TIẾNG DÂN
25-3-21

 

Chính trị trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt đang thay đổi mạnh

 

Jackhammer Nguyễn

 

Khoảng cách thế hệ

            Khuynh hướng chính trị trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt thay đổi, được dự báo từ lâu, với khoảng cách một thế hệ đáng kể. Cử tri gốc Việt thuộc thế hệ sinh ra hoặc lớn lên ở Mỹ, quan tâm đến những vấn đề xã hội ở nơi họ sống nhiều hơn cha ông họ, thế hệ tỵ nạn đầu tiên đến Mỹ sau khi chế độ Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam sụp đổ.

Từ sự quan tâm đó, giới trẻ sinh ra hoặc trưởng thành ở Mỹ, có khuynh hướng bầu cho đảng Dân chủ và ông Biden trong kỳ bầu cử vừa qua. Ngược lại, những người lớn tuổi, cha ông của họ thì bầu cho đảng Cộng hòa và ông Trump, theo ghi nhận từ các cuộc khảo sát.

Bốn năm qua, đặc biệt năm 2020, là năm tổng tuyển cử với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, có thể là giai đoạn cử tri Mỹ gốc Việt thay đổi một cách rõ ràng. Thời gian này có nhiều chất xúc tác đẩy mạnh sự phân hóa chính trị trong cộng đồng và có khả năng để lại nhiều ảnh hưởng trong tương lai của cộng đồng này đối với tiến trình dân chủ hóa ở Việt Nam.

Theo ghi nhận của ông Bùi Văn Phú, từ San Francisco, khảo sát sau ngày bầu cử 3/11/2021 của tổ chức Giáo dục và trợ lý pháp lý cho người Mỹ gốc Á, cho thấy, có đến 57% cử tri người Việt bầu cho Donald Trump, trong khi chỉ có 41% bầu cho Joe Biden, một cách biệt khá lớn. Khảo sát này phù hợp với trường hợp cụ thể của gia đình tôi ở California, với đa số các thành viên bầu cho ông Trump.

Nhưng, cũng theo ghi nhận của ông Bùi Văn Phú, đa số các vị dân cử gốc Việt, từ cấp tiểu bang đến liên bang, là người của đảng Dân chủ, trong đó, vị trí cao nhất là bà Đặng Thị Ngọc Dung (Stephanie Murphy) dân biểu liên bang từ Florida.

Sự trái ngược này nói lên điều gì? Có thể nói lá phiếu của đa số cử tri người Việt (ít nhất trong kỳ bầu cử năm 2020) không liên quan nhiều đến các vị dân cử gốc Việt trong dòng chính của chính trị Mỹ. Tức là khoảng cách thế hệ càng rõ nét, hầu hết các vị dân cử gốc Việt trưởng thành ở Mỹ, trong khi đa số cử tri đi bầu thuộc nhóm người Mỹ gốc Việt lớn tuổi lại không bầu cho các dân biểu gốc Việt.

Đó là về những con số. Ngoài ra còn có những biểu hiện cho thấy cấu trúc chính trị trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt thay đổi sâu sắc.

Trong một bài viết mới đây của tôi trên Tiếng Dân, “Lá cờ vàng ở đâu trong các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc”, ở mục phần bình luận, có những ý kiến đáng chú ý thể hiện một quan niệm rất lạ của một số người Mỹ gốc Việt. Họ cho rằng, đấu tranh cho bình quyền và công bằng xã hội ở Mỹ, không liên quan gì đến công cuộc đấu tranh chống cộng sản ở Việt Nam!

Họ chống cộng sản kiểu gì mà không quan tâm đến công bằng xã hội? Điều này phải chăng là họ chấp nhận nước Mỹ một cách vô điều kiện?

Đáng chú ý là có rất đông những người Việt gắn liền với lá cờ Việt Nam Cộng hòa trước kia, ủng hộ Donald Trump và các hành vi phản dân chủ của ông ta. Một số người này tham gia vào cuộc bạo loạn ngày 6/1/2021 tại điện Capitol. Điều này có nghĩa là, họ không chấp nhận nước Mỹ vô điều kiện, vì họ không chấp nhận Joe Biden làm tổng thống. Có phải vậy không? Có lẽ phải cần những phân tích sâu hơn để hiểu những ý tưởng rất lạ này.

