LUẬT KHOA 24-9-21
Mùa khai trường, nghĩ về chính trị ký ức
Trong đại tự sự vẻ vang của đảng, chỉ một số ký ức được tôn
vinh.
ĐĂNG NGUYỄN
Một phiên bản khác của bài viết này đã đăng trên tạp chí The
Vietnamese vào ngày 14/9/2021, với tựa đề September,
School, and the Politics of Memory. *** Mùa
khai trường năm nay không giống với bất kỳ năm học nào trước đây, bởi
đại dịch mà chỉ nội trong tháng Tám vừa qua đã lấy đi sinh mạng của hơn
10.000 người Việt. [1] Đọc
bài viết “Chúng
ta còn lại gì nếu ngày mai hết dịch?” giữa mùa khai trường này, [2]
tôi không khỏi nghĩ đến việc các thế hệ học sinh mai này sẽ đọc, hoặc
được nghe trong lớp học, về năm 2021 này như thế nào? Nói rộng ra hơn,
những ngày tháng này sẽ được ghi nhớ như thế nào, và ai sẽ nhắc về những
bước đi sai lầm của chính phủ, để yêu cầu công lý cho không chỉ người đã
khuất mà còn cả những người sống đã lao
đao, quay
cuồng trong suốt mấy tháng vừa qua? [3] [4] Trên
sa bàn chính trị, ký ức là một “mặt trận” then chốt, vì như tác gia
George Orwell từng nói trong tiểu thuyết “1984”: “Ai kiểm soát được quá
khứ thì kiểm soát tương lai; ai kiểm soát được hiện tại thì kiểm soát
quá khứ”. Hành trình của tôi qua các ngôi trường, đầu tiên là ở Việt Nam
và sau đó là ở nước ngoài, minh họa cho mối liên hệ mật thiết giữa giáo
dục và chính trị của ký ức.
“Dưới mái trường xã hội chủ nghĩa” Tôi
là một người làm nghiên cứu. Hầu hết những người tôi phỏng vấn để phục
vụ cho nghiên cứu đều là nhà hoạt động hoặc người ủng hộ các phong trào
xã hội và chính trị ở Việt Nam trong mười năm gần đây. Họ cũng trạc tuổi
tôi, sinh ra trong bối cảnh thập niên 1980 – thế hệ hậu chiến của Việt
Nam. Mỗi
khi tôi hỏi về trải nghiệm trường lớp, câu trả lời của họ thường bắt đầu
bằng “dưới mái trường xã hội chủ nghĩa”, rồi sau đó họ kể tôi nghe về
một thời gian mà họ rất khác họ của ngày nay – một thời họ hoàn toàn
không biết, hoặc thậm chí bị nhồi nhét những thứ sai sự thật về lịch sử.
Lịch sử đó là những sự kiện từ thảm sát Huế 1968, “tháng tư đen tối” của
Sài Gòn, những người đi “học tập cải tạo” hay kinh tế mới, thuyền nhân,
cho đến chiến tranh biên giới với Trung Quốc. Những sự kiện này phơi bày
ra một lịch sử với những tội ác và những sai lầm mà chính quyền Bắc Việt
hay Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCS) đã gây ra đối với nhân dân, cũng như
tính chính danh của ĐCS sẽ bị đặt dấu hỏi. Đối
với thế hệ chúng tôi, nền giáo dục mà chúng tôi thụ hưởng hòa quyện với
đại tự sự “vẻ vang” của ĐCS. Điều này tất nhiên có nghĩa rằng một số
nhân vật và sự kiện được tôn vinh, trong khi một số khác thì bị phỉ báng
hoặc bị xóa sổ khỏi ký ức tập thể, bắt đầu từ thế hệ học sinh như chúng
tôi. [5]
Những người lãnh đạo, hay chế độ mà họ đại diện, chỉ có thể tại vị vững
vàng nếu đại bộ phận nhân dân tin rằng sự lãnh đạo và vị thế của họ là
chính đáng; điều này, trong trường hợp của ĐCS, luôn bấp bênh bởi cái
bóng của những sự thật bị che giấu luôn chờn vờn trong hiện tại, tiềm ẩn
nguy cơ “trở về” để bắt những người cộng sản phải trả lời cho quá khứ.
