Luật Khoa
Chính trị vùng miền Việt Nam: Lời nguyền địa chính trị
Chính trị vùng miền Việt Nam bắt rễ từ rất xa trong lịch sử.
Võ Văn Quản
Tranh chấp Nam – Bắc và tư duy vùng miền tại Việt Nam không phải là câu
chuyện mới đây. Nhiều nghiên
cứu Việt Nam và quốc tế, không chỉ về lịch sử – chính trị, mà thậm
chí là còn về văn học, đã cho thấy sự khác biệt trong nền tảng văn hóa,
quá trình phát triển và tư duy chính trị giữa Nam – Bắc Việt Nam.
Kể từ cuối thế kỷ 17, hai miền Nam – Bắc, bắt đầu với thứ gọi là Đàng
Trong – Đàng Ngoài, không hề có liên lạc gì khác với nhau ngoài chiến
tranh và chết chóc. Điều này được giáo sư Alexander Woodside thuộc
trường Đại học British Columbia (Canada), một trong những chuyên gia
phương Tây hàng đầu về lịch sử Đông Á và Đông Nam Á, tổng kết lại rằng:
mỗi miền tiến hóa và phát triển bằng hệ quy chiếu riêng của nó với cấu
trúc kinh tế, chính trị và xã hội hoàn toàn đặc trưng.
Nền tảng văn hóa của hàng trăm năm tách biệt dường như tạo nên một định
hướng chung cho thế giới quan của mỗi miền, điều đến nay dường như vẫn
còn vang vọng.
Ở Đàng Ngoài, ổn định xã hội được chú trọng, chủ yếu dựa vào sự phát
triển của đạo lý, nguyên tắc Khổng giáo. Họ có xu hướng thân Trung Quốc,
và tập trung duy trì sự thuần nhất văn hóa (cultural heterogeneity) rất
cao. Mạch máu chính của nền chính trị Đàng Ngoài là các viên chức dân sự
(civil servant) được đào tạo bài bản, có quy củ và có nền tảng thực hành
mô hình quan liêu nhiều thế kỷ.
Hoàn toàn ngược lại, chúa Nguyễn ở Đàng Trong duy trì sự ổn định xã hội
chủ yếu bằng phát triển kinh tế và giao thương đường biển với nhiều quốc
gia khác nhau. Nguồn lực chính trị chủ yếu là các quan chức quân sự phi
Khổng giáo. Chính quyền và con người Đàng Trong nhìn chung luôn được
đánh giá là mang tính thỏa hiệp và thực dụng cao hơn hẳn so với miền
Bắc. Nền tảng sắc tộc cũng đa dạng hơn với sự xuất hiện đáng kể của
người Chăm, Khmer, Hoa và kể cả thương nhân phương Tây trong quan hệ xã
hội, giao thương thường ngày.
Cái lõi văn hóa này, hay thậm chí người viết có thể tạm gọi là một lời
nguyền địa chính trị, tiếp tục ám ảnh chính trị Việt Nam.
Từ việc đại đa số các nhóm trí thức Khổng giáo Đàng Ngoài khước từ nhà
Tây Sơn, cho đến phe Bắc phái Nam bên trong nội bộ nhà Nguyễn, và đỉnh
điểm là chiến tranh Việt Nam (1954 – 1975)… là những minh chứng cho sự
dai dẳng của căn bệnh nan y “Nam – Bắc” trong nền chính trị quốc gia.
Đảng Cộng sản Việt Nam, tập đoàn chính trị thống trị chính thức của toàn
cõi Việt Nam gần nửa thế kỷ trở lại đây, có vẻ không thoát khỏi lời
nguyền trên, theo ghi nhận của nhiều nghiên cứu khoa học lịch sử.
Cũng cần lưu ý, bài viết không tập trung vào nơi sinh hay nguyên quán
của một cá nhân để xác định họ là “cánh Nam” hay “cánh Bắc”. Điều quan
trọng là họ được nuôi dưỡng, hoạt động, chịu ảnh hưởng và xây dựng lực
lượng trong môi trường chính trị nào.
Một trong những ví dụ điển hình là trường hợp của Nguyễn Văn Linh. Ông
sinh ra ở Hưng Yên, tức hoàn toàn ở Bắc Bộ Việt Nam. Tuy nhiên, ông
trưởng thành và hoạt động cách mạng trong suốt 15 năm giai đoạn chiến
tranh Việt Nam chủ yếu với tư cách là phó bí thư và bí thư Trung ương
Cục miền Nam (chức danh đảng quan trọng nhất tại miền Nam Việt Nam). Sau
đó, ông tiếp tục được chỉ định làm Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh. Ông
Linh vì vậy là một trong những đại diện có tư tưởng cấp tiến ít ỏi của
“cánh Nam” trong Bộ Chính trị sau năm 1975.
