Blog Bùi Văn Bồng
2-3-13
http://bvbong.blogspot.de/2013/03/ho-song-bang-cai-au-nguoi-khac.html#more

 

HỌ SỐNG BẰNG CÁI ĐẦU NGƯỜI KHÁC!

Bùi Văn Bồng

 

Tôi có người bạn quen nguyên là vụ trưởng ở một cơ quan Trung ương. Đời trước, bố ông cũng nguyên là vụ trưởng. Còn hiện nay con ông đang làm công tác nghiên cứu tổng hợp ở văn phòng bộ, nghe ông khoe rằng: “Cháu đã được đưa vào nguồn quy hoạch vụ trưởng”. Tôi nói vui: “Thế là nhà ông tam đại vụ trưởng rồi!”.

Đã từ lâu, trong tổ chức bộ máy của ta, từ cơ quan đảng đến chính quyền, đều có đầy đủ: văn phòng, phòng, ban, vụ chuyên trách - rất đầy đủ, hầu như không thiếu một... góc nào. Điều đáng nói là bộ máy không tinh gọn, thường cồng kềnh, chồng chéo, có khi “dẫm chân lên nhau”, hiệu quả thấp. Không ít cơ quan được coi là “ngon ăn”, là nơi gửi gắm con, cháu, họ hàng thân quen của các có chức có quyền, con cái dân thường dễ gì chen vào được? Quỹ lương dành cho “khối” này không ít. Hô hào tinh giản biên chế từ lâu, nhưng biên chế không giảm lại tăng theo năm tháng. Có ông than phiền: - Tinh giản ư? Tinh giản ai? Vẫn biết là không được việc mấy, nhưng lãnh đạo đã có nhời, khó lắm!

Một con số phình to biên chế đến giật mình: Riêng Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương có 60 Đảng bộ trực thuộc, 4.800 Chi bộ, khoảng 6,5 vạn đảng viên. Chưa nói đến sự cồng kềnh, nặng nề, phình to của bộ máy, lực lượng nhân sự rất dồi dào, chỉ riêng về hiệu quả tham mưu, giúp việc cho lãnh đạo đã thấy nhiều vấn đề đặt ra từ mấy chục năm qua về sự hợp lý, tinh giản, quản lý và thực thi nhiệm vụ rất cần bàn đến.

Cái chuyện cồng kềnh biên chế, dựa hơi Nhà nước, có khi học hành, bằng cấp cũng chưa đâu vào đâu, làm việc lằng nhằng vẫn lên lương, lên chức, về hưu vẫn đủ chế độ chẳng phải lỗi của ai, mà là lỗi của cơ chế. Đã nói đến cơ chế thì dù có sai đến mấy cũng không ai lôi được cái thằng cha "bị can cơ chế” ra tòa. Cơ chế do con người đẻ ra, nhưng nó không phải là con người cụ thể. Điều đáng nói nhất là bộ máy quan liêu đã sinh ra những cán bộ quan liêu. Có cán bộ đã lên bậc chuyên viên cao cấp và công việc chủ yếu là “chắp bút” cho lãnh đạo. Từ báo cáo, phát biểu cho đến thư trả lời, trao đổi chỗ này, chỗ kia đều do chuyên viên này làm hết. Cả đời làm nghề chắp bút nhưng ông ta lại thiếu thực tế, “sớm cắp ô đi, tối cắp ô về”. Có người hỏi: “Sao ông nào lên cái chức ấy phát biểu cũng hao hao giống nhau ?”. Thì đúng thôi, lãnh đạo nào lên cũng vẫn dùng chuyên viên, cán bộ chuyên trách đó làm công đoạn “chắp bút”. "Chắp bút” đã thành nghề. Đã có bài bản sẵn từ lâu năm, đã qua đến mấy đời lãnh đạo rồi, như một thứ ba-rem, công thức, đáp ứng yêu cầu của lãnh đạo, chẳng cần nhiều động não. Những năm gần đây Đảng ta tổ chức “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Hình ảnh Bác Hồ ngồi trước máy chữ, tay đặt lên vầng trán suy nghĩ, toát lên con người tự chủ lao động của Bác. Bác suy nghĩ và tự Bác viết dù là vấn đề lớn đến đâu vẫn bằng những ngôn từ giản dị, dễ hiểu. Ở núi rừng căn cứ Việt Bắc Bác có “bàn đá chông chênh dịch sử Đảng”. Về Hà Nội tại nhà sàn, trên bàn làm việc của Bác có máy chữ. Đọc nguyên bản Di chúc Bác để lại mới thấy cách làm việc cẩn thận, chu đáo của Bác. Bản thảo viết xong, Bác tự sửa lại đến mấy lần. Có cán bộ ở Văn phòng Chủ tịch nước kể lại ông Vũ Kỳ có lần nói: “Cái này Bác để cháu viết, rồi gửi đến Bác đọc”. Bác nói: “Bài tôi phát biểu thì tôi tự viết lấy. Để cho chú viết, là cái đầu chú nghĩ ra, đâu phải đầu của Bác. Thế thì tốt nhất là chú nói luôn, mà nếu để chú viết, tôi cũng phải xem, phải sửa lại. Thế nên tiện nhất là tôi tự viết lấy”. Chưa nói đến chuyện gì lớn, chỉ riêng tác phong, cung cách làm việc của Bác Hồ, lãnh đạo ta ngày nay hô hào học mà có mấy ai làm theo tấm gương của Người?

