TIẾNG DÂN
4-10-21

Chế độ phản động, phồn vinh giả tạo, công nghiệp hóa đại bại!

Jackhammer Nguyễn

 

Bắt đầu từ ngày 1/10/2021, hàng ngàn người đi xe gắn máy lũ lượt rời bỏ Sài Gòn. Có nơi họ bị công an, dân phòng chặn lại, không cho đi. Có nơi họ sụp xuống van xin các “viên chức” dân phòng cho họ đi. Có nơi xảy ra ẩu đả giữa hai bên.

Chuyện gì xảy ra ở nước Việt Nam Cộng sản vào năm 2021 vậy? Thành phố Sài Gòn bị quân đội cộng sản tấn công, làm cho dân chúng chạy loạn giống như 30/4/1975?

Sài Gòn không bị một đạo quân cộng sản tấn công, mà bị quân Covid tấn công. Quân đội cộng sản không tấn công Sài Gòn, mà đang chiếm đóng Sài Gòn, và thất bại thảm hại trước quân Covid. Sau bốn tháng giữ thành, quân cộng sản đại bại, làm cho gần 20 ngàn… dân thường thiệt mạng.

Dĩ nhiên khi tôi viết ra những dòng này, những người cộng sản Việt Nam sẽ rất bực bội, dù ngôn ngữ tôi dùng chính là ngôn ngữ chiến tranh sắt máu của họ: “chống dịch như chống giặc”, “không thắng không về”…

Tuy nhiên trong trận thất thủ Sài Gòn năm 1975 thì người tử trận đa số là binh lính hai bên, còn trận đại bại 2021, tuyệt đại đa số người tử trận là dân thường.

Nhưng khi nhìn những dòng người lam lũ trên các nẻo đường ra khỏi thành Sài Gòn, tôi không nghĩ tới trận đại bại trước Covid của những người cộng sản, vì tôi đã nói về nó rồi, nhiều người khác cũng đã nói về nó, vì sự đại bại ấy rất hiển nhiên, dù rằng chắc chắn người cộng sản sẽ lại tuyên bố chiến thắng, như cái thói quen thắng lợi tinh thần kiểu AQ của họ.

Tôi nghĩ về “công cuộc đổi mới” gần 40 năm nay của họ (bắt đầu từ năm 1986). Thật ra cái từ “đổi mới” này chỉ là một cái từ được tạo ra do thói cưỡng từ đoạt lý của người cộng sản, họ có làm gì mới đâu, họ tạo ra những cái trở ngại trên những điều bình thường, sau đó những trở ngại ấy cản trở chính họ, thế là họ phá đi, quay về những cái cũ bình thường.

Sau khi cái cũ bình thường ấy vận hành được một thời gian, dân chúng dễ thở hơn với những nhu cầu cơ bản, những người cộng sản bèn cao hứng đặt ra những mục tiêu … công nghiệp hóa, mà nghe đâu tới năm 2020, theo kế hoạch họ đã phải hoàn thành bao nhiêu phần trăm rồi.

Nhưng những dòng người chạy loạn Covid chứng minh rằng, công cuộc công nghiệp hóa của người cộng sản đại bại.

Một số phân tích khẽ khàng và hiếm hoi trên báo chí của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đủ chứng minh cho sự đại bại ấy, như trong bài báo sau đây của tờ Vietnamnet: Vạn người kéo về quê, ai cứu lấy doanh nghiệp.

Bài báo trích lời một quan chức thuộc Bộ Lao động: “Qua đại dịch Covid, điều dễ nhận ra là lao động không an cư lạc nghiệp, mà luôn ở trạng thái ngụ cư”.

Vị quan chức của Bộ Lao động này chắc chắn là một đảng viên cộng sản, cho nên ông ta phải biết khái niệm mà ông tổ chủ nghĩa cộng sản là Karl Marx đưa ra rằng, giới chủ tư bản luôn muốn giữ một lực lượng nhân công rẻ mạt để kiếm càng nhiều tiền lời càng tốt.

Chế độ của vị quan chức này thực hiện đúng những điều mà Marx phê phán.