Từ thập niên 1920 đến 1975: Thành bại vì… còn sống hay đã chết
Khác biệt vùng miền xuất hiện gần như ngay lập tức khi Đảng Cộng sản
Việt Nam thành hình tại dải đất hình chữ S.
Nhiều nghiên cứu tiếng Việt cũng như nghiên cứu khả tín tiếng Anh như
của William J. Duiker với “Communist
Road to Power in Vietnam” hay Vũ Tường với “Vietnam’s
Communist Revolution: The Power and Limits of Ideology” ghi nhận
rằng trong thập niên 1920, tinh hoa cộng sản miền Bắc gần như thống nhất
trong việc ưu tiên thực hiện cách mạng xã hội trước (“social revolution
first”), trong khi đó, cánh miền Nam thì ưu tiên cách mạng dân tộc dân
chủ trước (“national revolution first”).
Sự tan rã của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội (Vietnam
Revolutionary Youth League) vào năm 1929, từ đó hình thành nên hai chính
đảng cộng sản gồm Đông Dương Cộng sản Đảng (tên gọi cũng phản ánh việc
không chấp nhận con đường cách mạng dân tộc tính) và An Nam Cộng sản
Đảng là bằng chứng được ghi nhận khá rõ ràng về sự phân hóa vùng miền
(và theo đó là tư tưởng chính trị) bên trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt
Nam.
Vào năm 1930, Nguyễn Ái Quốc làm trung gian cho việc sáp nhập cả ba tổ
chức cộng sản để hình thành Đảng Cộng sản Việt Nam (bao gồm một đảng độc
lập khác là Đông Dương Cộng sản Liên đoàn – League of Indochinese
Communist). Tuy nhiên, các tranh chấp về định hướng đấu tranh giữa các
phe phái bên trong Đảng Cộng sản Việt Nam không vì thế mà giảm bớt.
Gần một thập niên sau, với thất bại của Xô-viết Nghệ Tĩnh (Trung bộ Việt
Nam, 1930 – 1931) và khởi nghĩa Nam Kỳ (Nam bộ Việt Nam, 1940), hệ thống
mạng lưới cán bộ và cơ sở đảng của miền Trung và miền Nam gần như bị
triệt tiêu hoàn toàn.
Cũng vì hai thất bại nghiêm trọng này, bốn đời tổng bí thư đầu tiên của
Đảng Cộng sản Việt Nam là Trần Phú (quê Phú Yên), Lê Hồng Phong (quê
Nghệ An), Hà Huy Tập (quê Hà Tĩnh) và Nguyễn Văn Cừ (quê Bắc Ninh), cùng
nhiều cán bộ cao cấp khác đều bị thực dân Pháp xử tử. Đây cũng là những
người có tham dự vào các tranh chấp vùng miền trước đó.
Theo lý giải của tác giả Duy Trinh, Đại học California, trong nghiên cứu
“Explaining
Factional Sorting in China and Vietnam”, điều này khiến cho chỉ còn
Hồ Chí Minh và mạng lưới cán bộ lãnh đạo Bắc Kỳ là còn sống sót để trở
thành lực lượng nòng cốt tham gia Cách mạng tháng Tám. Trên cơ sở này,
họ đồng nhất sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam với sự lãnh đạo của
giới tinh hoa “Việt Bắc”.
Tuy nhiên, hệ quả phụ của nó đối với chính nhóm lãnh đạo này là họ không
còn nền tảng nào khác để tham gia vào các hoạt động bảo trợ chính trị
(political clientelism – hiểu đơn giản là việc trao đổi, mua bán, trung
gian quyền lực, nhân sự, lợi ích chính trị…) ngoài nền tảng địa lý, quê
quán hay vùng miền. Ví dụ như ở Trung Quốc, các phe phái nội đảng đời
đầu thường được phân chia giữa cán bộ được đào tạo ở Liên Xô và cán bộ
tự phát triển của địa phương.
Sự thống trị đương nhiên của giới tinh hoa từ Việt Bắc chỉ chính thức bị
đe dọa khi Lê Duẩn (quê Quảng Trị) – một cán bộ từ miền Nam Trung Bộ –
chen chân được vào Bộ Chính trị (1951). Tuy nhiên, ông này cũng mất hết
chín năm sau đó để có thể đạt được vị trí tổng bí thư (1960 – thời điểm
này gọi là bí thư thứ nhất) và lâu hơn thế nữa để củng cố vị thế cùng
phe cánh của mình.
Chính sử của nhà nước Việt Nam ghi nhận rằng chính Hồ Chí Minh đã ủy
nhiệm quyền lực lại cho ông Duẩn nhằm đảm bảo sự thống nhất của đảng.