Ngược lại, không ít cán bộ lãnh đạo bây giờ đến lời phát biểu cũng không tự viết. Thậm chí đến tập thơ cũng do người khác viết cho rồi đứng tên! Có lần, tôi hỏi địa chỉ thư điện tử của một bí thư tỉnh ủy để gửi một tài liệu liên quan cho ông đọc. Ông nói: “Cứ gửi đến văn phòng, rồi văn phòng in ra cho tôi đọc. Tôi đâu có biết “vi tính vi toán”, có biết “i-meo, i-mẻo” là cái gì đâu” (!). Rồi lãnh đạo cũng sinh ra lười biếng, ỷ lại, quen “chỉ tay năm ngón”. Phải chăng do cơ chế mà phát sinh bộ máy cồng kềnh, rồi chính bộ máy đó lại biến không ít cán bộ lãnh đạo thành cái máy? Họ quen sống bằng cái đầu người khác. Những cán bộ học hành, đào tạo tử tế, có trình độ năng lực chỉ làm chân nghiên cứu tổng hợp, văn phòng, trợ lý, thư ký…cho đến khi nghỉ hưu. Có nhiều vị lãnh đạo nhờ chính sách (hoặc dịch vụ, mua bằng) có bằng bổ túc cấp 3, nói thẳng là dốt, nhưng khi ở cương vị lãnh đạo lại có trong tay cả chục kỹ sư, thạc sĩ, chuyên gia trình độ cao để ... sai khiến. Có vị lãnh đạo chưa qua cao đẳng, đại học, có chăng chỉ là cái bằng trung cấp chuyên môn bổ túc, nhưng trong tay có đội ngũ giáo sư-tiến sĩ, các nhà khoa học đầu ngành giúp việc khá hùng hậu, bề thế. Một chuyên gia lâu năm ở cơ quan Trung ương qua nhiều 'đời lãnh đạo' nói với tôi: "Làm thì cứ làm, gọi là 'tham mưu' nhưng chán ngấy, nhiều việc nói rất cặn kẽ nhưng ổng (ông ấy) có hiểu gì đâu!". Cơ chế, chức danh, biên chế bộ máy đã cho họ có quyền được 'sẵn ăn' như thế!

Từ thực trạng khối hành chính, văn phòng đông đảo, cồng kênh có cần “tái cấu trúc”, tinh giản biên chế cho phù hợp và tiết kiệm hay không? Trước hết, cơ chế đó tự nó đã sinh ra một đội ngũ cán bộ chuyên trách, những chuyên viên mà không ít trong số đó đã quen với lối sống và làm việc theo kiểu hành chính, quan liêu, bao cấp “sống dựa, nói theo”. Họ có nhiều chiêu thức và kinh nghiệm lấy lòng, chiều chuộng lãnh đạo, khéo sống “gió chiều nào che chiều đó", “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, miễn là được an phận, hở ra là tìm cách tự tư, tự lợi cho cá nhân, gia đình. Lãnh đạo được đặt trong cơ chế, bộ máy đã thành khuôn đúc sẵn thì dần cũng có thể bị biến thành cái máy. Không ít người lãnh đạo hoạt động thiếu tự chủ và ít phát huy nội lực bản thân, nhờ chức danh, chức trách mà được đứng trên thiên hạ, sống và làm việc bằng cái đầu của người khác.

Bộ máy không có lỗi. Lỗi là tại con người, tại cơ chế, các chính sách chuẩn bị nguồn nhân sự, tuyển chọn, đào tạo, bầu cử, vấn đề thực thi dân chủ ngay trong Đảng... Để bộ máy tổ chức không cồng kềnh, tinh giản được biên chế, để không còn người “ăn cơm chúa, múa tối ngày”, để cán bộ lãnh đạo, quản lý phải vắt óc suy nghĩ giải pháp hoàn thành nhiệm vụ thì hãy thực hiện điều ta nói đúng nhưng hay làm ngược lại: Từ việc hình thành bộ máy, từ bộ máy thi tuyển, chọn người xứng đáng vào vị trí lãnh đạo, quản lý.


BVB