VIỆT NAM THỜI BÁO
Nguy cơ bùng dịch sau bầu cử có lẽ là thật
Ngọc Lan Sáng
28-5, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) thông báo ghi nhận thêm
10 ca nghi nhiễm mới, trong đó có 2 vợ chồng được phát hiện khi khám tại
Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn, 8 người còn lại liên quan Hội thánh
truyền giáo Phục Hưng. Ở vụ
việc xảy ra tại Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn, theo điều tra ban đầu
của HCDC, hai vợ chồng cư trú tại chung cư Sen Xanh, phường Hoà Thạnh
quận Tân Phú. Người vợ làm việc tại ngân hàng VIB chi nhánh tại quận 7.
Người chồng làm việc tại ngân hàng SHB tại quận Tân Bình.
Người vợ có sốt nhẹ vào ngày 23/05/2021 nên ở nhà, không đi bầu cử,
không đi khám bệnh hay mua thuốc. Ngày
24/05 người vợ còn sốt nên không đi làm, ở nhà đến ngày 25/5 thì hết
sốt. Vào ngày này thì người chồng có dấu hiệu sốt, đau họng, ho ít. Ngày
27/05/2021 người vợ đưa chồng đi khám bệnh tại bệnh viện Hoàn Mỹ Sài
Gòn, được đưa vào khu cách ly ngay sau khi khám sàng lọc. Kết quả xét
nghiệm thời điểm đó hai vợ chồng nghi nhiễm Covid-19. Mẫu xét nghiệm
được chuyển xét nghiệm khẳng định đã có kết quả dương tính vào sáng
28/5. Sáng
28/5 ghi nhận thêm 02 trường hợp nghi nhiễm là bé trai 3 tuổi con của
hai vợ chồng và một nữ đồng nghiệp làm việc chung với người vợ tại ngân
hàng VIB tại quận 7. Nữ đồng nghiệp này cư trú tại phường Tăng Nhơn Phú
B, Thành phố Thủ Đức. Như
vậy ở đây có 2 cử tri là bệnh nhân Covid-19 đã đi bỏ phiếu bầu cử vào
ngày Chủ nhật 23/5, và một trong hai người này khi đó đã có triệu chứng
của nhiễm Covid-19. Báo
Long An trong tường thuật “Ca
mắc Covid-19 trong cộng đồng đầu tiên tại Long An”, có đoạn viết:
“Hiện, địa phương đã xác định được 20 F1 (gia đình 7 người, tại nhà thờ
Tin Lành 11 người, 2 người tại TP.HCM). Đồng thời, có 103 F2, trong đó
54 người tại Công ty TNHH Quanon (Khu công nghiệp Long Hậu), công dân
tham gia bầu cử là 32 người và 17 cán bộ bầu cử”.
Như vậy, có ít nhất 32 cử tri bị nguy cơ lây
nhiễm từ cử tri được gọi là
Ca mắc Covid-19 trong cộng đồng đầu tiên tại
Long An, và 17 cán bộ bầu cử nếu có
ai đó sau này là… F0, coi như điểm bầu cử dễ trở thành một ổ dịch, đặc
biệt nếu cán bộ ấy được phân công phụ trách hướng dẫn cử tri ở trước các
‘buồng kín’ của thủ tục ‘gạch tên’ ứng cử viên. Một
thông tin đáng lo khác được Giám đốc HCDC Nguyễn Trí Dũng cảnh báo là ổ
dịch ở Hội thánh truyền giáo Phục Hưng vừa bùng phát vào tối 26/5 được
đánh giá phức tạp, nguy hiểm và có diễn biến khó lường. Ổ dịch này chỉ
được phát hiện thông qua việc có 3 người sinh hoạt chung trong Hội thánh
truyền giáo Phục Hưng cùng đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định (quận Bình
Thạnh) thăm khám sau khi có các triệu chứng viêm hô hấp.
Thông qua các chỉ số xét nghiệm, ông Nguyễn Trí Dũng đánh giá chuỗi lây
nhiễm đang diễn tiến, do đó mức độ lây nhiễm rất cao, có khả năng mầm
bệnh đã xuất hiện trước đây và lây lan trong cộng đồng. Đáng lo là có 19
trường hợp ghi nhận có triệu chứng, khởi phát sớm nhất bắt đầu từ ngày
13/5. Cùng
đánh giá về chuỗi lây nhiễm trên, ông Lê Quốc Hùng - trưởng khoa bệnh
nhiệt đới (Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM) - cho rằng “rất phức tạp” bởi các
ca được phát hiện khi bệnh nhân đã có triệu chứng, chu kỳ thông thường
kéo dài từ 1 - 14 ngày và trung bình là 5 - 7 ngày, và chưa kể đến nay
vẫn chưa thể xác định được chủng virus gây bệnh. “Với
một số lượng lớn ca nhiễm phát bệnh trong khoảng thời gian dài như thế,
có khả năng dịch đã lây lan nhiều trong cộng đồng. Ngoài ra tính chất
sinh hoạt hội nhóm, giao lưu, giao tiếp nhiều cũng là một nguy cơ rất
cao. Khi chưa xác định được nguồn lây, buộc chúng ta phải đặt trong tình
huống đang đối diện với chủng virus lây lan mạnh nhất, từ đó đưa ra các
giải pháp căn cơ nhất khống chế dịch”, bác sĩ Hùng nhận định. Như
vậy, rất cần thiết công khai về kịch bản nếu dịch bùng phát mạnh hơn nữa
sau chu kỳ từ một đến hai tuần lễ tới đây, thì không riêng TP.HCM, mà
trên cả nước sẽ ứng phó ra sao – vì đây là những cảnh báo được dự liệu
trước khi diễn ra bầu cử hôm Chủ nhật 23/5. |