NGƯỜI VIỆT
31-1-23

Đầu Xuân nói chuyện Cộng Sản và tà giáo

Hiếu Chân

Qua trò chuyện với người viết, nhiều người Việt hải ngoại có dịp về quê ăn Tết năm nay nói họ choáng váng với cảnh người dân trong nước đốt vàng mã và đi lễ chùa, đều ở quy mô và mức độ “chưa từng thấy,” so với cả ở miền Nam trước năm 1975 và ở các nước mà họ sinh sống.

Số liệu từ một bài báo trong nước cho biết, trung bình mỗi gia đình trong số 25 triệu gia đình Việt Nam đốt 120,000 đồng ($5) vàng mã mỗi năm để gia tiên được mặc quần áo đẹp, được lái xe hơi, được chơi iPhone nơi chín suối, từ đó mà động lòng phù hộ con cháu dưới dương trần!

Tính đại khái mỗi năm người Việt đốt thành tro khoảng $125 triệu, thực tế có thể nhiều hơn, hình thành một ngành sản xuất vàng mã hết sức năng động, có thể làm ra những tòa biệt thự, xe hơi đời mới, điện thoại di động, cả những cô người mẫu… bằng giấy trông giống như thật để phục vụ nhu cầu cúng bái của người dân.

Vào những ngày đầu năm Âm Lịch cả nước lại ùn ùn kéo nhau đi lễ chùa. Chúng tôi không nói chuyện bà con đi lễ chùa hái lộc đầu năm cầu bình an cho gia đạo vốn là tập quán lâu đời, một nét đẹp ngày Xuân. Cái đáng chê là hiện tượng hàng ngàn, hàng vạn người kéo tới một số chùa mới xây để cúng dâng sao giải hạn, để cầu tài lộc, cầu thăng quan tiến chức trong năm mới.

Hôm Thứ Hai, 30 Tháng Giêng, đài truyền hình VTC News chiếu cảnh hàng ngàn người dân ngồi chật kín khuôn viên chùa Phúc Khánh ở Hà Nội trong cái lạnh 12 độ C chờ sư thầy làm lễ dâng sao giải hạn, nhằm giảm thiểu tai ương do sao xấu gây ra trong năm mới. Năm nay hẳn nhiều người bị sao Thái Bạch, La Hầu chiếu mệnh nên nhà chùa tổ chức lễ giải hạn hơn 20 ngày, từ mùng Tám Tết đến hết Tháng Giêng. Báo Lao Động cho biết, giá dâng sao giải hạn ở chùa Phúc Khánh năm nay là 150,000 đồng mỗi người, còn facebooker Đỗ Duy Ngọc có nhiều người theo dõi cho biết, chi phí dâng sao giải hạn mà mỗi người phải đóng cho nhà chùa lên tới 300,000 đồng ($12.78). Báo Gia Đình và Xã Hội còn dẫn lời một người thu tiền tại chùa Phúc Khánh nói rằng: “Thu 150 ngàn là thầy đã lỗ chổng vó rồi!”

Các chùa Ba Vàng ở Quảng Ninh, Tam Chúc ở Hà Nam, và Bái Đính ở Ninh Bình cũng không kém. Những ngày sau Tết từng “biển người” đổ về các ngôi chùa này cầu xin những điều họ không có được trong đời sống. Cái gọi là sự tôn nghiêm, thanh tịnh của chốn Phật đài không còn nữa, khi hàng vạn con người chen nhau cúng bái, cầu đảo, khói hương nghi ngút giữa những dãy hàng quán bán đủ mọi thứ, nhang đèn lẫn với thịt chó mắm tôm.

Người đi vãn cảnh chùa đầu Xuân không thể không tự hỏi: Việt Nam có còn là một đất nước Cộng Sản, Xã Hội Chủ Nghĩa hay không?

Ai cũng biết Chủ Nghĩa Cộng Sản là học thuyết duy vật, vô thần, không thừa nhận sự tồn tại của linh hồn, thần linh. Những người cộng sản cho rằng “tôn giáo là thuốc phiện của quần chúng,” ru ngủ nhân dân trong bất công áp bức và trong cuộc “đấu tranh cách mạng” của họ, tôn giáo là một “đối tượng” phải thủ tiêu, phải xóa bỏ Phật, Chúa để toàn xã hội chỉ tin vào, chỉ đi theo một thứ “tôn giáo” là chủ nghĩa Cộng Sản.

Nhân danh niềm tin đó, đảng Cộng Sản Việt Nam đã thẳng tay đàn áp các tôn giáo, bỏ tù sư sãi, linh mục, đập phá chùa chiền, chủng viện – kể cả những di tích văn hóa lịch sử lâu đời của dân tộc, ở miền Bắc sau năm 1954 và ở miền Nam sau Tháng Tư, 1975. Những ai đã sống trong các thời kỳ đó hẳn chưa quên được những hình ảnh kinh hoàng đốt sách, phá chùa y hệt cuộc Cách Mạng Văn Hóa bên Trung Quốc.

Thế nhưng tại sao bây giờ ở Việt Nam, chùa chiền mọc lên như nấm sau mưa khắp các tỉnh thành với quy mô to lớn hiếm thấy, mỗi ngôi chùa chiếm hàng ngàn hecta đất, san phẳng nhiều cánh rừng – chùa Tam Chúc ở Hà Nam còn tự xưng là ngôi chùa lớn nhất thế giới! Là đất nước xã hội chủ nghĩa, tại sao Việt Nam lại cổ xúy cái gọi là “du lịch tâm linh,” khuyến dụ người dân đến đình chùa cầu đảo và hối lộ thánh thần các kiểu?

