Người Việt

17-1018

Lại chuyện ‘bức xúc’ khi về Việt Nam

Ngọc Lan/Người Việt

 

WESTMINSTER, California (NV) – Sau hai tuần về Việt Nam để lo đám tang cho bà ngoại vợ, vừa trở lại Mỹ, một trong những việc mà anh Andy Tống thấy “cần làm ngay” là gọi điện thoại cho nhật báo Người Việt để “xả xú páp” những điều “bức xúc” mà anh chịu đựng trong suốt hai tuần qua.

Từ thành phố Lake City ở Florida, qua điện thoại, anh Andy Tống, 40 tuổi, kể, “Tôi đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất khoảng 10 giờ tối ngày 28 Tháng Chín. Sau khi làm thủ tục xong, ra đến ngoài cũng đã 12 giờ khuya. Có hai người bạn, một Mỹ, một Việt kiều, đã về Sài Gòn trước đó, ra đón tôi.”

Theo lời Andy, hành lý anh rất gọn, chỉ một vali và một túi đeo ngang vai. Trên đường về khách sạn, anh và hai người bạn ghé vào một quán uống nước, sau đó đi bộ băng qua đường.

Andy kể, “Khi đang đi bộ băng qua đường chỗ góc Bùi Thị Xuân-Cách Mạng Tháng Tám thì một chiếc xe Honda chạy ngang và nhanh như chớp, nó giựt chiếc túi tôi đang đeo choàng qua người, và mặt túi đặt ngay trước bụng.”

“Tôi giật mình, nắm chặt sợi dây túi, nhưng có lẽ họ dùng dao để cắt hay sao đó, mà họ làm rất nhanh, rất chuyên nghiệp, để giựt cái túi đi, trong khi tay tôi nắm lại được sợi dây thôi,” anh tiếp tục.

Theo Andy, “đó là chiếc túi hiệu Louis Vuitton rất là chắc, quai họ may và dán keo vào giỏ nên không thể giựt bằng tay mà đứt được, họ phải dùng một cái gì đó để cắt. Mà họ làm quá nhanh.”

Khổ chủ cho biết trong giỏ bị mất, ngoài thẻ “social security,” hai thẻ debit, hai thẻ credit, còn có hơn $14,000 tiền mặt và một chiếc nhẫn cưới. “Rất may lúc đó passport tôi cất chỗ khác nên không bị mất,” Andy nói thêm.

Do giá trị tài sản bị mất khá lớn, nhất là chiếc nhẫn cưới vô giá, nên Andy cùng hai người bạn “nhảy liền chiếc taxi vừa trờ tới định nhờ đuổi theo nhưng tài xế từ chối,” chỉ chở mọi người đến đồn công an phường Bến Thành ngay gần đó để vào “trình báo.”

Anh nhớ lại, “Khi chúng tôi đến đồn công an thì chỉ có hai người dân phòng trực ở ngoài và một người công an đang nằm ngủ, phải kêu ảnh dậy.”

Theo lời Andy thì người công an cũng lập biên bản, ghi nhận lại những gì anh nói, nhưng “không đưa cho tôi bất kỳ giấy copy, biên nhận gì hết.”

“Sáng hôm sau, tôi trở lại chỗ công an phường Bến Thành để hỏi thăm xem họ giải quyết chuyện mình như thế nào, thì không ai tỏ ra biết chuyện gì. Họ nói tôi tìm lại người công an mà tôi đã gặp để hỏi,” anh kể tiếp.

Andy cho hay, tối hôm đó, anh lại đến đồn công an phường Bến Thành, cũng không gặp người công an đã làm việc với anh, mà cũng chẳng ai biết gì về chuyện của anh.

“Tôi đi bốn lần như vậy, xong tôi đến chỗ công an thành phố để hỏi trình bày thì họ nói không thấy công an phường báo lên, kêu tôi quay trở lại công an phường Bến Thành hỏi. Tôi đến lãnh sự quán Mỹ tại Sài Gòn nhờ giúp đỡ thì họ bảo họ chỉ có thể can thiệp khi xảy ra chuyện bị bắt hay chết người, còn bị cướp giật, mất mát thì chỉ chờ công an giải quyết, họ không làm được gì,” Andy nói.

Anh nêu cảm nhận, “Tôi đọc báo thấy mới thấy tháng trước đây, có một nhân viên ngoại giao Nga bị giật dây chuyền ở Sài Gòn, nhưng chỉ vài tiếng sau là công an bắt được kẻ cướp. Còn đằng này, số tiền tôi bị mất khá lớn, mà đoạn đường đó cũng có nhiều camera an ninh, mà sao không thấy công an làm gì hết, chưa kể người này chỉ qua người kia, rốt cuộc coi như không giải quyết gì.”

Ngoài chuyện cảm thấy bất mãn với cách làm việc của “công an nhân dân,” chuyến đi về Việt Nam của người đàn ông 40 tuổi, nhưng đã có đến 30 năm sống ở Mỹ này lại có thêm chuyện không vui khi đi vào một quán ăn ở Bãi Sau Vũng Tàu.

 “Tôi và một người bạn vào quán A.K ở Bãi Sau kêu tôm tích. Họ bắt tôm sống trong hồ cân trước mặt mình 1.7 ký, rồi mang vô làm. Họ tính giá gần $100 một ký. Nhưng không thể tưởng tượng được là chỉ khoảng 2 phút sau là món tôm tích đã chế biến xong để mang ra! Đó là những con tôm đã nguội và cũ, nghĩa là họ lừa mình để bán tôm cũ,” anh Andy nói bằng giọng thất vọng.

Anh cho biết, “Hỏi những người biết chuyện thì họ nói quán đó tính tiền tôm quá mắc. Nhưng nếu thật sự là tôm tươi thì  mình cũng chấp nhận, đằng này họ lường gạt quá trắng trợn, vừa bán mắc lại vừa đưa thức ăn cũ cho mình, khiến tôi cảm thấy sợ quá!’

“Người bạn Mỹ của tôi nói chắc sẽ không có lần thứ hai anh ta trở lại Việt Nam. Còn tôi, nếu không vì những việc liên quan đến gia đình dòng họ, chắc tôi cũng không bao giờ muốn đặt chân về bên ấy nữa. Tôi muốn chia sẻ những gì mình gặp phải để những ai có về Việt Nam thì nên đề phòng, tránh gặp chuyện bực mình như tôi,” Andy nói.  (Ngọc Lan)