SÀI GÒN NHỏ
Xem bóng đá Việt mà lạnh sống lưng!
Trường Huy
Hôm 3 Tháng Hai 2023, ngay đúng ngày kỷ niệm 93 năm thành lập Đảng cộng
sản Việt Nam, Giải bóng đá vô địch quốc gia Việt Nam (V-League) 2023
khởi tranh và có một trận cầu quan trọng diễn ra trên sân Hàng Đẫy, Hà
Nội: Đội chủ nhà Công an Hà Nội tiếp Topenland Bình Định. Kết quả trận
đấu này (CAHN thắng hủy diệt với tỷ số 5-0) đã được ví von rằng nó thể
hiện bộ mặt của nền kinh tế và xã hội Việt Nam hiện nay.
Đó là ngành bất động sản (Topenland là công ty con của Tập đoàn địa ốc
lừng danh Hưng Thịnh. Ông chủ Hưng Thịnh là một doanh nhân người Bình
Định, lập ra công ty con Topenland để kinh doanh các dự án địa ốc khủng
tại Quy Nhơn. Và Topenland gây sốc khi tài trợ cho đội Bình Định 300 tỷ
đồng, trở thành một đội bóng giàu có, hùng mạnh nhưng cuối cùng mùa 2022
lại thoi thóp, trong khi đội công an thì lên ngôi!
Trên khán đài sân Hàng Đẫy chiều 3 Tháng Hai ấy, người ta thấy Tô Lâm –
Đại tướng, Bộ trưởng Bộ công an ngồi dự khán. Xưa nay, chưa bao giờ thấy
ông Tô đi xem bóng đá, như kiểu ông Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Minh Chính,
Vương Đình Huệ ở các trận đấu của đội tuyển quốc gia. Vì vậy, sự có mặt
của Tô Lâm trên sân Hàng Đẫy chiều hôm ấy là sự lạ, và đi kèm là vô số
tướng tá cao cấp của ngành công an cùng Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng! Có
thể nói, đây là trận đấu duy nhất trong lịch sử V-League có đến hai Ủy
viên bộ chính trị dự khán.
Nhưng thôi, xin hãy quay về lại bóng đá để từ đó thấy cái gì làm tôi
lạnh sống lưng…
Kể từ khi bóng đá Việt Nam được gọi là bắt đầu đi vào con đường chuyên
nghiệp vào đầu thế kỷ 21, báo chí thể thao trong nước đã phân tích rằng
những đội bóng của công an (hồi ấy có Công an Hà Nội và TPHCM), quân đội
(Thể công)… không thể tồn tại. Lý do: Đã là bóng đá chuyên nghiệp thì
phải có mua có bán cầu thủ, có thuê cầu thủ nước ngoài… và như vậy nó
hoàn toàn không phù hợp với hai ngành quân đội và công an. Thế là lần
lượt các đội bóng đá của hai ngành này dần giải tán. Với công an, đội ở
Sài Gòn thì chuyển giao cho Ngân hàng Đông Á (sau này cũng giải tán) còn
Hà Nội thì chuyển cho Hàng không Việt Nam (sau chuyển cho Ngân hàng ACB
của Bầu Kiên, rồi cũng chết yểu).
Nhưng khi quân đội có đơn vị làm kinh tế nổi lên đình đám với sự xuất
hiện của tập đoàn Vietel (viễn thông) thì đội bóng quân đội bắt đầu có
doanh nghiệp này đỡ đầu: CLB bóng đá Vietel ra đời. Còn công an, chả cần
doanh nghiệp nào, cũng mon men làm bóng đá. Đầu tiên là tham dự giải
hạng Nhì với mục tiêu chỉ phục vụ cho phong trào thể thao của ngành công
an. Nhưng rồi đội Công an nhân dân (thuộc Bộ Công an) thăng hạng Nhất.
Từ đây, tham vọng nảy sinh, đội CAND mơ lên V-League (Giải Quốc gia).
