RFA 23-3-13
Có phải phát biểu bị lợi dụng?
Mặc Lâm, biên tập viên
RFA
Truyền hình nhà nước đêm 22 tháng 2 đã phát hình buổi vận động góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 trong đó có phần phỏng vấn nguyên Bộ trưởng Tư Pháp Nguyễn Đình Lộc. Ông Lộc đã phát biểu rằng ông không tham gia soạn thảo bản kiến nghị 7 điểm mặc dù làm trưởng đoàn giao bản kiến nghị này cho Ủy Ban Pháp Luật Quốc hội vào ngày 4 tháng Hai vừa qua. Sự phủ nhận này gây một cơn lốc giận dữ trong cộng đồng mạng tại Việt Nam. Trong Chương trình Thời sự VTV1 vào tối thứ Sáu 22/3/2013 người dân ngạc nhiên khi ông cựu Bộ trưởng Tư Pháp Nguyễn Đình Lộc xuất hiện trả lời về việc người dân góp ý sửa đổi Hiến Pháp. Ông Lộc trong những ngày gần đây rất nổi tiếng vì từng làm trưởng đoàn gồm 15 nhân sĩ trí thức đến số 37 đường Hùng Vương để trao kiến nghị 7 điểm và bản Dự thảo sửa đối Hiến pháp năm 2013 cho Ủy Ban Pháp luật của Quốc Hội. Khi được phóng viên truyền hình hỏi vai trò của mình trong bản kiến nghị, ông Nguyễn Đình Lộc đã trả lời như sau: “Phần tôi thật ra đóng vai trò thì nói về trưởng đoàn nghe có vẻ to lắm nhưng chỉ đến đấy mới được lên trưởng đoàn, đến lúc trao thì mới được lên trưởng đoàn thành ra giao cho cái gọi là trưởng đoàn còn trước đấy tôi không tham gia tôi không soạn thảo. Vì tôi là nguyên là bộ trưởng Bộ Tư pháp nên các đồng chí ấy, các bạn có vẻ tín nhiệm tôi cao thôi chứ còn thật ra tôi không tham gia vào xây dựng văn bản ấy, cho nên bây giờ có người cứ bảo tôi thế này tôi thế kia nhưng nếu tôi làm thì tôi nhận thôi nhưng tôi không làm cái đó. Chính anh em họ làm mà hôm ấy mình chỉ là người đến đấy họ trao làm trưởng đoàn để mà trao cái quyết định thế thôi. Tức nhiên trước khi trao thì phải đọc chứ. Tôi cũng có nghiên cứu và bản thân tôi lúc bấy giờ cũng muốn sửa một số chỗ nhưng các đồng chí bảo: Không, cái này công bố trên mạng rồi bây giờ mình sửa thì không nên. Thật ra đến lúc đó mới trao cho tôi sau, trước đấy không trao đổi kỹ tôi nói rằng là cũng có lúc người khác trao nhưng hôm cuối cùng gặp nhau thì bảo cứ để ông Lộc ông ấy trao. Như tôi đã nói việc viết những văn bản ấy tôi không tham gia, tất nhiên tôi có tham gia ý kiến nhưng tôi không phải là người viết đâu. Còn cái dự thảo gọi là Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 2013 thì tôi hoàn toàn không tham gia cũng không phải là người thành lập ký vào chỗ bảy điểm còn Dự thảo Hiến Pháp sửa đổi năm 2013 thì tôi không hề viết cái đó.” Khi chương trình được phát sóng cư dân mạng đã thông tin cho nhau về cuộc phỏng vấn này và không ít người cho rằng ông Lộc đã phản bội lại những đồng chí của ông, ít nhất là mười bốn người cùng đi với ông để trao bản kiến nghị 7 điểm và Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 2013. Hạ uy tínĐể làm rõ hơn về bài phỏng vấn này chúng tôi đã liên lạc được với ông Nguyễn Đình Lộc và ông thẳng thắn cho biết là chương trình này không có sự biên tập nào đối với những phát biểu của ông. Để chứng minh, ông nói thêm về việc ông có tham gia soạn thảo kiến nghị 7 điểm hay không:“À không, thì cái đó nó cũng rõ thôi. Thật ra thì cái bản ấy tôi không tham gia viết, nhưng hôm ấy hôm cuối cùng gặp nhau thì một số đồng chí bảo tôi, đề nghị ông Lộc bởi ổng chuyên về pháp luật cho nên để ổng làm trưởng đoàn để mà đi trao thôi chứ việc mà viết thì tôi không viết đâu. Thật ra cũng có những chỗ tôi định đề nghị là có thể sửa được không nhưng anh em bảo cái ấy đã đưa lên mạng rồi không nên sửa nữa. Đấy là ý kiến chung chứ không riêng