Đến các ngôi chùa khổng lồ này, thiện nam tín nữ không tìm thấy Phật-Pháp-Tăng mà chỉ thấy các hoạt động buôn thần bán thánh công khai, không phải lòng thành mà đồng tiền sẽ quyết định họa phúc, rủi may. Người giàu vung tiền cúng bái để cầu giữ được của, người nghèo cúng bái để mong được giàu! Vì đồng tiền mà ngay cả các nhà sư cũng sẵn sàng mạt sát nhau trước bàn dân thiên hạ như vụ đấu khẩu đầy tai tiếng giữa hai sư Nhật Từ-Thái Minh ồn ào suốt năm qua. Các chức sắc cao cấp của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam cũng phải lên tiếng than vãn cho thời “mạt pháp,” cho sự ô uế của chốn thiền môn.

Rõ ràng, tôn giáo, tín ngưỡng như là đức tin của con người không còn nữa, bị thay bằng những thứ tà giáo mê tín, trong đó tín đồ chỉ là những sinh linh thấp hèn nhỏ bé đang cầu khẩn sự cứu độ của các bậc thánh thần.

Có người cho rằng sự mê tín tràn lan trong xã hội Việt Nam ngày nay xuất phát từ trình độ dân trí thấp kém, không phân biệt được tôn giáo với mê tín dị đoan. Nói như thế có phần đúng nhưng không chỉ ra được cái gốc của dân trí là chính sách cai trị của nhà cầm quyền.

Người dân tìm đến cửa chùa để cầu đảo có phần vì xã hội mà họ đang sống đầy bất công, may rủi không lường được, không giải thích được bằng quy luật nhân quả thông thường. Người sống hiền lành, tử tế chưa chắc đã được yên thân, tai vạ có khi chỉ từ một lời nói thật, một bình luận vu vơ trên mạng xã hội.

Ngược lại kẻ lừa thầy phản bạn có khi dễ dàng thăng quan tiến chức, vinh thân phì gia. Khi số phận của mỗi người đều do một thế lực toàn trị quyết định, mà thế lực đó giống như một thứ thần thánh siêu nhiên không do họ chọn ra và tin cậy thì người dân không còn cách nào khác ngoài việc cầu cúng, van vái, trấn yểm, trừ tà, bắt vong, giải hạn v.v… để mong thần Phật vô hình rủ lòng thương. Nếu xã hội công bằng, luật pháp nghiêm minh, con người tự quyết định được vận mệnh của mình, người thật thà được quý trọng, kẻ gian xảo bị trừng trị thì chắc không còn ai muốn quỳ gối cầu xin thần Phật từ bi gia hộ, đó là việc không cần thiết và phi lý.

Sự sụp đổ của Liên Xô và khối xã hội chủ nghĩa Đông Âu cuối những năm 1980 đã làm phá sản học thuyết Cộng Sản. Các nước còn lại như Trung Quốc, Việt Nam cũng phải từ bỏ cái chủ thuyết sai lầm đó, chuyển sang kinh tế thị trường để cứu đảng. Tuy từ bỏ lý thuyết Cộng Sản nhưng họ vẫn duy trì mô hình cai trị của cộng sản, dựa trên hai trụ cột chính là sự đàn áp bằng bạo lực và ngu dân bằng các chiến lược tẩy não tinh vi.

Mê tín dị đoan là một phần trong chiến lược ngu dân đó, lôi kéo người dân ra khỏi những vấn đề nóng của cuộc sống xã hội. Phật Giáo được đặc biệt chú ý để lũng đoạn vì không gì tiện cho kẻ cai trị hơn là gieo vào đầu óc người bị trị cái ý tưởng rằng cái nghèo, cái khổ, cái tai ương của họ là do nghiệp duyên từ đời trước, là do sao xấu chiếu mạng, do oan hồn trái chủ ám theo chứ không phải do những chính sách bất cập. Đảng lãnh đạo toàn diện nhưng không phải chịu trách nhiệm gì với nỗi khổ của người dân.

Đằng sau sự nở rộ của chùa chiền ở Việt Nam có bàn tay của đảng Cộng Sản và các quan chức cao cấp của đảng. Không ít các sư sãi là sĩ quan công an hoặc cán bộ tuyên giáo. Không ít chùa to tượng lớn được dựng lên nhờ có sự đầu tư của chính quyền, cấp đất đai, mở đường sá và dung túng những hành vi trục lợi. Làm như vậy, họ vừa phục vụ cho mục tiêu ngu dân của đảng vừa có cơ hội kinh doanh thu về tiền muôn bạc vạn, được cả đôi đường. Đây là lý do chính khiến cho nhà nước cộng sản chẳng những không ngăn cản các hoạt động mê tín dị đoan mà còn bao che và cổ xúy, làm dấy lên phong trào đi chùa cầu đảo rầm rộ mỗi dịp Xuân về.

Một đất nước mà người dân không mấy tin tưởng vào luật pháp, vào cơ hội vươn lên một cách công bằng, mà chỉ tin vào thánh thần, vào các thế lực siêu nhiên vô hình thì xã hội đó làm sao mà văn minh được. Có người than thở, phải chi dân mình đi biểu tình cũng đông như đi cầu Phật, thay vì cầu tài lộc thì hãy cầu dân chủ tự do thì đất nước có thể thay đổi!

Nhưng xem ra đó chỉ là ước vọng, khó mà thành sự thực. [đ.d.]