Nhưng ai cũng đây là cái ngành chỉ xài ngân sách để làm nhiệm vụ giữ gìn
chế độ và an ninh trật tự xã hội, lấy đâu ra tiền để nuôi giấc mơ tham
gia bóng đá chuyên nghiệp? Nhưng, với công an thì không gì là không thể.
Năm 2022, đội CAND vô địch giải hạng Nhất để giành quyền dự V-League
2023 với một lực lượng có đến 11 cầu thủ của Hoàng Anh Gia Lai cho mượn.
Nói đến chuyện này, những người yêu bóng đá Bình Định vẫn còn ức khi ban
đầu Bầu Đức cho Bình Định – đội bóng quê hương của ông – mượn 11 cầu thủ
này, nhưng sau đó thì rút lại và cho CAND mượn!
Nhưng hạng Nhất nó khác với V-League lắm. Bởi cầu thủ đủ trình độ đá
V-League toàn có giá trị tiền tỷ, lấy đâu ra tiền để công an mua những
tuyển thủ như vậy?
Ôi, không sao cả. Sau khi đổi tên từ Công an Nhân dân (do Bộ Công an
quản lý) thành Công an Hà Nội (Do công an Thủ đô quản lý), cả làng bóng
bật ngửa khi làng loạt cầu thủ xịn xò của bóng đá Việt về đầu quân. Ví
dụ như Đoàn Văn Hậu từ CLB Hà Nội T&T, Phan Văn Đức từ Sông Lam Nghệ An,
Tô Văn Vũ từ Bình Dương, Vũ Văn Thanh từ Hoàng Anh Gia Lai, Hồ Tấn Tài
từ Bình Định…
Thật lạ, đối với những cái tên đình đám như vừa nêu, việc chuyển nhượng
họ luôn là đề tài nóng của giới báo chí thể thao. Nhưng, sự rời bỏ những
đội bóng cũ để về đầu quân cho CAHN đều tuyệt nhiên không có một thông
tin nào về giá trị chuyển nhượng. Ví dụ, Đoàn Văn Hậu là một cầu thủ có
giá trị chuyển nhượng tầm chục tỷ đồng, nhưng tuyệt nhiên không nghe một
thông tin nào về việc anh về đội công an với giá bao nhiêu!? Hay Hồ Tấn
Tài, người vừa mới ký hợp đồng trọn đời với Topenland Bình Định cũng về
CAHN một cách êm ả!?
Dân thạo chuyện làng bóng đá âm thầm rỉ tai nhau: Cái này là toàn dâng
hiến, không có một xu chuyển nhượng nào cả! Thậm chí, có khả năng còn
phải bao luôn tiền lương cho cầu thủ. Thử hỏi khi lãnh đạo công an
ngỏ ý lấy cầu thủ này hoặc cầu thủ nọ, thử hỏi các doanh nhân như Bầu
Hiển (Ngân hàng SHB), Bầu Đức (Hoàng Anh Gia Lai), ông Trung (chủ Hưng
Thịnh Land)… có dám lắc đầu không?
Trong một bối cảnh mà nhiều doanh nhân sừng sỏ đua nhau vào lò, trong
khi doanh nhân Việt nói chung có ông nào mà “không có vấn đề”, thì việc
“được ủng hộ” cho công an là một việc phải tranh nhau mà làm đấy chứ!
Còn làng báo thì khỏi nói. Hơn 20 năm trước, báo chí tha hồ mà viết về
những cản trở khiến các đội công an không thể tham gia bóng đá chuyên
nghiệp, thì nay đố tìm thấy một thông tin nào liên quan đến việc các
ngôi sao bóng đá về CAHN với giá bao nhiêu, và từ đâu để đội bóng công
an tham gia sân chơi bóng đá chuyên nghiệp đầy tốn kém…
Đấy, chỉ chuyện bóng đá thôi mà còn thế, hỏi sao không lạnh sống lưng |