Hiểu được điều này thì sẽ không mấy ngạc nhiên khi “dưới mái trường xã
hội chủ nghĩa” chúng tôi cứ bị nhồi nhét câu chuyện với sự nhị phân đến
tối giản: “ta – địch”. Và hiển nhiên, lực lượng dưới sự lãnh đạo của
Đảng là hào hùng, chính nghĩa, và do đó mà thắng lợi liên tục nối tiếp
nhau. Đi kèm với câu chuyện trên bục giảng và trong sách vở đó còn là cả
một hệ thống biểu tượng, nghi thức, lễ lạc, và khen thưởng lẫn trừng
phạt để củng cố. Vì
vậy, tôi trở thành một thiếu niên “đỏ rực”, với tinh thần “yêu nước là
yêu Đảng” và niềm tin rằng dưới ngọn cờ của đảng mà nhân dân mình đã
“đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, và đang trên con đường “sánh vai
cùng các cường quốc năm châu”. Với tôi khi đó, hiển nhiên cuộc chiến kết
thúc năm 1975 là “Kháng chiến chống Mỹ cứu nước”, chứ còn tên gọi nào
khác, và dĩ nhiên là trong cuộc chiến đó ĐCS là “phía đúng của lịch sử”.
Sau này, khi phỏng vấn một người hoạt động môi trường sinh năm 1987,
cũng là một thiếu niên “đỏ rực” ngày xưa, bạn phân tích rằng với cái
tuổi non nớt hồi đó, câu chuyện “ta – địch” và lập luận nhị phân thiện –
ác, chính – tà, rất dễ hiểu và lọt tai, chưa kể là nó còn được một hệ
thống phim ảnh, báo chí, sinh hoạt khu phố, băng rôn biểu ngữ khắp nơi
liên tục củng cố. “Mọi
thứ hài hòa, khớp với nhau lắm, nó làm mình tin những điều mình nghe
trong trường là sự thật hiển nhiên, không bao giờ phải lăn tăn hay thấy
cần đặt câu hỏi gì cả”, bạn chia sẻ. Cũng
như bạn, đến giờ tôi vẫn nhớ ngày mình được kết nạp Đoàn năm 15 tuổi.
Chiều đó, tôi lâng lâng tự hào, hát các bài Đoàn ca, Tuổi trẻ
thế hệ bác Hồ suốt trên đường về nhà. Nói vậy để minh chứng rằng
niềm tin của tôi lúc đó vừa tự nhiên, vừa sâu sắc đến mức nào! Và tôi
không nghĩ tôi là người duy nhất như vậy.
Giáo dục để khai phóng Năm
19 tuổi, tôi rời Việt Nam để đi học đại học ở nước ngoài. Trong trường,
các lớp tôi theo học ở khoa xã hội học và lịch sử bắt đầu cho tôi biết
sự lệch lạc của lăng kính nhị phân tối giản để hiểu về thế giới. Tuy
nhiên, trải nghiệm “sáng mắt” của tôi thì xảy ra bên ngoài lớp học.
Chiều hôm ấy, khi đang lục lọi kệ sách trong thư viện trường để tìm sách
cần cho bài luận sắp nộp, tôi tình cờ bắt gặp một chồng sách mà trên gáy
có tiếng Việt. Đó là một tuyển tập các câu chuyện về thuyền nhân Việt
Nam sống sót sau biến cố vượt biên cuối thập niên 1970 – đầu 1980. Tôi
đọc được những thảm kịch về vợ chồng sinh ly tử biệt, về cha chứng kiến
con gái bị cướp biển hãm hiếp và giết ngay trước mắt mình, về những xác
người trên các tàu vượt biên bị ném xuống biển, về những con tàu đắm
ngoài khơi, và về những cuộc đời vĩnh viễn hư hao dù họ có đến được bến
bờ họ hy vọng.
