tệ cho nên nhà nước luôn luôn phải làm sao để hiểu cái thị trường này. Trong bối cảnh hiện nay do cơ chế chính sách trong thời gian gần đây đã làm cho vàng trở thành điểm nóng và chính vàng trong điểm nóng đó chính là tâm bão của giai đoạn hiện nay mà chính phủ đang khắc phục dần. Còn trong bối cảnh hiện nay để thu hẹp được giá vàng trong nước và giá vàng thế giới thì phải chờ thời gian. Nhiệm vụ quan trọng nhất của Ngân hàng nhà nước là phải dùng vai trò của mình bằng cơ chế chính sách chứ không trực tiếp tham gia vào việc bán vàng, trực tiếp kinh doanh thì chắc chắn hiệu quả sự ổn định trường vàng khó có khả năng thực thi trong mục tiêu đã đặt ra. Nhiều chuyên gia kinh tế trong đó có TS Nguyễn Thị Hiền cho rằng mục đích quản lý vàng của Ngân hàng nhà nước bằng phương pháp độc quyền vàng đang bị trả giá và cần phải xét lại. Tuy trước mắt ngân sách sẽ thu về một số lợi từ việc bán vàng nhưng để trả lại cho lợi nhuận ấy là vô số mất mát của toàn bộ các thành phần kinh tế Việt Nam. Tin mới nhất cho biết trong 60 ngày sắp tới Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra Ngân hàng nhà nước cũng như thị trường vàng để làm rõ trách nhiệm mà cơ quan này đã thực hiện trong thời gian vừa qua. Tin này khiến dư luận thêm bất ngờ và nó cho thấy tình trạng bất cập của cơ quan này đã lên tới mức báo động cho cả hệ thống.
|