Song không khó để các nhà nghiên cứu nhận ra sự nổi lên của Lê Duẩn là
kết quả của một cuộc cạnh tranh giữa phe cán bộ miền Bắc mong muốn tập
trung xây dựng lại miền Bắc và phe cán bộ miền Nam “diều hâu” chủ trương
lấy lại miền Nam bằng vũ lực.
“Vụ án xét lại chống Đảng” xảy ra trong giai đoạn 1967 – 1968 được nhiều
nhà quan sát cho
là đỉnh điểm của tranh chấp phe phái Nam – Bắc, với các nhân vật
thuộc cấp hoặc đồng minh chính trị của Hồ Chí Minh lẫn Võ Nguyên Giáp bị
bắt giữ và xét xử. Một số cái tên trong đó còn quen thuộc và được ghi
nhận trong các nghiên
cứu hiện đại ngày nay như Vũ Đình Huỳnh và Vũ Thư Hiên, Đặng Kim
Giang, Lê Liêm, Đỗ Đức Kiên, Hoàng Thế Dũng, Văn Đoàn, Lê Trọng Nghĩa…
Cùng trong hoàn cảnh đó, Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam,
một tổ chức trực thuộc của Đảng Cộng sản Việt Nam (dù lúc đó cả hai phía
đều phủ nhận), phát triển ở miền Nam với quyền tự chủ cao trong các vấn
đề từ nhân sự đến tài chính, từ đó trở thành một thế lực đáng gờm nếu
một ngày hai miền thống nhất. Có thể lý giải việc này là do cách biệt
địa lý với chính quyền Hà Nội, cùng với mô hình và hệ thống tổ chức
chính trị – quân sự thống nhất và mang tính tự trị, tự duy trì khá cao.
Bản thân nhóm này cũng là những nhóm thực chiến với quân lực Việt Nam
Cộng hòa và quân đội Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, tham vọng “giải phóng” sớm của phe phái cán bộ từ miền Nam
lại là con dao hai lưỡi làm hại chính họ, mà cao trào là chiến dịch Tết
Mậu Thân năm 1968.
Các tài liệu quốc tế thường ghi nhận chiến dịch Mậu Thân là cú tát làm
công chúng Hoa Kỳ thức tỉnh (một cách thiếu kiên nhẫn). Thứ mà họ không
nhận ra là cơn ác mộng hậu Xô-viết Nghệ Tĩnh đã lặp lại với Mặt trận: cơ
sở đảng của họ ở miền Nam bị trốc rễ.
Theo ước
tính, có khả năng lên đến 180.000 quân cách mạng thiệt mạng trong
Tết Mậu Thân. Thêm vào đó, 40% cán bộ chủ chốt của Mặt trận bị giết hoặc
mất kết nối với cơ sở. Nhóm này sau đó bị cán bộ miền Bắc thay thế. Hệ
thống tình báo, cảm tình viên… đều bật gốc khỏi các đô thị miền Nam Việt
Nam.
Vì những lý do trên, Mặt trận không còn khả năng tự vận hành và đánh
chiến dịch một cách độc lập mà phải dựa vào sự điều động, kế hoạch và
nhân lực của miền Bắc.
Quan trọng nhất, danh tiếng cũng như tầm ảnh hưởng tại Hà Nội của cánh
miền Nam, do Lê Duẩn và Lê Đức Thọ dẫn đầu, bị thách thức. Dù Lê Duẩn
tiếp tục tại vị bên trong Bộ Chính trị đến tận năm 1986, tổ chức đảng
thuộc cánh miền Nam không còn đủ tiếng nói để tiến cử các cá nhân có ảnh
hưởng nào khác nhằm kế thừa vai trò và vị trí trong đảng mình. Danh tính
của “cán bộ đảng miền Nam” từ đó không còn quan trọng nữa.
Sau 1975: Bằng mặt, không bằng lòng?
Kể từ sau 1975, sự thắng thế của nhóm miền Bắc được khẳng định khá rõ.
Song không vì vậy mà nhóm này không cẩn trọng trong việc duy trì một
hình ảnh công bằng và phổ quát bên trong Bộ Chính trị. Theo ghi
nhận của tác giả David Koh (bất ngờ là hiện đang làm việc cho VinUni
của Vingroup), số lượng ghế ủy viên Bộ Chính trị đã phải tăng từ 11 ghế
lên 14 ghế, cho phép các đại diện từ miền Nam nắm giữ.
Điều này, tuy nhiên, vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Như đã nói, Nguyễn Văn
Linh là nhân vật duy nhất từ miền Nam có thể lọt vào Bộ Chính trị (mà
thật ra thì ông cũng là người gốc Bắc) sau năm 1975.