Những câu chuyện này hoàn toàn trái ngược với những gì tôi biết về Việt
Nam trước đó. Họ là đồng bào tôi, nhưng sao câu chuyện của họ hoàn toàn
“không khớp” với đại tự sử vẻ vang, hào hùng, “toàn Đảng, toàn dân”? Nếu
“phía đúng của lịch sử” mà tôi được nghe là đúng thật, thì sao những
người này đánh liều tính mạng để ra đi? Những câu hỏi của tôi ngày một
nhiều hơn, nhờ thư viện và Internet, để dẫn dắt tôi đến những mặt khác
của lịch sử. Kể
từ đó, tôi trở thành người tự chủ giáo dục cho mình, để khắc phục những
năm tháng “dưới mái trường xã hội chủ nghĩa”. Sau khi xong cử nhân, tôi
tiếp tục học lên và có cơ hội nghiên cứu lịch sử của Chiến tranh Việt
Nam (Vietnam War) (thay vì “Kháng chiến chống Mỹ”). Tôi cũng viết về
những phong trào xã hội, nhân quyền, dân chủ ở Việt Nam hiện tại với
những ảnh hưởng của các sự kiện lịch sử mà tôi học được kể từ sau buổi
chiều thư viện ấy. Con
đường tôi chọn, mặc dù không dễ dàng, nhưng tôi thấy nó đáng làm, bởi nó
khai mở một tôi khác – một người Việt Nam được “khai” và “phóng”, chứ
không phải là một tín đồ mù quáng, tiêu hóa và dung nạp những lịch sử bị
bóp méo vì lợi ích chính trị. Ngoài ra, nó cũng giúp tôi làm một người
tử tế, nghĩa là người biết xúc động trước nỗi đau của những người bị đàn
áp và xóa tên khỏi lịch sử, cũng như góp một phần nhỏ vào việc kể lại
cho người sau những câu chuyện bị bôi xóa ấy. Tuy
nhiên, tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, giáo dục không cứ phải là ở trường
đại học hay thư viện. Khác với tôi, những người hoạt động xã hội mà tôi
đã gặp, họ “khai phóng” chính mình thông qua những trải nghiệm tham gia
biểu tình; tự tìm đọc các trang blog, web của những học giả lẫn những
chứng nhân của lịch sử trong nước lẫn ngoài nước; nghe và thảo luận với
những người trong cộng đồng cùng đức tin; hoặc gặp gỡ tiếp xúc với những
người Việt cấp tiến ở hải ngoại. Bất
kể là con đường nào, chúng tôi gặp nhau ở điểm chung là tự nhận thức
được về vị trí của mình trên bàn cờ chính trị ký ức. Là người Công giáo,
là “bên thua cuộc”, là người miền Bắc nhưng không đứng về “bên thắng
cuộc” (như tác giả của bài viết “nhạy
cảm Bắc Nam” này là một ví dụ), [6] hoặc là những người biểu tình ôn
hòa bị đàn áp thô bạo, việc hiểu đúng về những trang lịch sử đằng sau
bàn tay quyền lực in dấu lên mình và những người như mình, lại càng là
điều đặc biệt thiết thân. Và cũng chính từ những người Việt có tinh thần
khai phóng này, tôi có niềm tin vào sức sống dài lâu của những câu
chuyện mà thời còn là “thiếu niên đỏ rực”, tôi đã không bao giờ biết
tới.