một người nào đâu, nói chung ấy là ý kiến chung.” Khi chúng tôi mang câu chuyện có nguồn tin cho rằng ông đã có ý định rút tên ra khỏi bản kiến nghị và nhân tiện hỏi ông có ân hận gì khi tham gia vào bản kiến nghị hay không, ông cho biết: “Cái việc hôm ấy đã làm xong rồi thì rút hay không rút làm gì nữa? Chỉ làm bằng ấy thôi chứ có làm thêm điều gì đâu? Chuyện gì mà ân hận nhỉ? Quốc hội kêu gọi nhân dân đóng góp ý kiến thì chúng tôi góp ý kiến thôi có gì đâu mà ân hận? Tiếp thu hay không thì đó là việc của ban soạn thảo, đem trình Quốc hội thì Quốc hội quyết chứ. Khi tham gia thì mọi người đều có quyền tham gia nhưng mà ý kiến tham gia thì không phải mọi thứ đều bắt buộc phải nghe. Phải nói đó là ý kiến chung chứ không phải một người, hôm ấy có mười mấy người cơ mà, rồi sau này tham gia thêm.” Để sáng tỏ hơn những gì nguyên Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc nói trước công chúng, chúng tôi phỏng vấn Giáo sư Tương Lai, người có mặt từ đầu trong danh sách 72 người và cũng có mặt tại buổi trao kiến nghị 7 điểm cùng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 2013 cho Ủy Ban Pháp luật Quốc hội vào ngày 4 tháng Hai. Giáo sư Tương Lai cho biết: “Ở trên mạng đã có một vài phê phán cho rằng ông Nguyễn Đình Lộc trở cờ này nọ tôi cho nhận định như thế là rất vội vã và không đúng. Có mấy điều mà tôi nghĩ là ông Lộc ông ấy nói đúng. Bởi vì chính tôi cũng được vinh dự tham gia vào đoàn đại biểu mang kiến nghị đến 37 Hùng Vương. Khi chuẩn bị đến bấy giờ mọi người bảo anh Lộc làm trưởng đoàn thì anh Lộc rất vui vẻ và cùng đi, vì vậy anh ấy nói ra là cũng bình thường vì chúng tôi nghĩ rằng đã tham gia vào việc đưa kiến nghị thì ai làm trưởng đoàn cũng thế thôi. Nhưng vì anh Lộc nguyên là Bộ trưởng Bộ Tư Pháp thì anh ấy làm trưởng đoàn nó có cái hay của nó. Cho nên chúng tôi nghĩ chẳng có vấn đề gì mà phải rắc rối, cho nên anh Lộc anh nói như vậy là đúng.” Riêng về điều mà ông Nguyễn Đình Lộc khẳng định là không hề tham gia soạn thảo bản Dự thảo Hiến Pháp 2013 Giáo sư Tương Lai nhận xét: “Điều thứ hai anh ấy nói cũng đúng. Anh ấy nói không tham gia soạn thảo bản Hiến pháp 2013, tôi nghĩ điều đó có thể cũng đúng. Theo chỗ tôi biết việc soạn thảo đó xem như là một tư liệu tham khảo kèm theo bản kiến nghị 7 điều mà chúng tôi đã ký tên vào thì bản Hiến pháp năm 2013 là do một số chuyên gia về luật soạn thảo nhưng trong đó hình như không có anh Lộc, vì vậy điều anh nói là cũng đúng.” Còn việc thứ ba thì sao? Ông Nguyễn Đình Lộc đã làm cư dân mạng bức xúc khi nói rằng khi ông đưa ý kiến thì mọi người nói rằng kiến nghị 7 điểm đã được đưa lên mạng nên không thể sửa, Giáo sư Tương Lai một lần nữa xác nhận: “Anh ấy nói khi soạn thảo bản kiến nghị 7 điểm thì anh ấy có tham gia và có ý kiến và về cuối thì cũng có một vài ý kiến cần phải sửa nhưng quả thật lúc bấy giờ đã đưa lên mạng rồi không sửa kịp nữa. Điều đó cũng là đúng. Như cá nhân tôi được các anh ấy cho tham gia góp ý kiến về bản kiến nghị thì đến phút cuối tôi cũng đề nghị là nên chỉnh sửa thế nào để khi người ta xem người ta dễ hiểu hơn. Tôi cũng nói quyết liệt lắm. Cuối cùng ý kiến của tôi cũng có thể được chấp nhận một phần nào và chúng tôi cùng sửa. Còn anh Lộc có thể anh cũng là người không gay gắt thấy xong thì anh cũng cười thế thôi.” Mặc dù những phát biểu của ông Nguyễn Đình Lộc, nguyên Bộ trưởng Tư pháp đều được giáo sư Tương Lai xác nhận là đúng nhưng những băn khoăn của Giáo sư là những câu nói không mạch lạc và thiếu thuyết phục của ông Lộc có thể làm hại chính bản thân của ông, Giáo sư Tương Lai nói: “Theo tôi người ta có