Một số nhà nghiên cứu thì lại cho rằng các nhóm bỏ phiếu “hội
đồng”, các liên minh chính trị có tính phe phái trong Đảng Cộng sản Việt
Nam hiện nay không còn màu sắc vùng miền rõ ràng, mà chủ yếu dựa trên lý
tưởng, chính sách hoặc lợi ích.
Các tác giả như Barbara
Crossette hay Nguyen
Cong Luan là đại diện chủ yếu của luận điểm trên. Họ cho thấy chi
phái miền Nam có mặt cả ở nhóm cấp tiến ủng hộ cải tổ kinh tế như Nguyễn
Văn Linh hay Võ Văn Kiệt. Song những người đến từ chi phái này như Lê
Duẩn và Mai Chí Thọ (sinh tại Nam Định, nhưng từ năm 1948 đã là bí thư
Tỉnh ủy Mỹ Tho và hoạt động hoàn toàn tại miền Tây Nam Bộ cho đến 1975)
lại là những nhân vật cộm cán nhất trong phe thủ cựu.
Trường Chinh, một nhà lý luận chính gốc người Bắc, thì từng hợp lực với
Lê Duẩn để đẩy Nguyễn Văn Linh ra khỏi Bộ Chính trị vào năm 1982. Nhưng
cũng chính ông này mở đường lý luận và kêu gọi chi phái miền Bắc ủng hộ
tạo đà cải cách kinh tế, giúp đỡ Nguyễn Văn Linh trở lại con đường quyền
lực và nắm giữ vai trò tổng bí thư.
Nguyễn Văn Linh, mặt khác, dù được tụng xưng là cha đẻ của phong trào
Đổi mới tại Việt Nam, dần trở nên bảo thủ hơn và thường xuyên xung đột
với Võ Văn Kiệt trong các vấn đề liên quan đến chi tiết và định hướng
của quá trình Đổi mới cho đến khi ông hết nhiệm kỳ vào năm 1991.
Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng chỉ sau Đổi mới, chi phái miền Nam của
Đảng Cộng sản mới có mặt một cách thường xuyên và đông đảo hơn trong Bộ
Chính trị.
Thành công vang dội của Đổi mới và quá trình mở cửa do chi phái miền Nam
đóng vai trò chủ đạo (mà đặc biệt là cánh miền Tây Nam Bộ) nhanh chóng
tạo điều kiện mở rộng ảnh hưởng của nhóm.
Ở một góc độ nào đó, người ta bình luận rằng khả năng mở rộng tầm nhìn
chính trị Việt Nam ra khỏi quota vùng miền là khả thi.
Sau Đại hội X – 2006, có thể nhận thấy các lãnh đạo chính trị cao cấp
như Nguyễn Tấn Dũng, Trương Tấn Sang, Nguyễn Minh Triết có lực lượng áp
đảo hai vị đến từ miền Bắc là Nông Đức Mạnh và Nguyễn Phú Trọng. Nhìn
rộng hơn, có đến 6 thành viên đến từ Tây Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu
Long trong Bộ Chính trị vào khi đó. Nếu so với con số 14 ủy viên tổng
cộng thì không hẳn là nhiều, nhưng nó cho thấy tầm ảnh hưởng dần lớn
mạnh của một bộ phận chính trị “bản lề” trong suốt gần 100 năm lịch sử
của Đảng Cộng sản Việt Nam: bị lãnh đạo chứ chưa bao giờ thành lãnh
đạo.
***
Đại hội XII và Đại hội XIII chắc chắn đã có những thay đổi rất dễ thấy.
Sau chỉ tròm trèm một thập kỷ trỗi dậy, cánh miền Nam tiếp tục rơi vào
thế yếu, với một lý do cực kỳ hợp lý – quản lý kinh tế kém và tham
nhũng.
Tuy nhiên, sẽ thật ngờ nghệch nếu cho rằng bản chất tham nhũng trong bộ
máy nhà nước Việt Nam chỉ tồn tại hay phát huy ở bối cảnh do chi phái
miền Nam nắm quyền.
Nên nhớ, đến cuối cùng, gần như toàn bộ bộ máy quản lý ở trung ương đều
do các “sĩ phu Bắc Hà” nắm cả, dù cho đến nay không có một nghiên cứu
chính thức nào dám đào sâu vào nghiên cứu tính đại diện vùng miền trong
nhân lực quản lý cấp cao của nhà nước Việt Nam.
Cuộc chiến chống tham nhũng đã diễn ra và sẽ kéo dài trong tương lai,
không biết bao nhiêu phần trăm nằm trong nỗi ám ảnh vùng miền. Khối ung
thư trong tư tưởng quản lý nhà nước “Đàng Trong – Đàng Ngoài” liệu có
thể giải quyết bằng cách nào, kể cả khi Đảng Cộng sản rơi khỏi quỹ đạo
lịch sử, vẫn là một câu hỏi quá khó. |