Bài học từ Đông Kinh Nghĩa Thục và báo chí cách mạng Tôi
không nghĩ rằng trong những năm tới đây hệ thống giáo dục chính quy ở
Việt Nam sẽ có những thay đổi lớn về cách dạy lịch sử, hay về tự chủ
giáo dục. Vì thế, tôi không khỏi lo lắng rằng những hình ảnh về hàng dài
xe chờ trước đài hỏa táng ở Sài Gòn, hàng nghìn gương mặt đằng sau những
thống kê tử vong, bao nhiêu đau đớn của người thân ở lại, và cả những
người may mắn vẫn sống nhưng đã bị bần cùng hóa, một lần nữa sẽ có nguy
cơ bị xóa sổ trong lịch sử. Nếu năm 2021 sẽ được kể lại đúng như cách nó
đã xảy ra, thì tránh sao khỏi những câu hỏi khó cho chính quyền về năng
lực, trách nhiệm giải trình, và cả đạo đức của họ trong các quyết sách
và hành xử vừa qua? Tuy
nhiên, lịch sử của đầu thế kỷ 20 cho ta bài học về sức mạnh của người
Việt dưới gót giày đô hộ, qua câu chuyện của các ngôi trường Đông Kinh
Nghĩa Thục và báo chí cách mạng. Khi giáo dục cũng là phương tiện để
người Pháp cai trị xứ thuộc địa, Phan Chu Trinh lập ra hệ thống trường
Đông Kinh Nghĩa Thục khắp ba kỳ để khai dân trí, chấn dân khí. Trên
một mặt trận khác, Phan Bội Châu liên tục viết các chính-kiến thư từ hải
ngoại về các vấn đề xã hội và chính trị trên con đường đấu tranh cho độc
lập dân tộc, dành cho độc giả trong nước. Quan trọng hơn nữa, như học
giả William Duiker nhận định, những việc mà Phan Bội Châu và Phan Chu
Trinh làm đã góp phần then chốt hun đúc nên một thế hệ người Việt hiểu
mình là ai và khao khát độc lập, làm chủ đất nước, để sau này trở thành
nòng cốt cho phong trào kháng Pháp và đi đến thắng lợi. [7] Tôi
tin tưởng rằng nếu chúng ta có thể làm sống lại tinh thần công dân và
những thực hành giáo dục để khai phóng tương tự như thời đại của hai cụ
Phan, [8] chúng ta qua đó đã thực thi công lý cho quá khứ và cho những
người bị khuất mặt, mất tên, cũng như đã khai mở những nền tảng cốt lõi
cho một Việt Nam tốt đẹp hơn – một đất nước mà người Việt của hôm qua,
hôm nay lẫn mai sau đều xứng đáng có được.
Chú thích 1.
Theo số liệu của Johns Hopkins Coronavirus Resource Center, số tử mới
trong tháng 8/2021 là 10.067. Truy cập tại: https://coronavirus.jhu.edu/region/vietnam ngày
3/9/2021. 2.
Bia Dứa (1/9/2021). Chúng ta còn lại gì nếu ngày mai hết dịch? Luật
Khoa tạp chí. https://www.luatkhoa.org/2021/09/chung-ta-con-lai-gi-neu-ngay-mai-het-dich/ 3.
Năng Tịnh (6/8/2021). Dân kêu cứu khắp nơi, chính quyền thì đang làm
gì? Luật Khoa tạp chí. https://www.luatkhoa.org/2021/08/dan-keu-cuu-khap-noi-chinh-quyen-thi-dang-lam-gi/ 4.
Nguyên Minh (23/8/2021). Ai đi chợ, ai đưa cơm? Ba ngày người dân TP. Hồ
Chí Minh quay cuồng với thông tin từ chính quyền. Luật Khoa tạp chí. https://www.luatkhoa.org/2021/08/ai-di-cho-ai-dua-com-ba-ngay-nguoi-dan-tp-ho-chi-minh-quay-cuong-voi-thong-tin-tu-chinh-quyen/ 5.
Vu, T. (2014). Triumphs Journal of Southeast Asian Studies, 45(2),
pp 236–257. https://www.jstor.org/stable/43863284 6.
Trịnh Hữu Long (5/7/2021). 5 điều nhạy cảm người miền Bắc nên biết về
miền Nam. Luật Khoa tạp chí. https://www.luatkhoa.org/2021/07/5-dieu-nhay-cam-nguoi-mien-bac-nen-biet-ve-mien-nam/ 7.
Duiker, W. (1976). The rise of nationalism in Vietnam, 1900-1941.
Ithaca & London: Cornell University Press. 8.
Mỗi thời đại có một bối cảnh riêng, nên tôi không có ý nói chúng ta nên
sao chép y nguyên những việc mà Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh làm, mà
chỉ nên xem đó là nguồn cảm hứng. Trong một bài viết khác ở tương lai,
tôi hy vọng sẽ có dịp tập trung và bàn sâu về chủ để ứng dụng bài học
của thời đại Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh cho bối cảnh chính trị Việt
Nam đương đại. |