thể khai thác những ý nói không thật rõ ràng của
anh Lộc để người ta làm mất uy tín của anh ấy,
đây là điều mà bản thân anh Lộc phải rút kinh
nghiệm thôi. Mỗi người phải tự chịu trách nhiệm
về chính mình. Cái cách anh ấy nói không rành
rọt dứt khoát khiến người ta có thể khai thác và
người ta nói ông này bị ép buộc, hoặc thế này
thế kia điều đó sẽ rất hại uy tín cho một người
từng là Bộ trưởng và nhất là một trí thức chân
chính. Từ phát biểu không rành rọt của ông nguyên Bộ trưởng Nguyễn Đình Lộc, của nhà luật gia, nhà trí thức Nguyễn Đình Lộc người ta có thể bẻ quẹo đi thì điều đó rất có hại cho uy tín của cá nhân anh Lộc. Mỗi người phải tự chịu trách nhiệm cho bản thân mình còn áp lực hay không áp lực thì tôi không được biết để bản thân anh Lộc sẽ nói mà thôi.” Vu khống, trù dậpKhi được hỏi liệu những phát biểu này có làm mất đi phần nào uy tín của kiến nghị 7 điểm hay không, Giáo sư Tương Lai cho biết:“Bản thân của vấn đề này chẳng mảy may ảnh hưởng gì đến ý nghĩa sâu xa và trực tiếp của kiến nghị 7 điểm mà chúng tôi đã ký vào và đến tận nơi ban soạn thảo trao kiến nghị đó. Việc làm này là quang minh chính đại theo yêu cầu chung của Quốc hội đưa ra cho toàn dân. Cuộc thảo luận công khai gần đây do ông Uông Chu Lưu phó chủ tịch Quốc hội chủ trì những anh em từng tham gia soạn thảo kiến nghị 7 điểm nói trên đã được mời và mọi người đã trình bày ý kiến này một cách rất thẳng thắn. Ý kiến của Giáo sư Hoàng Tụy, của Giáo sư Chu Hảo, ý kiến của TS Nguyễn Quang A … Anh Chu Hảo cho tôi biết từ hôm kia là chỉ tập trung vào bàn lời nói đầu của Hiến pháp mà thôi. Anh Chu Hảo đã thay mặt cho nhóm soạn thảo kiến nghị 7 điểm trình bày toàn văn đoạn chúng tôi kiến nghị phải sửa lời nói đầu như thế nào. Rõ ràng đây là một việc làm quang minh chính đại theo yêu cầu của những người chủ trương nhân dân góp ý kiến vào Hiến Pháp, thì chúng tôi làm!” Những tấn công dồn dập bằng mọi cách, mọi phương tiện sẵn có đối với kiến nghị 72 của truyền thông đại chúng, đặc biệt là hệ thống VTV1 của nhà nước đã làm người dân thật sự thất vọng. Vừa kêu gọi góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp lại vừa trù dập, vu khống, bôi bẩn những người góp ý vì không phù hợp với ý muốn của Đảng. VTV1 gọi là tranh luận nhưng những người được mời lên chỉ nói chung một thứ ngôn ngữ và do đó không khí tranh luận được xem như không có. Giáo sư Tương Lai nhận xét việc này thông qua sự việc VTV1 phỏng vấn ông Nguyễn Đình Lộc: “Dùng xảo thuật ngôn từ để ăn gian trong thảo luận, tệ hơn nữa là quy kết hăm dọa để vu vạ, hãm hại người khác là hành vi khó nhận diện và luận tội hơn nhiều so với tham nhũng, ăn cướp, giết người. Thế mà có khi những việc làm thiếu lương thiện như vậy lại gây ra tai họa cho xã hội không kém nặng nề. Không phải vô cớ mà người xưa nói: “Một lời nói một đọi máu”. Không bao giờ có một cuộc thảo luận đúng nghĩa nếu người tham gia thiếu lương thiện. Và càng cần sự lương thiện trân trọng từ mọi người nhất là những người nắm quyền phát ngôn, những cái miệng có gang có thép trên các phương tiện thông tin đại chúng.” Mặc dù đa số cư dân mạng giận dữ với thái độ của ông Lộc nhưng không ít người cho rằng ông Nguyễn Đình Lộc có phải là nạn nhân hay không chưa ai dám cả quyết nhưng những gì ông nói bị đưa vào một chương trình mà chủ đích hạ nhục kiến nghị 72 quá lộ liễu khiến tính chính danh của một hệ thống truyền thông cấp quốc gia bị lệch lạc như chính nội dung mà nó đưa ra.
|