Điều này dẫn tới một hiện tượng mà những người cộng sản Việt Nam hay chỉ trích xã hội miền Nam trước kia là “phồn vinh giả tạo”. Nay, sau hàng chục năm làm việc vất vả trong những nhà máy, cư trú trong những phòng trọ 2m2 một người, những người thợ có gốc từ miền quê Việt Nam đã tạo nên những khu phố lấp lánh đèn có vẻ rất phồn vinh của Sài Gòn, mà bản thân không còn một đồng nào sau bốn tháng phong tỏa. Nếu không gọi đó là “phồn vinh giả tạo”, thì gọi là gì?

Thật ra nó giả tạo với hàng chục triệu người dân vừa bỏ quê lên phố, nhưng nó là thật với bộ máy cán bộ nhũng lạm và bất tài lộ rõ ra trong cơn khủng hoảng, nó cũng là thật với một tầng lớp cư dân trung lưu ở các đô thị gắn chặt quyền lợi với chế độ, và dĩ nhiên nó là thật với các ông chủ tư bản, từ Mỹ, Pháp, Anh, cho đến Nhật, Hàn, Đài Loan, Trung Quốc.

Các ông chủ tư bản ở đâu cũng giống nhau, chỉ khác là tại phương Tây, họ bị một xã hội dân sự tự do kềm chế, với những nghiệp đoàn đủ mạnh, với những cuộc bầu cử mà người dân góp phần quyết định các nhân vật điều hành quốc gia. Ở Việt Nam, Trung Quốc, hay các quốc gia độc tài khác, nghiệp đoàn không tồn tại, không có bầu cử. Tại Trung Quốc và Việt Nam lại còn có thêm một bộ máy sai nha rất kinh hoàng ở mức làng xã, tổ dân phố.

Tầng lớp sai nha này luôn là một công cụ đàn áp của nhà nước cộng sản từ thời cải cách ruộng đất, nhân văn giai phẩm, bao cấp ngăn sông cấm chợ, cải tạo tư bản công thương nghiệp,… cho đến tận hôm nay, không có gì thay đổi. Sự không thay đổi đó nằm ở nguyên nhân ý thức hệ, cho rằng xã hội phải được duy trì bằng bạo lực (bạo lực cách mạng), mà hơn nữa phải liên tục sử dụng bạo lực (cách mạng liên tục). Lực lượng sai nha đó chính là xương sống của chế độ, một chế độ dựa trên mô hình chuyên chính (chuyên chế) vô sản rất phản động của Lenin.

Vì nó là xương sống của chế độ phản động này cho nên chế độ phải bằng mọi giá duy trì nó. Biểu hiện cụ thể nhất là danh sách ưu tiên tiêm vắc xin trong những ngày đầu dịch mới bùng phát. Trong danh sách này công an và bộ đội được xếp ưu tiên hơn tầng lớp dân chúng hơn 65 tuổi. Lớp người già này là lớp dễ bị gục ngã nhất vì Covid.

Bà Vũ Kim Hạnh, một người từng là nòng cốt của chế độ (cựu tổng biên tập tờ Tuổi Trẻ) đã phải thốt lên:  Ai chủ trương không tiêm vaccine cho người già?

Với tính chất phản động của chế độ, Hà Nội đã quyết định hy sinh tầng lớp người già của Việt Nam để cứu đám sai nha của chế độ. Điều này trở thành gậy ông đập lưng ông, vì người già, người nghèo sống chật hẹp ở khu lao động gục ngã như rạ, tạo ra những ổ dịch lây lất không chấm dứt, tàn phá hệ thống y tế công cộng, vốn nghèo nàn của Việt Nam.

Công nghiệp hóa đại bại thực ra chỉ là chuyện đã thành quá khứ. Điều quan trọng hiện nay là duy trì sự sống của nền kinh tế, khi hàng chục ngàn công nhân sẽ không trở lại làm việc trong thời gian trước mắt.

Hãy nhìn tựa bài của tờ Vitenamnet: Vạn người kéo về quê, lấy ai cứu doanh nghiệp.

Đảng Cộng sản Việt Nam có vẻ chỉ quan tâm tới doanh nghiệp, túi sữa của bộ máy nhũng lạm và tầng lớp sai nha tàn bạo, không quan tâm tới tầng lớp công nông trong lá cờ búa liềm của họ.