Ngoài ra, trong bốn năm qua, có thể thấy sự dấn thân chính trị của những người Mỹ gốc Việt thuộc đảng Dân chủ trở nên mạnh mẽ hơn. Điều này đã đưa đến sự thành công của các vị dân cử gốc Việt mà nhà báo Bùi Văn Phú đề cập.

Có những người Việt trong dòng chính của chính trị Mỹ chuyển từ đảng Cộng hòa sang đảng Dân chủ, vì thất vọng trước sự tệ hại của Donald Trump, như các ông Vũ Bảo Kỳ ở Georgia, Diệp Thế Lân ở California.

Cô Bee Nguyễn, một dân biểu trẻ của đảng Dân chủ ở tiểu bang Georgia, đứng đầu một tổ chức thúc đẩy người da màu đi bầu cử, góp phần giành chiến thắng cho ông Joe Biden tại tiểu bang này.

Một tổ chức có tên PIVOT của những người Mỹ gốc Việt theo khuynh hướng cấp tiến được thành lập khoảng năm 2017, hiện đang hoạt động rất mạnh, thúc đẩy những chương trình hành động của đảng Dân chủ.

Qua những dẫn chứng ở trên, có thể thấy, mặc dù là theo con số khảo sát sau bầu cử 2020, số cử tri gốc Việt bầu cho ông Biden thua xa số cử tri bầu cho ông Trump, nhưng con số này sẽ thu hẹp nhanh trong tương lai, vì nhóm bầu cho đảng Dân chủ có một lợi thế vô cùng mạnh mẽ là họ trẻ hơn.

Trong tương lai, cộng đồng người Việt ở Mỹ sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với phong trào dân chủ hóa trong nước?

Cuộc đấu tranh chống chế độ độc tài đảng trị trong nước, cho tới hôm nay có vẻ như được dẫn đầu bởi nhóm cử tri bầu cho Donald Trump, qua hình ảnh lá cờ vàng họ độc chiếm trong các sự kiện biến động vừa qua. Cuộc đấu tranh này, theo ý kiến chủ quan của tôi, không dẫn tới thành công nào đáng kể, từ những toan tính đấu tranh bạo động đầu thập niên 1980, cho đến hàng loạt tổ chức, hội đoàn, chính phủ lưu vong…

Liệu nhóm người Mỹ gốc Việt trẻ tuổi hơn sẽ thay thế nhóm lớn tuổi, tiếp tục cuộc đấu tranh cho dân chủ hóa trong nước? Có vẻ như thế hệ trẻ gốc Việt hiện đang vướng bận rất nhiều vào tình hình biến động xã hội của nước Mỹ. Người ta ít thấy tuyên bố của các vị dân cử Mỹ gốc Việt trẻ tuổi về những gì đang xảy ra ở Việt Nam.

Nhưng nếu quan sát kỹ, có thể thấy rằng, họ vẫn quan tâm đến tình hình trong nước, như trường hợp anh Will Nguyễn, là người bị bắt khi tham gia cuộc biểu tình chống Trung Quốc hồi tháng 6/2018 ở Việt Nam, hay chị Grace Bui, một nhà hoạt động cho nhân quyền Việt Nam rất tích cực, cũng từng bị nhà cầm quyền Việt Nam câu lưu. Cả hai người này đều thuộc nhóm người Việt chống lại sự độc tài, phản dân chủ của Donald Trump. Ngoài ra, các tổ chức có quy cũ nhất của người Việt ở Mỹ, hướng về trong nước, cũng là những tổ chức có nhiều người trẻ tuổi và có khuynh hướng cấp tiến, tham gia.

Những người Mỹ gốc Việt trẻ tuổi có khuynh hướng cấp tiến, đấu tranh cho các giá trị Mỹ, là nền tảng dân chủ ở Mỹ, họ luôn biết rằng, họ đến từ đâu và vì sao họ có mặt trên đất Mỹ, chắc chắn họ sẽ không bỏ qua quá trình dân chủ hóa bên trong Việt Nam.